17/11/2023

Ra mắt và Đặt trước: “TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI” – J. Krishnamurti

Dạy học trong trường học thông thường chỉ là truyền tải thông tin từ một người – giáo viên – đến một nhóm người trẻ hơn, những người phải lắng nghe, ngồi im lặng và giữ thái độ đúng mực. Triết gia và bậc thầy tâm linh nổi tiếng Krishnamurti hoàn toàn bác bỏ quan niệm ấy. Suốt cuộc đời mình, Krishnamurti đã cố gắng “giáo dục các nhà giáo dục”, khuyến khích các giáo viên và phụ huynh trước hết hãy đặt ra những câu hỏi cơ bản cho việc dạy và học, rũ bỏ những khuôn mẫu đã định sẵn và tham gia tích cực vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Một trong những cuốn sách tập hợp nỗ lực ấy thông qua những bài diễn thuyết, những cuộc đàm thoại giữa ông và những người làm giáo dục, truyền lại đến các độc giả ngày nay, chính là TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI – Đàm thoại với giáo viên và phụ huynh.

TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI ghi lại 26 cuộc đàm thoại với giáo viên và phụ huynh được Krishnamurti tổ chức tại Trường Rajghat Besant School, ngôi trường do chính ông thành lập trên bờ sông Hằng vào đầu thập niên 1930. Qua những cuộc đàm thoại này Krishnamurti đào sâu vào các vấn đề cơ bản đang gây khó khăn cho hệ thống giáo dục truyền thống, tham gia vào các cuộc đàm thoại làm sáng tỏ sự phức tạp của việc nuôi dưỡng một môi trường học tập thực sự phong phú.  Với cái nhìn sâu sắc về tâm lý con người, Krishnamurti thách thức các chuẩn mực và hệ tư tưởng phổ biến liên quan đến việc học ở trường, ủng hộ một cách tiếp cận vượt qua nỗi sợ hãi, sự ganh đua và sự tuân thủ. Ông khuyến khích người dạy tìm hiểu sâu hơn hơn về vai trò của mình, các mối quan hệ trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng không chỉ sự phát triển trí tuệ mà còn cả sức khỏe cảm xúc và tâm lý.

THÔNG SỐ SÁCH:

Tên đầy đủ: TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI- Đàm thoại với giáo viên và phụ huynh

Tác giả: J. Krishnamurti

Dịch giả: Hoàng Lan

Lĩnh vực: Giáo dục

Tủ sách: Lyceum

Số trang: 342

Cỡ sách: 12×20.5cm

Tình trạng bìa: Bìa mềm

Lượt in: Lần đầu

Cấp phép: NXB Dân Trí

Ngày phát hành: 1/12/2023

GIÁ BÁN: 240.000 VNĐ

Đặt trước sách để nhận ưu đãi 20% và freeship

Nhận Đặt Trước tới hết 23h00 ngày 1/12/2023. Sách được ship muộn nhất 10 ngày sau ngày phát hành.

Đặc biệt: Nhân dịp xuất bản Trường học không sợ hãi của J. Krishnamurti, Book Hunter ưu đãi 20% tất cả các tác phẩm thuộc Tủ sách Lyceum mua kèm đơn đặt trước này.

Lưu ý: Chúng tôi chỉ ship sách tới những khách phản hồi xác nhận qua email hoặc số điện thoại. Trong trường hợp quý khách không phản hồi hoặc phản hồi muộn, mà chưa thanh toán, quá 5 ngày sau email hoặc cuộc gọi của chúng tôi, chúng tôi rất tiếc phải hủy suất Đặt Trước, quý khách có thể đặt mua sách với Book Hunter hoặc tại các kênh phân phối khác. 

Nếu form điền bị lỗi, vui lòng liên hệ cho fanpage Book Hunter hoặc Zalo +84964491749.

Để thực hiện dự án dịch tác phẩm TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI – Đàm thoại với giáo viên và học sinh của, chúng tôi đã dành 6 tháng làm việc (dịch, chỉnh sửa, hoàn thiện) đầu tư khoản tiền ít nhất là 55 triệu (chưa tính chi phí thiết kế, quản lý và giấy phép), bao gồm:

– Bản quyền: 10 triệu

– Nhuận bút: 15 triệu

– In: 30 triệu

Chúng tôi hi vọng rằng bạn sẵn lòng Đặt Trước cuốn sách để chúng tôi có đủ nguồn lực tiếp tục các dự án sách khác trong thời gian tới. 

Nếu thuận tiện, bạn vui lòng thanh toán trước qua số tài khoản dưới đây, như một cách để giúp đỡ Book Hunter huy động đủ vốn in ấn.
Book Hunter tài khoản thanh toán

Nội dung chính của TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI - J. KRISHNAMURTI

Ý tưởng chính:

TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI tổng hợp 26 cuộc đàm thoại của Krishnamurti như một hướng dẫn để hình dung lại mục đích và cấu trúc của giáo dục. Mỗi chương, tức mỗi cuộc đàm thoại, là một ngọn đèn giúp ta tìm ra con đường trước khi làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên. Các cuộc đàm thoại đều ngắn và căng thẳng, mang lại cảm giác kịch tính của một cuộc trao đổi trực tiếp giữa những người quan tâm sâu sắc đến nhân loại nói chung, đề cập đến các vấn đề cốt lõi khác nhau trong giáo dục và tìm ra mối liên hệ giữa các quá trình dạy, học, cũng như thực tiễn vận hành một cơ sở giáo dục. Tiêu đề của các chương cho thấy phạm vi rộng lớn của các vấn đề được thảo luận.

TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI là cuốn sách cần thiết cho những ai đang tìm kiếm một quan điểm khác về giáo dục, một quan điểm phù hợp với tầm nhìn của Krishnamurti về trau dồi sự tự nhận thức, trí thông minh và lòng từ bi trong quá trình học tập, mời gọi giáo viên, phụ huynh và độc giả cùng bắt tay vào hành trình thay đổi hướng tới một trường học không sợ hãi.

Về tác giả:

Jiddu Krishnamurti, sinh năm 1895 tại Madanapalle, Ấn Độ, nổi lên như một triết gia và bậc thầy tâm linh nổi tiếng có tác động vang dội trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ban đầu, ông được Hội Thông thiên học định vị là một “Thầy giáo Thế giới” tiềm năng, sau đó Krishnamurti đã giải thể tổ chức dành riêng cho vai trò của ông và bắt tay vào một cuộc hành trình suốt đời nhằm khuyến khích sự tìm tòi và khám phá bản thân của cá nhân. Bác bỏ ý tưởng về một con đường quy định dẫn đến sự thật, ông khẳng định rằng “sự thật là một vùng đất không có lối đi”. Những lời dạy của Krishnamurti xoay quanh sự hiểu biết sâu sắc về tâm trí con người, tầm quan trọng của sự tự nhận thức và tính siêu việt của điều kiện xã hội. Cách tiếp cận trực tiếp và đầy thách thức của ông, được truyền tải qua nhiều cuốn sách và bài giảng toàn cầu, kêu gọi các cá nhân đặt câu hỏi sâu sắc, thúc đẩy một quan điểm độc đáo tiếp tục ảnh hưởng đến triết học, tinh thần, tâm linh và giáo dục.

Mục lục:

Giới thiệu
Chương 1: Chủ định của nhà trường
Chương 2: Chúng ta đang cố gắng làm việc gì?
Chương 3: Truyền kiến thức bằng tinh thần không
ganh đua
Chương 4: Trường học không sợ hãi
Chương 5: Bảo vệ trẻ hay truyền sang trẻ nỗi sợ hãi của bạn?
Chương 6: Những mô thức của chúng ta về con người
Chương 7: Có cái gọi là nội tâm không?
Chương 8: Truyền lòng tin
Chương 9: Chủ định giải thoát trẻ khỏi sự định hình
Chương 10: Chức năng của phụ trách viên ký túc xá
Chương 11: Địa vị không có giá trị, chức năng mới có giá trị
Chương 12: Trước là tinh thần, sau mới đến chi tiết
Chương 13: Gánh nặng nản-chí và lo-âu của giáo viên
Chương 14: Khát khao vĩnh-viễn và thực tế của bất-vĩnh viễn
Chương 15: Tại sao tâm trí không chịu đối diện với
thực tế?
Chương 16: Chuyển hóa không thông qua bất kỳ quá trình
hữu thức nào
Chương 17: Thôi thúc của khát vọng được gọi là chú tâm
Chương 18: Chú tâm, trạng thái không kháng cự
Chương 19: Đâu là yếu tố đích thực trong hợp tác?
Chương 20: Tỉnh táo để theo đuổi một suy nghĩ
Chương 21: Tâm trí được mài sắc ngay khi bạn đặt câu hỏi
về thời gian
Chương 22: Giáo viên ở ngoài xã hội
Chương 23: Tại sao bạn muốn có thêm năng lượng?
Chương 24: Giải phóng thêm năng lượng hướng đến thượng đế, không phải hướng đến xã hội
Chương 25: Sự sống là cảm nhận thiêng liêng
Chương 26: Phụ huynh có sẵn sàng tự giáo dục mình
không?
Phụ lục

Cái gì là quan trọng nhất - truyền đạt kiến thức bằng mọi giá hay không làm tổn thương cô bé cậu bé nào? Cái nào là mối bận tâm của chúng ta? Giúp đỡ những cậu bé ấy mà không làm bất cứ ai trong số các em bị tổn thương - đó là mối quan tâm lớn nhất, không phải trên phương diện lý thuyết. Nếu tôi yêu chúng tôi sẽ không làm tổn thương chúng, không phải về mặt thể chất mà về mặt tâm lý, ở bên trong chúng. Không có phương pháp nào cả; chúng ta hãy cùng tìm ra một phương cách truyền thụ kiến thức mà không làm các em bị tổn thương. Tôi chỉ quan tâm duy nhất đến một việc là giúp các em biết yêu thương, giúp các em không bị tổn thương trong quá trình sống. Sống tức là học hỏi, ở cấp độ này rồi sang cấp độ khác, v.v. Tôi không quan tâm đến điều gì khác; các bạn thì đang quan tâm đến nhiều thứ khác. Nếu tôi cảm nhận là tôi muốn cậu bé đó không bị tổn thương trong quá trình học tập thì tôi sẽ tìm cách để giúp em.

Ảnh hưởng dù theo cách này hay cách khác, tốt hay xấu, đều hủy hoại đứa trẻ. Đó là thực tế hiển nhiên. Nếu tôi và các bạn có cùng cảm nhận thì chúng ta sẽ thấy là đứa trẻ ấy nên được tự do, tức là tôi sẽ nói với nó: “Con sẽ không bị ảnh hưởng bởi mục sư, chính trị gia, mẹ con hay ông con; con đừng để mình bị hút vào bất kỳ ảnh hưởng nào như thế. Con hãy dùng trí óc mình mà tìm hiểu chuyện này”. Nếu các bạn muốn đứa trẻ ấy phải được tự do phát triển, được tự do tìm hiểu, thì chẳng phải các bạn sẽ làm thế sao? Chẳng phải các bạn sẽ dốc hết tâm sức của mình cho chuyện này, sẽ truyền đạt tự do ấy cho trẻ ngay cả khi nó chưa trưởng thành sao? Các bạn nói với nó: “Con phải được tự do, chứ không phải bám áo ta nữa; con là con trai ta mà cũng không phải là con trai của ta, con là một con người tự do. Ta dành cho con tình yêu thương của mình, nhưng ta sẽ không dùng con để thỏa mãn những mong muốn của mình”. Chúng ta có thể nói tất cả những điều này không? Chúng ta có thể nói đó là sự thật không? Thế thì chẳng phải chúng ta sẽ giúp trẻ tìm ra nghề nghiệp đích thực của nó sao?

Chúng ta nhìn thấy trong thế giới có nhiều mô thức khác nhau, và cứ mỗi một mô thức lại có một nhóm người nhất định thuộc về nó. Ở Ấn Độ chúng ta có nhiều mô thức khác nhau, và chúng ta đã biến đổi chúng, làm cho chúng trở nên cao quý hơn, mở rộng hơn, nhưng chúng vẫn là các mô thức; đó là thực tế. Thế rồi có ai đó xuất hiện và nói rằng các mô thức luôn luôn tạo ra sự phản kháng và làm nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc sống. Vậy thì vấn đề ở đây là: liệu chúng ta, liệu tâm trí có đang bị kẹt trong các mô thức không? Tâm trí thấy nó đang bị kẹt trong một mô thức, thế là nó nói, “Chuyện này mới ngu ngốc làm sao”. Vậy liệu bốn người chúng ta khi đã nhìn ra điều này có thể làm gì đó trong giáo dục không? Liệu chúng ta có thể trở thành một nhân tố hạt nhân và tuyên bố, “Đây là lối suy nghĩ đúng đắn, đây là phương cách để trở nên thông minh, và trời ạ, chúng ta hãy tập hợp lại, hãy cùng chung tay giải quyết chuyện này”? Các bạn có thể thuyết phục học sinh không? Các bạn phải hết sức rõ ràng về việc đó; nhưng chừng nào các bạn còn chưa thể nói rõ ra thành lời thì các bạn còn chưa thể rõ ràng. Đó là một thực tế đơn giản - nhân loại đã tự chia rẽ thành các mô thức, mô thức này mâu thuẫn với mô thức kia. Tâm trí bị kẹt trong mô thức, dù mô thức đó là chủ nghĩa cộng sản, Hindu giáo, hay Phật giáo, là tâm trí vô minh nhất; thế nên nó không bao giờ có thể đáp lại bất kỳ thách thức nào, mà chỉ có những phản ứng không thông minh. Và nếu chúng ta muốn tự giáo dục chính mình cũng như giáo dục trẻ - vì xét cho cùng giáo dục trẻ cũng là tự giáo dục chính mình - liệu chúng ta có thể làm việc đó thay vì đợi ai khác làm việc đó?

Chẳng phải thái độ “Tôi nghĩ điều này là đúng, tôi sẽ tự mình làm cho ra lẽ” cho người ta cảm giác cực kỳ an toàn sao? Bạn thậm chí sẽ chẳng bận tâm đến chuyện an toàn, mà bạn sẽ nói, “Đây mới là đúng”. Kể cả bạn có bị tống cổ ra khỏi nhà thì cũng chẳng thành vấn đề. Bạn có tự chuẩn bị cho mình tâm thế đó ở chính gia đình mình, và rồi ở ngôi trường này, để nuôi dưỡng lòng tin ấy nơi vợ bạn, con bạn, và các học sinh của bạn? Nếu bạn không làm được như thế thì việc hủy giải sự định hình nơi những đứa trẻ tội nghiệp này có nghĩa lý gì? Nếu tất cả chúng ta làm được như vậy thì ngôi trường này sẽ khác đi. Các bạn sẽ làm chuyện đó bằng cách nào? Xin hãy thử nghiệm. Chẳng phải việc đó sẽ lập tức thay đổi mối quan hệ giữa bạn và trẻ hay sao? Bạn sẽ không còn là một bậc phụ huynh hay giáo viên cao quý và quyền năng nữa.

Các bạn nói, “Tôi có một số thói quen nhất định và tôi sợ thử nghiệm vì tôi sợ thất bại”. Chao ôi, tâm trí còn chưa bắt đầu mà đã kết luận, nó kết luận rằng tôi là một thất bại! Nhưng các bạn cũng có thể nói, “Tôi bị định hình và tôi muốn giúp học sinh thoát khỏi tình trạng đó, tôi phải làm thế nào”? Nếu tôi có động lực thì tôi sẽ tìm ra cách. Tôi có chủ định đó nhưng tôi chưa biết phải làm gì. Lẽ ra tôi nên hiểu rằng “chưa biết phải làm thế nào” đã là một khởi đầu tốt rồi. Nếu tôi nói “Tôi không biết” thì tôi sẽ tìm ra; tôi đã phóng ra bước đi đầu tiên rồi. Chủ định của tôi là việc này phải được thực hiện nhưng tôi chưa biết thực hiện nó như thế Chủ định giải thoát trẻ khỏi sự định hình nào; thế thì tôi phải làm gì? Chẳng phải yếu tố tuy chưa-biết-nhưng-có-ý-định-thực-hiện sẽ giải phóng thứ gì đó trong bạn sao? Bạn chưa biết vì bạn chưa thử. Tâm trí tôi bị định hình, và tôi muốn giúp học sinh. Tôi chưa biết phải làm thế nào, chưa có ai nói về chuyện đó, chưa có cuốn sách nào được viết, nhưng bạn và tôi nhìn thấy tầm quan trọng của nó. Chúng ta có nhìn thấy tầm quan trọng của việc đó không? Nếu có thì chúng ta sẽ làm gì? Ngay khi chúng ta nhìn ra sự thật của việc giúp học sinh thoát khỏi sự định hình và cảm thấy mông lung tức là chúng ta đã bắt đầu có thể giúp chúng. Sẽ chẳng ích gì nếu tôi bày cho các bạn làm theo mình, nhưng các bạn và tôi có thể nói “Đây là sự thật và chúng ta phải bám sát nó” không? Tâm thế ấy đem đến một sức sống mới

Tôi muốn các bạn giáo dục con trai tôi sao cho nó sẽ đặt ra những câu hỏi căn bản. Thế thì các bạn phải đặt những câu hỏi căn bản, và các bạn phải có khả năng tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi ấy thì mới hỗ trợ được con trai tôi. Nếu không thì tôi gửi con trai mình cho các bạn có ích gì? Tôi muốn các bạn giúp nó có một cuộc sống phong phú. Không phải tài khoản ngân hàng, xe sang vợ đẹp - mà tôi muốn nó có một đời sống phong phú. Mà tôi thì không biết phải làm thế nào. Tất nhiên nó chẳng biết tí gì về những câu hỏi căn bản, nhưng liệu chúng ta với tư cách là các nhà giáo dục có thể tạo ra một bối cảnh để thúc đẩy nó đặt những câu hỏi như thế, vì các bạn và tôi trong vai trò giáo viên cũng đang đặt những câu hỏi ấy không? Các bạn sẽ đặt câu hỏi căn bản nào - câu hỏi liên quan đến bạn và do đo đến nhân loại và đến cả con trai tôi? Là bậc làm cha mẹ tôi không chỉ muốn con mình xuất sắc trong học thuật mà còn yêu cầu người giáo dục nó trao cho nó khả năng điều tra cuộc sống, không phải theo lối thử nghiệm đầy hiếu kỳ với tình dục và tất cả những thứ tương tự như thế mà là khả năng tìm tòi để có một tâm trí phong phú, tức là điều tra những thứ căn bản. Theo khuynh hướng tự nhiên của mình nó sẽ tìm hiểu tình dục ở bề nổi, nhưng là một người cha tôi muốn nó đi thật sâu hơn nữa. Mà muốn giúp nó tìm hiểu sâu hơn thì tôi phải tìm hiểu sâu hơn, và tôi muốn biết làm thế nào để tìm hiểu như thế vì tôi muốn giúp nó. Nếu không thì chúng ta đang dạy cái gì?

Tập trung có mục đích để thấy cái mình muốn thấy thì không phải là tập trung. Động cơ tạo ra sự chú tâm, sau đó mới nảy sinh sự chú tâm để đạt mục tiêu. Ở đây chỉ có khát khao lấy được hay không lấy của tôi; khát khao đó là động cơ. Sự thôi thúc của khát khao được gọi là chú tâm! Thôi thúc né tránh hoặc đạt được là cái được gọi là chú tâm, nhưng thực ra nó không phải là chú tâm. Nó chỉ là khát khao lấy hay không lấy của tôi, phải vậy không? Khát khao thi đỗ là một dạng lòng tham, và lòng tham đó đang khiến tôi nỗ lực để thi cho kỳ đỗ; đó không phải là chú tâm đúng không? Trước nay tôi gọi nó là chú tâm, nhưng thực ra đó là lòng tham đang hoạt động. Thế thì chú tâm phải là cái gì đó khác, và tôi hỏi: khi không có động cơ thì có chú tâm không? Thi đỗ là động cơ, và nó cũng là lòng tham, lòng tham thúc bách tôi. Tại sao tôi không gọi nó đúng với tên của nó là “lòng tham” chứ đừng gọi nó là “chú tâm”? Vậy thì tôi tự hỏi thế nào là chú tâm? Khi không còn lòng tham, không còn động cơ hay mục tiêu nào thì có sự chú tâm không?

Các bạn muốn học sinh suy nghĩ. Nếu bạn bị trói vào một ý kiến thì bạn có thể suy nghĩ, và suy nghĩ sâu sắc không? Nếu học sinh hoặc bạn nói đạo Bà la môn là cần thiết còn tôi lại nói điều khác đi thì tôi đang bị giới hạn. Thế thì tôi còn có thể suy nghĩ được nữa không? Công việc đầu tiên của các bạn là phải loại bỏ việc đó, phải phá bỏ giới hạn đang vây hãm tôi. Nếu không các bạn cứ tiếp tục thảo luận và tôi cũng thế,và cả hai chúng ta đều bị ghìm giữ. Như vậy các bạn giúp tôi nhận ra là tôi đang bị vây hãm, tôi không thể nghĩ chừng nào tôi còn bị vây hãm, và chừng nào tôi còn tin vào điều gì đó thì chừng đó tôi không thể suy nghĩ. Muốn thảo luận tôi phải phá vỡ vòng vây đó. Các bạn sẽ không nói với học sinh, “Đừng có ý kiến”, hoặc này khác. Nếu các bạn có ý kiến mà lại bị giam hãm thì các bạn sẽ không thể suy nghĩ; nếu các bạn có niềm tin thì các bạn không thể suy nghĩ, các bạn không thể đào sâu. Vậy hãy tự suy xét xem vì sao các bạn có niềm tin có ý kiến. Ý kiến, niềm tin có nghĩa là gì? Các bạn đang đẩy học sinh vào những vấn đề sâu hơn. Hãy hiểu nguyên tắc: chừng nào tâm trí còn bị trói buộc thì chừng đó nó không thể suy nghĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *