thu-ngo-goi-cac-ban-tre-viet-nam

Sách & Đời #4: ĐỂ CÒN LÀ NGƯỜI VIỆT

“Sách & Đời” là chuỗi hoạt động nhằm tạo ra dịp để các độc giả được giao lưu, chia sẻ về những cuốn sách do Book Hunter tổ chức phát hành. “Sách & Đời #4” là buổi trò chuyện và gặp gỡ Tiến sĩ Vĩnh Đào, tác giả cuốn sách “THƯ NGỎ GỞI BẠN TRẺ VIỆT NAM… muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình”, đã diễn ra vào lúc 15h ngày 10/9/2022, tại Trung tâm Book Hunter, Hà Nội.

Bạn đọc có thể đặt mua cuốn sách này tại đây.

“THƯ NGỎ GỞI BẠN TRẺ VIỆT NAM… muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình” là tâm tư của tác giả Vĩnh Đào (Tiến sĩ Văn học Pháp, Viện Đại học Paris-Sorbonne) gửi tới thế hệ trẻ người Việt dù đang sống ở Việt Nam hay nước ngoài, về một hành trình phi thường của người Việt trải qua hàng nghìn năm lịch sử với bao biến cố và công cuộc giữ gìn văn hóa, lãnh thổ để có được như ngày hôm nay. Cuốn sách được nhà văn Hà Thủy Nguyên phụ chú đầy đủ, kèm theo tranh minh họa in màu của họa sĩ nổi tiếng Tamypu Thái Mỹ Phương, do Book Hunter liên kết NXB Đà Nẵng ấn hành.

          Buổi trò chuyện do anh Lê Duy Nam (CEO của Book Hunter) điều phối, đã diễn ra trong không khí sôi nổi, đầy xúc động tự hào về lịch sử nước nhà với sự tham gia của các trí thức quan tâm lịch sử và văn hóa đọc như bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc, TBT NXB Phụ nữ Việt Nam), ông Nguyễn Lân Bình (cựu cán bộ Ngoại giao đoàn), bà Nguyễn Thị Thanh Thúy và bà Thanh Hương (người sáng lập Hội Quán Các Bà Mẹ, từ TP. Hồ Chí Minh ra), cùng các anh chị phóng viên cũng như các bạn đọc yêu sách và quan tâm tới lịch sử Việt Nam.

Nỗi đau đáu của tác giả về thế hệ trẻ với lịch sử nguồn cội

          Mở đầu phần chia sẻ từ phía người đọc, bà Khúc Thị Hoa Phượng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới tác giả Vĩnh Đào, vì theo bà, đây là một cuốn sách đầy tâm huyết và có ý nghĩa lớn lao cũng như rất hữu ích và rất cần được lan tỏa, nhân rộng. Cũng theo chia sẻ của bà Hoa Phượng, bà được đọc lần đầu khi cuốn sách còn ở dạng bản thảo, do anh Lê Duy Nam chia sẻ. Và với bà, đây là cuốn sách có nhan đề ấn tượng, mục lục hấp dẫn, dung lượng ngắn mà vẫn giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quan theo hệ thống về lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, với lối viết theo chiều dọc thời gian để độc giả dễ hình dung thì thi thoảng vẫn có những lát cắt mà tác giả dừng lại như giai đoạn viết về xã hội Việt Nam ở thế kỷ XI, tác giả đã so sánh với xã hội châu Âu cùng thời, để thấy rằng sự dân chủ, văn minh trong thi cử ở Việt Nam đã có từ rất sớm. Nếu châu Âu cùng thời chỉ tồn tại hệ thống quan lại/quý tộc theo chế độ cha truyền con nối thì ở Việt Nam, dù là một người dân nghèo, chỉ cần có chí học hành cũng có thể tham gia thi cử để làm quan triều đình.

          Tác giả Vĩnh Đào rất xúc động vì lời chia sẻ của bà Hoa Phượng. Vì động lực khiến ông viết nên cuốn sách này chính là do quá trình tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình nhưng họ lại bị băn khoăn do có quá nhiều tài liệu khác nhau và không biết nên bắt đầu từ đâu. Các bạn trẻ mà ông hướng đến là ba nhóm: các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng có bố mẹ là người Việt Nam; nhóm thứ hai là các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam rồi tiếp tục sinh sống ở trong nước và nhóm thứ ba là các bạn trẻ người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở trong nước rồi có cơ hội đi du học, ra nước ngoài sinh sống. Nhất là nhóm các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài và các bạn trẻ du học sinh/có cơ hội ra nước ngoài sinh sống – khi va chạm các văn hóa khác nhau, liền muốn nghiêm túc tìm hiểu về nguồn cội của mình nhưng họ cũng dễ bị sa vào những nhận định thiếu chính xác trong khi sách lịch sử lúc nào cũng rất dày. Giữa muôn vàn tài liệu lịch sử về nguồn cội, phải làm sao để người trẻ hứng thú, biết cách phân khúc giai đoạn, có động lực đọc và chủ động tìm hiểu thêm đây?

          Đó là lý do mà lần đầu tiên cuốn sách này của tác giả Vĩnh Đào xuất hiện là ấn bản tiếng Pháp, vào năm 1993 tại Pháp và lần tái bản gần nhất là năm 2020. Sau đó, thông qua các kết nối bạn bè, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh và lần tái bản gần nhất là 2017. Còn đối với ấn bản tiếng Việt này lại mới được viết trong năm 2020 và ra mắt bạn đọc trong năm 2022. Ngoài các ấn bản tiếng Pháp và tiếng Anh, tiếng Việt đã được chính thức xuất bản, còn một bản dịch tiếng Đức đã hoàn thành và đang trong quá trình được GS. TS Thái Kim Lan hiệu đính, dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2023. Ngoài nguồn sử liệu tiếng Việt đã có, Tiến sĩ Vĩnh Đào đã dành 8 tháng để tìm kiếm thêm các tài liệu về lịch sử Việt Nam được ghi chép bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh tại Thư viện Versailles, Thư viện Quốc gia Pháp và ông đã hoàn thiện cuốn sách trong 3 tháng.

          Từ những chia sẻ đau đáu của tác giả Vĩnh Đào, ông Nguyễn Lân Bình cũng bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc về tâm tư của thế hệ trí thức đi trước đối với thực trạng thế hệ trẻ tìm hiểu về nguồn cội của mình. Và câu hỏi mà ông Nguyễn Lân Bình cũng như hầu hết độc giả tham gia cuộc trò chuyện muốn hỏi tác giả Vĩnh Đào đó là, “Sau gần 40 năm sinh sống ở nước ngoài, ông cảm thấy chất Việt nào còn nguyên vẹn trong con người ông nhất?”

          Thật tiếc cho các độc giả không tham gia buổi giao lưu này. Bởi vì, đó là câu hỏi tưởng như rất khó trả lời hoặc nếu có thì dễ là một câu trả lời dài đầy tâm tư nhưng ngay sau khi hỏi tác giả Vĩnh Đào điều đó, những người tham gia buổi trò chuyện đều nhận ra rằng, tác giả Vĩnh Đào, người trí thức xa quê gần 40 năm, đã đi đến bao vùng đất xa xôi nhưng khi trở về quê hương, ngay tại cuộc trò chuyện này, ông vẫn nói giọng Huế. Huế là nơi ông sinh ra và lớn lên, trước khi ông vào học tại Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh rồi sau đó là sang Pháp công tác. Và vì thế, những người tham gia buổi trò chuyện đã nhận ra rằng họ cũng tự trả lời được câu hỏi đó rồi.

          Ông Nguyễn Lân Bình cũng chia sẻ thêm rằng, liên hệ tới câu chuyện về “chất quê hương” trong những người xa quê thì câu ngạn ngữ “chém cha không bằng pha tiếng” chính là nỗi đau của người cha (quê hương) khi đứa con đi xa trở về không còn là nó như lúc nó vừa rời quê hương, đó là sự thay đổi đến mức bị hòa tan thành người khác (quê khác). Và đối với tiến sĩ Vĩnh Đào thì khác, dù ông đi xa bao lâu thì ông đã thực sự khiến cho quê hương tự hào, thực sự làm ấm lòng quê hương, bởi “chất Việt” vô hình của ông vẫn giữ lửa trong tâm tư và những đau đáu dù đã xa quê cả nửa đời người.

          Một cuốn sách cần được nhân rộng…

          Các ấn bản tiếng Pháp và tiếng Anh của cuốn sách này đều được in ấn với hình thức đen trắng phổ thông đơn giản, không có minh họa kèm theo. Còn ấn bản tiếng Việt do Book Hunter liên kết NXB Đà Nẵng ấn hành, sách được in màu với chất giấy dày và bìa cứng, khổ 24cm x 24cm, bà Thanh Hương (một người bạn của tác giả và cũng là một độc giả đã dành thời gian từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội chỉ để tham gia cuộc trò chuyện này) tỏ ra lo ngại rằng liệu giá bìa đó có gây khó khăn, cản trở cho việc phát hành sách trong bối cảnh hiện tại hay không? Bà cho rằng, nếu để mua một món quà tặng cho một người thân thiết thì bà sẽ chọn cuốn sách này. Nhưng nếu để lan tỏa văn hóa đọc (và bà rất muốn làm điều đó với cuốn này) thì ấn bản này có vẻ quá giới hạn về nhiều thứ.

          Cùng lúc đó, bà Khúc Thị Hoa Phượng nhắc lại một lần nữa về giá trị và ý nghĩa sâu sắc của cuốn sách này cũng như sự cần thiết phải lan tỏa cuốn sách. Bà Hoa Phượng nhận định, sách viết về lịch sử thì có rất nhiều, nhưng bà chưa gặp một cuốn sách nào viết về lịch sử cội nguồn Việt Nam vừa hấp dẫn, vừa tường minh mà chỉ với dung lượng ngắn gọn như cuốn này. Và là người công tác thâm niên trong ngành xuất bản, bà cũng giải thích đối với một cuốn sách đẹp và chất lượng in ấn tốt như “THƯ NGỎ GỞI CÁC BẠN TRẺ VIỆT NAM… muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình” thì giá bìa đó là phù hợp. Tuy nhiên, bà vẫn mong muốn cuốn sách có độ phổ biến rộng rãi hơn nên đã đưa ra một gợi ý: Cùng với việc cuốn sách đã có những ấn bản bằng tiếng Pháp, Anh và Đức, nên chăng để cuốn sách này được xuất hiện bằng phiên bản tổng hợp tất cả các ngôn ngữ trên, với hình thức in ấn phổ thông hơn, để sách có nhiều cơ hội được phổ biến rộng rãi và các bạn trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn.

          Lưu Linh, một sinh viên tại Hà Nội, đã bày tỏ trong cuộc trò chuyện rằng, bạn vốn vừa thích đọc Lịch sử nhưng lại vừa sợ. Thích bởi vì thi thoảng đọc được những mẩu chuyện đi theo một giai đoạn bất kỳ, bạn thấy lịch sử nước mình thật đáng tự hào. Thế nhưng Linh sợ bởi vì trong quá trình học môn Lịch sử và đọc sách Lịch sử nói chung, bạn bị bối rối trong những chuỗi dữ kiện và cảm thấy bị quá tải. Cho đến khi đọc cuốn sách này, Linh thấy biết ơn tác giả vì đã giúp độc giả như Linh dễ dàng hình dung về dòng thời gian lịch sử nguồn cội từ thời Thượng cổ tới thời hiện đại. Các giai đoạn được đề cập đến với các cột mốc, danh nhân tiêu biểu và quan trọng. Và với Linh, cuốn sách này như một môn học đại cương cần thiết, một bài mở đầu chuyên ngành cho những ai còn bối rối với các nguồn sách sử ngồn ngộn khác. Đặc biệt là phần tranh minh họa, Linh bày tỏ đặc biệt thích thú với hình ảnh trống đồng, đàn chim Lạc bay trên dải đất hình chữ S với tông màu xanh vừa dịu dàng vừa bí ẩn nhưng cũng tượng trưng cho một câu chuyện sử xanh. Từ nội dung, lối viết và cả minh họa kèm theo đã khiến Linh thấy tự hào về nguồn cội của mình hơn và có thêm động lực để đọc thêm các sử liệu khác.

          “THƯ NGỎ GỞI CÁC BẠN TRẺ VIỆT NAM… muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình”, tên cuốn sách cũng như nỗi lòng của tác giả, tâm tư của thế hệ trước dành cho thế hệ sau vậy.

Tác giả Vĩnh Đào ký tặng sách cho độc giả
Thứ tự từ trái sang: Bà Khúc Thị Hoa Phượng, tác giả Vĩnh Đào, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, bà Thanh Hương, ông Nguyễn Lân Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *