16/12/2022

Ra mắt Chuyên đề ĐỌC & KIẾN TẠO #1- GÕ CỬA TƯƠNG LAI nhân dịp kỷ niệm 11 năm Book Hunter

Chúng ta đang đứng trước một tương lai bất định với nhiều biến động lớn và những biến dịch xã hội phức tạp. Thế giới đang đổi thay một cách mạnh mẽ, và nó đòi hỏi tâm thức của con người cũng cần thay đổi theo. Đứng trước cánh cửa đổi thay, ta hẳn có nhiều băn khoăn, và để thực sự GÕ CỬA để BƯỚC VÀO, cần rất nhiều dũng cảm để đối mặt với các vấn đề tồn đọng từ quá khứ cũng như nới rộng tâm hồn để đón nhận tương lai không thể đoán trước.

Với tinh thần ấy, nhóm tác giả trẻ của Book Hunter, là các cây viết xã luận và sáng tác văn chương quyết định tập hợp các bài viết từ nhiều góc nhìn khác nhau như giáo dục, chính trị, văn chương, thần thoại, triết học, dân tộc học…, nhưng cùng thống nhất trong hành động “GÕ CỬA TƯƠNG LAI” để mong muốn hướng đến các giải pháp cho con người mới và thế giới mới.

Chuyên đề chắc chắn sẽ gợi mở những góc nhìn mới mẻ với các bạn đọc quan tâm đến triết học, chính trị, cải cách xã hội và tương lai của nhân loại, những góc nhìn được đặt ra bởi chính các tác giả trẻ gắn bó với Book Hunter ở độ tuổi 8X & 9X có chuyên môn đa dạng và nhiều trải nghiệm thực tiễn.

Thông số sách

Tên đầy đủ: Chuyên đề Đọc & Kiến tạo #1: GÕ CỬA TƯƠNG LAI – Ấn bản kỷ niệm 11 năm Book Hunter

Tác giả: Hà Thủy Nguyên, Lê Duy Nam, Bùi Minh Hào, Nguyễn Phương Mạnh, Lê Ái, Lý Uyên, Bảo Châu (Chủ biên: Hà Thủy Nguyên)

Lĩnh vực: Chính trị, Giáo dục, Triết học, Văn chương

Chuyên đề Đọc & Kiến Tạo

Số trang: 180

Cỡ sách: 16X24cm

Tình trạng bìa: Mềm

Lượt in: Chỉ in 1 lần (700 cuốn)

Cấp phép: NXB Phụ Nữ

Mã ISBN: 978-604-375-956-3

Ngày phát hành: 20/11/2022

>>Click vào ảnh để đọc thử: 

Hotline &Zalo: 096 449 17 49
Email: info.bookhunter@gmail.com
Website: https://bookhunterlyceum.org/

Nội dung chính của Đọc & Kiến Tạo #1: GÕ CỬA TƯƠNG LAI

Ý tưởng chính & Mục lục:

Chuyên đề được chia thành 4 phần lớn và mỗi phần đều gửi gắm thông điệp riêng:

Phần I – Hành Trang Đọc (Gợi ý những thái độ và nhãn quan cần có được lấy cảm hứng từ chính những cuốn sách hoặc những lĩnh vực quan trọng), bao gồm:

  • Những quy tắc về đạo văn trong học thuật thế giới và các phương pháp phát hiện đạo văn đang được áp dụng trên thế giới hiện nay (Bảo Châu)
  • Tâm lý chính trị – chủ đề nghiên cứu quan trọng của thời đại mới (Lê Duy Nam)
  • “Căn tính và bạo lực – huyễn tưởng về số mệnh” – vài điều suy nghĩ (Hà Thủy Nguyên)
  • Đô thị học tập – Nền tảng cho mọi định hướng phát triển (Hà Thủy Nguyên)

Phần II – Gợi mở (Những vấn đề không mới nhưng cần được tư duy lại), bao gồm:

  • Thử mở rộng nội hàm khái niệm “gia đình” trong cơ cấu xã hội Việt Nam hiện đại (Lê Duy Nam)
  • Mượn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” để lạm bàn về thất bại mang tính hệ thống (Nguyễn Phương Mạnh)
  • Xu hướng Dystopia (viễn cảnh tối tăm) trong văn hóa đại chúng – khi thế giới đương đầu với quá nhiều nguy cơ (Hà Thủy Nguyên)
  • “Câu chuyện vô hình” – sự trỗi dậy của con người cá nhân (Hà Thủy Nguyên)
  • Sản xuất tri thức khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa từ góc nhìn bản địa học phê phán (Bùi Minh Hào)

Phần III – Đối thoại:

  • Phỏng vấn chuyên gia giáo dục Nguyễn Quốc Vương: Trẻ em cần giỏi như nhau để có tương lai rộng mở???
  • Phỏng vấn Giáo sư E. San Juan, Jr: Ý thức chính trị và nguyên tắc tự do trong văn chương Oscar Wilde

Phần IV – Sáng tác và chiêm nghiệm:

  • Truyện ngắn “Bí mật của những ngày mưa” (Lý Uyên)
  • Truyện ngắn “Những giấc mơ nối liền”- (Lê Ái)
  • Kịch bản cuộc sống (phần 1): Thế nào là thực tiễn? (Lê Duy Nam)
  • Thơ “Trường ca: Vị thần hiện đại” (Hà Thủy Nguyên)

Về Book Hunter

Book Hunter được thành lập ngày 20 tháng 11 năm 2011 bởi nhà văn Hà Thủy Nguyên và được điều hành bởi Lê Duy Nam (hiện là CEO của Book Hunter). Trong suốt nhiều năm qua, Book Hunter khuyến khích các cây viết trẻ dấn thân vào những đề tài khó, đầu tư chất lượng nội dung kỹ lưỡng đòi hỏi lượng tri thức và trải nghiệm lớn. Các cây viết như Hà Thủy Nguyên, Lê Duy Nam, Nguyễn Phương Mạnh, Bùi Minh Hào, Lê Ái…đều trưởng thành thông qua nhiều dự án sách dịch thuật, nghiên cứu và sáng tác.

Chính sách giá và phân phối

Giá niêm yết: 135.000

Chiết khấu phân phối: 25 – 30%

Chương trình khuyến mại tối đa: 20% giá bìa

Khuyến nghị marketing dành cho đơn vị phân phối

Các nhóm khách hàng mục tiêu: Độc giả của Book Hunter, người sưu tầm các ấn bản, người quan tâm đến giáo dục và cải cách xã hội.

Từ khóa quan trọng: Book Hunter, cải cách giáo dục, Chuyên đề đặc biệt, Kiến tạo, Xã hội học tập

Gợi ý Combo với các sách của Book Hunter:

  • “Chuyên đề Đọc & Kiến Tạo #1: GÕ CỬA TƯƠNG LAI” + “Nghệ thuật & Thợ thủ công” + “Chiến thắng của đô thị” + “Trẻ em học như thế nào” => Kiến tạo một xã hội tốt hơn
  • “Chuyên đề Đọc & Kiến Tạo #1: GÕ CỬA TƯƠNG LAI” + Tập thơ “Đi săn mùa thu” => Ấn bản kỷ niệm của Book Hunter

Gợi ý Combo với các sách hiện đạng có trên thị trường:

-“Chuyên đề Đọc & Kiến Tạo #1: GÕ CỬA TƯƠNG LAI” + “Chuyên đề Đọc và Viết” số mới nhất hoặc số đầu tiên (NXB Hội Nhà Văn) => Chuyên đề Đọc chất lượng cho dân nghiện sách

– “Chuyên đề Đọc & Kiến Tạo #1: GÕ CỬA TƯƠNG LAI” + “Xây dựng xã hội học tập” (Omega Plus Book)

Trích dẫn hay:

“Xã hội vốn dĩ đa nguyên về căn tính. Như đã nói ở trên, một người có thể có rất nhiều căn tính khác nhau. Theo như Sen nói, việc “một con người có thể thật sự mất đi khả năng xem xét những dạng thức căn tính thay thế khác” là một việc “khó hình dung”. Tức là lựa chọn căn tính ưu tiên là quá trình diễn ra tự nhiên và “liên tục”. Một khi căn tính ưu tiên đã được lựa chọn, cuộc đời của mỗi cá nhân sẽ gắn liền với một số căn tính ấy.”

– Hà Thủy Nguyên

“Cách hiểu về “gia đình” mà chúng ta đang sử dụng hiện nay chỉ mang đặc trưng của mô hình gia đình hạt nhân (nuclear family/conjugal family), tức là một gia đình bao gồm bố mẹ và con cái chưa thành hôn. Mô hình này trở thành biểu tượng của niệm về gia đình trên đại đa số các hình ảnh tuyên truyền liên quan đến gia đình. Thậm chí mô hình gia đình hạt nhân còn được coi là kiểu mẫu của sự hướng tới hạnh phúc và thành đạt. Tuy nhiên mô hình hoàn hảo này có vấn đề lớn.

Nếu một cặp vợ chồng không thể có con hoặc không thích có con, thế thì họ phải đối mặt với những định kiến rằng dường như họ không phải là một gia đình hoàn hảo. Từ đó, những người khác trong gia tộc gây áp lực lên cặp vợ chồng để cưỡng ép họ phải biến đổi sang mô hình gia đình hạt nhân. Trong khi đó, bản chất quan hệ giữa vợ chồng không con cái sẽ rất khác với quan hệ gia đình kiểu bố mẹ – con cái. Quan hệ thuần túy vợ chồng đề cao khoái lạc, tự do và khám phá hơn, trong khi quan hệ bố mẹ – con cái theo mô hình gia đình hạt nhân lại bị ràng buộc bởi các nhân tố khác như tài sản, sự giáo dục, nòi giống… Không thể lấy tiêu chuẩn của một mô hình để áp đặt lên mô hình khác vốn không cùng tính chất được.”

– Lê Duy Nam

“Thất bại mang tính hệ thống được thấy trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” thuộc dạng thất bại do tích tụ áp lực ngầm lên hệ thống trong thời gian dài, làm yếu đi các mắt xích, tha hóa các phần tử, làm căng thẳng các mối liên kết. Khi áp lực ngầm được tích tụ đủ, chỉ cần một biến cố nhỏ cũng làm nên ảnh hưởng lớn, chấn động các quá trình diễn ra trong hệ thống đó, từ đó tạo nên thất bại mang tính hệ thống.”

– Nguyễn Phương Mạnh

“Tăng quyền và trao quyền cho đối tượng nghiên cứu được coi là một phương pháp giải thực dân, giải độc quyền của nhà nghiên cứu, một con đường giải bỏ, giảm bớt sự bất đối xứng giữa “nhà nghiên cứu” và “đối tượng nghiên cứu”. Có thể nhiều người không khỏi hoang mang khi bước đầu tiếp xúc với quan điểm bản địa học phê phán bởi không định hình được vị trí và công việc của nhà nghiên cứu khi đã tiến hành tăng quyền và trao quyền cho đối tượng nghiên cứu trong quá trình sản xuất tri thức khoa học.”

– Bùi Minh Hào

“Cú ngã xuống mặt sàn lạnh ngắt làm tôi mở mắt. Đồng hồ chạy tíc tắc, tíc tắc. Từng mảnh xác thịt nàng gieo xuống mặt đất. Ngài ru thế gian lịm đi trong tĩnh lặng. Ngài bỏ quên vũ điệu hủy diệt, còn vạn vật chẳng màng đến tái sinh. Này cỏ cây, hãy ngừng lay động vì Ngài không dõi nhìn nữa đâu. Này sỏi đá, hãy ngừng lạo xạo vì chân Ngài chẳng còn bước lên đâu . Hơi thở của Ngài nhè nhẹ, Ngài đang thương nhớ nàng trong lặng câm.”

– Lê Ái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *