Về Omar Khayyam – nhà chiêm tinh học, nhà thơ xứ Ba Tư

Trích đoạn từ cuốn sách "Đến như nước chảy, Đi tựa gió phiêu"

Omar Khayyam, sống vào cuối thế kỷ 11 tại Naishapur, vùng Khorassan, là một nhà thơ, nhà chiêm tinh học và nhà toán học nổi tiếng của Ba Tư. Khayyam nổi bật với khả năng thể hiện những triết lý sâu sắc qua ngôn ngữ thơ ca tinh tế và giàu hình ảnh. Ông không ngần ngại thách thức các niềm tin tôn giáo đương thời và luôn tìm kiếm sự thật qua lăng kính cá nhân. Hình ảnh rượu, hoa hồng và thiên nhiên không chỉ tạo nên một không gian thi ca trữ tình mà còn chứa đựng những triết lý sống động và huyền bí.

“Thơ Rubaiyat – Đến tựa Nước chảy, đi tựa Gió phiêu” của Omar Khayyam không chỉ là một tập thơ mà còn là một hành trình triết học và cảm xúc, mở ra cánh cửa đến với những suy tư và cảm nhận sâu sắc về cuộc đời. Đây là một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian, đầy sức sống và cảm hứng, phù hợp với mọi thế hệ độc giả.

Omar Khayyam sinh ra tại Naishapur vùng Khorassan vào nửa cuối thế kỷ 11 và mất ở phần tư đầu tiên của thế kỷ 12. Câu chuyện sơ lược về cuộc đời ông là sự liên đới kỳ lạ với hai nhân vật quan trọng khác trong Thời Đại và Quốc Gia của họ: một trong số đó lại gợi lên câu chuyện của cả ba. Đó là ngài Nizam ul Mulk – Tể tướng của Sultan Alp Arslan (con trai)[1], và Sultan Malik Shah (cháu trai) của Toghrul Beg, một người Tartar đã chiếm cứ Ba Tư từ người thừa kế nhu nhược của Mahmud Đại đế và thiết lập Vương triều Selijuk từng chọc giận Châu Âu lao vào cuộc Thánh Chiến. Tể tướng Nizam ul Mulk, trong Wasiat – tác phẩm để đời về chính trị của mình – đã viết nhằm đưa lời khuyên cho Những chính khách tương lai – kể lại những điều sau đây, như được trích dẫn trong Calcutta Review, số 59, từ tác phẩm Lịch sử những Sát thủ của sử gia Mirkhond.

“’Một trong số những người thông thái nhất của Khorassan là Imam Mowaffak của Naishapur, người được tôn vinh và kính ngưỡng, – cầu Chúa ban phước lành cho ông ấy; ông đã sống hơn 85 năm lừng lẫy, và người ta tin rằng mọi chàng trai đọc Koran hay nghiên cứu truyền thống với sự hiện diện của ông, đều được vinh dự và hạnh phúc. Vì lý do này mà cha tôi đã gửi tôi từ Tus đến Naishapur cùng với Abdus-samad, một học giả ngành luật, để tôi có thể nỗ lực nghiên cứu và học tập dưới sự hướng dẫn của người thầy lừng lẫy đó. Đối với tôi, ông luôn dành sự ưu ái và tử tế, và với tư cách là học trò của ông, tôi dành cho ông tình cảm và sự tận tâm tột độ, đến mức tôi đã phụng sự ông suốt bốn năm. Khi tôi đến đó lần đầu tiên, tôi thấy hai học sinh khác cùng tuổi với tôi mới đến, Hakim Omar Khayyam và Ben Sabbah xấu số. Cả hai đều được trời phú cho trí thông minh sắc sảo và sức mạnh bẩm sinh cao nhất; và ba chúng tôi đã hình thành một tình bạn thân thiết cùng nhau. Khi Imam đứng dậy sau bài giảng, họ thường cùng tôi lặp lại cho nhau nghe những bài đã được giảng. Bấy giờ Omar là người gốc Naishapur, trong khi cha của Hasan Ben Sabbah là một người Ali, một người có lối sống và pháp tu khổ hạnh, nhưng lại dị giáo trong tín ngưỡng và học thuyết của mình. Một ngày nọ, Hasan nói với tôi và Khayyam: “Mọi người đều tin rằng học trò của Imam Mowaffak sẽ đạt được vận may. Bây giờ, ngay cả khi tất cả chúng ta không đạt được điều đó, thì chắc chắn một người trong số chúng ta sẽ đạt được; vậy thì cam kết và ràng buộc qua lại giữa chúng ta nên là gì?” Chúng tôi đáp rằng “Tùy ý thích của bạn”. “Ồ”, anh ta đáp, “Chúng ta hãy lập lời thề rằng vận may này rơi vào ai thì người đó sẽ chia đều cho những người còn lại và không dành quyền ưu tiên cho mình”. “Cứ vậy đi”, cả hai chúng tôi cùng đáp và những điều khoản đã được cam kết chung bằng lời. Năm tháng qua đi, và tôi đi từ Khorassan tới Transoxiana, rồi lang thang tới Ghazni và Cabul, rồi khi trở lại, tôi đã được bổ nhiệm vào chức vụ và trở thành người quản lý công việc trong Vương quốc Hồi giáo của Sultan Alp Arslan’”.

Ông ấy tiếp tục kể rằng, nhiều năm trôi qua, cả hai người bạn học cũ đã phát hiện ra ông ấy và đến để đòi chia sẻ vận may, theo lời thề thời tu học. Vị tể tướng rất hào phóng và đã giữ lời hứa. Hasan yêu cầu một vị trí trong chính phủ, mà Sultan đã ban cho theo yêu cầu của Tể tướng; nhưng không hài lòng với sự thăng tiến từ từ, anh ta lao vào mê cung âm mưu của một triều đình phương Đông, và thất bại trong mưu đồ thay thế ân nhân của mình để rồi bị thất sủng và mất chức. Sau nhiều vận rủi và lang thang, Hasan trở thành người đứng đầu giáo phái Ismailian của người Ba Tư, một nhóm gồm những kẻ cuồng tín lâu đời tụng niệm trong u tối, nhưng giờ đã trở thành kẻ xấu xa dưới sự dẫn dắt của ý chí mạnh mẽ và độc ác. Vào năm 1090 sau Công nguyên, ông ta chiếm giữ lâu đài Alamut, ở tỉnh Rudbar, nằm ở vùng núi phía nam Biển Caspian; và chính từ ngôi nhà trên núi này, ông ta đã có được danh tiếng xấu xa trong quân Thập tự chinh với cái tên ÔNG GIÀ VÙNG NÚI, và gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp thế giới tôn thờ Mohammed; và người ta vẫn còn tranh cãi rằng từ Sát thủ (Assassin), mà họ để lại trong ngôn ngữ của châu Âu hiện đại như một kỷ vật đen tối, có nguồn gốc từ hashish, hay thuốc phiện của lá cây gai dầu (bhang của người Ấn Độ), thứ họ dùng để khiến mình phát điên thành dáng vẻ ủ rũ tuyệt vọng kiểu phương Đông, hay từ tên (Hasan) của người sáng lập giáo phái, người mà chúng ta đã thấy trong những ngày còn tu học trong trầm lặng, tại Naishapur. Một trong vô số nạn nhân của con dao găm Sát thủ chính là Nizam ul Mulk, người đồng môn cũ[2].

Omar Khayyam cũng đến gặp Tể tướng để đòi chia phần; nhưng không phải để đòi tước vị hay chức vụ. ‘Món lợi lớn nhất mà ông có thể ban cho tôi,’ ông nói, ‘là để tôi sống trong một góc dưới cái bóng may mắn của ngài, để truyền bá rộng rãi những lợi ích của Khoa học và cầu nguyện cho cuộc sống lâu dài và thịnh vượng của ông’. Tể tướng kể lại với chúng ta rằng khi nhận thấy Omar thực sự chân thành trong việc từ chối quan tước, ông ấy không thúc ép Omar nữa mà cấp cho ông khoản trợ cấp hàng năm trị giá 1.200 mithkals vàng từ kho bạc của Naishapur.

‘Tại Naishapur, Omar Khayyam đã sống và lìa đời như vậy’ – Tể tướng viết thêm, ‘Bận bịu với việc chinh phục kiến thức về mọi lĩnh vực, và đặc biệt là về Thiên văn học, trong đó ông ấy đã đạt đến đỉnh cao tuyệt đối. Dưới thời cai trị của Malik Shah, ông ấy đã đến Merv và nhận được nhiều lời tán thưởng về trình độ khoa học, và Sultan đã dành nhiều ưu ái cho ông’.

Khi Sultan Malik Shah quyết tâm cải cách lịch, Omar là một trong tám vị uyên bác được mời làm việc đó; để tạo ra kỷ nguyên Jalali (cách gọi có xuất xứ từ Jalalud-din, một trong những tên của Sultan)—’một sự tính toán thời gian’, Gibbon nói, ‘vượt qua lịch của Julius Caesar và đạt đến độ chính xác của phong cách lịch Gregory’. Ông cũng là tác giả của một số bảng thiên văn có tựa đề ‘Ziji-Malikshahi’, và người Pháp gần đây đã tái bản và dịch một chuyên luận bằng tiếng Ả Rập của ông về Đại số.

Takhallus (bút danh) của ông (Khayyam) có nghĩa là một người làm lều, và người ta cho rằng ông đã từng buôn bán lều, có lẽ trước khi sự hào phóng của Nizamul-Mulk giúp ông được tự do theo ý mình. Nhiều nhà thơ Ba Tư cũng lấy tên của họ từ tên của nghề nghiệp; do đó chúng ta có Attar – người bán thuốc, Assar – thợ ép dầu, v.v.[3] Chính Omar đã ám chỉ đến tên của mình bằng những dòng chữ dí dỏm sau:

“Khayyam, kẻ khâu những chiếc lều khoa học

từng ngã vào lò nung nấu thiêu đốt trong sầu khổ

Những ngọn giáo Số Phận cứa đứt dây buộc túp lều đời ông

Và kẻ môi giới Hy Vọng đã rao bán ông chẳng vì điều gì cả!”

Chúng ta chỉ còn một giai thoại nữa kể về Cuộc đời của ông, và giai thoại đó liên quan đến phần kết; nó được kể trong lời nói đầu ẩn danh đôi khi được đặt trước các bài thơ của ông; đã được in bằng tiếng Ba Tư trong Phụ lục của cuốn Veterum Persarum Religio của Hyde., trang 499; và D’Herbelot đề cập đến trong từ điển Bibliotheque của mình, dưới mục từ Khiam[4].

Biên niên sử cổ xưa viết rằng Ông Hoàng Tri Thức này, Omar Khayyam, qua đời tại Naishapur vào năm Hegira, 517 (1123 SCN); về mặt khoa học, ông độc nhất vô nhị, – là mẫu mực ở thời đại mình. Khwajah Nizami (tới từ Samarcand, nay thuộc Uzbekistan), một trong những học trò của ông, kể lại câu chuyện sau: ‘Tôi thường trò chuyện với thầy mình, Omar Khayyam, trong một khu vườn; và một ngày nọ ông nói với tôi, ‘Ngôi mộ của ta sẽ ở một nơi mà gió bắc có thể rải hoa hồng lên đó’. Tôi thắc mắc về những lời ông nói, nhưng tôi biết rằng những lời ông nói không phải là những lời nói suông[5] . Nhiều năm sau, khi tôi có dịp trở lại thăm Naishapur, tôi đã đến nơi an nghỉ cuối cùng của ông, và kìa, nó ở ngay bên ngoài một khu vườn, và những cây trĩu quả vươn cành qua bức tường bao quanh, thả hoa xuống mộ ông che lấp cả phiến đá’.

Do đó – không sợ bị xâm phạm – trích tờ Calcutta Review.

Tác giả bài viết cho biết, khi đọc ở Ấn Độ câu chuyện về Mộ của Omar, đã khiến ông nhớ lại câu chuyện của Cicero về việc tìm thấy ngôi mộ của Archimedes ở Syracuse, vùi lấp trong cây và cỏ dại. Tôi nghĩ Thorvaldsen mong muốn có những bông hồng mọc lên từ nấm mồ của mình[6] ; tôi tin rằng đó là một mong ước mang tính tôn giáo đã thành hiện thực đối với ông. Dẫu vậy, hãy trở lại với Omar.

Mặc dù Sultan đã “ban ân huệ cho ông”, nhưng Tư tưởng và Phát ngôn táo bạo theo phong cách trường phái Epicurus của Omar đã khiến ông bị coi là kẻ ngang ngược trong Thời Đại và Quốc Gia của chính mình. Người ta cho rằng ông đặc biệt bị những bậc Sufi ghét bỏ và sợ sệt, những người mà ông thường chế nhạo pháp tu của họ, và Đức tin của họ chẳng hơn gì Đức tin của ông, khi loại bỏ yếu tố Huyền Môn và sự công nhận chính thức của Islam. Omar không che giấu sự thiếu tin tưởng của mình vào những yếu tố này. Các nhà thơ của họ, bao gồm cả Hafiz, những người (ngoại trừ Firdausi) nổi tiếng nhất ở Ba Tư, thực sự đã vay mượn phần lớn các yếu tố từ Omar, nhưng biến nó thành một công dụng thần bí thuận tiện hơn cho bản thân mình và những người mà họ tiếp cận; họ dễ nghi ngờ cũng như dễ tin tưởng; nhạy bén về giác quan cơ thể cũng như trí tuệ; và thích thú với trạng thái mập mờ, trong đó họ có thể lơ lửng một cách sang trọng giữa Thiên đường và Trái đất, Thế giới này và Thế giới sau đó, trên đôi cánh của một biểu đạt đầy chất thơ, có thể phục vụ một cách thờ ơ cho cả hai. Omar quá trung thực với Trái tim cũng như Đầu óc trong việc này. Đã thất bại (dù là nhầm lẫn thế nào đi chăng nữa) khi tìm không thấy bất kỳ Sự quan phòng nào ngoài Định mệnh, và bất kỳ Thế giới nào ngoài Thế giới này, ông bắt đầu tận dụng tối đa nó; thà xoa dịu Linh hồn thông qua các giác quan để chấp nhận mọi thứ như những gì đã thấy, hơn là bối rối với sự lo lắng vô ích về những điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, người ta thấy rằng Ham muốn Trần tục của ông không hề quá đáng; và rất có thể ông khoái chí một cách khôi hài và nghịch ngợm khi đề cao sự thỏa mãn các Giác quan lên trên Trí tuệ, thứ mà ông chắc hẳn rất thích thú, mặc dù nó không trả lời được những Câu hỏi mà ông cũng như nhiều người khác vốn rất quan tâm. 

Dù vì bất cứ lý do nào đi nữa, dẫu sao, Omar, như đã bàn từ trước, chưa bao giờ nổi tiếng trong Quốc Gia của mình, và do đó rất ít được lưu truyền ra ngoại quốc. Các bản thảo thơ ca của ông, bị cắt xén quá mức thông thường của các Ghi chép phương Đông, rất hiếm ở phương Đông đến mức khó có thể vươn tới phương Tây, bất chấp quá trình du nhập Vũ khí và Khoa học. Không có bản sao nào ở India House, không có bản nào ở Thư viện Quốc gia Paris. Chúng ta chỉ biết một bản ở Anh: Số 140 của bản thảo Ouseley tại Bodleian, được chép tại Shiraz, năm 1460 sau Công Nguyên. Cuốn sách này chỉ chứa 158 Rubaiyat. Một cuốn trong Thư viện của Hiệp hội Châu Á tại Calcutta (mà chúng ta có một Bản sao), chứa (nhưng chưa đầy đủ) 516 bài, mặc dù đã bị thổi phồng lên bởi Dị bản và Khiếm khuyết. Vì vậy, Von Hammer nói rằng Bản sao của ông có khoảng 200 bài, trong khi Tiến sĩ Sprenger lập danh mục cho bản thảo Lucknow[7] gấp đôi con số đó. Những người chép lại các bản thảo ở Oxford và Calcutta dường như làm việc của họ với một sự phản đối nào đó; mỗi bản thảo bắt đầu với một bài thơ tứ tuyệt (có thể là thật hoặc không), được đưa ra khỏi thứ tự chữ cái; bản thảo ở Oxford bắt đầu với một bài thơ tứ tuyệt mang tính chất xin lỗi; bản thảo ở Calcutta bắt đầu với một bài thơ tứ tuyệt mang tính chất phản đối hoặc khuyên can, được cho là (theo một lời thông báo kèm theo bản thảo) xuất phát từ một giấc mơ, trong đó mẹ của Omar hỏi về số phận tương lai của ông. Nó có thể được diễn giải như sau:

“Hỡi ai đốt cháy Trái Tim cho kẻ đang thiêu rụi

Chốn Địa Ngục nung nấu những ngọn lửa mãi sục sôi

“Xin rủ lòng!” Biết bao lâu cất lên lời rên xiết

“Vì đâu, Ngài dạy dỗ điều chi và học hỏi gì?” 

Quatrain Bodleian biện hộ cho thuyết phiếm thần bằng cách biện minh.

“Nếu tôi đây theo đức tin kém phần nghiêm cẩn

Chuỗi Ngọc điều Thiện lại bị xâu lỏng bội phần

Xin hãy để điều này trở thành lời Biện Hộ

Rằng từ Một thành Hai tôi chưa từng nhầm lẫn.”

Những nhà phê bình[8] , mà tôi mang nợ nhiều chi tiết về cuộc đời của Omar, kết thúc Bài phê bình của mình bằng cách so sánh ông với Lucretius, cả về tính khí nóng nảy và thiên tài bẩm sinh, và được tác động bởi Bối cảnh đời sống. Cả hai thực sự đều là những vị có Trí tuệ tinh tế, mạnh mẽ và có học thức, Trí tưởng tượng đẹp đẽ và Trái tim đam mê Sự thật và Công lý; những người nổi dậy thoát khỏi Tôn giáo lầm lạc ở Quốc gia mình vốn là sùng kính sai lầm hoặc ngu dốt; nhưng họ không thể thay thế những gì họ đã lật đổ bằng Hy vọng tốt hơn như những người khác, không có Mặc khải tốt hơn để dẫn đường, vẫn chưa đưa ra Giới Luật của riêng mình. Lucretius thực sự, với những tài liệu như Epicurus cung cấp, đã hài lòng với lý thuyết về một cỗ máy khổng lồ được chế tạo một cách ngẫu nhiên và hành động theo một Luật Định mà không bị đặt ra bởi Nhà Lập pháp; và do đó, tự đặt mình vào một thái độ nghiêm khắc theo chủ nghĩa Khắc kỷ hơn là theo chủ nghĩa Khoái lạc, ngồi xuống để suy ngẫm về vở kịch sắp sẵn của Vũ trụ mà bản thân là một phần trong đó; chính ông và tất cả những gì về ông (như trong mô tả kỳ tuyệt của chính ông về Nhà hát La Mã) biến dịch theo phản xạ khủng khiếp của Bức màn treo lơ lửng giữa Khán giả và Mặt trời. Omar, tuyệt vọng hơn, hoặc vô tâm hơn với bất kỳ Hệ thống rối rắm nào chẳng dẫn đến đâu ngoài sự bó buộc vô vọng, đã ném Thiên tài và Sở học của chính mình vào Tàn tích chung cùng một trò đùa cay đắng hoặc hài hước mà chỉ thoáng qua thì không thể thấu rõ; và, vờ như khoái cảm nhục dục, như mục đích nghiêm túc của Cuộc sống, chỉ chuyển hướng bản thân với những nan đề suy đoán về Thần thánh, Số phận, Vật chất và Tinh thần, Thiện và Ác, và những câu hỏi khác, dễ bắt đầu hơn so với đeo đuổi những gì rốt cuộc như trò thể thao mỏi mệt!

Về bản dịch hiện tại

Rubaiyat Gốc (vì thiếu âm yết hầu tiếng Ả Rập, những Tứ Tuyệt − Tetrastich này được gọi với cái tên Rubaiyat mang nhạc tính nhiều hơn) là những đoạn Stanza (khổ thơ) độc lập, bao gồm mỗi dòng trong số bốn Dòng bằng nhau, mặc dù có nhiều giai điệu khác nhau; đôi khi tất cả đều được gieo vần, nhưng thường thì (như ở đây tái hiện) dòng thứ ba không vần. Hơi giống trong Alcaic của Hy Lạp (ND: Một thể thơ Tứ Tuyệt với 2 dòng đầu có 11 âm tiết, dòng thứ 3 có 9 âm tiết và dòng thứ 4 có 10 âm tiết), mà dòng áp chót dường như ngân lên rồi ngưng như cơn sóng trào lên rồi cuối cùng đổ ập xuống. Thường thì với loại Thi khúc Phương Đông như vậy, Rubaiyat nối tiếp nhau theo Vần chữ cái – một sự nối tiếp lạ kỳ hết trầm lại bổng. Những bài được chọn được xâu chuỗi thành dạng Ứng Đối (ND: Từ gốc là Eclogue, tức một dạng thơ đối đáp trong văn hóa Hy Lạp), với tỉ lệ không tương xứng giữa “Uống rượu và tìm vui”, vốn là sự tái diễn Bản gốc rất thường xuyên (dẫu chính xác hay không). Dẫu thế, rốt cuộc vẫn là cái buồn: buồn nhất có lẽ là khi niềm vui được phô trương tột độ rồi có xu hướng chuyển sang buồn hơn là giận, ở Người Làm Lều già nua sau nỗ lực vô ích để tháo bỏ xiềng xích trói buộc mình vào Định mệnh, và nắm bắt thoáng nhìn đích thực về Mai Hậu nhờ vào Hôm Nay (vốn dài lâu hơn so với Mai Hậu!) như Mặt Đất duy nhất mà ông đứng vững trên đó, nhưng rồi trong khoảnh khắc lại chao đảo.

Từ ấn bản thứ Ba

Trong khi đang chuẩn bị cho Phiên bản thứ hai của bản thơ này của Omar, Ngài Nicolas, Lãnh sự Pháp tại Resht, đã xuất bản một Phiên bản rất cẩn thận và rất hay, từ một bản in thạch bản ở Tehran, bao gồm 464 Rubaiyat, với bản dịch và ghi chú của chính ông.

Ngài Nicolas với phiên bản của ông nhắc nhở tôi đôi điều và hướng dẫn tôi vài điều khác, lại không coi Omar là người theo chủ nghĩa Khoái lạc duy vật Epicurean mà tôi đã hiểu ông theo nghĩa đen, thay vì đó là một nhà Huyền môn, cái bóng của Thần thánh núp dưới hình tượng Rượu, Người mang rượu…như Hafiz vốn được cho là vậy, tóm lại, như một nhà thơ Sufi giống Hafiz và những người khác.

Tôi không thấy có lý do gì để thay đổi quan điểm của mình, vốn đã hình thành cách đây hơn chục năm khi lần đầu tiên tôi được thưởng lãm thơ của Omar nhờ một người mà tôi mang ơn vì tất cả những gì tôi biết về văn học phương Đông và rất nhiều nền văn học khác. Ông ấy ngưỡng mộ Thiên tài của Omar đến mức ông ấy háo hức chấp nhận bất cứ cách diễn giải nào như của Ngài Nicolas nếu ông ấy có thể chấp nhận được. Thế nhưng việc ông ấy không thể chấp nhận điều đó đã được thể hiện qua bài viết của ông ấy trên Calcutta Review và được trích dẫn rất nhiều; trong đó, ông ấy lập luận dựa trên chính các bài thơ, cũng như từ những ghi chép còn lại về cuộc đời của nhà thơ.

Và nếu cần thêm bằng chứng để bác bỏ giả thiết của Ngài Nicolas, thì có thể tìm thấy trong phần Tiểu sử mà chính ông ấy viết, hoàn toàn mâu thuẫn với cách diễn giải các bài thơ trong chú thích của ông ta. (Xem trang 13-14 trong lời giới thiệu của ông ấy.) Kỳ thực tôi khó mà biết rằng Omar đáng thương đã đi xa đến thế cho đến khi Nhà biện giải của ông ấy cho tôi biết. Ở đây chúng ta thấy rằng, bất kể loại rượu nào mà Hafiz uống và ca ngợi, thì đúng là loại cốt nho đích thực mà Omar đã sử dụng, không chỉ khi tiệc tùng với bạn bè, mà (theo Ngài Nicolas) còn để kích thích bản thân đạt đến tín niệm mà các vị khác đạt được bằng cách ngân nga hay “thét lên”. Và tuy nhiên, bất cứ khi nào rượu, người mang rượu, v.v. xuất hiện trong văn bản, khá thường xuyên, Ngài Nicolas cẩn thận chú thích ‘Dieu,’ ‘La Divinite,’ v.v. Cẩn thận tới mức ai đó có thể nghĩ rằng ông ta bị ảnh hưởng bởi các Sufi mà ông ta đã đọc thơ của họ. (Ghi chú Rub. II trang 8.) Một người Ba Tư tự nhiên sẽ muốn bảo vệ danh tiếng của một người đồng hương xuất sắc; và một Sufi sẽ muốn ghi tên ông ấy vào giáo phái của mình, vốn đã bao gồm tất cả các nhà thơ quan trọng xứ Ba Tư.

Ngài Nicolas có thẩm quyền lịch sử nào để chứng minh rằng Omar “với niềm đam mê dâng hiến bản thân cho việc nghiên cứu triết học của Sufi”? (Lời nói đầu, trang xiii.) Các học thuyết về thuyết phiếm thần, chủ nghĩa duy vật, thuyết tất yếu, v.v., không phải là đặc trưng của Sufi; cũng không phải của Lucretius trước đó; hay của Epicurus trước ông; có lẽ là sự phi tôn giáo nguyên sơ của những nhà tư tưởng từ thuở ban đầu, và chắc hẳn là sự phát triển tự nhiên của một triết gia sống trong thời đại chính trị xã hội man rợ, dưới bóng của một trong Bảy mươi hai Tôn giáo được cho là chia rẽ thế giới.” Von Hammer (theo Danh mục Phương Đông của Sprenger) đề cập đến Omar như là “một nhà tư tưởng tự do, và một đối trọng của Sufi”; có lẽ vì, dù ông sở hữu nhiều học thuyết của họ, ông không giả vờ tuân theo bất kỳ đạo đức nghiêm khắc nào bất nhất.” Ngài W. Ouseley đã viết một ghi chú với ý nghĩa tương tự trên trang bìa của bản thảo Bodleian. Và trong hai bài Rubaiyat ở chính bản in của Ngài Nicolas, Suf và Sufi đều bị chê bai.

Không nghi ngờ gì rằng các tứ tuyệt này có vẻ không thể hiểu được nếu không được diễn giải theo cách huyền bí, nhưng nhiều tứ tuyệt khác cũng không thể hiểu được nếu không được hiểu theo nghĩa đen. Ví dụ, nếu rượu là tinh thần, thì làm sao có thể gột rửa thân thể bằng nó khi chết? Tại sao lại làm cốc từ đất sét chết để được đổ đầy bằng “La Divinite” bởi một nhà huyền môn sau đó? Chính ngài Nicolas lúng túng với một số hình ảnh và bóng gió “kỳ dị” và “quá phương Đông” với “sự gợi cảm đôi khi khó chịu” mà “những quy ước” không dễ để dịch, nhưng vẫn là những thứ mà độc giả không thể không liên hệ đến “La Divinite”[9].

Không nghi ngờ gì rằng nhiều bài tứ tuyệt trong các bản sao ở Tehran, cũng như ở Calcutta, là giả mạo; dạng Rubaiyat này là hình thức phổ biến của thơ châm biếm ở Ba Tư. Nhưng điều này, cùng lắm, cũng chỉ nói nói lên điều tương tự mà thôi, những vị Sufi vốn được coi là các Học giả và Nhà văn Ba Tư hẳn sẽ chắc chắn hơn Epicure vô tâm nhằm đảm bảo cho cách hiểu của họ về Nhà Thơ (Omar). Tôi quan sát thấy rằng có rất ít trong số những bài Tứ tuyệt ở bản thảo Bodleian, vốn là những bài cổ nhất được xác định vào thời Shiraz khoảng 865 SCN đến năm 1460. Và điều này, tôi nghĩ, đặc biệt phân biệt Omar (tôi không thể không gọi ông bằng tên—không, không phải tên Cơ Đốc giáo— cái tên thân thuộc của ông) với tất cả các nhà thơ Ba Tư khác: Đó là, trong khi đối với những nhà thơ khác, Nhà Thơ bị lạc trong bài hát của chính mình, con người bị lạc mất trong biểu tượng và sự trừu tượng; thì chúng ta dường như có Con người—bạn hữu — chính Omar, với tất cả cá tính và đam mê của ông, hiển hiện rõ ràng trước chúng ta như thể chúng ta thực sự đang ngồi cùng bàn với ông, sau khi rượu đã được truyền tay nhau.”

Tôi phải nói rằng, cá nhân tôi, chưa bao giờ hoàn toàn tin vào bí giáo của Hafiz. Chẳng có vẻ gì là nguy hiểm khi duy trì và tụng ca thuyết phiếm thần Sufi, miễn là Nhà thơ thực hiện lời nguyện Salaam ngợi ca Mohammed vào khúc đầu và cuối bài ca của ông ta. Trong những điều kiện như vậy, Jelaluddin, Jami, Attar và những vị khác đã ca hát; sử dụng rượu và sắc đẹp như những hình ảnh để minh họa, chứ không phải để che giấu, sự thần thánh mà họ đang ca ngợi. Có lẽ một số hình ảnh ẩn dụ ít bị hiểu lầm hoặc lạm dụng hơn sẽ tốt hơn trong một dân tộc dễ bị kích động như vậy: đặc biệt là, như một số người nghĩ với Hafiz và Omar, cái trừu tượng không chỉ được so sánh, mà còn được đồng nhất với hình ảnh nhục cảm; vốn bị coi là nguy hiểm nếu không phải với người sùng đạo thì cũng là với những người anh em yếu đuối hơn, và tệ hơn thế là với những người không biết đến sự kính ngưỡng đang tỉ lệ thuận với mức độ sùng đạo của người đã khai sáng. Và tất cả những điều này là vì đâu? Để bị mê hoặc bởi những hình ảnh hưởng thụ vật chất mà phải từ bỏ nếu muốn đến gần Thượng Đế, người mà theo giáo lý, là Vật chất Tri giác được cũng như Tinh thần, và đều nhập vào toàn thể nơi Ngài mà người ta mong đợi một cách vô thức được hòa vào sau khi chết, không chút hy vọng vào bất kỳ niềm hạnh phúc sau cái chết nào để bù đắp cho tất cả từ bỏ bản thân trong thế giới này. Tính thiêng mù quáng của Lucretius chắc chắn xứng đáng và có lẽ đã nhận được nhiều sự hy sinh bản thân như của Sufi, và thông điệp trong bài hát của Omar, nếu không phải là “Hãy ăn đi”, chắc chắn là “Hãy uống đi, vì ngày mai chúng ta chết!” Và nếu Hafiz hàm ý hoàn toàn khác bằng ngôn ngữ tương đương, chắc chắn ông đã tính sai khi cống hiến cả đời và tài năng của mình cho một loại thánh ca mơ hồ mà từ thời của ông đến nay, đã được nói và hát bởi bất kỳ ai chứ không phải là những người phụng sự tinh thần.

Tuy nhiên, vì có một số giả định truyền thống và xác quyết ý kiến của một số học giả, ủng hộ việc Omar là một Sufi và thậm chí là một Thánh nhân, những ai muốn có thể diễn giải rượu và người rót rượu của ông theo lối này. Mặt khác, khá chắc chắn về mặt lịch sử rằng ông là một triết gia, với Hiểu biết và các Kỹ năng khoa học vượt trội so với Thời Đại và Quốc gia đương thời, với ham muốn thế tục vừa phải để trở thành một triết gia, và một ham muốn thông thường ít khi được thỏa mãn của một kẻ phóng túng; những độc giả khác có thể hài lòng khi tin rằng, mặc dù rượu mà Omar ca ngợi chỉ đơn giản là rượu nho, ông ấy rêu rao nhiều hơn là thực uống nó, có lẽ để thách thức Rượu Tinh Thần vốn khiến những ai sùng bái nó chìm trong đạo đức giả hoặc đáng ghê tởm.

Edward J. Fitzgerald

 

Chú thích:

[1]  Dường như tác giả có sự nhầm lẫn ở đây, theo các tài liệu mới nhất thì Toghrul Beg không có con cái nối dõi và người kế vị ông, Alp Arslan, là con trai của người anh, Chaghri Beg. Đoạn trên cần sửa lại thành: Sultan Alp Arslan (con trai), và Sultan Malik Shah (cháu trai) của Chaghri Beg, anh trai của Toghrul Beg, một người Tartar đã chiếm cứ Ba Tư. (ND)

[2] Một số bài tứ tuyệt của Omar cảnh báo chúng ta về nguy cơ của sự vĩ đại, sự bất ổn của vận may, và trong khi khuyến khích lòng từ thiện đối với tất cả mọi người, lại khuyên chúng ta không nên quá thân mật với ai. Attar kể rằng Nizam-ul-Mulk đã dùng chính những lời của bạn mình, Omar [Rub. xxviii.], “‘Khi Nizam-ul-Mulk đang trong cơn hấp hối (của cái chết), ông nói, ‘Ôi Thượng Đế! Tôi đang trôi đi trong bàn tay của gió'”.

[3] Tuy nhiên, tất cả những cái tên này, giống như Smiths (Thợ rèn), Archers (Cung thủ), Millers (Thợ xay), Fletchers (người làm tên), có thể chỉ đơn giản là giữ lại họ từ một nghề nghiệp gia truyền.

[4] Câu “Triết gia Hồi giáo đã sống trong sự tôn kính thánh thiện của tôn giáo mình theo đuổi, vào cuối thế kỷ đầu tiên và đầu thế kỷ thứ hai” không chút nào phù hợp với trường hợp Khayyam, ngoại trừ từ “Triết gia”.

[5] Sự táo bạo trong lời nói, theo D’Herbelot, nằm ở chỗ đối lập với những lời trong Kinh Koran: ‘Không ai biết mình sẽ chết ở đâu’. – Câu chuyện về Omar này tự nhiên nhắc tôi nhớ về một câu chuyện khác – và khi người ta nhớ đến mục tiêu cao cả của người thủy thủ khiêm tốn này, được kể lại thật cảm động bởi Captain Cook chứ không phải bởi Doctor Hawkworth – trong chuyến hành trình thứ hai của ông. Khi rời khỏi Ulietea, “yêu cầu cuối cùng của Oreo là tôi trở lại. Khi thấy không thể đạt được lời hứa đó, ông ta hỏi tên nơi chôn cất của tôi (Marai). Một câu hỏi kỳ lạ như vậy, tôi không ngần ngại một chút nào để nói với ông ta ‘Stepney’; giáo xứ nơi tôi sống khi ở London. Tôi phải lặp lại nhiều lần cho đến khi họ có thể phát âm được; và sau đó ‘Stepney Marai no Toote’ được vọng lại từ hàng trăm cái miệng cùng một lúc. Sau đó tôi phát hiện ra câu hỏi tương tự đã được đặt ra cho Ngài Forster bởi một người trên bờ; nhưng ông ấy đã đưa ra một câu trả lời khác, và thực sự là đúng hơn, bằng cách nói, ‘Không thủy thủ nào có thể nói mình sẽ được chôn cất ở đâu’.”

[6] Nhà điêu khắc nổi tiếng người Đan Mạch Bertel Thorvaldsen (1770-1844) với ngôi mộ hiện đang nằm trong khuôn viên bảo tàng Thorvaldsen tại Copenhagen và hoa lá mọc lên phủ khắp. (ND)

[7] “Kể từ khi bài viết này được viết” (người phê bình thêm vào trong một ghi chú) chúng ta đã tìm thấy một bản sao của một ấn bản rất hiếm, được in tại Calcutta vào năm 1836. Bản này chứa 438 bài tứ tuyệt, cùng với một phụ lục chứa thêm 54 bài tứ tuyệt khác không có trong một số bản thảo.”

[8] Professor Cowell.

[9] Một ghi chú về bài tứ tuyệt 234 thừa nhận rằng, mặc dù ý nghĩa huyền bí của những hình ảnh này có thể rõ ràng đối với người châu tu, nhưng ngay cả những người dân thường ở Ba Tư cũng không trích dẫn chúng mà không khỏi cảm thấy bối rối.—”Về các cụm từ âu yếm bắt đầu bài tứ tuyệt này, như rất nhiều bài khác trong tập thơ này, các độc giả của chúng tôi, bây giờ đã quen với sự kỳ lạ của các cách diễn đạt thường xuyên được Kheyam sử dụng để diễn tả suy nghĩ của ông về tình yêu thần thánh, và sự độc đáo của những hình ảnh quá đỗi phương Đông, với sự gợi cảm đôi khi gây phẫn nộ, sẽ không gặp khó khăn trong việc thuyết phục bản thân rằng ông đang nói về thần thánh, mặc dù niềm tin này bị tranh luận sôi nổi bởi các thầy tu Islam, và thậm chí bởi nhiều người thế tục, những người thực sự bối rối vì sự tự do như vậy của đồng bào mình đối với những vấn đề tinh thần.”

Bản lưu cuộc trò chuyện Rượu & Thơ với Omar Khayyam & Rumi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *