0
Sức mạnh của ngôn từ: Các cuốn sách về Ramen
Trích đoạn chương 4, cuốn sách Lịch sử chưa kể về Ramen – George Solt
Vượt ra khỏi những bát nước dùng và sợi mì thơm ngon, George Solt đã kể lại cuộc hành trình biến đổi của mì ramen từ nguồn gốc khiêm tốn ở Trung Quốc cho đến một thương hiệu toàn cầu đại diện cho ẩm thực Nhật Bản trong LỊCH SỬ CHƯA KỂ VỀ RAMEN – Biến động chính trị tại Nhật Bản đã tạo ra một kỳ tích ẩm thực toàn cầu như thế nào. Đây không chỉ là lịch sử của một món ăn được yêu thích, cuốn sách phản ánh quá trình tái thiết sau chiến tranh của Nhật Bản, những điều kỳ diệu về kinh tế và nhịp đập của xã hội Nhật Bản. George Solt đã mang đến một hành trình toàn diện và khai sáng vào thế giới ramen, giúp độc giả đánh giá lại món mì nổi tiếng với một sự tôn trọng mới dành cho lịch sử phong phú của nó.
Trong quá trình ramen chuyển mình từ một loại thực phẩm chủ yếu dành cho người lao động chân tay và những người làm việc về đêm thành một nguồn thu nhập từ du lịch, được khắc họa thông qua các bộ phim tài liệu trên truyền hình, thì nhu cầu cần phải có một giai thoại bất biến trong lịch sử để mô tả về nguồn gốc của món ăn này đã nảy sinh. Do đó, những người cuồng mộ và các đầu bếp ramen của những năm 1980 đã bắt đầu coi món ăn này như một đối tượng xứng đáng để họ gắng sức truy nguyên lịch sử của nó. Vì vậy, bắt đầu từ năm 1981, các bài báo trên những tạp chí tin tức hàng tuần thảo luận một cách đầy luyến tiếc về hương vị không thể tái hồi của Shina soba giai đoạn đầu thời hậu chiến đã xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều[1].
Dành riêng cho công cuộc nghiên cứu và tôn vinh ramen, ba cuốn sách đầu tiên đã được xuất bản trong vòng một năm từ năm 1981 đến năm 1982 (trùng thời điểm xuất hiện các chuyến du lịch ramen đến Kitakata cùng các chương trình truyền hình về món mì này[2]). Trong số đó, cuốn sách Rāmen Daisuki (I Love Ramen!![3]) của Shōji Sadao[4] là một tác phẩm mang tính đột phá và mở đường cho nhiều tác phẩm khác sau này. Được biết đến như là “kinh thánh của những cuốn sách liên quan đến ramen[5]”, cuốn sách này, được biên tập bởi một trong những tiểu thuyết gia hình ảnh nổi tiếng nhất trong nước, đã xem xét những biến thể giữa các vùng miền và theo trình tự thời gian của món ăn, đồng thời giới thiệu về một số cửa tiệm nổi tiếng nhất trên khắp đất nước bằng một giọng văn đầy tính hoạt náo và ngợi ca. Các chương trong đó, chẳng hạn như chương “Ramen là một tiếng thở dài nhẹ nhõm cho người thường dân”, cũng đã nâng tầm công đoạn chế nước dùng vụn vặt lên một tầm cao mới trên phương diện lịch sử xã hội, mà trước đây chưa từng được nêu rõ hoặc liên kết đến[6].
Cuốn sách được chia thành bốn phần. Phần đầu tiên giới thiệu về sáu cửa tiệm ở Tokyo có danh tiếng hoặc về truyền thống, hoặc về dư vị món ramen của quán, từ một cửa hàng lâu đời ở Mitaka tự hào về “món ramen kiểu yatai siêu chính thống thời hậu chiến” của mình, cho đến một cửa tiệm mới mở gần đây ở Ebisu phục vụ “bát mì ramen kiểu làn sóng mới”. Phần thứ hai phân tích về ramen theo phong cách “hàn lâm nhân tạo” (faux academic) qua các chương sách như: “Các nghiên cứu về nước dùng ramen”, “Các nghiên cứu về trường phái ramen ở Kyūshū”, “Tâm lý học về ramen” và “Xã hội học về ramen”. Phần thứ ba bao gồm các bài bình luận của nhiều người nổi tiếng về mối dây liên kết giữa họ với món mì nước này, còn phần cuối cùng là bộ ba truyện tranh do Shōji vẽ[7].
Khi mô tả sự khác biệt của ramen theo thời gian và không gian, cuốn sách cũng đề cập đến vai trò lịch sử của món ăn này như một chỉ báo cho những thay đổi về kinh tế và xã hội sau chiến tranh. Chẳng hạn, một chương mang tên “Các ký ức về Shina Soba” nhắc lại vai trò quan trọng của món mì nước của người Hoa này như một loại thực phẩm khẩn thiết trong thời gian Hoa Kỳ chiếm đóng. Theo Shōji, “Tại bất kỳ nhà hàng đồ ăn Trung Quốc nào ngày nay, thực khách có thể tìm gọi ramen với hương vị hảo hạng và sợi mì được chế biến hoàn hảo, nhưng không thể tìm thấy những thứ từng tồn tại trước đây, và khó để xác định xem nó là món ăn Nhật Bản ở mức độ nào, hay là món ăn Trung Quốc [Shina] ở mức độ nào… Trên hết, những con người thổi sáo bán mì Shina soba đã biến mất khỏi Tokyo[8]”. Qua đó, các tác giả đã mô tả sự khác biệt đáng kể về nguyên liệu và ngữ cảnh giữa Shina soba của những năm 1940 và ramen của những năm 1980. Chất lượng của món ăn đã được nâng cao, nhưng món ăn đã mất đi vẻ hấp dẫn kỳ ảo ban đầu của nó. Tính ngoại lai của ramen giờ đây được nhìn nhận với một giá trị nhất định, sau khi gần như tất cả những mối liên hệ của món ăn này với gốc gác Trung Hoa của nó đã bị xóa bỏ trong hai thập kỷ trước. Hơn nữa, nỗi thống thiết lưu luyến về một nước Nhật thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao đã tạo nền tảng cho kế hoạch xây dựng Bảo tàng Raumen vào năm 1994 như một công viên giải trí phục dựng lại bối cảnh khu vực trung tâm của thành phố Tokyo vào năm 1958.
Một chương khác trong cùng cuốn sách – “Ramen và xã hội Nhật Bản thời hậu chiến”, trong đó khắc họa sự phát triển xã hội hiện đại ở Nhật trên các phương diện như thực phẩm và trào lưu cờ bạc – đã coi ramen là món ăn tiêu biểu nhất cho văn hóa tiêu dùng Nhật thời hậu chiến. Theo tác giả Tada Michitarō, văn hóa đại chúng của Nhật Bản đầu thế kỷ 20 được thể hiện rõ nhất qua sự phổ biến của quầy yatai bán soba và trò chơi hanafuda[9], còn những năm 1920 và 1930 thì qua món cơm cà ri và trò mạt chược, còn thời kỳ hậu chiến thì qua ramen và cửa hàng pachinko. Tada lập luận rằng mỗi món ăn và trò chơi có thể được liên kết với cấu trúc xã hội chủ đạo của thời kỳ mà nó nở rộ mạnh mẽ, từ đó mang đến một mô thức để nghiên cứu về cuộc sống thường nhật trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản. Mặc dù tác giả không diễn giải về các mối quan hệ chính trị, kinh tế đã tạo cơ sở cho sự phổ biến của những món ăn và trò chơi này trong mỗi thời đại trên, nhưng ông tìm thấy trong chúng dấu vết của nền văn hóa giao thương hiện đại thời Edo (tiền Tokyo) trước khi chúng lan rộng[10].
Tiếp theo, Tada đề cập đến công cuộc quốc tế hóa mì ramen, quan sát thấy mức độ thịnh hành ngày càng tăng của món ăn này ở các thành phố phương Tây như Paris, New York hay Honolulu, đồng thời lưu ý rằng ramen có tiềm năng trở thành món ăn hiện đại ở tầm quốc tế đầu tiên có nguồn gốc từ phương Đông. Sau đó, tác giả mô tả quá trình mà các đầu bếp Nhật Bản hòa hợp ramen với khẩu vị của người Nhật, và nâng tầm dư vị của món ăn theo thị hiếu của thực khách Nhật[11]. Sự chú ý dành cho vấn đề ăn uống cùng sở thích cờ bạc, như những dấu hiệu của các trào lưu chuyển biến trong xã hội, một phần là kết quả của những cách tiếp cận mới đối với lịch sử được hình thành ở Nhật Bản vào những năm 1960 và 1970, được gọi chung là minshūshi, hay “lịch sử của người người” (people’s history[12]). Những nghiên cứu của các học giả minshūshi, ví dụ như Yasaumaru Yoshio, đã đặt người thường dân và những thói quen biến động hàng ngày của họ lên vị thế hàng đầu trong lịch sử, giúp đề cao các địa hạt như ẩm thực và giải trí lên thành những chủ đề đáng để được xem xét một cách nghiêm túc. Bằng cách này, cuốn sách Ramen Daisuki!! đặt nền móng cho các tác phẩm sau đó đề cập đến khía cạnh lịch sử, văn hóa, kinh tế của mì ramen, bao gồm cả những tác phẩm của Okada Tetsu, Okuyama Tadamasa và Kawata Tsuyoshi. Nhìn chung, những cuốn sách này đã xây dựng một giai thoại chính thống ở tầm quốc gia về món mì ramen vào cuối những năm 1990.
Làn sóng chú ý mới nở rộ ở Nhật dành cho mì ramen trùng khớp với thời kỳ bong bóng kinh tế đầu cơ chứng khoán và bất động sản vào những năm 1980. Những yếu tố này đã cùng nhau cất cánh cho ngành du lịch ramen và, có lẽ quan trọng hơn, đã tạo ra “chủ nghĩa dân tộc về ramen” (ramen nationalism), hay niềm tự hào về sự tinh tế của văn hóa Nhật Bản được tiêu biểu hóa bằng việc phát minh và xuất khẩu ramen, dưới dạng cả sản phẩm ăn liền lẫn món ăn làm thủ công. Tuy nhiên, một số nhà báo lại cho rằng chủ nghĩa dân tộc ramen là nông cạn. Trong “The History of Food in the Shōwa Era[13]”, một bài viết dài 30 trang đăng trên tuần báo nổi tiếng là Shūkan Yomiuri, một đoạn viết dài hai trang về sự bùng nổ của ramen được đặt tiêu đề “Tình huống đáng sợ khi món mì ramen chân phương này trở thành cơ sở để xây dựng ‘các lý thuyết ưu việt của Nhật Bản’[14]”. Cây bút viết đoạn này, Tamamura Toyo’o, lưu ý: “Về cơ bản thì ramen hiện đang là chủ đề nóng hổi trong con mắt của các nhà báo. Đó là lý do vì sao ai cũng đều có một chuyên mục đặc biệt viết về ramen. Khi ta càng nghe được rằng đang có một trào lưu bùng nổ, thì ta càng có cảm giác tin rằng thực tế đang diễn ra một sự bùng nổ ngoạn mục nào đó; điều đó càng khiến ta muốn dùng thử món ăn đó mà không cần đắn đo[15]”. Tamamura biện bác rằng các nhà báo chỉ đơn giản là tạo ra xu hướng để có tư liệu viết bài nhằm giải tỏa sự nhàm chán của những độc giả hời hợt, rằng điều đó cho thấy Nhật Bản đang nhanh chóng chuyển hướng để nhắm đến chủ nghĩa cá nhân và xu hướng cô lập bản thân (alienation). Theo Tamamura:
“[Ramen] đã thay hình đổi dạng từ một sản phẩm ăn uống tiện lợi, đơn giản chỉ để xoa dịu cơn đói, thành một thứ gì đó được viết thành sách và được mọi người tự hào phô trương kiến thức của họ khi họ ăn món ăn này, khiến nó thuộc nhóm thực phẩm được phân tích quá mức [unchiku]. Gì thì gì, tôi cảm thấy đây là một chỉ báo u ám và thiển cận cho “chủ nghĩa vị kỷ” (me-ism). Không giống như trong thời kỳ tăng trưởng cao, khi việc ăn ramen gợi lên những liên tưởng về công việc làm thêm khi đêm xuống, đồng thời bản thân món ăn này còn tượng trưng cho sức mạnh và năng lượng, thì giờ đây nó lại gợi lên hình ảnh về tình trạng bất ổn của tầng lớp trung lưu thời hậu tăng trưởng, khi người Nhật tự cô lập mình rồi mua về mì ăn liền “chất lượng cao” để ăn ở nhà, gắng hết sức giải tỏa việc thiếu đi niềm vui trong cuộc sống bằng cách thực hiện những phân tích quá mức về món ăn.”
Luận điệu phê bình sâu sắc nhất của Tamamura được ám chỉ trong tựa đề “Tình huống đáng sợ khi món mì ramen chân phương này trở thành cơ sở để xây dựng ‘các lý thuyết ưu việt của Nhật Bản’”, vì ông đã sớm nhận thấy sự trượt dốc dễ dàng giữa hành động đề cao món ăn với chủ nghĩa dân tộc mới (neo-nationalism). Trong phần áp chót của bài viết mang tên, “Những tuyên bố xác nhận về chủ nghĩa dân tộc ‘thiếu căn cứ’ (baseless nationalism)”, ông nhận định:
“Khi tình hình đã phổ biến đến mức mọi người bắt đầu nghĩ, ‘ramen là một phát minh vĩ đại của người Nhật, không có món ăn nào ngon hơn khắp thế giới này, người Nhật là thượng đẳng’, thì [sự bùng nổ của mì ramen] trở thành sự xác nhận cho chủ nghĩa dân tộc thiếu căn cứ. Và trên thực tế, cách ramen được khắc họa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cùng giọng điệu của những lý thuyết mới bàn về ramen, dường như gần tương đương với một học thuyết về tính ưu việt của Nhật Bản[16].
Trong một chương trình truyền hình tôi xem gần đây nói về nỗ lực truy nguyên nguồn gốc của ramen ở Hồng Kông, một nữ phóng viên đã đi đây đó khắp thành phố để kiếm tìm thứ gì đó tương tự với ramen. Cô ấy đưa ra đánh giá về từng bát mì cô ăn, và thấy rằng nó không ngon hoặc không hợp khẩu vị của cô. Cuối cùng, cô chọn lấy một phiên bản gần giống với dư vị mà cô đã quen thuộc nhất, nhưng lại đổ xì dầu vào bát để thay đổi màu sắc và hương vị của món ăn để sau cuối biến nó thành một thứ gì đó, theo cô ấy, là gần giống nhất với món ramen kiểu Nhật. Tuy nhiên, điều thiếu sót hoàn toàn ở đây đó là hương vị đích thực của món mì nước Trung Hoa.
Đúng là các quảng cáo truyền hình gần đây đang bắt đầu sử dụng nhiều hơn mô típ Trung Quốc để nâng cao hình ảnh của sản phẩm mì ramen [ăn liền], nhưng lại đăng hình ảnh người Hoa nói một thứ tiếng Nhật vụng về và nặng trọng âm (trái ngược với chuỗi những quảng cáo ô tô chiếu cảnh Alain Delon[17] nói tiếng Pháp). Do đó, tôi nghĩ việc này có liên quan đến thứ tư tưởng kiêu ngạo đã dẫn đến chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản và hành động xâm lược Trung Quốc của Nhật. Ngoài ra, có vẻ như việc du ngoạn đến tận Trung Quốc để quay quảng cáo tại chỗ cảnh một nhóm người ở đây xì xụp mì ramen ăn liền và “vỗ tay hoan hô” sau đó là một ý tưởng khá kẻ cả được dựa trên tư tưởng [tự cho mình] ưu việt về kinh tế.
Theo những gì quan sát được, bối cảnh này liên quan đến mì ramen là bằng chứng rõ ràng về nỗi bức bối của người dân Nhật Bản khi họ không thể tìm được cách thức trút giận, dù rằng họ đã đạt được vị thế siêu cường về kinh tế. Khi húp xì xụp bát mì ramen, những căng thẳng sẽ được dịu bớt khi tự cho rằng người Nhật vượt trội hơn như thế nào, và đồng thời ramen cũng được khắc họa với sự ưu việt[18].”
HÌNH 5: Những cuốn sách viết về ramen được trưng bày tại Thư viện Thực phẩm của Tập đoàn Thực phẩm Nissin ở Shinjuku.
Luận điệu phê bình của Tamamura về lý do vòng vo đằng sau đặc quyền của ramen là một ví dụ hiếm hoi cho thấy nỗ lực loại bỏ nguồn gốc lịch sử của món ăn này khỏi giai thoại được kể bởi cả đất nước. Theo đó, trong khi các chuyến du lịch ramen, phim tài liệu và sách báo đều có xu hướng tạo ra ý nghĩa cho món mì này theo hướng cải thiện đồ ăn Trung Quốc, thì Tamamura thay vào đó coi thái độ tôn sùng dành cho món ăn này là chỉ báo cho “sự trống rỗng trong cảnh sung túc của người Nhật[19]” xuyên suốt thời kỳ hậu tăng trưởng cao.
Cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về lịch sử ramen ở Nhật Bản được xuất bản vào năm 1987. Cuốn A Japanese Ramen Tale: Where and When Was Chinese Noodle Soup?[20] (Nippon Rāmen Monogatari: Chūka soba wa itsu doko de umareta ka?) của Kosuge Keiko là chuyên khảo đầu tiên mang đến cái nhìn đáng tin cậy về quá trình du nhập và phát triển ở Nhật Bản của món mì nước Trung Quốc này. Kosuge, một học giả về văn hóa ẩm thực Nhật, đã xây dựng những luận điểm cho các cuộc tranh luận sau này về mì ramen thông qua những câu chuyện bà kể về việc Tokugawa Mitsukuni thích ăn ūshin udon như thế nào, thành công của tiệm Rai-Rai Ken ở Asakusa, gốc gác của món măng hầm làm lớp phủ bên trên, và sự bùng nổ của ramen trường phái Sapporo vào cuối những năm 1960[21]. Cuốn sách của Kosuge là một bước đột phá trong việc kết nối lịch sử, các nghiên cứu về ẩm thực và những bài viết phổ biến khác có liên quan đến ramen, để cùng với các nghiên cứu khác nhau, giúp tạo ra một giai thoại lịch sử hiện đại đáng tin cậy của món ăn này. Bảo tàng Raumen, được xây dựng ở Shin-Yokohama bảy năm sau đó, đã vay mượn rất nhiều từ các câu chuyện Kosuge đã kể trong cuốn sách quan trọng này.
Cuốn sách có sức nặng nhất về ramen – Studies of Noodles and Culture: Rāmen Edition[22] – được xuất bản vào năm 2002 bởi Okuyama Tadamasa, chuyên gia hàng đầu về ramen Nhật. Dài gần 400 trang, chuyên luận này bắt đầu với việc tìm hiểu về nguồn gốc nông nghiệp của con người ở Lưỡng Hà, lần theo dấu vết của văn hóa mì sợi từ Con đường tơ lụa[23] đến Trung Quốc rồi đến Nhật Bản, trước khi chuyển sang tìm hiểu về các biến thể theo vùng miền của ramen. Sau khi phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong ramen, mô tả cách mà ramen được khai thác trong âm nhạc và văn chương, cùng các khía cạnh kinh doanh của việc điều hành một cửa tiệm, tác giả đưa ra kết luận và thảo luận về việc những thành công gần đây của ramen đã đại diện cho phong trào “Thức Ăn Chậm” (Slow Food Movement) ở Nhật Bản như thế nào. Ông cho rằng những xu hướng gần đây trong việc đề cao mì ramen nên được hiểu như một phần trong nỗ lực phối hợp toàn cầu của người tiêu dùng ở thế giới thứ nhất nhằm đánh giá lại mối quan hệ của họ với những thứ họ ăn. Ông viết, “Quy trình chế biến mì ramen bao gồm các công đoạn làm sợi mì, chế nước dùng và nêm thịt, mỗi công đoạn đều tốn rất nhiều thời gian và công sức. Về cơ bản, đó là thế giới của Thức Ăn Chậm [24].”
Mô tả của Okuyama về ramen cho thấy rõ ràng rằng vào đầu những năm 2000, món ăn này đã đảm nhận một chức năng hoàn toàn khác so với thời điểm 1960, khi nó được coi như một nguồn nạp năng lượng hợp túi tiền, thịnh soạn và chế biến nhanh chóng dành cho những người lao động luôn hối hả. Ngoài ra, còn lại rất ít gốc gác Trung Hoa là trung tâm trong nét hấp dẫn của món ăn trong những giai đoạn trước đó. Bằng cách liên hệ ramen với phong trào Thức Ăn Chậm – một trào lưu có nguồn gốc từ Tây Âu gắn liền với văn hóa ẩm thực cao cấp – tác giả đã xác nhận về sự chuyển mình của ramen từ một món ăn cần thiết cho công việc lao động chân tay thành một loại thực phẩm mang tính giải trí và nghệ thuật thanh cao. Khi lý tưởng và hình ảnh của ramen được xây dựng theo phương thức này ở Nhật Bản, tiềm năng tiếp thị của nó như một thành tố của văn hóa Nhật Bản cho mục đích xuất khẩu đã mở rộng ra bên ngoài các thành phố của Nhật để vươn đến những trung tâm tài chính toàn cầu như New York, Los Angeles, Paris, Đài Bắc, Thượng Hải và Bangkok.
Chú thích:
[1] Tham khảo Kojima Takashi, “Mazushiki Henshokusha” (Cái nghèo của người kén ăn) trong ấn bản tháng 3 năm 1981 của tờ Bungei Shunjū (tr.82-84).
[2] Đó là các cuốn: Shōji Sadao, Rāmen Daisuki!! (Tokyo: Tōjūsha, 1982); Hayashiya Kikuzō, Naruhodo za Rāmen (Tokyo: Kanki, 1981); và Okuyama Kōshin, Takaga Rāmen, Saredo Rāmen (Tokyo: Shufu no tomo, 1982).
[3] Tạm dịch: “Tôi yêu ramen!!”. (ND)
[4] Kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật. (ND)
[5] Focus, “Zōdatsu jidai no gūwa”, ngày 20 tháng 1 năm 1984, tr.62.
[6] Shōji, Rāmen Daisuki!!
[7] Như trên.
[8] Như trên, tr.186.
[9] Một loại bài lá truyền thống của Nhật Bản. (ND)
[10] Shōji, Rāmen Daisuki!!, tr.120-25.
[11] Như trên, tr.122-23.
[12] Tham khảo Takashi Fujitani, “Minshūshi as Critique of Orientalist Knowledges”, Positions 6, số 2 (mùa thu năm 1998): tr.303-22.
[13] Tạm dịch: “Lịch sử ẩm thực thời Shōwa”. (ND)
[14] Tamamura Toyo’o, “Takaga rāmen ga ‘Nihonjin erai ron’ ni naru kowasa”, Shūkan Yomiuri, ngày 8 tháng 5 năm 1983, tr.72.
[15] Như trên.
[16] Như trên, tr.72-73.
[17] Diễn viên, nhà làm phim và doanh nhân người Pháp. (ND)
[18] Tamamura Toyo’o, “Takaga rāmen ga ‘Nihonjin erai ron’ ni naru kowasa”, Shūkan Yomiuri, ngày 8 tháng 5 năm 1983, tr.73.
[19] Gavan McCormack, The Emptiness of Japanese Affluence (New York: M.E. Sharpe), 1996.
[20] Tạm dịch: “Câu chuyện về mì ramen của Nhật Bản: Món mì gốc Trung Hoa này xuất hiện ở đâu và khi nào?”. (ND)
[21] Kosuge Keiko, Nippon Rāmen Monogatari: Chūka soba wa itsu doko de umareta ka (Tokyo: Shinshindō, 1987).
[22] Tạm dịch: “Nghiên cứu về mì sợi và văn hóa: Phiên bản mì ramen”. (ND)
[23] Một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng đã từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu u. (ND)
[24] Okuyama, Bunka menruigaku, tr.39.