24/10/2022

Cityfact #3: ĐỊNH KIẾN NỮ GIỚI TRONG MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Buổi trò chuyện “Định kiến nữ giới trong môi trường kinh doanh” do diễn giả Hà Thủy Nguyên (Founder và Brand Manager của Book Hunter) dẫn dắt với sự tham gia thảo luận của những người quan tâm đã diễn ra tại Trung tâm Book Hunter vào hồi 16h00, thứ Bảy, ngày 15/10/2022.

 

 

Đặt vấn đề

Mở đầu cuộc trò chuyện, diễn giả Hà Thủy Nguyên chia sẻ: trên con đường tìm kiếm tri thức và đưa những tri thức mới giới thiệu tới cộng đồng thì một trong những vấn đề mà Book Hunter quan tâm đó là vai trò của phụ nữ trong xã hội thực sự là gì. Qua các diễn ngôn, có thể thấy rằng cụm từ/chủ đề quen thuộc khi nói về phụ nữ gắn liền với “thiên chức sinh đẻ và nuôi con”. Thoạt nghe thì rất bình thường nhưng ẩn sau đó là nhiều vấn đề về tâm lý cũng như xã hội mà để hiểu được nó thì không dễ dàng vì ngay cả khoa học cũng bó tay và bấy lâu nay các vấn đề này vẫn được lật đi lật lại nhiều lần để xem xét. Book Hunter cũng từng hợp tác với một số nhân vật xây dựng chuyên trang về phụ nữ, nhưng cuối cùng đã không thành chính vì những người tham gia dự án này (nữ giới) lại bị vướng vào định kiến về giới, khi họ nghĩ rằng tri thức hay trí tuệ là đặc tính của nam giới và họ đã cố gắng để trở nên… nam tính. Thật sự nghịch lý, tại sao chỉ có nam giới mới có những phẩm tính về tri thức hay trí tuệ?

Dù vậy, những người còn lại của Book Hunter vẫn tiếp tục theo đuổi dự án về phụ nữ, và từ cuối năm 2021, Tủ sách Que Sera ra đời, mang tinh thần như tên gọi của tủ sách, với cuốn sách đầu tiên là “Giấy dán tường vàng” của Charlotte Perkins Gilman.

Tên tủ sách được bắt nguồn cảm hứng từ ca khúc cùng tên, có nội dung là trong cuộc nói chuyện của người mẹ với con gái của mình, khi cô bé hỏi mẹ rằng tương lai và mọi thứ sẽ ra sao thì người mẹ đã trả lời, con hãy cứ kệ đi, việc nào đến rồi sẽ đến. “Que Sera” cũng có nghĩa là “việc gì đến thì sẽ đến.” Ở phương Tây, bài hát này rất được yêu thích và những người phụ nữ xem như đó là tuyên ngôn về đời sống của mình. Thay vì kỳ vọng vào tương lai được đảm bảo bởi một người đàn ông nào đó thì họ lựa chọn “Que sera que sera/Whatever will be, will be”.

Cũng thuộc tủ sách này, cuốn thứ hai là “Triết học cho con gái”. Điều tình cờ thú vị là trong lúc đội ngũ Book Hunter đang nghĩ về một tủ sách mang tinh thần “Que Sera” dành cho nữ giới thì dịch giả đã gửi bản dịch tiếng Việt “Giấy dán tường vàng” qua email để giới thiệu và có đề nghị mong muốn cuốn sách được xuất bản. Cũng không lâu sau đó thì trường Đại học Oxford gửi danh mục những cuốn sách mới ra, trong đó có “Philosophy for girls” và bản đọc thử thú vị khiến cho Book Hunter không khỏi thích thú vì vấn đề mà cuốn sách này đặt ra, đó là những người phụ nữ liệu có tự chủ trong cuộc đời của mình không hay là họ phải trải qua rất nhiều những định chế xã hội rồi áp đặt lên thói quen ứng xử hằng ngày?

Độc giả T. H đặt ra câu hỏi, “Liệu triết học cho phụ nữ bên phương Tây có được đặt ra sớm hay không?”

Diễn giả Hà Thủy Nguyên chia sẻ, ở phương Tây, triết học dành cho phụ nữ không được đặt ra sớm. Các nhà triết học là nữ giới trên thế giới cũng rất ít, trong đó người nổi tiếng có thể kể đến như Simone de Beauvoir, người tình của Jean-Paul Sartre; và các triết gia chủ yếu được nhận diện qua nam giới nhiều hơn.

Đi vào chủ đề “Định kiến về nữ giới trong môi trường kinh doanh”, diễn giả Hà Thủy Nguyên nhấn mạnh, môi trường kinh doanh không chỉ là những câu chuyện trong công sở ở doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước mà còn là môi trường bán hàng online… các môi trường mà con người cần làm việc để mưu sinh đều được gọi là môi trường kinh doanh. Cùng với đó, chị muốn nghe thêm những chia sẻ của các thành viên tới tham gia buổi trò chuyện về quan điểm của họ trước vấn đề của nữ giới.

Anh T. H chia sẻ: Khi đọc thông tin về buổi trò chuyện này, anh liền đăng ký tham gia, lý do đầu tiên là bởi anh quan tâm tới con gái của mình. Ngoài ra, anh vốn đã quan tâm các vấn đề về giới từ lâu và anh đã từng nghĩ rằng nên “cào bằng” hết theo chủ nghĩa công bằng. Tuy nhiên về sau, anh nhận ra có sự khác biệt giữa hai giới, mà kiến thức về nữ giới của anh còn rất ít nên anh muốn hiểu nửa kia nhiều hơn.

L. Duy, một bạn nam khác đang làm việc tại Hà Nội, chia sẻ: Bản thân Duy thấy không chỉ nam giới mà ngay cả phụ nữ cũng đang và luôn tự định kiến chính mình. Vì thế, Duy quan tâm và muốn được chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này.

Đ. L. Phương  tới tham dự cuộc trò chuyện vì sức hút của diễn giả và muốn nghe thêm các chia sẻ khác của mọi người, với mong muốn có thể đúc kết được điều gì đó cho bản thân.

Một bạn nữ giấu tên chia sẻ, bạn rất quan tâm vấn đề về giới. Và bạn cho rằng nên trả lại quyền của người nữ mà người nam đang chiếm ưu thế trong công việc.

P. Thảo, một bạn trẻ khác tới tham dự cũng cho biết rằng, bạn đã gặp rất nhiều tình huống/tình trạng định kiến trong môi trường kinh doanh. Với trải nghiệm từng làm trợ lý giám đốc cho một vài doanh nghiệp và tham gia tiếp khách cùng giám đốc, bạn nhận ra cách nhìn của đối tác (thường là nam giới) khi tiếp xúc với các trợ lý giám đốc có sự khác biệt rõ rệt trong trường hợp trợ lý đó là nam hay nữ. Thường khi tương tác với trợ lý là nam giới trẻ tuổi, đối tác sẽ nhìn nhận đơn giản đó là một thanh niên trẻ; nhưng khi tương tác với trợ lý là nữ giới trẻ tuổi (như Thảo), thì bạn nhận thấy cách nhìn nhận của đối tác với nữ trợ lý lại rõ ràng rằng đây là một người phụ nữ và ánh mắt họ tỏ rõ rằng nữ trợ lý này như một món đồ trang trí xinh đẹp. Với Thảo, phụ nữ và nam giới vốn có sự khác biệt về tâm sinh lý, không nhất thiết những việc phụ nữ làm được thì nam giới cũng làm được và ngược lại. Ngoài ra, Thảo cũng muốn nghe thêm quan điểm mà diễn giả chia sẻ.

Bạn trẻ N. Linh chia sẻ, Linh chưa có nhiều trải nghiệm va chạm về giới nên chưa nắm rõ thực trạng về giới ở Việt Nam thế nào nên việc Linh tới tham gia buổi trò chuyện với mong muốn được cập nhật.

Dịch giả Lê Hải Anh, một thành viên trong nhóm dịch cuốn “Triết học cho con gái” với phần nội dung được cho là khó nhất của cuốn sách là logic của phụ nữ. Hải Anh có trải nghiệm đặc biệt khi từng du học tại một trường nữ sinh ở Mỹ. Điều mà Hải Anh trân trọng ở trường đó là, dù rằng trường nữ sinh nhưng nhà trường không định hướng “cào bằng” nam nữ mà luôn tạo điều kiện và dạy để mỗi người có thể phát huy thế mạnh của mình và làm những công việc phù hợp. Trước đây, Hải Anh không nghĩ rằng phụ nữ có thể đảm nhận các công việc cần tập trung cao độ như bác sĩ hay nghiên cứu khoa học nhưng môi trường đào tạo ở trường nữ sinh đã đem đến cho Hải Anh một cái nhìn khác. Đặc biệt, khi dịch cuốn “Triết học cho con gái”, Hải Anh nhận thấy có nhiều vấn đề cần suy ngẫm thêm và cuốn sách gợi nhớ nhiều đến lúc chị học ở trường nữ sinh, đó là những thôi thúc phải luôn đào sâu, đặt ra câu hỏi để tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Đặc biệt là Hải Anh cũng thích làm việc với những người nữ hơn người nam vì cảm thấy người nữ tâm lý hơn (đồng cảm về sức khỏe, tâm sinh lý…).

L. Uyên, một bạn trẻ từng làm việc trong ngành xuất bản chia sẻ, qua trải nghiệm và quan sát của bạn về ngành xuất bản và truyền thông nói chung, các đầu sách hay nội dung truyền thông thường xuyên nhất về “nữ quyền” vẫn là một kiểu “cào bằng” – rằng những việc nam giới làm được thì phụ nữ cũng làm được. Tuy nhiên, L. Uyên cùng quan điểm với P. Thảo, rằng nam và nữ giới có sự khác biệt về tâm sinh lý, giống như mỗi người có một ưu và nhược điểm khác nhau, vì thế khi nói tới “nữ quyền”, L. Uyên không hứng thú với cách mà truyền thông và xuất bản vẫn liên tục nhắc về – sự cào bằng nam và nữ. Và L. Uyên cũng rất muốn được nghe thêm các chia sẻ khác của mọi người trong buổi trò chuyện này.

 

Đặc tính cơ thể nữ giới

Diễn giả Hà Thủy Nguyên chia sẻ, trước khi quan tâm về chủ đề nữ giới, chị đặc biệt quan tâm tới vấn đề tình dục (giữa nam và nữ giới) và tại sao phải duy trì nó. Bởi sau các quan sát trong các kết nối xung quanh, chị nhận ra những tan vỡ gia đình chủ yếu bắt nguồn từ xung đột trong mối quan hệ tình dục chứ không hoàn toàn vì những lý do xung đột khác (tính cách, thói quen sống…). Rằng nam giới và nữ giới như hai thực thể tình dục, và từ đó mà chị quan tâm tới nam và nữ cũng như vấn đề giới tính. Chị đặt ra vấn đề: Trong bối cảnh xóa bỏ văn minh hiện đại, xóa bỏ phân chia vai trò đàn ông và phụ nữ, quay về thời kỳ mông muội ngày xưa, liệu có thể chắc rằng đàn ông khỏe hơn hay phụ nữ khỏe hơn? Chúng ta không chắc chắn được điều đó mà chỉ biết đến các kết quả mang tính ngụy khoa học và dựa trên những phỏng đoán của những nhà nghiên cứu dùng con cái và con đực (động vật/giới linh trưởng) để quan sát hành vi rồi suy ra cho con người và họ đã xử lý kết quả đó theo hướng họ muốn (họ loại bỏ các quan sát cho thấy con cái khỏe hơn con đực như nhện, bọ ngựa…).

Trong xã hội tiền văn minh, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xã hội – thời kỳ mẫu hệ. Dù bây giờ, con người đang gọi đó là thời kỳ mông muội nhưng có một điều chắc chắn rằng, phụ nữ nhất định phải đóng vai trò nào đó trong xã hội chứ không chỉ thiên về việc sinh đẻ.

Liệu nam và nữ (con cái và con đực) từ xưa đã có sự khác biệt gì hay chưa?

Chị cũng chia sẻ, trong cuốn sách Sex, Time, and Power của Leonard Shlain nói rằng, cơ thể nữ có điểm khác biệt so với cơ thể nam chính là ở thời kỳ kinh nguyệt. Việc mất máu ảnh hưởng đến xương khớp và cơ cũng như sức khỏe tâm lý, vì thế mà sức khỏe người nữ yếu hơn và cần nhiều thịt hơn. Một trong những điều mà người nữ có thể đánh đổi để có được nhiều thức ăn là thịt hơn đó chính là khả năng sinh đẻ và từ đây mà họ trở thành những người ở nhà sinh con và cai quản nhà cửa, còn những người đàn ông thì đi săn. Tuy nhiên, cũng không có gì làm bằng chứng để khẳng định phụ nữ không thể là thợ săn và thậm chí là thợ săn giỏi. Đó là một khả năng có thể xảy ra, như những câu chuyện trong thần thoại về các nữ chiến binh Amazon.

Anh T. H cho rằng, có thể có phụ nữ đi săn nhưng nếu phụ nữ ở nhà và đàn ông đi săn thì khả năng kiếm được nhiều thức ăn hơn sẽ cao hơn. Và trải qua lịch sử lâu đời, thói quen này sẽ lưu trữ qua gene để rồi tạo nên một di truyền thích hợp là phụ nữ có khả năng quản lý nhiều việc lặt vặt cùng một lúc hơn đàn ông và khó có thể làm tốt nếu chỉ tập trung vào một mục tiêu lớn như đàn ông.

Diễn giả Hà Thủy Nguyên chia sẻ, không ai dám chắc khả năng đi săn của phụ nữ và đàn ông, ai sẽ hơn ai. Mà nhiều khi đơn giản vì phụ nữ vốn lười chứ không phải là không có năng lực. Tuy nhiên, đúng là có sự phân hóa thói quen. Và từ đó, phụ nữ cần sự bảo vệ từ người đàn ông, đôi khi không hoàn toàn vì nhu cầu cá nhân mà chỉ vì muốn đảm bảo sự an toàn cho tài sản và thỏa mãn cảm giác được thong dong. Người phụ nữ sẽ có xu hướng lựa chọn những người đàn ông mạnh mẽ, khỏe mạnh. Diễn giả lại đặt ra câu hỏi: Vậy nếu người đàn ông không đủ khỏe mạnh thì có cơ hội tìm kiếm được phụ nữ hay không?

Mọi người sôi nổi bàn luận, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh đó một người đàn ông yếu đuối thì khó có thể tìm được phụ nữ cho mình nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khả năng vẫn xảy ra, rằng người đàn ông không đủ khỏe mạnh sẽ tìm được người phụ nữ phù hợp cho mình.

Đ. L. Phương  bình luận: Lấy ví dụ bối cảnh ngày xưa, nếu một bộ lạc toàn là nam giới và một bộ lạc là nữ thì bên nào sẽ chết nhanh hơn? Và Phương cho rằng bộ lạc toàn nam giới sẽ chết nhanh hơn. Bởi nếu bộ lạc toàn là nam giới thì không có người sinh đẻ, nối tiếp thế hệ. Còn bộ lạc toàn là nữ giới thì họ có khả năng sinh đẻ, sẽ tự có cách ra ngoài để mang thai và duy trì nòi giống; chưa kể, phụ nữ vốn cũng có khả năng tự bảo vệ mình, trong bộ lạc toàn là nữ kia sẽ có những người không có nhu cầu sinh đẻ và chính họ sẽ là người bảo vệ cho bộ lạc. Hoặc dù cho bây giờ, thì cuộc sống vẫn diễn ra như thế. Bởi ý nghĩ mặc định phụ nữ yếu đuối không biết tự bảo vệ hay bảo vệ nhau cho nên người ta quên mất rằng phụ nữ vốn có thể tự sinh tồn khỏe mạnh mà không cần dựa dẫm đàn ông.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, trong cuốn sách Sex, Time, and Power, tác giả phân tích rằng, những người đàn ông yếu đuối kia vẫn có thể tìm được phụ nữ cho mình. Bởi vì số đàn ông khỏe mạnh thường là thợ săn, hoặc sẽ trở thành binh lính và sẽ chết hết. Vậy những người đàn ông yếu hơn không đủ sức khỏe để săn bắn hay đi đánh nhau thì sẽ phát triển những năng lực khác như hát hay, đàn giỏi, vẽ đẹp, làm thơ tình… hoặc thành thạo một nghề thủ công nào đó; và trong khi đó họ lại ở chung cộng đồng với những người phụ nữ có chồng chết vì đi săn bắn hay chiến tranh. Và cũng chính những người đàn ông không đủ sức mạnh thể chất này góp phần thúc đẩy xã hội. Đặc tính của những người đàn ông khỏe mạnh về thể chất thường ham đi xa, ham chinh phạt, săn bắn.

Điều thú vị là, những người đàn ông ham đi xa và chinh phạt thường coi việc cướp được phụ nữ như là một huy chương chiến thắng, đặc biệt là cướp được phụ nữ càng đẹp thì chiến thắng đó càng mang vẻ vinh quang. Diễn giả cũng nhắc tới một câu chuyện kinh điển trong thần thoại của người Sabine, mà tạo nguồn cảm hứng cho kiệt tác “Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine”. Đó là những người phụ nữ Sabine dần thấy thích thú với cuộc sống bị bắt cóc về làm vợ, khi ngày ngày được những người đàn ông đam mê đi chinh phạt đem thức ăn và tài sản về nhà.

 

Định kiến giới trong môi trường kinh doanh

Trong chiến tranh, lịch sử, đàn ông xem việc cướp được phụ nữ xinh đẹp về như một chiến lợi phẩm đắt giá, như một tấm huy chương công nhận chiến thắng. Có thể nhắc đến một nhân vật tiêu biểu và gần gũi là Tào Tháo, đánh chiếm ở đâu đều cướp mỹ nhân ở đó về. Ở Việt Nam có thể kể đến vua Lê Thần Tông, có mỗi phi tần của ông vốn là người thuộc một dân tộc khác nhau (người Thái, Mường, Hán, Lào, Hà Lan), cũng minh chứng cho một sự khẳng định chiến thắng.

Trong thời đại ngày nay, ở môi trường kinh doanh, một người sếp nam có nữ trợ lý xinh đẹp đi cùng cũng là một ngầm ẩn minh chứng cho sự thành công của người đàn ông đó. Và ngược lại đối với các sếp nữ, ngày nay đã dần thể hiện độ thành công của mình bằng cách tuyển dụng những nam trợ lý điển trai.

Diễn giả tiếp tục đặt vấn đề: Nhưng kể cả xưa hay nay, nếu người đàn ông không đạt được huy chương chiến thắng đó (những phụ nữ xinh đẹp) thì phải làm gì?

Bạn P. Thảo nhắc thêm về các câu chuyện đùa và kiểu đùa của đàn ông. Rằng phụ nữ hay nam giới đều biết đùa và thích đùa, nhưng tại sao đàn ông lại thích đùa kiểu khiếm nhã và tương tác nhạy cảm với phụ nữ?

Trả lời cho thắc mắc của P. Thảo với góc nhìn nam giới, anh T. H bình luận: Kể cả hiện tại, vô thức của con người vẫn còn rất mạnh, đó là sản phẩm có trước từ hàng triệu năm. “Bản thiết kế“ của con đực là gieo giống ở mức tối đa. Vì thế nhu cầu cao và thường trực, dẫn đến những hành vi đầy bản năng khó tiết chế, do vậy mà trở nên dễ đùa khiếm nhã với phụ nữ. “Chúng tôi ko có lỗi, gene của chúng tôi quy định thế”, là một câu nói nghiêm túc và rõ ràng về bản năng của đàn ông. Bản năng của đàn ông là chuyện tất nhiên nhưng trong cuộc sống xã hội còn nhiều yếu tố khác, mỗi người đàn ông khác nhau và hơn nhau ở khả năng tiết chế.

Diễn giả chia sẻ thêm, trong cuốn sách “Tại sao tình dục lại thú vị” nói rõ đàn ông luôn khao khát “gieo giống”, vì họ đối mặt nguy hiểm nhiều hơn phụ nữ, nên họ luôn có bản năng làm sao để duy trì thế hệ sau.

Ngoài ra, xét về tình dục cũng cần nhìn nhận với hai mục đích: tình dục phục vụ mục đích sinh đẻ và phục vụ mục đích cảm xúc. Tình dục lại dễ thường chỉ có thể thỏa mãn một trong hai. Nếu 1 người đàn ông tìm được người phụ nữ có thể thỏa mãn cả 2 thì khá hiếm. Còn nếu tìm thấy đối tượng thỏa mãn cảm xúc thì luôn cảm thấy không an toàn và họ phải tìm cách để có thể sinh đẻ được nhiều con hơn. Trong xã hội hiện đại với mô hình một vợ một chồng, nguy cơ bất an này lại càng cao trong khi bản năng “gieo giống” của nam giới vẫn còn mạnh, vì thế có thể lý giải cho những mối quan hệ ngoài luồng hôn nhân và việc ngoại tình của đàn ông…

L. Uyên đặt ra câu hỏi, nam giới xuất hiện trong triết học sớm hơn nữ giới, lý do ở đây là gì?

Với góc nhìn nam giới, anh T. H chia sẻ, để dễ hiểu thì mọi người có thể hình dung trong câu chuyện xăng tăng, phụ nữ thường chỉ nghĩ tới chuyện di chuyển khó khăn, giá cả cơ sở vật chất cũng tăng theo. Còn đàn ông, họ nghĩ rộng hơn, xa hơn, đó là câu chuyện xung đột đang xảy ra trên thế giới, chứ không chỉ gói gọn ở góc nhìn như phụ nữ nữa. Và anh cũng dẫn thêm một vấn đề, phụ nữ nếu làm công việc độc lập và đổi vị trí cho đàn ông ở nhà nội trợ thì liệu phụ nữ có trụ được như đàn ông?

Đ. L. Phương chia sẻ, trong những kết nối tương tác của chị, có rất nhiều phụ nữ độc lập mà không cần có đàn ông bên cạnh. Và những người phụ nữ đó lại tiến rất xa trong con đường sự nghiệp, họ không còn bị đóng khung trong hình dung người phụ nữ chân yếu tay mềm chỉ nên ở nhà nội trợ nữa.

Diễn giả dẫn thêm: Thiên chức của phụ nữ, xét cho cùng là các vấn đề thuộc về bản năng. Các tài liệu để lại đều dựa trên các quan sát và thống kê không hoàn toàn chính xác và mang tính phỏng đoán. Cùng với xã hội từ xưa tới nay đều dạy rằng phụ nữ phải làm các công việc và định vị như thế. Vậy phụ nữ nếu không ở nhà nội trợ thì họ có thể làm gì?

Vị trí của phụ nữ khi ở nhà nội trợ và khi ra ngoài làm việc như đàn ông liệu có mang lại thành tựu và hiệu quả được như đàn ông hay không là một câu chuyện gây nhiều tranh cãi, ngay giữa các thành viên tham gia buổi trò chuyện. Góc nhìn nam giới của anh T. H vẫn cho rằng số phụ nữ khi ra ngoài làm việc thành công vẫn rơi vào xác suất thấp và nó thành quy luật. Còn các góc nhìn nữ giới lại không tán thành quan điểm của anh.

Diễn giả Hà Thủy Nguyên phân tích: Không phải lúc nào hợp theo số đông cũng là hợp quy luật. Quy luật không liên quan tới đa số hay thiểu số. Bởi vì quy luật sẽ thay đổi theo từng biến cố xã hội. Giả định, robot sẽ thay thế các công việc của phụ nữ trong gia đình. Vậy lúc này phụ nữ sẽ làm gì? Nếu ai cũng ra ngoài xã hội làm việc trong môi trường kinh doanh, thăng tiến sự nghiệp thì xã hội đó có ổn hay không? Và phụ nữ có nhất thiết đeo đuổi sự thành công trong sự nghiệp – môi trường mà đàn ông đang thống trị hay không? Và nếu họ theo đuổi sự nghiệp thì sẽ thâm nhập bằng cách nào, theo cách của phụ nữ hay là bắt chước theo cách của đàn ông?

Diễn giả cũng nhấn mạnh, không thể phủ nhận trong môi trường làm việc căng thẳng và gặp nhiều stress, hormone của đàn ông thường không bị ảnh hưởng nhiều bằng phụ nữ. Sự biểu hiện rõ rệt cho sự thay đổi hormone này chính ở phần thay đổi nội tiết tố của phụ nữ (mụn, kinh nguyệt không đều…). Tuy nhiên, lại có những trường hợp đặc biệt, cũng theo diễn giả chia sẻ, đó là một người bạn của diễn giả, hễ đi làm và trong guồng căng thẳng của công việc thì mạnh khỏe, nhưng cứ vào ngày nghỉ ngơi hoặc trạng thái thư giãn thì chị ấy sẽ bị ốm. Vậy có thể thấy rằng, vấn đề stress hay các mức chịu đựng áp lực công việc không liên quan tới giới tính, mà nó đến từ sự thoải mái của chính người đó và cảm hứng với công việc. Nghĩa là miễn sao đó là hoạt động họ yêu thích thì họ sẽ luôn tràn trề năng lượng.

Lại nói, trong môi trường kinh doanh hiện nay, đàn ông đang nhìn sự thành công của bản thân giống như câu chuyện chinh phạt thời hồng hoang. Và vì thế mà dẫn tới một môi trường kinh doanh (công sở) đầy drama. Môi trường này được xây dựng mang tính bầy đàn, chủ doanh nghiệp thường là nam giới. Lúc này, trong mối kết nối các nữ nhân viên vô hình biến thành một kiểu “hậu cung” của nam giới, ở tình trạng tranh giành đấu đá. Các sếp nam dễ coi chuyện phụ nữ làm các công việc phục vụ là chuyện đương nhiên. Hoặc tình trạng sếp nam không đánh giá cao ý kiến góp ý của phụ nữ vì mặc định rằng phụ nữ thiếu lý trí. Cùng với đó là các sếp nam cũng dễ thường phản ứng tiêu cực với các trạng thái bất thường của phụ nữ. Ngoài ra còn tình huống các sếp nam sẽ dễ “sủng ái”, “ưu tiên” các nhân viên ngoan ngoãn nghe lời hơn và nữ nhân viên dễ bị sếp nam thao túng hơn.

Trong bối cảnh này, phụ nữ sẽ vô tình tự giới hạn mình khi sa vào vòng “tranh giành vô nghĩa”. Đó là nỗ lực thu hút đàn ông bằng mọi cách, tự coi bản thân mình là yếu kếm hơn trong cạnh tranh chỉ vì nản chí hoặc cam chịu im lặng khi bất công.

Một môi trường doanh nghiệp như vậy thì dễ bị suy yếu và kém bền vững là tất nhiên, vì những người thẳng thắn sẽ bỏ việc, và còn lại chỉ còn 1 đội ngũ chỉ thích lấy lòng sếp.

Nếu chủ trong môi trường kinh doanh là sếp nữ thì sao? Sếp nữ hiện nay cũng thích mô phỏng môi trường thành công ở nam giới, có thể thấy qua các cách thể hiện về đội ngũ nhân sự cứng, thường là một tốp nhân viên kiểu “nam sủng”. Tuy nhiên, sếp nữ thường có xu hướng tới mục tiêu nhân viên của mình có đủ sống hay không chứ không tham vọng mở rộng doanh nghiệp như sếp nam. Và sếp nữ khi tương tác với nữ nhân viên cũng dễ đồng cảm hơn trong những trạng thái bất thường (đến kỳ kinh nguyệt, sinh đẻ…)

Thêm một vấn đề mà diễn giả đặt ra: Phụ nữ có nên được nghỉ vào ngày kinh nguyệt hay không?

Nhân bàn về định kiến nữ giới trong môi trường kinh doanh, dịch giả Sophia Ngô chia sẻ: Hồi chị còn du học ở Đài Loan, từng đến tu tập tại một ngôi chùa nổi tiếng và có nhiều cơ sở trên thế giới, tên là Phật Quang Sơn. Theo quan sát của chị ở các ngôi chùa khác thì các sư tăng thường được ưu tiên hơn các ni cô, về ăn uống, học vấn, nghỉ ngơi… Tuy nhiên, tại Phật Quang Sơn lại là một môi trường khác hẳn, các ni cô được ưu tiên về ăn uống, nghỉ ngơi, học vấn và cả lựa chọn công việc hơn các sư tăng. Điều đặc biệt có thể kể đến thì đây là ngôi chùa duy nhất gọi chung tăng ni là “pháp sư” chứ ko tách riêng gọi ra tăng hay ni. Kể cả trong nghi lễ, tới phiên ai thì người đó phụ trách chứ ko phân ra là cứ các thầy thì mới chịu trách nhiệm nghi lễ.

Diễn giả Hà Thủy Nguyên tiếp tục đặt ra câu hỏi: Lý do vì sao nam giới thể hiện yếu ở 1 số hoạt động lao động chân tay?

Với góc nhìn nam giới, anh T. H chia sẻ: Thường thì nam giới bị phân tâm trong việc lựa chọn: cùng 1 sức lực như vậy, tôi có thể làm 1 công việc khác tốt hơn, tại sao tôi phải làm việc này, và đó là lý do mà ở trong một số hoạt động lao động chân tay, nam giới lại biểu hiện yếu hơn bình thường.

Diễn giả cho biết, những nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe tình dục trên thế giới còn ít và hạn chế, nhất là với cơ thể phụ nữ thì vẫn còn rất ít và kém. Đối với ngày xưa, mục đích y học ngày xưa chủ yếu phục vụ chiến tranh, vì thế cơ thể nam giới được nghiên cứu kỹ hơn nữ giới. Và nếu sức khỏe nữ giới được quan tâm thì chỉ có tăng hoặc kiểm soát năng lực sinh đẻ. Cho đến nay, tìm hiểu về sức khỏe nữ giới vẫn rất hãn hữu.

Cũng có thể nhận thấy rằng, từ truyền thông đến xuất bản hiện nay, những nội dung về tìm hiểu và chăm sóc sức khỏe nữ giới chưa thực sự được chú trọng.

Các thành viên tham gia buổi trò chuyện lại sôi nổi tranh luận về các phản ứng với xu hướng giới như: Đàn ông có bản năng và xu hướng “gieo giống”, vậy đàn bà có xu hướng tìm giống tốt hay không? Thế nào được định nghĩa là “giống tốt”?

Anh T. H cho rằng, theo xu thế và số đông thì “giống tốt” là một định nghĩa về đối tượng có khả năng sinh tồn cao. Tuy nhiên diễn giả đã phản bác: Không có gì khuôn khổ trong một mẫu số chung và xu thế. Giống như việc không ai chắc rằng xã hội bây giờ có thực sự văn minh hơn xã hội xưa hay không?…

Diễn giả Hà Thủy Nguyên kết luận: Một điều có thể nhận thấy là nhu cầu vui thú ở phụ nữ lớn hơn đàn ông. Vì với phụ nữ, tình dục đem lại khoái cảm hơn là nhu cầu sinh đẻ cũng như chức năng sinh đẻ mâu thuẫn với chức năng vui thú. Và khoái cảm tình dục ở phụ nữ phức tạp hơn đàn ông. Khi đàn ông có thể chuyển bản năng gieo giống sang sáng tạo, thì tương tự thế với phụ nữ, họ cũng chuyển nhu cầu tình dục vì vui thú hơn là sinh đẻ.

Nên có một chính sách thế nào dành cho phụ nữ trong môi trường kinh doanh là 1 câu hỏi/vấn đề cần suy ngẫm thêm và mở ra nhiều vấn đề. Môi trường kinh doanh nên thay đổi định hướng mô hình từ chỗ mang lại lợi ích cho ông chủ sang lợi ích cho toàn thể mọi người. Và để có được sự công bằng trong môi trường kinh doanh, nhân viên cũng nên đòi hỏi quyền lợi của mình, nhất là nữ giới.

Người viết: Yến Ly

Tìm hiểu thêm:

Bạn đọc có thể theo dõi thêm chuỗi trò chuyện khác của Book Hunter qua các bài tường thuật tại đây.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *