12/10/2023

Ra mắt & Đặt trước “Đời sống cà phê tại Nhật Bản” – Merry White

Cà phê là thức uống của “tính hiện đại” cũng như “tính dân chủ” của đất nước Nhật Bản. Từ những quán kissaten truyền thống đóng vai trò là nơi trú ẩn để suy ngẫm và thảo luận, cho đến các chuỗi cửa hàng hiện đại nhộn nhịp phản ánh thị hiếu toàn cầu hóa của Nhật Bản, thế giới cà phê Nhật Bản là một mô hình thu nhỏ của những thay đổi và sự tiếp diễn ngày một lan tỏa rộng hơn trên đất nước.

Theo dõi cộng đồng cà phê sôi động của Nhật Bản trong hơn 130 năm, ĐỜI SỐNG CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN – Từ chủ nghĩa hoàn hảo đến bản sắc văn hóa và chuyển đổi xã hội không chỉ là một cuốn sách về cà phê mà còn là câu chuyện về sự phát triển của đô thị, sự biến đổi xã hội và những không gian nơi những động lực này giao nhau. Qua lăng kính nhân học của tác giả Merry White, chúng ta phát hiện ra rằng ở Nhật Bản, cà phê không chỉ đơn thuần là một thức uống; nó là con tàu chứa đựng những câu chuyện về con người, thành phố và lịch sử chung của họ.

ĐỜI SỐNG CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN mang đến một cái nhìn sâu sắc vào cốt lõi của văn hóa đô thị Nhật Bản, đưa người đọc vào một hành trình khám phá mối quan hệ biến đổi của quốc gia này với cà phê. White đi sâu vào những nét đặc trưng lịch sử, xã hội và văn hóa của cách mà cà phê và quán cà phê đã dệt chúng vào nền văn hóa Nhật Bản kể từ khi thức uống này được giới thiệu vào thế kỷ 19.

Cảm ơn thương hiệu Bloom Coffee Roastery của nghệ nhân cà phê đặc sản Phạm Tuấn Anh đã hỗ trợ một phần kinh phí bản quyền của cuốn sách!

THÔNG SỐ SÁCH:

Tên đầy đủ: ĐỜI SỐNG CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN – Từ chủ nghĩa hoàn hảo đến bản sắc văn hóa và chuyển đổi xã hội

Tác giả: Merry White

Dịch giả: Thảo Minh

Lĩnh vực: Ẩm thực – Xã hội

Tủ sách: Văn hóa Ẩm thực

Số trang: 280

Cỡ sách: 16x24cm

Tình trạng bìa: Bìa mềm

Lượt in: Lần đầu

Cấp phép: NXB Văn học

Ngày phát hành: 30/10/2023

GIÁ BÁN: 190.000 VNĐ

Đặt trước sách để nhận ưu đãi 15% và freeship

Nhận Đặt Trước tới hết 23h00 ngày 30/10/2023. Sách được ship muộn nhất 5 ngày sau ngày phát hành. 

Lưu ý: Chúng tôi chỉ ship sách tới những khách phản hồi xác nhận qua email hoặc số điện thoại. Trong trường hợp quý khách không phản hồi hoặc phản hồi muộn, mà chưa thanh toán, quá 5 ngày sau email hoặc cuộc gọi của chúng tôi, chúng tôi rất tiếc phải hủy suất Đặt Trước, quý khách có thể đặt mua sách với Book Hunter hoặc tại các kênh phân phối khác. 

Nếu thuận tiện, bạn vui lòng thanh toán trước qua số tài khoản dưới đây, như một cách để giúp đỡ Book Hunter huy động đủ vốn in ấn.
Book Hunter tài khoản thanh toán

Để thực hiện dự án dịch tác phẩm Văn hóa cà phê tại Nhật Bản của Merry White, chúng tôi đã dành 6 tháng làm việc (dịch, chỉnh sửa, hoàn thiện) đầu tư khoản tiền ít nhất là 50 triệu (chưa tính chi phí thiết kế và quản lý), bao gồm:

– Bản quyền: 10 triệu

– Nhuận bút: 15 triệu

– Giấy phép: 5 triệu

– In: 25 triệu

Chúng tôi hi vọng rằng bạn sẵn lòng Đặt Trước cuốn sách để chúng tôi có đủ nguồn lực tiếp tục các dự án sách khác trong thời gian tới. 

VĂN HÓA CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN là dự án thuộc Tủ sách Văn hóa Ẩm thực của Book Hunter

Một phần của chúng ta được tạo thành từ những thứ chúng ta ăn. Để nghiên cứu một dân tộc, nếu ta bỏ lỡ văn hóa Ẩm Thực của họ thì cũng bỏ qua đặc trưng tính cách dân tộc nền tảng nhất để hiểu dân tộc ấy, bởi cách một dân tộc chọn lựa ăn uống phản ánh cách thích nghi của người dân với điều kiện tự nhiên và thái độ của họ với hệ sinh thái thiên nhiên. Thấu rõ cách các nền văn hóa ẩm thực hình thành và phát triển đồng thời cũng góp phần kiến tạo một những xu hướng văn hóa mới văn minh hơn nhưng cũng hòa hợp với tự nhiên hơn. Tủ sách Văn hóa Ẩm thực của Book Hunter sẽ lần lượt khám phá các nền văn hóa khác nhau thông qua cách họ xây dựng nền ẩm thực và lan tỏa qua giao thương toàn cầu.

Nội dung chính của ĐỜI SỐNG CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN - Merry White

Ý tưởng chính:

Trong khi Nhật Bản thường gắn liền với các nghi lễ trà và sushi, ĐỜI SỐNG CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN lại mang đến một góc nhìn mới mẻ, tiết lộ một khía cạnh ít được biết đến trong văn hóa của đất nước này. Tác giả Merry White đã khám phá sự hòa nhập sâu sắc giữa cà phê và quán cà phê trong đời sống đô thị Nhật Bản kể từ khi đồ uống này được giới thiệu vào thế kỷ 19. Thông qua cuốn sách, người đọc có cái nhìn sơ lược về các vai trò khác nhau của quán cà phê ở Nhật Bản: là không gian diễn thuyết chính trị, trao đổi trí tuệ, sáng tạo nghệ thuật hay chỉ đơn giản là giao tiếp xã hội hàng ngày. Những không gian này bao gồm từ những quán cà phê truyền thống cho đến những chuỗi cà phê mang phong cách phương Tây và hiện đại hơn đã mọc lên khắp nước Nhật.

ĐỜI SỐNG CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN cung cấp nhiều thông tin phong phú về mối quan hệ của Nhật Bản với cà phê, minh họa cà phê không chỉ là một thức uống; nó là một thực thể văn hóa quan trọng. Cuộc khám phá này đem lại những hiểu biết sâu sắc về lịch sử Nhật Bản, sự phát triển đô thị và những biến đổi xã hội, khiến nó trở thành một tài liệu thú vị cho những ai tò mò về văn hóa Nhật Bản và hiện tượng văn hóa cà phê toàn cầu.

Về tác giả:

Merry White là một nhà nhân chủng học và giáo sư, người đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về văn hóa và xã hội Nhật Bản. Tác phẩm của White thường tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống thành thị, tuổi trẻ, giáo dục và văn hóa ẩm thực. Trong suốt sự nghiệp học tập của mình, White đã đóng góp đáng kể vào sự hiểu biết về xã hội Nhật Bản từ nhiều góc độ khác nhau, khiến cô trở thành một nhân vật được kính trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về Nhật Bản.

Mục lục:

Dẫn nhập 
I. Cà phê chốn công cộng – Các quán cà phê đô thị Nhật Bản
II. Các quán cà phê tại nhật bản – Cà phê và phản trực giác
III. Tính hiện đại và công xưởng đam mê
IV. Bậc thầy trong vũ trụ riêng – Đánh dấu sự hoàn hảo
V. Sức uống của Nhật Bản
VI. Nhật hóa cà phê – Dư vị trong quán cà phê đương đại
VII. Văn hóa cộng đồng tại đô thị – Mạng lưới, đường kẻ ô và không
gian thứ ba tại các thành phố nhật bản
VIII. Lựa chọn không gian phù hợp với bản thân
Ghé thăm các quán cà phê
Lời cảm ơn
Tài liệu tham khảo

Quán cà phê ở Nhật Bản là nơi tụ tập của cộng đồng, nơi bảo tồn sự liên lạc giữa các mối quan hệ, và nơi khởi tạo những mối quan hệ mới . Nó đã chứng kiến các tiến trình đổi mới, phá vỡ và vượt ra khỏi những đặc điểm vừa cũ vừa mới trong văn hóa đô thị, trong đời sống chính trị và trong cuộc sống cá nhân. Quán cà phê là nơi các thành tố trong nước và nước ngoài cất lên tiếng nói của mình trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn học và tìm kiếm ý tưởng, kể từ khi những ảnh hưởng của châu Âu đổ bộ vào Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Tìm về những quán cà phê còn là các nhà hoạt động chính trị, nghệ sĩ, nhà văn và nhạc công xa xứ người Nhật trước đó từng lưu lại ở một Thượng Hải phồn hoa, hay tại các thủ đô ở trời Âu. Ngay khi được du nhập, các quán cà phê ở Nhật Bản đã trở thành địa điểm yêu thích của người dân bản địa, và dù chúng là nơi vun đắp các ý tưởng và nghệ thuật ngoại lai, chúng đã không còn lưu hương để có thể gợi nhớ đến văn hóa phương Tây1 . Bản thân quán cà phê luôn có đặc tính mềm dẻo; nó có khả năng “thay hình đổi dạng” và có thể trở thành bất cứ thứ gì ai nấy đều muốn có và cần có. Nghịch lý thay, nó vừa là không gian để các đặc tính văn hóa được phô diễn – chẳng hạn, ngành dịch vụ cũng quan trọng, dù rằng có lẽ không cặn kẽ như tiêu chuẩn dịch vụ trong một quán trọ truyền thống – vừa là nơi để nương náu khỏi các đòi hỏi của cuộc sống. Đó là nơi mà những cuộc hội thoại xảy ra trong quán có thể hoặc được bỏ qua hoặc trở thành vấn đề gây tranh cãi. Đó cũng là nơi mà bất kỳ ai chỉ cần bỏ tiền ra để gọi một cốc cà phê thì đều có thể trú ngụ.

“Tính hiện đại” trong quán cà phê là về phái nữ, dù được hiện thân dưới dạng moga (cô gái hiện đại) hay cô phục vụ bàn . Cô phục vụ bàn, được tuyển dụng để làm hình mẫu đại diện và quảng bá cho tính hiện đại, không có nhiều cơ hội được tự do lựa chọn phong cách cho mình và thể hiện bản thân hơn so với moga. Moga và mobo – là các hình mẫu, do một phóng viên báo chí tạo ra, về những cô gái và chàng trai hiện đại trong kỷ nguyên nhạc jazz Nhật Bản – vừa mang vẻ gợi cảm lại vừa phản cảm trong cách nhìn nhận của công chúng nói chung. Dưới con mắt cổ hủ, một cô gái hiện đại là hình ảnh biểu trưng cho sự ngờ nghệch chỉ biết đến mình, phủ nhận các tiêu chuẩn xã hội một cách thiếu trách nhiệm, và chỉ góp nhặt các xu hướng phương Tây như ra rạp xem phim, la cà tại quán cà phê hay mặc váy ngắn. Bằng cách để tóc ngắn kiểu flapper (được gọi là furappa) hoặc danpatsu, các cô gái trở nên hiện đại qua hình ảnh về mái tóc của họ, đôi khi họ còn được gọi là «những cô gái tóc đã cắt ”. Họ cũng được xem là thuộc về tầng lớp nữ giới của thế hệ mới chỉ đơn giản qua hành động mở miệng và để lộ răng; trước đây, phụ nữ khi cười sẽ không há miệng mà sẽ che miệng để không để lộ răng của mình. Sự phô bày kiểu này vừa gây sốc nhưng cũng thể hiện tư tưởng cấp tiến.

Cà phê Nhật Bản bộc lộ một phương thức tổ chức văn hóa được thể hiện qua quá trình khai thác các ý tưởng và hàng hóa mới mẻ. Ở nước Nhật, một mặt hàng hoặc ý tưởng mới xuất hiện theo thời gian, cùng mức độ quan tâm của người tiêu dùng, có thể nhanh chóng được bản địa hóa hoàn toàn để trở thành “của người Nhật”. Một ví dụ có lẽ là trường hợp của mì ramen, vốn là một món ăn có xuất xứ từ Trung Quốc, với khái niệm “hương vị” của nó đã được đồng hóa chỉ còn giữ lại đôi chút “văn hóa Tàu” như một thứ văn hóa vay mượn. Nhạc jazz được “Nhật hóa” vào những năm 1930, còn xốt mayonnaise được hấp thụ như một hương vị “bản địa” ngay sau chiến tranh. Và trong khi những người Nhật đam mê với điệu tango thực hiện các chuyến hành hương đến với Buenos Aires, thì bản thân điệu nhảy này cũng đã trở thành một trong những niềm vui thú đặc biệt ở Nhật, cùng với sự phổ biến của điệu nhảy hula1 . Đối với các mặt hàng tiêu dùng, mô thức ở Nhật là bổ sung thay vì thay thế, từ đó dẫn đến sự đa dạng hóa lớn về hàng hóa và tạo ra nhiều thị trường “ngách” trong tiêu dùng. Cũng diễn ra tương tự nhưng trở nên phổ biến nhanh hơn âm nhạc, quần áo hay trường phái kiến trúc phương Tây, cà phê có được chỗ đứng vững chắc của mình (nhưng là “đứng” trên chiếc ghế kiểu phương Tây, chứ không phải “đứng” trên đệm sàn) như một sản phẩm của người Nhật. Phương thức tổ chức văn hóa thúc đẩy quá trình bản địa hóa hoặc đồng hóa nằm ở những không gian mà cà phê đã tạo ra, vốn không cạnh tranh hoặc trùng lặp với những không gian tồn tại từ trước thời kỳ hiện đại hóa.

Sở thích của người Nhật đối với cà phê phin pha bằng tay tại các cửa hàng cà phê đặc sản, như Otafuku hay Café de l’Ambre, nhấn mạnh đến sự khác biệt trong phương pháp pha chế chủ đạo của người Mỹ và người Nhật. Hầu hết các quán cà phê Mỹ đều có bình đựng hoặc bình ép để phục vụ cà phê, bên cạnh máy pha cà phê espresso đặt trên bàn. Các phiên bản Mỹ của phong cách cà phê châu Âu luôn ở thế thống trị tại các quán cà phê Mỹ, nhưng cách pha chế của người Nhật lại đa dạng hơn: đồ uống dựa trên cà phê espresso không phải là lựa chọn của những người sành sỏi bởi lẽ họ coi chúng như những sản phẩm của máy móc, và ít đòi hỏi sự tinh tế của người pha hơn nếu so sánh với cà phê được pha nhỏ giọt từng cốc một theo kiểu thủ công. Với việc Nhật Bản nổi danh về sự chuẩn xác cùng nền sản xuất công nghệ cao, quốc gia này nằm ở cấp độ cao nhất trong thang bậc cơ giới hóa, ngoài ra sản phẩm thủ công cũng được đánh giá cao hơn sản phẩm được sản xuất tự động. Như một nhà quan sát từng nhận định, đối với anime và manga – những sản phẩm đương đại của người Nhật đã phổ biến toàn cầu – thì điều này dường như mâu thuẫn với các phát kiến công nghệ hiện có. Được vẽ bằng tay hết trang này đến trang khác, các bức hình hoạt họa, giống như cà phê Nhật Bản, thể hiện một sự mâu thuẫn.

Sự tồn tại lâu dài của quán cà phê là kết quả của sự sẵn có (availability), tính linh hoạt và khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội. Các quán cà phê đã trở nên đa dạng hóa: chiến lược thị trường đòi hỏi phải có nhiều phong cách hơn, cũng như chính các “khán giả” của nó đã thay đổi và yêu cầu nhiều hơn những khung cảnh đặc sắc để họ được giải trí. Bản chất vẫn còn nhưng phải được tiết chế khi các mục đích sử dụng và phong cách đa dạng đã được nới rộng thêm – từ nơi lui tới trong khu phố, nơi để thảo luận về triết học và văn học, đến điểm dừng chân ăn sáng hoặc ăn trưa, đến “chốn văn phòng” riêng, rồi đến các quán cà phê thư viện của giới học sinh cấp ba. Quán cà phê ở Nhật Bản đã và sẽ là nơi dành cho các công năng xã hội và cá nhân cho mục đích nghỉ ngơi cũng như phục vụ mục đích giáo dục, và để giúp con người (và cộng đồng) tham gia vào những lĩnh vực thể hiện mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *