Lã Bất Vi và “Lã thị Xuân Thu”

Trích đoạn từ cuốn sách "Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu" của James D. Sellmann

Trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa, Lã thị Xuân Thu của Lã Bất Vi là cổ thư kinh điển đã truyền cảm hứng cho vị vua tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc để trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Trong Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu, một nghiên cứu đương đại về cổ thư Trung Hoa này, tác giả James D. Sellmann nhận thấy rằng khái niệm “hợp thời” khiến các triết lý đa dạng của tác phẩm trở nên mạch lạc. Ông thảo luận về cuộc đời và thời đại của tác giả Lã Bất Vi, cũng như cấu trúc của tác phẩm. Sellmann phân tích vai trò của bản chất con người, sự biện minh của nhà nước và tầm quan trọng của thời – thời của cá nhân, thời của lịch sử, thời của vũ trụ – trong Lã thị Xuân Thu. Quan điểm của thuyết công cụ hữu cơ nảy mầm từ các lý thuyết đa dạng của Lã thị Xuân Thu. Để kết luận, Sellmann xem xét ý nghĩa của các triết lý đồng bộ trong Lã thị Xuân Thu đối với các quan niệm đương thời về thời gian, bản chất con người, trật tự chính trị và đạo đức xã hội và môi trường.

Cuộc đời của Lã Bất Vi và việc biên soạn Lã thị Xuân Thu là ví dụ cho nhiều góc độ của “hợp thời”[1]. Nền tảng lịch sử phía sau Lã thị Xuân Thu và động cơ của Lã Bất Vi để biên soạn nên tuyển tập này thật thú vị. Đặt công trình này trong bối cảnh lịch sử để đánh giá đầy đủ về nó cũng là điều cần thiết, nó đưa ra khái niệm về chữ thời và triết lý “hợp thời” chứa đựng trong đó. Người ta ngay lập tức phải đối mặt với hai khó khăn khi phải cấu trúc lại cuộc đời của Lã Bất Vi. Trước tiên là việc thiếu tư liệu về gia cảnh và cuộc sống của ông trước khi quen biết Tử Sở (hay Dị Nhân) ở nước Triệu trong giai đoạn 265 – 260 trước Công nguyên. Hai là, có một số vấn đề về độ tin cậy hay sự sai lệch về văn bản hoặc sự thay đổi có chủ ý trong các tài liệu lịch sử ít ỏi có liên quan đến cuộc đời Lã Bất Vi, đặc biệt là phần “liệt truyện” của ông ta trong Sử ký. Dường như tài liệu gốc đã bị thay đổi[2].

Triều đại của vị hoàng đế đầu tiên của nước Tần (221 – 210 TCN) đã tạo ra những thay đổi căn bản về xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế. Nhưng nên cạnh đó, nỗi thống khổ và cả những cái chết không cần thiết đã giáng xuống người dân trong khi thực hiện các công trình của triều đình như mở đường giao thông (tức Tần Trực Đạo – ND), cung điện, lăng tẩm và cả nối liền những đoạn tường thành để dựng nên Vạn Lý Trường Thành. Tần Thủy Hoàng đế kiểm soát gắt gao tầng lớp nho sĩ. Điều này có thể nhận thấy thông qua việc ban hành sắc lệnh khét tiếng của Lý Tư là tiến hành phá hủy các thư viện tư nhân và giết hại các học giả[3]. Sự hà khắc này và cả sự phóng đại sau này của người đời về nó đã tạo điều kiện cho làn sóng thù địch chống lại Hoàng đế và cả thân tín của ông ta. Thời gian không hàn gắn được vết thương này. Vì sự thù địch và đặc tính giáo điều của lối chép sử xưa (và nay) tại Trung Quốc, đã có một số sử gia nhầm lẫn khi kéo chế độ chuyên chế của nhà Tần (221 – 206 TCN) về lại giai đoạn trị vì trước đó của Tần vương Doanh Chính (giai đoạn 246 – 221 trước Công nguyên, Doanh Chính thực ra lên ngôi vào tháng Năm năm 247, khi phụ vương của ông băng hà). Lối diễn giải sai lầm này thực sự có vấn đề vì Tần vương Doanh Chính lúc bấy giờ vẫn còn nhỏ và ông không có thực quyền suốt chín năm đầu cai trị (247 – 238 TCN). Ông bắt đầu nắm giữ quyền hành sau khi làm lễ gia quan[4], đeo kiếm vào năm 238. Có một xu hướng công kích vào bất cứ ai có liên quan tới Tần Thủy Hoàng, như thể quần thần lúc ban đầu phải chịu trách nhiệm cho nền chuyên chế của ông ta sau khi thống nhất thiên hạ[5].

Những cách giải thích khác lạ về lịch sử thời Tần đã tạo nên nhiều ngộ nhận về Lã thị Xuân Thu. Dù rằng cuốn sách này không phải nhằm vào các lối diễn giải khác nhau về Lã thị Xuân Thu, nhất là những cách tiếp cận không đầy đủ, tuy nhiên cũng có một cách lý giải không rõ ràng mới xuất hiện trở lại gần đây rất đáng lưu tâm vì nó đã bóp méo mục đích và nội dung của công trình này. Đây là góc nhìn được học giả thời Tống – Cao Tự Tôn đưa ra đầu tiên, học giả thời Minh – Phương Hiểu Nhụ phân tích và cuối cùng được Tiêu Công Quyền tổng hợp, họ cho rằng Lã thị Xuân Thu trực tiếp chống lại học thuyết Pháp gia, nhất là trong các chính sách của Tần Thủy Hoàng[6]. Cách diễn giải này chỉ có thể dựa trên việc đọc có chọn lọc và trích dẫn sai văn bản cùng cách hiểu sai lầm rằng Lã thị Xuân Thu phản đối các chính sách mà ít nhất hai thập kỷ sau khi cuốn sách ra đời mới được thiết lập. Giả thuyết Lã thị Xuân Thu mang tính chống Tần đã bỏ qua chuyện Lã Bất Vi từng nắm thực quyền trong triều và cũng bỏ qua sức hấp dẫn bấy lâu nay đối với các nhà tư tưởng Pháp gia như Thương Ưởng hay sau đó là Lý Tư trong triều đình nước Tần. Cách tiếp cận chính trị “như một cuộc mua bán” của Lã Bất Vi không hề xa lạ với các biện pháp của Pháp gia. Điều tồi tệ nhất với giả thuyết rằng Lã thị Xuân Thu là một văn bản chống Pháp gia chính là những tư liệu Pháp gia chứa trong bản thân Lã thị Xuân Thu và như Hồ Thích có nói, một số tài liệu Pháp gia đó có thể được chính Lý Tư viết lại, nhất là trong thiên Sát kim[7]. Dù người ta chấp nhận Lã thị Xuân Thu được biên soạn vào thời điểm nào đi chăng nữa (241 hay 238 TCN) thì bộ sách cũng được hoàn thành vào khoảng hai thập kỷ trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ và áp đặt nhiều chính sách hà khắc với sự trợ giúp ban đầu của Lý Tư. Có nhiều chế định chưa được thực thi vào thời điểm biên soạn bộ sách. Lã thị Xuân Thu được viết khi Tần Thủy Hoàng vẫn còn là một ấu vương. Hơn nữa, nếu chuyện kể trong Sử ký là chính xác (dù chúng ta có lý do để tin rằng nó là sự thêu dệt của đời sau), họ Lã không chỉ là Tướng quốc của Tần vương mà còn là cha của ông ta nữa. Điều này càng khiến việc Lã Bất Vi chống đối triều đình là khó xảy ra, nhất là khi ông ta đã tự mình ban hành nhiều chính sách suốt thời gian trị vì ban đầu của ấu vương[8]. Do đó, để nói Lã thị Xuân Thu là một công trình chống Pháp gia và chống Tần thì hẳn phải áp đặt một hệ ý chí sai lầm giản lược hóa hàng loạt nội dung và bản chất của Lã thị Xuân Thu. Bởi những bận tâm về lịch sử này, các học giả thường tiếp cận lịch sử nước Tần trước và trong quá trình thống nhất thiên hạ (221 TCN), đặc biệt là cuộc đời Lã Bất Vi bằng góc nhìn phê phán.

Có một góc nhìn văn hóa khác về thời Tiên Tần và thời Hán nhằm giải thích sự lớn mạnh của nước Tần ở phía tây trung nguyên là sự trỗi dậy của một tộc người kém văn minh và về cơ bản vẫn còn man dã, đồng thời coi việc thống nhất thiên hạ của nước Tần như hành động tấn công vào vết tích của một nhà Chu “văn minh”. Vì nước Lỗ ở phía Đông là quê hương của Khổng Tử nên cùng với nước Tề, nó cũng được lý tưởng hóa thành một trung tâm văn hóa. Dù Tề chỉ là một bộ lạc chứ không phải là gốc gác hoàng tộc như Tần, nhưng nước Tề lại ghi dấu ấn bằng việc hậu thuẫn cho Tắc Hạ học cung[9] và trở nên nổi tiếng với tư cách là trung tâm quyền lực và học tập. Do đó, một số sử gia cổ kim đã đề xướng một góc nhìn rằng nước Tần lạc hậu và kém văn hóa, điều này vốn không phải là sự thật.

Để hiểu đầy đủ mối quan hệ của Lã Bất Vi với nước Tần và việc hậu thuẫn của ông ta cho Lã thị Xuân Thu, cũng như để hiểu sâu xa hơn vai trò quan trọng của “hợp thời” trong bộ sách này, cần xem trọng vị trí của chữ thời trong sự thăng tiến như vũ bão của họ Lã từ một con buôn đến vị trí Tướng quốc. Lã Bất Vi đến từ Bộc Dương (nguyên thuộc nước Vệ). Trước khi liên hệ với thái tử nước Tần, tức Tử Sở (hay Dị Nhân) đang làm con tin ở nước Triệu, ông nổi tiếng nhờ kinh doanh phát đạt từ Dương Địch, kinh đô nước Hàn. Lã Bất Vi nhiều khả năng được sinh ra trong tầng lớp thương nhân vốn giàu có trong suốt thời Chiến quốc. Khi đã là một phú thương nổi tiếng, ông gặp được Tử Sở trong khoảng thời gian 265 – 260 TCN, khi đó ông khoảng hơn hai mươi hoặc đầu ba mươi tuổi. Như vậy, Lã Bất Vi có thể được sinh ra trong giai đoạn 295 – 280 TCN. Câu chuyện đã được biên lại trong Chiến quốc sách kể lại rằng sau khi Lã Bất Vi biết rằng thái tử nước Tần đang làm con tin ở nước Triệu, ông liền về nhà và xin lời khuyên của phụ thân mình về việc kiếm lời từ việc đầu tư vào nông nghiệp, trang sức, hay “lập một người cai trị”[10]. Dĩ nhiên, ông ta nhận được lời khuyên rằng việc đầu tư vào chính trị hứa hẹn sẽ thu lợi lớn hơn gấp bội so với vàng bạc hay sản xuất. Vì trong hầu hết những lời khuyên đầu tư không hề đề cập đến việc muốn thu được hoa lợi lớn hơn phải chấp nhận rủi ro cao hơn nên cuối cùng, họ Lã phải trả giá bằng chính tài sản và tính mạng của mình. Câu chuyện này gợi ra suy nghĩ rằng Lã Bất Vi vẫn còn trẻ vì ông ta phải tìm lời khuyên từ cha và ông ta có vẻ như đang tìm kiếm sự nghiệp cho riêng mình. Như vậy, ông ta có thể chỉ mới ở tuổi đôi mươi khi gặp thái tử nước Tần.

Tử Sở, như hầu hết con tin chính trị thời đó, chỉ là một thái tử trên danh nghĩa. Ông ta không hề có chút hy vọng thừa kế quyền lực nào ở nước Tần. Dù vậy, năm 265, cha của Tử Sở, An Quốc quân, lại trở thành người kế thừa vương vị nước Tần. An Quốc quân đặt vị ái thiếp của ông, phu nhân Hoa Dương, làm chính phu nhân. Tử Sở là con của người vợ thứ hai, phu nhân Hạ Cơ. Tuy nhiên, vị chính thất – phu nhân Hoa Dương – lại không có con.

Quan lộ của Lã Bất Vi bắt đầu bằng một khoản đầu tư mạo hiểm vào lễ vật vào các món hối lộ nhằm tác động lên gia đình phu nhân Hoa Dương để thuyết phục bà nhận Tử Sở làm người thừa kế. Món đầu tư này cùng những lời thuyết phục có trọng lượng đã có kết quả. Phu nhân Hoa Dương đã nhận Tử Sở làm con và thuyết phục An Quốc quân lập ông ta (Tử Sở) làm người kế vị[11]. Trước khi rời nước Triệu, Tử Sở say đắm vợ của Lã Bất Vi và ngỏ ý lấy nàng. Khi nàng hạ sinh con trai, Tử Sở lập bà làm chính thất. Người con, người kế vị chính thức của ông ta, trở thành Tần vương sau khi Tử Sở qua đời năm 247.

Sử ký viết thêm rằng vợ của họ Lã khi đến với Tử Sở vốn đã có thai. Vì chi tiết này không có trong tài liệu nào khác, nhất là trong Chiến quốc sách và cũng bởi nó thật khó tin nên người ta đã loại bỏ nó như thể đó là sự bôi nhọ của người đời sau đối với Tần Thủy Hoàng và Lã Bất Vi[12]. Vì sự coi thường của giới nho sĩ đối với tầng lớp thương nhân ở Trung Quốc xưa, cũng không có gì ngạc nhiên khi Lã Bất Vi bị coi là kẻ vụ lợi vốn bị lợi ích và quyền lực chi phối. Thậm chí nếu chúng ta loại bỏ thiên kiến của giới nho sĩ thì Lã Bất Vi vẫn rõ ràng là một kẻ cơ hội, một “con buôn”, có liên hệ mật thiết với âm mưu chốn cung đình đầy hiểm nguy mà với họ, chữ thời chiếm vị trí vô cùng quan trọng.

Khi Tử Sở đã an vị trong triều đình nước Tần, do trước đó không được dạy dỗ nên ông cần một người thầy. Dĩ nhiên, việc bổ nhiệm này nằm trong tay Lã Bất Vi. Cần chú ý đến động cơ của Lã Bất Vi khi hậu thuẫn cho việc biên soạn Lã thị Xuân Thu. Với tư cách trước tiên là thầy của Tử Sở và một đại thần, rồi sau đó đảm nhận cương vị Tướng quốc cho ấu vương Chính, Lã Bất Vi tự thấy mình nắm vai trò giám hộ trong cung đình. Một trong những nhiệm vụ của Tướng quốc là giám sát việc học hành của vua, nhất là khi vị vua ấy còn nhỏ. Đứng trước trách nhiệm mang lại cho nhà cai trị kiến thức nền tảng và hiểu biết về vai trò phức tạp của một vị vua, Lã Bất Vi phần nào nảy sinh ý tưởng về Lã thị Xuân Thu để đáp ứng yêu cầu giáo dục kép này.

Tần Chiêu vương vào năm trị vì thứ 56, tức năm 251 TCN, qua đời. An Quốc quân qua đời năm 250 trước Công nguyên, tức chỉ một năm sau khi lên làm vua; ông được đặt thụy là Hiếu Văn vương. Hơn mười năm sau khi quen biết Tử Sở, kế hoạch của Lã Bất Vi đã thu được thành quả lớn. Năm 249, Tử Sở lên ngôi, gọi là Trang Tương vương, phong Lã Bất Vi làm Thừa tướng và ban tước Văn Tín hầu (văn ở đây hàm nghĩa “văn hóa” cũng như trong văn chương, tín ở đây là “có uy tín”), được hưởng hoa lợi của một trăm ngàn hộ ở Hà Nam và Lạc Dương. Danh xưng “Văn Tín” ám chỉ rằng ít ra thì Lã Bất Vi đã có tham vọng, nếu không muốn nói là thực sự muốn biên soạn một bộ kỳ thư vào thời điểm đó. Triều đại của Trang Tương vương cũng rất ngắn ngủi[13], chỉ kéo dài được ba năm – chính thức là chỉ vài ngày sau thời kỳ để tang ba năm. Do đó, Doanh Chính trở thành Tần vương ở độ tuổi mười hai (mười ba theo tuổi âm) vào năm 247 trước Công nguyên. Tần vương Chính tôn Lã Bất Vi làm Tướng quốc, xưng là Trọng phụ (“phụ thân thứ hai”, hay “thúc bá”), phỏng theo danh xưng và mối quan hệ thường được nhắc đến trong Lã thị Xuân Thu liên quan đến Tề Hoàn Công và vị Thừa tướng nổi tiếng của ông là Quản Trọng, người mà tên tuổi được sử dụng để đặt cho một cuốn sách có tên gọi Quản Tử được các học giả trong Tắc Hạ học cung nước Tề biên soạn.

Lã Bất Vi khá giỏi trong việc nắm bắt thời điểm và điều kiện của thời đại để đưa mình vào một trong những vị trí có sức ảnh hưởng lớn nhất tại nước Tần. Sử ký còn đưa ra thêm một động lực cho Lã Bất Vi khi hậu thuẫn cho việc biên soạn Lã thị Xuân Thu, đó chính là cạnh tranh trí tuệ. Lã Bất Vi phải đối diện với vấn đề thực tiễn là dạy dỗ cho thái tử Tử Sở và sau đó là ấu vương Doanh Chính. Ông là một trong những người quyền lực nhất thời Chiến quốc và hẳn nhiên sẽ có sự nhạy bén, hoặc ít ra là nhận thức được sự cần thiết của việc truyền bá sự học. Dù Sử ký nói về Lã Bất Vi như một nhân vật làm lũng đoạn môi trường giáo dục thì chắc hẳn đó vẫn là phong thái của thời đại dành cho những đại phú thương và nhà cai trị để giữ chân nhân sĩ. Sử ký viết rằng: “Thoạt nghĩ thật xấu hổ khi nước Tần hùng mạnh mà lại không bằng họ, Lã Bất Vi cũng chiêu mời và hậu đãi môn khách cho đến khi ông ta có đến ba ngàn người[14]”. Đương thời có rất nhiều người dạy và kinh sách của họ lưu truyền về những trung tâm học chính ở các nước khác nhau. Lã Bất Vi muốn thể hiện tài năng của mình một lần nữa, cho nên Sử ký mới viết tiếp: “Lã Bất Vi cũng lệnh cho môn khách của mình ghi chép lại kiến thức, biên soạn nên hơn hai trăm nghìn chữ, phân chia thành “Bát lãm”, “Lục luận”, “Thập nhị kỷ”. Tin rằng công trình này giải thích được vạn vật trời đất, gồm cả kiến thức kim cổ, ông đặt tên cho nó là Lã thị Xuân Thu. Nó được trưng bày ở cổng thành Hàm Dương với ngàn vàng treo bên trên. Học giả hay tân khách chư hầu đều được mời đến xem và ngàn vàng đó treo thưởng cho bất cứ ai có thể thêm bớt vào, dù chỉ là một chữ[15].

Chúng tôi có một ý tưởng khá hay khi viết những dòng này. Thiên Tự ý xuất hiện vào cuối phần Thập nhị kỷ trong Lã thị Xuân Thu, bắt đầu bằng cách nói “vào năm thứ tám đời nhà Tần” (241 hay 238 TCN), Lã Bất Vi được hỏi về ý nghĩa của Thập nhị kỷ. Vài năm sau khi bộ sách được ban bố, năm 237 trước Công nguyên, Lã Bất Vi bị bãi chức khỏi triều đình, rõ ràng là bởi ông có liên quan đến loạn Lao Ái năm 238 trước Công nguyên. Lã Bất Vi sau đó bị trục xuất đến đất Thục, nơi ông chết trong cảnh lưu vong hoặc do tự tử vào năm 235 thay vì phải đối diện với cảnh bị lưu đày.

Lã thị Xuân Thu rõ ràng do môn khách biên soạn dưới sự hậu thuẫn của Lã Bất Vi trong giai đoạn ông làm Thừa tướng và sau đó là trên cương vị Tướng quốc nước Tần giai đoạn 249-238 TCN, rất có thể nó được hoàn thành trước năm 241 trước Công nguyên. Phần nào đó, động lực của Lã Bất Vi là bởi ông phải cạnh tranh với các trung tâm học thuật khác vốn cũng đang được nhà cầm quyền hậu thuẫn viết sách để truyền bá di sản văn hóa và văn chương của mình. Có vẻ như Lã Bất Vi phải biên soạn một bộ sách có vị thế về thuật cai trị mà ông có thể dùng như một bộ giáo trình với vai trò là người thầy trong chốn cung đình. Cảm thức công việc của Lã Bất Vi, khả năng lên kế hoạch và năng lực quản trị của ông ta đã biến ông trở nên nhạy bén với vấn đề “thời điểm then chốt”. Vai trò của tính “hợp thời” hẳn là rất quan trọng đối với mọi công việc dù là kinh doanh, nông nghiệp hay chiến sự. Sự nhạy bén của Lã Bất Vi không chỉ được nhìn nhận ở việc Lã thị Xuân Thu được biên soạn trong thời điểm quan trọng suốt thời Chiến quốc, mà nó còn ở chính nội dung và cấu trúc của Lã thị Xuân Thu. Việc thảo luận về đặc điểm và cấu trúc của Lã thị Xuân Thu là cần thiết để hiểu rõ tầm quan trọng của “hợp thời” trong cấu trúc, trong tính chọn lọc, trong triết lý nhất quán của nó và cả trong các cách tiếp cận đa dạng nhưng hợp nhất nhằm đạt được trật tự chính trị và xã hội.

 

Chú thích:

[1] Xem bài viết “Lüshi chunqiu” của tôi trong Routledge Encyclopedia of Philosophy, E. Craig, ed. (London and New York: Routledge, 1998) và “Lü Buwei” trong Great Thinkers of the Eastern World, Ian McGreal, ed. (New York: HarperCollins, 1995). Xem phần “Dẫn nhập” của Michael F. Carson trong A Concordance to Lü-shih ch’un-ch’iu (Taibei: Chinese Materials Center, 1985) và Michael Carson và Michael Loewe, “Lü shih ch’un ch’iu,” in Early Chinese Texts: A Bibliographical Guide, Michael Loewe, ed. (Berkeley: The Society for the Study of Early China, and the Institute of East Asian Studies, 1993).

[2] Tiền Mục, Tiên Tần chư tử hệ niên (Hong Kong: Hong Kong University Press, 1956), tr.485-89. Quách Mạt Nhược, Thập phê phán thư (Bắc Kinh: Khoa học xuất bản xã, 1962), 387-460. Xem thêm Derk Bodde, China’s First Unifier: A Study in the Ch’in Dynasty As Seen in the Life of Li Ssu (Hong Kong: Hong Kong University Press, 1967), tr.1-22. Những vấn đề này đã được John Louton thảo luận kỹ trong The Lü-shi chun-qiu: An Ancient Chinese Political Cosmology (University of Washington, unpublished diss.), 22ff. Xem Twitchett and Loewe, The Cambridge History of China, vol.1, tr.40-43, 95. 

[3] Về đánh giá cho lời tuyên bố rằng giới học sĩ bị “chôn sống”, xem Twitchett and Loewe, The Cambridge History of China, vol. 1, tr.95-96. 

[4]  Gia quan (加冠): thời cổ đại, đàn ông người Hán đến 20 tuổi phải làm lễ gia quan, tức nghi thức buộc

tóc đội mũ, đánh dấu sự trưởng thành. 

[5] Thật thú vị khi chỉ ra rằng mặc dù Lã Bất Vi (mất năm 235 TCN) đã qua đời trước khi thống nhất thiên hạ khá lâu, ông ta vẫn có một tác động gián tiếp nào đó lên triều đại của Doanh Chính, ở đó rất có thể ông đã dùng Lã thị Xuân Thu để giáo dục vị ấu vương. Hồ Thích cho rằng Lã Bất Vi ủng hộ Lý Tư trong những ngày đầu ở Tần và giúp Lý Tư có được ảnh hưởng trong triều đình nước Tần. Xem “Đọc Lã thị Xuân Thu” trong Hồ Thích văn tồn, vol. 3 (Taibei: Far Eastern Book Co., 1961), 227ff. 

[6] Tiêu Công Quyền, A History of Chinese Political Thought, 558ff. 

[7] Hồ Thích, “Đọc Lã thị Xuân Thu” trong Hồ Thích văn tồn 227ff. 

[8] Tư Mã Thiên, Sử ký, “Lã Bất Vi liệt truyện” (Đài Bắc: Wenyi Publishing Co., 1975). Bản dịch tương tự và bản Hán văn trong Selections from the Records of the Historian, Dương Hiến Ích và Gladys Yang dịch. (Peking Foreign Language Press, 1979). 

[9] Tắc hạ học cung: trung tâm nghiên cứu học thuật trong thời Chiến quốc nằm tại Doanh Khâu,

thủ đô nước Tề (Sơn Đông ngày nay).

[10] Chiến quốc sách, phần 5, tr.61.

[11] Sử ký viết rằng Lã Bất Vi thuyết phục được chị gái của Hoa Dương phu nhân, nhưng Chiến quốc sách cho rằng đó là em trai bà ta.

[12] Louton bàn về luận điểm của Tiền Mục và Quách Mạt Nhược để bác bỏ Sử ký, trong đó cáo buộc họ Lã chính là cha của Doanh Chính, Tần Thủy Hoàng sau này. Xem The Lü-shi chun-qiu: An Ancient Chinese Political Cosmology, tr.22, 33-34, 40 ff. Derk Bodde đồng tình trong The Cambridge History of China, vol. 1, tr.95.

[13] Thật ra, giới học giả đã suy đoán rằng họ Lã hẳn phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ít nhất hai vị Tần vương; Friedrich Hirth dẫn lại lời cáo buộc của Hồ An Quốc; xem sách The Ancient History of China (New York: Columbia University Press, 1908), tr.328 của ông ấy.

[14] Xem Tư Mã Thiên, Sử ký, “Lã Bất Vi liệt truyện”, tr.309, 310.

[15] Xem Tư Mã Thiên, Sử ký, “Lã Bất Vi liệt truyện”, tr.309, 310. Tham chiếu đến độ dài “hai trăm ngàn chữ” của Lã thị Xuân Thu khiến người ta suy đoán về một phiên bản dài hơn của nó, nhưng cũng rất khó xảy ra. Văn bản hiện tại có hơn 100.000 chữ, có thể là do các sử gia nói quá lên (vì nhiều số liệu trong Sử ký được phóng đại), hoặc đó là lỗi sao lục, viết nhầm “một” thành “hai”. Về những số liệu sai trong Sử ký, xem phần luận của Bodde trong The Cambridge History of China, vol. 1, tr.98-102.

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu của James D. Sellmann

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *