Thời gian theo mùa (xuân thu) và bản chất của Lã thị Xuân Thu

Trích đoạn từ cuốn sách "Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu" của James D. Sellmann

Trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa, Lã thị Xuân Thu của Lã Bất Vi là cổ thư kinh điển đã truyền cảm hứng cho vị vua tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc để trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Trong Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu, một nghiên cứu đương đại về cổ thư Trung Hoa này, tác giả James D. Sellmann nhận thấy rằng khái niệm “hợp thời” khiến các triết lý đa dạng của tác phẩm trở nên mạch lạc. Ông thảo luận về cuộc đời và thời đại của tác giả Lã Bất Vi, cũng như cấu trúc của tác phẩm. Sellmann phân tích vai trò của bản chất con người, sự biện minh của nhà nước và tầm quan trọng của thời – thời của cá nhân, thời của lịch sử, thời của vũ trụ – trong Lã thị Xuân Thu. Quan điểm của thuyết công cụ hữu cơ nảy mầm từ các lý thuyết đa dạng của Lã thị Xuân Thu. Để kết luận, Sellmann xem xét ý nghĩa của các triết lý đồng bộ trong Lã thị Xuân Thu đối với các quan niệm đương thời về thời gian, bản chất con người, trật tự chính trị và đạo đức xã hội và môi trường.

Lã thị Xuân Thu là một bộ sách dài và phức tạp. Nó chứa đựng hơn 100.000 chữ, gần gấp đôi sách Trang Tử và là tập sách lớn nhất đương thời. Nó bao gồm ba phần, với tổng cộng 160 thiên. Có thể xem đây là một tuyển tập có chủ đề thống nhất. Lã Bất Vi có đủ khả năng hỗ trợ hàng ngàn nhân sĩ quy tụ tại tư gia của mình và kêu gọi họ ghi chép lại mọi kiến thức mà họ biết để biên soạn nên tập sách có tên gọi Lã thị Xuân Thu. Các môn khách của họ Lã có xuất thân khác nhau, do đó, những gì họ đóng góp đề cập đến rất nhiều chủ đề: triết học, chính trị, địa lý, âm nhạc, lễ tục cung đình, y thuật, lịch sử và huyền thoại, nghệ thuật quân sự, kỹ thuật trồng trọt, v.v….. Tựu trung lại, công trình này có vai trò như một cuốn sổ tay chính trị với hình ảnh lặp đi lặp lại về một đế quốc được thống nhất và cai trị.

Nội dung của Lã thị Xuân Thu mang tính chiết trung, tức là, nó tường minh và có chọn lọc, được phác họa từ nhiều nguồn khác nhau nhưng lại thống nhất dưới một bút pháp độc đáo và không dễ gì phân tách được. Trong lịch sử triều đại, các sử gia xếp Lã thị Xuân Thu vào loại tạp gia (một “trường phái” chiết trung thống nhất, hay một kiểu văn chương không thể phân loại được – vốn thường bị dịch nhầm thành “tạp nham” – miscellaneous). Việc hiểu nhầm và đánh giá thấp tạp gia như một loại tên thư mục đã khiến một số học giả như A. Wylie và B. Watson xem nhẹ giá trị và tính gắn kết của Lã thị Xuân Thu[1]. Với tư cách là một loại thư mục, tạp gia không nên được hiểu là “tạp nham”[2] mà phải mang nghĩa là “những thứ có thể phân loại bên dưới tiêu đề chuẩn”, chẳng hạn như thi phú, Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, v.v[3]. Các tác giả của Lã thị Xuân Thu đã lấy các chất liệu phong phú từ hầu hết các tập sao lục suốt thời Tiên Tần, khiến cho nó không thể phân loại dưới một tiêu đề chuẩn được. Họ thống nhất, hay cố kết và hợp nhất các tư liệu thành một dạng hỗn hợp chiết trung hay triết học tổng hợp. Vì vậy thuật ngữ tạp gia nên được hiểu theo cả hai cách. Khi tạp gia được sử dụng như một danh xưng cho các văn bản như Thi tử, Hoài Nam tử hay Lã thị Xuân Thu thì nó phải được hiểu như một danh xưng được sử dụng nhằm biểu thị “một cách tiếp cận chiết trung trong thống nhất gần với triết học”, tức là một loại triết học đặc biệt được tạo nên từ nhiều nguồn, được biến chuyển và hợp nhất lại với nhau[4]. Mặt khác, với tư cách là một tiêu đề thư mục, tạp gia mang nghĩa “không thể phân loại dưới những tiêu đề chuẩn” như thi phú, lịch sử, v.v… Khi Lưu Hướng[5] đặt tên tạp gia vào thư mục của mình, Thất lược[6] (cũng được xuất bản trong Hán Thư), ông đã định nghĩa nó là một tập hợp những lời dạy của Nho gia cùng với Mặc gia, sự thống nhất giữa Danh gia và Pháp gia, đáng chú ý là phương pháp này đã được sử dụng trong việc cai trị của các nước và là phần thiết yếu của thuật cai trị. Lã thị Xuân Thu kết hợp cả Nho gia, Mặc gia, Danh gia và Pháp gia, nó còn giao thoa cả với Đạo gia, Âm Dương gia, Nông gia, Binh gia, Tiểu Thuyết gia (phái nói nhỏ hay thảo luận ít) và Tung Hoành gia (chiến lược chính trị không được phân loại dưới bất kỳ danh xưng nào)[7].

Lã thị Xuân Thu rõ ràng mang tính chiết trung, tức là nó có chọn lọc từ nhiều nguồn khác nhau và có thể được hiểu như một tác phẩm mô phỏng hay sự lắp ráp các ý tưởng, quan niệm, các chương, đoạn được hợp tuyển, nhưng văn bản vẫn thể hiện sự gắn kết. Những nội dung đa dạng được kết hợp trong một cách tiếp cận thực tiễn liên quan đến tính “hợp thời” trong thuật cai trị. Dù Lã thị Xuân Thu có thể thiếu cấu trúc logic rõ ràng xuyên suốt sự đa dạng của các thiên và trong ba phần nhưng nó vẫn khá mạch lạc vì sự phù hợp về mặt hành văn và lý thuyết, liên quan chặt chẽ đến hình ảnh, lối ẩn dụ, điển cố, hiệu ứng tu từ cũng như sự sắp xếp các nội dung theo các mùa hoặc thời gian bên cạnh những diễn ngôn và giải thích. Cùng với phần biện luận, trong Lã thị Xuân Thu còn phát triển lối giải thích và các luận chứng logic thường ít thấy trong phần lớn các tác phẩm thời Tiên Tần. Sự mạch lạc này đặc biệt ở chỗ trong trường hợp thiếu đi sự phân biệt rõ ràng về ranh giới giữa lý thuyết/thực hành và dưới sự chi phối của tính “hợp thời” như một mối quan tâm chính, dường như những vị trí không thống nhất lại có thể được đặt cạnh nhau mà không hề phá vỡ tính thống nhất và mạch lạc của văn bản. Nói đơn giản là, ở đâu tính “hợp thời” là nhân tố trị quốc đúng đắn thì nó có thể làm trung gian để thống nhất những quan điểm đối lập – những thứ mà vốn có thể trở nên xung khắc. Mô hình mạch lạc này thể hiện rõ trong tiêu đề của tác phẩm và cấu trúc ba phần của nó.

Nhan đề Lã thị Xuân Thu được hợp thành từ hai phần. Phần đầu, Lã thị, biểu thị cho người bảo trợ, tài sản của họ Lã. Trong tiếng Anh, vì cách diễn đạt Lã thị thành “the Lü clan” có phần khó hiểu, còn “Mister Lü” (ông Lã) có phần không phù hợp với thời đại của tác phẩm, nên tôi đề xuất Lã thị chuyển thành “Master Lü”, trong đó “master” mang nghĩa chủ nhân của trang viên chứ không phải mang nghĩa bậc thầy minh triết, tức tử.

Phần hai, Xuân thu, mô phỏng và đối chiếu với thư tịch từ các nước khác, đặc biệt là Kinh Xuân Thu rất nổi tiếng của nước Lỗ – thư tịch lịch sử quan trọng cho vấn đề đức trị. Nước Lỗ nằm về phía tây nam của tỉnh Sơn Đông ngày nay, được biết đến là trung tâm văn hóa dưới triều Chu, nhất là vì đây là quê hương của Khổng Tử. Kinh sách lịch sử của nước Lỗ được các sử gia trong nước ghi lại cơ bản dựa trên các mùa: xuân, hạ, thu, đông. Kỳ thực, thông thường các nước đều có biên niên sử chép theo tháng gọi là Xuân Thu.

Cách diễn đạt Xuân Thu bao hàm một năm trọn vẹn – tức những hoạt động nông nghiệp và hành chính then chốt diễn ra suốt những mùa này – và như vậy, Xuân Thu trở thành tiêu đề ngắn gọn cho “liệt quốc sử”, đặc biệt là lịch sử của nước Lỗ và mở rộng ra là tên gọi của giai đoạn 722 – 481 trước Công nguyên vốn bao trùm trong thư tịch của nước Lỗ. Vì dạng sử biên niên theo mùa này đã ghi lại hành vi hợp thời hay không hợp thời, các chính sách cai trị của nhà cầm quyền hay các chính khách nên Xuân Thu mang ý nghĩa “sự phê bình về đạo đức”. Theo cách hiểu này, Kinh Xuân Thu của nước Lỗ được giải thích theo lối đạo đức trong Tả truyện. Dù có vai trò thực tế của Khổng Tử trong khâu chuẩn bị cho Kinh Xuân Thu hay không thì nó cũng trở thành một tác phẩm quan trọng cho những người thuận theo lối dạy học của ông. Trong bối cảnh này, Xuân Thu mang nghĩa là việc nghiên cứu chuyên sâu những hành động hợp lý đúng thời điểm để đạt được thành tựu về trật tự chính trị xã hội. Khi mô phỏng, cả Lã thị Xuân Thu lẫn Xuân Thu phồn lộ đều có chung mục đích khi cả hai đều sử dụng khái niệm xuân thu trong tiêu đề. Tiêu đề Xuân Thu được các học giả đời sau sử dụng để biên soạn những tác phẩm lịch sử dành cho cả các nước lẫn các chính khách, chẳng hạn như Yến Tử Xuân Thu Ngô Việt Xuân Thu.

Kinh Xuân Thu của nước Lỗ được nghiên cứu như một mô hình lịch sử của việc khởi đầu những hành động chính trị hợp lý và kịp thời cho trật tự chính trị xã hội. Tương tự, Lã thị Xuân Thu cung cấp lời hướng dẫn tương tự cho Tần vương. Lã thị Xuân Thu chứa đựng những lễ tục hằng tháng theo mùa (xuân thu) mà một vị đế vương yêu cầu. Phần Thập nhị kỷ được sắp xếp dựa trên tiêu đề là các tháng theo lịch mặt trăng. Lã thị Xuân Thu mô tả rất nhiều sự kiện lịch sử bằng lối phê phán đạo đức gắn vào các câu chuyện, cấu tạo nên một kiểu lịch sử giáo huấn. Nó là tiêu biểu cho thể loại chép sử như thể một bản ghi chép tự nghiệm với đầy đủ tấm gương đạo đức. Quan niệm lịch sử là tấm gương đạo đức chính là nhân tố chủ đạo trong cấu trúc Xuân thu của Lã thị Xuân Thu.

Cả tiêu đề Lã thị Xuân Thu và cấu trúc ba phần của nó cũng lộ ra mối quan tâm với tính “hợp thời”. Phần Xuân Thu trong cái tên Lã thị Xuân Thu có thể khởi sinh từ Thập nhị kỷ – phần đầu tiên trong ba phần vì nó thể hiện mối quan tâm rõ ràng nhất đối với việc vận hành trật tự chính trị, xã hội trong vòng xoay theo mùa (xuân thu). Lã thị Xuân Thu gồm ba phần, hay ba tập: Thập nhị kỷ, Bát lãmLục luận. Lưu Điện Tước cho rằng khả năng ba phần này là những sự chuẩn bị riêng biệt cho bản thảo của Lã Bất Vi, cuối cùng chúng được đặt cạnh nhau hợp thành một công trình mang tên Lã thị Xuân Thu[8]. Điều này giúp giải thích cho sự thiếu hụt tính liên tục và chuyển tiếp giữa ba phần tách biệt. Tuy nhiên, nó không giúp giải thích sự sắp xếp bằng những con số mà rõ ràng chúng có liên quan đến nhau của ba phần, hay tại sao lại không viết nhiều hơn.

Phần đầu được gọi là Thập nhị kỷ, Thập nhị biên niên hay đúng hơn là Biên niên sử cai trị trong mười hai tháng lịch mặt trăng. Thập nhị kỷ được chia thành các phần theo tháng, ba tháng hợp thành mùa và mỗi tháng được chia nhỏ thành năm thiên. Tức là, bốn mùa được phân chia thành các giai đoạn ba tháng – ví dụ, đầu, giữa và cuối mùa xuân, tương tự như vậy với các mùa còn lại, tổng lại là mười hai tháng – cũng được chia nhỏ trong một thiên hướng dẫn phong tục dành cho mỗi tháng, thêm vào đó là bốn thiên (theo tuần) hướng dẫn một cách sơ bộ về thái độ và trí tuệ của bậc cai trị và quần thần, tạo ra tổng cộng sáu mươi thiên. Mười hai thiên mở đầu mỗi tháng tạo nên thiên Nguyệt lệnh của sách Lễ ký[9]. Những thiên mở đầu trình bày hướng dẫn mỹ cảm chung cho lễ tục của tháng đó. Trật tự mỹ cảm trong lễ tục mang đến sự nhất quán cho các thiên cùng tháng sau đó, do đó cấu trúc của Thập nhị kỷ với tư cách là một chỉnh thể sẽ không thể nào hiểu được nếu không tham chiếu đến mối quan tâm lớn hơn về tính “hợp thời” trong các hoạt động quản trị, nhất là việc cày cấy, làm cỏ và thu hoạch; vấn đề giáo dục, việc tu thân của vua chúa và quần thần, vấn đề quân sự, lễ tục tang ma cũng như nhiều vấn đề khác trong triều[10].

Chính sự quan tâm có tính quy trình đối với tính “hợp thời” đã giúp cho các nền tảng triết học mâu thuẫn nhau giữ được tính liền mạch trong Lã thị Xuân Thu. Sự quan tâm đến chữ thời đã bị các học giả, những người cho rằng Lã thị Xuân Thu chỉ là một hợp tuyển những tư liệu mâu thuẫn nhau, bỏ qua[11]. Từ một bản tóm tắt các thiên trong Thập nhị kỷ, người ta để ý ngay rằng chất liệu trong các kỷ mùa xuân nhìn chung thuộc về Đạo gia, khẳng định cuộc sống và được xem là nguồn tư tưởng còn sót lại của Dương Chu; chất liệu trong các kỷ mùa thu chủ yếu mang tính quân sự, hay Binh gia; các thiên của các kỷ mùa hạ mang những chủ đề của Nho gia như lễ nhạc và giáo huấn; các thiên trong các kỷ mùa đông thảo luận về việc tang ma tiết kiệm (tiết táng) của Mặc gia và chính sách cai trị của Pháp gia. Phong cách tranh luận và tu từ, tức là những sự quan tâm của Danh gia (cũng là tên một trường phái) xuất hiện rõ ràng trong tất cả các thiên, một vài tư tưởng của Nông gia và Âm dương, Ngũ hành được thể hiện trong các thiên lễ tục hàng tháng. Đây chỉ là một góc nhìn tổng quát. Ở đây có sự pha trộn rất nhiều chất liệu và trích dẫn từ nhiều minh sư hay các công trình của họ xuyên suốt các phần; đáng chú ý là có một thiên của Mặc gia xuất hiện trong kỷ mùa xuân. Phần tổng quan này phần nào bao quát được cái được gọi là tiêu chuẩn của thời ngoại thời, tức là cách trình bày chỉn chu hơn về sự ứng dụng triết học và sự thay đổi chính sách dựa trên sự thay đổi các mùa. 

Trong thiên thứ hai của kỷ mùa hạ cuối, Âm luật (âm của mười hai ống sáo) đã đưa ra sự tương ứng giữa các tháng trong năm và cao độ tiếng sáo. Trong đoạn cuối của thiên đó, nhà vua được cung cấp một hướng dẫn về việc thiết lập chính sách cai trị nào trong các tháng tương ứng với cao độ của tiếng sáo. Sự hài hòa trong âm nhạc được sử dụng như một mẫu hình dành cho mối tương liên giữa các mùa và chính sách chính trị. Chẳng hạn, trong sách cho rằng:

Trong tháng giáp chung, tức tháng hai, dương khí bao trùm, đủ đầy, bình hòa và phân bổ đều. Nhà vua nên thực hành rộng lượng, giảm thiểu hình phạt và không được làm hại sinh linh.

Trong… tháng Sáu, cỏ cây xum xuê, âm khí sẽ bắt đầu đẩy nhanh sự hủy diệt sự sống của nó (hình phạt).

Trong tháng di tắc, tức tháng Bảy, nhà vua nên sửa sang nội vụ và củng cố hình pháp; nhà vua phải chiêu mộ binh sĩ và rèn đúc vũ khí cho chiến tranh. Suốt tháng này phải thẩm vấn và xử phạt những tên bất nghĩa để vỗ về dân chúng phương xa[12].

Đoạn văn trên trình bày mẫu hình ngoại lai của hành động hợp thời, ở đó chính sách được thiết lập tương ứng với sự thay đổi các mùa trong năm và được thông báo bằng tính nội tại của sự hài hòa âm nhạc. Khi chính sách được xây dựng dựa trên tính “hợp thời” thì sẽ không có bất kỳ nguyên tắc kiểm soát thống nhất sẵn có nào mà thay vào đó là mỹ cảm về tính liên kết hiện lên trong hoàn cảnh. Tính ngoại thời sẽ tương ứng với các mùa và nội thời cho phép việc ứng biến. Điều này phản ánh ngược lại đặc tính của văn bản với tư cách là một chỉnh thể. Văn bản kết hợp đa dạng nhiều lý thuyết dường như mâu thuẫn lẫn nhau, nhất là khi chúng thực hiện đồng thời. Nhưng khi nhìn từ góc độ thời gian, nơi những thời điểm khác nhau yêu cầu những kế hoạch khác nhau, thì trật tự pha trộn của các chất liệu và quan điểm hay chính sách trong Lã thị Xuân Thu có thể được hiểu là có một trật tự liên kết khác. Quan điểm của tôi là tính thế tục phát triển rộng ra thành khả năng liên kết và ở một mức độ nào đó là cải thiện sự khác biệt.

Phần hai của Lã thị Xuân Thu, Bát lãm, Tám lời tham khảo hay Tám góc nhìn toàn cảnh, được hình thành từ tám lãm với tám thiên mỗi lãm (trừ một thiên)[13]. Vì khi mô tả Lã thị Xuân Thu, Tư Mã Thiên đề cập đến Bát lãm trước nên người ta nghĩ rằng văn bản gốc khởi đầu cũng là phần này[14]. Khi các học giả Trung Hoa rút gọn tiêu đề Lã thị Xuân Thu, họ gọi nó là Lã lãm. Dù tầm quan trọng của “hợp thời” trong cấu trúc của Bát lãm không rõ ràng như trong cách sắp xếp theo mùa của Thập nhị kỷ, nhưng vai trò và chức năng quản trị chính sách chính trị xã hội một cách kịp thời đã được giải quyết trong nhiều thiên của Bát lãm. Lãm thứ nhất bắt đầu bằng một thiên có tên là Hữu thủy (khởi đầu). Mặc dù thiên này phần lớn nhắc đến những suy nghiệm từ thiên và địa, nó vẫn liên quan đến “sự khởi đầu” mang tính thế tục của trật tự vũ trụ vốn giữ liên kết với các phần khác, trong đó mỗi phần bắt đầu từ một “nguồn” hay khởi đầu theo thời gian. Có nghĩa là, mùa xuân bắt đầu trong Thập nhị kỷ; thiên Hữu thủy bắt đầu phần Bát lãm và thiên Khai xuân bắt đầu phần Lục luận. Dù suy nghiệm về nguồn gốc vũ trụ chớm nở từ cuối thời Tiên Tần nhưng chúng ta phải giữ được tính nhạy cảm với kiểu vũ trụ luận “tự nhiên” hữu cơ truyền thống đó, nơi các phần cùng tạo nên một trường tự nhiên của thiên hay đạo. Thiên Hữu thủy liên quan đến vũ trụ học về những địa điểm cụ thể, không phải nguồn gốc vũ trụ. Từ thủy – “bắt đầu” có mối liên hệ với thai, “mang thai” với nghĩa từ đầu đã có chứ không phải không có gì; tức là, mẫu hình tự nghiệm này, người ta phải tưởng tượng nên vòng xoắn ốc, chứ không phải vòng kín, một sự khởi đầu nổi lên trong màn sương của một diễn trình, như mùa xuân bắt đầu một lần nữa. Phần Bát lãm bàn luận nhiều vấn đề liên quan đến việc duy trì trật tự xã hội. Hơn nữa, nhiều nguồn tham khảo về “hợp thời” trải rộng khắp phần này, có hai thiên dành trọn vẹn cho chủ đề này là Thủ thời (chờ đợi thời cơ) và Ngộ hợp (cơ hội gặp mặt). Cả hai đều được thảo luận chi tiết trong Chương 4.

Vai trò của chữ thời rõ ràng hơn trong cấu trúc phần ba, vốn bắt đầu bằng thiên Khai xuân. Phần ba bao gồm sau phần nhỏ, được gọi là Lục luận, mỗi luận gồm sáu thiên. Vì Lục luận chuyên bàn về phương pháp cày cấy nên một cách tự nhiên nó thường tham chiếu đến hoạt động theo mùa. Nếu không quản lý kịp thời công việc thì việc gieo trồng và thu hoạch mùa vụ sẽ trở thành thảm họa. Tương tự như Thập nhị kỷ, Lục luận bắt đầu bằng một thiên bàn về tầm quan trọng của việc bắt đầu mọi thứ đúng vào mùa xuân. Thiên cuối của Lục luận, Tra thời (Kiểm tra thời vụ), bàn chi tiết về những nhân tố mùa vụ khi gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch nhiều loại thóc lúa để có được mùa màng bội thu.

Dù kết cấu của Lã thị Xuân Thu dựa trên những con số và thời gian nhưng cách tiếp cận chiết trung và gắn kết với nhiều vấn đề khiến cho cuốn sách này rất khó hiểu. Một số học giả phê phán Lã thị Xuân Thu rất nhiều. Có những đặc điểm thách thức mọi giả định về tính toàn vẹn của một văn bản. Có thể biện luận cho một hay nhiều quan điểm sau đây, cụ thể: (1) cả ba phần tạo nên Lã thị Xuân Thu không hề có liên hệ nào với nhau; (2) nội dung của ba phần dường như được sắp xếp ngẫu nhiên, có thể do có nhiều tác giả; (3) tiêu đề các thiên không rõ ràng hay không liên quan gì đến nội dung thiên đó; và (4) cả ba phần thiếu đi tính nhất quán từ bên trong, nhiều thiên trong số đó cũng vậy. Nghĩa là, cả văn bản xét về mặt tổng thể hay từng khía cạnh đều thiếu tính hệ thống và liên kết. Mặc dù giải thích về tầm quan trọng trong tiêu đề không rõ ràng của mỗi thiên xét trên mối quan hệ với nội dung bên trong là một công việc tiểu tiết và tốn thời gian, đặc biệt là Lã thị Xuân Thu, như tất cả văn tự cổ xưa khác, hẳn cũng có những lỗi sao chép và hư hỏng do thời gian, nhưng người đọc có thể để ý rằng trong các chương tiếp theo của sách này, những đoạn trích ra từ Lã thị Xuân Thu đều có mối quan hệ lần lượt với tiêu đề thiên đó, tính nhất quán nội tại xuất hiện rất nhiều trong Lã thị Xuân Thu. Burton Watson có quan điểm rằng ba phần ấy tiết lộ một cấu trúc chỉn chu, nhưng cấu trúc này chỉ được thể hiện trong nội dung phần Thập nhị kỷ[15].

Bất chấp những lo ngại chính đáng ấy, người ta vẫn có chứng cứ về độ mạch lạc của văn bản ở một mức độ nhất định. Ở trung tâm cấu trúc và nội dung của Lã thị Xuân Thu là sự quan tâm dành cho hành động đúng thời điểm và sự ăn khớp của chữ thời trong chính sách chính trị xã hội. Nói một cách quan trọng thì Lã thị Xuân Thu thiếu đi tính hệ thống của một văn bản phương Tây thông thường ở chỗ nó không phát triển một chủ đề nhất quán trung tâm theo hướng rời rạc và logic. Nhưng có lẽ yêu cầu của một tác phẩm mang tính tuyến tính và có hệ thống trong sự phát triển luận điểm của nó nằm ở thiên kiến văn hóa. Người ta không trông đợi một tuyển tập lại bị định hướng bởi một đề tài duy nhất, mà Lã thị Xuân Thu thì lại chính là một tuyển tập. Quá đơn giản để loại bỏ Lã thị Xuân Thu với tư cách là một tập hợp các tài liệu hổ lốn thiếu cấu trúc logic. Nó không có một cấu trúc định khung nào cả. Thay vào đó, cấu trúc của sách nổi bật lên trong sự tương quan giữa nội dung cụ thể với bối cảnh thế tục. Nội dung của một thiên bất kỳ, hay thậm chí là cả bộ sách phải được nhìn nhận dưới góc độ của những nỗ lực tác động lên trật tự xã hội trong một thế giới luôn biến động, trong mỗi xã hội đa nguyên vốn là tập hợp của nhiều nhóm thiểu số với kế hoạch sống và lối sống khác nhau. Thành viên của các nhóm này bị cho là những người mà bản chất của họ không thể phổ quát hóa để đảm bảo cho hành vi tương xứng. Ở mức độ khác, ý nghĩa của nội dung và văn bản phụ thuộc vào nền tảng văn hóa lịch sử của chính người đọc. Bắt đầu từ giả định về sự đa dạng của cuộc sống con người và những chuyển hóa của vũ trụ liên quan đến nó, Lã thị Xuân Thu, với tư cách là một sổ tay chính trị, chứa đựng trong đó những tài liệu cho rằng việc công nên được thực hiện phù hợp và “hợp thời”. Cấu trúc theo dạng số của các thiên nhấn mạnh đến sự hòa hợp theo dòng thời gian của thiên, địa, nhân vì mỗi phần trong Lã thị Xuân Thu chính là một kiểu “niên giám” hay một “chiếc đồng hồ” để dõi theo hành động[16].



Chú thích:

[1] A. Wylie, Notes on Chinese Literature (Đài Bắc: Bookcase Shop, 1970, reprint), tr.157-158. Burton Watson tin vào hình thức của Lã thị Xuân Thu truyền tải một thông điệp về tính thống nhất của thiên, địa và nhân nhưng nội dung lại “…ít hoặc không liên quan đến cấu trúc trang trọng, phức tạp”. Xem Watson, Early Chinese Literature (New York: Columbia University Press, 1962), tr.186-189. H.A. Giles không bàn luận gì về Lã thị Xuân Thu trong A History of Chinese Literature (New York: Grove Press, 1928).

[2] Derk Bodde biện giải tạp gia như một “Trường phái tạp nham” khi dịch cuốn A History of Chinese Philosophy của Phùng Hữu Lan. 

[3] Tiêu Công Quyền nỗ lực giải thích ý nghĩa của tạp gia theo những dòng tương tự trong cuốn A History of Chinese Political Thought, tr.551. Một phần vấn đề trong nỗ lực tìm hiểu thấu đáo về thuật ngữ tạp gia chính là phần ba cuốn sách, tức phần Lã thị Xuân Thu, Thi Tử và Hoài Nam Tử, được liệt kê dưới nhãn mác là các văn bản triết học thể hiện một triết lý chiết trung trong thống nhất, trong khi phần còn lại của các văn bản với danh nghĩa tạp gia không hề có cách tiếp cận chiết trung trong thống nhất, hoặc không phải là các văn bản triết học. 

[4] John Louton đưa ra một trường hợp chống lại cách hiểu “chiết trung đơn giản” khi cho rằng Lã thị Xuân Thu mang tính chiết trung, đồng bộ và tổng hợp. Xem The Lü-shi chun-qiu: An Ancient Chinese Political Cosmology, tr.5 và 4. Tôi đồng ý rằng cách hiểu “chiết trung đơn giản” không đúng với Lã Thị Xuân Thu. Cách tiếp cận chiết trung trong thống nhất giải thích cho sự “đồng bộ và đồng nhất”. Dù tôi sử dụng những từ này, tôi cũng không có ý thiên vị khi mô tả về Lã thị Xuân Thu. “Đồng bộ” ở đây là quan niệm về sự thống nhất của người Crete, những người đầy xung đột nhưng chứng tỏ là một lực lượng thống nhất khi bị tấn công. “Đồng nhất” ám chỉ đến một sản phẩm nhân tạo, được sản xuất bằng hóa học. “Tổng hợp” lại mang lớp nghĩa Hegel hay Marx. Do đó tôi chọn “chiết trung trong thống nhất” hoặc “triết học thống nhất và hỗn dung”.

[5] Lưu Hướng (刘向, 77 – 6 TCN): học giả, nhà chính trị thời Tây Hán.

[6] Ở đây tác giả nhầm, Thất lược do Lưu Hâm, con của Lưu Hướng viết dựa trên cơ sở tác phẩm Biệt lục của Lưu Hướng.

[7] Dương Gia Lạc bàn về cách Lưu Hướng mô tả tạp gia và sự hợp nhất của các giáo thuyết khác trong Lã thị Xuân Thu trong lời tựa ông viết cho Lã Bất Vi, Lüshi chunqiu jishi deng wushu (Đài Bắc: Ding Wen Publishing Co., 1977), phần đầu văn bản không có đánh số trang

[8] Tôi hiểu được vấn đề này khi thảo luận với Lưu Điện Tước ở Honolulu năm 1982.

[9] Các thiên trong Lã thị Xuân Thu tạo ra thiên Nguyệt lệnh trong sách Lễ ký cũng được tìm thấy trong thiên Thời tắc của sách Hoài Nam Tử. Dù có những điểm khác biệt lớn nhưng chất liệu này mang lại sự tương đồng trong hệ thống lịch pháp trong thiên Ấu quan trong sách Quản Tử, nhưng chi tiết lại khác nhau. Thiên Hồng phạm trong sách Kinh Thư có nhiều điểm giống nhau về cấu trúc và thông điệp, nhưng nội dung lại khác với các thiên của Lã thị Xuân Thu, Lễ ký và Hoài Nam Tử.

[10] Về cái chết gần đây của ba đời vua Tần, không có gì bất ngờ khi tìm thấy các yếu tố ủng hộ cho tư tưởng tiết táng của Mặc gia trong Lã thị Xuân Thu. Xem các thiên thứ hai và ba trong phần Mạnh đông kỷ, Tiết táng và An tử, Lã thị Xuân Thu, tr.386, 394. Jeffrey Riegel phân tích các chương này trong “Do Not Serve the Dead as You Serve the Living: The Lüshi chunqiu Treatises on Moderation in Burial,” Early China, 20: tr.301-330. May mắn dành cho các nhà khảo cổ học là Tần Thủy Hoàng không chú ý đến vấn đề này khi chuẩn bị mộ cho mình.

[11] Tôi đã ghi chú ở trên rằng Burton Watson cho rằng văn bản thiếu sự liền mạch về cấu trúc và A. Wylie cho rằng điều đó thật mâu thuẫn. Về tuyên bố cho rằng Lã thị Xuân Thu là một cuốn từ điển bách khoa, xem lời giới thiệu của Wolfgang Bauer cho dịch phẩm của Richard Wilhelm, Frühling und Herbst des Lü Bu We (Düsseldorf: Eugen Diederichs Verlag, 1979) và của Paul Pelliot, “Review of Richard Wilhelm’s Frühling und Herbst des Lü Bu We,” T’oung Pao 27: 68-91 (1930). Lã thị Xuân Thu là một tuyển tập hơn là một cuốn bách khoa thư. Xem Louton, The Lü-shi chun-qiu: An Ancient Chinese Political Cosmology, tr.5 và 4. 

[12] Lã thị Xuân Thu, tr.251-253. Trong Chương 2, đoạn văn này được thảo luận nhiều.

[13] Phần Hữu thủy lãm gồm bảy thiên. Rõ ràng thiên cuối cùng của phần lãm đó bị thiếu và tôi tin rằng phần bị thiếu trong thiên đó đã được thêm vào thiên Tự ý ở cuối phần Thập nhị kỷ. Tất Nguyên chú rằng một bản cũ đặt tiêu đề cho phần tái bút là liêm hiếu; xem Lã thị Xuân Thu, tr.478. Phần tái bút đột ngột kết thúc với câu chuyện của Triệu Tương Tử (xem tr.477). Mặc dù một số nhà phê bình tin rằng đoạn văn đó thuộc về thiên trước nhưng nó có thể chỉ là mộ phần của thiên thứ tám bị thiếu trong phần lãm thứ nhất, vốn có thể được đặt tên là liêm hiếu. 

[14] Doãn Trọng Dung mở đầu ấn bản của Lã Bất Vi, Lüshi chunqiu jiaoshi (Đài Bắc: Quốc Lập Biên Dịch, 1979) với phần Bát lãm, đặt Thập nhị kỷ xuống cuối, xếp sau phần Lục luận. 

[15] Watson, Early Chinese Literature, tr.186-189. 

[16] Wilhelm dịch, Frühling und Herbst des Lü Bu We, xviii. Xem thêm Eugen Feifel, “Review of Frühling und Herbst des Lü Bu We,” Philosophy East and West 25:1:112-15, and Watson, Early Chinese Literature, tr.186-87. Xã hội Tiên Tần liên quan mật thiết đến việc ấn định thời điểm phù hợp để hành động. Các niên giám hay bảng biểu thực tế thời Tiên Tần được khám phá khi khai quật mộ Tần Thủy Hoàng, xem Twitchett và Loewe, eds., The Cambridge History of China, tr.677. 

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu của James D. Sellmann

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *