Sự bùng nổ của quá trình cải tạo đô thị ở California

Trích đoạn chương 8, cuốn sách Sinh tồn của đô thị – Edward Glaeser & David Cutler

“Sinh tồn của đô thị” đề cập đến việc đại dịch COVID-19 đã phơi bày nhiều bất cập trong hệ thống y tế công cộng của Hoa Kỳ, nhưng những vấn đề này không chỉ giới hạn ở Mỹ mà còn phổ biến ở nhiều đô thị trên thế giới. Hai tác giả đã sử dụng các sự kiện lịch sử và các cuộc khảo sát chính sách để lý giải tại sao các đô thị lại gặp phải nhiều khó khăn trong việc đối phó với đại dịch và cách mà những chính sách y tế lầm lạc đã góp phần vào những thách thức đó.

“Sinh tồn của đô thị” không chỉ là một cuốn sách về đại dịch mà còn là một cuộc thảo luận rộng hơn về tương lai của các đô thị trên thế giới. Cuốn sách đưa ra những phân tích về các vấn đề xã hội, kinh tế và sức khỏe mà các thành phố hiện đại đang phải đối mặt, từ đó đề xuất các biện pháp và chính sách cần thiết để đảm bảo các thành phố không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây là một cuốn sách quan trọng cho những ai quan tâm đến kinh tế đô thị, chính sách y tế công cộng, và những ai đang tìm kiếm những giải pháp bền vững cho sự phát triển của các đô thị trong thế kỷ 21.

Sự bùng nổ của quá trình cải tạo đô thị Cuộc di cư ban đầu của người gốc Anh và gốc Do Thái khỏi Boyle Heights xảy ra trong thời gian xây dựng các đường cao tốc và nhà không có hàng rào có nghĩa là nguồn cung nhà ở miền nam California đang mở rộng rất nhiều. Từ năm 1950 đến năm 1970, số lượng đơn vị nhà ở tại Quận Los Angeles đã tăng 76% , từ 1,4 triệu lên 2,5 triệu. Vô vàn các ngôi nhà có kiến trúc giống nhau đã được dựng lên dọc theo các xa lộ mới chạy qua khu vực đô thị. Việc xây dựng mới đó có nghĩa là nhà ở vẫn có giá cả phải chăng, dù ở đây có những cây cọ và các ngôi sao điện ảnh.

Nghịch lý của kim cương và nước là kim cương đắt hơn rất nhiều so với nước mặc dù thực tế là nước rất cần thiết cho sự tồn tại còn kim cương thì không. Lý giải cho nghịch lý này là do nước nhiều nhưng kim cương lại hiếm. Nếu một thứ gì đó dễ kiếm hoặc dễ xây dựng, giá của nó có khả năng vẫn thấp ngay cả khi nó quan trọng hay đẹp đẽ. Los Angeles có nhà ở giá rẻ vào năm 1970 vì California thời hậu chiến là thiên đường của những người xây dựng. 

Đến năm 2010, duyên hải California đã trở thành địa ngục của những người xây dựng.Các quy định về sử dụng đất của địa phương quy định kích thước lô tối thiểu. Tòa án Tối cao California phán quyết rằng mọi dự án lớn mới cần phải trải qua một cuộc đánh giá tác động môi trường. Những đánh giá đó đã làm tăng thêm chi phí và chặn các dự án mới – và chúng rất phiến diện.

Tòa nhà ở ven biển California về bản chất là xanh vì khí hậu Địa Trung Hải của khu vực cần ít hệ thống sưởi và làm mát nhân tạo hơn nhiều so với phần còn lại của Hoa Kỳ. Do đó, việc xây dựng ở California làm giảm lượng khí thải các–bon của Mỹ và cần được các nhà môi trường khuyến khích. Tuy nhiên, đánh giá môi trường do tòa án ủy quyền chỉ đánh giá tác hại đối với môi trường địa phương, chứ không phải lợi ích được tạo ra từ việc xây dựng ở một khu vực ít các– bon của đất nước. Các nhà hoạt động chống tăng trưởng địa phương không thể ngăn cản mọi sự phát triển ở Hoa Kỳ. Họ chỉ có thể đảm bảo rằng sự phát triển không xảy ra gần họ. Khi việc xây dựng bị dừng lại gần khu vực thực chất là xanh gần San Francisco hoặc Los Angeles, nó sẽ bị dịch chuyển ra vùng ngoại ô bên ngoài hoặc đến Houston hoặc Las Vegas, nơi mà việc xây dựng gây hại cho môi trường nhiều hơn.

Từ năm 1990 đến 2015, số lượng đơn vị nhà ở tại Quận LA chỉ tăng 11% hoặc 340.000 đơn vị nhà ở. Nguồn cung nhà mới ít ỏi đó không thể đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ do khí hậu ven biển California và sự bùng nổ kinh tế. Trung tâm Los Angeles trở nên hấp dẫn hơn đối với những người trẻ tuổi thành thị muốn có ánh nắng mặt trời, bãi biển và một môi trường đông vui, hợp thời hơn. Sau khi tàu điện ngầm của thành phố khai trương Tuyến đường Vàng vào năm 2009, Boyle Heights đã có được kết nối trực tiếp, không–có–ùn–tắc đến trung tâm thành phố và nó trở thành một nam châm cho sự cải tạo đô thị.

Các nhà kinh tế học đô thị thường đưa ra quan điểm có vẻ nghịch lý rằng các khoản đầu tư vào những nơi nghèo khó có thể khiến các cư dân nghèo ở những nơi đó trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt nếu họ là những người đi thuê nhà. Một trạm dừng tàu điện ngầm mới có thể hồi sinh một khu vực nhưng vẫn không tạo ra được cái gì ngoài việc gây đau đầu và chi phí sinh hoạt cao hơn cho những cư dân dài hạn mà không muốn đi tàu. Thật vậy, sự xuất hiện của Tuyến đường Vàng đến Boyle Heights vào năm 2009 thường được coi là điểm khởi đầu cho quá trình tân tiến hóa khu vực. Khu vực lõi của Downtown Los Angeles đã dần dần được tái sinh thành một nơi thân thiện hơn với người đi bộ, thân thiện với phương tiện công cộng. Nhiều người thành thị hợp thời đã háo hức khám phá các khu vực lân cận, như Boyle Heights, những nơi mà có thể tiếp cận bằng đường sắt.

Nhiều trong số những người đi đầu tiên là những người gốc Latinh giàu có hơn, những người thích sự gần gũi, giá cả thấp và di sản văn hóa của khu vực. Người dân địa phương gọi quá trình đó là “gentefication”, bao gồm từ gente[1] trong tiếng Tây Ban Nha hoặc mọi người trong tiếng Việt. Đến năm 2016, web nổi lên với những tiêu đề như TẠI BOYLE HEIGHTS, NHỮNG DẤU HIỆU CỦA QUÁ TRÌNH CẢI TẠO ĐÔ THỊ Ở KHẮP NƠI. Vào năm 2017, Marvin Lemus xuất sắc và hài hước đã sản xuất một vài tập phim kỹ thuật số của Gentefied, được chuyển thành một loạt phim Netflix chính thức và được đánh giá cao vào năm 2020.

Loạt phim sử dụng quá trình cải tạo đô thị của Boyle Heights để khám phá mâu thuẫn giữa phần thưởng của sự hợp nhất về mặt tài chính và phần thưởng của lòng trung thành cộng đồng về mặt xã hội. Đây là một chủ đề cũ và chính ở nhiều thành phố. Xung đột cốt lõi của bộ phim có tiếng nói đầu tiên trên thế giới – The Jazz Singer – là quyết định đau đớn của người anh hùng về việc liệu có nên thay thế vị trí của cha mình để hát Kol Nidre tại Yom Kippur hay thực hiện vai chính của mình trong buổi ra mắt một chương trình Broadway. Ca sĩ nhạc jazz đã hát Kol Nidre, nhưng may mắn là trong phiên bản của Hollywood, sự nghiệp nhạc jazz của anh ấy đã phục hồi. Chris Morales trong series Gentefied cũng bị giằng xé tương tự giữa việc cứu cửa hàng bánh taco của ông mình và tham dự Le Cordon Bleu ở Paris.

Nhưng trong khi cộng đồng người gốc Latinh đang lo lắng về việc “cư xử trắng hóa”[2] , thì lại có ít sự mơ hồ hơn – dù trong chương trình hay ngoài đời – về những người nhập cư có tiền không phải người Mexico ở Boyle Heights. Trong một buổi diễn, họ thường được miêu tả là người xảo quyệt, giàu có hoặc ngu ngốc. Ngoài đời, những người nhập cư có tiền thường được xem là những kẻ phản diện thuần túy. Bảo Vệ Boyle Heights, một tổ chức chống lại quá trình cải tạo đô thị, tuyên bố rằng “sự cải tạo đô thị là hình thức thực sự và cao nhất của tội ác do thù hận,” đó là một tuyên bố khá đúng đắn trong lịch sử diệt chủng của thế kỷ 20.

Weird Wave Coffee, mở cửa vào năm 2017 gần nơi Julian Nava cảnh báo đội Mũ nồi Nâu về cuộc đột kích sắp tới của cảnh sát, “gần như ngay lập tức trở thành điểm không cho cuộc thảo luận công khai về việc cải tạo đô thị”. Weird Wave không phải là một phản diện khó bắt gặp, với kiểu trang trí thô kệch, biểu tượng bạch tuộc và sứ mệnh được viết là “mang cộng đồng lại với nhau”. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình và phá hoại diễn ra khắp nơi. Khi cửa kính của quán cà phê bị đập vỡ, tổ chức Bảo Vệ Boyle Heights đã không nhận trách nhiệm cho hành động này, nhưng họ đã “cổ vũ nó”.

Vẫn còn tồn tại Weird Wave. Các đánh giá tích cực trên Yelp khuyến khích khách hàng tiềm năng “phớt lờ những người biểu tình phản đối thiếu hiểu biết,” những người không biết hoặc không quan tâm “rằng một trong những chủ sở hữu là người El Salvador”. Những người nhập cư có tiền khác phải đối mặt với sự đối xử thô bạo hơn và bỏ cuộc.

Khi một cửa hàng cà phê mở ra trong một khu phố được tân tiến hoá, cửa hàng đó hy vọng sẽ cung cấp đồ uống buổi sáng – và có lẽ là một số bánh nướng xốp tự nướng – cho người dân địa phương cũng như du khách bên ngoài. Khi một phòng trưng bày nghệ thuật mở ra trong một khu phố được tân tiến hoá, nó đang tìm kiếm không gian rẻ tiền để trưng bày những món hàng đắt tiền cho khách hàng từ một nơi khác. Có thể một số doanh nghiệp địa phương sẽ được hưởng lợi, nhưng các cư dân có nhiều khả năng bị thiệt hại do chi phí sinh hoạt cao hơn. Khi các phòng trưng bày nghệ thuật bắt đầu mở cửa ở Boyle Heights vào năm 2016, chúng dễ trở thành kẻ xấu hơn nhiều so với những người sành điệu đã thành lập Weird Wave.

Nằm ngay bên kia sông từ Boyle Heights, Khu Nghệ thuật của Los Angeles đã được tân tiến hoá trong nhiều thập kỷ. Khu vực trung tâm thành phố là khu công nghiệp. Các nghệ sĩ chuyển tới các căn gác xép. Họ đã bắt đầu vẽ những bức tranh tường mà hiếm khi được phép, chúng giờ đây đã tô điểm cho những bức tường công cộng. Chủ sở hữu phòng trưng bày đã mua một không gian rẻ tiền. Vì khu vực này tràn ngập các nhà kho, không phải là người ở lâu dài, nên có rất ít khả năng kháng cự lại sự thay đổi.

Các quán ăn sành điệu và các câu lạc bộ thú vị được mở ra. Các bảo tàng, như Viện Nghệ thuật Đương đại và A+D (Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế), nằm trong Khu. Khu Nghệ thuật dường như mang đến một trải nghiệm đô thị thực sự giữa tất cả các đường cao tốc của Los Angeles và những ngôi nhà theo phong cách Địa Trung Hải, và vì vậy vào năm 2015, khu này đã thu hút các doanh nhân công nghệ. Chi phí tăng vọt, với các căn hộ studio cho thuê có giá hơn 2.000 đô la mỗi tháng và căn hộ một phòng ngủ có giá từ 1 triệu đô la trở lên. Đi bộ từ Viện Nghệ thuật Đương đại đến Weird Wave Coffee ở Boyle Heights chỉ 2,5 dặm và sự tân tiến tràn ngập không gian. Các doanh nghiệp và các cư dân đang tìm kiếm các khu ở rẻ hơn chỉ lướt qua đường chân trời đến khu vực lân cận gần nhất tiếp theo, nơi mà chưa thấy giá của nó tăng lên. Boyle Heights rẻ hơn nhiều so với Khu Nghệ thuật và do đó, một làn sóng các phòng trưng bày nghệ thuật mở ra ở đó, dường như không để ý đến truyền thống biểu tình có tổ chức lâu đời của khu phố.

Đồng phục bán quân sự, giống như những bộ từng được đội Mũ nồi Nâu mặc, đã xuất hiện trở lại trên các nhà hoạt động thuộc Boyle Heights Alliance Against Artwashing[3] and Displacement (BHAAAD). Những người lính của BHAAAD mặc áo liền quần màu đen và đeo mặt nạ trượt tuyết màu đỏ. Tổ chức này là một liên minh có tiếng nói và hiệu quả cao chống lại các phòng trưng bày nghệ thuật. Các phòng trưng bày đã bị phá hoại một cách thô bạo. Những người biểu tình rắc rối hơn đã đi xuyên lục địa để phá ngang cuộc triển lãm của một chủ sở hữu phòng trưng bày tại Bảo tàng Whitney ở New York. Đoạn video về cuộc biểu tình đó cho thấy rất nhiều người dân New York cố gắng thờ ơ hết sức để phớt lờ những người can thiệp từ bờ biển bên kia.

Trang web của một phòng trưng bày đã bị tấn công khiến nó chứa một lời xin lỗi chính thức giả từ “những người anh em nhập cư có tiền sành điệu đã chiếm giữ Boyle Heights với phòng trưng bày của chúng ta.” Một số chủ sở hữu phòng trưng bày thậm chí còn cho biết họ đã nhận được những lời đe dọa giết người. Đến năm 2018, ít nhất bốn trong số các phòng trưng bày đã chịu đựng đủ và được chuyển sang nơi khác. Thế hệ đầu tiên của những người biểu tình Boyle Heights đã đối mặt với LAPD và sự thống trị hàng thế kỷ của người gốc Anh. Không có gì ngạc nhiên khi thế hệ những người phản đối mới này nhận thấy việc xử lý các chủ phòng trưng bày nghệ thuật trở nên dễ dàng hơn nhiều. Ngay cả những người không thực sự coi trọng những lời đe dọa chết chóc cũng muốn bảo vệ danh tiếng của mình khỏi nhuốm màu chính trị một cách không chính xác.

Những cuộc chiến giành quyền lợi này diễn ra vô cùng khốc liệt vì nguồn cung cấp không gian giá cả phải chăng của Los Angeles quá hạn chế. Theo Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia, giá bán trung bình của một căn hộ ở Los Angeles là hơn 470.000 đô la vào năm 2019, cao hơn bất kỳ khu vực đô thị nào khác ở Hoa Kỳ, ngoại trừ thành phố San Francisco thậm chí còn đắt hơn. Giá trung bình cho một ngôi nhà ở Los Angeles là hơn 600.000 đô la, cao hơn 60% so với giá trung bình của một ngôi nhà ở Thành phố New York lớn[4].

Los Angeles có văn hóa, khí hậu và nền kinh tế địa phương đa dạng và mạnh mẽ. Nó là một điểm nhập cảnh tự nhiên cho người nhập cư Mexico có nhu cầu rất lớn đối với Thành phố của những Thiên thần. Khi nhu cầu đó được đáp ứng với nguồn cung không đủ, giá cả sẽ tăng và có xung đột về không gian. Los Angeles không nhất thiết phải đắt như vậy và cũng không đặc biệt đắt đỏ trước những năm 1970, khi vẫn còn nhiều công trình xây dựng mới.

Vào năm 1970, giá nhà trung bình ở California là 23.100 đô la, tương đương với 158.000 đô la vào năm 2020. Con số này cao hơn 36% so với mức trung bình toàn quốc, nhưng thấp hơn giá nhà trung bình ở các bang như New Jersey và Connecticut. Đến năm 1990, giá nhà ở trung bình của California đã tăng vọt lên 196.000 đô la hoặc 400.000 đô la trong năm 2020, cao hơn 145% so với mức trung bình toàn quốc. Năm 1970, California là một tiểu bang bình thường và Los Angeles là một thành phố bình thường, ít nhất là về giá nhà ở của nó. Đến năm 1990, Tiểu bang Vàng và các thành phố ven biển lớn của nó đã bước vào một tầng bình lưu bất động sản mà về cơ bản họ chưa bao giờ rời bỏ.

Khí hậu của California không thay đổi từ năm 1970 đến 1990. Nền kinh tế của bang vốn đã rất mạnh vào năm 1970. Có thể cho rằng, nền kinh tế đó thậm chí còn trở nên thành công hơn so với các bang kém hơn của Mỹ trong hai mươi năm tới, nhưng thay đổi lớn nhất là sự sụp đổ trong việc xây dựng nhà ở mà chúng ta đã được đề cập. Nguồn cung nhà mới ở Quận Los Angeles đã giảm từ hơn 50.000 mỗi năm trong giai đoạn 1940–1970 xuống còn chưa đến một nửa số đó trong ba mươi năm tiếp theo.

Mức độ xây dựng thấp ở Quận Los Angeles không phản ánh tình trạng thiếu đất. Quận Los Angeles có diện tích đáng kinh ngạc ba triệu mẫu Anh. Hiện tại, chỉ có 1,38 đơn vị nhà ở trên một mẫu Anh ở đó, và bao gồm cả nhà chung cư. Los Angeles là một thành phố tuyệt vời, và những thành phố lớn có thể dễ dàng chứa 50 người trên một mẫu đất. Nhưng LA đã chọn giả vờ rằng đó vẫn là vùng đất của những vườn cam và những ngọn đồi thoai thoải như khi Billy Workman lần đầu tiên phát triển Boyle Heights.

 

Chú thích:

[1] Gente [tiếng Tây Ban Nha]: có nghĩa là “mọi người”. 

[2] Tại Hoa Kỳ, “acting white” là một cách nói phê phán, thường được áp dụng cho người da đen, dùng để chỉ sự phản bội được nhận thức của một người đối với nền văn hóa của họ bằng cách đáp ứng những kỳ vọng của xã hội đối với xã hội da trắng. (ví dụ người da đen nhưng hành động như thể là lớn lên trong 1 cộng đồng người da trắng, đáp ứng các yêu cầu mà xã hội da trắng yêu cầu ở 1 người da trắng).

[3] Artwashing mô tả việc sử dụng nghệ thuật và Nghệ sĩ theo một cách tích cực để đánh lạc hướng hoặc hợp pháp hóa các hành động tiêu cực của một cá nhân, tổ chức, quốc gia hoặc chính phủ — đặc biệt là liên quan đến quá trình tân tiến hoá. Với cấu trúc tương tự như các thuật ngữ như “pinkwashing” và “purplewashing”, nó là từ ghép của các từ “art” và “whitewashing.” Thuật ngữ này được đặt ra trong cuộc biểu tình năm 2017 chống lại quá trình tân tiến hóa ở khu phố Boyle Heights của Los Angeles.

[4] Greater New York City, để phân biệt với tiểu bang New York.

Bản lưu trò chuyện về cuộc phỏng vấn Edward Glaeser: Người giàu, người nghèo & Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *