Nghiện chiến đấu không giúp giải quyết biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường – Charles Eisenstein

Trích đoạn chương 1, sách KHÍ HẬU - CÂU CHUYỆN MỚI của tác giả Charles Eisenstein. 

Charles Eisenstein (1967) là một tác giả, diễn giả, và nhà hoạt động nổi tiếng người Mỹ với các công trình về triết học, văn hóa, và sinh thái học. Ông là người viết nhiều cuốn sách và bài viết nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội và môi trường. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Kinh tế học thiêng liêng” đã được Book Hunter xuất bản năm 2021. 

Trong những điều được  nhắc đến ở trên, không một điều nào phủ nhận những thực trạng khủng khiếp đang xảy ra với sự sống trên hành tinh này. Có ai đó đang san bằng cây cối, làm khô cạn các vùng đầm lầy, đánh bắt cá tận đáy biển, làm ô nhiễm nước, không khí và đất. Với mỗi thực trạng như thế, ai đó ở đây chính là con người.

Vì hầu hết các thiệt hại xảy ra đều do các chỉ thị của các tập đoàn lớn, nên có vẻ hợp lý khi ta gọi họ là kẻ thù. Hãy vạch trần hành vi vô đạo đức của họ! Hãy bắt họ chịu trách nhiệm! Hãy ngăn cản tội ác của họ bằng những hình phạt thích đáng! Hãy rút hết tiền của họ ra khỏi nền chính trị! Sau đó chúng ta ít nhất có thể giảm bớt sự quá đáng ở mức tồi tệ của họ. Với các điều kiện hiện tại thì lập luận này là hợp lý, nhưng nó cũng nhìn nhận rằng những điều chúng ta phải thay đổi lại không thể thay đổi. Tôi sẽ cung cấp một số chi tiết cụ thể trong cuốn sách này; còn lúc này, tôi sẽ đưa ra một điều tổng quát: việc chiến đấu với kẻ thù là vô ích khi bạn sống trong một hệ thống luôn có vô số kẻ thù được sinh ra. Đó chính là cách thức dẫn đến một cuộc chiến không hồi kết.

Nếu có điều gì đó cần phải thay đổi, thì một trong những chứng nghiện – cơ bản hơn cả chứng nghiện nhiên liệu hóa thạch – mà chúng ta sẽ phải từ bỏ là chứng nghiện chiến đấu. Sau đó, chúng ta mới có thể xem xét các tình trạng cơ bản của việc sinh ra vô số kẻ thù mà ta phải đối đầu.

Chứng nghiện chiến đấu bắt nguồn từ một nhận thức rằng thế giới chất chứa đầy kẻ thù: các nguồn lực vô định của thiên nhiên nghiêng về phía sự hỗn loạn (1), và các đối thủ cạnh tranh mang ý thù địch tìm cách làm tăng tư lợi kinh tế hoặc tư lợi tái sản xuất của họ tới mức vượt  qua lợi ích của chúng ta. Trong thế giới của sự cạnh tranh, hạnh phúc có được là nhờ sự vượt trội. Trong thế giới của các nguồn lực tự nhiên vô định, hạnh phúc có được là nhờ sự kiểm soát. Chiến tranh là trạng thái tâm lý muốn kiểm soát ở hình thức cực đoan nhất của nó. Hãy giết kẻ thù – cỏ dại, sâu bệnh, khủng bố, vi trùng – để cho vấn đề được giải quyết một lần và mãi mãi.

Chẳng qua viễn cảnh đó không bao giờ xảy ra. Thế chiến thứ nhất – “cuộc chiến nhằm chấm dứt mọi cuộc chiến tranh” – được tiếp nối bằng một cuộc chiến khác ngay sau đó, thậm chí còn khủng khiếp hơn. Cái ác cũng không biến mất sau sự thất bại của chủ nghĩa quốc xã hay sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên bang Soviet lại là cuộc khủng hoảng đối với một xã hội đã dần định hình chính mình nhờ vào những kẻ thù; do đó mà kéo theo một cuộc truy lùng ráo riết để tìm cho ra một kẻ thù mới trong những năm 1990, và kết quả là thế giới tìm được một ứng cử viên yếu ớt – “trùm ma túy Colombia” – và không lâu sau đó lại chọn được “sự khủng bố” là kẻ thù mới.

Cuộc chiến chống khủng bố mang lại một thỏa thuận mới về cuộc sống cho một nền văn hóa được xây dựng dựa trên việc gây chiến; thật vậy, dường như nó đưa ra viễn tưởng về cuộc chiến vĩnh viễn. Thật không may cho các tổ hợp công nghiệp-quân sự (2) , công chúng dường như ngày càng bớt sợ khủng bố hơn; thực trạng này dẫn tới việc đòi hỏi phải có một chuỗi các mối đe dọa mới để duy trì bầu không khí sợ hãi. Thật khó để nói rằng các chiến dịch nhằm gieo rắc sợ hãi trong vài năm vừa qua – tin tặc Nga, khủng bố Hồi giáo, dịch Ebola, virus Zika, vũ khí hóa học của Assad và chương trình hạt nhân của Iran – đã không mang lại kết quả nào. Các phương tiện truyền thông ít nhất cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo, và công chúng dường như đã nương theo các chính sách mà những chiến dịch này cổ súy, chẳng hạn như các chương trình phun thuốc quy mô lớn ở Florida để “diệt Zika”. Tuy nhiên (và điều này phần nào đó có thể là một chức năng của các vòng xã hội theo văn hóa phản kháng của tôi (3) , tôi thực sự không thấy sợ hãi mấy về những điều này, bởi chẳng có gì giống với nỗi sợ hãi hiện rõ về Liên Xô vốn khá phổ biến trong suốt thời thơ ấu của tôi. Công chúng đã chẳng còn đếm xỉa mấy đến những gì mà các nhà chức trách nói, kể cả khi họ hù dọa. Thái độ thờ ơ của công chúng cho phép giới tinh hoa quản trị theo đuổi các chương trình kiểm soát của họ, nhưng họ không còn đào khoét và khai thác nỗi sợ hãi thực sự nữa. Ngoài các tầng lớp chính trị gia ra thì có người nào thực sự sợ Iran, Bashar al-Assad, hay Vladimir Putin không? Người ta nghi ngờ rằng ngay cả các chính trị gia cũng không hề sợ hãi, mặc dù họ có thể biểu hiện dáng vẻ đáng báo động như một động thái chính trị.

Tôi đề cập đến sức mạnh đang dần suy yếu của các chiến thuật đe dọa bởi vì nỗ lực để ngăn chặn sự sụp đổ hệ sinh thái đã sử dụng nhiều chiến thuật gây sợ hãi tương tự như thế. Câu chuyện biến đổi khí hậu quan trọng nhất về cơ bản là thế này: “Hãy tin chúng tôi, những thứ tồi tệ sẽ xảy ra nếu chúng ta không khẩn trương tạo ra những thay đổi lớn. Gần như đã quá muộn rồi – kẻ thù đã đứng trước cổng!” Tôi muốn chất vấn những ai cho rằng chúng ta có thể và nên dùng các lời kêu gọi dựa trên nỗi sợ mà thúc đẩy công chúng đi tìm tư lợi. Thế còn điều ngược lại? Còn những lời kêu gọi yêu thương thì sao? Sự sống trên trái đất bản chất có quý giá và thiêng liêng không, hay nó chỉ là thứ mang lại lợi ích cho chúng ta?

Các hoạt động gây biến đổi khí hậu tiềm ẩn khắp nơi trong những câu chuyện chiến tranh, trong các phép ẩn dụ về chiến tranh và trong các chiến lược của chiến tranh. Bên cạnh những thói quen ngấm ngầm của Câu Chuyện Phân Tách thì lí do chính là sự ham muốn đã gây hứng khởi cho lòng nhiệt thành và cam kết mà người ta thể hiện trong thời chiến.

Dựa theo khuôn mẫu để hùng biện cho chiến tranh, chúng ta khơi dậy một mối đe dọa mang tính sống còn. Tôi không nghĩ nó hiệu quả. Tôi ngần ngại khi sử dụng thuật ngữ “biến đổi khí hậu” trong các tiêu đề tiểu luận của mình. Vào lần cuối cùng tôi dùng thuật ngữ ấy, một độc giả đã viết cho tôi thế này: “Tôi gần như không đọc bài viết của bạn vì tiêu đề của nó có cụm biến đổi khí hậu và tôi đã phát ngán khi phải nghe đi nghe lại điều đó”.

Có lẽ chúng ta đang dần kiệt quệ vì chiến tranh. Có phải càng ngày bạn càng được khuyến khích để tham gia vào một cuộc chiến khác không? Bạn có rơi vào tình trạng kiệt sức không, khi mà không một nỗi kinh hoàng mới mẻ nào có thể thôi thúc bạn cam kết làm điều mà bạn đã làm cách đây vài năm? Tình trạng kiệt sức này dường như là sự gục ngã của các nhà hoạt động, nhưng như câu chuyện về người đàn ông bị lạc trong mê cung, nó có thể là một bước khởi đầu cần thiết cho một phương thức tham gia hoàn toàn khác.

Nếu “sự đấu tranh” chống biến đổi khí hậu thực là một cuộc chiến thì ta sẽ biết rõ phe nào đang chiến thắng. Lượng thải khí nhà kính đã không ngừng tăng lên kể từ lần đầu tiên những tác động ấy được nhìn nhận rộng rãi như một vấn đề vào cuối những năm 1980. Nạn phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra và thực trạng ở một số nơi thậm chí còn trầm trọng hơn. Cũng không có tiến bộ nào được ghi nhận trong việc thay đổi cơ sở hạ tầng nền tảng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của xã hội. Nếu chiến tranh là câu trả lời duy nhất, thì chúng ta phải đáp trả bằng cách chiến đấu quyết liệt hơn. Nếu có cách khác, thì thói quen chiến đấu sẽ thành trở ngại cho sự chiến thắng.

Trong trường hợp hủy diệt hệ sinh thái, tâm lý chiến tranh không chỉ là một trở ngại cho việc chữa lành, nó còn là một phần trong bản chất vấn đề. Chiến tranh hình thành dựa trên một loại chủ nghĩa giản lược: nó giản lược các nguyên nhân phức tạp được kết nối với nhau – bao gồm cả bản thân chúng ta – thành một nguyên nhân đơn giản bên ngoài được gọi là kẻ thù. Hơn nữa, nó thường dựa vào việc giản lược khái niệm kẻ thù thành một bức chân dung biếm họa để lăng mạ của một con người. Việc biến kẻ thù thành một con quỷ mất hết tính người có một chút khác biệt so với việc làm mất đi sự tập trung vào yếu tố thiên nhiên vốn là nền tảng của hành động hủy diệt sinh thái. Việc biến thiên nhiên thành một thứ khác không xứng đáng được sùng kính và tôn trọng – một đối tượng để thống trị, kiểm soát và chinh phục – là một hành vi tương đồng với sự tha hóa và bóc lột của con người. Thái độ tôn trọng thiên nhiên không thể tách rời khỏi thái độ tôn trọng tất cả các loài sinh vật, bao gồm cả con người. Không thể vun trồng cái này mà lại không có cái kia. Do đó, tình trạng biến đổi khí hậu kêu gọi chúng ta hướng tới một sự biến đổi lớn hơn, thay vì chỉ là một sự thay đổi đơn thuần trong các nguồn năng lượng của chúng ta. Nó kêu gọi chúng ta biến đổi mối quan hệ cơ bản giữa cái tôi cá nhân với những cái tôi khác, bao gồm mối quan hệ giữa cái tôi tập thể của nhân loại với thiên nhiên – “cái tôi khác” của nhân loại, nhưng không chỉ giới hạn trong đó.

Chú thích:

1. Nguyên văn: entropy. “Entropy” nguyên là thuật ngữ nhiệt động lực học do nhà vật lý Rudolf Clausius đề xuất, ám chỉ sự thất thoát nhiệt một cách vô ích; và sau này sinh ra khái niệm “chết nhiệt vũ trụ,” trong đó ám chỉ đến sự hỗn độn/hỗn mang (randomness). Rudolf Clausius nói rằng, “entropy” của vũ trụ ngày càng tăng; vì các nguyên tử luôn chuyển động nên tùy thuộc vào dạng vật chất cấu thành mà mức độ hỗn loạn này sẽ khác nhau. Tác giả nhắc đến thuật ngữ này ở đây là để ám chỉ một niềm tin mang tính ngụy biện, xem sự biến đổi khí hậu là điều bình thường, do “entropy” gây ra. (HĐ)

2. Nguyên văn: military-industrial complex. Tổ hợp công nghiệp-quân sự là thuật ngữ được dùng để mô tả sự hợp tác chặt chẽ giữa giới chính khách, quan chức quân đội và đại diện các ngành công nghiệp vũ khí. (HĐ)

3. . Nguyên văn: countercultural social circle. Vòng xã hội (social circle) là khái niệm mô tả một nhóm người kết nối với nhau về mặt xã hội. Ở đây, tác giả ám chỉ đến những người có cùng ý hướng theo đuổi nền văn hóa phản kháng (counter culture), tức nền văn hóa có các giá trị và ý niệm về hành xử khác biệt cơ bản (thường là đối lập) với các giá trị và ý niệm hành xử phổ biến đương thời. Xin lưu ý, chúng tôi dịch là “văn hóa phản kháng”, vốn mang nét nghĩa hoàn toàn khác với “phản văn hóa” mà nhiều người vẫn hay dùng để dịch cụm từ liên hệ. (HĐ)

Đọc thêm

Suối thượng nguồn cạn & câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh nên được kể thế nào?

Hà Thủy Nguyên viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *