Tiến trình của đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh phát triển bền vững của Việt Nam – Hoàng Văn Chung

90.000

Thông tin cơ bản:
– Số trang: 266
– Khổ: 16 x 24 cm
– Bìa mềm
– Tác giả: Hoàng Văn Chung (chủ biên)
– Đơn vị xuất bản: NXB Khoa học Xã hội
– Phát hành: 2020

Giá chưa bao gồm VAT - chưa bao gồm phí vận chuyển

Mô tả

Tôn giáo như một số nhà khoa học đã nhận định về bản chất là các vấn đề mang tính “địa phương”, nay đã trở thành mối quan tâm “toàn cầu”. Hầu như quốc gia nào cũng ý thức được rằng đảm bảo quyền tự do tôn giáo là chiến lược và hành động rất có ý nghĩa và quan trọng đối với tiến trình xây dựng xã hội dân chủ và văn minh. Tự do lựa chọn và tự do diễn tả niềm tin tôn giáo đã là một trong những thước đo hữu hiệu cho năng lực đảm bảo quyền con người của nhà nước và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó…

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, tháng 12/2020, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề: “Tiến trình của đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh phát triển bền vững của Việt Nam” do TS. Hoàng Văn Chung chủ biên. Cuốn sách được đánh giá là ấn phẩm đầy đủ nhất hiện nay bàn về vai trò to lớn của việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam, cuốn sách là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Biến đổi quyền tự do tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quản lý và Viện Nghiên cứu Tôn giáo chủ trì thực hiện trong các năm 2018-2019. Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 chương như sau:

Chương 1. Cơ sở lý luận về quyền tự do tôn giáo và quá trình mở rộng về nội dung và phạm vi của quyền

Thông qua việc tổng quan một số vấn đề như: Tôn giáo và sự tồn tại lâu bền của tôn giáo; Tự do tôn giáo và quyền tự do tôn giáo; Biến đổi nội dung quyền tự do tôn giáo từ năm 1948; Quyền tự do tôn giáo trong cách nhìn của giới học thuật quốc tế… nhóm tác giả khẳng định: Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, trước các xu thế về tư tưởng hay triết lý xuất hiện, giành ảnh hưởng hay lụi tàn, trước các mô hình tổ chức xã hội khác nhau đến rồi đi, bất kể tiến trình của văn minh và tiến bộ của khoa học, tôn giáo vẫn tồn tại như một thành tố không thể thiếu trong mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Ở nơi nào quyền tự do tôn giáo được tôn trọng và đảm bảo tốt, xã hội có sự ổn định, hài hòa và văn minh.

Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, tự do tôn giáo – hiểu cơ bản như là sự tự do lựa chọn và thực hành niềm tin tôn giáo đã luôn nằm ở trung tâm của những xung đột về tư tưởng và cả bạo lực. Chỉ tới gần giữa thế kỷ XX, quyền tự do tôn giáo mới được tuyên bố trên phạm vi toàn cầu là một quyền căn bản và tự nhiên của mỗi người. Nội dung của quyền tự do tôn giáo không phức tạp, nhưng có sự biến đổi nội dung và phương thức đảm bảo ở mỗi quốc gia và trên phạm vi quốc tế kể từ Tuyên ngôn nhân quyền ra đời năm 1948. Thực chất của những thay đổi này là những chi tiết hóa về chủ thể thực thi quyền và trách nhiệm của chủ thể đảm bảo thực thi quyền cho đến năm 1981, việc ban hành một tuyên bố quốc tế dành riêng cho xóa bỏ các hình thức bất khoan khung và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo hay niềm tin tôn giáo đã cho thấy nội dung của quyền tự do tôn giáo được mở rộng thông qua việc liệt kê một cách chi tiết mọi hình thức vi phạm quyền tự do tôn giáo…

Chương 2. Vai trò và ý nghĩa của đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong phát triển bền vững

Trên cơ sở phân tích các nhóm vấn đề liên quan đến vai trò của tôn giáo, ý nghĩa và tầm quan trọng của đảm bảo và thực thi quyền tự do tôn giáo với phát triển bền vững, nhóm tác giả đã làm rõ cơ sở lý luận về phát triển bền vững cùng các mục tiêu của phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu cũng như cấp độ quốc gia và khái quát các lý luận về vai trò mà tôn giáo – trong điều kiện quyền tự do tôn giáo được đảm bảo tốt – đã có thể sẽ thể hiện khá rõ trong đóng góp cho phát triển bền vững củ thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng trong đó có Việt Nam. Tôn giáo trong điều kiện thuận lợi về pháp lý, thể hiện ngày càng rõ các vai trò trong ổn định đời sống xã hội, phòng chống xung đột và kiến tạo hòa bình; đáp ứng nhu cầu tâm linh – tinh thần của người dân; tác động tích cực đến phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên; duy trì và kiến tạo các giá trị làm nên nền tảng đạo đức xã hội và thúc đẩy các tiến bộ về văn hóa, văn minh. Tôn giáo do đó đã bộc lộ ngày càng đậm nết hơn vai trò như một loại nguồn lực xã hội quan trọng đối với các chiến lược xây dựng và phát triển của quốc gia – dân tộc.

Chương 3. Biến đổi về nội dung và phạm vi của quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển bền vững

Phần này tập trung vào hai nội dung lớn đó là: Khái quát biến đổi tôn giáo ở Việt Nam từ sau Đổi mới và điều chỉnh chính sách Nhà nước; Biến đổi quyền tự do tôn giáo từ năm 2004 đến nay trong bối cảnh phát triển bền vững. Qua đó nhóm tác giả khẳng định: Điểm nổi bật nhất trong đổi mới về chính sách và pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam là đã khai mở và giải phóng về phương diện tư tưởng cho câu chuyện mối quan hệ giữa Đảng  Nhà nước và tôn giáo. Những đổi mới này cơ bản đã giải quyết sự mâu thuẫn giữa các nhãn quan vô thần và hữu thần, hóa giải những xung đột về mặt tư tưởng giữa nhà nước với các tổ chức tôn giáo, giữa các tổ chức tôn giáo với nhau và với xã hội thế tục. Từ đó đã kiến tạo những nền tảng bền vững hơn cho sự đồng thuận xã hội và quan trọng không kém là đã chủ động hơn trong việc hạn chế những hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo và quyền con người để chống phá chế độ. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng cho rằng Việt Nam còn có rất nhiều những thách thức phải giải quyết trong việc vi chỉnh, cập nhật, chỉnh sửa bổ sung chính sách và khung pháp lý, hướng tới cách làm việc hiệu quả hơn, hài lòng hơn với các bên liên quan và tiến gần sát hơn với các tiêu chuẩn phổ quát toàn cầu về đảm bảo tự do tôn giáo.

Chương 4. Suy nghĩ về điều chỉnh chính sách của nhà nước đối với quyền tự do tôn giáo trong liên hệ đến các mục tiêu của phát triển bền vững

Thông qua 4 nhóm vấn đề: Về sự chuyển biển cần thiết trong tiếp cận về tôn giáo; Tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo nhất quán trong thực tiễn; Những điều kiện cần thiết cho đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong đặc thù Việt Nam; Tinh chỉnh chính sách về tôn giáo hướng tới phát triển bền vững. Nhóm tác giả cho rằng trong tương lai, nhà nước nên tiến tới tích hợp hoàn toàn các chính sách về tôn giáo vào trong hệ thống chính sách công. Tuân thủ thực hiện đầy đủ các quy trình của hoạt động xây dựng chính sách công về tôn giáo. Quan tâm một cách công bằng đến quyền lợi của các nhóm có tôn giáo thuộc thiểu số; đảm bảo quyền tự do tôn giáo nhất quán trong thực tiễn (theo đặc thù Việt Nam); tinh chỉnh chính sách về tôn giáo hướng tới phát triển bền vững, gắn chính sách và pháp luật về tôn giáo với chiến lược phát triển bền vững đất nước với sự quan tâm nhiều hơn về quyền lợi của các thế hệ tương lai…

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 

Phạm Vĩnh Hà

Thông tin đang cập nhật...

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Tiến trình của đảm bảo quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh phát triển bền vững của Việt Nam – Hoàng Văn Chung”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *