0
Khí Tiết – Chu Thiên
250.000₫
Thông tin cơ bản:
– Số trang: 150
– Khổ: 16 x 24 cm
– Bìa mềm
– Tác giả: Chu Thiên (Hoàng Minh Giám)
– Đơn vị xuất bản: NXB Hà Nội
– Phát hành: 2020
Hết hàng
Giá chưa bao gồm VAT - chưa bao gồm phí vận chuyển
Mô tả
Quyển “Bút nghiên” và nhất là quyển “Nhà Nho” in ra đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều những lời khuyến khích hoặc phê bình của các bạn hầu khắp gần xa. Khen cũng lắm mà chê cũng nhiều. Ở đây chúng tôi xin thành thực cảm tạ và chỉ nên nhắc đến những ý kiến chê trách, vì chỉ những ý kiến ấy đã đưa chúng tôi viết nên tập sách này.
Những ý kiến phê bình ấy – phần nhiều không giống nhau – tựu chung đều có thể liệt vào hai tư trào chính trái hẳn nhau.
Tư trào thứ nhất buộc chúng tôi có tinh thần thoái hóa, mải mơ tưởng các thời tốt đẹp ngày xưa, mong cho trở lại, nên chỉ nghĩ tả đến cái hay cái đẹp của nhà nho mà không đả động gì đến cái phần xấu xa thấp kém tất nhiên phải có, làm cho độc giả bị mê hoặc, phần nhiều đến phải nuôi trong đầu cái ý nghĩ phục cổ…
Trái lại tư trào thứ hai, lại trách chúng tôi nhiều danh ít thực, dùng một cái tên “Nhà Nho” to tát quá, tổng quát quá, mà ở trong chỉ nói đến mọi tiểu tiết của nhà nho bỏ quên hẳn cái đại đoạn đáng lẽ là phần chính mới hợp với tên sách…
Thực ra nghệ thuật diễn tả của chúng tôi còn quá kém cỏi để đến nỗi được bạn đọc mỗi người nghĩ theo một điều như vậy, chứ bản tâm chúng tôi không hề muốn cổ võ và khôi phục thời đại nhà nhỏ như những bạn theo tư trào thứ nhất đã tưởng. Chúng tôi chỉ tả cái thực trạng xã hội nhà nho trong thời bình và cách đây không xa mấy. Ở một xã hội mà trên dưới có tinh thần nhất trí như xã hội nhà nho bấy giờ, dù có những phần tử xấu xa cũng không thể nào giở thủ đoạn đê tiện ra được bởi vì cá nhân phải chịu quyền chỉ định của xã hội. Tưởng tượng ra những phần tử xấu có những hành động xấu, chỉ là phản lại sự thực thôi, điều mà chúng tôi không muốn. Cái xã hội ấy thế nào chúng tôi chỉ mong tả sao được đúng: nó có đẹp thật nhưng đẹp một cách quá hiền lành, quả ủy mỵ, phản chiếu một trạng thái thụ động. Tất cả cái kém cái hỏng của nhà nho là ở đấy, chúng tôi có giấu giếm đâu.
Còn theo như tự trào thứ hai, cố nhiên cái hành động đại đoạn không có ở trong tập truyện kể trên của chúng tôi. Bởi vì chúng tôi chỉ mới tả đến cái thông thường trong thời kỳ vô sự, mà đã là thông thường trong thời kỳ thái bình vô sự, thì ai cũng như ai tất không thể nào biểu lộ được hành động đại đoạn tức là hành động đặc biệt trong lúc nguy cùng hữu sự. “Tật phong tri kính thảo” gặp cơn gió mạnh mới biết thứ cỏ cứng, ý nghĩa là như vậy.
Để tạ lại thịnh tình các bạn đã ban lời chê trách trên chúng tôi viết những trang sau đây cốt mong trình bày cái tinh thần cao quý của nhà nho, mà cái hay cái đẹp chúng tôi chưa hề nói đến trong những tập truyện trước. Cái tinh thần ấy tóm tắt vào trong hai chữ “KHÍ TIẾT”.
Bình tĩnh mà xét, mấy nghìn năm thấm nhuần nho học tiền nhân, ta đã để lại được những gì xứng đáng với đạo nhà và có thể đem so với di sản của người ngoài mà không thẹn? Tất nhiên không phải là sự nghiệp về văn chương kinh tế hay chính trị. Nước ta quá nhỏ nên phạm vi hoạt động về mọi phương diện đều chật hẹp. Đem những sự nghiệp dù hiển hách của ông cha ta trong phạm vi nhỏ bé chật hẹp ấy mà so với sự nghiệp các danh nhân nước ngoài thì cơ hồ kém bề to tát rộng khắp. Chỉ còn có cái tinh thần mãnh liệt của tiền nhân ta là có thể chói lọi tranh sáng được với người ngoài. Cái tinh thần ấy là khí tiết nhà nho vậy. Cùng tắm gội đạo lý của nho giáo, nhà nho ta cũng được khí tiết chói lòa không kém gì CƠ TỬ, TỶ CAN đời Ân, KHỔNG TỬ, MẠNH TỬ đời Xuân Thu, Chiến Quốc, TÔN VŨ KHỔNG MINH đời Hán, NHAN CHÂN KHANH, QUÁCH TỬ NGHI đời Đường, VĂN THIÊN TƯỜNG đời Tống, LƯU CƠ đời Minh vv… Là vì đã cùng rèn giũa theo quy củ của đạo Nho được dạy luyện ngày từ khi thơ ấu ở trong gia đình cho đến lúc lớn sống bên ngoài xã hội, nhà nho ta hấp thụ được tinh hoa của đạo giáo, do thuần túy kinh nghiệm, đã biến dụng được đạo đức thánh hiền, nuôi thành cái lòng chí thành, nhận rõ lẽ phải, chỉ biết có lẽ phải, sống chết theo lẽ phải. Không vì mình, không vì danh, không vì lợi, nhà nho ta đều biết tin thờ lẽ phải tùy theo tài sức mình. Đại nghĩa diệt thân, theo nghĩa lớn rút bỏ cả người rất thân như cha mẹ vợ con… Sát thân thành nhân giết bỏ thân mình, để làm nên điều nhân lợi cho mọi người, nhà nho ta đã tỏ ra giữ được như vậy. Mà điều nhân nghĩa lớn cũng chỉ là lẽ phải mà thôi.
Do thế, ta phân biệt được nhà nho chân chính với một số những người biết chữ nho. Những người giỏi kinh sử, nhớ chữ nhiều, đỗ cao khoa, mà còn có những hành động đê tiện, vị kỷ, ghen ghét, câu chấp, trái với lẽ phải, nghịch lại quyền lợi công cộng đều chỉ là những người biết chữ nho, giỏi chữ nho chứ không phải là người giữ được đạo nho. Họ chỉ là người ham danh lợi, ngày xưa cũng như ngày nay, do từ chương khoa cử đúc nên, chứ chưa hề bén mảng được đến tinh thần thực hiện đạo học. Những người ấy là con vẹt chữ, không biến dạng nổi tinh thần nhỏ giáo thành của riêng mình. Trái lại những người ít chữ, những bậc đàn bà con gái vô học sống trong gia đình và xã hội nhà nho, do thuần túy kinh nghiệm, tiêm nhiễm, từ lúc nào không ai biết, nhìn rõ được lẽ phải, có những xử sự hợp lý và hợp nghĩa đúng như đạo nho, ta đều phải công nhận là nhà nho chân chính, không ai chối cãi được. Nói tóm lại, những người giỏi chữ hay văn mà không theo đúng tinh thần, không có khí tiết đều không phải là nhà nho. Và những người không biết chữ nhưng có khí tiết lại chính là nhà nho chính thức vậy.
Nhưng cái tinh thần, cái khí tiết nhà nho không phải lúc nào cũng phát lộ giống nhau. Con người ta đã sống trong xã hội phải chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, tất nhiên cái khí tiết cũng phải biến đổi tùy theo hoàn cảnh và thời gian. Nên một vị đại khoa lão thành ở đây đã nói với chúng tôi:
– Thế đạo cứ suy dần, lòng người rời rẽ dần, dư luận xã hội cũng lỏng dần, cho nên cái khí tiết nhà nho cũng thấy phát lộ ít dần và không còn mãnh liệt được bằng các đời trước nữa.
Đây là ý kiến nhìn theo chủ quan, nên mới nhận thấy có một chiều. Bằng vào sự phát lộ mà phê phán, e có phần không đúng. Thực ra còn có nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ nền kiến trúc kinh tế và chính trị ở xã hội đã ảnh hưởng sâu xa vào văn hóa, chỉ định cho khí tiết kia phát lộ mạnh hay yếu, ít hay nhiều. Tựu chung phát lộ ra bằng cách nào đi nữa, cái khí tiết cũng chỉ có một gốc: do lòng chí thành, gây nên bằng sự biến dụng nổi tinh thần đạo học. Có thành mới có khí tiết.
Ở những trang sau đây, chúng tôi thử đem trình bày cái lịch trình biến thiên của khí tiết ấy qua các thời đại. Chúng tôi sẽ lấy những hành động nêu cao khí tiết của những vị xứng đáng tiêu biểu từng thời đại làm chuẩn đích mà nghiên cứu. Mỗi vị nói đến chúng tôi đều thuật qua tiểu sử và cuối cùng phê bình hành động được kể. Không phải chúng tôi dám cả gan đưa thiển ý tầm thường gửi bên hành động oanh liệt của tiền nhân. Chúng tôi chỉ mong đem chút ý kiến riêng làm liên thời đại để cho lịch trình biên thiên kia được thêm vẻ bao quát và nhất trí. Điều mong mỏi ấy có đạt hay không chúng tôi xin đem trình dưới sự xét đoán cao minh của các bạn đọc thân mến.
Trước khi vào truyện, chúng tôi tâm niệm thành kinh cúi đầu dưới tinh thần thiêng liêng mãnh liệt của các danh nhân sẽ thuật trong sách này, với tất cả tấm lòng sùng bái nhớ ơn, mặc dầu chúng tôi sẽ vì thế mà mang tiếng là ngoạn cổ, là đi ngược lại thời gian, và là gì gì nữa…! Điều ấy không đáng kể, chúng tôi chỉ biết tin theo và biểu dương lẽ phải.
Viết tại Phủ Lý hai ngày sau lập Hạ
Năm Giáp Thân (7/5/1944)
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.