0
Thánh đường nhỏ của bạn
Trích đoạn từ chương 1, cuốn sách "Sống và Tư duy như người Do Thái" của Anita Diamant & Howard Cooper.
Sống và tư duy như người Do Thái của Anita Diamant & Howard Hooper đóng vai trò như một hướng dẫn toàn diện để tìm hiểu về sự phức tạp đẹp đẽ của đạo Do Thái trong thế giới hiện đại. Cuốn sách này đem đến những kiến thức phong phú về truyền thống, phong tục và giá trị Do Thái trong thế kỷ 21, cung cấp cho độc giả cách tiếp cận thực tế để tôn vinh và hiểu biết sâu sắc về việc thực hành văn hóa và tâm linh của người Do Thái. Từ việc treo mezuzah đến cử hành Lễ Vượt Qua, cuốn sách này đề cập đến nhiều chủ đề phục vụ cho cả những người mới theo đạo Do Thái và những người thực hành lâu năm đang tìm cách gắn kết sâu sắc hơn với đức tin của họ. Dù bạn quan tâm đến các khía cạnh văn hóa hay nền tảng tinh thần sâu sắc của cuộc sống Do Thái, Diamant và Cooper mang đến một khám phá dễ tiếp cận, sâu sắc và tôn trọng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thực hành truyền thống và cuộc sống đương đại, khiến cuốn sách trở thành nguồn tài liệu không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu và tiếp nhận lối sống của người Do Thái.
Với việc Đền Thờ Thứ Hai ở Jerusalem bị phá hủy vào năm 70 CN., trọng tâm của đời sống tôn giáo và nghi lễ của người Do Thái đã phải thay đổi và ngôi nhà Do Thái trở thành trung tâm mới của Do Thái giáo. Tuy nhiên, mikdash ma’at, thánh đường nhỏ này không phải là viện bảo tàng mà là nơi những nhu cầu của con người được đáp ứng.
Ngôi nhà là nguồn gốc chính của bản sắc và giáo dục, cũng là nơi chúng ta học cách trở thành một con người. Biến ngôi nhà thành một thánh đường nhỏ có nghĩa là kết hợp nhiều loại mitzvot đẹp đẽ và ý nghĩa để giúp cho người trong nhà và khách khứa được trải nghiệm những phước lành của sự bình yên, lòng hiếu khách và vẻ đẹp.
Mikdash ma’at là nơi của shalom bayit, sự bình yên trong ngôi nhà, nhưng đây không phải là một lời kêu gọi long trọng. Gốc Latin của từ này là hòa bình, pax, có nghĩa là “yên tĩnh”, nhưng shalom có nghĩa là “hoàn chỉnh” hoặc “toàn bộ”. Cả ngôi nhà vang lên tiếng trò chuyện, tiếng tranh cãi, những câu chuyện cười, âm nhạc và tiếng ồn ào của cuộc sống đời thường. Tiếng cười thoải mái là một dấu hiệu rất tốt về sức khỏe gia đình; mục tiêu mà nhiều người Do Thái tuân theo là trải nghiệm niềm vui, simcha – cũng có nghĩa là “tiệc tùng”.
Các nghi lễ và tập tục của người Do Thái có thể giúp tạo dựng một gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc và bình yên. Những thói quen buổi sáng, bữa tối ngày Shabbat, nghi lễ trước khi đi ngủ và việc kỷ niệm ngày lễ có thể là nền tảng và khiến cả người lớn và trẻ em cảm thấy yên tâm. Dành thời gian cho ngày Shabbat là lời nhắc nhở được chia sẻ hằng tuần về những gì chúng ta yêu quý nhất. Vào lễ Yom Kippur, người Do Thái được nhắc nhở xin lỗi người khác vì bất kỳ lời nói tổn thương hoặc hành động thiếu suy nghĩ nào trong năm trước – một cơ hội để giải tỏa căng thẳng và tha thứ cho nhau. Và bởi vì chúng ta luôn làm tổn thương những người mình yêu thương nên đây là một tập tục đặc biệt quan trọng ở nhà.
Truyền thống Do Thái luôn nêu rõ ràng về các bổn phận và nghĩa vụ của cuộc sống gia đình không phải để áp đặt trật tự bên ngoài lên các cá nhân và gia đình mà là để thúc đẩy shalom bayit. Bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào đều bị lên án: người chồng không được phép sử dụng bạo lực với vợ và nhiều rabbi không hài lòng với việc đánh đòn để kỷ luật. Có những trách nhiệm qua lại giữa các thế hệ: trẻ em biết ơn và kính trọng người lớn tuổi; cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái để chúng không chỉ biết đọc mà còn cần phải biết bơi.
Mặc dù mikdash ma’at là không gian riêng tư nhưng nó không hề bị tách biệt khỏi thế giới. Kinh Talmud nói rằng mitzvah của lòng hiếu khách, hachnasat orchim, “… còn quan trọng hơn cả việc tiếp xúc với Sự Hiện Diện Thân Mật của Thiên Chúa.” Abraham và Sarah, những hình mẫu về lòng hiếu khách trong Kinh Thánh, đã mở lều của họ ở cả bốn phía để những người lạ biết rằng họ được chào đón; ở sa mạc, việc cung cấp nước, thức ăn và chỗ ngủ có thể là một hành động cứu mạng. Vào thời Trung cổ, các cộng đồng Do Thái điều hành các hiệp hội từ thiện cung cấp bữa ăn và chỗ ở cho những du khách Do Thái, vốn khi đó thường bị cấm đến các nhà trọ công cộng và có nguy cơ bị tấn công. Ngoài ra, việc cung cấp chỗ ở và bữa ăn cho các học giả đang theo học tại yeshiva ở địa phương, một học viện nghiên cứu về người Do Thái, được coi là một vinh dự. Có một nền văn học dân gian Do Thái phong phú về những phần thưởng dành cho những người cung cấp chỗ ở và thức ăn cho người lạ. Ngôn sứ Elijah, người báo trước huyền thoại về Đấng Mesiah, thường đóng giả là một người ăn xin để thử thách đạo đức của những người Do Thái mà ông gặp.
Có những hộ gia đình Do Thái mà không có tối thứ Sáu nào là không tiếp khách ở bàn ăn Shabbat và luôn có những vị khách mới ở bữa tiệc seder Lễ Vượt Qua. Những đứa trẻ lớn lên dưới những mái nhà thân thiện sẽ học được mitzvah của lòng hiếu khách và niềm vui được chia sẻ. Ngày nay, sự hiếu khách có xu hướng là công việc của các tổ chức. Các tổ chức của người Do Thái mang lại sự trợ giúp cho những người mới đến, người nhập cư và sinh viên đại học. Nhưng vẫn có cơ hội cho các cá nhân thực hiện mitzvah hiếu khách: tình nguyện tại một nơi tạm trú là một cách thực hiện hachnasat orchim; cũng như việc mời sinh viên đại học hoặc những người trong lực lượng vũ trang ở xa nhà đến dùng bữa tối vào thứ Sáu hoặc dự seder Lễ Vượt Qua.
Mặc dù mikdash ma’at không bị tách biệt khỏi thế giới nhưng vẻ ngoài của nó rất đặc biệt. Theo nguyên tắc của rabbi về hiddur mitzvah (làm đẹp mitzvah), khi cần một đối tượng vật chất cụ thể để thực hiện một điều răn, chẳng hạn như rượu chúc phúc, thì đồ vật đó phải được làm và lựa chọn cẩn thận. Vì vậy, mặc dù việc nói kiddush (lời chúc phúc rượu) trên cốc giấy là hoàn toàn ổn và đạt chuẩn kosher, nhưng hầu hết người Do Thái đều có một chiếc cốc đặc biệt để chúc phúc. Qua nhiều thế kỷ, các nghệ nhân Do Thái đã tạo ra những đồ vật mang tính nghi lễ tuyệt đẹp để sử dụng trong nhà: vải dệt để bọc ổ bánh challah vào ngày Shabbat và các ngày lễ; chân nến và hộp đựng gia vị bằng đồng hoặc bạc; đĩa và cốc cho seder Lễ Vượt Qua; chân đèn menorah cho lễ Hanukkah bằng gốm, bạc, thủy tinh, đá và các vật liệu khác. Các cặp đôi thường đóng khung và treo ketubah (hợp đồng hôn nhân) để nhắc nhở họ về niềm vui trong ngày cưới. Sự hiện diện của các đồ vật nghi lễ trong nhà thừa nhận các khía cạnh tôn giáo và nghi lễ của đạo Do Thái. Và một mezuzah trên cửa, dù đẹp đến đâu, cũng nói lên nhiều điều hơn chỉ đơn thuần là thông điệp “gia đình này thích những điều đáng yêu”. Nó là một biểu tượng của danh tính Do Thái.
Các đồ trang trí phổ biến khác trong nhà của người Do Thái bao gồm biểu tượng hình bàn tay gọi là hamsa (tiếng Ả Rập có nghĩa là “năm”) được người Do Thái và người Hồi giáo ở các nước Ả Rập sử dụng như một tấm bùa hộ mệnh để xua đuổi tà ma. Và bởi vì người Do Thái hải ngoại sống ở phía tây Jerusalem quay mặt về phía đông để cầu nguyện, nên một bức vẽ hoặc bức tranh có từ mizrach (tiếng Hebrew có nghĩa là “phía đông”) thường được đặt trên bức tường phía đông.
Ngoài những đồ vật mang tính nghi lễ hoặc tôn giáo, nhiều hộ gia đình Do Thái còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật có chủ đề hoặc hình ảnh Do Thái. “Nghệ thuật Do Thái” là một cách gọi mơ hồ và khó nắm bắt. Có phải tất cả tác phẩm của các nghệ sĩ Do Thái đều là nghệ thuật Do Thái? Không phải mọi thứ do các nghệ sĩ Do Thái tạo ra đều nói về chủ đề Do Thái, trong khi có những người không phải Do Thái lại tạo ra những tác phẩm phù hợp với giáo đường Do Thái.
Không có ranh giới rõ ràng nào giữa các tác phẩm của thợ thủ công Do Thái và mỹ thuật. Các nghệ nhân Do Thái đã tạo ra các vật dụng trang trí thuần túy cho gia đình và giáo đường trong nhiều thế kỷ và các nhà mỹ thuật trang trí ngày nay tiếp tục truyền thống đó trên các phương tiện truyền thông hiện đại và dành cho khán giả ở mọi lứa tuổi, trong đó có các áp phích và mezuzot đầy màu sắc dành cho phòng trẻ em. Tác phẩm mỹ thuật của người Do Thái đương đại có đủ loại phong cách và sử dụng đủ loại phương tiện biểu đạt, trong đó có một số tác phẩm miêu tả các chủ đề Do Thái, nhưng cũng có nhiều tác phẩm không khai thác chủ đề này.
“Nghệ thuật Do Thái” có thể được định nghĩa là một tác phẩm thu hút người xem ở mức độ thẩm mỹ hoặc cảm xúc, gợi lên các liên tưởng Do Thái hoặc khơi dậy cuộc thảo luận về cuộc sống hoặc các giá trị của người Do Thái.