Những đứa trẻ bị giam cầm trong định chế tuổi thơ – John Holt

Trích đoạn chương 2, cuốn sách “Thoát khỏi tuổi thơ” của John Holt.

John Holt là một nhà giáo dục và nhà cải cách giáo dục nổi tiếng người Mỹ, người đã có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy phong trào homeschooling (giáo dục tại nhà).John Holt là người tiên phong trong việc phát triển và quảng bá ý tưởng rằng trẻ em học tốt nhất trong môi trường linh hoạt, nơi chúng có thể tự do khám phá và học hỏi theo cách riêng của mình. Ông tin rằng giáo dục không nên bị ràng buộc bởi những quy tắc cứng nhắc và khuôn khổ của trường học, mà nên là một quá trình tự nhiên và liên tục suốt đời.

Chúng ta có thể nghĩ rằng cuộc đời con người sẽ diễn biến theo một dạng đường cong: bắt đầu từ khi sinh ra, đi lên các điểm đỉnh sức mạnh thể chất, tinh thần và xã hội, sau đó gần như đi ngang trong một khoảng thời gian rồi từ từ đi xuống tuổi già và cuối cùng là cái chết. Đường cong cuộc đời của mỗi người mỗi khác. Đôi khi chúng bị cái chết ngắt đứt đột ngột. Nhưng với từng con người thì đường cong ấy là hoàn chỉnh và duy nhất. Dĩ nhiên đó là một đường cong thay đổi và phát triển liên tục. Ở mức độ nào đó chúng ta của ngày hôm nay luôn khác với chúng ta của ngày hôm qua. Nhưng sự phát triển và thay đổi này diễn ra liên tục, nó không hề bị ngắt quãng hay gián đoạn. Chúng ta không như một số loài côn trùng – đột nhiên chuyển từ dạng sinh vật này sang một dạng sinh vật khác hẳn.

Đến đây thì sự kiện tuổi thơ kết thúc và thể chế tuổi thơ bắt đầu. Tuổi thơ như chúng ta biết hiện nay đã chia cắt đường cong cuộc đời, chia cắt tổng thể hoàn chỉnh đó làm hai phần – một gọi là Tuổi thơ, và một gọi là Tuổi Trưởng thành hoặc Tuổi Chín chắn. Lối phân chia như thế tạo nên một sự Phân tách lớn trong đời sống con người, và làm chúng ta nghĩ rằng những người ở hai phía đối lập của sự phân tách này, Trẻ em và Người lớn, rất khác nhau. Do đó ta hành động như thể sự khác biệt giữa một thanh niên mười sáu tuổi bất kỳ với một thanh niên hai mươi hai tuổi bất kỳ rõ rệt và quan trọng hơn hẳn sự khác biệt giữa một người hai tuổi với một người sáu tuổi, hoặc một người hai mươi hai tuổi với một người đã ở tuổi thất tuần. Bởi vì xét về dạng kiểm soát mà một người được thực thi đối với cuộc sống của chính họ, tức khả năng đưa ra những lựa chọn quan trọng, thì người mười sáu tuổi giống với người hai tuổi hơn là người hai mươi hai tuổi. Tóm lại, nói đến “thể chế tuổi thơ” là tôi muốn nói đến tất cả những thái độ và cảm xúc, cũng như những phong tục và điều luật đang tạo ra một hố sâu hoặc một rào cản ngăn cách giữa người trẻ và những người lớn xung quanh các em cùng thế giới của họ; nó khiến cho các em khó hoặc không thể tiếp cận cộng đồng lớn hơn xung quanh mình, và thậm chí tệ hơn, không thể có bất kỳ đóng góp nào vào cộng đồng đó một cách chủ động, trách nhiệm và hữu ích; nó giam cầm người trẻ suốt mười tám năm trong tình trạng phục tùng và phụ thuộc, và khiến cho các em, như tôi đã nói ở trên, trở thành một thứ phiền toái tốn kém kiêm báu vật mong manh kiêm nô lệ kiêm siêu thú cưng.

Có lúc tôi đã nghĩ đến việc đặt tựa đề cho cuốn sách này là “Ngục tù của tuổi thơ”, hoặc đưa vào tên sách từ “giải phóng” theo gợi ý từ một người bạn. Nhưng một người bạn khác lại phản đối lối đặt tên như thế vì nó nghe như thể những người ủng hộ thể chế tuổi thơ hiện tại là do họ không thích trẻ em và muốn giam cầm các em theo một cách nào đó. Cô khẳng định điều này là không đúng. Rất nhiều người tin tưởng vào cách nuôi dạy con cái hiện nay của chúng ta – và do đó sẽ ghét nhiều hoặc hầu hết các ý tưởng trong cuốn sách này – là những người yêu quý trẻ em và muốn làm những điều mà họ nghĩ là tốt nhất cho các em.

Tôi đã đồng ý với cô bạn trên và bỏ đi cả hai từ “ngục tù” và “giải phóng,” cả hai đều có hàm ý đưa trẻ em ra khỏi một nơi tệ hại mà những kẻ xấu xa đã nhốt các em vào. Từ “thoát khỏi” không nhất thiết ám chỉ nghĩa này. Nếu chúng ta đang ở trong một ngôi nhà gặp hỏa hoạn hoặc ở trên một con tàu bắt đầu chìm thì ta sẽ muốn thoát ra – nhưng như thế không có nghĩa là ta nghĩ ai đó đã dụ dỗ hoặc đặt mình vào ngôi nhà hoặc con thuyền ấy. Hơn nữa, “thoát khỏi” là một từ chỉ hành động. Để thoát khỏi hiểm nguy, trước tiên ta phải khẳng định đó là một mối nguy và sau đó hành động để tránh xa tình trạng đó. Tôi muốn nhường lại cho các bạn trẻ quyền được quyết định và lựa chọn, rồi thực hiện hành động đó. Phần lớn những người tin tưởng vào thể chế tuổi thơ như thực trạng hiện nay coi nó là một khu vườn rào giậu kỹ lưỡng, ở trong đó trẻ em, nhỏ bé và yếu đuối, được bảo vệ khỏi những điều khắc nghiệt của thế giới bên ngoài cho đến khi các em đủ mạnh mẽ và thông minh để đương đầu với chúng. Một số trẻ trải nghiệm tuổi thơ đúng theo cách đó. Tôi không muốn phá hủy khu vườn ấy hay đuổi các em ra khỏi đó. Nếu các em yêu thích nó, tất nhiên hãy để các em ở lại trong đó. Nhưng tôi tin rằng phần lớn người trẻ bắt đầu cảm thấy tuổi thơ của họ không phải là một khu vườn mà là một nhà ngục, và cảm nhận này đến với các em ngày một sớm. Điều tôi muốn làm là tạo một hoặc nhiều cánh cổng trên hàng rào của khu vườn ấy để những người trẻ nào thấy nó không còn là nơi che chở hay hữu ích cho các em mà khiến các em cảm thấy ngột ngạt và bị hạ thấp giá trị có thể ra khỏi đó và thử sống đôi chút trong một không gian lớn hơn. Nếu một cuộc sống mới như thế là thử thách quá lớn với các em, các em hoàn toàn có thể quay lại mảnh vườn cũ. Quả thực, có lẽ chúng ta ai cũng nên có cho mình một khoảnh vườn rào giậu chặt như vậy làm nơi ẩn náu khi cần.

Tôi không nói rằng trẻ em nào cũng luôn luôn có cảm nhận tồi tệ về tuổi thơ của mình. Nhưng Tuổi thơ, hiểu theo nghĩa một Tuổi thơ Trong sáng, Hạnh phúc, An toàn, và được Bảo vệ không phải là thực tế của nhiều em nhỏ. Với nhiều em khác, tuổi thơ dù tốt đẹp đến đâu cũng kéo dài lê thê, và không có phương cách nào từ tốn, hợp lý và dễ chịu cho các em từ từ ra khỏi hoặc rời bỏ nó. Nhiều trẻ không có gia đình. Cha mẹ các em đã chết hoặc đã bỏ rơi các em. Hoặc luật pháp đã tách các em khỏi cha mẹ, có lẽ vì họ đã đối xử tàn bạo hoặc bỏ bê các em, hoặc vì chính phủ không chấp thuận quan điểm chính trị, thái độ đạo đức hay lối sống của họ. Hầu hết những trẻ mất gia đình vẫn thuộc quyền bảo hộ của nhà nước – tức là các em là những tù nhân. Đó là lựa chọn mà pháp luật hiện nay đem đến cho các em. Nếu bạn không thể (hoặc sẽ không) là một đứa trẻ thì bạn phải là một tù nhân trong một kiểu nhà tù nào đó, được canh gác bởi những người mà mối bận tâm chính của họ là không để cho bạn có cơ đào tẩu. Nhiều trẻ sống một cuộc sống có vẻ bình thường trong một gia đình dường như là bình thường, nhưng tuổi thơ của những em này nếu có an toàn ở một vài khía cạnh nhất định thì xét theo nghĩa nào cũng không thể coi là hạnh phúc, được chở che, hoặc ngây thơ. Ngược lại, các em có thể bị gia đình mình bóc lột, bắt nạt, làm nhục và ngược đãi theo nhiều cách. Nhưng ngay cả trong những gia đình như vậy, cuộc sống của những đứa trẻ có thể sẽ không quá đau khổ và gây nhiều tổn hại cho các em nếu thi thoảng các em có cơ hội sống tách khỏi cha mẹ hoặc những người anh/chị em ruột “kình địch” của mình.

Với rất nhiều trẻ, tuổi thơ dù có thể hạnh phúc và lý tưởng đến đâu thì hiện nay nó đơn giản là đang kéo dài lê thê. Trong số những gia đình mà tôi thân quen, nhiều trẻ sau nhiều năm sống hạnh phúc bên cha mẹ đột nhiên cảm thấy không thể chịu đựng nổi họ, và họ cũng không chịu đựng nổi các em. Cuộc sống bên nhau trước đây càng hạnh phúc bao nhiêu thì nay lại càng làm cho những người cha người mẹ, và có lẽ cả các bạn trẻ, đau khổ bấy nhiêu. “Chúng tôi từng sống rất hòa thuận”. “Con tôi từng rất hạnh phúc”. “Tôi không biết cái gì đã nhập vào thằng bé nữa”. “Chúng tôi hẳn đã làm sai điều gì đó nhưng vẫn chưa hình dung được nó là chuyện gì!” Và cũng rất nhiều lần tôi được nghe hững người trẻ, thường là ở độ tuổi 19 – 23, kể rằng, “Em yêu cha mẹ em, gia đình em từng rất vui vẻ bên nhau, nhưng giờ họ muốn em làm việc này việc kia, và em không thích tẹo nào, em muốn làm những việc khác kia, mà họ lại không thích chuyện đó. Em cảm thấy mình có lỗi và hoang mang, em không biết phải làm sao nữa. Em không muốn làm phiền lòng cha mẹ, nhưng em phải sống cuộc đời riêng của em chứ”. Dường như đoạn kết của tuổi thơ lại đau đớn nhất đối với những ai từng có một thời thơ ấu hạnh phúc nhất.

Tuổi thơ diễn ra quá lâu, và có quá ít các phương thức từng bước hợp lý để cho người trẻ thoát ra khỏi nó và bước vào một cuộc sống khác, một mối quan hệ khác với cha mẹ. Khi người trẻ không thể tìm ra cách tháo gỡ những mối gắn kết giữa mình với cha mẹ, cô bé/cậu bé ấy chỉ còn lại lựa chọn duy nhất là phá vỡ chúng. Mối gắn kết càng bền chặt thì lực kéo cần để phá vỡ nó càng phải mạnh và quyết liệt hơn. Một nỗ lực như vậy có thể dẫn đến những cảm xúc khủng khiếp, tồi tệ, gần như không thể quên, cùng những tổn thương và đau đớn. Như thể bạn trẻ ấy vì không thể tìm được cách nào khác để thoát ra khỏi tổ của mình mà đành phải phá tung nó.

Ở nhà ga tàu điện ngầm Boston có một tấm biển đề dòng chữ: CHĂNG AI TRỐN CHẠY KHỎI MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC. Nhưng những mái ấm hạnh phúc nhất có thể trao cho trẻ lòng tự tin, sự hiếu kỳ, và năng lượng mạnh mẽ đến mức làm dấy lên trong các em mong muốn kiểm nghiệm sức mạnh và kĩ năng của mình trong một thế giới lớn hơn. Và nếu mong muốn ấy của các em không được đáp ứng thì đó chính là khởi đầu của bất hạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *