0
Bàn về sự Hào Phóng
Trích đoạn từ Quyển IV tác phẩm LUÂN LÝ HỌC của Aristotle
Aristotle (384 TCN – 322 TCN), triết gia vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại cùng với người thầy Plato của mình, được mệnh danh là “Cha đẻ của triết học phương Tây”. Trước tác của ông có độ bao quát rộng lớn trên nhiều chuyên ngành như siêu hình học, logic học, chính trị, nghệ thuật, hùng biện, tâm lý học, kịch nghệ,… và đặc biệt là đạo đức. Các trước tác của ông đa phần đã thất tán, chỉ còn một phần ba trong số các tác phẩm ấy được lưu giữ lại đến nay, và may mắn cho chúng ta, những tác phẩm kỳ vĩ nhất vẫn được lưu truyền, trong số đó có Luân Lý Học (Nicomachean Ethics).
Luân lý Học (Ἠθικὰ Νικομάχεια) là một trong những trước tác quan trọng bậc nhất của Aristotle, đóng vai trò nền tảng cho triết học đạo đức của phương Tây. Chủ yếu và trọng tâm của tác phẩm là một luận thuyết về Giáo dục Đạo đức. Luân Lý Học thảo luận đặc biệt về những phẩm chất nhân văn đáng ngưỡng vọng phù hợp với một cuộc sống của một cộng đồng văn minh có tổ chức, giúp một người trở thành một “công dân tốt” và xem xét cách những phẩm chất đó có thể được nuôi dưỡng hoặc tạo ra và phòng tránh những phẩm chất trái ngược.
-
-15%
Luân lý học – Aristotle
350.000₫Original price was: 350.000₫.297.000₫Current price is: 297.000₫.
Tiếp theo chúng ta sẽ nói về sự Hào Phóng. Đây được xem là một trạng thái trung đạo, nội hàm là Tài sản: Ý tôi là, một người Hào Phóng được ca tụng không phải ở trong hoàn cảnh chiến tranh , hay ở trong những phán xử tòa án, mà chủ yếu là khi xem xét đến cho và nhận Tài sản, chủ yếu là cho đi. Khái niệm Tài sản ở đây có nghĩa là “mọi thứ có giá trị có thể đo đạc được bằng tiền.”
Các trạng thái quá mức hoặc thiếu thốn khi xem xét về Tài sản lần lượt là Hoang Phí và Keo Kiệt: Keo Kiệt được dùng cho những ai quan tâm quá mức tới Tài sản, còn khái niệm Hoang Phí thỉnh thoảng được áp dụng với một ý nghĩa phức tạp; tức là, chúng ta áp dụng tính từ này cho những ai thất bại trong việc tự chủ và tiêu tiền một cách thiếu kiểm soát chỉ để làm hài lòng những ham muốn; và đây là lý do tại sao họ bị cho là không có phẩm hạnh nhất, bởi vì họ sở hữu nhiều sự đồi bại cùng một lúc.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đây không phải là một cách sử dụng khái niệm chặt chẽ và hợp lý, bởi vì ý nghĩa từ nguyên tự nhiên của nó là mô tả một người có một sự xấu xa cụ thể, tức là phí phạm vật chất của anh ta: anh ta thoái hóa biến chất (như khái niệm Hoang Phí đã thể hiện một cách thẳng thắn) khi phí phạm bởi chính lỗi lầm của mình; và điều này có thể hoàn toàn đúng về anh ta; sự phá hủy vật chất của anh ta được xem như là một dạng phí phạm bản thân, bởi những thứ này là phương tiện sống.
Ngoài ra, bất cứ thứ gì được sử dụng có thể được sử dụng tốt hoặc tệ, và Tài sản thuộc về loại này. Người sử dụng mỗi thứ cụ thể tốt nhất có phẩm hạnh thuộc vào địa hạt của anh ta: và do đó anh ta sẽ sử dụng Tài sản tốt nhất khi có phẩm hạnh tôn trọng Tài sản, tức là một người Hào Phóng. Chi tiêu và cho đi được xem như là cách sử dụng tiền, nhưng nhận và giữ chúng thì được gọi là sở hữu thì đúng hơn. Và thế thì việc cho những người phù hợp được xem là đặc tính của một người Hào Phóng hơn là việc nhận từ những người anh ta nên nhận và không nhận từ những người anh ta không nên nhận. Nhìn chung, trên thực tế, ban ơn và thực hiện những hành động đáng kính trọng thì mang đặc điểm của một người có phẩm hạnh hơn là nhận ơn huệ và làm những việc hèn hạ; và ai cũng thấy rõ rằng ban ơn và thực hiện những hành động đáng kính một cách rõ ràng liên quan tới hành động cho đi, trong khi đón nhận thì chỉ bao gồm được ban ơn và không làm điều gì hèn hạ.
Bên cạnh đó, biết ơn được trao cho người cho đi, không trao cho người đơn thuần không nhận. Một lần nữa, không nhận thì dễ dàng hơn là cho đi, bởi con người khó chia lìa với những thứ thuộc về họ một cách hợp lý hơn là không lấy những thứ thuộc về người khác.
Người cho đi thì được mô tả là Hào Phóng, trong khi những người không nhận thì chỉ được khen ngợi không phải vì sự Hào phòng mà vì sự hợp lý, còn người nhận thì trên thực tế không được ca ngợi một chút nào.
Và người Hào Phóng là người thường được yêu thích nhất trong những người phẩm hạnh, bởi vì họ mang lại lợi ích cho người khác và tính lợi ích của họ nằm ở chính sự cho đi của họ.
Thêm nữa, mọi hành động được thực hiện tương xứng với phẩm hạnh đều đáng kính trọng, và được thực hiện từ động cơ danh dự chính đáng, do đó, người Hào Phóng sẽ cho đi từ động cơ danh dự, và sẽ cho đi một cách chính đáng; ý tôi là, khi cho đi vì những lý do phù hợp, ở mức độ đúng mực, vào thời điểm hợp lý và bất cứ điều gì nằm trong khái niệm “cho đi chính đáng” và điều này cũng luôn đi cùng với vui thú, hoặc ít nhất là không mang lại đau đớn, bởi bất cứ điều gì được thực hiện tướng xứng với phẩm hạnh thì đều mang lại vui thú hoặc ít nhất là không khó chịu, và chắc chắn nhất là không có nỗi đau.
Nhưng người trao cho những kẻ không phù hợp, hoặc không từ động cơ danh dự mà do một số nguyên nhân khác, sẽ không được gọi là Hào Phóng mà là một thứ gì đó khác. Anh ta ưu tiên tài sản của anh ta hơn hành động đáng kính trọng, và ở đây không có một phần nào của đặc tính người Hào Phóng cả; người Hào Phóng cũng không thích đòi hỏi, bởi vì một người thực hiện điều tốt bụng cho người khác thường không sẵn sàng đón nhận nó; nhưng từ những nguồn phù hợp (tài sản của chính anh ta chẳng hạn) thì anh ta sẽ nhận, bởi làm điều này không đáng kính trọng nhưng cần thiết, và rằng anh ta có thể có cái gì đó để cho đi; anh ta cũng không cẩu thả với tài sản của mình, bởi vì đó là mong muốn của anh ta để thông qua chúng có thể giúp đỡ người khác đang cần, và anh ta cũng không cho một người ngẫu nhiên mà anh ta sẽ cho người phù hợp, vào đúng thời điểm, những lúc đáng kính trọng để thực hiện.
Một lần nữa, đặc tính của người Hào Phóng là không thái quá trong việc cho đi để rồi chỉ còn lại quá ít cho bản thân, vì đó chỉ là đặc tính của một kẻ không có suy nghĩ về bản thân.
Tiếp theo, Hào Phóng là một khái niệm mang tính tương đối liên quan tới tài sản của một người, bởi vì Hào Phóng không phụ thuộc vào mức anh ta cho đi mà phụ thuộc vào trạng thái đạo đức của người cho đi trong sự tương ứng với tài sản của anh ta. Thế thì không có lý do nào để anh ta không trở thành một người ít Hào Phóng hơn khi cho đi ít hơn, nếu anh ta chỉ có ít hơn để cho.
Những người được cho là Hào Phóng hơn khi họ nhận được thừa kế, tức là không tự kiếm, tài sản của họ; bởi vì, đầu tiên, họ không hề trải nghiệm ham muốn, và tiếp theo, tất cả mọi người yêu quý công việc của chính họ, giống như người làm cha làm mẹ hay các nhà thơ vậy.
Người Hào Phóng không dễ giàu có, bởi vì anh ta không sẵn sàng đón nhận và cũng không sẵn sàng giữ lại mà luôn cho đi, và không coi trọng tài sản bởi chính nó mà nhìn nó như một thứ để cho đi. Do đó nhiều người thường than thở về vận may rằng những người xứng đáng giàu có nhất thì lại ít giàu có nhất. Thế nhưng điều này xảy ra một cách hợp lý; thật bất khả thi khi một người lại sở hữu tài sản khi mà anh ta không quan tâm đến việc sở hữu nó, cũng giống như bất kỳ trường hợp nào tương tự.
Ấy thế mà anh ta sẽ không trao cho những kẻ không phù hợp, hay vào những thời điểm sai… bởi nếu như vậy anh ta sẽ hành động không tương xứng với sự Hào Phóng, và nếu anh ta chi tiêu vào những đối tượng đó thì anh ta sẽ không còn gì để chi tiêu vào những thứ anh ta nên làm; như tôi đã nói ở trước, bởi anh ta Hào Phóng, tức là chi tiêu hợp lý với tài sản của mình, và lên những đối tượng phù hợp, trong khi kẻ chi tiêu thái quá thì hoang phí (đây là lý do tại sao chúng ta không bao giờ xem những kẻ chuyên chế là hoang phí, bởi vì không hề dễ dàng cho họ khi quà tặng và chi tiêu của họ có thể vượt xa được tài sản khổng lồ mà họ sở hữu).
Tóm lại, bởi Hào Phóng là trạng thái trung đạo khi xem xét vấn đề cho và nhận tài sản, người Hào Phóng sẽ cho đi và chi tiêu vào những đối tượng phù hợp, ở mức độ phù hợp, lên những thứ vĩ đại hoặc nhỏ bé cũng đều tương xứng, và làm tất cả mọi việc với sự vui thú; tương tự người ấy cũng nhận từ những nguồn chính đáng, và mức độ đúng đắn, bởi vì, khi phẩm hạnh là trạng thái trung đạo khi xem xét cả việc anh ta sẽ làm và nên làm, trên thực tế, cho đi phù hợp thì cũng sẽ nhận được tương xứng, trong khi đó đón nhận không phù hợp thì cũng sẽ tương ứng với đối lập của cho đi phù hợp. (Cho đi và nhận lấy là hệ quả của nhau thì cùng tồn tại trong cùng một người, còn cho đi và nhận lấy mà đối lập với nhau sẽ không tồn tại trong cùng một người.)
Một lần nữa, nếu như một người hào phóng tiêu tiền nhiều hơn mức cần thiết, hoặc trái với cách chi tiêu đúng, anh ta sẽ bị đau khổ, nhưng chỉ ở mức vừa phải và nên là như thế; bởi cảm giác vui thú và đau khổ ở các đối tượng đúng đắn, bằng cách thức đúng đắn, là thuộc tính của Phẩm hạnh.
Người Hào Phóng cũng là người cộng sự tốt khi xem xét tới tài sản, bởi anh ta có thể dễ dàng bị đối xử không công bằng, vì anh ta không coi trọng giá trị của tài sản, và cảm thấy đau đớn nếu không chi tiêu vào chỗ anh ta nên chi hơn là chi tiêu vào chỗ anh ta không nên chi, và anh ta không làm theo phương châm sống của Simonides[1].
Nhưng kẻ Hoang Phí đưa ra quyết định sai trong những điểm này, bởi hắn ta không hài lòng cũng không đau khổ trước các đối tượng hợp lý hoặc trong các cách thức đúng đắn. Chúng ta sẽ làm rõ thêm ngay sau đây. Như đã đề cập ở trước, Hoang Phí và Keo Kiệt là hai trạng thái thừa và thiếu, và ở trong hai việc, cho và nhận (chi tiêu hẳn nhiên thuộc phạm trù cho đi). Thế thì, Hoang Phí tức là thừa trong việc cho đi và thiếu trong việc nhận lại, trong khi đó Keo Kiệt thì thiếu trong việc cho đi và thừa trong việc nhận lại, nhưng chỉ ở những thứ nhỏ bé.
Hai khía cạnh của Hoang Phí không thường đi cùng nhau; ý tôi là, không dễ dàng gì để bạn cho đi tất cả nếu không nhận lại gì cả, bởi vì các cá nhân chỉ biết thuần túy cho đi sẽ thấy tài sản của họ thiếu dần và biến mất, và đó là hành động được cho là hoang phí. Một kẻ kết hợp cả hai thì chẳng có chút nào cao thượng hơn một người Keo Kiệt: bởi vì hắn ta dễ dàng được cứu chữa, vừa bằng thời gian, và cũng bằng việc ham muốn tài sản, và hắn ta có thể đạt được trạng thái trung đạo: hắn đã có biểu hiện của một người Hào Phóng, hắn ta cho đi và không nhận lại, chỉ có điều hắn không thực hiện việc này tốt hoặc đúng cách. Do đó nếu hắn ta được rèn bởi thói quen, hoặc thay đổi ở một cách nào đó khác, hắn ta có thể trở thành một người Hào Phóng thực sự, bởi hắn sẽ trao cho những người hắn ta nên trao, và sẽ không nhận lại khi không nên nhận. Đây cũng là lý do tại sao hắn ta được cho là không thấp kém trong luân lý, bởi vì thái quá trong cho đi và nhận lại thì không phải là dấu hiệu tệ hoặc keo kiệt, mà chỉ đơn thuần là điên rồ.
Giờ thì, kẻ Hoang Phí được cho là cao thượng hơn nhiều so với kẻ Keo Kiệt khi xét tới việc cho và nhận vì các lý do ở trên, và đồng thời bởi vì hắn ta làm điều tốt cho nhiều người, còn kẻ Keo Kiệt thì không làm điều gì tốt cho ai cả, thậm chí không tốt cho cả bản thân hắn. Nhưng đa phần những người Hoang Phí, như đã nói ở trước, thường kết hợp với sai lầm khác của họ khi nhận từ những nguồn bất hợp lý, lại trở thành những kẻ Keo Kiệt: và họ trở nên chộp giật, bởi vì họ muốn chi tiêu và không thể làm điều này dễ dàng, do tài sản của họ trở nên ít đi và họ cần phải chiếm đoạt từ người khác; và bởi vì họ không quan tâm tới điều đáng kính trọng, họ nhận lấy một cách liều lĩnh, bởi vì họ ham muốn cho đi nhưng không quan tâm tới thời điểm và cách thức. Và vì lý do này sự cho đi của họ không phải là Hào Phóng, đồng thời cũng không đáng kính trọng, và không hoàn toàn vô tư, và đối với những người thầm lặng nhưng đáng kính, họ sẽ chẳng cho những người đó thứ gì, nhưng với những kẻ xu nịnh, hoặc những kẻ phục vụ vui thú của họ bằng mọi cách, họ sẽ trao cho rất nhiều. Và do đó phần đông họ thực sự không có một chút tự kiềm chế nào; bởi vì họ rộng rãi nên họ hào phóng trong chi tiêu lên những thứ thỏa mãn ham muốn không một chút kiềm chế của họ, và bị cuốn hút vào vui thú bởi họ không sống với tham chiếu tới điều gì là đáng kính trọng.
Và tiếp theo là người Hoang Phí, nếu thiếu định hướng, sẽ bị sa vào những sai lầm này; nhưng nếu anh ta có thể quan tâm tới những thứ anh ta được ban tặng thì anh ta có thể đi tới được trạng thái trung đạo và biết điều gì là đúng đắn.
Keo Kiệt, ngược lại, không thể cứu chữa: ví dụ như tuổi già, và vô năng ở bất cứ điều gì, được cho là điều khiến một người Keo Kiệt; và nó tương thích với bản chất của con người hơn so với Hoang Phí, đám đông con người thích nhận tiền hơn là trao tiền đi: hơn nữa, nó vươn xa và có nhiều giai đoạn các trạng thái keo kiệt được cho là rất nhiều. Bởi vì nó bao gồm hai điều, thiếu sự cho đi và thừa sự nhận lấy, tất cả mọi người đều không hoàn toàn keo kiệt, nhưng thi thoảng nó được chia ra, và một nhóm người thì nhận lấy một cách thái quá, nhóm còn lại thì cho đi quá ít. Ý tôi là những người được xem là dè xẻn, bủn xỉn, tằn tiện thì đều cho đi quá ít; nhưng họ không hề ham muốn tài sản của người khác hoặc sẵn sàng nhận lấy, lý do cho việc này có thể đến từ sự tiết chế thực sự hoặc đơn thuần là vì rụt rè trước sự xấu hổ.
Có một vài người mà động cơ của họ trong việc bảo vệ tài sản quá mức như vậy là vì để tương lai họ không bao giờ bị đưa vào tình huống làm điều gì đó hèn hạ: nhóm này được gọi là keo kiệt, và tất cả những người có chung tính cách này, những người cho đi quá ít. Những người khác khước từ việc nhận đồ từ hàng xóm bởi lý do sợ hãi; hành động của họ tới từ suy nghĩ không dễ gì nhận đồ của người khác mà họ không lấy lại thứ gì từ mình: do đó họ hài lòng với việc không nhận cũng chẳng cho đi.
Nhóm khác được xem là Keo Kiệt khi xét tới việc họ nhận bất cứ điều gì từ bất cứ nguồn nào; ví dụ như những người làm các công việc tầm thường, bảo vệ nhà thổ, và tương tự như vậy, và những kẻ cho vay nặng lãi khi cho vay thì ít mà lãi suất thì cao: tất cả những kẻ này đều nhận từ các nguồn không phù hợp, và ở mức độ không phù hợp. Đặc tính chung của họ là muốn đạt được những thứ đê tiện, bởi họ đều làm điều nhục nhã để lấy được cái gì đó dù rất nhỏ; đối với những kẻ nhận lấy những thứ ở quy mô lớn, vào thời điểm không đúng và những thứ họ không nên (ví dụ như những kẻ chuyên chế tàn phá các thành bang và phá hủy đền điện), chúng ta gọi họ là độc ác, bất kính và bất công, chứ không phải là Keo Kiệt.
Tuy nhiên những kẻ chơi cờ bạc hoặc trộm cướp thì đều thuộc vào nhóm Keo Kiệt, bởi vì họ sa đọa vào những món hời đê tiện: cả hai loại này đều bận rộn làm những điều nhục nhã chỉ để kiếm lợi, một nhóm thì bất chấp nguy hiểm chỉ vì một món hời còn một nhóm thì kiếm lợi từ bạn bè của họ, những người lẽ ra họ nên trao cho.
Do đó cả hai nhóm này, ham muốn đạt được từ những nguồn không phù hợp, theo đuổi những món lợi đê tiện, và kiểu nhận lấy này đều là Keo Kiệt. Và có lý do để Keo Kiệt thì đối lập với Hào Phóng: vừa bởi vì nó xấu xa hơn Hoang Phí, và vừa bởi vì con người dễ sa đà vào hướng này hơn là sa vào Hoang Phí mà chúng ta đã bàn một cách đầy đủ và phù hợp.
[1] Simonides (khoảng 556/532–466/442 TCN): Một nhà thơ từ Iulis ở Ceos. Không một bài thơ nào còn sót lại của ông giải thích ý mà Aristotle gán cho ông ở đây. Dù vậy, Simonides nổi tiếng là một người hám lợi.