Việc dạy như một môn khoa học tự nhiên

Trích đoạn từ cuốn sách "Học mọi lúc" của John Holt.

Trong “Học mọi lúc”, Holt khám phá ý tưởng rằng việc học không chỉ giới hạn trong môi trường giáo dục chính thức mà là một quá trình tự nhiên và liên tục diễn ra trong suốt cuộc đời. Holt thách thức quan niệm thông thường rằng việc học chỉ diễn ra trong các bức tường của lớp học và lập luận rằng trẻ em vốn tò mò và ham học hỏi. Theo Holt, học tập nên được xem như một quá trình tích cực và tự định hướng, trong đó các cá nhân theo đuổi kiến thức dựa trên sở thích và đam mê cá nhân của họ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép trẻ em tự do khám phá trí tò mò của bản thân và học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế, vui chơi và tương tác thực tế.

Holt cũng khám phá vai trò của phụ huynh và các nhà giáo dục trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Ông khuyến khích người lớn trở thành người hướng dẫn và hỗ trợ thay vì chỉ là người hướng dẫn, cung cấp nguồn lực và cơ hội cho trẻ em theo đuổi sở thích của mình và tham gia vào các trải nghiệm học tập có ý nghĩa. Holt ủng hộ một môi trường học tập thúc đẩy quyền tự chủ, tư duy phản biện, tính sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Xuyên suốt cuốn sách, Holt chia sẻ những giai thoại, quan sát và hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của chính ông với tư cách là một nhà giáo dục và những tương tác của ông với trẻ em. 

Tốt nhất ta cần nhìn nhận việc giúp trẻ khám phá và học trong thế giới này như là một phân nhánh của ngành Khoa học Tự nhiên; việc này chẳng khác nào chuyện ta cố gắng nuôi trồng các giống cây lạ hay thuần dưỡng những loài động vật ít được biết đến, cũng có thể giống với chuyện ta cố gắng giao tiếp với cá heo và cá voi. Điều cần phải có lại chính là cái mà rất ít giáo viên có được (không giống như các nhà tự nhiên học vĩ đại), đó là khả năng quan sát rất kỹ càng và chính xác bằng con mắt tinh tường, và khả năng báo cáo chính xác những gì họ thấy. Vào giữa thế kỷ XIX, nhà động vật học Louis Agassiz đã mở đầu một khóa học trên đại học bằng việc đặt một con cá lên đĩa và yêu cầu sinh viên mô tả nó. Cứ mỗi lần sinh viên nghĩ mình đã mô tả hết những gì có thể, và nộp lại cho ông, ông chỉ nói: “Còn gì khác nữa không?” Ông yêu cầu sinh viên phải liên tục quan sát và viết về con cá đó cho đến khi các sinh viên nhìn nó đến hàng trăm lần, nhiều hơn khi họ nhìn bất cứ thứ gì khác. Chính khả năng quan sát này, sau đó là khả năng mô tả chính xác những gì quan sát được, mới là phẩm chất riêng của các nhà tự nhiên học xuất sắc, và là điều cần thiết cho việc giảng dạy hiệu quả. 

Trong khi ít giáo viên nào có thể kiên nhẫn quan sát kĩ càng như vậy, thì các bậc phụ huynh xem ra lại làm được điều đó cách dễ dàng hơn, là bởi họ quan tâm và yêu thương con cái mình. Như một nhà tự nhiên học, một phụ huynh tinh ý sẽ nhận ra được cả các mẫu hành vi nhỏ và các mẫu hành vi lớn. Nhờ để ý những điều này mà bố mẹ có thể thường xuyên đưa ra các gợi ý hay trải nghiệm phù hợp, đồng thời cũng biết được liệu sự giúp đỡ và giải thích của họ có phù hợp không. 

Trẻ con có cách học của riêng chúng, mỗi đứa mỗi vẻ. Trẻ cũng có thời gian biểu riêng, tùy theo việc nào trẻ sẵn sàng làm, tốc độ trẻ làm những việc đó, và thời gian trẻ muốn đợi trước khi làm một việc mới. Khi cố gắng định hướng, can thiệp, hay thay đổi các cách học và thời gian biểu này, hầu hết chúng ta đều đang kìm hãm hoặc gây cản trở chúng. Ta dễ nhận ra điều này hơn ở trẻ nhỏ vì ta dễ quan sát được những việc trẻ làm – các kỹ năng đơn giản, cách gọi tên các chữ cái, các từ mới. Nếu Billy thấy các chữ cái rồi hỏi tên các chữ đó rồi bỗng không hỏi nữa do chúng tôi bắt đầu đố em thì chúng tôi hiểu là em sẽ không hỏi thêm nữa. Trẻ nhỏ thay đổi thái độ theo cách dứt khoát và rõ ràng. Ngoài ra, trẻ chưa biết cách mà cũng không cố che giấu hành động, suy nghĩ và cảm xúc của mình. (Thật ra đối với trẻ em hay những người bình thường dù ở độ tuổi nào thì hành động, suy nghĩ và cảm xúc đều thống nhất với nhau.) Những đứa trẻ lớn hơn có thể học cách che giấu và đánh lừa chúng ta. Vì sợ mà ngay cả những đứa trẻ lớp Một cũng giỏi che giấu hay biết cách lảng tránh. Khi tôi viết “How Children Fail” (Bản dịch tiếng Việt: Trẻ Em Khó Học Thế Nào (NXB Phụ Nữ & Book Hunter, 2022)), chỉ sau vài tháng quan sát và ghi chép cẩn thận, tôi đã có thể nhận ra nhiều mô hình ẩn trong hành vi tự hạ thấp bản thân mà những học sinh lớp Năm trong lớp tôi đã cố che giấu. 

Khi cố gắng giúp trẻ nhỏ, nhiều người lớn – dù là giáo viên mầm non, phụ huynh, hay bạn của trẻ – đều có thể học theo những nhà tự nhiên học vĩ đại đã nối bước Louis Agassiz như: Konrad Lorenz, Niko Tinbergen, Jane Goodall, hay E. O. Wilson. Hoặc họ có thể nhìn vào chính những đứa trẻ. “Khoa học” tất nhiên không phải là tài sản riêng của “các nhà khoa học” mà là việc mà tất cả chúng ta đều có thể làm khi cố gắng giải đố hay khi giải quyết vấn đề. Trẻ em, như tôi đã đề cập trước đó, lúc nào cũng hành động như các nhà khoa học, trẻ luôn quan sát, chú ý, thắc mắc, đưa ra các giả thiết, thử nghiệm, và thường xuyên thay đổi các giả thuyết khi cần. 

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Cách trẻ em tiếp thu kiến thức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *