Xuất bản Vương Quốc An Nam và con người An Nam – Ký sự du hành của J. L. Dutreuil de Rhins

Trong mắt thực dân, Việt Nam như thế nào?”

Những năm gần đây, các tác phẩm nghiên cứu, ký sự về Việt Nam của những học giả người Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 dần nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Các nghiên cứu về lịch sử, tín ngưỡng, tập tục, giải mã tâm lí đã dần lấp đầy bức tranh ghép về đất nước và con người Việt Nam trong mắt thực dân. Cuốn ký sự du hành của nhà thám hiểm, nhà địa lý J. L. Dutreuil de Rhins – VƯƠNG QUỐC AN NAM VÀ CON NGƯỜI AN NAM sẽ là một mảnh ghép địa lý – khí hậu và một chút văn hóa – chính trị góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh ấy.

De Rhins đã khởi đầu sự nghiệp thám hiểm – địa lý của mình vào năm 1876 tại không đâu khác mà ở xứ An Nam, lúc này đã kí Hòa ước Giáp Tuất (1874) với Pháp. Cuốn ký sự ghi lại những điều tai nghe mắt thấy và cảm nhận mang tính cá nhân của tác giả trong 9 tháng làm nhiệm vụ cho nhà vua An Nam, và sau đó, chính nhờ chuyến hành trình được ghi chép trong đây, tác giả đã giúp người Pháp vẽ lại một tấm bản đồ mới về Đông Dương thuộc Pháp vào năm 1881. Với những quan sát và nhận xét tuy được nhìn qua lăng kính thực dân song vẫn có sự khách quan và chân thực nhất định của một nhà địa lý, cuốn sách là một tư liệu lịch sử có giá trị đáng để tham khảo.

THÔNG SỐ SÁCH:

Tên đầy đủ: VƯƠNG QUỐC AN NAM VÀ DÂN AN NAM – Ký sự du hành của J. L. Dutreuil de Rhins

Tác giả: J. L. Dutreuil de Rhins

Dịch giả: Phan Tín Dụng

Lĩnh vực: Lịch sử – Địa lý

Tủ sách: Ký ức

Số trang: 256

Cỡ sách: 16x24cm

Tình trạng bìa: Mềm

Lượt in: Lần đầu

Cấp phép: NXB Đà Nẵng

Mã ISBN: 9-786048-470746

 

Ngày phát hành: 8/3/2023

GIÁ BÁN: 190.000 VND

Nội dung chính của VƯƠNG QUỐC AN NAM VÀ DÂN ANAM - Ký sự du hành của J. L. Dutreuil de Rhins

Ý tưởng chính:

Đầu năm 1876, vua An Nam lúc bấy giờ là Tự Đức đã yêu cầu Pháp gửi năm thuyền trưởng điều khiển thuyến chiến người Pháp tặng An Nam, J. L. Dutreuil de Rhins, sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân và đã có vài năm kinh nghiệm đi biển đường dài, đã được Bộ trưởng Bộ Hải quân Pháp chọn cho nhiệm vụ này. Vương Quốc An Nam và Dân An Nam là cuốn ký sự được ông thực hiện với tư cách là một nhà địa lý, ghi lại những quan sát và sự kiện ông gặp được trong 9 tháng làm nhiệm vụ tại xứ xở phương Đông này. Với 16 chương về từng giai đoạn của chuyến hành trình, tác giả cho người đọc một cái nhìn khái quát về địa lý, khí hậu cũng như đời sống xã hội xứ An Nam, đặc biệt là các địa phương ven biển thời bấy giờ.

Mục lục:

Chương đầu tiên: Hạ Đàng Trong
Chương II: Tourane
Chương III: Khung cảnh xứ sở
Chương IV: Đồng bằng Huế
Chương V: Thành Huế
Chương VI: Các tỉnh miền
Trung An Nam
Chương VII: Dân cư
Chương VIII: Lần thứ hai ở Tourane
Chương IX: Lệnh Triệu tập đi Huế
Chương X: Phong tục
Chương XI: Tài trí của các quan
Chương XII: Đồn An Nam cuối cùng
Chương XIII: Quy định của nhà vua về hải quân An Nam
Chương XIV: Tết
Chương XV: Những ngày cuối cùng ở Huế
Chương XVI: Hiện trạng và tương lai của thương mại Đông Dương phía Đông

Về tác giả 

J. L. Dutreuil de Rhins là nhà địa lý, nhà thám hiểm người Pháp sinh năm 1846 tại Lyon. Ông phục vụ cho Hải quân Pháp với cương vị là một thuyền trưởng đường dài trong các cuộc thám hiểm tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin, đồng thời nhận nhiệm vụ khảo sát và vẽ bản đồ. Năm 1894, trong chuyến thám hiểm Thượng Á, ông hy sinh trong một cuộc đụng độ với người bản địa tại Tây Tạng.

Trích dẫn hoặc dữ liệu hay:

“Các cuộc chinh phạt của người An Nam đều giống nhau: bạo lực và tàn ác với kẻ yếu cũng như thả lỏng và nhẫn nhịn kẻ mạnh, người An Nam không để lại gì trên đường đi qua ngoài sự đổ nát, trên đổ nát đó họ xây dựng không phải một đất nước thịnh vượng nhờ thương mại và công nghiệp, mà là ách thống trị của họ, tức là sự bóc lột nặng nề về nông nghiệp đối với các xứ bị chinh phục vì lợi ích của triều đình và quan lại.”

“Hạ Đàng Trong, xứ đầm lầy nóng ẩm ngự trị (210 đến 350), không tốt lắm cho sức khỏe; nhưng khi kiều dân có được một tiện nghi nhất định và nhất là tuân theo các nguyên tắc vệ sinh, thì họ sẽ sống tốt như ở các thuộc địa khác vùng gian chí tuyến. Thêm nữa sự quần cư và phúc lợi cũng không ngừng góp phần vào việc cải thiện điều kiện sống. Chắc chắn, người châu Âu không nên nghĩ đến việc bỏ công sức lao động vất vả cả đời trên cánh đồng, nhưng họ có khả năng tốt để điều hành bất kỳ công việc kinh doanh nào, ngay cả nông nghiệp, và điều đó hoàn toàn đủ để Hạ Đàng Trong trở thành một nơi di dân thực sự. Do đó, sẽ thật đáng tiếc nếu ở đây người Châu Âu chỉ tìm cách làm môi giới giữa người sản xuất (người An Nam và người Hoa) và người tiêu dùng – một nơi mà người Hoa độc quyền như những chỗ khác; – bởi vì nguy cơ chúng ta sẽ không bao giờ có được chỗ đứng vững chắc ở xứ sở này.”

“Tất cả họ đều ưỡn ngực và bụng về phía trước và đi chân trần, không gập cẳng chân mà chỉ khẽ nhấc bàn chân lên, tạo một sự thăng bằng chung cho cơ thể và chuyển động của hông tạo cho bước đi của phái đẹp có cái gì đó lả lơi, và cho nam giới một vẻ gượng gạo hay tự phụ. Người An Nam, nhỏ thó, mặt nhọn, da vàng xấu, nét xương xẩu, quai hàm rộng, gò má nhô lên và mũi ngắn, miệng rộng đỏ như máu và răng bị đen do nhai trầu, hỗn hợp gồm trầu, cau, vôi và thuốc lá, làm cho vẻ mặt khá buồn bã và không sáng, phần nhiều do sự sạch sẽ của cơ thể hơn là của quần áo.”

“Ngày hôm sau, ngay khi thức dậy, chúng tôi lên boong tàu. Giông gió đã ngừng trong đêm, trời trong và mặt nước phẳng lặng như mặt hồ; nhưng nhìn về phía Tourane vẫn chưa thấy gì, ngoại trừ một con tàu hơi nước cũ kỹ neo đậu ở cửa sông Hàn, một con tàu bị hủy hoại một nửa mà chủ nhân, một cựu thông ngôn của chính phủ Pháp, nay bị sạt nghiệp, tù đày; có lẽ khi đó ông ta đã bị chém đầu. Một ngày đẹp trời người An Nam này bỏ việc trong chính quyền chúng ta để trở về Huế. Được cử đi cùng với một số quan lại đến Hồng Kông, thay mặt vua Tự Đức mua tàu, các nhân viên của sứ đoàn trở về với những chiếc thuyền chở hàng gớm ghiếc, nhưng túi của họ thì đầy. Cựu thông ngôn đã xin và nhận được một vùng đất nhượng để khai thác mỏ ở Bắc Kỳ, vụ làm ăn trước đó giúp ông mua một tàu hơi nước nhỏ và miệt mài với những phi vụ ít nhiều trung thực, sinh lợi hẳn nhiên. Trở nên giàu có, rất giàu, nhưng không muốn hoặc không thể ăn chia thỏa thuận với quan lại, ông bị họ cáo giác và kết án tử. Tuy nhiên, vì bị nghi ngờ là đã giấu một phần tài sản, việc hành quyết đình chỉ, và ông bị nhốt trong nhà tù Fou-kiame  (thủ phủ của Kouang-name), nơi gia đình ông phải trả bằng vàng khối để giảm thiểu công việc mà ông phải gánh. Câu chuyện này, do một trong những thông ngôn ở Tourane kể cho tôi nghe sau này, có phải đây là một bài học bổ ích cho họ? Hỡi ôi! Tôi rất hoài nghi về điều đó; hoàng thượng trả lương cho các quan quá thấp! …”

“Các quan hạng nhất nhận được 30 quan mỗi tháng (quan có giá trị 1 franc), cộng với hai bộ quần áo mỗi năm (một bằng lụa, một bằng vải) và ba tạ gạo (180 kg) mỗi tháng. Thợ máy hạng nhất nhận được 3 quan và các thủy thủ 2 quan, cộng với nửa tạ gạo mỗi tháng, và mỗi năm một bộ quần áo vải gồm hai áo cộc, quần và thắt lưng; nhưng trên thực tế, họ nhận nhiều đòn roi hơn là tiền bạc.”

“Dáng đi của người An Nam, đặc biệt các quan lại, thường rất thong dong; họ tự tạo một dáng vẻ trịnh trọng khi đi ngang đám đông, đám này chỉ tỏ vẻ khúm núm tránh sang một bên đường; vì ngay khi quan lại rời đi, chính họ là kẻ nhạo báng quan lại nhiều nhất. Một vị quan gặp gỡ một vị quan khác có chức cao hơn, đến lượt ông ta sẽ tỏ ra khiêm tốn, hạ mình trước mặt ông kia như kẻ thấp kém, và cũng chế nhạo khi ông quan kia rời xa, và dân sẽ không quên bắt chước và qua mặt luôn cả chủ nhân. Đầy tớ ở mọi nơi đều giống nhau.”

“Ta biết rằng ở An Nam, có hai giai tầng chính: quan và dân. Dân thì bao gồm dân đinh và không phải dân đinh là những người nghèo nhất không thể trả bất kỳ khoản thuế nào, những kẻ không nơi trú ngụ, v.v. Dân đinh bầu chọn các thành viên của hội đồng thị trấn tức hội đồng hương chức. Ngoại trừ việc quyền hạn của các hội đồng này không rộng bằng quyền hạn hội đồng ở nước ta, thì trong các cuộc hội họp, một số thành viên có thẩm quyền ngang bằng và thậm chí cao hơn quyền của xã trưởng, người này buộc phải cân nhắc cùng họ sao cho các quyết định mà họ đưa ra phải được sự đồng thuận của ong-sa. Ở mỗi làng, đây là một chức vị; nhưng do tầm quan trọng về chính trị và quân sự của Touane-ane nên chức vị này đã bị các quan lại, quan chức quốc gia xóa bỏ, thay vào đó người đứng đầu là một quan văn, tiếp đó là kouane-bô [quan bố] (người thu thuế liên quan đến thuế và cống phẩm), kouane-ane [quan án] (người đứng đầu tư pháp) và những chỉ huy quân đội và hải cảng, những người rất dốt nát, cho dù là các quan văn và không phải là quan võ, họ rất đa nghi và bẩn thỉu như những người xung quanh chúng tôi. Giống như loại người đó, thỉnh thoảng xã trưởng lại gãi sồn sột, và móng tay dài hơn móng tay người thường của ông ta khiến vết thương càng lớn hơn. Bệnh ngoài da là thứ thường gặp, nhưng hiếm khi người An Nam, dù rất biết về thuốc men, biết xài nhiều phương thuốc tốt nhưng dường như chỉ dùng vài loại cây cỏ cho các loại bệnh này. Những phương thuốc này không ngăn được bệnh tái phát vì căn nguyên bệnh vẫn còn và họ lại tái nhiễm. Những vùng đồng bằng sình lầy, thức ăn nóng, nước bẩn, quần áo không đủ ấm vào mùa đông, nơi ở bẩn thỉu, ở đó con người hầu như luôn tiếp xúc với động vật và ít chăm sóc vệ sinh, mọi thứ đều góp phần cho những vết thương này phát triển, khiến dân chúng có dáng vẻ hơi xấu. Xà phòng không còn xa lạ với Touane-ane cũng như trong nội địa, nhưng không ai sử dụng nó. Vào tháng 8, nhiệt độ trung bình trong bóng râm là +28o, dân làng không tắm biển vì sợ cá mập, và hiếm khi tắm sông, vì theo họ, điều này không tốt cho sức khỏe. Họ tắm rửa qua loa, nhưng họ dành phần lớn thời gian để bắt chấy rận, chúng sinh sôi trên mái tóc đẹp của họ. Quan khách tự nguyện xem tôi như thầy thuốc và kể cho tôi nghe về sự chịu đựng của họ. Xã trưởng thích dùng quinine sulphate cho cơn sốt; một người khác phàn nàn về chứng đau mắt thường do sự phản xạ của mặt trời trên những đụn cát; phần lớn thì bị dao-bung (đau bụng). Tôi được đưa đến gặp một bệnh nhân bị một loại sốt, có triệu chứng nóng dữ dội và liên tục mà không có giai đoạn rét run, và lưỡi phủ một lớp chất trắng dày. Thầy thuốc người An Nam đã điều trị cho anh ta bằng cách đốt một số bộ phận trên mặt và cơ thể, bằng cách làm chảy máu ở dưới thắt lưng. Nói tóm lại, Touane-ane không tốt cho sức khỏe, nhưng phải công nhận rằng cách sống của người An Nam liên quan rất nhiều đến những căn bệnh này. Việc khám bệnh kết thúc, tôi không thể khước từ dùng một tách trà. Một vài thanh niên răng đen, môi dày đỏ quạch vì trầu xuất hiện ở ngưỡng cửa, từ từ tiến lại gần chiếu của chúng tôi. Những người phụ tá càng lúc càng dạn dĩ, vừa chỉ cho tôi vừa cười lớn cùng cái nháy mắt đầy ý nghĩa. Thực tế, xã trưởng là một người đặc biệt tốt bụng; nhưng khi tôi nghĩ đến những lời đề nghị mà các quan thường dành cho chúng tôi, cho đồng nghiệp của tôi và cho chính bản thân tôi, tôi phải thừa nhận rằng ông còn tế nhị hơn những nhân vật cao quý này.”

“Giống như Trung Hoa, An Nam là xứ sở của đường mòn. Hầu hết tất cả các phương tiện vận tải đều bằng đường thủy, sông lớn thông với nhau bằng các dòng nhỏ và kênh rạch tự nhiên hoặc nhân tạo.”

“Điểm truyền giáo và các nhà phụ của nó ngầm bị cấm – ở tất cả xã hội An Nam tốt đẹp! Những thừa sai chúng ta chỉ chăm sóc trẻ em và người bất hạnh. Có chỗ thì trẻ bị bỏ rơi được các vú nuôi bản xứ đón nhận và cho bú mớm; còn ở đây, các linh mục và tân tòng người An Nam nuôi dạy và hướng dẫn những trẻ nam; những trẻ lớn làm việc đồng áng và học các nghề khác nhau; các em gái dệt lụa và làm những công việc của phụ nữ cho đến ngày các Cha gả họ và cho họ một tài sản là mảnh đất nhỏ. Dưới sự bảo trợ của Điểm truyền giáo, ấp nhỏ Kim Long vừa phát triển lại vừa được thiên nhiên ưu ái tô điểm bằng những nét thơ mộng nhất.”

“Trong số các viễn khách, một số người đồng ý, những người khác phủ nhận trí thông minh của người An Nam: cả hai đều đánh giá họ theo những quan điểm khác nhau. Nếu đúng là người An Nam ít thể hiện khuynh hướng tìm hiểu khoa học, – tài năng bắt chước không có lý luận của họ chỉ là kết quả của một loại bản năng hoặc trí thông minh thô sơ, – ngược lại họ cho thấy rất nhiều khả năng và trí thông minh trong mọi vấn đề mà lợi ích của họ đang bị đe dọa. Đó là trí thông minh phát triển nhờ học hỏi, và sự học hỏi tuyệt vời của người An Nam là sự học hỏi các hoàn cảnh tác động lên xã hội của họ. Mặc dù đó là một môn khoa học gần như thiên bẩm ở họ; một môn khoa học phát triển chủ yếu những thói hư của họ và một triều đình cũng chuyên chế như môn khoa học của họ: đó là khoa học về sự hèn hạ, mưu mô, thủ đoạn, những điều kiện cơ bản để tồn tại và thăng tiến đối với một vị quan lại. Trên cơ sở này, họ sẽ cho điểm cho những cận thần khôn khéo nhất, cho những nhà ngoại giao xảo quyệt nhất. Những thiên hướng của họ hẳn đã trở thành tự nhiên bởi một thói quen lâu dài: chúng nằm trong tính cách và phong tục của người dân, cũng như trong triều đình của họ, một triều đình rất nhút nhát vì nó cảm thấy sự yếu kém của mình trước ngoại bang, bởi vì lịch sử, và mọi thứ xung quanh nó còn đó để làm bài học cho tương lai trong nay mai.”

“Tất cả các du khách đều đồng ý rằng các quan lại cầm giữ xứ sở bất hạnh này dưới ách thống trị độc tài nhất, và chỉ tìm cách cản trở sự phát triển của nông nghiệp, thương mại và công nghiệp: đê điều, kênh rạch không được bảo trì; lũ lụt tàn phá đồng bằng canh tác lúa; thuế hiện vật là nguồn căn gây bất mãn cho nông dân, tham ô của quan lại và người thu thuế; do vậy một phần thu hoạch bị lãng phí, và một lượng lớn những gì xuất khẩu bị mất trong vụ đắm tàu ​​hoặc bị cướp biển lấy đi; cuối cùng, triều đình An Nam, không đảm bảo giao thông trên sông Hồng, nuôi dưỡng trên lãnh thổ các nhóm quân nổi loạn và cướp biển Trung Hoa, những kẻ vi phạm các hiệp ước năm 1874, áp đặt thuế quan, từ tỉnh này sang tỉnh khác, trên khắp các con sông.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *