Trẻ em và người lớn

Trích đoạn từ cuốn sách "Kiến giải về giáo dục" của J. Krishnamurti

Kiến giải về giáo dục của J. Krishnamurti là một cuộc tìm hiểu sâu sắc về bản chất của giáo dục, nhấn mạnh rằng giáo dục thực sự vượt xa việc tiếp thu kiến thức để bao trùm sự phát triển toàn diện của con người. Krishnamurti lập luận rằng giáo dục không chỉ nên chuẩn bị cho cá nhân một nghề nghiệp hay những vai trò xã hội mà còn nhằm mục đích mang lại hiểu biết sâu sắc về bản thân và mối quan hệ của một người với thế giới. Điều này liên quan đến việc thúc đẩy một môi trường không bị thống trị bởi sợ hãi và quyền lực, thay vào đó cho phép sự tự do, sáng tạo và tư duy phản biện.

Tầm nhìn của Krishnamurti về giáo dục thách thức các phương pháp truyền thống, cho thấy một cách tiếp cận toàn diện là cần thiết đối với việc nuôi dưỡng sự tự nhận thức, lòng từ bi và ý thức về sự kết nối. Các luận điểm của ông khuyến khích các nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh xem xét lại mục đích và phương pháp giáo dục, ủng hộ một hệ thống ưu tiên sự phát triển nội tại và hạnh phúc của cá nhân hơn là nhu cầu xã hội hoặc kinh tế.

Hầu hết trẻ em đều tò mò, chúng muốn biết; nhưng sự háo hức tìm hiểu của chúng lại bị những khẳng định cố chấp, sự thiếu kiên nhẫn tột độ của chúng ta làm cho cùn mòn đi, chúng ta vô tình gạt bỏ trí tò mò của trẻ. Chúng ta không khuyến khích chúng tìm hiểu, vì chúng ta phần nào e sợ những điều chúng có thể hỏi; chúng ta không nuôi dưỡng sự bất mãn của chúng, vì chính chúng ta đã ngừng đặt câu hỏi.

Hầu hết phụ huynh và giáo viên đều sợ hãi sự bất mãn, vì nó làm xáo trộn mọi hình thức an toàn, và vì thế họ khuyến khích bọn trẻ vượt qua sự bất mãn bằng những công việc an toàn, tài sản thừa kế, hôn nhân và sự an ủi của những giáo điều tôn giáo. Người lớn, do biết quá rõ về nhiều cách làm cùn mòn trí óc và con tim, đã làm cho trẻ em trở nên đần độn như họ bằng cách áp đặt lên chúng những quyền lực, truyền thống và niềm tin mà bản thân họ đã chấp nhận.

Chỉ có cách khuyến khích đứa trẻ đặt câu hỏi về sách vở, dù cho là sách gì, tìm hiểu tính hợp lý của các giá trị xã hội, truyền thống, hình thức chính phủ, niềm tin tôn giáo hiện tồn, vân vân, thì nhà giáo dục và phụ huynh mới có thể hy vọng đánh thức và duy trì được óc phê phán tỉnh táo và sự thấu suốt sâu sắc của trẻ.

Người trẻ, nếu thật sự sống, sẽ tràn đầy hy vọng và sự bất mãn; họ phải như thế, nếu không thì họ đã già nua và chết rồi. Người già là những người đã từng bất mãn nhưng đã thành công trong việc bóp nghẹt ngọn lửa đó và tìm thấy sự an toàn, thoải mái theo nhiều cách khác nhau. Họ khao khát sự trường cửu cho bản thân và gia đình, họ vô cùng khao khát sự chắc chắn trong những ý nghĩ, những mối quan hệ, trong của cải; vậy nên, ngay khi cảm thấy bất mãn, họ liền mải mê với trách nhiệm, với công việc, hay bất cứ điều gì khác, để thoát khỏi cảm giác bất mãn gây xáo động đó.

Lúc còn trẻ là lúc chúng ta bất mãn, không chỉ với chính mình mà còn với những thứ xung quanh. Chúng ta nên học cách suy nghĩ rõ ràng và không thiên vị, để trong thâm tâm ta không phụ thuộc và không sợ hãi. Độc lập không phải là cho khu vực tô màu trên bản đồ mà ta gọi là tổ quốc, mà cho chính chúng ta với tư cách cá nhân; và mặc dù về bên ngoài chúng ta phụ thuộc vào nhau, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau này sẽ không trở nên tàn nhẫn hay áp bức nếu về bên trong chúng ta thoát ra khỏi khao khát sức mạnh, địa vị và uy quyền.

Chúng ta phải hiểu được sự bất mãn, điều mà hầu hết chúng ta đều sợ hãi. Bất mãn có thể sinh ra những thứ dường như vô trật tự; nhưng nếu nó dẫn đến sự biết mình và sự quên mình, mà nó sẽ làm vậy, thì bất mãn lại tạo ra một trật tự xã hội mới và hòa bình vĩnh viễn. Đi kèm với sự quên mình là niềm vui vô hạn.

Bất mãn là phương tiện đạt đến tự do; nhưng để tìm hiểu mà không có thành kiến thì không được phung phá cảm xúc, một điều thường xảy ra dưới hình thức tụ họp chính trị, la hét khẩu hiệu, tìm kiếm một vị đạo sư hay một bậc thầy tâm linh, cùng những cuộc truy hoan tôn giáo theo nhiều kiểu khác nhau. Sự phung phá này làm trí óc và trái tim trở nên trì độn, khiến chúng không còn khả năng thấu suốt và do đó dễ bị hoàn cảnh và nỗi sợ hãi nhào nặn. Chính khao khát cháy bỏng được tìm hiểu, chứ không phải sự bắt chước dễ dãi của đám đông, sẽ mang lại một hiểu biết mới mẻ về những cách sống.

Giới trẻ rất dễ bị các tu sĩ hay chính trị gia, bị người giàu hay người nghèo, thuyết phục suy nghĩ theo một hướng cụ thể; nhưng kiểu giáo dục đúng đắn sẽ giúp họ cảnh giác với những ảnh hưởng này, để họ không lặp lại những câu khẩu hiệu như con vẹt hay rơi vào bất kỳ cái bẫy xảo quyệt nào của lòng tham, dù là của chính họ hay của người khác. Họ không được để cho quyền lực bóp nghẹt trí óc và trái tim mình. Tuân lời ai khác, dù người đó vĩ đại đến đâu, hay trung thành với một hệ tư tưởng khiến ta hài lòng, sẽ không đem đến một thế giới hòa bình.

Khi rời trường phổ thông hay đại học, nhiều người trong chúng ta sẽ cất sách đi và dường như cảm thấy mình đã học hành xong; và có những người được khuyến khích suy nghĩ xa hơn, không ngừng đọc và hấp thụ những gì người khác nói, trở nên nghiện kiến thức. Chừng nào còn có sự tôn thờ kiến thức hoặc kỹ thuật, xem chúng là phương tiện dẫn đến thành công và sự thống trị, thì chắc chắn còn có sự cạnh tranh, đối lập đến tàn nhẫn và không ngừng tranh giành miếng ăn.

Chừng nào còn xem thành công là mục tiêu, thì chúng ta không thể thoát khỏi sợ hãi, vì khao khát thành công tất sẽ nuôi dưỡng nỗi sợ thất bại. Đó là lý do vì sao không nên dạy người trẻ tôn thờ thành công. Hầu hết mọi người đều tìm kiếm thành công ở hình thức này hay hình thức khác, dù trên sân tennis, trong giới kinh doanh hay trong chính trị. Tất cả chúng ta đều muốn đứng đầu, khao khát này tạo ra sự mâu thuẫn liên tục trong chính ta và với những người xung quanh; nó dẫn đến sự cạnh tranh, đố kỵ, thù địch và cuối cùng là chiến tranh.

Giống như thế hệ trước, người trẻ cũng tìm kiếm thành công và sự an toàn; dù thoạt đầu họ có thể bất mãn, nhưng chẳng bao lâu họ lại trở nên tề chỉnh và ngại nói không với xã hội. Những bức tường khao khát của chính họ bắt đầu vây bọc lấy họ, họ tuân theo và nắm lấy dây cương của quyền lực. Sự bất mãn của họ, chính là ngọn lửa của tìm hiểu, của tìm kiếm, của hiểu biết, trở nên ảm đạm và lụi tàn, thay vào đó là khao khát có được một công việc tốt hơn, một cuộc hôn nhân giàu có, một sự nghiệp thành công, tất cả đều là nỗi thèm khát được an toàn hơn.

Không có sự khác biệt cơ bản nào giữa người lớn và người trẻ, vì cả hai đều là nô lệ cho những khao khát và sự hài lòng của chính họ. Trưởng thành không phải là vấn đề về tuổi tác, mà nó đi kèm với sự hiểu biết. Có lẽ tinh thần tìm hiểu nồng nhiệt dễ dàng hơn đối với người trẻ là vì người lớn đã bị cuộc sống vùi dập, những xung đột làm họ kiệt sức và cái chết dưới nhiều hình thức khác nhau đang chờ đợi họ. Điều đó không có nghĩa là họ không đủ khả năng tìm hiểu có mục đích, mà chỉ là điều đó khó khăn hơn với họ.

Nhiều người lớn còn thiếu chín chắn và khá ấu trĩ, đây là nguyên nhân góp phần gây ra hỗn loạn và đau khổ trên thế giới. Chính người lớn phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế và đạo đức đang lan tràn; và một trong những điểm yếu đáng tiếc của chúng ta là muốn người khác hành động thay mình để biến đổi cuộc sống của mình. Chúng ta chờ người khác nổi dậy và xây dựng lại, còn ta thì án binh bất động cho đến khi biết chắc kết quả.

Hầu hết chúng ta đều theo đuổi sự an toàn và thành công; và một trí óc đang tìm kiếm sự an toàn, đang khao khát thành công, thì không thể thông minh, và vì vậy không thể hành động thống nhất. Hành động thống nhất chỉ có được khi người ta nhận thức được tình trạng bị định hình của chính mình, những thành kiến về chủng tộc, quốc gia, chính trị và tôn giáo của mình, tức là, chỉ khi người ta nhận ra rằng những đường hướng của bản ngã luôn luôn phân ly.

Cuộc đời là một giếng nước sâu. Người ta có thể đến đó với chiếc xô nhỏ và chỉ múc được ít nước, hoặc người ta có thể đến đó với chiếc thùng lớn, múc thật nhiều thứ nước có tác dụng nuôi dưỡng và duy trì. Lúc còn trẻ là thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm mọi thứ. Một trường học nên giúp người trẻ khám phá ra thiên hướng và trách nhiệm của mình chứ không đơn thuần nhồi nhét vào đầu họ những dữ kiện và kiến thức kỹ thuật; đó phải là mảnh đất để họ có thể lớn lên mà không sợ hãi, một cách hạnh phúc và trọn vẹn.

Giáo dục một đứa trẻ là giúp nó hiểu được sự tự do và thống nhất. Muốn có tự do thì phải có trật tự, mà chỉ đức hạnh mới có thể mang lại trật tự; và sự thống nhất chỉ có thể xảy ra khi có sự đơn giản tột cùng. Từ vô số sự phức tạp, chúng ta phải tiến đến sự đơn giản; chúng ta phải trở nên đơn giản trong đời sống nội tâm cũng như ở những nhu cầu bên ngoài.

Giáo dục hiện nay quan tâm đến hiệu quả bên ngoài, và nó hoàn toàn coi thường, hay cố tình xuyên tạc bản chất bên trong của con người; nó chỉ phát triển một phần của anh ta và để mặc phần còn lại phải tự cố hết sức lê lết theo. Sự rối loạn, đối kháng và sợ hãi bên trong chúng ta luôn vượt qua cấu trúc của xã hội bên ngoài, dù được quan niệm cao quý và được xây dựng gian xảo đến đâu. Khi không có được kiểu giáo dục đúng đắn, chúng ta hủy diệt nhau, và sự an toàn thể xác cho mỗi cá nhân bị khước từ. Giáo dục học sinh đúng cách là giúp các em hiểu được toàn bộ quá trình của bản thân; vì chỉ khi nào có sự thống nhất giữa trí óc và trái tim trong hoạt động hằng ngày thì mới có thể có trí thông minh và sự chuyển hóa từ bên trong.

Trước khi cung cấp thông tin và đào tạo kỹ thuật, giáo dục phải khuyến khích một quan điểm thống nhất về cuộc sống; nó phải giúp học sinh nhận ra và phá vỡ mọi sự phân biệt và định kiến xã hội trong chính mình, đồng thời không để các em vì hám lợi mà theo đuổi quyền lực và sự thống trị. Nó nên khuyến khích kiểu tự quan sát đúng đắn và trải nghiệm toàn thể cuộc sống, một việc không phải để mang lại ý nghĩa cho một bộ phận, cho cái “tôi” và cái “của tôi”, mà để giúp trí óc vượt lên trên và vượt qua chính nó để tìm ra sự thật.

 

Education and the Significance of Life, trang 41-46

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Quan điểm giáo dục của Krishnamurti

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *