Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 (Năm 2014) – Nguyễn Thị Phương Hoa

112.000

Thông tin cơ bản:
– Số trang: 342
– Khổ: 16 x 24 cm
– Bìa mềm
– Tác giả: Nguyễn Thị Phương Hoa (chủ biên)
– Đơn vị xuất bản: NXB Khoa học Xã hội
– Phát hành: 2020

Giá chưa bao gồm VAT - chưa bao gồm phí vận chuyển

Mô tả

Năm 2014, Trung Quốc đã có hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nghiêm trọng hơn, thực hiện bước đi mang tính chiến lược trong lộ trình kiểm soát và độc chiếm Biển Đông khi nước này đồng thời thực hiện đưa giàn khoan hiện đại nhất đến khoan thăm dò ở vùng biển Hoàng Sa và xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, tốc độ nhanh chưa từng có ở Trường Sa. So với sự kiện tàu chấp pháp của Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 và tàu Viking (năm 2011), sự kiện này tác động đến quan hệ Việt – Trung với phạm vi rộng hơn, mức độ nặng nề hơn. Quan hệ hai nước rơi vào trạng thái căng thẳng nhất kể từ sau khi bình thường hóa năm 1991. Sau sự kiện này, quan hệ Việt – Trung được đánh giá là đã bước vào một thời kỳ mới, trong đó lần đầu tiên phía Việt Nam công khai xác định tính chất hợp tác và đấu tranh cùng song hành.

Cuốn sách “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ sau sự kiện giàn khoan Hải dương 981 (năm 2014) của tập thể tác giả do TS. Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ biên được NXB Khoa học xã hội xuất bản năm 2020. Cuốn sách lấy sự kiện giàn khoan Hải dương 981 (năm 2014) làm dấu mốc để xem xét sự chuyển biến của quan hệ Việt – Trung, phân tích đánh giá quan hệ Việt – Trung từ sau năm 2014 trong mối tương quan so sánh với thời gian trước đó.

Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được chia làm 3 chương:

Chương 1. Bối cảnh quốc tế và trong nước

Chương này đi sâu phân tích, đánh giá những điểm nổi bật của bối cảnh quốc tế và  bản thân mỗi nước có tác động đến quan hệ Việt – Trung từ năm 2014 đến nay, trong đó nhấn mạnh đến một số điểm nổi bật sau: (i) Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung từ thời Tổng thống Obama đến Tổng thống Donald Trump; (ii) Sự phát triển của ASEAN trong giai đoạn mới; (iii) Điều chỉnh chiến lược, cải cách của Trung Quốc; (iv) Cải cách trong nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nhóm tác giả cho rằng, so sánh, tương quan lực lượng trong khu vực đang thay đổi nghiêng về Trung Quốc khiến Mỹ phải điều chỉnh chiến lược với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung cũng thể hiện tập trung ở khu vực Biển Đông. Những điều chỉnh chiến lược và chuyển đổi phương thức phát triển mới của Trung Quốc như chuyển đổi phương thức phát triển, triển khai chiến lược Vành đai và Con đường, chiến lược xây dựng cường quốc biển… sẽ mang lại cơ hội và thách thức đối với phát triển của Việt Nam trong những năm tới nhưng nhóm tác giả cho rằng có thể thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Việt Nam cũng thực hiện những công việc lớn liên quan đến kinh tế, chính trị như tái cơ cấu nền kinh, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng… Vì vậy, Việt Nam cần phải giữ được môi trường bên trong ổn định và môi trường bên ngoài thuận lợi, đây là tiền đề quan trọng trong xử lý quan hệ với các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc. Thêm nữa, những điều chỉnh có liên quan đến đầu tư, ngành nghề trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, sự hội nhập sâu rộng về kinh tế của Việt Nam cũng có tác động đến quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. Bối cảnh bên trong và bên ngoài này sẽ tác động ở các mức độ khác nhau đến quan hệ Việt – Trung kể từ sau năm 2014 đến nay.

Chương 2. Chuyển biến trong quan hệ Việt – Trung từ sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981

Chương này tập trung phân tích, đánh giá tác động của sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đối với quan hệ Việt – Trung, đồng thời chỉ ra những chuyển biến nổi bật trong quan hệ Việt – Trung từ sau sự kiện này ở những lĩnh vực như: chính trị ngoại giao; thương mại; đầu tư trực tiếp và thầu khoán công trình; an ninh, văn hóa và du lịch. Nhóm tác giả khẳng định, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đã đưa quan hệ hai nước rơi vào tình trạng xấu nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Sự kiện này đã làm bộc lộ nhiều vấn đề thuộc về tầng sâu trong quan hệ Việt – Trung. Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đang mất cân bằng dẫn đến nguy cơ phụ thuộc quá mức, trong đó trung Quốc là bên tương đối chủ động điều tiết nhằm gây khó khăn cho Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục áp đặt cách hành xử đơn phương ở Biển Đông, thực hiện hàng loạt hành động gây mất ổn định khu vực như hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên các đảo, diễn tập quân sự, diễn tập bắn đạn thật… Các vấn đề an ninh phi truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều hơn và phát triển theo chiều hướng phức tạp, trong đó có nhiều vấn đề mới xuất phát từ Trung Quốc và ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đến Việt Nam. Tranh chấp Biển Đông đã trở thành khởi nguồn của các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và sự thiếu thiện cảm đối với Trung Quốc trong nhân dân Việt Nam.

Chương 3. Dự báo về quan hệ Việt – Trung

Trên cơ sở phân tích cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn từ quốc tế, khu vực cũng như bản thân mỗi nước Việt Nam, Trung Quốc, nhóm tác giả đưa ra một số dự báo về tình hình trong thời gian tới. Thứ nhất, đến khoảng năm 2025, quan hệ Việt – Trung duy trì cục diện về tổng thể ổn định nhưng không loại trừ tình huống xảy ra căng thẳng, tạm thời gián đoạn như năm 2014. Tuy nhiên sau mỗi lần quan hệ Việt – Trung trở về trạng thái bình thường mới, sự cố Trung Quốc gây ra cho quan hệ hai nước có thể nghiêm trọng hơn, mức độ tổn thương sẽ lớn hơn. Thứ hai, mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ với Việt Nam, song mặt khác vẫn tìm cách ảnh hưởng đến sự phát triển và quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Thứ ba, đầu tư doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phát triển theo hướng tăng mua bán sáp nhập để thâu tóm, nắm giữ một số doanh nghiệp hoặc lĩnh vực, địa bàn chủ chốt của Việt Nam. Thứ tư, Trung Quốc khó có thể sử dụng biện pháp dùng vũ lực để thống nhất đất nước trong ngắn hạn; Thứ năm, trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, với nhiều yếu tố chi phối như giá trị chiến lược, tương quan lực lượng…., ở Biển Đông, khả năng Trung Quốc lựa chọn gây ra biến cố lớn với Việt Nam lớn hơn Philippines. Đặc biệt, dự báo đối với hai vấn đề quan trọng trong quan hệ Việt – Trung được chỉ ra trong nghiên cứu này bao gồm: (i) Quan hệ kinh tế thương mại; (ii) Vấn đề liên quan đến an ninh và Biển Đông.

Cuối cùng, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm phát huy điểm mạnh, lợi thế của hai bên, từ đó góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Việt Nam trong thời gian tới.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín trong và ngoài nước. Hy vọng, cuốn sách sẽ đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Nguyễn Minh Hồng

 

 

 

 

 

 

Thông tin đang cập nhật...

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 (Năm 2014) – Nguyễn Thị Phương Hoa”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *