16/12/2022

Tái bản tác phẩm triết học kinh điển Luân Lý Học của Aristotle

Aristotle (384 TCN – 322 TCN), triết gia vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại cùng với người thầy Plato của mình, được mệnh danh là “Cha đẻ của triết học phương Tây”. Trước tác của ông có độ bao quát rộng lớn trên nhiều chuyên ngành như siêu hình học, logic học, chính trị, nghệ thuật, hùng biện, tâm lý học, kịch nghệ,… và đặc biệt là đạo đức. Các trước tác của ông đa phần đã thất tán, chỉ còn một phần ba trong số các tác phẩm ấy được lưu giữ lại đến nay, và may mắn cho chúng ta, những tác phẩm kỳ vĩ nhất vẫn được lưu truyền, trong số đó có Luân Lý Học (Nicomachean Ethics).

Luân lý Học (Ἠθικὰ Νικομάχεια) là một trong những trước tác quan trọng bậc nhất của Aristotle, đóng vai trò nền tảng cho triết học đạo đức của phương Tây. Chủ yếu và trọng tâm của tác phẩm là một luận thuyết về Giáo dục Đạo đức. Luân Lý Học thảo luận đặc biệt về những phẩm chất nhân văn đáng ngưỡng vọng phù hợp với một cuộc sống của một cộng đồng văn minh có tổ chức, giúp một người trở thành một “công dân tốt” và xem xét cách những phẩm chất đó có thể được nuôi dưỡng hoặc tạo ra và phòng tránh những phẩm chất trái ngược.

Để xây dựng một xã hội tốt đẹp, Aristotle đã đưa ra một luận thuyết bao gồm 2 phần: phần đầu là Luân lý học và phần sau là Chính trị luận. Luân Lý Học nguyên văn tiếng Anh là Nicomachean Ethics, được người con và người kế vị trường Lyceum của ông biên tập lại từ các bài giảng của ông khi còn sống tại Lyceum. Luân Lý Học ra đời vào lúc các trường phái triết học của Hy Lạp nở rộ với nhiều triết gia bàn về hạnh phúc và cách thức xây dựng xã hội. Tuy nhiên, Aristotle đã vượt lên trên các triết gia trước đó và cả nhiều triết gia sau này khi ông chỉ ra được bản chất thực sự của hạnh phúc và cách thức có được hạnh phúc. Từ quan sát và đánh giá xã hội đương thời cũng như trước đó, Aristotle cho rằng hạnh phúc chính là điều tốt nhất và là mục đích cao nhất của con người. Và để có được hạnh phúc, con người cần tuân thủ sống theo các phẩm hạnh. Aristotle đã phân tích và lấy ví dụ tỉ mỉ về các loại phẩm hạnh cụ thể.

Thông số sách

Tên đầy đủ: Luân Lý Học – Nicomachean Ethics

Tác tiếng Anh: Aristotle

Dịch giả: Drummond Percy Chase (bản tiếng Anh)

 Lĩnh vực: Triết học đạo đức, Đạo đức học

Tủ sách: Book Hunter

Số trang: 320 trang

Cỡ sách: 16X24cm

Tình trạng bìa: Bìa cứng

Lượt in: Tái bản lần II, có chỉnh sửa

Cấp phép: NXB Đà Nẵng

Mã số ISBN: 978-604-84-6960-3

Ngày phát hành: 20/11/2022

>>Click vào ảnh để đọc thử: 

Mục lục:

Quyển I: Hạnh Phúc

Quyển II: Phẩm hạnh Đạo đức

Quyển III: Trách nhiệm Đạo đức

Quyển IV: Phẩm hạnh Đạo đức (tiếp)

Quyển V: Công chính

Quyển VI: Phẩm hạnh Trí tuệ

Quyển VII: Chế ngự bản thân và Tự chủ

Quyển VIII: Tương giao

Quyển IX: Tương giao

Quyển X: Khoái lạc

Nội dung chính của LUÂN LÝ HỌC

Ý tưởng chính:

Trong Luân lý học, ông đã không đặt bản thân mình vào một cá nhân trừu tượng hoặc cô lập, mà ông luôn luôn nghĩ về cá nhân đó trong hoàn cảnh chính trị và xã hội của ông, với một bản chất cho trước tới từ chủng tộc, sự di truyền và môi trường nhất định. Do quan sát con người cá nhân này, ông đã nghiên cứu bản chất và sự hình thành nhân phẩm của ông – tất cả những điều ông có thể khiến bản thân hoặc được người khác tác động lên mà thành hình. Đặc biệt ông đã điều tra những dạng thức được thán phục của nhân cách và cách thức hình thành các nhân cách đó.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng tạo ra các nhân phẩm tốt không phải là mục đích hành động của cá nhân hay nhà nước: đó là mục đích của mỗi người bởi vì nhân phẩm tốt là một điều kiện không thể thiếu và là nhân tố chính của hạnh phúc, mục đích của mọi hành vi con người. Mục Đích của mọi hành động, cá nhân hay tập thể, đó là hạnh phúc lớn nhất ở số lượng lớn nhất. Aristotle nhấn mạnh rằng không có khác biệt giữa điều tốt của một người và điều tốt của nhiều người hay của tất cả. Sự khác biệt duy nhất đó là về số lượng hay quy mô. Điều này không có nghĩa đơn giản là Nhà nước tồn tại nhằm đảm bảo về mặt mức độ mà các cá nhân đơn lẻ mong muốn, nhưng quá yếu đuối để đạt được mà không cần tới Nhà nước. Ngược lại, nó nhấn mạnh rằng bất cứ điều tốt nào xã hội có thể cho phép một người chắc chắn luôn luôn có được cái giá trị – dù anh ta có nhận thức được hay không – mà, một khi được đảm bảo, anh ta nhận ra là mình đang sở hữu. Cuộc sống hạnh phúc và tốt nhất đối với một cá nhân là một cuộc sống mà Nhà nước có thể mang tới, và rằng nó thực hiện bằng cách hiển lộ cho mỗi cá nhân các đối tượng ham muốn mới và giáo dục anh ta cách trân trọng chúng.

Luân lý học, với mục đích của ông là hướng tới sự hình thành tính cách, chủ yếu và trọng tâm là một luận thuyết về Giáo dục Đạo đức. Nó thảo luận đặc biệt về những phẩm chất nhân văn đáng ngưỡng vọng phù hợp với một cuộc sống của một cộng đồng văn minh có tổ chức, và giúp anh ta trở thành một “công dân tốt” và xem xét cách những phẩm chất đó có thể được nuôi dưỡng hoặc tạo ra và phòng tránh những phẩm chất trái ngược.”

Trích Lời giới thiệu Luân Lý Học của giáo sư J.A.Smith

Về Aristotle

Trích từ bài viết về Aristotle trên trang History:

Triết gia Hy Lạp Aristotle (384-322 TCN) đã có những đóng góp lớn lao và trường tồn trong hầu hết từng khía cạnh của kiến thức nhân loại, từ logic đến sinh học, đến cả luân lý học và mỹ học. Mặc dù trong thời cổ đại ông bị mờ khuất dưới chiếc bóng của người thầy Plato, thì trong khoảng thời gian hậu cổ đại cho đến thời kỳ Khai Sáng, những tác phẩm còn sót lại của Aristotle vẫn mang lại sự ảnh hưởng vĩ đại. Trong triết học Ả-rập ông được biết đến như “Người Thầy Đầu tiên”; còn ở phương Tây ông là “Vị Hiền Triết.”

Bạn có biết rằng các tác phẩm của Aristotle còn sót lại đến nay dường như chỉ là những bài giảng hơn là văn chương, còn các tác phẩm nay đã thất lạc của ông lại chứa văn phong có chất lượng cao hơn hoàn toàn. Triết gia La Mã Cicero đã có câu “Nếu văn của Plato tựa bạc quý thì của Aristotle là một dòng sông vàng.”

Khi Plato qua đời năm 347 TCN, quyền quản lý Học viện được trao cho người cháu trai Speusippus. Không lâu sau Aristotle rời Athens, không thể biết chắc rằng là đó là do sự thất vọng dành cho Học viện hay là những bất lợi chính trị liên quan đến quan hệ gia đình của ông ở Macedonia đã làm ông ra đi vội vã.  Ông sống 5 năm như một vị khách của những người học trò cũ tại Assos và Lesbos thuộc vùng bờ biển Tiểu Á. Chính nơi đây ông đã thực hiện các nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực sinh học hải dương và kết hôn với Pythias và có cùng bà đứa con gái duy nhất cũng mang tên Pythias.

Năm 342 TCN Aristotle được triệu hồi về Macedonia bởi Vua Philip II để làm gia sư cho con trai ông, người sau này trở thành Alexander Đại đế—một cuộc gặp gỡ của hai nhân vật lịch sử mà theo lời một nhà bình luận hiện đại là “để lại tác động cực kỳ nhỏ bé đối với cả hai.”

Aristotle trở lại Athens năm 335 TCN. Vì là người vùng khác nên ông không thể sở hữu tài sản nơi đây, nên ông đã thuê lại không gian của Lyceum, vốn là một trường đấu vật ở ngoại ô. Cũng như Học viện Plato, trường Lyceum đã thu hút học viên khắp đất Hy Lạp và phát triển một giáo trình với trọng tâm dựa trên những giảng dạy của người sáng lập trường. Thể theo nguyên tắc của Aristotle về việc khảo cứu nhiều tác phẩm khác nhau như là một phần của sự phát triển triết lý, trường Lyceum đã thu thập được một bộ sưu tập các văn bản mà từ đó trở thành một trong những thư viện vĩ đại đầu tiên trên thế giới.

Vào thế kỷ 13, Aristotle đã được tái giới thiệu ở phương Tây thông qua công trình của Albertus Magnus và đặc biệt là Thomas Aquinas, người mà công trình tổng hợp xuất sắc giữa tư tưởng Aristotle và Thiên Chúa giáo của ông đã tạo nên nền tảng triết học, thần học, khoa học của Công giáo sau Trung Cổ.

Sức ảnh hưởng toàn cầu của Aristotle trở nên khá nhợt nhạt trong thời Phục Hưng và Cải cách Tin Lành (Reformation) khi các nhà cải cách tôn giáo và khoa học chất vấn việc Nhà thờ Công giáo đã thêm thắt vào những lời giáo huấn của Aristotle. Các khoa học gia như Galileo và Copernicus bất đồng với quan điểm coi Địa cầu là trung tâm Thái dương hệ của ông, còn các nhà giải phẫu học lại mổ xẻ các lý thuyết của ông về sinh học. Tuy nhiên cho đến tận ngày nay, nghiên cứu của Aristotle vẫn giữ cương vị như một xuất phát điểm quan trọng trong bất kỳ việc lý luận nào về logic, mỹ học, lý thuyết chính trị và luân lý.

Trong cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Aristotle giành lại sự ảnh hưởng khi những vấn đề ông đặt ra trong Luân Lý Học và các bộ công cụ tư duy của ông ngày càng trở  nên quan trọng. Aristotle đặc biệt có ảnh hưởng lớn tới triết gia hiện đại Michael Sandel trong tác phẩm best-seller “Phải – Trái – Đúng -Sai”. Trích bài trả lời phỏng vấn Michael Sandel về Công Bằng:

“Tôi muốn trình bày như sau: cách tiếp cận thứ ba, quan điểm của Aristotle, rất thiết yếu. Chúng ta không thể hiểu các cuộc tranh luận của chúng ta về công bằng mà không rút ra, ở một vài mức độ nào dó, từ cách tiếp cận thứ ba này, trường phái Aristotle. Và lý do tôi nghĩ nó quan trọng và đáng tập trung vào là vì hầu hết cuộc tranh luận của chúng ta ngày nay đều là những tranh cãi giữa hai cách tiếp cận dầu tiên: quan điểm vị lợi và quan điểm nhân quyền. Ví dụ, các tranh luận về tra tấn chẳng hạn.

Có nhiều người đồng ý chúng ta nên tra tấn một kẻ tình nghi khủng bố để tìm ra bom nổ chậm được đặt ở đâu. Đó là một quan điểm mang tính vị lợi – con số quan trọng, hậu quả quan trọng. Để phản đối lại, những người theo trường phái Kant sẽ cho rằng “Không, có những quyền con người nhất định và những thứ nhất định là sai – tra tấn là một trong số đó, không cần biết đến hậu quả là gì.” Vì thế chúng ta rất quen với cuộc tranh luận giữa quan điểm mang tính vị lợi và quan điểm theo kiểu nhân quyền. Tôi nghĩ điều chúng bỏ qua thường xuyên chính là cách nhìn của Aristotle.

Hãy tiếp tục với tranh luận về tra tấn. Một vài người nói theo khía cạnh vị lợi, bạn nên tra tấn tên khủng bố tình nghi nếu bạn rất rất cần thông tin, và bạn không thể lấy được bằng bất cứ cách nào khác và nhiều mạng người đang bị đe dọa. Nhưng vậy thì hãy cho những người theo thuyết vị lợi câu hỏi này: giả sử cách duy nhất để lấy thông tin từ tên khủng bố bị tình nghi là không phải tra tấn hắn mà tra tấn người con gái 14 tuổi ngây thơ của hắn. Bạn có làm không? Thậm chí đa phần người theo thuyết vị lợi sẽ ngần ngại. Vì sao? Không phải vì họ không quan tâm đến con số hay hậu quả, mà vì trực giác đạo đức sâu bên trong cho rằng đứa bé đó ngây thơ, không đáng bị tra tấn. Trong khi đó nhiều người nói rằng tra tấn trong tình huống tìm bom hẹn giờ ở trên là thích đáng – đó là vì họ đang ỷ vào suy nghĩ rằng “dù thế nào thì hắn ta cũng là một kẻ tồi tệ, hắn ta xứng đáng nhận trừng phạt tàn bạo, hắn ta là tên khủng bố”. Vì vậy ai xứng đáng với cái gì và tại sao, và phải làm gì với phẩm hạnh của con người thường xuyên hiện diện mà chúng ta không nhận thức được trong nhiều cuộc tranh luận. Vì thế điều tôi đang gắng làm là chỉ ra trong các tranh cãi về sự công bằng, không chỉ lợi ích và nhân quyền mà còn cả những câu hỏi về xứng đáng, phẩm hạnh và lợi ích chung như Aristotle đã hiểu chúng, đang hiện diện và không thể thiếu ngày nay.”

>> Đọc thêm: Phỏng vấn Michael Sandel về Công bằng – Book Hunter

Tư tưởng của Aristotle cũng được các nhà triết học nữ quyền đánh giá cao, trái ngược với xu hướng nữ quyền trước đó vốn coi Aristotle như một tác giả đi ngược lại nữ quyền. Các nhà triết học nữ quyền đương đại học tập từ Aristotle năng lực logic và tự chủ để nắm chắc “bộ công cụ tri thức” cho tương lai. Trong tuyển tập các bài luận về nữ quyền “Triết học cho con gái” (Melissa Shew &Kimberly Garchar chủ biên), Aristotle đã được tôn vinh:

Có rất nhiều cách để nghĩ về điều mà các triết gia gọi là “phẩm hạnh” hay “các phẩm hạnh.” Aristotle, một triết gia Hy Lạp cổ đại, đã phát triển một lý thuyết luân lý dựa trên tầm quan trọng của việc tu dưỡng các phẩm hạnh trong đời người. Aristotle xem thế giới bao gồm những loại sinh vật và thực thể khác nhau. Mỗi loài này lại chứa đựng hoặc phản ánh một bản chất khác nhau phù hợp với nó và cùng với mỗi bản chất độc nhất là một mục đích hoặc mục tiêu riêng biệt. Khi một điều gì đó bộc lộ hoặc thể hiện bản chất vốn có thông qua việc thực hiện tốt chức năng, nó sẽ là ví dụ mẫu mực cho loại của mình. Một trong số những loại này là con người, và, theo Aristotle, mục tiêu của một người là sự suy luận thấu đáo. Nếu một người đưa cuộc đời cô ấy đi theo lý lẽ đúng đắn và thông qua việc tu dưỡng những phẩm hạnh khác nhau, cô ấy sẽ thăng hoa. Aristotle nói trong Nicomachean Ethics, con người tốt nhất mà một người có thể trở thành con người phẩm hạnh mà bản thân sở hữu và biểu hiện hay hành động phù hợp với các phẩm hạnh. Aristotle cũng nói với chúng ta rằng các đặc điểm tính cách mà một người phải tôi rèn cũng như thực hành đều là những đặc điểm đưa đến một thế giới tốt đẹp. Tuy nhiên, các triết gia lại không đồng tình về ý nghĩa của cái tốt mà chúng ta hướng đến, “thế giới tươi đẹp”. Chẳng hạn, Aristotle cho rằng lòng dũng cảm trong chiến trận là một phẩm hạnh. Nhưng nếu lòng dũng cảm trong chiến trận là một phẩm hạnh, thì nó nói lên điều gì về một thế giới tốt đẹp đây? Nếu lòng dũng cảm trong chiến trận đưa đến một thế giới có phẩm hạnh, thì thế giới có phẩm hạnh đó phải chứa đựng cả chiến trận. Song nhiều người trong số chúng ta sẽ tưởng tượng ra một thế giới có phẩm hạnh theo cách khác: chúng ta có thể tưởng tượng rằng trong một thế giới có phẩm hạnh, hòa bình ở muôn nơi và cần phải không có tranh đấu. Do đó trong một thế giới hòa bình, lòng dũng cảm trong chiến trận có thể lỗi thời, không cần thiết hoặc thậm chí có thể dẫn đến sai trái trên thế giới. Hơn thế nữa, vì điều chúng ta nghĩ là phẩm hạnh và tốt đẹp chỉ là loại đặc điểm tính cách đưa đến, hoặc là một phần, của thế giới tươi đẹp, chúng ta cần thống nhất về việc thế giới tươi đẹp đó có thể trông như thế nào, từ đấy chúng ta mới có thể xác định được những loại đặc điểm tính cách tạo ra nó.”

>>Trích tiểu luận “TZEDEK – Làm những gì phải làm” của Devora Shapiro, trong tuyển tập tiểu luận triết học nữ quyền “Triết học cho con gái” (Melissa Shew & Kimberly Garchar chủ biên).

Về lựa chọn bản dịch và cách dịch của Book Hunter

Bản dịch của chúng tôi được dịch từ phiên bản tiếng Anh “Nicomachean Ethics” của Drummond Percy Chase, giới thiệu bởi J. A. Smith. Cả hai đều là những học giả nổi tiếng của Cộng đồng Aristotle. Drummond Percy Chase (1820 – 1902) là hiệu trưởng của St Mary’s Hall, Oxford. Ông đã gắn bó với khuôn viên đại học Oxford 60 năm cho tới tận khi chết và The Times đã tôn vinh ông là người nổi tiếng nhất cộng đồng Oxford. John Alexander Smith (1863-1939) sinh sau Drummond Percy Chase 43 năm nhưng đã có thời gian cùng hoạt động dưới khuôn viên đại học Oxford và có chung mối quan tâm đối với Aristotle. John Alexander Smith cùng với một số nhà nghiên cứu Triết học nổi tiếng khác đã thành lập ra Cộng đồng Aristotle Oxford (Oxford Aristotelian Society) từ những năm 1880 dưới sự lãnh đạo của Ingram Bywater (1840-1914) cho tới tận khi Bywater nghỉ hưu vào năm 1908. Họ thường tụ tập với nhau và thảo luận về triết học của Aristotle, đánh giá các bản dịch và sau cùng cho ra đời các bản dịch toàn bộ sáng tác của Aristotle. Và ông đã lựa chọn bản dịch của tiền bối Drummond Percy Chase để giới thiệu tới độc giả. Sau khi đã khảo sát nhiều phiên bản tiếng Anh của cuốn sách, trong đó nổi tiếng nhất là bản dịch của W.D. Ross, chúng tôi quyết định chọn bản dịch vừa đề cập ở trên bởi đây là phiên bản được chú giải kỹ lưỡng và phần giới thiệu của J.A. Smith đã giúp chúng tôi thực sự hiểu tác phẩm hơn, trong bối cảnh chúng tôi không có được sự trợ giúp từ các chuyên gia về Aristotle người Việt Nam.

Bản dịch của Book Hunter có tiêu đề là “Luân lý học” hẳn sẽ gây nên nhiều thắc mắc: Tại sao không giữ tên Nicomachus – người con trai đã có công sửa chữa tác phẩm này? Hoặc tại sao không dịch là “Đạo đức học” giống như nhiều học giả Việt Nam khác? Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên: khó khăn nằm ở tiếng Việt. Chúng tôi sẽ đặt tên cuốn sách như thế nào: “Luân lý học của Nicomachus”, “Luân lý học do Nicomachus”, “Bản Luân lý học của Nicomachus”, “Luân lý học Nicomachus”… tất cả đều không hợp lý. Do đó, chúng tôi mạo muội không nhắc đến Nicomachus ở tiêu đề và dành những lời giới thiệu này cho ông. Câu trả lời cho câu hỏi thứ hai: luôn có nhiều tranh luận xung quanh sự khác biệt giữa luân lý và đạo đức trong tiếng Việt. “Luân lý” ý muốn nói đến hệ thống chuẩn mực về cái tốt trong một cộng đồng, điều này tương xứng với khái niệm “ethic” có gốc từ “ēthos” trong tiếng Hy Lạp với nghĩa là truyền thống, tập quán. “Ethic” khác với “moral” (mà chúng tôi chọn dịch là “đạo đức”), vốn có gốc Latin là “mos” với nghĩa tâm tính, và đến thế kỷ XIV thì được sử dụng để chỉ những hành vi đúng đắn. Chọn dịch “moral” là “đạo đức” là vì chúng tôi dựa trên học thuyết của Lão Tử trong “Đạo Đức kinh”, trong đó Lão Tử luận rằng con người làm điều đúng khi hợp với quy luật của vạn vật. Trong tác phẩm này, Aristotle cũng nhiều lần nhắc đến “lựa chọn đạo đức”, “nhân cách đạo đức”, “trạng thái đạo đức”, “hành động đạo đức”, “phẩm hạnh đạo đức”… đều thể hiện cho mục đích hướng tới điều tốt. “Đạo đức” là đối tượng được bàn đến, là chuẩn mực cần hướng tới, và Aristotle thông qua chuỗi lập luận của mình để phân định các vấn đề về đạo đức. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ nội dung của tác phẩm, bởi vì tác phẩm không chỉ bàn về các đức hạnh mà còn bàn về trí tuệ, tài năng và hạnh phúc,… những chủ đề tuy không hoàn toàn nằm ngoài “đạo đức” nhưng vẫn có nội hàm tách biệt. Do đó, chúng tôi chọn cách dịch tựa đề của cuốn sách là “Luân lý học”, tức là cuốn sách bàn về hệ thống những chuẩn mực đúng đắn trong xã hội, hướng đến hình thành những con người tốt, tiền đề cho vấn đề quản trị quốc gia được đề cập trong “Chính trị luận” của ông.

Sau gần nửa năm tập trung toàn lực cho “Luân lý học” của Aristotle, nhóm dịch của chúng tôi đã hoàn thành bản dịch cuốn sách. Chúng tôi phải thú nhận rằng cuốn sách có phần vượt quá năng lực của nhóm, vì lối tiếng Anh hàn lâm của Drummond Percy Chase khiến cho sự đọc hiểu không dễ chút nào, thêm nữa là những lập luận trừu tượng của một triết gia cách đây hơn hai ngàn năm đã nhiều lần bị thất tán, sửa đổi, dịch thuật… khó tránh khỏi “tam sao thất bản”. Riêng quyển VI, chúng tôi rất tiếc phải cảnh báo rằng độc giả sẽ bối rối khi đọc, bởi vì không phải chỉ chúng tôi khó khăn để hiểu mà ngay cả giáo sư J. A. Smith, người viết giới thiệu cho phiên bản tiếng Anh và đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu Aristotle cũng thừa nhận rằng ông không hiểu phần nội dung này. Do đó, mặc dù chúng tôi mong muốn được mang đến cho các bạn đọc một ấn bản hoàn hảo nhưng rồi cũng chấp nhận sự bất toàn của bản dịch.

Chính sách giá và phân phối

Giá niêm yết: 350.000

Chiết khấu phân phối: 30%

Chương trình khuyến mại tối đa: 20% giá bìa

Khuyến nghị marketing dành cho đơn vị phân phối

Các nhóm khách hàng mục tiêu: Những nhà nghiên cứu hoặc sinh viên triết học, tâm lý học, pháp luật; những người đang băn khoăn về các vấn đề đạo đức cá nhân và xã hội; những nhà xã hội học đang tìm hiểu các vấn đề về công bằng…

Từ khóa quan trọng: luân lý, đạo đức, trung đạo, hạnh phúc, phẩm hạnh, triết học Aristotle, triết học đạo đức, đạo đức xã hội.

Gợi ý Combo với các sách của Book Hunter:

  • Luân Lý Học (Aristotle) + Bhagavad Gita + Bàn về nền tảng đạo đức (Athur Schopenhauer) => Suy nghĩ Đúng đến Hành động Đúng.
  • Luân Lý Học + Triết học cho con gái => Tự chủ trong tri thức & hành động.
  • Dự kiến: Luân Lý Học + Siêu hình học + Hùng Biện + Chủ Đề + Linh Hồn => Bộ công cụ hiểu và diễn giải thế giới của Aristotle. (Tháng 12/2022)

Gợi ý Combo với các sách hiện đạng có trên thị trường:

  • Luân Lý Học + Chuyên luận nhỏ về những phẩm hạnh lớn (Andre Comte-Sponville – NXB Tri Thức) => Những phẩm hạnh tốt đẹp
  • Luân Lý Học + Phải Trái Đúng Sai (Michael Sandel – NXB Trẻ)

Trích dẫn hoặc dữ liệu hay:

  1. Luận điểm đúng đắn nhất phải vừa hữu dụng với tri kiến và vừa hữu dụng với cuộc sống”.
  2. Rõ ràng nhiều người khá mù quáng, lựa chọn cuộc đời giống như những con vật hung ác. Tuy nhiên, họ lại có lý lẽ cho lựa chọn của mình. Người có học thức và năng động cũng xem nó là niềm tự hào: bởi điều này có thể được cho là mục đích của cuộc sống xã hội: nhưng hiển nhiên, nó quá thiển cận để làm đối tượng nghiên cứu của chúng ta, bởi nó được xem là phụ thuộc vào người ban phát hơn là người tiếp nhận, trong khi Điều Tốt Nhất mà chúng ta cảm nhận theo bản năng phải là điều gì đó thuộc về chúng ta, và không dễ bị tước đoạt khỏi chúng ta.
  3. Giàu sang rõ ràng không phải điều tốt mà chúng ta đang tìm kiếm, bởi giàu sang là để sử dụng, có nghĩa là, vì lợi ích của một điều gì đó lớn hơn.
  4. Hạnh Phúc là cái gì đó tột cùng và mãn nguyện, là đích đến của tất cả mọi điều được làm cũng như có thể được làm.
  5. Liệu Hạnh Phúc là điều có thể học được hay đạt được nhờ hành động hoặc rèn luyện bằng một số hình thức khác hay không, hoặc nó được phân phát theo cách linh thiêng hay là theo vận may rủi.
  6. Người Kỳ vĩ là người có kiến thức, bởi anh ta có thể nhìn thấy điều gì phù hợp, và có thể chi tiêu lớn vào những thứ có thẩm mỹ; bởi vì, như chúng ta đã nói ở phần đầu, thói quen đã xác lập được quyết định bởi các hành động và các đối tượng của nó.
  7. …công việc tương xứng với chi tiêu, và điều này tương xứng trở lại với công việc, hoặc thậm chí còn hơn: người Kỳ vĩ sẽ thực hiện những chi tiêu đó từ động cơ đáng kính, thường gặp ở mọi phẩm hạnh, và bên cạnh đó anh ta sẽ thực hiện điều này với vui thú và sự rộng rãi; bởi vì tính toán chính xác quá mức đồng nghĩa với Bủn xỉn. Anh ta sẽ xem xét cả cách thức để một việc có thể được thực hiện đẹp nhất và phù hợp nhất có thể, hơn là cần hết chi phí là bao nhiêu và làm sao để chi tiêu ít nhất để hoàn thành nó.
  8. Do đó đặc điểm của một người Kỳ vĩ là làm gì cũng kỳ vĩ: bởi sản phẩm của anh ta làm ra không dễ dàng bị vượt qua, và nó tương xứng với một tỷ lệ hợp lý với chi tiêu mà anh ta bỏ ra.
  9. Một người được cho là có Tâm Tư Vĩ Đại là người coi trọng bản thân và đồng thời làm điều đó một cách công bằng, bởi vì một kẻ làm như vậy theo cách không xứng với giá trị của anh ta thì thật là ngu xuẩn, và không một nhân cách phẩm hạnh nào lại ngu xuẩn hay điên rồ cả.
  10. …không có sự khác biệt giữa việc kẻ xấu cướp của người tốt hay ngược lại, người tốt cướp của kẻ xấu, cũng như dù người tốt hay xấu phạm tội ngoại tình: luật pháp chỉ quan tâm đến sự khác biệt được tạo ra bởi thiệt hại và đối xử với con người như trước đây họ vẫn bình đẳng, trong đó người này gây ra và người kia bị chấn thương hoặc tổn thương. Và vì vậy, sự Bất Chính này, do bất công, người thẩm phán nỗ lực tái thiết lập công bằng, bởi vì thực sự khi một bên bị thương và bên kia đã đánh anh ta, hoặc một bên giết và người kia chết, sự đau khổ và việc làm bị chia thành những phần không đồng đều; vậy là, thẩm phán cố gắng khôi phục sự bình đẳng bằng hình phạt, do đó lấy từ lời lãi mà người ta nhận được.
  11. Vì vậy, sứ mệnh của thẩm phán là làm mọi thứ công bằng, và giống như thể có một vạch phân chia không đồng đều, ông ta lấy từ phần nhỉnh hơn và thêm vào phần ít hơn. Và khi tổng thể được chia thành hai phần chính xác bằng nhau thì người ta nói rằng họ đã có phần của họ, khi họ đã có được những phần chia bằng nhau; và ở đây bình đẳng là một Trung Đạo giữa nhiều hơn và ít hơn theo sự cân bằng mang tính số học.
  12. Về Cảm Xúc, ví dụ như dục vọng, giận dữ, sợ hãi, tự tin, ghen tị, niềm vui, tình bạn, thù ghét, khát khao, cạnh tranh, thương cảm, nói tóm lại tất cả những cảm xúc như vậy đều đem đến Vui Thú hoặc Khổ Đau. Về Khả Năng, nhờ các khả năng mà chúng ta được cho là có thể có những cảm xúc này; nhờ các khả năng chúng ta có thể nổi giận, hoặc đau buồn, hoặc động lòng trắc ẩn. Với Trạng Thái, nhờ các trạng thái mà chúng ta ở trong một mối tương quan tốt hoặc xấu với những cảm xúc đã nói ở trên; chẳng hạn, đối với việc nổi giận, chúng ta có mối tương quan xấu nếu chúng ta ở trạng thái quá bạo lực hoặc quá chán chường, nhưng nếu chúng ta ở trạng thái Trung Đạo thì chúng ta đang có mối tương quan tốt với cảm xúc. Và những trường hợp còn lại cũng vậy.
  13. Chúng ta cảm thấy sợ hãi và giận dữ mà không có lựa chọn đạo đức, ngược lại Phẩm hạnh là những hành động thuộc về lựa chọn đạo đức, hoặc chí ít chắc chắn không độc lập với lựa chọn đạo đức được.
  14. …dường như ai cũng đều có kỹ năng tránh khỏi sự thiếu và thừa, tuy nhiên tìm kiếm và lựa chọn sự Trung Đạo, không phải tuyệt đối mà là tương đối.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *