Chính sách giao đất, giao rừng cho người Thái ở vùng tái định cư thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La – Phạm Quang Linh, Nguyễn Ngọc Thanh

100.000

Thông tin cơ bản:
– Số trang: 315
– Khổ: 16 x 24 cm
– Bìa mềm
– Tác giả: Phạm Quang Linh, Nguyễn Ngọc Thanh
– Đơn vị xuất bản: NXB Khoa học Xã hội
– Phát hành: 2020

Giá chưa bao gồm VAT - chưa bao gồm phí vận chuyển

Mô tả

Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm đa mục tiêu và đóng vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam nói chung cũng như sự phát triển của các dân tộc vùng Tây Bắc nói riêng. Để xây dựng công trình này, số dân phải di chuyển là 20.477 hộ với hơn 92.301 khẩu của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Trong đó riêng tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.854 hộ với 58.337 khẩu, chiếm gần 60% tổng số hộ phải di chuyển, tập trung nhiều nhất ở hai huyện là Quỳnh Nhai và Mường La. Trong số hơn 90.000 người dân tái định cư thủy điện Sơn La thì đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm đa số trong đó phải kể tới là các dân tộc người Thái, Lự, Mảng, La Ha, Kháng, Khơ mú, Hmông…

Công cuộc tái định cư của người Thái bắt đầu từ những năm 2003 tại xã Ít Long huyện Mường La nơi nhà máy thủy điện Sơn La khởi công xây dựng. Để ổn định cuộc sống của người dân tại nơi tái định cư, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và chính sách phát triển kinh tế – xã hội… Để hiểu rõ hơn vấn đề này, tháng 12/2020, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề: “Chính sách giao đất, giao rừng cho người Thái ở vùng tái định cư thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La” do hai tác giả Phạm Quang Linh và Nguyễn Ngọc Thanh đồng chủ biên. Cuốn sách được đánh giá là ấn phẩm đầy đủ nhất hiện nay bàn về việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng cũng như một số tác động của nó tới đời sống của người Thái ở vùng tái định cư, cuốn sách là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Bộ được thực hiện từ năm 2017-2018 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quản lý và Viện Dân tộc học là cơ quan chủ trì. Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 chương như sau:

Chương 1. Cơ sở lý luận và thực hiện của chính sách giao đất, giao rừng ở vùng tái định cư thủy điện Sơn La

Thông qua việc tổng quan một số vấn đề như: Cơ sở lý luận; Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách giao đất, giao rừng và di dân tái định cư thủy điện Sơn La; Tổng quát hệ thống chính sách của Trung ương và địa phương về giao đất, giao rừng; Một số đặc điểm về người ở vùng tái định cư thủy điện Sơn La, nhóm tác giả cho rằng sự dịch chuyển bắt buộc về nơi cư trú, nơi sản xuất và các hình thức sinh kế được xem như là sự đánh đổi có thể chấp nhận được để tăng thêm nguồn điện, giảm lũ trong mùa mưa, cấp thêm nước cho đồng bằng sông Hồng vào mùa khô. Tuy nhiên, tính chất phức tạp trong việc giải quyết các mục tiêu và hệ quả của công trình đã thúc đẩy các mối quan tâm đôi khi là căng thẳng về hệ thống chính sách trong và hậu thủy điện trong đó nổi bật là chính sách giao đất, giao rừng liên quan đến người Thái, một tộc người đã sinh sống lâu đời tại vùng lòng hồ và gắn bó chặt chẽ với cuộc sống đất ruộng, đất nương, đất rừng. Đảm bảo sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân từ việc thụ hưởng chính sách là việc làm vô cùng quan trọng, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề về môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh.

Chương 2. Chính sách giao đất, giao rừng ở vùng người Thái tái định cư thủy điện Sơn La

Trên cơ sở phân tích cách thức triển khai các chính sách giao đất, giao rừng ở các điểm tái định cư, thực trạng thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, nhóm tác giả nhận định: Để đảm bảo cuộc sống cho người dân tái định cư. Đảng và Nhà nước đã cố gắng sắp xếp và giao cho người dân diện tích đất ở, đất sản xuất phù hợp. Kết quả đạt được nhìn chung được thừa nhận về mặt vĩ mô, khi mà chính sách giao đất, giao rừng đã phục vụ đắc lực cho việc đảm bảo tiến độ giải tỏa, thu hồi và tái định cư, góp phần vào mục tiêu ổn định đời sống kinh tế – xã hội trong và hậu thủy điện với chỉ tiêu cơ bản là đảm bảo được mỗi hộ đều có đất có thể sử dụng được.

Chương 3. Đánh giá hiệu quả việc thực hiện chính sách, những vấn đề đặt ra và kiến nghị giải pháp

Phần này tập trung vào hai nội dung lớn đó là: đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách giao đất, giao rừng; những tồn tại, bất cập trong chính sách giao đất, giao rừng và nguyên nhân, nhóm tác giả cho rằng để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng tỉnh Sơn La cần sớm nghiên cứu triển khai một số chính sách tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất và sớm giao đất cho người dân. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt các nguồn lực như con người, máy móc…để ngay khi Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế – xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La được chính phủ phê duyệt tỉnh có thể nhanh chóng triển khai hoạt động, đem lại nguồn lợi cho người dân…

Chương 4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng

Thông qua 4 nhóm vấn đề liên quan đến đổi mới nhận thức; triển khai thực hiện chính sách giao đất, giao rừng; giải pháp phát triển kinh tế – xã hội; giải pháp giải quyết những bất cập do lịch sử để lại từ quá trình giao đất, giao rừng gắn với tái định cư thủy điện Sơn La, nhóm tác giả nhấn mạnh: hiện trạng đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau chứ không đơn thuần là vấn đề đất đai. Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng không thể có kết quả tốt nếu thiếu đi sự hỗ trợ của hệ thống chính sách song hành về phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh các chính sách phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, tập trung triển khai các nghiên cứu nhằm phát huy tri thức dân gian cũng như khả năng ứng dụng và phổ biến các mô hình sử dụng đất sản xuất, đất rừng thành công trong cộng đồng người dân tái định cư gắn với trình độ học vấn của người dân, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của tộc người Thái và các tộc người khác trong vùng tái định cư thủy điện Sơn La.

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 

Phạm Vĩnh Hà

 

 

 

 

Thông tin đang cập nhật...

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Chính sách giao đất, giao rừng cho người Thái ở vùng tái định cư thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La – Phạm Quang Linh, Nguyễn Ngọc Thanh”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *