do-thi-hoc-tap

ĐÔ THỊ HỌC TẬP – NHỮNG NAN GIẢI TRONG QUÁ TRÌNH THÚC ĐẨY

Ngày 20/8/2022, trung tâm Book Hunter tổ chức cuộc trò chuyện “Đô thị học tập – những nan giải trong quá trình thúc đẩy” với hai phiên nội dung DÂN TRÍ & ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ và CÁC MÔ HÌNH DÂN SỰ THÚC ĐẨY HỌC TẬP. Cuộc trò chuyện do nhà văn Hà Thủy Nguyên điều phối với sự tham gia thảo luận của những trí thức, những người trẻ yêu tri thức có cùng mối quan tâm. (Nhà văn Hà Thủy Nguyên là người sáng lập Book Hunter đồng thời đảm nhận chọn các tác phẩm cho dự án xuất bản của Book Hunter về đề tài xã hội đô thị trong những năm gần đây).

          Ảnh 1: Cuộc trò chuyện “Đô thị học tập – những nan giải trong quá trình thúc đẩy” tại trung tâm Book Hunter

Dân trí và động lực phát triển đô thị

Trong thời đại khoa học công nghệ bùng nổ như hiện nay, là dịp để đô thị phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Song, từ việc hình thành cho đến phát triển để đi đến một đô thị hưng thịnh, còn nhiều vấn đề bất cập, nan giải.

Hệ thống giao thông, cơ sở vật chất hiện đại hay bất cứ sự choáng ngợp nào khác mà đô thị mang lại, chỉ là một phần trong cách tạo nên các đô thị. Điều làm nên sự thịnh vượng của đô thị cũng như mang tính quyết định đến mô hình kinh tế, văn hóa và chính trị của đô thị chính là lối sống của cư dân, trình độ nhận thức, học vấn, chuyên môn… Đến lúc này, hẳn là ai cũng phải thừa nhận rằng, con người, mới chính là yếu tố quan trọng quyết định sự hưng thịnh của đô thị.

Nhà đô thị học hàng đầu thế giới, Edward Glaeser (tác giả cuốn sách “Chiến thắng của đô thị”) đã khẳng định sau 40 năm khảo sát tại các đô thị trên thế giới trong cuốn sách của mình rằng: “…mọi đô thị thành công đều có một điểm chung. Để phát triển thịnh vượng, các đô thị này cần thu hút những người thông minh và cho phép họ hợp tác với nhau để làm việc. Chẳng bao giờ có một đô thị thành công mà thiếu đi nguồn vốn nhân lực.”

Vậy làm thế nào để các đô thị có thể thu hút được nhiều người thông minh? Chính quyền đô thị không thể loại trừ các đối tượng có trình độ thấp (so với những người thông minh), vậy thì chỉ còn cách nâng cao trình độ cư dân. Nói cách khác, các đô thị cần thúc đẩy, khuyến khích việc học tập và tinh thần học tập của mỗi người dân để có được trình độ dân trí cao.

Ảnh 2: Bộ sách Chiến thắng của đô thị và Sinh tồn đô thị của tác giả Edward Glaeser với đồng sự sau 40 năm nghiên cứu, khảo sát tại các đô thị trên thế giới, do Book Hunter phát hành. Bạn đọc có thể đặt mua sách tại đây.

Trong buổi trò chuyện, những người trẻ yêu tri thức và quan tâm đến sự phát triển của đô thị đã thảo luận sôi nổi về thực trạng và xu hướng của đời sống đô thị trong những năm gần đây – trong đó phải kể đến tình trạng không ít người thuộc nhóm cư dân có trình độ cao đã chọn “bỏ phố về quê”, rời khỏi thành thị để đi về những nơi hoang dã sinh sống. Hiện trạng này cho thấy một thực tế rằng dường như các đô thị đang mất dần lực hút để giữ nhóm người thông minh/có tài ở lại với đô thị.      

Lý do nào khiến cho nhóm người này từ chối đô thị? Nếu điều này cứ tiếp diễn và lan rộng, không những tạo ra bong bóng bất động sản ở những vùng quê mà còn khiến cho khu trung tâm của các đô thị trở thành nơi cư trú của người lao động trình độ thấp, và đây là một trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế. Trong cuốn sách “Sinh tồn của đô thị” (Edward Glaeser & David Cutler), đã chỉ ra rằng, trình độ dân trí càng cao thì các tệ nạn xã hội càng ít. Nếu viễn cảnh là nhóm người có trình độ dân trí cao nối nhau rời đô thị đi về nơi hoang dã và chính quyền đô thị chọn nương nhờ vào nguồn vốn của các doanh nghiệp, các tập đoàn nhằm tạo công ăn việc làm cho nhóm người có trình độ thấp còn bám trụ lại với đô thị, thì sẽ chỉ dẫn đến một tương lai mịt mờ và bấp bênh bởi nhiều bị động và phụ thuộc vào các ràng buộc bên ngoài. Một đô thị như vậy sẽ chỉ tồn tại với cái vỏ dù hào nhoáng ở các cơ sở hạ tầng hiện đại nhưng trong ruột thì rỗng không, và cũng không có một sự cam kết nào cả, bởi người lao động ở nhóm trình độ thấp ở lại đô thị sẽ đi kèm những nguy cơ, mầm mống bất ổn khác trong lòng đô thị – đó là bạo lực, trộm cắp, ma túy, mại dâm, các tệ nạn xã hội…

Như vậy, thách thức lớn nhất đối với chính quyền đô thị chính là phải lựa chọn và sáng suốt trong những quyết định liên quan tới lợi ích cho đô thị hay là lợi ích chỉ cho một nhóm số đông nào đó. Vấn đề được thảo luận trong cuộc trò chuyện lại hướng đến câu hỏi: Một người lãnh đạo có quyền quyết định sinh tồn của đô thị, liệu có nên chỉ là người giỏi chuyên môn hay chỉ cần giỏi quản lý? Những người tham gia cuộc trò chuyện đưa ra vấn đề rằng cần phải phân biệt rõ giữa nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Nhà lãnh đạo có thể không cần đi sâu vào chuyên môn, nhưng nhà quản lý của các bộ phận thì phải là người có chuyên môn sâu và hiểu biết tổng quan, nắm chắc quy trình của chuyên ngành, thì mới có thể vận hành đô thị hiệu quả.

            Ảnh 3: Những người trẻ yêu tri thức và quan tâm đến sự phát triển của đô thị thảo luận sôi nổi…

Các mô hình dân sự thúc đẩy học tập

Hệ thống giáo dục có vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia nói chung, một đô thị nói riêng và đây cũng là bài toán nan giải của mọi quốc gia trong những kế hoạch cải cách.

Tại Việt Nam, chuyên môn ở khối dân sự xưa nay vốn bị lệ thuộc vào hệ thống giáo dục các cấp từ mầm non, tiểu học đến đại học, các trường dạy nghề… Song, có một thực trạng khá nhức nhối đã và đang diễn ra, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới, đó là nhu cầu thực tế/nhu cầu chuyên môn của thị trường lao động và chương trình học của hệ thống giáo dục chính thống có sự chênh lệch khá lớn. Minh chứng đó là nhiều cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp với các loại bằng cấp khá giỏi nhưng khi rơi vào thị trường lao động thì lại trở thành nhóm lao động khó khăn, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, thậm chí là thất nghiệp. Điều này cho thấy rằng, việc học tập nếu chỉ giới hạn trong trường học chính quy thôi thì không đủ.

Đời sống đô thị vận hành dựa trên sự tương tác của người dân. Vì thế, việc chia sẻ kiến thức và thông tin, giúp thúc đẩy nâng cao dân trí, là điều cần thiết và tất yếu, có thể bắt đầu từ các nhóm dân sự như các trao đổi chuyên môn ngay tại doanh nghiệp, các CLB chia sẻ kiến thức, thư viện công cộng, không gian công cộng… Nếu chính quyền đô thị khuyến khích học tập thì chính môi trường dân sự tại các đô thị sẽ tạo hệ sinh thái nuôi dưỡng sự học tập. Môi trường dân sự đầu tiên chính là gia đình; sau đó là các câu lạc bộ, hội nhóm những người cùng chung sở thích chia sẻ, mục đích sinh hoạt; lớn hơn chính là các doanh nghiệp, tổ chức, các nhóm dân sự phi lợi nhuận hay các tổ chức phi chính phủ…

Book Hunter là một trường hợp hoạt động dân sự với mục đích chia sẻ thông tin và tri thức cho cộng đồng cùng chung sở thích, mối quan tâm và mục tiêu tri thức. Bắt đầu từ một nhóm các trí thức trẻ cùng quan tâm và ham tìm tòi tri thức, Book Hunter đã đi qua những năm tháng chia sẻ tri thức miễn phí cho cộng đồng. Tuy nhiên, các sinh hoạt dân sự với mục đích chia sẻ tri thức thế này lại thêm một cản trở trong quá trình góp phần thúc đẩy nâng cao dân trí: khi bạn được cung cấp miễn phí một món gì đó trong thời gian dài, liệu bạn có động lực để tự mình hoàn thiện/trân trọng thứ mà bạn đang được hưởng miễn phí? Liệu có còn tính cạnh tranh và tự cạnh tranh, ham tìm tòi và tự tìm tòi, áp lực vươn tới những tầng cao của tri thức hay không khi mà bạn cứ chạm tay ra là tri thức vẫn ở đó mà bạn không cần cố gắng hay trả giá để có được? Từ đó, Book Hunter đã chuyển đổi mô hình sang hình thức doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục và sáng tạo để tạo môi trường năng động hơn cho những người trẻ đam mê tri thức.

Ngay cả những hoạt động hội nhóm ở các mô hình dân sự cũng cần có một nhận thức đúng đắn và xác lập hướng đi rõ ràng, sòng phẳng hơn thì mới mong có được những nhận thức đúng về giá trị của tri thức, để từ đó góp phần làm nên một đô thị đầy nội lực mạnh mẽ.

Người viết: Lý Uyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *