0
Quá trình thay đổi nhận thức ở trẻ em – Rudolf Steiner
175.000₫
Thông tin cơ bản:
– Số trang: 372
– Khổ: 13 x 20,5 cm
– Bìa mềm
– Tác giả: Rudolf Steiner
– Dịch giả: Nguyễn Hồng
– Đơn vị xuất bản: NXB Tri Thức
– Phát hành: 2021
Giá chưa bao gồm VAT - chưa bao gồm phí vận chuyển
Description
Cuốn sách này bao gồm nội dung của tám bài giảng và một phần giới thiệu về nghệ thuật chuyển động biểu cảm eurythmy, ban đầu được viết tốc kí, được Rudolf Steiner giảng vào tháng 4 năm 1923 tại Dornach, Thụy Sĩ cho một nhóm giáo viên Waldorf và nhiều người khác từ một số quốc gia châu Âu – ông đặc biệt đề cập đến các đại diện của Cộng hòa Tiệp Khắc – những người đã quan tâm đến giáo dục Waldorf ngay từ thuở sơ khai. Độc giả có thể dễ dàng cảm nhận được sự chủ động dấn thân xuyên suốt các bài giảng này khi Rudolf Steiner giới thiệu các nguyên tắc cơ bản của giáo dục Waldorf, đồng thời thấy được các vấn đề cụ thể phát sinh ngay từ những ngày đầu của phong trào khi ngôi trường đầu tiên chưa được 5 năm tuổi. Độc giả cũng sẽ lập tức bị cuốn vào cuộc thảo luận phong phú về các vấn đề trọng tâm của giáo dục ngày nay.
Hiểu biết toàn diện của Rudolf Steiner về con người là nền tảng cho toàn bộ phương pháp giáo dục Waldorf. Gần như mọi phong trào cải cách giáo dục hiện đại đều tuyên bố quan tâm đến “giáo dục toàn diện trẻ nhỏ” và giáo dục Waldorf cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong giáo dục Waldorf, tuyên bố này không phải là một nguyên tắc chung chung. Thay vào đó, nhiều khía cạnh của con người – gồm thể chất, cảm xúc và trí tuệ cũng như các đặc điểm riêng biệt và vô số mối quan hệ qua lại giữa chúng – được đưa ra một cách cẩn thận và chính xác. Hơn nữa, ý nghĩa thực tế, cụ thể của chúng đối với chương trình giảng dạy, lớp học và xã hội rộng lớn hơn được phát triển chi tiết và theo nhiều cách khác nhau.
Nhắc đến con người toàn thể, Rudolf Steiner thường xuyên sử dụng thuật ngữ truyền thống là cơ thể (body), tâm hồn (soul) và tâm linh (spirit). Tuy nhiên, Rudolf Steiner không giới hạn trong các thuật ngữ này. Nhiều độc giả sẽ lập tức thấy quen thuộc với mô tả chi tiết của Steiner về sự phát triển của trẻ em. Và độc giả có thể nhận ra nhiều khía cạnh trong mô tả của ông sau đó đã được xác nhận, trong một số lĩnh vực cụ thể, bởi các nhà tâm lí học giáo dục và phát triển hoạt động độc lập với ông (như Gesell và Piaget). Độc giả cũng có thể thấy một số khác biệt quan trọng cần được các nhà giáo dục thảo luận nhiều hơn nữa. Tương tự, tầm quan trọng được Steiner gán cho những năm đầu đời trước tuổi đến trường – đặc biệt khi liên quan đến toàn bộ cuộc đời của một cá nhân – đã trở thành kim chỉ nam cho hầu như toàn bộ ngành tâm lí học phát triển. Tuy nhiên, không ai khám phá được ý nghĩa giáo dục của những năm đầu đời một cách toàn diện và cẩn trọng như chương trình giảng dạy thực tế và thực hành trong lớp học đã ghi dấu sự nghiệp của Steiner. Một ví dụ được đưa ra trong các bài giảng này là ông cẩn thận mô tả tầm quan trọng của giáo dục và phát triển khi trẻ học đứng, học đi, học nói và suy nghĩ – tất cả đều là tự học – và những ý nghĩa chưa từng được tiết lộ mà những thành tựu đầu đời này có thể mang lại cho cuộc đời của một cá nhân.
Trọng tâm mô tả của Steiner về sự phát triển của trẻ em là trẻ biết đến thế giới bằng những cách riêng theo lứa tuổi và giai đoạn phát triển thể chất cũng như chúng là nền tảng thiết yếu cho những hiểu biết khác diễn ra sau đó. Steiner chỉ ra cách chủ yếu để trẻ biết đến thế giới và những thứ khác là thông qua hoạt động cảm giác, thể chất. Thông qua hoạt động thể chất và trên hết là hoạt động bắt chước và vui chơi, trẻ biết đến thế giới và biến thế giới thành của riêng mình.
Có rất nhiều liên hệ thú vị giữa mô tả của Steiner về hiểu biết mang tính bắt chước và tính dấn thân với các nghiên cứu độc lập được thực hiện sau khi ông qua đời bởi những người không biết đến sự nghiệp của Steiner hay giáo dục Waldorf. Những liên hệ này cũng hứa hẹn cuộc trao đổi cùng có lợi giữa giáo dục Waldorf và các phương pháp giáo dục khác. Ví dụ, tầm quan trọng được Steiner nhấn mạnh của hoạt động vui chơi, bắt chước và vận động, vốn là nền tảng cho tất cả hiểu biết về sau, kể cả khả năng phân tích sẽ tự xuất hiện vào thời thanh thiếu niên, đã được nhiều nhà tâm lí học phát triển đi sâu khám phá. Chẳng hạn Kurt Fischer viết: “Tất cả nhận thức bắt đầu bằng hành động… nhận thức cao hơn về thời thơ ấu và tuổi trưởng thành xuất phát trực tiếp từ những hành động cảm giác vận động này…”. Và từ sớm trong tác phẩm của mình, Piaget đã viết: “Trong giai đoạn bắt chước, đứa trẻ bắt chước bằng toàn bộ con người mình, tự nhận dạng bản thân theo hình mẫu”. Nhiều năm trước, trong các bài giảng được in lại ở đây và với hàm ý thực sự dành cho giáo dục, Rudolf Steiner đã nói: “theo một nghĩa nào đó, trẻ em thực sự là một cơ quan cảm giác tuyệt vời”, bắt chước và hấp thu toàn bộ môi trường xung quanh.
Mục lục
Lời nhà xuất bản
Lời nói đầu
Bài giảng thứ nhất
Ngày 15 tháng 4 năm 1923
Phải làm gì để giáo dục được đón nhận bằng thái độ hoàn toàn tươi mới? Thời đại trí tuệ đã khiến chúng ta có cái nhìn phiến diện về con người. Các phát hiện của thời đại này dựa trên những điều hiển nhiên, bỏ qua yếu tố tâm linh và tâm hồn. Nhiều yếu tố phi thực tế đã len lỏi vào quan điểm của khoa học ngày nay về thế giới. Chúng ta cần những ý tưởng sống động để tiếp cận con người và cần xem xét toàn bộ cuộc đời con người để có thể thực hành giáo dục một cách đúng đắn.
Bài giảng thứ hai
Ngày 16 tháng 4 năm 1923
Kiến thức của trẻ đang lớn – ba khả năng đầu đời của trẻ là đi, nói và suy nghĩ. Cùng với tĩnh học và động học, số phận của cá nhân được hình thành. Trẻ em hấp thu các yếu tố tâm hồn của môi trường xung quanh mình. Thông qua suy nghĩ, trẻ nắm bắt được bản chất bên ngoài.
Bài giảng thứ ba
Ngày 17 tháng 4 năm 1923
Bắt chước là một quy luật tự nhiên. Niềm tin về mặt tôn giáo đối với thế giới xung quanh. Thế giới mở rộng qua việc trẻ biết đi, biết nói và suy nghĩ. Tiếp cận yếu tố nghệ thuật qua phương tiện ngôn ngữ. Trẻ em cần một phương pháp tiếp cận trực quan chứ không phải logic. Trong giai đoạn thứ hai của cuộc đời, chấp nhận quyền lực trở thành quy luật tự nhiên. Khi bắt đầu thay răng, trí nhớ bắt đầu phát triển từ thói quen đã được khắc sâu vào tâm hồn. Sự đan xen của hô hấp và tuần hoàn máu vào hệ nhịp điệu trong suốt năm chín tuổi và mười tuổi cũng như thông qua đó, trẻ nắm bắt được các lực của âm nhạc. Tuổi dậy thì. Bản chất của hệ nhịp điệu.
Bài giảng thứ tư
Ngày 18 tháng 4 năm 1923
Hoạt động vui chơi có vai trò quan trọng trong giai đoạn bắt chước. Chuyển đổi vui chơi thành làm việc. Hoạt động viết thoát khỏi hoạt động vẽ. Học đọc. Nói. Nguyên âm và phụ âm. Các giai đoạn chính của cuộc đời và năm chín tuổi nói riêng. Cái tôi và thế giới xung quanh. Nghiên cứu tự nhiên đầu đời. Thế giới thực vật từ quan điểm thông thường. Thế giới động vật là một con người được chia nhỏ và trải rộng ra.
Bài giảng thứ năm
Ngày 19 tháng 4 năm 1923
Đời sống cảm xúc của trẻ em từ năm 7 đến 14 tuổi. Bản chất của quyền lực. Đời sống ý chí của trẻ. Trải nghiệm của trẻ với yếu tố hình ảnh trước và sau năm 9 tuổi. Yếu tố nghệ thuật trong các bài học. Đặc điểm của các thành viên cấu tạo nên con người trong quá trình sống. Sau năm 12 tuổi, ý thức về quy luật nhân quả bắt đầu phát triển. Trẻ em bây giờ đã sẵn sàng cho các bài học về khoáng vật, vật lí và giải thích nhân quả của lịch sử. Những tác hại của nhận định, phán đoán sớm. Khủng hoảng năm 9 tuổi. Màu sắc và sự linh hoạt của tâm hồn. Học đọc. Chuyển đổi kiến thức thành các khả năng.
Bài giảng thứ sáu
Ngày 20 tháng 4 năm 1923
Mối quan hệ của cá nhân với xã hội. Ba đức tính cơ bản: lòng biết ơn, tình yêu thương, ý thức trách nhiệm và sự phát triển của ba đức tính đó. Sự cần thiết của “hơi thở tâm hồn” trong các bài học. Nghiêm túc và hài hước. Thái độ bao quát về cuộc sống sẽ tràn ngập tâm hồn và tâm linh của giáo viên. Giáo dục và chữa bệnh. Giáo dục là tự giáo dục. Giáo viên cần trau dồi tính vị tha. Giáo dục là một mục tiêu xã hội. Thể chế ít có ý nghĩa trong phát triển xã hội. Hai nguyên tắc dẫn đường để làm việc trong xã hội.
Bài giảng thứ bảy
Ngày 21 tháng 4 năm 1923
Sự cần thiết của thỏa hiệp để giải quyết các yêu cầu của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là sau năm 12 tuổi. Thông qua lòng biết ơn và tình yêu thương, đức tính cơ bản thứ ba là ý thức trách nhiệm được hé mở. Sau năm 12 tuổi và đặc biệt là sau tuổi dậy thì, giáo dục phải bao gồm các hoạt động thực tế như các bài học về đan, may, dệt, kéo sợi và đóng sách cho cả nam sinh và nữ sinh. Giới thiệu các quá trình cơ học và hóa học đơn giản trong công nghệ. Cơ thể vật lí tiếp tục thẩm thấu các lực tâm hồn và tâm linh. Thiếu thời gian cho các bài học do áp lực thi cử. Bi kịch của chủ nghĩa duy vật.
Bài giảng thứ tám
Ngày 22 tháng 4 năm 1923
Điều hành một trường học theo các nguyên tắc được trình bày trong khóa học này. Cơ thể, tâm hồn và tâm linh cần được xem xét bình đẳng. Các khía cạnh đảm bảo sức khỏe và chữa bệnh của giáo dục. Sự đan xen và tương tác của ba hệ cơ quan chính: hệ cảm giác-thần kinh, hệ nhịp điệu, hệ vận động-trao đổi chất. Các bệnh trẻ em trong bảy năm đầu đời. Bảy năm tiếp theo là giai đoạn khỏe mạnh nhất vì hệ nhịp điệu đi vào toàn bộ cơ thể và hệ nhịp điệu không bao giờ mệt mỏi. Các cuộc họp giáo viên là huyết mạch của trường học. Bác sĩ trường học. Tiếp cận các tính khí khác nhau. Mỗi chi tiết trong toàn bộ cuộc sống học đường phải phản ánh tâm linh ngự trị toàn trường. Tiết học chính. Tiết học ngôn ngữ. Thể dục và eurythmy. Toàn bộ cơ thể con người được hướng theo các lực của âm nhạc. Giáo dục Waldorf là nền giáo dục cho toàn nhân loại.
Lời giới thiệu
về nghệ thuật chuyển động biểu cảm eurythmy
Tài liệu tham khảo
Chỉ mục
Reviews
There are no reviews yet.