16/12/2022

Ra mắt ANABASIS : Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư của Xenophon – trước tác quân sự Hy Lạp cổ đại

Được mệnh danh là “một trong những cuộc mạo hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”, Anabasis là cuốn tự truyện của Xenophon, thuật lại chuyến hành trình ông chỉ huy đoàn quân viễn chinh người Hy Lạp “đánh thuê” cho hoàng tử Ba Tư, rút lui trở về quê hương sau thất bại quân sự trên vùng đất này, trong hoàn cảnh mắc kẹt sâu ở lãnh thổ kẻ địch. Lúc này, thống lĩnh và các vị tướng cấp cao lần lượt bị giết chết hoặc bắt giữ, thiếu thốn quân lương và liên tục gặp trở ngại khi bị quân thù và dân bản địa tấn công cản đường.

Trong quá trình rút lui ấy, đội quân viễn chinh Hy Lạp này đồng thời cũng là một chính phủ dân chủ di động, các binh sĩ sẽ cử hành hội nghị đúng thời hạn, tiến hành bỏ phiếu biểu quyết đối với đề nghị của những tướng quân được bầu, quyết định chiến thuật mới, chế tạo vũ khí mới và cải tiến chế độ tổ chức hiện hữu thông qua tranh luận và bàn bạc. Các vị tướng được bầu hành quân và chiến đấu cùng binh sĩ, hơn nữa còn phải cung cấp danh sách chi tiết về các khoản chi tiêu của họ để giành được sự tín nhiệm.

Qua Anabasis, Xenophon đã cho thấy, phương thức chiến đấu của người Hy Lạp khác với quân địch của họ: Họ có cảm nhận cá nhân, kỉ luật nghiêm minh hơn, vũ khí cũng chí mạng hơn, quan hệ giữa các binh sĩ bình đẳng, ý thức chủ động tham chiến nổi trội, tư duy linh hoạt và có thể thích ứng với chiến thuật mới, ngoài ra còn có xu hướng tác chiến thiên về sử dụng bộ binh hạng nặng. Những đặc điểm này xuất phát từ việc họ có chung nhận thức về thể chế chính phủ, từ sự bình đẳng của nội bộ giai cấp trung tầng, từ sự giám sát của dân chúng đối với các sự vụ quân sự, và từ tư tưởng tách rời khỏi nhà nước và đền thờ, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân và uy quyền tối cao của lý trí. Khi đoàn quân viễn chinh Hy Lạp đứng trước tuyệt cảnh, họ đã biến thể chế thành bang thành một thứ vũ khí kỳ diệu truyền cảm hứng cho sức mạnh nội tại của mỗi người lính và khiến những người Hy Lạp này chiến đấu trên mọi mặt trận với thái độ của những công dân thành phố, bởi vậy mà họ trở nên bất khả chiến bại.

Bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, “Anabasis” còn mang ý nghĩa trọng đại trong giáo dục khi là một trong những văn bản trọn vẹn đầu tiên được những người theo học tiếng Hy Lạp cổ nghiên cứu nhờ lối viết rành mạch và không hoa mỹ, tương tự như văn bản Commentarii de Bello Gallico của Caesar. Và hơn cả thế, đối với thế giới ngày nay, Anabasis là câu chuyện thực chứng cho một mô hình quản trị dựa trên các giá trị Bình Đẳng – Linh Hoạt – Tối Ưu, mà chúng ta có thể ứng dụng trong doanh nghiệp, tổ chức hay chính quyền địa phương.

THÔNG SỐ SÁCH:

Tên đầy đủ: Anabasis – Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư – Rút lui không phải là thất bại

Tác giả: Xenophon

Dịch giả: Ngô Gia Thiên An dịch và chú giải

Lĩnh vực: Lịch sử

Tủ sách: Ký ức

Số trang: 396

Cỡ sách: 13 x 19cm

Tình trạng bìa: bìa cứng

Lượt in: Lần đầu

Cấp phép: NXB Đà Nẵng

Mã ISBN:  978-604-84-6961-0

Ngày phát hành: 1/12/2022

Nội dung chính của ANABASISHồi ký viễn chinh xứ Ba Tư – Rút lui không phải là thất bại

Ý tưởng chính:

Mùa hè năm 401 Trước Công Nguyên, hoàng tử Cyrus đã thuê mười ngàn bảy trăm binh sĩ Hy Lạp trợ giúp ông ta tranh giành ngôi báu của Đế quốc Ba Tư từ tay người anh trai của mình. Những người lính này được trang bị áo giáp hạng nặng, giáo và khiên lớn. Hầu hết trong số họ là những cựu chiến binh từ Chiến tranh Peloponnisos. Đội quân này đã thành công vượt 1500 dặn về phía đông và đập tan mọi chống cự dọc đường. Trong trận Cunaxa, phía Bắc Babylon, quân Hy Lạp đã phá vỡ trận tuyến của quân đội hoàng gia Ba Tư với cái giá duy nhất là một bộ binh hạng nặng bị thương bởi một mũi tên. Tuy nhiên, khi Cyrus xông vào trận địa kẻ thù để lùng sục anh trai mình, ông ta đã bị lính canh Ba Tư chém gục xuống đất, khiến những người Ba Tư vốn cùng trận doanh phản chiến. Thông qua bỏ phiếu, quân viễn chinh Hy Lạp từ chối đầu hàng nhà vua Ba Tư, chọn tuyến đường vòng qua Tiểu Á đi thẳng đến Biển Đen, trở về thế giới Hy Lạp.

Bản thân Xenophon, tác giả của cuốn sách, là một trong những thống lĩnh của quân Hy Lạp khi rút lui. Với cấu trúc gồm bảy quyển (có thể hiểu là 7 hồi như trong tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc) kể lại câu chuyện viễn chinh ấy, Anabasis là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

 

Mục lục:

Quyển I: Cyrus hội quân

Quyển II: Mất chúa công

Quyển III: Xenophon gánh trọng trách

Quyển IV: Vượt núi băng sông

Quyển V: Kết bằng hữu

Quyển VI: Xoay sở duy trì nguồn lực

Quyển VII: Về nhà

Về tác giả

Xenophon xứ Athens (430 TCN – khoảng 355TCN) là một nhà quân sự, triết gia và nhà sử học người Hy Lạp, học trò của Socrates. Ông được biết đến vì những ghi chép của mình về thời đại ông sống, những năm cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 4 TCN. Sự tham gia thời trẻ trong chiến dịch thất bại giúp Cyrus chiếm ngôi vua Ba Tư đã tạo cảm hứng cho ông viết tác phẩm Anabasis nổi tiếng nhất của mình.

 

Chính sách giá và phân phối

Giá niêm yết: 300.000đ

Chiết khấu phân phối: 25-30%

Chương trình khuyến mại tối đa: 20% giá bìa

 

Khuyến nghị marketing dành cho đơn vị phân phối

Các nhóm khách hàng mục tiêu: độc giả yêu thích lịch sử quân sự, lịch sử Hy Lạp cổ đại, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ yêu thích sách và cần tìm hiểu về quản trị.

Từ khóa quan trọng: Anabasis, viễn chinh, Hy Lạp cổ đại, quân sự, Xenophon, nghệ thuật rút lui trong quân sự, quản trị tối ưu, quản trị linh hoạt.

Gợi ý Combo với các sách của Book Hunter:

  • Anabasis + Chiến thắng của đô thị => Quản trị Linh Hoạt & Tối Ưu

Gợi ý Combo với các sách hiện đạng có trên thị trường:

  • Anabasis + Illiad (Omega +) + Những cuộc chinh phạt của Alexander đại đế (Omega+) => Tinh thần của những anh hùng Hy Lạp cao quý
  • Anabasis + Sự trỗi dậy và suy tàn của Athens (Omega+) => Mô hình Athens
  • Anabasis + Binh pháp Tôn Tử (Đông A) + Quân vương (Nhã Nam) => Học nghệ thuật quản trị từ các quân sư vĩ đại.

Trích dẫn hoặc dữ liệu hay:

Một lần nọ, khi gặp phải quãng đường hẹp và đầy bùn đất, gây khó khăn cho xe kéo, Cyrus dừng chân cùng đám quý tộc, chức sắc. Chàng lệnh cho Glus và Pigres dẫn vài nhóm quân man di đi kéo xe.

Tuy nhiên sau đó Cyrus nhận ra bọn họ làm rất uể oải; chàng nổi cơn thịnh nộ và yêu cầu những quý tộc Ba Tư đẩy xe kéo cùng chàng. Thế là binh lính được tận mắt chứng kiến những tấm gương đầy kỷ luật: đám quý tộc đồng loạt vứt bỏ áo choàng tím trên người và nhanh chân chạy như lao tới vinh quang của chiến thắng, họ lao xuống đồi dốc trong những áo chẽn đắt tiền và quần vải sặc sỡ, một số người còn đeo vòng trên cổ và trên tay; mặc cho xiêm y đẹp đẽ, họ nhảy vào vũng bùn, nâng đám xe kéo lên và đẩy chúng về đích, nhanh hơn so với dự liệu của bất cứ ai.”

“Ngoài ra, khi nhận thấy ai có cả tài trị vì lẫn đức công bằng chính trực, vừa có thể quản lý vùng mà hắn đứng đầu, vừa có thể tạo ra lợi nhuận, thì chàng sẽ không bao giờ tước đất phong đi khỏi tay người đó, mà còn trao thêm đất đai cho hắn. Kết quả là các chức sắc của chàng sẵn sàng ngày đêm làm việc và đạt nhiều thành tựu, hơn thế nữa, không một ai giấu giếm tài sản với Cyrus, vì rõ ràng chàng không hề nổi lòng ghen tị với những người thành thật, công khai sống đời giàu có, chàng sẽ tìm cách lợi dụng tài sản của những kẻ luôn cố giả nghèo.

Mọi bạn bè của chàng đều phải công nhận, chàng luôn là người quan tâm chú ý nhất đến bạn bè, và họ đều cảm thấy bản thân nên tận tâm vì chàng và trở thành những đồng sự giỏi giang, có khả năng giúp đỡ chàng để chàng đạt được mọi điều mình mong muốn.

Bởi lẽ trong nhiều nhiệm vụ, Cyrus thường cần bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ; chàng luôn cố gắng trở thành người đồng nghiệp tận tâm, người bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ để bạn bè đạt được những điều họ hằng mong ước.

Tôi cho rằng chàng nhận được nhiều tặng phẩm hơn bất cứ người nào khác, vì nhiều lý do; hơn tất thảy, hẳn nhiên chàng luôn hào phóng khi tặng quà cho bạn bè, chàng luôn chú ý đến sở thích sở ghét của mỗi người và luôn để tâm đến nhu cầu của họ.”

“Hỡi các ngài, ta cũng chẳng tài nào ngủ được, và ta tin rằng các ngài cũng vậy, chính ta cũng không thể nào nằm yên được nữa, khi ta thấy chúng ta kẹt trong tình thế hiện nay.

Chắc chắn kẻ thù sẽ không giao chiến với chúng ta, cho đến khi chúng biết chắc chúng đã chuẩn bị sẵn sàng; nhưng về phần mình, trong số chúng ta, không ai thèm chuẩn bị hay lập kế hoạch để có thể chiến đấu cho tốt nhất có thể.

Ấy vậy mà nếu rơi vào tay Nhà vua, thì số mệnh của ta sẽ là gì? Ngay cả với em trai ruột của hắn, đúng hơn là với xác của em trai hắn, hắn vẫn chặt đầu chặt tay rồi bêu ra trước bàn dân. Thế còn chúng ta thì sao, những kẻ không nhờ cậy được ai, những kẻ từng chiến đấu chống lại Nhà vua với ý định lôi hắn xuống từ ngai vàng và biến hắn thành nô lệ, nếu có thể, chúng ta cũng sẽ giết hắn, vậy thì giờ đây, thử hỏi vận mệnh của chúng ta sẽ ra sao?

Có phải hắn sẽ làm tất cả để khiến chúng ta phải chịu những tra tấn tàn nhẫn nhất hay không, hắn sẽ dùng chúng ta để thị uy, để nhân loại này khiếp sợ, để không ai dám chống đối hắn lần nữa? Vậy thì chính chúng ta càng phải cố gắng, để không quỵ ngã trước quyền uy của hắn.”

“Nhưng nếu trong số này, có ai cảm thấy nản lòng vì chúng ta không có kỵ binh, trong khi trong tay kẻ thù có vô số, thì xin hãy ngẫm cho kỹ điều này: mười ngàn kỵ binh đó không đáng giá hơn mười ngàn bộ binh; chưa ai từng chết trận vì một vết cắn hay cú đá của ngựa, họ chỉ chết vì những thương tổn mà con người tạo ra.

Hơn nữa, chúng ta đứng vững hơn những kỵ binh nọ: bọn chúng phải bám lấy lưng ngựa, ngoài đề phòng quân ta, chúng còn phải cẩn thận đề phòng để không ngã xuống; trong khi đó chúng ta đứng vững trên đất bằng, mỗi đòn của ta đều sẽ mạnh mẽ và chuẩn xác hơn. Kỵ binh chỉ có lợi thế ở một điểm – chúng có thể tháo chạy một cách an toàn hơn.

Còn nếu các ngài không thiếu nhiệt tình chiến đấu, mà chỉ lo lắng vì sau này, sẽ không còn Tissaphernes để chỉ đường cho các ngài hay Nhà vua để mở chợ cho các ngài nữa. Nếu các ngài lo sợ điều này, ta mong các ngài sẽ xem xét, liệu có Tissaphernes dẫn đường có tốt không, kẻ này đã lập mưu hãm hại chúng ta, ta hoàn toàn có thể bắt lấy vài người để dẫn đường cho ta, những kẻ bị bắt giữ đều biết rõ rằng, nếu chúng làm sai thì chúng sẽ mất chân tay hay mất đi cả mạng sống.

Về phần lương thảo, có tốt hơn không nếu chúng ta cứ phải mua đồ trong chợ của lũ người man di – nơi mọi thứ đều đắt đỏ, trong khi ta đã cạn tiền – hay chúng ta nên tự kiếm lấy lương thảo, nếu ta chiến thắng, ta có thể tùy ý lấy lương ăn bằng nhiều cách khác nhau?”

“Thưa các ngài, sự thật đã rõ, rằng những điều tốt đẹp nọ thuộc về những kẻ có sức chiếm lấy chúng;

nhưng ta còn muốn trình bày một điều nữa, đó là phương cách để chúng ta hành quân an toàn, và phương cách để giao tranh cho thuận lợi nhất có thể, nếu ta bắt buộc phải giao tranh. Vậy, thứ nhất,” Xenophon nói tiếp, “chúng ta nên đốt hết những xe kéo ta có, để những vật thồ không trói buộc chúng ta, để chúng ta được thoải mái lựa đường mà đi. Thứ hai, ta nên đốt hết lều trại; vì ngày ngày mang vác lều trại trên lưng cũng làm ta mỏi mệt, và chúng sẽ cản trở khi ta cần giao chiến hay kiếm lương thảo.

Ngoài ra, ta cần bỏ lại mọi đồ không cần thiết và chỉ giữ lại những vật hữu dụng trong chiến tranh, hoặc những đồ hữu dụng khi ta cần ăn uống. Bỏ lại những đồ này thì ta mới rảnh tay để sẵn sàng cầm khí giới, ta phải tranh thủ tập hợp nhiều binh lính nhất có thể, và đảm bảo số người vướng bận bởi hành lý là ít nhất có thể. Bởi vì, nếu đã bị bắt giữ, thì những tài sản của ta chắc chắn sẽ rơi vào tay kẻ khác; nhưng nếu ta chiến thắng, thì ta có thể bắt kẻ thù khuân hành lý cho ta.”

“Ta còn muốn nói tới một vấn đề vô cùng quan trọng. Như các ngài đều chứng kiến, trước khi bắt giữ các tướng lĩnh phe ta, quân thù đã không gom đủ can đảm để chiến đấu. Chúng tin rằng khi còn có tướng lĩnh cầm đầu, chúng ta còn tuân lệnh, và còn có khả năng đánh thắng chúng, nhưng sau khi chúng đã bắt các tướng lĩnh của ta rồi, thì với chúng, ta như rắn mất đầu, chúng mong đợi tình trạng hỗn loạn thiếu kỷ luật sẽ đưa ta vào chỗ chết.

Vì vậy, những chỉ huy hiện tại bắt buộc phải thận trọng hơn trước, và trong quân, quân kỷ phải được giữ vững hơn trước, binh lính phải răm rắp nghe lời chỉ huy, cho nghiêm ngắn hơn cả trước đây.

Chúng ta phải bỏ phiếu, để nếu có kẻ nào bất tuân, thì bất cứ người nào có mặt sẽ cùng các chỉ huy trừng phạt hắn. Nếu ta làm như vậy, quân thù sẽ nhận ra thôi, rằng chúng đã tự huyễn hoặc; ngay ngày hôm nay chúng sẽ được tận mắt chứng kiến, không chỉ mỗi Clearchus thôi đâu, mà mười ngàn người như một đều sẽ không rủ lòng thương những tên lính tồi.

Nhưng đã đến lúc làm thay vì nói, có lẽ quân thù sẽ sớm xuất hiện thôi. Vậy nếu ai cho rằng những đề nghị trên là tốt đẹp, xin hãy mở lời đồng tình và nhanh tay hành động. Còn nếu ai cho rằng bản thân có kế hoạch tốt hơn, thì dù có là lính quèn, xin hãy nêu ý kiến, bởi an toàn cho tất cả là nguyện vọng chung của chúng ta.”

“Trong quân có một người Athens tên Xenophon, không phải là tướng cũng chẳng phải phó tướng, thậm chí còn chẳng phải là binh, người này đi cùng Proxenus vì nhận được lời mời, bọn họ vốn là bạn lâu năm. Proxenus đã hứa hẹn rằng, chàng sẽ giúp đỡ, để bọn họ đều có thể kết bạn với Cyrus, người mà chàng đánh giá rất cao, người mà theo chàng là đáng giá hơn cả Tổ quốc.

Đọc xong thư của Proxenus, Xenophon xin lời khuyên của Socrates xứ Athens. Socrates cho rằng việc kết bạn với Cyrus sẽ khiến Xenophon bị chính quyền Athens khép tội, vì Cyrus đã hỗ trợ người Lacedaemon rất nhiều trong cuộc chiến chống lại Athens, ông khuyên Xenophon đi tới đền Delphi để xin lời khuyên của thánh thần về cuộc hành trình này.

Vậy là Xenophon tới hỏi thần Apollo, xem chàng nên cúng tế cho thần nào để hành trình này diễn ra tốt đẹp nhất có thể, để chàng gặp nhiều may mắn và an toàn trở về quê hương; và Apollo chỉ ra những vị thần mà Xenophon nên cầu cúng.

Khi Xenophon trở về từ đền Delphi, chàng lặp lại lời tiên tri cho Socrates nghe; sau khi nghe những lời này, Socrates trách cứ chàng, vì chàng đã không hỏi xem, liệu tốt nhất nên đi hay nên ở, mà lại hỏi xem làm thế nào để có hành trình tốt đẹp nhất. “Dù vậy,” ông nói thêm, “vì ngươi đã hỏi như vậy, giờ đây ngươi phải làm theo những chỉ dẫn của thánh thần.””

“Hãy nhớ lại số tiền ngài từng trả cho chúng ta để chúng ta phục vụ ngài. Ngài biết rằng số tiền đó không nhiều, nhưng lúc đó chúng ta tin ngài sẽ làm theo thỏa thuận, nhờ vậy mà ngài kết đồng minh được với chúng ta và dẫn được theo rất nhiều binh tướng, họ giúp ngài chiếm được một vùng đất trị giá gấp nhiều lần số tiền còm ấy: ba mươi talent, đó là số tiền ngài phải trả cho chúng ta.

Ngài đã ném đi lòng tin của toàn quân, những người đã chinh phục cả một vương quốc giúp ngài, để đổi lấy ba mươi talent.

Hãy nhớ lại đi, ngài từng coi việc chiếm đoạt những vùng đất này là một thành tựu lớn lao. Về phần mình, ta cam đoan với ngài rằng ngài từng cầu nguyện, van lơn thánh thần để được như ngày hôm nay, lúc đó ngài sẽ không chọn tiền bạc đâu.

Ta cảm thấy việc không bảo vệ được lãnh địa của mình là đáng hổ thẹn hơn cả, nếu ngài so việc đó với việc thua trận khi cố chinh phục một vùng đất. Vì thường thì những kẻ giàu sang sẽ không dễ dàng rơi vào hố sâu nghèo khó, và kẻ đã làm vua thường sẽ bám vững lấy ngai vàng; đương nhiên việc thu thập tài sản để trở nên giàu sang, hay việc giành lấy ngai vàng của kẻ khác khó khăn hơn rất nhiều.

Vậy, ngài cũng hiểu rằng, hiện nay, những thần dân của ngài không chấp nhận sự trị vì của ngài vì họ yêu quý ngài, mà vì họ bị bắt ép; nếu nỗi sợ không trói buộc họ, thì họ sẽ lại nổi dậy để giành lấy tự do.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *