0
Read & Chat #8: Bộ đôi về cách trẻ em học và khó học của John Holt – Nhà tư tưởng Homeschooling của tương lai
Ngày 1/6/2022, cuốn sách “Trẻ em học như thế nào” (How children learn) của John Holt được dịch và xuất bản tại Việt Nam bởi Book Hunter, do NXB Phụ Nữ cấp phép. Cuốn sách được dịch bởi các bạn dịch giả nhí của EV Academy và các dịch giả trẻ của Book Hunter. Ngay khi có mặt, “Trẻ em học như thế nào” đã dành được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Và chỉ không lâu sau đó, cuốn sách “Trẻ em khó học như thế nào” (How children fail) cũng của John Holt được xuất bản và tiếp tục tạo được hiệu ứng tương tự. Hai cuốn sách ghi lại những trải nghiệm của John Holt trong quá trình quan sát trẻ học và tự học để đúc rút những cốt lõi trong quá trình hướng dẫn trẻ học tập.
Để hỗ trợ các bạn đọc nắm bắt các ý chính và phương pháp tiếp cận, Book Hunter tổ chức buổi Read&Chat về hai cuốn sách “Trẻ em học như thế nào” và “Trẻ em khó học như thế nào” do CEO của Book Hunter kiêm quản lý dịch thuật Lê Duy Nam dẫn dắt, và có sự tham gia của Trần Quỳnh Như – dịch giả cuốn “Trẻ em khó học như thế nào”. Sự kiện diễn ra từ 21h00 tối thứ Sáu theo thông lệ hàng tuần, và kéo dài sôi nổi đến tận khuya.
>> Tìm hiểu thêm về Bộ đôi sách Trẻ em học & khó học như thế nào của John Holt
>> Link bản đọc thử Trẻ em học như thế nào tại ĐÂY
>> Link bản đọc thử Trẻ em học như thế nào tại ĐÂY
Từ homeschooling đến unschooling
Đầu sự kiện, có một chút xíu nhầm lẫn về khái niệm “homeschooling” và “unschooling”, và ngay lập tức đã được anh Lê Duy Nam giải đáp: “John Holt là người đi sau trong phong trào homeschooling, trước đó homeschooling đã phổ biến trong các gia đình Công giáo và John Holt đã tiến thêm một bước bằng cách thúc đẩy unschooling”.
Anh Đặng Xuân Lương cho rằng homeschooling là kiểu học phổ biến được nhắc đến nhiều trong tiểu thuyết ngày xưa, nhưng đó là kiểu học của dân nhà giàu. Anh Nam phủ nhận và nói rằng bản chất của homeschooling không nằm ở tài chính, mà nằm ở sự hợp tác giữa phụ huynh và học sinh.
Bạn Bùi Hồng Quân, người đã từng tham gia dẫn dắt buổi nói chuyện về “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera bổ sung: Unschooling là hình thức homeschooling không theo lộ trình môn học của trường học. Anh Lê Duy Nam cũng tiếp tục diễn giải: “Homeschool thì vẫn có kế hoạch học tập, đôi khi vẫn phải thi chứng chỉ và vẫn có khả năng quay lại trường học”, và anh Đặng Xuân Lương góp thêm ý kiến rằng unschooling là tự học theo nhu cầu của trẻ. Anh Lê Duy Nam còn cho biết thêm hiện nay còn có xu hướng de-schooling (tức tái thiết lập quá trình yêu thích học tập của trẻ vốn bị mai một do học ở trường), tuy nhiên, không có phương án “vạn năng” mà tùy “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Sau đó, những người tham gia cùng nhau chia sẻ các trải nghiệm làm việc với trẻ của mình, xin mời xem các đoạn chụp màn hình dưới dây:
Bạn Quỳnh Như, dịch giả cuốn “Trẻ em khó học như thế nào” chia sẻ một đoạn trích từ cuốn sách, rất liên quan đến các vấn đề mà bạn đọc tham gia:
Và Quỳnh Như cũng kể thêm về cơn ác mộng quay lại trường học của mình. Nhiều người tham gia sự kiện cũng bày tỏ sự đồng cảm này và kể thêm về cơn ác mộng của mình.
Những tiên đề gây tranh cãi của John Holt
Từ những kinh nghiệm làm việc với trẻ em, John Holt đã đúc rút ra được những tiên đề quan trọng, mà những tiên đề này là bệ đỡ cho toàn bộ mô hình giáo dục của ông. Anh Nam đã tổng hợp các tiên đề này và đây là cơ hội cho những người tham gia thảo luận sôi nổi.
#1. Mọi trẻ em đều RẤT mong muốn hiểu thế giới xung quanh.
Bạn Quỳnh Như hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của John Holt, và không quên khẳng định: “Cứ bứng trẻ con ra khỏi áp lực trường lớp thi cử mà xem, rồi sẽ thấy mấy ẻm sinh động thế nào.”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên, là founder & brand manager của Book Hunter không chắc về chữ “RẤT”, chị cho rằng mức độ hứng thú này có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể sẽ thích nhất thời hoặc không bày tỏ rõ rệt, hoặc cái thích ko định hình được.
#2. Mỗi đứa trẻ có thế mạnh khác nhau, cách học khác nhau, cách giao tiếp khác nhau, nhược điểm cũng khác nhau; nhưng không dễ nhận ra những điều này, dù người lớn rất cố gắng.
Anh Tuấn Hoàng, một độc giả thân thiết của Book Hunter chia sẻ thêm: “Đây có thể xem như là các thiên tính của trẻ em. Việc xem xét liệu các mô hình nhà trường có thuận theo các thiên tính này ko hay lại áp đặt mà đi ngược lại hay ko là rất quan trọng?” Chị Hà Thủy Nguyên phản biện: “Cái thiên tính này cũng phải tranh cãi, vì có trường hợp ảo lắm, giỏi cái này nhưng thích cái khác, mà cái khác lại ko hề giỏi. ????”
Chị Phan Hải Hà, mẹ của bé Lily, dịch giả bộ sách tranh “Những vệ thần của tuổi thơ”cũng không tin và thuyết thiên tính. Chị chia sẻ: “Mình thấy thiên tính là cái gì đó mơ hồ và còn thay đổi trong quá trình trưởng thành. Nên khó có thể nói trẻ thiên tính thế nào lắm.”
Anh Nam kết luận: “Mỗi đứa trẻ có thế mạnh khác nhau, cách học khác nhau, cách giao tiếp khác nhau, nhược điểm cũng khác nhau -> nhưng ko dễ nhận ra những điều này, dù người lớn rất cố gắng, và có những bạn có thế mạnh và sở thích không trùng nhau, khá là rắc rối.” Đây là luận điểm mà John Holt đã chứng minh bằng cách ghi chép lại quá trình học và tự học của rất nhiều đứa trẻ ở thời của ông.
Bạn Hiếu Văn chia sẻ: “Trẻ em có thể “nhiễm” sở thích/đam mê của người thân của chúng qua việc chứng kiến/trải nghiệm cùng với người lớn?! Ví dụ hồi nhỏ mình thấy ba thường đọc báo và cho đọc cùng nên cũng đọc theo, sau này lớn lên cũng có phần thích đọc dù ba k ép đọc. Nấu nướng và chăm sóc vật nuôi cùng mẹ nên yêu thích động vật. Mình cũng k rõ bao nhiêu phần là do “thiên tính” và bao nhiêu do “tiếp xúc, trải nghiệm”.” Chị Phan Hải Hà phản biện: “Mình nghĩ chả cần biết bao nhiêu phần làm gì, chỉ cần biết cuối cùng nó thích gì thì mình hỗ trợ nó cái đó.”
Chị Hà Thủy Nguyên bổ sung: Thực ra mình thấy John Holt không quá đặt nặng việc đi tìm thiên tính của trẻ, đây là điểm khác với Montessori. Ông coi mọi loại tri thức là ngang nhau và mở với mọi đứa trẻ, mọi đứa trẻ cũng luôn sẵn sàng tiếp nhận nếu ta ko cưỡng ép mà luôn ở đó để giúp đỡ. Nên khá gần với nhận định của Hà.
#3: Trẻ nhỏ thích được tham gia vào xã hội của người lớn, thích giống người lớn, nên chúng ta nên tạo điều kiện tối đa có thể để các bạn nhỏ làm quen dần
Chị Hà Thủy Nguyên tiếp tục lật ngược vấn đề: “Tiên đề này ko chắc chắn lắm, vì ko loại trừ bọn trẻ con thấy người lớn ngớ ngẩn và phiền toái nên ko có nhiều động lực tham gia nó.” Đáp lại ý kiến của chị Hà Thủy Nguyên, anh Lê Duy Nam khẳng định: “Nếu vậy thì sẽ rơi vào trường hợp các bạn ấy muốn tạo ra trật tự mới thay thế cho cái ko ổn đang tồn tại” mà người lớn đang duy trì.
Bạn Hiếu Văn bổ sung thêm: “Trẻ con rất khó biểu đạt nhu cầu của chúng theo cách tư duy của người lớn. Có thể những biểu hiện mà người lớn coi là hư: quấy khóc hay phản ứng mạnh, phá phách chỉ là biểu hiện của nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng và thấu hiểu.”, bạn còn kể câu chuyện: “Tình cờ họ hàng nhà mình cũng có một cháu gái ba tuổi như vậy. Bé nói luôn bị khuyết phụ âm đầu. Ví dụ: Hỏi “Con ăn cơm chưa? Bé trả lời: “On ăn ồi” Bé nghe hiểu và giao tiếp bình thường với người lớn và anh chị em của bé. Nhiều lúc người lớn k hiểu phải có mấy bé anh chị của bé phiên dịch lại. Gia đình k thúc ép hay uốn nắn gì bé cả. Hiện bé vẫn nói kiểu như vậy. Mình sẽ quan sát thêm xem sao.” Vấn đề này được đề cập trong chương về ngôn ngữ của John Holt, John Holt lý giải rằng bọn trẻ luôn cố tình chại đi những âm của người lớn nói như một cách đùa nghịch với ngôn ngữ, và đó là cách trẻ sáng tạo ngôn ngữ mới.
#4. Trẻ em cần được thử nghiệm và thất bại và tự rút ra bài học cho riêng mình, người lớn không cần dạy nếu không có yêu cầu từ trẻ em.
Chị Phan Hải Hà kể về quá trình nuôi bé Lily: Mình thì lúc con nhỏ xác định cho tiếp xúc diện rộng. Cái gì cũng cho thử. Rồi thích gì thì chơi tiếp, chơi chán thì chơi trò khác. K coi nó có thiên tính/tài năng hay gì đặc biệt.” Chị cũng khẳng định rằng chị sẽ để cho tự tìm thấy tài năng của mình chứ không phải để gia đình định hướng. Bạn Hiếu Văn đồng tình: “Thiên tính hay tài năng mình nghĩ trẻ sẽ tiếp xúc và khám phá ra, có thể có sự hỗ trợ của người lớn khi chúng cần. Nên việc được tiếp xúc rộng hồn nhiên mà k bị gò ép là điều cần thiết.”
Bạn Tuấn Hoàng vẫn e dè: “Nhưng phải giám sát về các giới hạn an toàn.”
Chị Hà Thủy Nguyên bổ sung: Với mình thì cái gì trẻ sẵn sàng đầu tư thời gian để trau rèn mà ko phải thúc giục, chủ động tìm tòi thêm => thiên tính. Còn cứ phải hò như hò đò thì thôi. Kể cả thứ mồm kêu là thích, nhưng động lực hành động ko có, thì rõ là lầm lạc. Người lớn đối với sở thích của chính mình cũng thế thôi.” Anh Đặng Xuân Lương phản biện: “ Thế thì có xem youtube và chơi game trên phone”. Chị Hà Thủy Nguyên đáp rằng đó cũng là một dạng kỹ năng phục vụ một mục đích nào đó mà người lớn chưa đủ hiểu để định hướng cho con cái nên con cái dễ bị sa đà vào những điều vô bổ.
Anh Lê Duy Nam chia sẻ một đoạn trong sách “Trẻ em khó học như thế nào”:
#5. Trẻ em có cách hiểu riêng về mọi đối tượng và có thể khác với cách hiểu của người lớn, nên không áp đặt cách hiểu mà phải đối thoại công bằng với nhau
Anh Lê Duy Nam chia sẻ một số trang sách:
Anh khẳng định thêm: “John Holt đề cao việc trẻ tự học thông qua trải nghiệm và người lớn cần ít can thiệp vào quá trình học hỏi tự nhiên của trẻ nhỏ, chỉ hỗ trợ khi có nhu cầu từ các bạn nhỏ.” Quan điểm này của John Holt được chị Hà hoàn toàn đồng tình và rất hào hứng vì gần với phương pháp nuôi dưỡng bạn nhỏ Lily của chị.
Bạn Tuấn Hoàng thắc mắc tại sao John Holt lại chọn phương pháp này. Một loạt những câu trả lời thú vị được mọi người đưa ra:
Anh Lê Duy Nam chia sẻ thêm một vài trang sách:
Anh Lê Duy Nam lý giải: “Ở Mỹ lúc đó thịnh hành dùng máy móc đo đạc não bộ để phân tích tâm lý, tư duy, trí tuệ …nhưng John Holt thấy ngớ ngẩn vì máy móc không thể đo được sự phức tạp của tâm trí con người. Chỉ có thể bằng quan tâm, quan sát, đối thoại, tìm hiểu một cách liên tục và chủ động mới có thể giúp người lớn hiểu hơn về trẻ em, các cách áp đặt khác đều ko ổn về lâu dài.”. Bạn Hiếu Văn cũng đồng tình: “Việc thí nghiệm này dù thiết bị có hiện đại hơn nữa m nghĩ cũng k khả thi vì nó tách trẻ em ra khỏi bối cảnh thực tế cần nghiên cứu và quan sát. Một đứa trẻ khi bị đặt vào tâm thế bị hỏi đáp sẽ khác với khi trẻ được chủ động khám phá. Do đó sóng não,… khác là điều không bất ngờ.” Bạn Tuấn Hoàng bổ sung thêm: “Trong khoa học tự nhiên họ cũng quan tâm đến điều này: Mọi phép đo đều ảnh hưởng đến đối tượng đo, nếu ảnh hưởng là đáng kể so với kết quả đo được thì phép đo đó ko đáng tin cậy.”
Anh Nam tiếp tục chia sẻ các trang sách rất thấu tâm can của John Holt:
Anh Đặng Xuân Lương nói vui nhưng rất sâu sắc: “Thành công của mình là không sợ thất bại. Thất bại của mình là mãi chưa thành công.”
Môn Toán kinh hoàng và giải pháp của John Holt
Đa phần các bạn nữ tham gia buổi Read & Chat đều bày tỏ sự kinh hoàng trước môn Toán và chia sẻ những trải nghiệm tồi tệ với môn này. Bạn Hiếu Văn thì thốt lên: “Môn toán với em là một bộ môn kỳ lạ nhất của con người.” Bạn Quỳnh Như cũng nói thêm: “Hồi đi học mình học khá Toán và rất thích Lý. Qua cấp 3 thì áp lực thi đại học làm mình thi rớt Tự nhiên, và cuối cùng dấn thân vào con đường Nhân văn và ngôn ngữ. Bản thân mình thấy Toán Lý siêu hay (cấp 2 toàn được học những thứ lý giải tự nhiên, mình mê là nó “make sense”). Chỉ là chương trình T,L cấp 3 nó khó một cách kỳ quặc, mà sau này thấy không cần thiết.
Sự kỳ lạ ấy được John Holt trong trang sách dưới đây:
Khúc cuối về homeschooling và những gợi mở, hứa hẹn một cuộc trò chuyện khác
Sau rất nhiều chia sẻ, những người tham gia bắt đầu đặt câu hỏi về tiềm năng homeschooling ở Việt Nam và trên thế giới. Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho biết từ kinh nghiệm của chị rằng hiện có rất nhiều cơ hội cho homeschooling, quan trọng là gia đình sẵn sàng đầu tư và dũng cảm cho con đi theo thứ mình mong muốn, thoát khỏi lối chạy đua theo các môn học hàn lâm. Chị cũng đặt ra vai trò quan trọng của các trường dạy nghề và trẻ em cần đi học nghề từ 16 tuổi giống như tại Đức hay tại Singapore, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu lao động của thị trường. Tiếc là Việt Nam không đề cao đầu tư cho trường dạy nghề, tạo ra một tình trạng đáng tiếc cho học sinh, người lao động và thị trường.
Người viết: Hà Thủy Nguyên
Tìm hiểu thêm:
Bạn đọc có thể theo dõi các chuỗi trò chuyện khác của Book Hunter thông qua các bài tường thuật tại đây. Và có thể đặt mua sách ở ngay bên dưới.