0
Ramen: hoài niệm, định kiến và đổi mới
Trích đoạn chương 4, cuốn sách Lịch sử chưa kể về Ramen – George Solt
Vượt ra khỏi những bát nước dùng và sợi mì thơm ngon, George Solt đã kể lại cuộc hành trình biến đổi của mì ramen từ nguồn gốc khiêm tốn ở Trung Quốc cho đến một thương hiệu toàn cầu đại diện cho ẩm thực Nhật Bản trong LỊCH SỬ CHƯA KỂ VỀ RAMEN – Biến động chính trị tại Nhật Bản đã tạo ra một kỳ tích ẩm thực toàn cầu như thế nào. Đây không chỉ là lịch sử của một món ăn được yêu thích, cuốn sách phản ánh quá trình tái thiết sau chiến tranh của Nhật Bản, những điều kỳ diệu về kinh tế và nhịp đập của xã hội Nhật Bản. George Solt đã mang đến một hành trình toàn diện và khai sáng vào thế giới ramen, giúp độc giả đánh giá lại món mì nổi tiếng với một sự tôn trọng mới dành cho lịch sử phong phú của nó.
-
-15%
Lịch sử chưa kể về Ramen – George Solt
190.000₫Original price was: 190.000₫.161.000₫Current price is: 161.000₫.
Bảo tàng Raumen tại Shin-Yokohama, mở cửa vào năm 1994, có thể là bằng chứng thuyết phục nhất thể hiện việc món mì này đã được “phong thánh” là món ăn quốc dân của Nhật Bản. Nửa công viên giải trí, nửa trung tâm mua sắm và nhà hàng, và nửa là bảo tàng, công trình trị giá 3,4 tỷ yên (38 triệu đô la) này đã được đón nhận nhiệt liệt, là một điểm thu hút đặc biệt được biết đến nhiều đối với giới trẻ Nhật cũng như du khách nước ngoài. Sau thành công của bảo tàng, hàng loạt công viên giải trí lấy chủ đề về mì ramen đã được mở tại các thành phố trên khắp nước Nhật. Sân vận động Rāmen ở Fukuoka, Rāmen Yokochō Shichifukujin (“Bảy vị thần may mắn trong hẻm ramen”) ở Hiroshima, Rāmen Kyōwakoku (“Cộng hòa Ramen”) ở Sapporo chỉ là vài trong số những công viên giải trí về mì ramen mọc lên, và mỗi công viên đều áp dụng cùng một công thức nền tảng được thiết lập bởi Bảo tàng Raumen, đó là quy tụ dưới một mái nhà các cửa tiệm ramen nổi tiếng trong vùng trong một bầu không khí đậm chất hoài niệm về quá khứ.
Trong cửa hàng quà tặng của bảo tàng, du khách có thể mua ấn bản đồ họa của cuốn sách The Making of Shinyokohama Raumen Museum[1], mô tả quá trình giới chủ sở hữu và nhân viên của bảo tàng đã thiết kế, lập kế hoạch cặn kẽ trước khi mở cửa bảo tàng cho công chúng vào năm 1994. Cuốn sách chỉ rõ rằng mục tiêu của những người sáng lập là tái tạo một phiên bản quy mô nhỏ của một khu dân cư tại Tokyo vào năm 1958, việc tập trung lại các áp phích phim thời cũ, bốt điện thoại, quầy hàng trên xe lửa và biển hiệu cửa hàng đã chứng thực cho nỗ lực này. Việc tôn vinh ramen như món ăn tinh túy của người dân Nhật Bản đã tạo nên một câu chuyện, khi coi thói quen tiêu thụ ramen như một tập tục có ý nghĩa về mặt văn hóa đã được neo chốt vững chắc trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến.
HÌNH 7. Tờ vé vào cửa Bảo tàng Raumen.
Xu hướng tôn vinh ramen vào những năm 1990 đã diễn ra khi các biểu tượng của thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao được lãng mạn hóa theo phong cách hoài cổ. Khi ramen mất đi phần lớn sứ mệnh ban đầu của mình trên phương diện kinh tế là nuôi dưỡng lực lượng lao động công nghiệp của Nhật Bản, nó đã trở thành một món ăn giải trí gợi lên nỗi nhớ về một kỷ nguyên bình đẳng và thời kỳ cơ cực sau chiến tranh. Các khái niệm và đối tượng củng cố cho một quá khứ bình đẳng, chẳng hạn như “quê hương” (furusato) hay đồ thủ công (tezukuri), rõ ràng đã bị cắt xén trong thời kỳ này, làm nổi bật sự suy giảm trên thực tế về tầm quan trọng của những khái niệm trên trong cuộc sống hàng ngày[2]. Thói quen tiêu thụ ramen tại các cửa tiệm nhỏ và độc lập, thường là qua quầy yatai, do đó đã bước vào một giai đoạn mới như một món ăn tượng trưng cho nỗi da diết mang tính dân tộc, và tạo thành một xu hướng tiêu dùng của thời kỳ đã qua hứa hẹn sẽ xoa dịu nỗi lo lắng về những biến chuyển nhanh chóng trong xã hội[3].
HÌNH 8. Cửa hàng quà tặng tại Bảo tàng Raumen.
Bảo tàng được xây dựng dựa trên tiếng tăm của mì ramen và sự bùng nổ bất động sản vào những năm 1980. Iwaoka Yōji, sáng lập viên và là người dân bản địa tại Shin-Yokohama, đã sử dụng số tiền mà cha ông kiếm được trong thời kỳ bùng nổ bất động sản của thập kỷ trước để xây dựng bảo tàng, và sau khi đạt được những thành công ngoài mong đợi, Iwaoka tuyên bố rằng ông dự định mở một địa điểm tương tự tiếp theo ở Las Vegas. Iwaoka nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là “giới thiệu về văn hóa ẩm thực và cuộc sống thường nhật của Nhật thời hậu chiến, đồng thời giúp mọi người hiểu hơn về đất nước Nhật Bản”. Ông nói thêm, “Món ramen ngon miệng cũng sẽ được ưa chuộng tại đó[4]”. Mặc dù chi nhánh Las Vegas của Bảo tàng Raumen vẫn chưa được mở cửa, nhưng tiếng tăm lẫy lừng của ramen tại New York và Los Angeles vào những năm 2000 đã cho thấy rõ ràng rằng những dự đoán của ông về tiềm năng của mì ramen tại thị trường Hoa Kỳ là chính xác.
Động lực cơ bản nhất đằng sau quyết định thành lập bảo tàng là tình trạng gia tăng dân số vào những năm 1980 tại quận Shin-Yokohama ở Kanagawa, một vùng ngoại ô xa xôi của Tokyo. Một nghiên cứu từ năm 1990 cho thấy hơn 25.000 công nhân đang ăn uống nghỉ trưa hàng ngày ở Shin-Yokohama, yếu tố đã khiến người sáng lập bảo tàng có đủ tự tin để mạo hiểm mở một cơ sở ăn uống lớn có bãi đậu xe. Ngay từ đầu, tham vọng của Iwaoka là “tác động đủ để biến nó thành một điểm nhấn tại khu vực mới phát triển này[5]”.
Trong quá trình đắn đo để tìm ra một chủ đề tiềm năng cho cơ sở này, Iwaoka và những người lập kế hoạch khác đã quyết định rằng họ “không muốn chạy theo xu hướng vào thời điểm đó để chỉ đơn giản là mở ra thêm một nhà hàng Ý hoặc Pháp. Mục tiêu lúc này là vượt xa khỏi các xu hướng hiện tại và làm một điều gì đó thực sự đích thực [ōsenchikku[6]]”. Họ càng nghiền ngẫm thì họ càng nhận ra rằng ramen sẽ là chủ đề phù hợp để xây dựng một cơ sở mới. Theo Iwaoka:
“Thử nghĩ xem, ramen thực sự là một món ăn của người dân bình thường [shomin]. Nhiều trường phái ramen khác nhau có thể được khám phá trên khắp đất nước. Hơn nữa, cả già lẫn trẻ, hay đàn ông lẫn phụ nữ đều ngốn ngấu ramen, và có lẽ không một thị trấn nào ở Nhật Bản mà lại không có cửa tiệm ramen. Ramen là siêu sao của ngành công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra đó không phải là thứ danh tiếng đình đám chỉ trong thời gian ngắn, mà là thứ được người dân duy trì và có thể tồn tại lâu dài được nhờ vào chất lượng thực thụ. Đây là lý do giải thích vì sao chúng tôi quyết định lấy ramen làm chủ đề chính cho dự án[7].”
Sau khi dành sự tập trung vào ramen, những người lập kế hoạch bắt đầu lên ý tưởng về cách dựa trên món mì này để tạo ra một điểm đến có điểm nhấn, thay vì chỉ đơn giản là mở một khu ẩm thực. Iwaoka và nhóm của ông đã quyết định rằng cách tốt nhất để tiếp cận “số đông” (masu) là vay mượn các kỹ nghệ từ tập đoàn Walt Disney, và xây dựng một công viên chủ đề “nơi người người từ khắp nơi trên thế giới, già trẻ lớn bé, đều có thể hoàn toàn say mê hệt như cách họ hòa mình vào thế giới kỳ ảo của Disney[8]”. Các nhà hoạch định mô tả tham vọng của họ như sau:
“Khách tham quan có thể chìm đắm vào một nỗi hoài niệm êm đềm, còn những du khách là người lớn thì có thể cảm thấy như được quay về với tuổi thơ. Tại nơi này, mỗi người đều có cơ hội trở thành một đứa trẻ trong trẻo với bản tính tò mò mạnh mẽ. Ai cũng có thể trở về tuổi thơ và nhớ lại những tháng ngày chơi trốn tìm trên những bãi đất trống lúc hoàng hôn, hay mải mê với những trò chơi như chơi bài, con quay hay bắn bi. Cảm xúc kỳ diệu này cũng vô cùng thu hút các bạn nhỏ”.
Ngoài việc có được một không gian hoài niệm, khách tham quan còn có được cảm giác thăng hoa về tinh thần. Đó là vì công viên được thiết kế để thỏa mãn mong muốn luôn bị chôn giấu trong lòng mỗi du khách, đó là được trở thành một ngôi sao. “Thị trấn Shōwa 33” [năm 1958] được phục dựng thực sự là nơi mà mọi người đều có thể trở thành ngôi sao hệt như lời của Andy Warhol[9], ‘Ai cũng đều có 15 phút để được nổi tiếng[10][11]’.
Câu nói trên hàm chứa nhiều điều. Cách những nhà sáng lập tạo sự hấp dẫn thông qua một tập hợp trừu tượng các ký ức về tuổi thơ đã khiến bảo tàng trở thành nơi mang đến cảm xúc ngập tràn nỗi luyến tiếc, cũng như một không gian thương mại cho những người bán rong mì ramen. Hơn nữa, mặc dù nỗ lực truyền tải cảm xúc của khách tham quan về trạng thái thụ động là một ý tưởng phù hợp với mô hình kinh doanh của Disney, nhưng trong bối cảnh của bảo tàng, yếu tố “ma thuật” ở đây chỉ xuất hiện thông qua việc tái tạo một cách kỹ lưỡng thời gian và địa điểm từ những hồi tưởng của du khách về kinh nghiệm sống của họ. Khả năng của bảo tàng trong việc khai thác hình ảnh mô phỏng một khu dân cư của Tokyo từ 35 năm trước để làm cơ sở cho thứ “ma thuật” này (như cách Disney đã thực hiện với hình ảnh về một châu Âu thời tiền hiện đại) cho thấy mức độ mà cảnh quan của trung tâm thành phố Tokyo đã thay đổi như thế nào chỉ trong một thời gian ngắn. Nó cũng cho thấy sự cần thiết phải tạo ra một câu chuyện gắn kết và những hình ảnh liên tưởng phù hợp với nơi chốn giờ đã bị lãng quên này trong cơ cấu lịch sử chặt chẽ của toàn bộ quốc gia.
Quyết định quan trọng tiếp theo đối với nhóm sáng tạo là tìm cách để đưa công viên giải trí đến gần hơn với cuộc sống. Các nhà lập kế hoạch đã lựa chọn phục dựng hình ảnh khu trung tâm thành phố Tokyo vào thời điểm năm 1958, bởi vì đó là khi “người dân Nhật Bản có tinh thần phấn chấn nhất [genki[12]]”. Việc tái tạo môi trường làm việc của giới lao động trong ngành công nghiệp xuyên suốt thời kỳ tăng trưởng cao giờ được xem là một cách để thể hiện sự trân trọng mang tầm quốc gia đối với những đóng góp của thường dân vào kỳ tích kinh tế của Nhật Bản.
Ý định phục dựng khu trung tâm của thành phố Tokyo vào năm 1958 đòi hỏi các nhà lập kế hoạch cần tiến hành những nghiên cứu sâu rộng về lịch sử. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng thập kỷ thứ ba của triều đại Shōwa (1955 − 1965) “vẫn chưa được phân loại chính xác như một trang trong lịch sử, điều này gây khó khăn cho việc sắp xếp hoặc thu thập các tài liệu nhằm xác định chính xác niên đại. Do đó, thành phố Tokyo vào năm 1958 vẫn là một phần của ‘lịch sử đã bị phai mờ’[13]”. Kết quả là các nhà lập kế hoạch buộc phải dựa vào các bức ảnh, tạp chí, sách báo và phim ảnh, đồng thời phải nghiên cứu thêm về những khu vực lân cận nào ở Tokyo ít chứng kiến sự thay đổi hơn những khu vực còn lại của thành phố, chẳng hạn như Nezu, Nippori hay Tsukishima. Sau khi thiết kế hệ thống cảnh quan bên trong bảo tàng, bày biện những di vật và xây dựng kết cấu cho công viên giải trí, bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu là làm “già hóa đi” nhiều đạo cụ bằng cách làm hư hại hoặc bôi bẩn chúng, như cách thường được thực hiện trên phim trường. Những phương pháp này mang đến cho du khách “một thời quá khứ được mong đợi” (kitai dōri no kako[14]).
Tiếp theo, Iwaoka và nhóm các nhà thiết kế của ông đã tái tạo một khu dân cư hư cấu ở Tokyo vào năm 1958, bổ sung thêm các cửa hàng, nhà ở và đồ vật để gợi lại quá khứ của thành phố. Để làm được điều này, họ đã nghiên cứu các bản ghi điều tra dân số từ thời kỳ đó và tạo ra một sổ đăng ký hư cấu về cư dân của thị trấn với tên, tuổi, mối quan hệ gia đình, nghề nghiệp và sở thích của toàn bộ cư dân. Công đoạn này đã dẫn đến sự ra đời của cuốn sách The Sun Sets on the Town of Rāmen[15], một cuốn sách hư cấu ghi lại cuộc sống ở Tokyo vào năm 1958 theo hình dung của các nhà lập kế hoạch[16].
Cảnh mặt trời lặn trong tiêu đề của cuốn sách mô tả đến cảnh hoàng hôn nhân tạo mà hệ thống máy phát hình ảnh có thể chiếu 40 phút một lần lên trần của bảo tàng. Tương tự như những thiết bị được sử dụng trong các trung tâm mua sắm trong nhà ở Las Vegas, thiết bị này rất quan trọng để tạo ra hiệu ứng bao trùm toàn bộ công viên giải trí. Ngoài cảnh hoàng hôn, các máy tính trong bảo tàng tạo ra bầu không khí bằng cách kín đáo phát ra nhiều âm thanh đường phố khác nhau, gồm cả tiếng mèo kêu, quạ réo, tàu chạy và các thông báo phim đang phát[17]. Trong cuốn sách Variations on a Theme Park: The New American City and the End of Public Space[18], Michael Sorkin[19] từng viết, “Đây là cách các công viên giải trí tạo ra ý nghĩa, từ việc khắc họa lịch sử, hệ thống giám sát và quản lý đến quá trình mô phỏng, mọi thứ đều không có giới hạn. Các công viên giải trí đều đặn lột tả những viễn tưởng toàn màu hồng – bằng mọi hình thức chiêu trò đầy chất nghệ thuật đó – như một sự thay thế cho đặc tính dân chủ, và nó làm điều đó một cách vô cùng hấp dẫn bằng cách lột bỏ đi những nhức nhối của đô thị, sự hiện diện của cái nghèo, của tội phạm, của sự dơ dáy, và của gánh nặng công việc[20]”.
Khi đã lên ý tưởng được về các khía cạnh của công viên giải trí, những nhà lập kế hoạch tiến đến tạo lập bảo tàng và chia nó thành sáu mảng, hay khu vực: lịch sử, bối cảnh, công cụ, khoa học, văn hóa và thông tin. Khu vực lịch sử tập trung vào những thay đổi trong thói quen ăn mì trên toàn thế giới, nguồn gốc của ramen ở Nhật Bản, lịch sử của yatai, charumera và ramen ăn liền, trong khi khu vực bối cảnh xem xét sự đa dạng của các loại mì, nước dùng, dụng cụ và phương pháp nấu ăn tại những vùng miền khác nhau. Khu vực dụng cụ làm nổi bật sự đa dạng của những loại bát và thìa dùng để phục vụ mì ramen, cũng như những công cụ dùng để chế biến mì và chế nước dùng. Khu vực khoa học đề cập đến vai trò của nước kiềm trong quá trình chuẩn bị món ăn, chất lượng dinh dưỡng của mì ramen, quy trình sản xuất sợi mì và tri kiến khoa học đằng sau việc phát minh ra sản phẩm ramen ăn liền. Trong khu vực văn hóa, nguồn gốc của thuật ngữ ramen được giải thích cùng với một danh sách các tiểu thuyết hình ảnh, phim ảnh, truyện tranh đề cập đến ramen và những người nổi tiếng yêu thích món ăn này. Khu vực thông tin cung cấp cho khách tham quan tên của các cửa tiệm ramen nổi tiếng và không chính thống, cũng như các cách thức nấu mì ramen ăn liền[21].
Khu vực lịch sử của bảo tàng cung cấp một khuôn khổ để lồng ghép ramen vào trang lịch sử của dân tộc thông qua ba thành phần chính: tiến trình nội địa hóa yếu tố nước ngoài, hoạt động xuất khẩu mì ăn liền, và thể hiện sự đánh giá cao những biến thể theo vùng miền của món ăn. Do đó, bảo tàng đã được xây dựng dựa trên tác phẩm chuyên khảo được viết năm 1987 của Kosuge Keiko nhằm lột tả rõ ràng một trang lịch sử chủ đạo và vô cùng có ý nghĩa ở tầm quốc gia của món mì này. Lời kể của Kosuge nhấn mạnh bao quát vào sự khéo léo của người Nhật trong việc điều chỉnh các thành tố nước ngoài sao cho phù hợp với khẩu vị trong nước, việc bảo tàng gợi lại những sự kiện lẫn ý nghĩa trên đã gắn chặt ramen một cách sâu sắc vào quá khứ thời hậu chiến, và cả hiện tại đang diễn ra, của quốc gia này.
Sự thành công của ngành công nghiệp mì ăn liền Nhật Bản trên toàn thế giới, và lịch sử phức tạp của các dòng sản phẩm đã thống trị thị trường trong thời kỳ hậu chiến, là một chủ đề khác trong khu vực lịch sử của bảo tàng. Việc bảo tàng coi ngày trình làng các dòng sản phẩm mì ăn liền khác nhau là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, xứng đáng để được ghi chép lại theo trình tự thời gian, thể hiện việc nhìn nhận chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng như một giai đoạn quá khứ của đất nước.
Cuộc triển lãm về lịch sử của mì ramen kết thúc bằng việc xem xét sự nở rộ của món mì này tại nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, và ghi chép lại lịch sử ở cấp độ địa phương của từng trường phái mì. Lịch sử cục bộ được biên soạn gần đây về mì ramen tiết lộ rằng mỗi thành phố lớn ở Nhật đều có phương pháp chế biến riêng, cùng những truyền thuyết đầy màu sắc liên quan đến những đầu bếp tiên phong. Màn hình tại triển lãm nêu bật sự phát triển của ramen trong giai đoạn trước chiến tranh tại các thành phố như Sapporo, Kitakata, Sano và quận Asakusa của Tokyo, bên cạnh những khu vực được công nhận gần đây hơn như Asahikawa và Wakayama. Là một ví dụ thể hiện sự đồng nhất thông qua tính đa dạng, cuộc triển lãm đã xây đắp mức độ phổ biến và khả năng tiếp cận cơ bản của món ăn trên phạm vi toàn quốc trong kỷ nguyên hiện đại, do đó, ramen đã trở thành một biểu tượng của toàn bộ quốc gia. Nét nổi bật trong những biến thể theo vùng miền của ramen minh họa cho mức độ mà các lựa chọn về thực phẩm và tập quán ăn uống đã được tiêu chuẩn hóa ra sao trong ba thập kỷ rưỡi trước đó.
HÌNH 9. Bức tượng kích cỡ lớn nhân vật người bán mì ramen – Charumera Ojisan – được trưng bày tại Bảo tàng Raumen.
Trong khu vực đặc tả lịch sử mì ramen, một trong những vật phẩm hấp dẫn nhất là bức tượng nhân vật hoạt hình Charumera Ojisan của thương hiệu Myōjō, nhân vật được sử dụng trong các quảng cáo ramen ăn liền từ năm 1966. Việc xây dựng nhân vật này, được khắc họa từ nguyên mẫu người đẩy xe đẩy hàng rong trong thời kỳ tiền chiến và giai đoạn đầu sau chiến tranh, là chỉ báo cho cả sự sụt giảm trên thực tế của những người làm công việc đẩy xe yatai rong ruổi tại các thành phố của Nhật Bản, lẫn sự gia tăng của phong cách quảng cáo lấy chủ đề về nước Nhật để quảng bá cho thực phẩm ăn liền. Bức tượng có kích thước lớn hơn người thật này, được mô phỏng theo mẫu hình của những người bán hàng rong đang biến mất dần ở Tokyo, nhấn mạnh vào bản chất nhân tạo của các vật phẩm được trưng bày trong bảo tàng.
Ngay cả trước khi mở cửa cho công chúng thì Bảo tàng Raumen đã khuấy động một làn sóng quan tâm đáng kể, và tính mới lạ của kế hoạch kết hợp khu ẩm thực, công viên giải trí với bảo tàng đã thu hút sự chú ý của tất cả các tờ báo, tạp chí và đài truyền hình lớn của Nhật Bản. Và không chỉ sự kiện khai trương bảo tàng vào mùa xuân năm 1994 đã diễn ra trong thời gian tạm lắng đưa tin về các tin tức khác, mà cách các phương tiện truyền thông đại chúng trong những năm 1980, đầu những năm 1990 chú ý đến những trường phái mì theo vùng miền, và xu hướng tôn mì ramen thành một món ăn thời thượng trong giới trẻ, đã giúp sự kiện khánh thành bảo tàng trở thành một câu chuyện nổi bật trên mặt báo.
Các nhà lập kế hoạch ngay từ đầu đã quyết định không phân bổ phần lớn nguồn lực của họ cho quảng cáo, vì họ nhận thấy dự án của họ có thể sẽ tạo ra sức hút hoàn toàn miễn phí. Mặc dù công ty đã chi 12 triệu yên (120.000 đô la) cho các hoạt động quảng bá, nhưng nó đã có thể tạo ra khoảng 1,5 tỷ yên (15.000.000 đô la) giá trị quảng cáo miễn phí. Cụ thể, sự kiện khai trương bảo tàng đã tạo ra giá trị quảng cáo trên báo chí ở mức 160 triệu yên, quảng cáo trên tạp chí trị giá 140 triệu yên, đài phát thanh và truyền hình trị giá 1,2 tỷ yên. Hơn nữa, hơn 80% quảng cáo miễn phí trên các phương tiện truyền thông đã diễn ra vào mùa xuân năm 1994, trong ba tháng đầu tiên sau khi bảo tàng đi vào hoạt động[22].
Truyền thông đã dành sự ưu ái khi đưa tin về sự kiện ra mắt bảo tàng, đồng thời phô bày cho các khách tham quan tiềm năng thấy được sự mới lạ và thú vị của công viên mới mở lấy chủ đề về ẩm thực này. Một ví dụ về những tạp chí đã đưa tin về sự kiện này là bài báo “Dòng chảy thời gian về những năm 30 của Shōwa? Mì ramen của ‘Thành phố của nỗi buồn hoài niệm’ có một hương vị hoàn toàn khác”, được đăng trên tạp chí Friday ấn bản ngày 11 tháng 3 năm 1994:
“Cảnh tượng ở đây như thể được quay ngược thời gian về với quá khứ, rất có thể sẽ khiến người khách già chất chứa xúc cảm khi nhớ lại những ngày tháng thơ ấu của mình. Dãy quán gợi sự hoài cổ được hồi sinh ở thì hiện tại không phải là một phim trường. Đó là Bảo tàng Raumen tại Shin-Yokohama sẽ khai trương vào ngày 6 tháng 3. Iwaoka Yōji – chủ tịch của bảo tàng, người tự nhận mình là kẻ mộ đạo mì ramen – bộc bạch: ‘Tôi thấy thật kỳ lạ khi một siêu cường quốc về ramen như Nhật Bản lại không có một nơi chốn nào để tôn lên điều này’…
Trong không gian bảo tàng thì thời gian trong ngày luôn là chiều muộn, khi mặt trời chuẩn bị xuống núi còn dạ dày thì sôi ùng ục. Bạn nghe được tiếng con trẻ chơi đùa và tiếng còi hụ của người thương nhân bán đậu phụ rong, và rồi bạn ngửi thấy thoang thoảng hương thơm ramen ngây ngất bay ra từ một cửa tiệm. Không thể nào khác được, bạn thấy mình rảo bước tiến vào tiệm. Tất cả những tiếng ồn ào náo nhiệt từ đường phố đều được tạo ra bởi máy tính, và mang đến thêm thứ âm thanh du dương khi bạn được xì xụp một bát mì ramen.
Nhóm khách nam trung tuổi có thể tận hưởng cảm giác hoài cổ, trong khi những cặp uyên ương chưa trải nghiệm giai đoạn đó có thể coi nơi này như một công viên giải trí. Tuy nhiên, giá cả không còn như những ngày đó đâu, vậy nên xin hãy luôn ghi nhớ[23]!”
Ví dụ trên cho thấy, hầu hết các bài viết đề cập đến sự kiện mở cửa bảo tàng đều có xu hướng ca ngợi. Tuy nhiên, đối với những cá nhân tự xưng là tín đồ của mì ramen, việc lấy cảm hứng từ Disney thường mang đến một cảm giác pha loãng về mặt thương mại hóa, mô phỏng môi trường văn hóa dân tộc chủ nghĩa xoay quanh quá trình chế biến món ăn một cách độc lập nhưng được thần thánh hóa. Dẫn chứng cho điều này là một người sành về ramen – ông Satomi Shinzō, đồng giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Ramen – người đã nêu quan điểm trên trong số ra tháng 7 năm 1994 của tạp chí Bungei Shunjū. Giải thích về quan điểm của ông khi nghiên cứu về Bảo tàng Raumen, ông nói: “Tôi là một tín đồ kiên định của mì ramen. Trong thập kỷ qua, tôi đã ghé thăm hơn 2.000 cửa tiệm. Nhưng tôi làm điều này không phải để trở thành một nhà phê bình ẩm thực sành sỏi nào đó trao tín nhiệm cho cửa tiệm này hay cửa tiệm khác dựa trên chất lượng của món ăn. Thay vào đó, tôi đã thực hiện nhiệm vụ này như một cách thức đầy hình tượng để nghiêm túc quan sát ‘ý thức của người Nhật về cái đẹp’[24]”. Sau đó, ông so sánh đám đông đàn ông và phụ nữ, cả già lẫn trẻ, đang xếp hàng chờ đợi vào tham quan bảo tàng “hệt như cảnh tượng trong trại tập trung Auschwitz như được mô tả trong phim ‘Night and Fog’[25][26]”. Sau một giờ 18 phút chờ đợi, Satomi cuối cùng cũng vào được bảo tàng, nơi ông phải đợi thêm một tiếng nữa trước khi thực sự được phục vụ đồ ăn tại một trong tám cửa tiệm. Ông để ý đến sự bất nhất giữa những chiếc máy bán vé vào bảo tàng cực kỳ hiện đại, với nỗ lực tạo ra một “vòng quay ngược thời gian” trở về với một Tokyo của năm 1958. Sau đó, ông bỉ bôi việc phải chờ đợi lâu để vào được nhà vệ sinh, những món quà lưu niệm vô dụng được bày bán tại cửa hàng quà tặng, không khí bên trong thật ẩm thấp mặc cho quy định cấm hút thuốc, các phiên bản mì ramen ăn liền được sản xuất sẵn bởi những cửa tiệm nổi bật của bảo tàng, và được đóng gói để mang về nấu tại nhà. Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối với ông là số lượng người rồng rắn hơn hai tiếng đồng hồ để được nếm thử một bát mì tại cửa hàng nhánh của một cửa tiệm nổi tiếng, dù rằng cửa tiệm gốc chỉ cách đó vài ga tàu. Ông nhận xét: “Trong hơn hai tiếng đồng hồ, không ai trong chúng tôi uống một hớp nước nào, nhưng mọi người dường như thực sự thích thú với việc xếp hàng chờ đợi. Thật là một bộ tộc kỳ lạ. Cấu trúc tâm lý của họ là như nào? Liệu ramen có thực sự đáng để chịu bị hành xác như vậy không[27]?”
Satomi cũng cảm thấy bức xúc với xu hướng cho thêm mỡ lợn vào mì ramen trong thập kỷ qua. Ông nhấn mạnh vào những thay đổi về thành phần của món mì này kể từ khi bắt đầu giai đoạn bùng nổ các trường phái ramen theo vùng miền vào giữa những năm 1980, và sự chuyển mình của nó thành một món ăn thời thượng của giới trẻ. Ông đặc biệt quan tâm đến việc các cửa hàng ưa thích chế nước dùng làm từ xương lợn, và do đó có hàm lượng mỡ lợn cao, thay vì kiểu ramen Ogikubo truyền thống ở Tokyo, sử dụng cùng nước dùng trong hơn. Ông nhận thấy rằng “những thực khách thích nước dùng [nhiều mỡ] có nhiều năng lượng, có khuynh hướng thuộc nhóm người quả quyết và áp đặt [shitsukoi], khiến họ có khả năng chịu trận với những hàng dài xếp hàng và dư vị béo ngậy[28]”. Satomi lưu ý rằng mức độ phổ biến của các cửa tiệm bán loại ramen có hàm lượng mỡ lợn cao đã dẫn đến tình trạng các cửa tiệm đều gắng cho thật nhiều dầu mỡ vào nước dùng. Những cửa tiệm nhập môn này đang lừa dối thực khách, là những người không biết gì hơn khi nghĩ rằng nước dùng thì phải nhiều dầu mỡ thì mới ngon, và kết quả là chủ cửa tiệm cũng đã báo giá thành công cho chi phí cao ngất ngưởng của các phần ăn. Ông cũng quy kết các cửa tiệm mới mở vì đã cho quá nhiều bột ngọt; ông cho rằng chỉ có thể chấp nhận làm điều này với liều lượng nhỏ, sử dụng như một loại “nguyên liệu ẩn[29]”. Theo đó, Satomi phàn nàn về sự thiếu tinh tế và độc lập trong khẩu vị của những tín đồ ramen, là những người mà việc ưa chuộng nước dùng nhiều dầu mỡ, mặn và được nêm quá vị đã làm mất giá trị của món ăn, làm lu mờ những điểm nhấn khác của nó.
Tuy nhiên, sau cuối thì bài báo của Satomi đã chỉ báo cho sự xuất hiện của một hình tượng mới trong mắt công chúng – một người theo chủ nghĩa thuần túy ramen nhưng bức bối với sự thương mại hóa món mì Trung Quốc này. Satomi kết thúc bài viết của mình với lời cảnh tỉnh rằng việc một đối tượng nhận được quá nhiều chú ý sẽ làm tổn hại sự ngưỡng mộ dành cho đối tượng đó, và ông kêu gọi toàn thế giới tiết chế lại trong những lời đánh giá bay bướm dành cho ramen. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, Satomi dành sự quy kết nhiều hơn đến những người tiêu dùng cả tin chạy theo các xu hướng truyền thông, hơn là đến chính những người sáng lập ra bảo tàng ramen, vì đã tầm thường hóa thứ mà ông coi là một tập quán dân gian. Bất chấp sự khinh thị rõ ràng của ông nhắm đến những người tiêu dùng trẻ sành điệu, là những người coi ramen như một biểu tượng của thời trang, Satomi tuyên bố rằng đối với ông, giá trị của món ăn bắt nguồn từ chính vị thế của nó như một món ăn dành cho người tản bộ, hay còn gọi là “ẩm thực hạng B”, trái ngược với cách phân loại hiếm gặp hơn của loại mì soba[30]. Ông lập luận:
“Đặc sản quốc gia của đất nước này – mì soba – là một loại thực phẩm ‘hạng A’ với cách thức tiêu thụ tinh tế của riêng nó. Hơn thế nữa, các chuyên gia sẽ không coi bạn là người trưởng thành nếu bạn không biết về sự khác biệt giữa các loại bột mì soba khác nhau theo từng vùng miền, được chia thành các cấp độ tương thích với những loại sợi mì có độ dày khác nhau. Ngược lại, ramen không có những quy tắc tẻ nhạt như vậy. Ăn một bát mì ramen là một niềm vui nho nhỏ và giản đơn, đó cũng là lý do tại sao ramen đã trở thành món ăn quốc dân[31].”
Điều trớ trêu trong trường hợp của Satomi Shinzō đó là sự nghiệp của chính ông, với tư cách là một “nhà dân tộc học mang tính biểu tượng” về mì ramen, lại được khẳng định dựa vào tiến trình “thay hình đổi dạng” của món ăn này thành một đối tượng nghiên cứu, ngay cả khi ông ca cẩm về tiến trình đó. Trong tuyên bố của Satomi, người ta có thể thấy sự thay đổi về nhân khẩu học liên quan đến thói quen tiêu thụ món ăn, những chuyển biến trong thành phần nguyên liệu, và những biến đổi xã hội được gán với quá trình chuyển đổi nền kinh tế Nhật Bản từ một nền kinh tế tập trung vào khu vực thứ cấp sang tập trung vào khu vực tam cấp. Vị thế biểu tượng ngày càng tăng của mì ramen trong thời đại này một lần nữa có thể bắt nguồn từ những biến chuyển vĩ mô trong lĩnh vực kinh tế đang diễn ra ở Nhật Bản và những quốc gia khác trong thế giới công nghiệp hóa, nơi mà sự khởi đầu của toàn cầu hóa đã thay đổi bối cảnh văn hóa của lực lượng lao động thủ công trước những năm 1960, thành một đối tượng xứng đáng được tôn vinh trên toàn quốc.
Chú thích:
[1] Tạm dịch: “Quá trình xây dựng Bảo tàng Shinyokohama Raumen”. (ND)
[2] Jennifer Robertson, “Furusato Japan: The Culture and Politics of Nostalgia”, International Journal of Politics, Culture, and Society 1, số 4 (mùa hè năm 1988): tr.494-518.
[3] Marilyn Ivy, Discourses of the Vanishing: Modernity, Phantasm, Japan (Chicago: NXB Đại học Chicago, 1995).
[4] “Rāmen no te’ema pāku de machi okoshi o mezasu”, Keizaikai, ngày 8 tháng 12 năm 1998, tr.80-81.
[5] Đồ họa và Thiết kế, The Making of Shinyokohama Raumen Museum (Tokyo: Mikuni, 1995), tr.9.
[6] Như trên.
[7] Như trên.
[8] Như trên, tr.10.
[9] Nghệ sĩ thị giác, đạo diễn phim và nhà sản xuất người Mỹ, là nhân vật hàng đầu trong phong trào nghệ thuật đại chúng (pop art). (ND)
[10] Đồ họa và Thiết kế, The Making of Shinyokohama Raumen Museum (Tokyo: Mikuni, 1995), tr.17.
[11] Nguyên văn: “Everyone has their 15 minutes of fame”. (ND)
[12] “Shōwa 30 nendai ni taimu surippu!? ‘Aishū no machi’ no ramen wa hitoaji chigauzo”, Friday, ngày 11 tháng 3 năm 1994, tr.42-43.
[13] Như trên, tr.20.
[14] Như trên, tr.23.
[15] Tạm dịch: “Mặt trời lặn tại thị trấn Rāmen”. (ND)
[16] “Shōwa 30 nendai ni taimu surippu!? ‘Aishū no machi’ no ramen wa hitoaji chigauzo”, Friday, ngày 11 tháng 3 năm 1994, tr.19.
[17] Như trên, tr.34.
[18] Tạm dịch: “Các biến thể của Công viên giải trí: Thành phố mới của Mỹ, và sự cáo chung của không gian công cộng”. (ND)
[19] Nhà phê bình kiến trúc và đô thị, nhà thiết kế và nhà giáo dục người Mỹ. (ND)
[20] Michael Sorkin, Variations on a Theme Park: The New American City and the End of Public Space (New York: Hill and Wang, 1992), xv.
[21] Như trên, tr.49.
[22] Như trên, tr.61-64.
[23] “Shōwa 30 nendai ni taimu surippu!?”, Friday, ngày 11 tháng 3 năm 1994, tr.42-43.
[24] Satomi Shinzō, “Yokohama ‘Rāmen hakubutsukan’ gyōretsu no kai”, Bungei Shunjū, tháng 7 năm 1949, tr.308.
[25] Như trên, tr.309.
[26] Tạm dịch: “Đêm tối và màn sương”. (ND)
[27] Như trên.
[28] Như trên, tr.311.
[29] Như trên, tr.312-13.
[30] Tham khảo Satomi Fukutomi, “Connoisseurship of B-Grade Culture: Consuming Japanese National Food Ramen”, Đại học Hawaii, 2010.
[31] Như trên, tr.310