0
Thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới – Vũ Hoàng Linh
138.000₫
Thông tin cơ bản:
– Số trang: 440
– Khổ: 16 x 24 cm
– Bìa mềm
– Tác giả: Vũ Hoàng Linh (chủ biên)
– Đơn vị xuất bản: NXB Khoa học Xã hội
– Phát hành: 2020
Out of stock
Giá chưa bao gồm VAT - chưa bao gồm phí vận chuyển
Description
Theo Phillip Kotler, “bán lẻ bao gồm các hoạt động liên quan đến việc bán hàng hóa hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng vào mục đích cá nhân, không mang tính thương mại”, theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2017 “bán lẻ là hoạt động bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng”. Tại thị trường này, khách hàng có thể mua được nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau và do vậy, thị trường bán lẻ nhắm tới thỏa mãn tất cả các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng cuối cùng. Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ từ lâu luôn là một thị trường giàu tiềm năng, hấp dẫn FDI các nhà đầu tư nước ngoài và là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trong khu vực. Đặc biệt, kể từ khi gia nhập WTO, thị trường bán lẻ Việt Nam được ghi nhận luôn có sự sôi động qua từng năm với sự gia tăng của các loại hình bán lẻ hiện đại và người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có thói quen và xu hướng mua sắm ở các cửa hàng bán lẻ theo mô hình hiện đại.
Hiện nay, quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã mở ra những cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ thương mại với các nước, các tổ chức là một cơ hội để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển và đây cũng là xu hướng tất yếu. Trong số những FTA Việt Nam đã tham gia, nổi bật với những tiềm năng tác động sâu rộng và toàn diện là các FTA thế hệ mới, điển hình như FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á- Âu, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, CPTPP, FTA Việt Nam – EU. Đặc trưng cơ bản của các FTA thế hệ mới khác biệt so với các FTA truyền thống là có phạm vi rộng, nội dung vượt ra ngoài các cam kết về thương mại, dịch vụ, một phần đầu tư và bao gồm cả những thể chế pháp lý trong các lĩnh vực lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ…Do vậy, các FTA thế hệ mới khi có hiệu lực sẽ tác động rất mạnh tới hệ thống thể chế của Việt Nam, trong đó có thị trường bán lẻ. Sự tác động này thể hiện qua việc thị thị trường bán lẻ Việt Nam có những cơ hội phát triển mới với việc tận dụng được nguồn lực, nguồn cung và đầu tư từ bên ngoài, đem đến cơ hội học hỏi, hợp tác tốt hơn, nhanh hơn, giúp hệ thống bán lẻ nội địa bứt phá khỏi lối mòn tư duy kinh doanh cũ. Ngoài ra FTA thế hệ mới còn mang lại cơ hội cho người tiêu dùng quyền lựa chọn hàng hóa và được phục vụ tốt hơn cũng như góp phần lan tỏa khu vực bán lẻ đến các khu vực sản xuất kinh doanh khác. Và đặc biệt quan trọng hơn cả là sự thay đổi thể chế pháp lý chung và liên quan đến lĩnh vực bán lẻ theo các cam kết trong các FTA thế hệ mới sẽ có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển thị trường.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng chính sách, chiến lược phát triển cũng như quản lý nhà nước đối với thị trường bán lẻ hiên nay có thể thấy hiện tại Việt Nam vẫn đang thiếu một chiến lược tổng thể phát triển thị trường bán lẻ cùng những quy hoạch cơ sở hạ tầng và kế hoạch hành động thiết thực. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chậm ban hành các quy định hoặc thiếu các chính sách và giải pháp vĩ mô để phát triển các phương thức kinh doanh bán lẻ hiện đại. Để giải quyết thực trạng trên, góp phần khắc phục những vấn đề còn tồn tại, năm 2020, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn “Thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới” do TS. Vũ Hoàng Linh làm chủ biên. Qua công trình nghiên cứu này, nhóm tác giả mong muốn có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và dưới tác động của các FTA thế hệ mới dựa trên những phân tích, đánh giá thực trạng thị trường, chính sách phát triển và quản lý nhà nước, từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cầu thành 3 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thị trường bán lẻ
Chương này, nhóm nghiên cứu tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như đề cập đến một số khái niệm liên quan, đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố dân số, một trong 5 yếu tố tác động đến chiến lược và sự thành công trên thị trường bán lẻ. Một số khía cạnh khác nhau liên quan đến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ được nhóm tác giả đề cập trong nghiên cứu bao gồm: (i) Các kiểu cạnh tranh bán lẻ; (ii) Lợi thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; (iii) Chiến lược cạnh tranh trên thị trường bán lẻ; (iv) Mô hình cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển và quản lý thị trường bán lẻ của một số nước trên thế giới, nhóm tác giả đề cập tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, trong đó Hàn Quốc được biết đến là quốc gia duy nhất nơi mà các nhà bán lẻ nội địa thống trị các nhà bán lẻ nước ngoài bởi chính phủ Hàn Quốc bảo vệ thị trường bán lẻ nội địa trước sự xâm nhập của các nhà bán lẻ nước ngoài bằng việc các nhà bán lẻ nội địa đã có một khoảng thời gian chuẩn bị với chiến lược phù hợp trước khi thị trường bán lẻ được mở cửa. Đối với Ấn Độ, bên cạnh việc chào đón bất kỳ nhà bán lẻ nào trên thế giới với vốn sở hữu lên tới 100%, nhằm mục đích đổi mới thị trường bán lẻ nhưng đi kèm với quy định yêu cầu các nhà bán lẻ một thương hiệu phải mua đầu vào 30% hàng hóa từ Ấn Độ. Từ kinh nghiệm của các quốc gia này, nhóm nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phat triển thị trường bán lẻ trong bối cảnh hội nhập nói chung và bối cảnh thực hiện các FTA. Phần cuối của chương này, trình bày những khía cạnh liên quan dến các FTA thế hệ mới ở mức độ lý luận cũng như những FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, trong đó nhấn mạnh vào những cam kết quốc tế liên quan đến thị trường bán lẻ trong các FTA thế hệ mới có tác động đến sự phát triển và triển vọng của thị trường trong tương lai.
Chương 2. Thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới: thực trạng và nguyên nhân
Khái quát một số nét cơ bản về các chủ thể trên thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó tập trung phân tích và đánh giá thực trạng thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới. Các nội dung bao gồm các khía cạnh liên quan đến quá trình phát triển chung, cấu trúc thị trường, cơ sở hạ tầng và mạng lưới bán lẻ, hàng hóa trên thị trường và sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Nhóm tác giả nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực (tăng trưởng cao, cấu trúc thị trường chuyển đổi theo hướng hiện đại, xuất hiện các loại hình bán lẻ mới…) và tiếp tục có triển vọng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, sự hội nhập kinh tế qua các FTA thế hệ mới sẽ giúp thị trường bán lẻ Việt Nam có cơ hội phát triển mới với việc tận dụng được nguồn lực, nguồn cung và đầu tư từ bên ngoài, đem đến cơ hội học hỏi, hợp tác tốt hơn, nhanh hơn…Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế gắn với thực trạng phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới: (i) Những hạn chế gắn với chiến lược và chính sách ưu đãi, quản lý của Việt Nam đối với thị trường bán lẻ; (ii) Những hạn chế từ các nhà bán lẻ nước ngoài.
Chương 3. Giải pháp thị trường bán lẻ Việt Nam
Trên cơ sơ phân tích bối cảnh và triển vọng thị trường bán lẻ Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới: Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; Thứ hai, hoàn thiện các chính sách ưu đãi và tăng cường sự hỗ trợ, khuyến khích các nhà bán lẻ trong nước; Thứ ba, hoàn thiện các chính sách quản lý nhà nước đối với thị trường bán lẻ Việt Nam; Thứ tư, thay đổi và chuyển biến hợp lý về nhận thức, thị hiếu và thái độ của người tiêu dùng.
Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách đáp ứng nhu cầu của bạn đọc quan tâm, đặc biệt cung cấp một tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp về bán lẻ về những giải pháp ở mức độ doanh nghiệp để có thể tự hoàn thiện mình và nâng cao năng lực để tự đứng vững trên thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hộp nhập nói chung và thực hiện các FTA thế hệ mới nói riêng.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Reviews
There are no reviews yet.