0
Tường thuật Hỏi Đáp Chuyên Môn: Bản địa học phê phán – thoát khỏi tính thực dân trong nghiên cứu văn hóa
10 sáng Chủ Nhật, 6/11/2022, tại Trung Tâm Book Hunter diễn ra cuộc trò chuyện đầy gợi mở về Bản địa học và bản địa học phê phán cùng nhà nghiên cứu trẻ độc lập Bùi Minh Hào. Sự kiện đặc biệt có sự tham gia của giáo sư PGS TS Tô Duy Hợp.
Mở đầu sự kiện, nhà nghiên cứu trẻ Bùi Minh Hào kể về chuyến thực địa gần nhất của anh để tìm hiểu những cô gái Thái làm gái ở quán karaoke tại Vinh. Những cô gái này nằm trong số 2000 người dân tộc thiểu số không đăng ký tạm trú tạm vắng tại Vinh, và cũng không được hưởng bất cứ một quyền lợi an sinh nào, đồng thời cũng thường xuyên bị coi thường. Việc làm gái tại các quán karaoke khiến họ thay đổi quan điểm về thẩm mỹ, từ sự khỏe khoắn phồn thực trong tâm thức cộng đồng người Thái trước kia, họ chuyển dần sang tiêu chuẩn về dáng người mảnh khảnh và chuẩn hóa các số đo. Tuy nhiên, sự xuất hiện của họ tại Vinh vô tình lại tạo nên sự kết nối cộng đồng Thái tại thành phố này.
Câu chuyện khơi mào cho những thảo luận về sự đối mặt với những biến đổi về văn hóa của các tộc người và bày tỏ sự lo ngại khi chính nhà nghiên cứu văn hóa lại trở thành tác nhân dẫn đến sự biến đổi đó.
Bản địa học phê phán – một cách tiếp cận với văn hóa tộc người
Diễn giả Bùi Minh Hào kể lại câu chuyện anh thực hiện cuộc phỏng vấn để tìm hiểu về văn hóa các nhóm Thổ tại một bản Tày Poọng, một tộc người chưa có tên trong bảng danh mục các dân tộc thiểu số. Ông già làng tại đây bày tỏ sự tức giận vì bị xếp chung vào nhóm Thổ và lên tiếng mong muốn được trả lại tên cho dân tộc mình. Vấn đề xoay quanh vấn đề định danh dân tộc Thổ này đã được nhà nghiên cứu Bùi Minh Hào chia sẻ với Book Hunter, mời các bạn xem video trên Youtube:
GIAO#13: Dân tộc Thổ qua góc nhìn bản địa học phê phán – YouTube
Nhà nghiên cứu Bùi Minh Hào cho biết thêm tiêu chí xác định thành phần tộc người bao gồm: Ngôn ngữ, Văn hóa và Ý thức tự giác tộc người. Sự phân loại theo tiêu chí này như cái nhìn của người ngoài vào tộc người, và vô tình áp đặt tiêu chí lên các tộc cá biệt có một chút ít tương đồng khiến người dân các tộc này và các cán bộ tuyên truyền văn hóa tiếp thu định kiến văn hóa về tộc người ấy, dần dần tự “đẽo chân vừa giày”, và sẽ bị mai một nhanh chóng hơn các nét văn hóa tộc người.
Nhìn lại lịch sử nghiên cứu văn hóa, ta có thể thấy rằng các ghi chép về tộc người từ xa xưa cho đến đầu thế kỷ 20 thường bị diễn giải theo nhãn quan của người ngoài, thường là miền xuôi đánh giá miền núi, đa số đánh giá thiểu số. Đó là phương thức nghiên cứu văn hóa theo lối thực dân và phục vụ các mục tiêu chính trị, phương thức này đặc biệt nở rộ khi các tu sĩ truyền đạo và các nhà nghiên cứu theo chân thực dân xâm chiếm các thuộc địa. Các nhà nghiên cứu tại các quốc gia bị đô hộ dần dần hình thành phong trào “bản địa học” (Indigenous Studies, hay còn gọi là nghiên cứu bản địa). Với phong trào bản địa học, dần dần khẳng định vị thế của người bản địa: đủ năng lực sản xuất tri thức về chính mình, chống lại sự can thiệp hay nhìn nhận từ bên ngoài vào, nhất là trong quá trình sản xuất tri thức về văn hóa của người bản địa.
Tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa thực dân bản địa vẫn tồn tại dù chế độ thực dân đã kết thúc trong lịch sử. Chủ nghĩa thực dân bản địa khiến nghiên cứu trở thành độc quyền của những nhà nghiên cứu, và duy trì thái độ của người bên ngoài nhìn vào các cộng đồng tộc người. Người Kinh gần như độc quyền nghiên cứu trong khi đó đối tượng nghiên cứu hoàn toàn ko có quyền lực gì thậm chí phải chịu các hệ lụy về văn hóa, chính trị và môi trường. Từ thực trạng đó, các nhà nghiên cứu văn hóa đã có một bước tiến xa hơn, đó là thực hành bản địa học phê phán chủ nghĩa thực dân bản địa trong sản xuất tri thức về các cộng đồng và phê phán mục đích và động lực của quá trình sản xuất tri thức về các nền văn hóa, đồng thời đòi quyền tham gia chủ động của chính người bản địa và cho họ quyền tự quyết trong lựa chọn văn hóa của mình.
>> Bài viết về vấn đề chủ nghĩa thực dân bản địa dẫn tới sản xuất tri thức tộc người của nhà nghiên cứu trẻ Bùi Minh Hào đăng trên Chuyên đề Đọc & Kiến tạo #1: Gõ cửa tương lai của Book Hunter. Tìm hiểu thêm về chuyên đề tại ĐÂY.
Thực hành bản địa học phê phán
Nhà nghiên cứu trẻ Bùi Minh Hào chia sẻ lại những kinh nghiệm điền dã của anh và các vấn đề gặp phải khi thực hành bản địa học phê phán. Anh đã kết hợp các phương pháp sau:
- Life Story – câu chuyện cuộc đời (trường phái Chicago): Phương pháp này hình thành trong bối cảnh chủ nghĩa thực chứng đang được ưa chuộng tại phương Tây, khi các nhà nghiên cứu thực chứng đi vào các cộng đồng người nghèo ở đô thị, họ nhận ra rằng thống kê trở nên không thể sử dụng được. Và thế là họ đã sử dụng phương pháp câu chuyện cuộc đời, tức người nghiên cứu không can thiệp vào và để đối tượng thể hiện nhiều hơn trong câu chuyện của mình.
- Phương pháp tham vấn cộng đồng: Cố gắng tiếp nhận rất nhiều ý kiến của người liên quan và người điều phối cố gắng ko mớm lời. Phương pháp này đòi hỏi người nghiên cứu nghe chủ thể nói nhiều và tạo môi trường tranh luận lẫn nhau và kiểm soát toàn bộ quá trình để không xảy ra xung đột.
- Tiếp cận chủ thể và khách thể (ứng dụng nhiều trong nghiên cứu văn hóa): phương pháp này đặt chủ thể là đối tượng nghiên cứu còn khách thể là người nghiên cứu.
Tại châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam, gần như là ko có bộ môn bản địa học phê phán. Còn tại châu Âu và Canada thì bản địa học rất phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, bản địa học phê phán vẫn được ứng dụng khi kết hợp với các phương pháp khác. Bản địa học phê phán cộng hưởng với nhân học số , để tạo ra môi trường tương tác giữa người nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Ví dụ nhất là phong trào #MeToo điển hình cho Nhân học số. Hoặc bản địa học kết hợp Nhân học hợp tác để đa dạng hóa các đối tượng, liên ngành. Sự kết hợp này vừa là hệ quả, động lực và môi trường để bản địa học phát triển.
Ngay sau đó là cuộc tranh luận sôi nổi của những người tham gia về tình trạng biến động văn hóa tộc người tại Việt Nam, các chính sách dân tộc đang gặp vướng mắc ở đâu. Để nghe toàn bộ sự kiện, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận bản ghi âm:
Email: info.bookhunter@gmail.com
Zalo/Hotline: 096 449 17 49
Tô Lông tường thuật
Tìm hiểu thêm:
Bạn đọc có thể theo dõi các chuỗi trò chuyện khác của Book Hunter thông qua các bài tường thuật tại đây.