0
Sự phát triển của bản sắc Palestine
Trích đoạn từ cuốn sách "HUMMUS VÀ FALAFEL – Bảo tồn ẩm thực cổ truyền trước làn sóng công nghiệp hóa ở dải Gaza".
“Hummus và Falafel – Bảo tồn ẩm thực cổ truyền trước làn sóng công nghiệp hóa ở dải Gaza” là một tác phẩm độc đáo tập trung vào mối liên hệ giữa ẩm thực, bản sắc dân tộc, và chính trị trong bối cảnh xã hội của người Palestine tại Israel. Thông qua việc nghiên cứu về các món ăn truyền thống như Hummus và Falafel, cuốn sách này không chỉ khám phá văn hóa ẩm thực mà còn phân tích sâu sắc các khía cạnh xã hội, kinh tế, và chính trị tác động lên cộng đồng Palestine.
Tác giả Liora Gvion đã tiến hành nghiên cứu thực địa trong nhiều năm, tiếp xúc trực tiếp với người dân Palestine, đặc biệt là những phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong việc nấu ăn và duy trì ẩm thực truyền thống. Bà không chỉ ghi chép lại các công thức nấu ăn mà còn tìm hiểu về cách mà thực phẩm có thể trở thành phương tiện đàm phán và khẳng định vị trí trong xã hội của người Palestine. Cuốn sách đưa người đọc vào hành trình khám phá nền văn hóa ẩm thực đang dần bị thay đổi dưới ảnh hưởng của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cùng với những căng thẳng chính trị và xã hội đang diễn ra trong khu vực.
Ngoài việc tập trung vào các món ăn, cuốn sách còn làm rõ cách mà ẩm thực có thể phản ánh bản sắc dân tộc và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì truyền thống văn hóa giữa những áp lực thay đổi. Tác phẩm này là một đóng góp quan trọng cho việc hiểu biết về văn hóa và xã hội của người Palestine, đồng thời mở ra một góc nhìn mới về mối liên hệ giữa thực phẩm và bản sắc dân tộc trong bối cảnh xung đột và thay đổi xã hội.
-
-15%
Hummus và Falafel – Liora Gvion
210.000₫Original price was: 210.000₫.178.000₫Current price is: 178.000₫.
Năm 1948, chỉ có 160.000 trong tổng số 900.000 người Palestine còn ở lại khu vực Palestine nơi Israel được thành lập. Họ hiện chiếm 19% dân số Israel. Mặc dù được cấp quyền công dân chính thức, những người Palestine này sống trong một “nhà nước sắc tộc” trong đó bản sắc dân tộc không bao gồm tất cả công dân mà chỉ giới hạn ở các thành viên của một nhóm sắc tộc. Nhà nước Israel đã phát triển một hệ thống sâu rộng nhằm giới hạn và kiểm soát người Palestine dựa trên sự phân chia, hợp tác và phụ thuộc.
Sự tiếp xúc giữa người Do Thái và người Palestine ở nhà nước Israel mới đi kèm với việc ban hành các quy định khẩn cấp nhằm xác định các khu vực hạn chế do quân đội quản lý cho đến năm 1966. Như vậy, hai chế độ chính trị riêng biệt đã được tạo ra. Adriana Kemp gọi chúng là hai hệ sinh thái khác nhau – thứ nhất, một chính thể được quản lý theo các nguyên tắc dân chủ và nỗ lực bình thường hóa cuộc sống của công dân, và thứ hai, một chính thể được quản lý theo các quy định khẩn cấp dựa trên định nghĩa về chiến tranh đang diễn ra. Định nghĩa này cho phép nhà nước kiểm soát các công dân Palestine của mình và định hình mạng lưới các mối quan hệ xã hội với họ. Các quy định đã trao quyền rộng rãi cho các thống đốc quân sự, cho phép họ hạn chế việc đi lại của người Ả Rập Israel, tịch thu đất đai, di dời cư dân từ nơi này sang nơi khác, cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép kết hôn và quyết định các điều kiện chăm sóc y tế. Bằng cách xác định người Ả Rập ở Israel là những người ủng hộ trung thành của kẻ thù, chính phủ quân sự trở nên cần thiết để kiểm soát hành động của họ. Các thành viên của nhóm thiểu số Palestine được hưởng các quyền bình đẳng với tư cách là công dân của nhà nước. Nhưng định nghĩa về chiến tranh đang diễn ra đã dẫn tới việc duy trì sự phân biệt đối xử về mặt thể chế đối với họ bởi các công dân Do Thái.
Luận điệu này đã định hình và xác định mối quan hệ giữa hai nhóm như một cuộc xung đột đang diễn ra. Trong bối cảnh này, Majid al-Haj gợi ý rằng bản sắc của người Palestine ở nhà nước Israel có thể được xem xét liên quan đến bốn lĩnh vực hoặc khía cạnh: địa phương, dân tộc, khu vực và tôn giáo. Ở khía cạnh địa phương, người dân Palestine đã trải qua một quá trình hiện đại hóa nhanh chóng dẫn đến sự gia tăng về trình độ học vấn và mức sống, sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng và việc áp dụng một phần lối sống của công chúng Do Thái. Nhưng Azmi Bishara nhận xét rằng, mặc dù hiện đại hóa đã ảnh hưởng đến công dân Palestine ở Israel, nó đã bỏ qua các địa phương nơi họ sinh sống. Các làng và thị trấn Ả Rập vẫn chưa phát triển và không thể thích ứng với nhu cầu và yêu cầu của người dân. Hơn nữa, trong khi người dân Palestine muốn thể hiện mình là người hiện đại thì các cơ quan nhà nước lại khuyến khích chủ đề về tính xác thực, thương mại hóa văn hóa truyền thống của người Palestine và miêu tả người Palestine như một nhóm mà quá trình hiện đại hóa đã bỏ qua. Các trung tâm dân cư và vùng nông thôn của Palestine được đánh giá lại như những thị trường tiềm năng: các trung tâm dân cư bị thương mại như là các địa điểm du lịch dân tộc, còn các vùng nông thông bị coi là thôn quê hiếu khách.
Đồng thời, quá trình chính trị hóa người dân Palestine đã biểu hiện ở sự xuất hiện của giới lãnh đạo trẻ – có học vấn và có nhận thức chính trị được đào tạo tốt – để thay thế giới lãnh đạo truyền thống. Giới lãnh đạo mới này đã thành lập các tổ chức hoạt động thông qua các cơ quan ngoại viện như Sons of the Village (Ibna Al-Balad) và Ủy ban Quốc gia của Chủ tịch Chính quyền Địa phương Ả Rập. Mặc dù lúc đầu, việc tiếp xúc với các bộ máy chính trị dân chủ không dẫn đến nâng cao nhận thức chính trị hay ý chí tổ chức nhằm đạt được các quyền công dân, nhưng thế hệ trẻ đã đấu tranh cho quan hệ đối tác dân sự và sự bình đẳng giữa người Do Thái và người Palestine ở nhà nước Israel.
Ở khía cạnh dân tộc, công dân Palestine của Israel phải đối mặt với hậu quả của Luật Hồi hương (Law of Return), trong đó xác định nhà nước Israel là một nhà nước Do Thái và do đó loại trừ công dân Palestine tham gia vào các dự án có mục tiêu quốc gia, chẳng hạn như “Do Thái hóa” vùng Galilee. Bản sắc dân tộc, nổi bật với những khác biệt về tôn giáo và nhân khẩu học, tác động đến các quá trình kinh tế đã định hình xã hội Palestine của nhà nước Israel. Việc thu hồi đất khiến nhiều gia đình chỉ có những mảnh đất quá nhỏ để phát triển tiềm năng nông nghiệp thương mại của họ; sự thâm nhập ngày càng rộng rãi của công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp; và việc thành lập các hợp tác xã tiếp thị nông sản không cho phép người Palestine tham gia, tất cả kết hợp lại đã khiến người dân Ả Rập không thể cạnh tranh với nền nông nghiệp của người Do Thái. Do đó, nông nghiệp không còn là nguồn thu nhập chính của người Ả Rập.
Việc vô hiệu hóa năng lực kinh tế của người dân Palestine đã ngăn cản họ phát triển nguồn thu nhập của riêng mình và dẫn đến sự phụ thuộc vào chủ lao động người Do Thái. Những đầu tư sản xuất vào lĩnh vực quân sự đã phải đánh đổi bằng việc gây tổn hại cho phát triển cơ sở hạ tầng khác ở cả các trung tâm dân cư người Ả Rập và người Do Thái. Những đầu tư như vậy đã ngăn cản việc hình thành các nguồn thu nhập độc lập trong khu vực Ả Rập và góp phần duy trì sự phân biệt đối xử về cơ hội việc làm đối với người Ả Rập và hạn chế sự đa dạng của các ngành nghề dành cho họ.
Có một số xu hướng đã được thể hiện rõ ràng trên thị trường lao động trong những năm qua. Thứ nhất, tổng số người Palestine có việc làm ở Israel đã tăng lên và họ bắt đầu làm việc chủ yếu cho các ông chủ Do Thái. Thứ hai, tỷ lệ tham gia của nam giới Ả Rập – đặc biệt là nam giới lớn tuổi – vào thị trường lao động đã giảm vì nhiều lý do. Nhiều nam giới Ả Rập chỉ có trình độ học vấn thấp và là những người lao động chân tay. Vì vậy, họ chỉ có thể làm công việc của mình trong khoảng thời gian tương đối ngắn và họ không được hưởng lợi từ việc đào tạo chuyên môn để tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập vào các ngành mới của thị trường lao động. Thứ ba, mặc dù khoảng cách về trình độ học vấn giữa người Do Thái và người Ả Rập đã giảm bớt, nhưng ngay cả những người Ả Rập có học vấn ngày nay vẫn phải vật lộn để chuyển đổi những bằng cấp của họ thành công việc phù hợp và thu nhập cao hơn. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp khoa khoa học đời sống gặp khó khăn khi tìm việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của họ do những rào cản được áp đặt vì lý do an ninh quốc gia. Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang giảng dạy, mặc dù một số ít đã tìm được những vị trí hành chính cao trong các cơ quan chính phủ, chẳng hạn như Bộ Giáo dục.
Bị hạn chế về cơ hội việc làm phù hợp, về khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng nhà nước, đã ảnh hưởng đến bản sắc của người Palestine. Trong thời gian từ 1948 đến 1967, người Palestine mưu cầu an ninh và chỗ ở và do đó đã cố gắng hòa nhập vào cuộc sống ở Israel. Cho đến năm 1967, yếu tố liên Ả Rập (pan-Arab)[1] chiếm ưu thế trong bản sắc của công dân Palestine ở Israel. Cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967 đã tạo ra sự liên hệ trực tiếp giữa người dân Palestine và giới lãnh đạo ở Bờ Tây. Giới lãnh đạo này đã cáo buộc các công dân Ả Rập ở Israel đã cộng tác với chế độ Israel. Do đó, yếu tố Palestine trong bản sắc của những công dân Ả Rập này đã bị đánh thức, kết nối họ với nhận thức về nỗi đau khổ của người Palestine. Từ năm 1973 đến những năm 1990, bản sắc của người Palestine đã được củng cố thêm. Xu hướng này càng được tăng cường với sự bùng nổ của cuộc nổi dậy Intifada Lần thứ nhất (1987-1993), một cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel tại các Vùng lãnh thổ Palestine. Cuộc nổi dậy bắt đầu ở trại tị nạn Jabalia và nhanh chóng lan rộng khắp Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Vào thời điểm này, Tổ chức Giải phóng Palestine (Palestine Liberation Organization – PLO) được người Palestine công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của họ. Việc huy động công dân Palestine của Israel đi biểu tình ủng hộ anh chị em của họ đã có đà từ sự bùng nổ của Intifada Lần thứ hai. Còn được gọi là Al-Aqsa Intifada hay Chiến tranh Oslo, cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine này là một giai đoạn bạo lực gia tăng giữa người Palestine và Israel bắt đầu vào cuối tháng 9 năm 2000. Một dấu hiệu của đà gia tăng là số lượng ngày càng tăng các học giả Ả Rập khi đó đang được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục đại học ở các Vùng lãnh thổ bị Chiếm đóng.[2]
Trong khía cạnh tôn giáo, việc tiếp xúc với người Palestine ở các Vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã đưa người Palestine theo đạo Hồi ở Israel đến gần hơn với tôn giáo. Những người Ả Rập trẻ tuổi ở Israel bắt đầu đắm mình vào nghiên cứu tôn giáo tầng cao tại các cơ sở ở Bờ Tây và trở thành những người lãnh đạo phong trào Hồi giáo ở Israel. Khó khăn kinh tế cũng góp phần thúc đẩy xu hướng quay về với tôn giáo. Phong trào Hồi giáo ngày càng lớn mạnh theo thời gian, và phong trào tôn giáo-xã hội đã trở thành một phong trào chính trị-tôn giáo, có đại diện trong chính quyền địa phương và trong các tổ chức quốc gia Ả Rập.
Các quá trình kinh tế, xã hội và chính trị mà công dân Palestine của Israel phải trải qua kể từ khi thành lập nhà nước cũng đã mang lại những thay đổi trong cấu trúc của gia đình Ả Rập ở Israel. Qua việc ồ ạt tịch thu đất đai của người Ả Rập Palestine, người Palestine trở nên phụ thuộc về mặt kinh tế vào cơ sở hạ tầng của nhà nước. Các trang trại gia đình nhỏ không còn mang lại nguồn thu nhập ổn định nữa, và những thanh niên Palestine bắt đầu làm lao động phổ thông cho các ông chủ Do Thái. Do đó, đơn vị gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ sống nhờ đất đai đã tách ra thành các đơn vị gia đình hạt nhân.
Trước đây, tất cả các thành viên trong gia đình đều phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống, làm việc trên đất nông nghiệp thuộc sở hữu của người cha trong gia đình. Con cái, kể cả những người con đã lập gia đình riêng, đều phải tuân theo quyền hành của người cha. Chỉ sau khi người cha qua đời, đất đai mới được chia cho con cái, những người cùng chịu trách nhiệm về đất đai của gia đình. Khi những người trẻ bắt đầu làm việc bên ngoài làng và nền kinh tế tiền tệ bén rễ, mối quan hệ giữa cha và con trai cũng như mô hình cư trú đã thay đổi. Các cô dâu trẻ cũng góp phần đẩy nhanh quá trình giải thể hamula (dòng họ): vai trò phục tùng của họ đối với mẹ chồng và những khó khăn khi chung sống với những người phụ nữ khác trong nhà đã làm tăng thêm áp lực khiến người chồng phải tách khỏi đại gia đình và xây dựng một nơi ở độc lập cho gia đình hạt nhân của mình. Bằng cách này, sự phụ thuộc kinh tế của thanh niên vào cha của họ đã được thay thế bằng sự phụ thuộc kinh tế vào khu vực Do Thái, và trong gia đình hạt nhân, một thế hệ cha mẹ mới đã xuất hiện, đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu. Cấu trúc gia đình mới này được phản ánh qua việc thay đổi mô hình tiêu dùng, tỷ lệ sinh giảm, cách sắp xếp và trang trí nội thất mới trong nhà cũng như đầu tư vào giáo dục.
Luận điệu chính trị đã định hình và xác định mối quan hệ giữa người Do Thái ở Israel và người Ả Rập như một cuộc xung đột bạo lực đang diễn ra đã sinh ra những hạn chế dân sự, sự phân biệt đối xử được thể chế hóa và thị trường lao động bị chia rẽ về mặt sắc tộc. Nó cũng định hình bản sắc chính trị và văn hóa của người Palestine khác với bản sắc Israel của người Do Thái. Người Palestine ở Israel có ít nhất 3 bản sắc: Ả Rập, Palestine, và Palestine Israel. Không có bản sắc đơn lẻ nào chiếm ưu thế hơn những bản sắc khác và mỗi bản sắc liên quan đến một nội dung ý nghĩa khác nhau và đóng một vai trò khác nhau trong kho bản sắc của họ. Bản sắc Palestine nhấn mạnh ý thức tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết nhân danh di sản văn hóa. Bản sắc Israel phù hợp với tư cách là một hệ thống dân chủ đặt ưu tiên cao cho các quyền cá nhân nhưng cũng là một hệ thống nhấn mạnh đến việc người Palestine bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để thách thức việc bị gạt ra ngoài lề này, người Palestine ở Israel chọn những tổ chức cụ thể để mở đường cho sự tham gia của họ vào xã hội Israel đồng thời thể hiện quyền của họ trong việc duy trì một nền văn hóa và bản sắc riêng biệt.
Cuốn sách này phân tích chỉ một yếu tố của bản sắc văn hóa và đường lối hành động: những thay đổi đã xảy ra đối với ẩm thực của người Palestine ở Israel sau cuộc gặp gỡ với nhà nước Do Thái theo chủ nghĩa Do Thái. Tôi sẽ chỉ ra cách mà kiến thức ẩm thực, chủ yếu là của phụ nữ, đã trở thành kho tàng văn hóa bảo tồn bản sắc dân tộc riêng biệt như thế nào. Được giữ trong ranh giới của cộng đồng, ẩm thực đã trở thành một phương tiện để thể chế hóa sự phản đối những nỗ lực chiếm đoạt nguồn lực thuộc về người dân Palestine và biến chúng thành nội dung chung của kiến thức ẩm thực Israel. Một phân tích kinh tế và chính trị về nhà bếp Ả Rập ở Israel giúp chúng ta hiểu tại sao một số thay đổi nhất định được chấp nhận và những thay đổi khác lại bị từ chối.
Hơn nữa, cuốn sách đề cập đến những đổi mới, ý thức hệ và nguyên tắc ẩm thực làm nền tảng cho nhà bếp Ả Rập ở Israel. Tôi đã lập luận, trong phần đầu tiên của cuốn sách, rằng mặc dù có sự gần gũi về mặt địa lý giữa công dân Palestine và Do Thái ở Israel, việc len lỏi các món ăn “Do Thái” vào nhà bếp của người Palestine chỉ giới hạn ở những món ăn phù hợp với cấu trúc bữa ăn Ả Rập và thói quen ăn uống hiện tại, cũng như những món ăn cho phép chế biến các món ăn truyền thống bằng công nghệ nấu ăn tiên tiến. Đồng thời, việc áp dụng rất hạn chế các món ăn Palestine vào nhà bếp của người Do Thái ở Israel được người Palestine hiểu là biểu hiện mang tính biểu tượng cho thấy quần chúng Do Thái thiếu tôn trọng và thiếu quan tâm đối với văn hóa Ả Rập-Palestine. Sự thiếu tôn trọng này dẫn đến việc không sẵn sàng coi công dân Palestine của Israel là một nhóm sắc tộc được quyền thực hiện đầy đủ các quyền dân sự và chính trị của mình.
Chú thích:
- pan-arab hay liên Ả Rập quy định rằng các quốc gia Ả rập riêng biệt cần thống nhất để tạo thành một nhà nước duy nhất dưới một hệ thống chính trị. (ND)
- Al-Haj (1997b); Jabareen (2006). Liên Hợp Quốc cũng như nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế gọi các vùng lãnh thổ bị quân đội Israel chiếm đóng sau Cuộc chiến Sáu ngày vào năm 1967 là Lãnh thổ bị Chiếm đóng. Các lãnh thổ bị chiếm đóng bao gồm Bờ Tây, Dải Gaza, phần lớn Cao nguyên Golan, và cho đến năm 1982, Bán đảo Sinai. Bờ Tây và Dải Gaza còn được gọi là Lãnh thổ Palestine hoặc Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và là cơ sở của nhà nước Palestine. Các lãnh thổ này được cai trị bởi Chính quyền Palestine, Liên minh Châu Âu và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Occupied Territories,” http://en.wikipedia.org/wiki/Israeli-occupied_territories