1

Xuất bản: “Giao thương kiến tạo thế giới – Tương tác giữa Xã hội, Văn hóa và Kinh tế từ 1400 tới nay” của Kenneth Pomeran, Steven Topik
Khi người Trung Hoa thời Minh trao đổi lụa lấy bạc Tây Ban Nha, khi cà phê Mocha lan từ Yemen sang Paris, khi người Iroquois ở Bắc Mỹ từ chối thuốc lá Virginia vì mê giống Brazil trồng tại châu Phi – đó không chỉ là những giao dịch hàng hóa. Đó là những khoảnh khắc mà thị trường, văn hóa, quyền lực và trí tưởng tượng toàn cầu chạm nhau. Và cũng chính từ những trao đổi tưởng chừng nhỏ nhặt đó, thế giới hiện đại bắt đầu được kiến tạo – không qua các hội nghị toàn cầu hay công nghệ cao cấp, mà từ hành vi tiêu dùng, các mạng lưới thương nhân di cư, và cả những cú mặc cả thấm đẫm nghi thức, nghi ngại và ngẫu nhiên.
Giao thương kiến tạo thế giới là một trong những công trình có ảnh hưởng sâu rộng nhất về lịch sử thương mại toàn cầu trong hai thập kỷ qua. Được xuất bản lần đầu năm 1999 bởi Routledge (Taylor & Francis), cuốn sách đã trải qua bốn lần tái bản liên tục, được giảng dạy tại hơn 100 trường đại học hàng đầu như Harvard, Chicago, LSE, UC Irvine… và trở thành giáo trình nền tảng của các môn học về lịch sử thế giới, toàn cầu hóa, kinh tế học phê phán và nhân học thương mại. Ấn bản tiếng Việt này được chuyển ngữ từ bản mới nhất – với 10 tiểu luận bổ sung và phần kết luận được cập nhật – mang đến một trải nghiệm đọc vừa học thuật, vừa giàu tính kể chuyện, vừa thiết thực cho thời đại toàn cầu hóa đang được viết lại từng ngày.
Cuốn sách không chỉ kể về giao thương – nó mô tả sự vận hành của cả một thế giới qua những điểm chạm tưởng như vô nghĩa: từ củ khoai tây từng bị dân Napoli ném xuống biển giữa nạn đói, đến hành trình vươn mình của kẹo cao su từ thú vui nhỏ của công nhân Mexico thành biểu tượng đại chúng của nước Mỹ; từ hệ thống cống nạp Trung Hoa thời phong kiến có chức năng tương đương WTO thời nay, đến việc một cuộc hôn nhân xuyên châu lục có thể là đòn bẩy quyền lực thương mại. Trong thế giới của Pomeranz và Topik, hàng hóa không bao giờ chỉ là vật phẩm – nó là bản sắc, là biểu tượng, là công cụ điều phối quan hệ xã hội, và là đòn bẩy của các cuộc chiến.
Không giống bất kỳ cuốn sách lịch sử nào bạn từng đọc, Giao thương kiến tạo thế giới chọn cách kể bằng các đoạn tiểu luận ngắn – gần 100 bài – có thể đọc riêng lẻ như một tập truyện lịch sử đầy bất ngờ. Những câu chuyện trong sách không nhằm kết luận, mà để khơi gợi suy nghĩ, mở ra các lối hiểu đa chiều về những thứ ta vẫn tưởng là hiển nhiên: giá cả, thương hiệu, tiêu chuẩn thị trường, hay “quy luật cung – cầu”. Thay vì dựng nên một bản sử toàn cầu theo lối tuyến tính châu Âu–trung tâm, cuốn sách làm nổi bật vai trò của những thương nhân Phúc Kiến, những quý tộc Aztec, những mạng lưới buôn nô lệ Hindu, và những nữ doanh nhân Java – tất cả những người mà lịch sử chính thống thường bỏ quên.
Cũng vì vậy, cuốn sách trở thành nguồn tài liệu lý tưởng cho cả người đọc phổ thông muốn hiểu sâu về thế giới, lẫn các giảng viên, sinh viên trong các ngành như lịch sử, quốc tế học, kinh tế chính trị, hay văn hóa vật chất. Bạn có thể đọc bất kỳ chương nào trước – từ chủ đề thực phẩm gây nghiện như cà phê, thuốc phiện, sôcôla; đến vai trò của bạo lực và các tập đoàn đầu tiên; từ sự trỗi dậy của hàng hóa toàn cầu như ngũ cốc và dầu mỏ, đến những câu chuyện đằng sau các tiêu chuẩn đo lường, thương hiệu, bao bì, và chiến lược tiếp thị toàn cầu.
Cuốn sách dành cho những ai từng nghĩ toàn cầu hóa bắt đầu từ internet, hoặc tin rằng thị trường được điều hành hoàn toàn bởi lý trí. Nó dành cho những người từng nghi ngờ rằng hành vi tiêu dùng – từ thói quen uống trà, hút thuốc, cho đến cách chọn túi bánh kẹo – không chỉ là lựa chọn cá nhân mà là hệ quả của lịch sử, văn hóa và quyền lực. Và trên hết, nó dành cho những độc giả muốn thoát khỏi mô hình “homo economicus” – con người lý trí thuần túy – để thấy rằng: đằng sau mỗi món hàng là một đời sống xã hội, đầy tính biểu tượng, ký ức và tranh chấp.
Ấn bản tiếng Việt được thực hiện bởi Book Hunter không chỉ là một bản dịch, mà là một nỗ lực phục dựng một thế giới từng bị coi là ngoại biên, nhằm đặt độc giả Việt Nam vào đúng vị trí của mình trên bản đồ giao thương toàn cầu – như một chủ thể, không phải người ngoài cuộc.
THÔNG SỐ SÁCH:
Tên đầy đủ: GIAO THƯƠNG KIẾN TẠO THẾ GIỚI – Tương tác giữa Xã hội, Văn hóa và Kinh tế từ 1400 tới nay
Tác giả: Kenneth Pomeran, Steven Topik
Dịch giả: Lê Doãn Anh Quân, Phạm Danh Việt
Lĩnh vực: Lịch sử thương mại
Tủ sách: Ký Ức
Số trang: 578
Cỡ sách: 16x24cm
Tình trạng bìa: Bìa cứng
Lượt in: Lần đầu
Cấp phép: NXB Đồng Nai
Ngày phát hành: 11/8/2025
GIÁ BÌA: 555.000 VNĐ

Nói cách khác, bản thân hàng hóa có “đời sống xã hội” trong đó ý nghĩa, tính hữu ích và giá trị của chúng luôn thay đổi; “cầu” và “cung” được xác định về mặt văn hóa bởi những con người có tình yêu, lòng căm ghét và sự nghiện ngập, chứ không phải bởi “thế lực thị trường” đã được vật chất hóa.
Trang 20
[...] hệ thống cống nạp của Trung Quốc đã giúp xác định phong cách của tầng lớp thượng lưu, đặt ra các quy tắc cho nhiều loại hình thương mại khác nhau, và mang lại giá trị to lớn cho một số hàng hóa mà những người cai trị không đến từ Trung Quốc có được trong các cuộc trao đổi đó. Bằng cách ấy, nó đã cung cấp cho những người cai trị này những món quà giúp đánh dấu họ là những người bảo trợ quan trọng cho giới tinh hoa quê nhà. Trong việc đặt ra các tiêu chuẩn cho cả việc tiêu dùng xa xỉ và hành vi quý phái, hệ thống cống nạp vì vậy có thể đóng một số vai trò mà ngày nay ta liên tưởng với Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc thậm chí là Liên Hợp Quốc (giúp ổn định những người cai trị bằng cách công nhận họ), chính xác là vì nó cũng đóng một số vai trò hiện đang phân tán giữa các nhà thiết kế thời trang, các trường học và trường đại học ưu tú, và các công ty truyền thông quốc tế. Thành công trên thương trường xã hội, chính trị và kinh tế phức tạp này đã đến với những người thành đạt, không nhất thiết phải là những người đức hạnh, chăm chỉ hoặc thông minh nhất; nghĩa là, nền kinh tế thế giới chưa từng là một đấu trường nơi đạo đức lên ngôi.
Trang 20
Thay vì chỉ tập trung vào giao thương giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới, hoặc chỉ nghiên cứu một khu vực riêng lẻ, chúng tôi khảo sát nhiều vùng và những mối tương tác giữa chúng. Cuốn sách kể về những đợt thăng trầm của nền kinh tế thế giới, được tạo nên bởi những con người gắn bó với các nền văn hóa cụ thể, chứ không phải bởi homo economicus1 (con người kinh tế thuần lý) hay bởi bản thân tư bản.
Trang 21
Đặt mua GIAO THƯƠNG KIẾN TẠO THẾ GIỚI với mức giá ưu đãi 20%
Nhân dịp ra mắt, Book Hunter có chương trình:
Ưu đãi 20% cho các đơn hàng đặt trước
GIAO THƯƠNG KIẾN TẠO THẾ GIỚI
Chương trình diễn ra từ 26/7/2025 đến hết 11/8/2025. Vui lòng tham khảo thêm & đặt mua bằng cách:
– Đặt mua trực tiếp tại website Book Hunter qua link sản phẩm được gắn sau đây
– Liên hệ qua fanpage chính thức của Book Hunter
– Liên hệ qua Hotline/Zalo 0964491749.
(Lưu ý: Các đơn đặt hàng sẽ được gửi đi sau ngày 11/8/2025)
-
Giao thương kiến tạo thế giới – Kenneth Pomeran, Steven Topik
555.000₫Giá gốc là: 555.000₫.444.000₫Giá hiện tại là: 444.000₫.
Về tác giả

Kenneth Pomeranz là một trong những sử gia kinh tế và toàn cầu hóa hàng đầu thế giới. Ông là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Chicago, từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ (American Historical Association) nhiệm kỳ 2013–2014. Tác phẩm nổi bật nhất của ông, The Great Divergence, đã định hình lại cách nhìn về sự trỗi dậy của phương Tây và vai trò của châu Á trong lịch sử kinh tế toàn cầu. Pomeranz nổi tiếng với cách tiếp cận liên vùng, phi trọng Âu, kết hợp giữa lịch sử kinh tế, xã hội và môi trường.

Steven Topik là Giáo sư Lịch sử tại Đại học California, Irvine, chuyên nghiên cứu về lịch sử Mỹ Latinh và các mạng lưới thương mại toàn cầu. Ông từng giảng dạy tại Đại học Liên bang Fluminense (Brazil) và Đại học Colgate. Các công trình của Topik tập trung vào cách những mặt hàng như cà phê, cao su và hàng tiêu dùng đã kết nối Nam Mỹ với thị trường thế giới. Ông nổi tiếng với lối viết sinh động, giàu tính nhân văn, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa và đời sống thường nhật.





