Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu – Trần Hữu Quang

99.000

Thông tin cơ bản:
– Số trang: 252
– Khổ: 16 x 24 cm
– Bìa mềm
– Tác giả: Trần Hữu Quang
– Đơn vị xuất bản: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
– Phát hành: 2017

Giá chưa bao gồm VAT - chưa bao gồm phí vận chuyển

Description

Đây là một quyển sách cung cấp nhiều tư liệu lịch sử lý thú về mặt cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố Sài Gòn thuở xưa, bổ ích và cần thiết cho giới kinh doanh du lịch ở TP.HCM. Sau đây là vài thí dụ minh họa trích từ quyển sách này.

Việc thắp sáng đường phố Sài Gòn lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1867 ở một vài đường phố trung tâm (quận 1 ngày nay) bằng hệ thống cột đèn lồng cách nhau 100 mét, thắp bằng dầu dừa, năm 1870 chuyển sang thắp bằng dầu lửa (tức dầu hỏa), và kể từ năm 1897 mới bắt đầu sử dụng đèn điện để thắp sáng đường phố.

Nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng xong vào năm 1897, nằm gần đường Hai Bà Trưng (nay là trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Nam), sau Hải Phòng là nơi đầu tiên ở Đông Dương có nhà máy điện (1892), và mười năm sau khi Nhật Bản có nhà máy điện đầu tiên ở Tokyo (1887). Nhà máy này cung cấp điện để thắp sáng một số đường phố và công thự của thành phố Sài Gòn…

Song song với việc xây dựng các đường ống cống kể từ năm 1872, vỉa hè của các đường phố chính ở khu trung tâm được xây dựng xong vào năm 1874. Việc trải nhựa đường được thử nghiệm lần đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1904 trên một đoạn đường Hai Bà Trưng ngày nay, hai năm sau mới trải nhựa cho đường Đồng Khởi và đại lộ Nguyễn Huệ bây giờ.

Nhà máy nước đầu tiên ở Sài Gòn được xây xong vào năm 1878 tại địa điểm công trường Hồ Con Rùa ngày nay (lấy nước giếng).

Đường Đồng Khởi là một trong những con đường cổ xưa nhất của Sài Gòn, có từ trước khi Pháp đến chiếm thành phố này, đi từ sông Sài Gòn dẫn thẳng vào thành Gia Định cổ (thành Bát Quái). Mang tên là đường Catinat thời Pháp thuộc, đây là con đường đầu tiên của Sài Gòn mà Pháp cho chỉnh trang để làm thành một đường phố đô thị, từng được nguời dân Sài Gòn gọi là đường “Keo Su” khi mới tráng nhựa vào khoảng năm 1906-1907. Kể từ đó cho đến ngày nay, đây luôn là con đường trung tâm tiêu biểu cho cả thành phố Sài Gòn. Đường Lý Tự Trọng được xây dựng trên đường hào của ngôi thành cổ mang tên là thành Quy hay còn gọi là thành Bát Quái do Nguyễn Ánh cho xây vào năm 1790 mà về sau người ta còn thấy vết tích khi khai quật khảo cổ. Còn đại lộ Nguyễn Huệ ngày xưa thực ra là kinh Chợ Vải mà người Pháp gọi là kinh Charner, đến năm 1887 mới được lấp xong để làm thành đại lộ…

Khi Blériot vừa thực hiện chuyến bay đầu tiên vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh vào năm 1909, thì ở Sài Gòn, chiếc Farman do phi công người Bỉ Van den Born cầm lái đã lần đầu tiên đáp xuống Sài Gòn vào ngày 10-12-1910. Sân bay Tân Sơn Nhứt bắt đầu được xây dựng từ năm 1914. Chuyến bay Sài Gòn-Marseille của hãng Air Orient (Pháp) vào năm 1931 kéo dài tới 12 ngày, với giá vé là 20.375 franc…

Trong quyển sách này cũng còn có một bản đồ ghi lại địa điểm của tòa soạn các tờ báo ra đời ở Sài Gòn từ thập niên 1900 tới thập niên 1940.

Thiết tưởng quyển sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu có thể trở thành một công cụ hữu ích vì nó bổ sung nhiều kiến thức và chi tiết thú vị ít được nhắc đến cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch khi đưa du khách đi tham quan ở TP.HCM theo những chủ đề khác nhau.

Thông tin đang cập nhật...

Reviews

There are no reviews yet.

Be the first to review “Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu – Trần Hữu Quang”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *