Nam Phong #9: BẢN ĐỒ THỊ TỘC TRONG KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG

“Nam Phong” là chuỗi sự kiện của Book Hunter, thảo luận về lịch sử Việt Nam cùng diễn giả Hà Thủy Nguyên. Nam Phong số 9 với chủ đề “Bản đồ thị tộc trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng” đã diễn ra vào hồi 16h ngày 17/9/2022 tại Trung tâm Book Hunter, với sự tham gia của bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc, TBT NXB Phụ nữ Việt Nam) cùng các độc giả yêu thích và quan tâm lịch sử.

Bạn đọc có thể nghe thêm các số Nam Phong của Book Hunter tại đây

          Dựa trên các tài liệu tham khảo như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử thông giám cương mục, Thủy kinh chú (được cho là của Lịch Đạo Nguyên), Việt Nam thời dựng nước (Keith Weller Taylor), Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái, nhà văn Hà Thủy Nguyên đào sâu về các vấn đề như: tiền đề cho sự đô hộ của nhà Hán và các thế lực cát cứ; giải mã lý do tại sao những người khởi nghĩa thời đó đều là phụ nữ và thông qua đó tìm hiểu thêm các dòng tộc, tín ngưỡng liên quan tới các vị tướng tham gia vào cuộc khởi nghĩa.

          Quay lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, năm 110 TCN đang là thời điểm cai trị của nhà Tây Hán và nước Nam Việt bị chia thành 9 quận gồm: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đạm Nhĩ.

          Có hai nhân vật được ghi nhận trong Đại Việt sử ký toàn thư là thái thú Nhâm Diên và Tích Quang trong việc “khai hóa” đất Giao Chỉ (thuộc miền Bắc Việt Nam ngày nay) và Cửu Chân (vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh ngày nay). Nhà văn Hà Thủy Nguyên nhấn mạnh, chữ “khai hóa” này xin được để trong ngoặc kép, bởi vì xét dưới khía cạnh văn hóa Hán, những thứ thuộc về văn hóa Nho giáo hay văn minh Hoa Hạ thì được xem là trung tâm văn minh – chứa đựng tất cả tinh hoa, còn những khu vực nằm ngoài văn minh Hoa Hạ, bên ngoài Nho giáo thì bị xem là “man di mọi rợ” và Nam Việt thời đó bị gọi là “Nam man”. Theo sử sách, bên cạnh Tích Quang tích cực truyền bá văn hóa Nho giáo thì Nhâm Diên hướng dẫn người dân canh tác nông nghiệp. Nhà văn Hà Thủy Nguyên phân tích thêm, thực tế thì việc truyền bá văn hóa Nho giáo của Tích Quang nhằm mục đích đào tạo thêm nô bộc cho chính quyền trung ương nhà Hán và thuần hóa nhóm người Giao Chỉ. Còn Nhâm Diên, bởi nhận thấy người Giao Châu không chịu canh tác mà chỉ thích vào núi săn bắn – điều này gây khó khăn trong việc thu nộp thuế nên ông ta “đầu tư” vào vùng Cửu Chân để thực hiện nông nghiệp hóa. Vì thế, nhiều người ghi nhận rằng dù đây là một cuộc đô hộ nhưng hai thái thú này đã góp phần xây dựng “phong hóa” của nước Nam xưa. Cho đến khi nhà Hán cử Tô Định sang làm thái thú Giao Chỉ, ngoài vì người Nam Việt vốn không chịu khuất phục nhà Hán và cư dân ở vùng Luy Lâu đã đông đảo hơn, đồng thời Tô Định biểu hiện rõ sự hèn kém nên bối cảnh này đã thúc đẩy sự nổi dậy của các hào trưởng, trong đó nổi bật là cuộc dấy binh của Hai Bà Trưng.

          Phụ nữ Việt Nam xưa đã có địa vị cao trong xã hội

          Để dễ hình dung về bối cảnh, nhà văn Hà Thủy Nguyên giải thích, ban đầu, nhà Hán đặt trụ sở thứ sử ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) nhưng về sau đã dời đến gần trung tâm Thương Ngô (thuộc Quảng Đông – Quảng Tây ngày nay). Bên cạnh Luy Lâu vẫn được xem là một trụ sở chính của vùng đồng bằng, nhà Hán lập thêm tiền đồn quân sự ở khu vực xung quanh mà về sau được gọi là Mê Linh. Theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, qua các tài liệu nghiên cứu lịch sử thì vùng Mê Linh cổ không đủ thuyết phục để là Mê Linh bây giờ. Có tài liệu ghi chép cho rằng, đất Mê Linh cổ thuộc vùng Ba Vì ngày nay, lại có thuyết cho rằng đất này lên đến Vĩnh Phúc hoặc có thể là cả khu vực lân cận trung du miền núi Tây Bắc ngày nay. Có một điều có thể chắc chắn theo sử sách ghi lại là dân cư sinh sống ở khu vực Mê Linh cổ đều là các nhóm người Lạc.

          Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng là con của một Lạc tướng đất Mê Linh thuộc Phong Châu (Phong Châu ngày xưa có thể là Phong Châu bây giờ, mà cũng có thể là khu vực Ba Vì – Vĩnh Phúc) và có chồng là Thi Sách, cũng là con của một Lạc tướng. Tương truyền, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị nổi dậy vì không muốn khuất phục nhà Hán và vì thù Tô Định giết chồng.

          Nhà văn Hà Thủy Nguyên đặt ra một vấn đề: Hai Bà Trưng mang họ gì? Với mô hình xã hội lúc bấy giờ, từng bộ tộc sinh sống theo kiểu gia tộc/gia trại; bên cạnh đó, Đại Việt sử ký toàn thư khẳng định Bà Trưng thuộc tộc Lạc, tới khi tự xưng vương thì từ đấy mới lấy họ Trưng, vậy liệu có phải họ mang họ Lạc hay không? Chị nghi vấn điều này bởi vì từ “Trưng” trong nghĩa Hán Việt, ngoài rất nhiều nghĩa khác nhau thì từ “Trưng” còn có nghĩa là “triệu tập”, “vời đến”. Vì thế, chị đặt ra một giả thuyết rằng, Hai Bà Trưng vốn dĩ là những người có thể triệu tập quân binh theo cùng nổi dậy, có thể lâu dần người ta gọi tắt thành Hai Bà Trưng, ý chỉ hai người con gái đã triệu tập được quân khởi nghĩa. Và quả thực chưa thể lý giải được chữ “Trưng” đó là phiên âm từ bản ngữ sang âm Hán Việt hay là được dịch lại từ một từ khác có nghĩa tương đương? Nhà văn Hà Thủy Nguyên nhắc lại, dù sao đây cũng chỉ là một suy đoán của chị và không dựa trên căn cứ lịch sử tin cậy nào.

          Nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng đề cập đến một điều mà dường như những người tìm hiểu lịch sử nước nhà đã bỏ lỡ đó là vị trí của người phụ nữ Việt trong thời xưa. Ngay dưới thời kỳ thị tộc, những người con gái dù đi lấy chồng vẫn được chia quyền thừa kế từ cha mẹ đẻ (truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ). Hay như trong các truyền thuyết vua Hùng, chuyện về các mỵ nương (con gái vua) được nhắc tới rất nhiều, thậm chí là nhiều hơn chuyện về các quan lang (con trai vua). Đến thời kỳ của Thục Phán An Dương Vương, sử sách ghi chép về hậu duệ cũng chỉ nhắc tới Mỵ Châu. Nhà vua vừa là vì yêu con gái, lại vì (có lẽ) chỉ có mình nàng là con, nên nhận lời cho Trọng Thủy sang ở rể. Sử sách cũng không ghi chép gì về việc Thục Phán phải chịu áp lực có con trai nối dõi để truyền ngôi. Như vậy chứng tỏ người phụ nữ Việt vốn đã có vị thế bình đẳng với nam giới từ thời xa xưa. Còn chưa kể, đó là giai đoạn xã hội mẫu hệ.

          Các độc giả tham gia buổi chia sẻ này bắt đầu thảo luận sôi nổi. Rằng đây quả đúng là một vết lõm dễ bỏ qua trong quá trình tìm hiểu về nguồn cội. Bởi trong hàng nghìn năm qua với hai cuộc đô hộ của nhà Hán và nhà Minh với những lần thiêu đốt thư tịch, nếu người Việt có ghi lại sử sách và tài liệu về giai đoạn Hai Bà Trưng đi chăng nữa, về vị thế phụ nữ Việt trong thời xưa đi chăng nữa thì những tài liệu này về sau bị mất đi là điều dễ hiểu. Ngoài ra, khi nhà nước độc lập hình thành và xã hội Nho giáo lên ngôi, có thể rằng các tài liệu ghi chép về vị thế phụ nữ Việt trong xã hội xưa đã bị xã hội phụ hệ “xóa hết dấu vết”.

          Nhà văn Hà Thủy Nguyễn dẫn giải thêm, theo Toàn thư thì không ghi rõ về sự hưởng ứng của các khu vực thuộc Cửu Chân hay Nhật Nam và cũng không khẳng định là các toán khởi nghĩa ở đây có theo về dưới trướng hai chị em họ Trưng hay không. Và giai đoạn đó rõ ràng là có sjw nổi dậy của các nhóm Lạc, nhà Trưng Trắc (Mê Linh) và Thi Sách (Chu Diên) được xem như là một liên minh, và là một trong các kiểu liên minh lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, theo “Việt Nam thời dựng nước” của Taylor, thuyết Tô Định giết Thi Sách dẫn đến cuộc dấy binh của Trưng Trắc dù rất được ưa chuộng nhưng không đủ bằng chứng thuyết phục và Taylor cho rằng đây là một giả thuyết sinh ra từ xã hội phụ hệ về sau. Taylor cũng cho rằng, Thi Sách đã phục tùng theo vợ cũng là điều dễ hiểu hơn, vì giai đoạn đó là bối cảnh xã hội mẫu hệ. Và có thể liên hệ thêm để hướng tới thuyết mẫu hệ trong giai đoạn này như: các tướng quân dưới trướng Trưng Trắc, trong 50 vị tướng, phần lớn những vị tướng nổi tiếng được nhắc tới trong các giai thoại dã sử đều là phụ nữ, nếu có nam giới thì tương truyền rằng khi ra trận, họ ăn vận như phụ nữ (chuyện Ông Cai ở Ba Vì). Các nữ tướng nổi tiếng cùng thời nổi dậy và được cho rằng về quy thuận/được mời về theo Hai Bà Trưng có thể kể đến như Ả Chàng, Bát Nàn, Vĩnh Hoa, Lê Chân, Thụy Nương,…


Phần phụ chú của nhà văn Hà Thủy Nguyên về các vị tướng nổi dậy cùng thời điểm khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Sách: THƯ NGỎ GỞI BẠN TRẺ VIỆT NAM… muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình, tác giả Vĩnh Đào, NXB Đà Nẵng, 2022).
Bạn đọc có thể đặt mua cuốn sách này tại đây.

          Các dòng tộc, tín ngưỡng liên quan đến các vị tướng

          Nhà văn Hà Thủy Nguyên dẫn giải, thông tin về các vị tướng theo phò Hai Bà Trưng không có trong tài liệu chính sử và dấu ấn về họ chủ yếu được lưu lại dựa trên thần phả tại các đền thờ cũng như những nguồn dã sử khác ở những địa phương. Các đền thờ về những vị tướng nổi dậy khởi nghĩa trong thời kỳ Hai Bà Trưng vẫn còn đến ngày nay ở Việt Nam có thể kể tới như dền thờ Ả Chàng ở Vĩnh Phúc, đền Bà chúa Bầu ở Lập Thạc (Vĩnh Phúc) và Sơn Dương (Tuyên Quang), đền thờ Vĩnh Hoa công chúa ở Vĩnh Phúc, đền thờ nữ tướng Lê Chân ở An Biên (Hải Phòng), Tam Trinh (Thanh Hóa)… hay các vùng đất khác như Ninh Bình, Thanh Hóa…

          Nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng cho biết, dù chưa có sự kiểm chứng độ chính xác nhưng có nhiều nguồn tài liệu nhắc tới hai địa điểm thuộc Trung Quốc hiện nay còn đền thờ các vị tướng thời Hai Bà Trưng đó là Khúc Giang và Thành Trường Sa. Có thể kể đến như: đền thờ nữ tướng Phật Nguyệt (Trường Sa, Hồ Nam), đền thờ nữ tướng Trần Thị Phương Châu (Khúc Giang) – tương truyền năm 1288 vua Trần Nhân Tông đã sai Đoàn Nhữ Hài qua trùng tu đền thờ này, đền thờ nữ tướng Sa Giang (vốn là một người Hán, sang Lĩnh Nam theo phò Hai Bà Trưng) ở huyện Phong Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay… Những di tích này có thể tồn tại, bởi vì Khúc Giang và Thành Trường Sa vốn là nơi các tướng giao tranh với Mã Viện và không ít người tử trận tại đây.

          Sự thất bại của Hai Bà Trưng và các nữ tưởng trước đội quân của Mã Viện cho thấy một liên minh chống Hán giữa các nhóm Lạc và các nhóm khởi nghĩa khác không có được kết nối chặt chẽ và còn nhiều rời rạc. Các nhóm khác ngoài nhóm Lạc, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ có thể là các gia tộc, các quần cư (thôn,hào, làng, mường…) tại những vùng địa lý xung quanh Mê Linh, thậm chí là xuống cả vùng Cửu Chân. Từ đó, nhà văn Hà Thủy Nguyên đi đến phỏng đoán về thị tộc của các nhóm khởi nghĩa có thể dựa trên hai yếu tố là Khu vực và Dòng họ.

          Theo thần phả tại các ngôi đền thờ các vị tướng dấy binh khởi nghĩa dưới thời Hai Bà Trưng đều có sự ghi nhận công lao của họ. Cũng phải nói thêm rằng, tôn giáo ở nước ta trong giai đoạn thế kỷ I – II chưa được định hình rõ ràng. Dù đã có sự du nhập của Phật giáo nguyên thủy nhưng vẫn còn nhiều sơ khai và mang tính dân dã. Vì thế, các ngôi đền này nghiễm nhiên trở thành địa điểm tâm linh cho dân cư địa phương.

          Bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam sắp ra mắt tác phẩm “Anh hùng Lĩnh Nam” của tác giả Trần Đại Sỹ, và bà nhận thấy có vài sự trùng hợp trong các yếu tố dã sử mà nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ được tác giả Trần Đại Sỹ sử dụng để viết nên bộ tiểu thuyết về thời kỳ Hai Bà Trưng. Theo bà Hoa Phượng, các tác phẩm tiểu thuyết dã sử dù có nhiều hư cấu nhưng vẫn bám theo một khung lịch sử nhất định và việc đọc các tác phẩm này giúp gợi cảm hứng chủ động tìm tòi về lịch sử nước nhà hơn. Là một người mang nhiều tâm tư với văn hóa đọc, với lịch sử nước nhà, bà Hoa Phượng biểu lộ sự ủng hộ của mình dành cho các tiểu thuyết dã sử như bộ tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh; hoặc như Cầm Thư Quán, Thiên địa phong trần của Hà Thủy Nguyên…

Bạn đọc có thể đặt mua “Cầm Thư Quán”“Thiên địa phong trần” tại đây.

          Phạm Huệ, một bạn trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Y và hiện đang công tác tại Hà Nội chia sẻ, những buổi thảo luận chia sẻ như Nam Phong hôm nay giúp Huệ có thêm những góc nhìn khác về sử Việt. Huệ cũng mang đầy trăn trở rằng phải làm sao để người Việt được bạn bè quốc tế nhìn nhận bằng một cá tính riêng, không bị lẫn vào một cách chung chung trong nhóm người Đông Á, giống như người ta vẫn dễ nhận ra người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ở đâu đó…

          Phản hồi Huệ, bạn Nguyễn Giang chia sẻ, Việt Nam vốn dĩ là một vùng văn hóa nhỏ, nếu không muốn nói là rất nhỏ, vẫn thường được nhận diện trong nhóm văn hóa Indochine (Đông Dương) và việc để bật lên làm một tính cách riêng mang tên Việt Nam thực sự phải cần rất nhiều biến chuyển lịch sử. Theo Nguyễn Giang, dù không thể là một cá tính Việt Nam có thể nhận diện ngay lập tức giữa đám đông nhưng chúng ta vẫn còn nhiều cách khác để ghi lại dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế: Đó là qua tương tác hằng ngày với bạn bè quốc tế, chúng ta sống đúng là ta, giữ gìn văn hóa và truyền thống gia đình, truyền thống dòng họ quê hương cũng như những phong tục tập quán của quê hương, tự khắc bạn bè quốc tế sẽ có ấn tượng riêng về người Việt.

          Còn bạn, người đang đọc bài viết này, bạn đang nghĩ gì?

Tìm hiểu thêm

Các số khác của chuỗi Nam Phong:

https://www.youtube.com/watch?v=8-wQ5yZQOrE&list=PLaQPUuHnbGX1Q95fa3MbsmlK9erCmhvVV

Người viết: Yến Ly

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *