Ramen & Chiến lược du lịch ẩm thực của Nhật Bản

Trích đoạn chương 4, cuốn sách Lịch sử chưa kể về Ramen – George Solt

Vượt ra khỏi những bát nước dùng và sợi mì thơm ngon, George Solt đã kể lại cuộc hành trình biến đổi của mì ramen từ nguồn gốc khiêm tốn ở Trung Quốc cho đến một thương hiệu toàn cầu đại diện cho ẩm thực Nhật Bản trong LỊCH SỬ CHƯA KỂ VỀ RAMEN – Biến động chính trị tại Nhật Bản đã tạo ra một kỳ tích ẩm thực toàn cầu như thế nào. Đây không chỉ là lịch sử của một món ăn được yêu thích, cuốn sách phản ánh quá trình tái thiết sau chiến tranh của Nhật Bản, những điều kỳ diệu về kinh tế và nhịp đập của xã hội Nhật Bản. George Solt đã mang đến một hành trình toàn diện và khai sáng vào thế giới ramen, giúp độc giả đánh giá lại món mì nổi tiếng với một sự tôn trọng mới dành cho lịch sử phong phú của nó.

Tanaka Kakuei, Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1972 đến năm 1974, đã khởi sự một chiến lược đầu tư kinh tế vào cơ sở hạ tầng trong nước, đặc biệt là khu vực nông thôn, đặt nền móng cho sự bùng nổ của ngành du lịch ramen trong những năm 1980. Việc Tanaka chú trọng ưu tiên khởi công nhiều tuyến đường mới đã dẫn đến làn sóng chuyển hướng các quỹ công và bán công (chẳng hạn như các khoản tiết kiệm hộ gia đình do ngân hàng bưu điện quốc gia quản lý) từ đô thị ra vùng quê, từ đó giúp tăng danh tiếng của ông trong mắt các cử tri ở vùng nông thôn cũng như những nhóm lợi ích trong ngành xây dựng mà ông đại diện. Các dự án lớn thúc đẩy du lịch nội địa đến các thành phố nhỏ hơn của Nhật Bản được thúc đẩy bởi những thay đổi hướng tới việc kích thích nhu cầu kinh tế trong nước, rời xa khỏi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và sản xuất hàng loạt của những năm 1960. Theo cách này, những nỗ lực đẩy mạnh du lịch đến các thành phố nhỏ hơn ở Nhật có một mục đích kép, đó là phân phối lại các nguồn lực bên trong Nhật Bản và giảm phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu[1].

Một trong những giải pháp mà Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Tanaka đẩy mạnh hòng kích cầu du lịch nội địa là “phong trào phục hưng các thị trấn” (machiokoshi undō). Các “chiến dịch phục hưng” này nhằm mục đích phô diễn sự độc đáo của những đặc điểm văn hóa địa phương tại Nhật, cung cấp vốn cho khu vực nông thôn, và giảm sự lệ thuộc của Nhật Bản vào tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu đó, các nhóm doanh nghiệp địa phương đã thiết kế các trung tâm triển lãm văn hóa, hội chợ và khu thương mại cầu kỳ trên khắp những vùng ngoại ô và nông thôn ở Nhật. Trong nhiều trường hợp, nét đặc thù của mì ramen tại một địa phương đã trở thành tâm điểm cho ngành du lịch [ở địa phương đó], nhờ vào những nỗ lực quảng bá bền bỉ của các hội nhóm kinh doanh trong vùng và các kênh truyền thông quốc gia. Còn trên phương diện báo chí, các đầu báo đã khuấy động một cơn cuồng mộ sục sôi dành cho một số nhà hàng ramen nổi tiếng nhất.

Sự trỗi dậy của báo chí viết về ẩm thực, đặc biệt về trào lưu thưởng thức mì ramen, biểu trưng cho xu hướng thay đổi lớn hơn trong nền kinh tế chính trị và tổ chức xã hội ở Nhật Bản. Cho dù được đo bằng số lượng nhiều hơn các tạp chí và chương trình truyền hình hướng dẫn người tiêu dùng đến với những cửa tiệm làm ramen nổi tiếng nhất, hay bằng sự gia tăng các bộ phim truyền hình, tiểu thuyết hình ảnh và phim ảnh lấy bối cảnh là các cửa tiệm ramen, thì sự huyên náo xoay quanh món mì này ngày càng trở nên rõ rệt đối với bất kỳ ai sống ở Nhật Bản trong giai đoạn giữa những năm 1980.

Sự bùng nổ của báo chí liên quan đến ramen từ giữa thập niên 80 trở đi là rất đáng chú ý. Dựa trên việc phân tích tất cả các bài báo xuất bản trên tạp chí Nhật từ năm 1974 đến năm 2000, nhà sử học kinh tế Kawata Tsuyoshi kết luận rằng số lượng các bài báo thảo luận về món ăn này đã tăng gấp bốn lần chỉ riêng trong năm 1986 và giữ ở mức tương tự cho đến năm 1994, khi sự kiện khánh thành Bảo tàng Ramen đã thúc đẩy một làn sóng cuồng mộ khác[2]. Tuy nhiên, bất chấp mọi sự chú ý hướng đến ramen, số lượng các cửa tiệm ramen thực tế không tăng đáng kể trong suốt những năm 1980, ngoài ra mức chi tiêu trung bình cho ramen của các hộ gia đình vẫn tương đối ổn định[3]. Trên thực tế, sau khi tăng liên tục từ năm 1960 trở đi, tốc độ tiêu thụ ramen bắt đầu chững lại vào khoảng năm 1982. Do đó, mức tiêu thụ ramen thực tế ở Nhật Bản đạt mức cao nhất vào khoảng năm 1982, nếu các số liệu của Kawata (được lấy từ Bộ Nội vụ và Cục Thống kê) là chính xác. Vì vậy, sự bùng nổ trên truyền thông đại chúng không thể nói là đã kiến tạo nên một làn sóng tăng trưởng có thể kiểm chứng được về mức tiêu thụ. Thay vào đó, nó phải được nhìn nhận dựa trên nền tảng của sự biến chuyển về kinh tế vĩ mô khỏi lĩnh vực xây dựng và sản xuất, và hướng tới các dịch vụ phụ thuộc nhiều vào thói quen tiêu thụ những hình thức giải trí và hàng hóa xa xỉ, vốn đòi hỏi chú trọng nhiều hơn vào hoạt động tiếp thị.

Việc Nhật Bản chuyển mình từ một nền kinh tế tập trung vào sản xuất định hướng xuất khẩu, sản xuất hàng loạt và chủ nghĩa tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, sang một nền kinh tế hướng đến các dịch vụ giải trí, truyền thông đại chúng và tái định vị thương hiệu văn hóa là một phần của quá trình tích lũy lớn hơn theo sau Học thuyết Ford (Fordism[4]), đồng thời sự suy giảm của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất đã ảnh hưởng đến tất cả các nước tư bản tiên tiến bắt đầu từ giữa những năm 1970[5]. Trong bài tiểu luận “The Long Stagnation and the Class Struggle[6]”, nhà kinh tế học John Bellamy Foster[7] đã xem xét tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở các nước tư bản công nghiệp hóa sau giai đoạn đầu những năm 1970. Foster ghi nhận:

“Trong hơn một phần tư thế kỷ, các nền kinh tế tư bản tiên tiến đã bị sa lầy trong sự trì trệ kinh tế, được đặc trưng bởi mức tăng trưởng chậm, đầu tư thụ động, tỷ lệ thất nghiệp cao và năng lực dư thừa…

Các tập đoàn khổng lồ thống trị nền kinh tế hiện đại có khả năng to lớn trong việc tạo ra thặng dư kinh tế bởi xu hướng độc quyền hưởng lợi từ những tiến bộ khoa học − công nghệ được thể hiện qua việc tăng năng suất lao động. Trong những trường hợp này, tăng trưởng nhanh chóng sẽ chỉ xảy ra khi có sẵn các kênh đầu tư có quy mô lớn tương đương. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo về mặt lô-gic của hệ thống rằng sẽ có được các khoản đầu tư ở quy mô cần thiết. Thực tế nổi bật trong một phần tư thế kỷ qua đó là nguồn cung đầu tư tiềm năng đã vượt quá nhu cầu đầu tư[8].”

 

BẢNG 2: CHI TIÊU TRUNG BÌNH HÀNG NĂM TẠI NHÀ HÀNG HỘ GIA ĐÌNH, THEO NĂM TÍNH BẰNG ĐỒNG YÊN

Nguồn: Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cục Thống kê

Bức tranh kinh tế vĩ mô do Foster mô tả cũng có thể giúp giải thích tính chuyển dịch của mì ramen ở Nhật Bản, từ một loại thực phẩm phổ biến cung cấp năng lượng cho công nhân xây dựng, đến một công cụ quan trọng để thúc đẩy du lịch nội địa và quảng bá cho các tạp chí hướng đến giới trẻ có thu nhập khả dụng. Do đó, sự bùng nổ người tham gia các đoàn du lịch ramen, và những hàng dài rồng rắn tại các cửa tiệm nổi tiếng vào những năm 1980, là các dấu hiệu quan trọng thể hiện sự chuyển biến trong thực tiễn lao động ở Nhật Bản, đặc biệt là trong giới trẻ.

Các tạp chí danh mục (catalogue magazine), vốn bắt đầu xuất hiện nhiều hơn vào những năm 1980, nhắm mục tiêu đến các nhóm con của cộng đồng “thế hệ mới” và những hội nhóm khác ở Nhật Bản. Một trong những loại hình tạp chí danh mục phổ biến nhất là sách hướng dẫn về các cửa tiệm ramen. Tuy nhiên, sự nở rộ của các tạp chí danh mục ramen chỉ là một phần trong sự bùng nổ nói chung của báo chí viết về ẩm thực. Sự đi lên của các danh mục so sánh sản phẩm, chẳng hạn như mì ramen, thể hiện làn sóng chuyển hướng sang việc bán thông tin và hình ảnh hơn là bán hàng hóa cùng dịch vụ sản xuất[9]. Hình ảnh và nội dung về món ăn đã trở thành các công cụ để quảng bá vô số những mặt hàng, hình ảnh ngoại biên liên quan đến chính món ăn đó.

Có thể quan sát một ví dụ cụ thể về cách quá trình này diễn ra thế nào tại Kitakata (thuộc tỉnh Fukushima), nơi ngành du lịch ramen đã phát triển thành một phần đáng kể trong nền kinh tế địa phương vào những năm 1980. Khi du lịch trong nước và thu nhập khả dụng cùng tăng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Kitakata quyết định quảng bá về trường phái ramen đặc biệt được chế biến tại khu vực đó – với sợi mì dày và dẹt, cùng thịt lợn và nước dùng niboshi (cá mòi khô) – như một trong những đặc điểm thu hút du khách. Thời điểm đó thị trấn lân cận là Aizu- Wakamatsu đang thu hút rất đông khách du lịch, nên chính quyền thành phố Kitakata xem loại mì ramen của họ là một cách để thu hút những đám đông đang trên đường trở về nhà. Để thực hiện mục tiêu này, họ đã nỗ lực hợp tác với các công ty du lịch và công ty quảng cáo, đồng thời khai thác mạng lưới phát thanh truyền hình quốc gia (Nippon Hōsō Kyoku, hay NHK) nhằm khuyến khích khách du lịch ghé thăm một trong 80 tiệm ramen trong thị trấn, nơi có dân số khoảng 40.000 người (mức độ tập trung dân số cao so với các khu vực khác của Nhật Bản[10]). Sau khi Kitakata no men – một chương trình đặc biệt của NHK chỉ tập trung đi vào khắc họa sự khác biệt của trường phái mì ramen tại thị trấn này – được phát sóng vào tháng 11 năm 1982, giai đoạn bùng nổ của mì ramen kiểu Kitakata đã bắt đầu. Năm 1985, một chương trình truyền hình khác trên NHK – Tsuiseki: Rāmen no Kaori Tadayou Kura no Machi (Lùng tìm cửa tiệm với hương vị ramen phảng phất) – làm nổi bật việc các công ty du lịch đã bắt đầu tổ chức những chuyến đi bằng xe buýt cỡ lớn chở khách từ Tokyo, với hoạt động điểm nhấn là du khách được trải nghiệm xì xụp bát mì ramen trong vùng (“Chuyến du lịch thưởng thức mì ramen ở Kitakata”). Việc chính quyền thành phố nhận thấy cần phải lập kế hoạch dự phòng cho viễn cảnh du lịch ramen sụt giảm trong tương lai vào năm 1988 cho thấy rằng, chỉ trong vài năm, trào lưu tiêu thụ ramen đã trở nên quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế ở địa phương[11].

Nhiều thành phố đã học theo Kitakata trong việc quảng bá trường phái ramen riêng biệt của mình với hy vọng thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn quốc, và tạo ra doanh thu thông qua du lịch. Mặc dù công thức này phù hợp với nhiều địa phương trong những năm 1980 và 1990, nhưng đến năm 2000, những trường phái ramen theo vùng miền được giới truyền thông tôn lên đã không đạt được mức độ phổ biến tương tự. Những ví dụ điển hình nhất có lẽ là loại mì ramen của Wakayama và Tokushima, vốn chưa bao giờ nhận được sự công nhận ở tầm quốc gia, như cách mì ramen từ các thành phố như Hakata ở Kyūshū, hay Ogikubo ở Tokyo, đã làm được vào đầu những năm 1980[12]. Từ quan điểm của một người sành ramen, Ōshima Akihiko nhận định: “Theo tôi nhìn nhận về món ramen kiểu Tokushima, đó là các phương tiện truyền thông đại chúng đã không thành công trong việc khuấy động một trào lưu nhất thời[13].”

Mặc dù trường phái ramen Tokushima không bao giờ được biết đến nhiều như cách mì ramen Sapporo, Hakata, Ogikubo hay Kitakata sau cuối đã làm được, nhưng nó vẫn lọt vào nhóm 19 trường phái ramen ưu tú theo vùng miền được Bảo tàng Ramen Shin-Yokohama công nhận trong buổi triển lãm thường xuyên của mình. Danh sách 19 trường phái ramen theo vùng miền của Nhật Bản đó là: Asahikawa, Shirakawa, Kitakata, Hakata, Yonezawa, Yokohama (Ie-kei), Takayama, Wakayama, Tokushima, Hiroshima, Kagoshima, Sano, Sapporo[14], Kumamoto, Tokyo (Ogikubo), Kyoto, Hakodate, Kurume và Onomimchi[15]. Ngành du lịch ramen đạt đỉnh điểm vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khiến Asahikawa, Wakayama và Tokushima trở thành những thành phố cuối cùng nổi tiếng với phong cách ramen riêng biệt. Hồi tưởng về tầm quan trọng đang biến chuyển của những trường phái ramen theo vùng miền ở Nhật Bản, Iwaoka Yōji – người sáng lập Bảo tàng Raumen – từng bình luận vào năm 2010, “Có vẻ như tiến trình phát triển trên phương diện văn hóa và kinh tế của ramen đã dừng lại. Tôi e sợ rằng sự đam mê mà mọi người dành cho ramen vào đầu những năm 2000 – cảm giác sục sôi khiến người người đi du lịch chỉ đơn giản để nếm thử các loại ramen khác nhau của các vùng – giờ đã không còn nữa, và bản thân ramen tại các vùng miền này cũng đang đánh mất nét đặc trưng của mình, báo hiệu cho sự xói mòn của sức sáng tạo cá nhân nói chung[16”. Đây là những lời lẽ chua chát khác thường được chia sẻ bởi một trong những nhân vật chính chịu trách nhiệm cho quá trình “phong thánh” ramen là món ăn quốc dân vào cuối những năm 1990. Tư tưởng mấu chốt trong cuốn sách của ông, khi ông cho rằng các trường phái ramen theo vùng miền của Nhật Bản có nguy cơ biến mất, là một lời kêu gọi đáng báo động để cộng đồng cuồng mộ ramen cần tiếp sức cho những cửa tiệm ramen địa phương, và bảo tồn những tập tục truyền thống được đại diện bởi các trường phái ramen này.

HÌNH 4. Tờ rơi về ramen kiểu Tokushima và chuyến du lịch xem hoa tulip. Ảnh do Tokushima Tourism Kyōkai cung cấp.

Bản lưu trò chuyện về Văn hóa ẩm thực Nhật Bản: Từ chủ nghĩa hoàn hảo đến bản sắc dân tộc và chuyển đổi xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *