Nam Phong #10: XUNG ĐỘT VÀ GIAO THOA VĂN HÓA THỜI BẮC THUỘC

Tiếp tục chuỗi sự kiện thảo luận về lịch sử Việt Nam cùng diễn giả Hà Thủy Nguyên, Nam Phong số 10 với chủ đề “Xung đột và giao thoa văn hóa thời Bắc thuộc” đã diễn ra vào hồi 16h ngày 01/10/2022 tại Trung tâm Book Hunter, với sự tham gia chia sẻ của các độc giả yêu thích và quan tâm lịch sử.

Trong lịch sử Việt Nam, Bắc thuộc là giai đoạn đầy biến động và phức tạp. Trong cuộc trò chuyện này, nhà văn Hà Thủy Nguyên đã phân tích và chia sẻ bối cảnh du nhập của các tôn giáo như Nho – Phật – Đạo, đi sâu vào phân tích nguồn gốc và sự di cư của dân tộc Thái cũng như sự giao thoa văn hóa với Chân Lạp và Phù Nam.

Theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc nổi dậy, khởi nghĩa thời Bắc thuộc, ngoài xung đột giai cấp thì nguyên nhân chính là xung đột văn hóa giữa các sắc tộc. Bên cạnh sự xung đột văn hóa thì đây cũng là thời điểm giao thoa văn hóa và tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa về sau.

Nguồn gốc nước Nam Việt và giai đoạn đầu của giao thoa văn hóa

Để tiện cho mọi người cùng theo dõi, diễn giả tạm chia ra 3 thời kỳ với 3 chính sách khác nhau: Thời cai trị của nước Nam Việt, Thời nhà Hán và Thời An Nam Đô hộ phủ.

Theo một số ghi chép, nước Nam Việt (của Triệu Đà) là một triều đại phương Bắc, của người phương Bắc đô hộ nước Nam. Cũng theo một số tài liệu khác lại nhận rằng, nước Nam Việt là một phần, một triều đại thuộc lịch sử Việt Nam (từ trong các ghi chép của Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim).

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng, quan điểm nhận Nam Việt là một triều đại thuộc về Việt Nam vừa đúng lại vừa không đúng. Và sự tranh cãi với các luồng ý kiến khác nhau này đến từ ba lý do chính. Trước hết, là bởi quan điểm từ khác biệt sắc tộc: những cư dân thuộc nước Nam Việt cũ sẽ muốn bảo tồn “bản sắc cố quốc” khi bị nhà Hán thôn tính. Lý do thứ hai là khái niệm “Việt” trong tên nước “Nam Việt”. Lý do thứ ba là tâm lý bài Hán khiến cho các nhóm người khác nhau sẽ có thái độ khác nhau với Nam Việt. Ví dụ như quan điểm của Thục Phán hay những người ủng hộ Thục Phán thì xem Nam Việt là quân xâm lược phương Bắc. Nhưng đối với các nhóm Lạc thuộc Văn Lang cũ, thì họ vốn không ưa Thục Phán nên dễ dàng chấp nhận Nam Việt là một phần “của mình”.

Bàn về nguồn gốc của Triệu Đà, nhà văn Hà Thủy Nguyên đưa ra các dẫn chứng: Theo Sử ký, Nam Việt liệt truyện thì cuối thời Tần, khi các nơi nổi dậy, Triệu Đà lúc bấy giờ đang là quận úy Nam Hải, đã nổi dậy tự lập làm Nam Việt Vũ Vương. Nhà Hán khi thống nhất đã không tiêu diệt Triệu Đà, theo sử sách là do khoan sức dân nhưng thực tế có thể do địa hình hiểm trở của Phiên Ngung, và lúc này Triệu Đà được nhà Hán phong làm Nam Việt Vương, mục đích là mượn lực của Triệu Đà để cai quản nhóm người Bách Việt (một mối nguy ở biên cương phía Nam). Khi Lữ Hậu nắm quyền, giao hảo giữa nhà Hán với Nam Việt đứt gãy, Triệu Đà tự lập làm Nam Việt Vũ Đế, thường xuyên xung đột với nhà Hán tại Trường Sa… Cũng theo Sử ký, sau khi Lữ Hậu chết, Triệu Đà đã đem quân uy hiếp và thu phục Mân Việt (Phúc Kiến), Tây Âu (Đông Bắc Việt Nam) và đất Lạc (một phần thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam). Khi Triệu Đà thất trận trước nhà Hán thì sẽ đi về đâu? Mân Việt thì không thể ở lại, ra Nam Hải lại càng khó, thế nên Triệu Đà chỉ còn cách là chạy xuống Giao Châu. Như vậy, có thể thấy rằng Nam Việt là một triều đình đô hộ.

Tuy nhiên, từ Nguyễn Trãi (Bình Ngô đại cáo) đến Ngô Sĩ Liên (Đại Việt sử ký toàn thư) đều nhận Nam Việt là “nước ta”, cho thấy rằng quan điểm này đã ăn sâu trong tâm thức các nhà Nho. Hơn nữa, Triệu Đà vốn là người Trung nguyên nên đã mang văn hóa Trung nguyên (văn hóa Hán) xuống đất Giao Châu, dù mô hình của Triệu Đà là tán quyền chứ không phải tập quyền, nhưng so với Văn Lang của các vua Hùng hay Âu Lạc của Thục Phán thì Nam Việt của Triệu Đà là một triều đại chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Hán mà trong đó là Nho giáo, vì thế mà các nhà sử sách đời sau (phong kiến Nho giáo) thà xem Nam Việt là một triều đại hơn là nhận Âu Lạc của Thục Phán chăng.

Cũng theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, tương truyền, một phần lý do khiến Triệu Đà được chấp nhận đó là có giai thoại kể rằng người Giao Châu thấy Triệu Đà có thể ngồi xổm được (giống họ) nên họ đã dễ dàng chấp nhận Triệu Đà – Thực ra đây là một câu chuyện cho thấy Triệu Đà chấp nhận “nhập gia tùy tục” với người phương Nam. Có thể nói, Triệu Đà là người đầu tiên đem văn hóa Hán xuống phía Nam, tạo nên cuộc giao thoa văn hóa trong giai đoạn đầu Bắc thuộc.

Trong giai đoạn cai trị của nhà Hán, bắt đầu từ Tây Hán, khi nước ta lúc bấy giờ bao gồm 3 trong 9 quận mới của Tây Hán, là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, với hai thái thú lúc bấy giờ là Nhâm Diên và Tích Quang với trụ sở thái thú đặt ở Long Biên. Rồi tới thái thú Tô Định và sự cai trị thất bại dẫn đến những cuộc nổi dậy mà tiêu biểu là Hai Bà Trưng. Cho đến khi tất cả các cuộc nổi dậy đều bị Mã Viện đàn áp. Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho biết, theo Việt Nam thời dựng nước (Keith Weller Taylor), Mã Viện sau khi dẹp hết các cuộc nổi dậy đã nhanh chóng thiết lập bộ máy để cai trị, cho đào kênh mương dẫn nước vào ruộng để giúp dân sinh sống (một việc làm mà trước đó chưa từng có đối với kẻ cai trị là tướng quân lừng lẫy như Mã Viện). Trong cuộc xuôi về phương Nam, Mã Viện đã dẫn theo rất nhiều binh lính, để đề phòng nguy cơ quân sĩ sẽ vì nhớ thương quê nhà mà trốn về, Mã Viện đã biến đất phương Nam thành nơi giàu có để quân lính có thể tự nuôi sống mình, được cảm giác chiều chuộng và an cư lâu dài. Mã Viện đã cho xây thành, đàm phán với cả các tù trưởng nơi đây đã quy thuận mình để người bản địa trở thành người làm công cho binh lính.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên đề cập và phân tích, như vậy có thể nói rằng chính sách của Mã Viện đã tạo nên ý thức về tài sản cho người Giao Châu. Cũng từ đây, người dân bắt đầu có ý niệm về sở hữu tài sản riêng và đóng thuế theo mô hình Hán chứ không còn theo mô hình kinh tế tập thể kiểu bộ lạc như trước đó. Đội quân đi theo Mã Viện cũng không phải nhóm người đi lên bằng Nho giáo nên họ nhanh chóng hòa nhập và tiếp nhận văn hóa địa phương, họ vừa có thể tránh xa sự quản thúc của triều đình nhà Hán, lại có thể tự do sinh sống no đủ ở phương Nam nên càng tăng thêm sức mạnh quyền lực cho Mã Viện. Chính sách của Mã Viện cũng là tiền đề để cho các chính sách đồng hóa về sau mà người Trung Quốc đã áp dụng khắp nơi.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng, nếu nhìn với thái độ khách quan, bỏ qua cảm tính bài Hán, có thể nói rằng nhờ chính sách cai trị của Mã Viện mà văn hóa khu vực Giao Chỉ tiến nhanh hơn bởi các cuộc va chạm và giao thoa. Ông ta đồng thời đưa ra các pháp quy mới, phân định hình luật và tục lệ mà không áp đặt triệt hạ như Tô Định trước đó; lại biết cách tạo ra các liên minh tù trưởng của người bản địa (qua các cuộc hôn phối), rồi dần chuyển qua các liên minh người Hán – Việt mà Mã Viện xóa mờ dần ranh giới người bản địa và người Hán. Vì thế, các dòng họ ở đất Giao Châu trở nên phong phú hơn, ngoài những người có gốc Nam Việt hay gốc Lạc, gốc Thục thì còn có những người gốc Hán theo từ đoàn quân của Mã Viện. Và mỗi lần các quan đô hộ người Hán kém cỏi thì sẽ có những cuộc nổi dậy, trong số những người này không còn phân định là người Giao Châu gốc hay là người Giao Châu gốc Hán nữa.

 

Các tôn giáo và giao thoa với các cổ quốc phía Nam

Cũng theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, dù Triệu Đà và Mã Viện là những người tạo ra các giai đoạn đầu cho cuộc giao thoa văn hóa nhưng để văn hóa phương Bắc tràn ngập đất Giao Châu và có sự giao thoa ngược lại thì phải kể đến thời của Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp là một thái thú dưới thời Tam Quốc, con nhà dòng dõi (cha của Sĩ Nhiếp từng là thái thú Nhật Nam), và Sĩ Nhiếp là người đầu tiên mở cửa cho Phật giáo có cơ hội giao lưu Nam-Bắc.

Lại nói, Tam Quốc chính là ba nước Ngụy – Thục – Ngô. Nhà Ngụy và Thục mải đánh nhau, chỉ có nhà Ngô là tập trung thiết lập giao thương hàng hải, nối từ Trung Quốc sang Ấn Độ Dương, đi qua vùng biển Đông Nam Á, một hệ thống giao thương cực kỳ phồn thịnh mà sau này được gọi là Con đường tơ lụa trên biển. Chính tuyến đường này đi qua Lâm Ấp và Phù Nam, hai vương quốc cũng có thế mạnh về giao thương hàng hải, tạo nên một kết nối giao thương, giao lưu văn hóa với nhau. Và thái thú cai quản Giao Chỉ lúc này là Sĩ Nhiếp.

Phụ chú của nhà văn Hà Thủy Nguyên cho giai đoạn Bắc thuộc, trong cuốn “THƯ NGỎ GỞI BẠN TRẺ VIỆT NAM… muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình”, tác giả Vĩnh Đào, NXB Đà Nẵng 2022

Theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, với vai trò trấn thủ biên cương phía Nam và lãnh đạo của tầng lớp cai trị hỗn hợp Hán Việt tại Giao Chỉ, Sĩ Nhiếp đã thiết lập một xã hội tự trị dù vẫn giữ mối quan hệ với nhà Hán, và sau này là Đông Ngô, nhưng lại tách biệt về quyền lực. Sĩ Nhiếp phân chia cho anh em mình cai quản các khu vực tại Hợp Phố, Cửu Chân và Nam Hải, đồng thời đưa ra chính sách che chở các sĩ phu chạy loạn từ phương Bắc xuống phía Nam; rồi mở cửa giao thương với phía Nam để tích lũy nhiều sản vật quý hiếm, dẫn đến sự du nhập Hindu và Phật giáo (rất khó phân định). Có thể kể ra các hướng truyền giáo của các tu sĩ khi đưa Phật giáo đến với người Việt như:

  • Khương Tăng Hội, người gốc Trung Á, nhưng gia tộc sống tại Giao Chỉ. Ông đã tiếp nhận kinh điển Phật – Nho, hoằng pháp lên Bắc, làm lễ quy y cho Tôn Quyền.
  • Trong thế kỷ 3, tăng sĩ Phật giáo người Scythia lai Ấn tên là Kalyanaruci đã dịch kinh Phật tại Giao Chỉ.
  • Cũng thế kỷ 3, Jivaka đi thuyền đến Phù Nam, trình diễn quyền năng để khiến dân yêu Đức Phật, và truyền đạo đến Lạc Dương.
  • Mâu Tử, một nhà Nho thời Sỹ Nhiếp đã viết cuốn sách “Lý Hoặc Luận” bàn về quá trình truyền bá đạo Phật tại Giao Chỉ dưới nhãn quan Nho giáo.
  • Tín ngưỡng Tứ Pháp (không chắc chắn nguồn gốc từ Hindu hay Phật giáo). Theo truyền thuyết về Tứ Pháp, thì thời Sỹ Nhiếp có vị tăng sĩ tên là Tu Định gốc Phù Nam, đến sống và tu khổ hạnh ở ngôi làng gần Luy Lâu. Ông lấy tên là Man, và có một người con gái đặt tên là Man Nương. Sau có một người thuộc đẳng cấp Bà La Môn là Khâu Đà La từ phía Nam tới, biểu diễn pháp thuật và thuyết Phật pháp, Tu Định tôn thờ ông ta như Phật sống. Man Nương trở thành đệ tử của Khâu Đà La, được ông ta dạy Phật pháp hô phong hoán vũ, cuối cùng danh tiếng Man nương đến tai Sĩ Nhiếp và bà dùng quyền phép để chấm dứt một trận hạn hán. Một lần có một gốc cây đa to bị bão thổi đến trước cổng dinh Sĩ Nhiếp, bao nhiêu người khênh không được, nhưng Man Nương dời đi nhẹ nhàng. Người dân tạc cây thành 4 bức tượng Tứ Pháp rồi dựng chùa thờ và xây cho Man Nương một chỗ tu hành.

Giai đoạn này, Phật giáo vào Giao Chỉ có hai phái nổi bật là Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, đều thuộc Thiền tông. Giống như Mã Viện, chính sách cai trị tách mình khỏi triều đình phương Bắc, chấp nhận sự khác biệt văn hóa và duy trì cai trị của tầng lớp cai trị hỗn hợp Hán-Việt của Sĩ Nhiếp được các quan cai trị thế hệ sau học hỏi vận dụng.

Hiện vẫn còn đền thờ Sĩ Nhiếp ở Bắc Ninh có tên gọi là đền thờ Nam Giao học tổ.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên nhấn mạnh, thời kỳ Tam Quốc mở ra cũng từ cuộc chiến diệt giặc Khăn Vàng (loạn Hoàng Cân), thực chất, đây là một dịp bài trừ các tu sĩ Đạo giáo ra khỏi Trung nguyên, và từ đó đệ tử của họ tủa đi muôn nơi, khu vực Giao Châu vô tình trở thành nơi “an toàn khu” cho các cuộc di cư.

Cùng thời điểm này, Phù Nam và Lâm Ấp là hai vùng đất rất có thế mạnh về hải cảng và vàng bạc. Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, chị đã rất ngạc nhiên khi vào thăm một bảo tảng và nhận ra đồ thủ công mỹ nghệ của người Phù Nam rất tinh xảo và dễ tìm, không khó tìm như đồ thủ công mỹ nghệ của Đại Việt. Ngoài ra, với thế mạnh về giao thương hàng hải, chính Phù Nam và Lâm Ấp đã sớm tiếp xúc và chịu ảnh hưởng văn hóa từ Ấn Độ giáo/Phật giáo tại Ấn Độ rồi tạo nên một luồng gió mới trong giới tu tập Bắc – Nam.

Độc giả Phạm Phượng đặt ra câu hỏi, tại sao đồ thủ công mỹ nghệ của Đại Việt không được tinh tế như Phù Nam, dù ở đây đã có một cuộc giao thoa văn hóa qua hải trình của người Trung Quốc tới vùng biển Ấn Độ Dương? Người đang đọc bài viết này, bạn có thể tự trả lời câu hỏi này hay không?

Lại nói, về thời kỳ thứ 3 trong giai đoạn Bắc thuộc, sau Nam Việt, nhà Hán chính là thời kỳ An Nam Đô hộ phủ, lúc này chính là triều đại nhà Đường ở Trung Quốc. Nhà Đường chia Giao Chỉ thành 2 khu vực là thành Tống Bình (cai quản đồng bằng Sông Hồng và Sông Mã) và khu vực thứ hai là vùng đồng bằng sông Cả (còn gọi là Hoan Châu). Trong hai khu vực này, duy chỉ có Hoan Châu là không bị áp đặt theo chính sách nhà Đường.

Thời điểm lúc bấy giờ, các châu trên đất An Nam bao gồm: Hoan Châu, Phúc Lộc Châu, Sơn Châu, Ái Châu, Trường Châu, Phong Châu, Giao Châu và Lục Châu. Trong đó, Hoan Châu là vùng biên giới phía Nam, thường xuyên xung đột với Lâm Ấp. Ái Châu nằm ở lưu vực sông Mã – có thể gọi là nơi giàu có và an toàn nhất bởi vừa cách xa triều đình phương Bắc, xa mối nguy Lâm Ấp và là nơi tập hợp của các tộc Lạc thời Văn Lang.

Nhà Đường là triều đại ưu tiên mở rộng giao thương và cũng là triều đình ưa chuộng Phật giáo và làm cho các cuộc hành hương vô tình trở thành một “phong trào” rầm rộ. Bên cạnh chuyến Tây du nổi tiếng của Đường Tam Tạng thì còn nhiều cuộc hành hương khác nữa. Trong số các cuộc hành hương về Ấn Độ thì An Nam Đô hộ phủ là một trong những điểm khởi hành hoặc cần đi qua của các tu sĩ Phật giáo. Vì thế, cỏ thể nỏi rằng “trạm dừng chân” An Nam Đô hộ phủ này cũng là một địa điểm tiếp nhận những luồng văn hóa mới.

Dù sao thì sự cai trị của nhà Đường vẫn là một cuộc đô hộ, còn chưa kể quyền lực nhà Đường yếu hơn so với nhà Hán, vì thế chẳng mấy chốc lại xuất hiện quân khởi nghĩa, như Mai Thúc Loan, Phùng Hưng… Điều quan trọng lúc này, trong bối cảnh cuối thời Đường mà vẫn liên miên chiến tranh với nhà nước Nam Chiếu (vùng Vân Nam). Nam Chiếu vốn là quốc gia được hội tụ từ liên minh các dân tộc khác nhau như Thái, Mông, Dao… Khi Nam Chiếu thắng trận và tiến quân vào thẳng đất An Nam, người An Nam ban đầu chấp nhận Nam Chiếu và muốn dựa vào đó để chống lại nhà Đường nhưng sau hơn hai năm rưỡi thì người An Nam cũng không còn hoan nghênh Nam Chiếu nữa, bởi vì tính tàn phá của quân Nam Chiếu, đi tới đâu đốt phá tới đó. Và Cao Biền chỉ cần 5000 quân lính là có thể dẹp tan Nam Chiếu.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên nhấn mạnh, từ cuộc di cư của người Nam Chiếu trong đợt này mà để lại hậu duệ chính là tộc người Thái ở Việt Nam bây giờ và cả người Thái ở Lào ngày nay.

Cao Biền đã xây thành, đắp lũy, đào kênh, hồi sinh giao thương vận tải trên đất An Nam. Dù các dã sử, truyền thuyết Việt Nam ghi chép về Cao Biền với thái độ rõ ràng và luôn là những câu chuyện nhuốm màu đen tối, liêu trai như trong Lĩnh Nam Chích Quái hay Việt Điện u linh thế nhưng trên thực tế, với chính sách cai trị khéo léo, Cao Biền đã khiến cư dân bản địa chấp nhận thà bị đô hộ còn hơn là lại phải làm quen với một Nam Chiếu xa lạ.

Các giai thoại về Cao Biền đầy màu liêu trai có thể kể ra như những chuyện Cao Biền đấu pháp với các vị thần đất An Nam và về sau chịu thua các vị thần này, theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, thực ra đây là câu chuyện phản ánh việc Cao Biền chấp nhận sống chung với văn hóa bản địa, cũng là một kiểu “nhập gia tùy tục” vậy.

Còn câu chuyện Cao Biền khơi sông Tô Lịch nhuốm màu tâm linh bí ẩn, thực ra nằm trong công cuộc giải quyết vấn đề khí tiết nồm ẩm ở An Nam của Cao Biền. Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho biết, thời Pháp vào Việt Nam, người Pháp đã lấp đến 200 cái hồ ở Hà Nội. Điều này cho thấy, thành Đại La trước kia nhiều hồ biết bao. Và hệ thống sông hồ chi chít ở một xứ thuộc vùng khí hậu nóng ẩm như An Nam quả là một vấn đề bất cập. Chính bởi vì hễ có nhiều sông hồ thì nơi đó nhiều chướng khí bốc lên, đó là hơi bùn, là sự oi nồng, là nóng ẩm với tất cả sự khó chịu mà một người phương Bắc như Cao Biền không thể thích nghi, nói gì đến đám đông người phương Bắc đi theo Cao Biền xuôi về An Nam sinh sống lâu dài. Vì thế, để có thể sống lâu dài và yên ổn ở đây, Cao Biền đã bắt tay cải tạo lại thành Đại La, với kiến thức phong thủy, ông ta vừa cho khơi sông Tô Lịch để dẫn gió Đông thổi bay bớt khí oi nồng mùa xuân hè, nhưng cũng cho đắp thêm núi Voi Phục để cản bớt gió, không để sức gió quá mạnh. Núi Voi Phục, theo nhà văn Hà Thủy Nguyên thì hiện nay được xác định trong khoảng từ đền Voi Phục đến hết phố Kim Mã. Như vậy, có thể nói rằng Cao Biền đã dùng kiến thức và tầm nhìn của một nhà chính trị, để quy hoạch một vùng đất hơi hoang dã thành một nơi sống được. Với Cao Biền, mục đích của ông ta là thôn tính Hoàng Sào, thu phục Nam Chiếu chứ không phải một An Nam nhỏ bé xa xôi. Tuy nhiên, chính Cao Biền cũng chịu áp lực từ triều đình phía Bắc, vì phía triều đình vẫn luôn dè chừng ông ta… Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, nói về ghi nhận chuyện cải tạo thành Đại La, trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ có nhắc tới “Cao vương”, chính là Cao Biền vậy.

Sau khi Cao Biền rời khỏi An Nam, cháu nội của Biền là Cao Tầm và tùy tướng là Tăng Cổn tiếp tục kế nhiệm và duy trì cấu trúc cai trị. Tuy nhiên, đúng lúc này thì nhà Đường suy yếu, thế nên các cuộc khởi nghĩa ở An Nam lại nổi dậy, trải qua bao cuộc cho đến thời họ Khúc thì thành công và Khúc Thừa Dụ tự lập làm An Nam Đô hộ sứ vào năm 906, mở đầu cho thời kỳ thoát khỏi Bắc thuộc.

Cũng giống như Phù Nam và Lâm Ấp, hai quốc gia Chăm-pa (thay thế Lâm Ấp) và Chân Lạp (thay thế Phù Nam) tiếp tục nằm trong tuyến đường giao thương nối từ Đông Nam Á lên phương Bắc, tuy nhiên sự phồn thịnh không được như trước. Lý do đến từ Chân Lạp. Quốc gia với nhóm người nông dân này đã phá bỏ các cảng thị ở miền Nam Việt Nam ngày nay, vốn là cột trụ kinh tế của Phù Nam, và tập trung phát triển dân cư bên trong lục địa (phía Campuchia).

Quay lại câu hỏi phía trên của độc giả Phạm Phượng, bạn đọc liệu đã tự có câu trả lời hay chưa? Nhà văn Hà Thủy Nguyên phân tích rằng, vốn dĩ đồ thủ công mỹ nghệ của vùng Phù Nam, Lâm Ấp tinh xảo hơn Đại Việt là nhờ việc bí quyết được truyền miệng. Nếu vùng Giao Châu (sau này là Đại Việt, miền Bắc Việt Nam), không có độ tinh xảo đại trà trong đồ thủ công mỹ nghệ, là bởi ảnh hưởng cuộc Hán hóa, để lại tính gia tộc dòng họ trong quá trình cạnh tranh, vì thế mà mỗi thứ đều có thể trở thành bí truyền gia tộc. Cho nên nói về đồ thủ công mỹ nghệ ở Giao Châu, thường chia đẳng cấp rõ rệt, và chỉ ở những gia tộc giàu có, ở giới quý tộc, thì mới có được độ tinh xảo trên các món đồ thủ công mỹ nghệ. Còn vùng Phù Nam, Lâm Ấp, họ vốn dĩ nhận ảnh hưởng văn hóa của Hindu giáo và văn hóa Ấn Độ nói chung, họ không có tính bí truyền, không truyền tay bí kíp qua thư tịch mà qua truyền khẩu, vì thế độ phổ biến rộng hơn, tuy nhiên cũng mang tính đại trà nhiều hơn, một kiểu mỹ thuật đại trà mười món như một và ai cũng làm được, nhưng nó sẽ bị hạn chế ở chỗ không có điểm nhấn, không có nét riêng.

Theo chia sẻ của nhà văn Hà Thủy Nguyên, bạn đọc có thể tham khảo các tài liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam thời dựng nước (Keith Weller Taylor), Sử ký, Nam Việt liệt truyện, Đại Nam dật sử…

Tìm hiểu thêm:

  • Đọc thêm về Hệ thống các vị Phật, bồ tát và thần quỷ trong Phật giáo tại đây.
  • Bài tường thuật số trước tại đây.
  • Các số khác thuộc chuỗi Nam Phong khác tại đây. 

Người viết: Yến Ly

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *