16/12/2022

Ra mắt TƯƠNG LAI SẼ LÀ THOÁI TĂNG TRƯỞNG – Hướng dẫn tới một thế giới vượt ra khỏi chủ nghĩa tư bản

Khủng hoảng khí hậu, khoảng cách ngày càng tăng giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất, giữa Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu, cùng đại dịch COVID-19 đã chứng minh mô hình kinh tế chủ đạo dựa trên tăng trưởng không còn phù hợp với sự phát triển của đời sống. Việc phê phán một hệ thống kinh tế dựa trên tăng trưởng không phải là mới. Từ 50 năm trước đã có những nghiên cứu khoa học cảnh báo rằng việc tiêu thụ tài nguyên của một nền kinh tế ngày một phát triển là không bền vững. Kể từ đó, nhiều giải pháp thay thế cho nền kinh tế dựa trên tăng trưởng đã được đưa ra, trong đó có thoái tăng trưởng – một thuật ngữ đã luôn gây tranh cãi ngay từ khi xuất hiện.

Đại dịch hóa ra lại là một thời điểm quan trọng cho cuộc tranh luận về thoái tăng trưởng. Một mặt, những người ủng hộ tăng trưởng kinh tế đã lấy việc phong tỏa làm bằng chứng cho thấy một xã hội thoái tăng trưởng sẽ như thế nào, mặc dù mô hình kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng phải chịu ít nhất một phần trách nhiệm trong việc thúc đẩy đại dịch. Mặt khác, những người ủng hộ thoái tăng trưởng đã nhân cơ hội này để làm rõ đề xuất của họ và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải chuyển sang một nền kinh tế hậu tăng trưởng. Thoái tăng trưởng đang bước vào cuộc tranh luận chính thống hơn bao giờ hết.

Khi những khiếm khuyết trong mô hình tăng trưởng tự do ngày một trở nên rõ rệt thì thoái tăng trưởng được coi là một giải pháp thay thế hữu hình. Khác xa với một khái niệm cấp tiến chỉ giới hạn trong lĩnh vực tranh luận trừu tượng, thoái tăng trưởng có thể nắm giữ chìa khóa cho một thế giới công bằng và bền vững hơn. Các quan điểm thoái tăng trưởng đưa ra một giải pháp bước ra khỏi guồng quay của hệ thống phân chia thứ bậc của chủ nghĩa bành trướng thiếu thân thiện.

Là một cuốn sách đầy tham vọng, Tương lai sẽ là thoái tăng trưởng: Hướng dẫn tới một thế giới vượt ra khỏi chủ nghĩa tư bản cung cấp một cái nhìn viễn kiến cho chủ nghĩa hậu tư bản nằm ngoài tăng trưởng, đặt ra lộ trình hướng tới một tương lai không có tăng trưởng thông qua các chính sách dân chủ hóa nền kinh tế, một “nowtopia” cho chúng ta không gian tự do để thử nghiệm và các phong trào chống bá quyền giúp phá vỡ logic của tăng trưởng. Cuốn sách là một sổ tay cần thiết cho tất cả những ai quan tâm đến việc vạch ra một con đường vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện tại.

THÔNG SỐ SÁCH:

Tên đầy đủ: TƯƠNG LAI SẼ LÀ THOÁI TĂNG TRƯỞNG – Hướng dẫn tới một thế giới vượt ra khỏi chủ nghĩa tư bản

Tác giả: Matthias Schmelzer, Andrea Vetter, Aaron Vansintjan

Dịch giả: Phương Anh

Lĩnh vực: Kinh tế – Xã hội

Tủ sách: Kiến Tạo

Số trang: 328

Cỡ sách: 16x24cm

Tình trạng bìa: Mềm

Lượt in: Lần đầu

Cấp phép: NXB Đà Nẵng

Mã ISBN: 978-604-84-7008-1

Ngày phát hành: 24/12

>> Click vào ảnh để đọc thử:

Nội dung chính của TƯƠNG LAI SẼ LÀ THOÁI TĂNG TRƯỞNG – Hướng dẫn tới một thế giới vượt ra khỏi chủ nghĩa tư bản

Ý tưởng chính:

Tăng trưởng kinh tế đã không còn hiệu quả, và sẽ không thể trở nên hiệu quả. Bằng cách truy ngược lịch sử về cách tăng trưởng kinh tế xuất hiện trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân, sự công nghiệp hóa sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tính hiện đại của tư bản chủ nghĩa, Tương lai sẽ là thoái tăng trưởng lập luận rằng hệ tư tưởng tăng trưởng đã che giấu sự bất bình đằng đang gia tăng và sự tàn phá hệ sinh thái có quan hệ mật thiết với chủ nghĩa tư bản, đồng thời chỉ ra những sự lựa chọn thay thế đáng kì vọng.

Tiêu đề đầy khẳng định của cuốn sách đã thể hiện trọn vẹn ý đồ của các tác giả: Họ có một sự thay thế rõ ràng cho hiện tại và một ý tưởng mạch lạc về tương lai mà bản “Hướng dẫn tới một thế giới vượt ra khỏi chủ nghĩa tư bản” có thể đem lại. Nhưng để giải thích chính xác tại sao cần phải có giải pháp thay thế cho hệ thống hiện tại thì cần phải giải thích tại sao tình hình hiện tại lại không bền vững. Do đó, cuốn sách được chia thành hai phần: Nửa đầu nói về tăng trưởng kinh tế và những hạn chế của nó; nửa sau trình bày thoái tăng trưởng – giải pháp thay thế cho tăng trưởng.

Mục lục:

Lời tựa

  1. Giới thiệu
  2. Tăng trưởng kinh tế
    2.1. Tăng trưởng như một ý tưởng
    2.2. Tăng trưởng như một quá trình xã hội
    2.3. Tăng trưởng như một quá trình vật chất
    2.4. Hồi kết của tăng trưởng?
  3. Phê bình tăng trưởng
    3.1. Phê bình dưới góc nhìn sinh thái
    3.2. Phê bình dưới góc nhìn kinh tế xã hội
    3.3. Phê bình dưới góc nhìn văn hóa
    3.4. Phê bình chủ nghĩa tư bản
    3.5. Phê bình dưới góc nhìn nữ quyền
    3.6. Phê bình chủ nghĩa công nghiệp
    3.7. Phê bình dưới góc nhìn Nam-Bắc
    3.8. Các phê bình không thuộc thoái tăng trưởng
    3.9. Thoái tăng trưởng khác biệt ở điểm nào
  4. Tầm nhìn của thoái tăng trưởng
    4.1. Các luồng thoái tăng trưởng
    4.2. Định nghĩa về thoái tăng trưởng
    4.3. Vì sao thoái tăng trưởng là điều đáng mong muốn?
  5. Những con đường dẫn đến thoái tăng trưởng
    5.1. Dân chủ hóa, nền kinh tế đoàn kết, và công hữu
    5.2. An sinh xã hội, phân phối lại, và các giới hạn về thu nhập và tài sản
    5.3. Công nghệ cộng sinh và mang tính dân chủ
    5.4. Khôi phục giá trị và phân bổ lại lao động
    5.5. Dân chủ hóa sự chuyển hóa xã hội
    5.6. Đoàn kết quốc tế
    5.7. Vì sao thoái tăng trưởng có khả năng trụ vững
  6. Để thoái tăng trưởng trở thành hiện thực
    6.1. Nowtopia: Các không gian tự quản và các phòng thí nghiệm về cuộc sống tốt đẹp
    6.2. Cải cách phi cải cách: Thay đổi tổ chức và chính sách
    6.3. Phản bá quyền: Xây dựng sức mạnh nhân dân chống lại mô hình tăng trưởng
    6.4. Đương đầu với khủng hoảng: Không chỉ là “thoái tăng trưởng do chủ định hay do thảm họa”
    6.5. Liệu thoái tăng trưởng có thể được thực hiện không?
  7. Tương lai của thoái tăng trưởng
    7.1. Giai cấp và chủng tộc
    7.2. Địa chính trị và chủ nghĩa đế quốc
    7.3. Công nghệ thông tin
    7.4. Hoạch định dân chủ
    7.5. Thoái tăng trưởng: Một hướng đi mang tầm nhìn về hậu chủ nghĩa tư bản

 

Về tác giả

Matthias Schmelzer là một nhà sử học kinh tế, nhà lý thuyết xã hội và nhà hoạt động khí hậu sống tại Leipzig, Đức. Anh kết hợp các hoạt động tích cực trong các phong trào xã hội xung quanh công bằng khí hậu và thoái tăng trưởng với nghiên cứu học thuật. Anh là tác giả của cuốn sách The Hegemony of Growth và là một trong các biên tập của cuốn Degrowth in Movement(s).

Aaron Vansintjan đã có bằng Tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Văn hóa, Truyền thông và Điện ảnh tại Birkbeck, Đại học London. Anh học Chỉnh trang đô thị (gentrification) tại Montréal và Hà Nội. Nghiên cứu tiến sĩ của anh dựa trên các lĩnh vực địa lý đô thị, đô thị học so sánh, sinh thái chính trị, kinh tế sinh thái và nghiên cứu thực phẩm. Anh là đồng sáng lập của Uneven Earth, một trang web về chính trị sinh thái. Hiện anh đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Vermont.

Andrea Vetter là một nhà nghiên cứu, nhà hoạt động và nhà báo về sự biến đổi, sử dụng công cụ là thoái tăng trưởng, lợi ích chung và chủ nghĩa nữ quyền sinh thái phê phán.

 

Về dịch giả Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh hoạt động trong ngành giáo dục môi trường. Chị có bằng tiến sĩ sinh học tại Canada, và đã tham gia nhóm dịch một số sách kinh tế chính trị cùng Book Hunter bao gồm: Nước Mỹ chuyện chưa kể, Thuận theo hoàn cảnh, Kinh tế học thiêng liêng và Leviathan.

 Chính sách giá và phân phối

Giá niêm yết: 290.000đ

Chiết khấu phân phối: 25 – 30%

Chương trình khuyến mại tối đa: 20% giá bìa

Khuyến nghị marketing dành cho đơn vị phân phối

Các nhóm khách hàng mục tiêu: các nhà nghiên cứu kinh tế, nhà nghiên cứu môi trường, những người quan tâm xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

Từ khóa quan trọng: tăng trưởng kinh tế, thoái tăng trưởng, khủng hoảng, phát triển bền vững

Gợi ý Combo với các sách của Book Hunter: Kinh tế học thiêng liêng, Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào

Trích dẫn hoặc dữ liệu hay:

““Thoái tăng trưởng” (Degrowth) là thuật ngữ ngày càng được các học giả và các nhà hoạt động dùng để chỉ trích sự bá chủ của tăng trưởng. Và nó còn là một đề xuất cho việc tái tổ chức lại xã hội nhằm giảm mạnh việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, một điều được coi là cần thiết, đáng mong đợi, và có thể được thực hiện. Thoái tăng trưởng bắt đầu từ thực tế được ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh, rằng việc tiếp tục tăng trưởng kinh tế ở các nước công nghiệp là thứ không bền vững. Ngay cả khi sự tăng trưởng đó là “xanh” hay “toàn diện”, hoặc ngay cả khi đó là một phần của chương trình nghị sự tiến bộ mang tính chuyển đổi, trong đó có sự đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi bền vững, thì các quốc gia công nghiệp cũng không thể giảm tác động môi trường của mình (về khí thải, thông lượng vật chất, vv…) một cách đủ nhanh và hiệu quả, trong khi vẫn tiếp tục phát triển nền kinh tế nước mình. Nếu định giảm lượng khí thải và tác động môi trường đủ nhanh để dành chỗ cho Nam địa cầu phát triển thì sự chuyển đổi cần thiết ở các quốc gia công nghiệp cũng sẽ dẫn đến việc giảm quy mô của các nền kinh tế Bắc địa cầu . Mặc dù nghe có vẻ lạ lẫm với nhiều người, nhưng việc cần biết thế nào là đủ, việc giảm thông lượng vật chất đối với tầng lớp sung túc, hay việc kết thúc sự tiêu thụ quá mức đang ngày càng trở thành điểm tương đồng giữa những người cấp tiến theo định hướng sinh thái.”

“Thứ phân biệt rõ ràng nhất giữa thoái tăng trưởng và các đề xuất sinh thái xã hội khác là việc chính trị hóa quá trình chuyển hóa của xã hội, và những ảnh hưởng của nó lên thiết kế chính sách. Giống với hầu hết các chương trình hiện đại hóa mang tính sinh thái – cũng như Thỏa thuận Xanh Mới – thoái tăng trưởng cũng kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào việc nhanh chóng xây dựng các cơ sở hạ tầng vật chất cho một xã hội hậu hóa thạch, bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo (do cộng đồng kiểm soát), các mạng lưới giao thông công cộng (được quản lý một cách dân chủ), cho đến nhà ở (xã hội hoặc tập thể) được cải tạo lại, hoặc nhà máy công nghiệp (do công nhân làm chủ) (ví dụ như để tạo ra các sản phẩm bền lâu, có thể sửa chữa, và có thể tái chế).”

“Thoái tăng trưởng là thứ ngược lại với suy thoái: suy thoái là điều không được chủ ý, trong khi thoái tăng trưởng được lên kế hoạch và có chủ đích; suy thoái làm cho sự bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn, còn thoái tăng trưởng tìm cách làm giảm bớt điều này; suy thoái thường dẫn đến cắt giảm các dịch vụ công trong khi thoái tăng trưởng liên quan đến việc làm cho hàng hóa và dịch vụ thiết yếu không bị thương mại hóa; sự suy thoái thường gây ra việc các chính sách táo bạo về bền vững bị từ bỏ để có thể bắt đầu lại tăng trưởng, trong khi thoái tăng trưởng đặc biệt ủng hộ sự chuyển đổi nhanh chóng và mang tính quyết định.”

“… thoái tăng trưởng đặt ra rằng việc bảo vệ và củng cố các quyền xã hội, chính trị và văn hóa mà các phong trào hiện đại đã giành được đòi hỏi chúng ta phải vượt ra ngoài tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, khác xa với tính phản động hay có ý chống lại tất cả các loại công nghệ và tiện nghi hiện đại, thoái tăng trưởng hướng đến mục đích dân chủ hóa việc phát triển lực lượng sản xuất và chuyển hóa xã hội nhằm đạt được sự trù phú chung.”

“Chúng ta đã bị thuyết phục từ nửa thế kỷ nay, rằng việc cắt giảm các dịch vụ công là tốt cho ta, vì như thế sẽ tăng khả năng cạnh tranh, giúp cân bằng ngân sách, và cuối cùng dẫn đến tăng trưởng . Ngược lại, thoái tăng trưởng nhắm mục tiêu vào giả định cho rằng tăng trưởng kinh tế là điều chúng ta cần, và thay vào đó tập trung vào việc phân phối lại thu nhập và của cải một cách triệt để, công bằng toàn cầu, và vào những gì thực sự đảm bảo chất lượng cuộc sống. Trong khi chính sách thắt lưng buộc bụng làm tăng bất bình đẳng qua việc phá bỏ các dịch vụ công và làm lợi cho giới giàu, thì các chính sách thoái tăng trưởng tập trung vào việc dân chủ hóa sản xuất, kiềm chế sự giàu có và tiêu dùng quá mức của người giàu, mở rộng dịch vụ công làm tăng bình đẳng trong và giữa các xã hội.”

Một hiểu lầm phổ biến khác cho rằng thoái tăng trưởng ở các nước nghèo hơn là không có lý, vì nước nghèo lại càng cần phát triển vật chất – và do đó, thoái tăng trưởng là một hình thức thực dân mới, hoặc chỉ là trò ảo thuật, nó sẽ khiến cho sự bất bình đẳng toàn cầu vẫn nguyên như hiện tại . Tuy nhiên, điều ngược lại mới là sự thật – thoái tăng trưởng vốn chủ yếu bắt nguồn từ một quan điểm công lý toàn cầu nhằm mục đích phi thực dân hóa Bắc địa cầu để tạo không gian cho Nam địa cầu . Thật vậy, quan điểm của thoái tăng trưởng hướng tới mục đích là các tiêu chuẩn sống sẽ hội tụ tại một mức độ công bằng và bền vững toàn cầu. Trong khi thoái tăng trưởng đã có được các đồng minh tại Nam địa cầu, trong khuôn khổ rộng hơn có tên là “các lựa chọn thay thế cho phát triển”, nhưng nó lại chủ yếu tập trung vào Bắc địa cầu, hay cụ thể hơn là hướng vào giới sung túc duy trì cái được gọi là “phương thức sống đế quốc” (imperial mode of living – ND: hay được gọi là “lối sống kiểu Mỹ”) . Hơn nữa, như chúng tôi lý luận trong cuốn sách này, thoái tăng trưởng ủng hộ các đề xuất phi thực dân hóa các quan hệ Bắc-Nam, công bằng mang tính bồi thường, chuyển giao tài nguyên, công nghệ và tiền bạc, cũng như sự tự gia tăng sử dụng vật chất và năng lượng của giới bị tước đoạt ở Nam địa cầu (và những người sở hữu quá ít ở Bắc địa cầu) . Cần phải làm rõ rằng thoái tăng trưởng cũng không phải là một lời chỉ trích về sự gia tăng dân số (các lập luận xoay quanh vấn đề quá tải dân số đã bị các nhà thoái tăng trưởng bác bỏ một cách dứt khoát), một lời kêu gọi phi chính trị rằng “nhân loại” nên sống một cách vừa đủ hơn, hay một sáng kiến bảo tồn “Nửa Trái Đất” (Half-Earth) (thường có xu hướng chẩn đoán sai nguyên nhân gây ra sự phá hủy sinh thái và coi thường các quyền về đất đai của người bản địa). Một số tác giả cũng cảnh báo rằng việc thoái tăng trưởng trở nên phổ biến hơn có thể làm tái phát sinh sự bất đối xứng tân thuộc địa qua việc thiết lập nên một chương trình nghị sự toàn cầu mang tính thống trị và khiến các góc nhìn đa dạng từ Nam địa cầu trở nên vô hình. Theo đó thì thoái tăng trưởng sẽ “tái hiện tính ưu việt giả định của Phát triển hiện đại so với các địa hình khác trong thế giới đa chiều”. Mặc dù đây có thể là một nguy cơ cần được chú ý cẩn thận, nhưng thoái tăng trưởng thẳng thắn bác bỏ quyền bá chủ mang tính đế quốc và của phương Tây, ủng hộ việc “giải phóng khỏi mô hình phát triển một chiều của phương Tây, như một điều kiện tiên quyết cho phép Nam địa cầu có thể tự định hình xã hội và đời sống tốt đẹp cho mình”, và tham gia vào các liên minh tích cực trong khuôn khổ rộng hơn ở thế giới đa chiều của “các lựa chọn thay thế cho phát triển”.

“Chúng tôi lập luận rằng tăng trưởng kinh tế thể hiện sự cụ thể hóa về mặt tư tưởng, xã hội và lý sinh của tích lũy tư bản. Để hiểu và tháo dỡ nền chính trị về tăng trưởng ngày nay, chúng ta cần phân tích tăng trưởng kinh tế như là ba quy trình liên kết đã phát triển một cách năng động theo thời gian. Thứ nhất, với tư cách là một mục tiêu chính sách, cũng như là một nỗi ám ảnh rộng hơn của xã hội đối với tăng trưởng như cách chúng ta hiểu về nó ngày nay, tăng trưởng kinh tế là những phát triển tương đối mới, có thể được truy nguồn từ những nỗ lực vào giữa thế kỷ 20 nhằm ổn định và hoạch định các nền kinh tế tư bản thông qua sự can thiệp của nhà nước, so sánh các nền kinh tế tư bản với các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nhà nước, và xoa dịu giai cấp công nhân ngày càng chủ chiến. Chỉ thông qua ý tưởng mới rằng “nền kinh tế” có thể được đo bằng GDP, người ta mới có thể biện minh cho niềm tin rằng tăng trưởng là tự nhiên, cần thiết, tốt đẹp và không bị giới hạn. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào quyền bá chủ mới của tăng trưởng thì sẽ che lấp nguồn gốc xã hội và vật chất của tăng trưởng. Vì thế, thứ hai, chúng tôi lập luận rằng tăng trưởng cũng là một quá trình xã hội đi trước quyền bá chủ của tăng trưởng và dẫn đến các chuẩn mực văn hóa, các phương thức sản xuất và sinh hoạt cụ thể, và tập hợp các lợi ích giai cấp theo hướng gia tăng, tăng tốc và leo thang – sau đó dẫn dắt các xã hội hiện đại trở thành phụ thuộc vào tăng trưởng và động thái tích lũy của nó. Và thứ ba, tăng trưởng là một quá trình vật chất – việc sử dụng đất đai, vật liệu và năng lượng ngày càng mở rộng – một việc bắt nguồn từ chế độ phụ quyền, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản, dẫn đến thông lượng vật chất, năng lượng và khai thác ngày càng tăng chỉ vì lợi nhuận. Do đó, “tăng trưởng kinh tế” có thể được hiểu là cả sự gia tăng sản xuất kinh tế lẫn một quá trình văn hóa, xã hội, và vật chất đan xen, tự cường, đã làm đổi thay cuộc sống và hành tinh trong nhiều thế kỷ qua.”

“Lập luận trọng tâm của chúng tôi là mỗi quá trình trong ba cái kể trên đều có động thái mang tính tự tăng cường, tuy nhiên chúng vẫn liên kết với nhau, định hình một cách cơ bản cách chúng ta sống. Vì vậy, “tăng trưởng kinh tế” không chỉ mô tả sự gia tăng và tăng tốc của nền kinh tế sản xuất tiền tệ – được đo bằng GDP – mà còn là một quá trình mở rộng nhau một cách liên tục và năng động, mang tính vật chất, xã hội, và văn hóa toàn diện. Quá trình mở rộng này đã biến đổi cuộc sống và toàn bộ hành tinh trong suốt 5 thế kỷ qua. Đối với một bộ phận nhân loại, đặc biệt là ở Bắc địa cầu, điều này đã cải thiện đáng kể điều kiện vật chất và giúp mang đến thành công cho các cuộc đấu tranh xã hội đòi sự tham gia. Với những người khác, quá trình này đi kèm với sự bóc lột và phá hủy sinh kế. Hiện nay, ở đầu thế kỷ 21, những động thái đan xen này của sự bành trướng đang ngày càng chạm tới giới hạn vì chúng làm suy yếu nền tảng môi trường sinh thái, xã hội và chính trị của chính chúng. Chúng ta đã được bảo cho rằng con sóng tăng trưởng sẽ nâng tất cả các con tàu lên nếu như ta không làm chúng tròng trành (nghĩa là nếu chúng ta không làm xáo trộn sự phát triển tiến bộ của các lực tăng trưởng và tích lũy). Tuy nhiên, khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng sinh thái mang tính “hiện sinh”, có vẻ như điều ngược lại mới lại là chính xác hơn: Nếu chúng ta không khiến con thuyền của sự tăng trưởng tròng trành và kéo cần gạt khẩn cấp thì tất cả các boong thấp hơn sẽ sớm bị chìm. Nếu không chuyển hướng ngay bây giờ thì chúng ta sẽ tiếp tục bị hết cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác làm cho chao đảo, cho đến khi chính sự tăng trưởng sẽ đẩy xã hội ra khỏi đường ray của mình – một cách bạo lực. Lập luận này sẽ dẫn chúng ta đến chương tiếp theo, khi chúng tôi phác thảo những lời phê bình khác nhau về tăng trưởng mà các tài liệu về thoái tăng trưởng đã tiếp tục phát triển thêm lên.”

“Thoái tăng trưởng đại diện cho một xã hội với sự chuyển hóa xã hội thấp hơn, nhưng quan trọng hơn là một sự chuyển hóa xã hội với cơ cấu khác đi và có thể hoàn thành các nhiệm vụ mới. Thoái tăng trưởng không đòi hỏi việc thực hiện điều tương tự như hiện nay trên quy mô nhỏ hơn. “Mục tiêu không phải là để làm cho con voi gầy đi, mà là để biến con voi thành một con ốc sên”.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *