0
Read & Chat #6: Cùng đọc và khám phá thế giới phiêu lưu huyền ảo trong “Những Vệ thần của tuổi thơ”
Sau những buổi Read & Chat chia sẻ về các cuốn sách đầy sức nặng, nhà văn Hà Thủy Nguyên đã đề xuất sách cho số Read & Chat #6 là bộ sách “Những Vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce, một thế giới phiêu lưu huyền ảo mộng mơ. Đây là nguyên tác của bộ phim “Sự trỗi dậy của các Vệ thần” từng làm mưa làm gió trên các kênh. Buổi trò chuyện đã diễn ra vào hồi 21h00, tối thứ Sáu, ngày 14/10/2022 tại nhóm chat “Book Hunter – Read & Chat”.
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, lý do chị đề xuất thảo luận về bộ sách này là bắt nguồn từ các thắc mắc của những người đọc xung quanh, rằng họ không hiểu nó viết gì. Là người quyết định nội dung và việc phát hành bộ sách này ở Việt Nam, chị được nghe các ý kiến này từ lúc sách mới ra. Đầu tiên là ý kiến của một bạn học Y và mê Triết, rằng độc giả này không nắm bắt được logic của cuốn sách. Ý kiến thứ hai là một bạn đọc cũng làm trong giới sách, nói rằng câu chữ và ẩn dụ phức tạp. Ý kiến thứ ba là của một bạn nghiên cứu văn hoá, đang làm giảng viên đại học, nói là sách như sách siêu nhân và chẳng hiểu ý nghĩa và cái hay ở đâu.
Các thành viên khác trong nhóm chia sẻ, hầu hết mọi người đều không thấy câu chuyện khó hiểu. Những người chưa đọc bình luận, có lẽ những người thấy khó hiểu bởi vì cố tình gán ghép cho nó một cách hiểu sâu xa trong khi câu chuyện vốn dĩ đơn giản.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng, “có một vấn đề trong tâm thức của đại đa số người Việt, do ảnh hưởng của chính văn hoá dân gian, đó là thiếu tính epic (hành trình của người anh hùng trải qua các thử thách để vươn tới điều tốt đẹp hơn hoặc khẳng định điều tốt đẹp trong nhân các của mình). Văn học dân gian Việt Nam có những câu chuyện đánh nhau và giao tranh, nhưng không có tính epic. Trừ truyện Thạch Sanh ra, có lẽ ít truyện cổ Việt Nam có yếu tố này. Người Việt hay thích đọc mấy truyện ngụ ngôn hoặc truyện hài khôn vặt như Trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất…” và trước khi mua bản quyền xuất bản bộ sách này của William Joyce, chị đã khảo sát thị trường sách tranh ở Việt Nam để rồi nhận ra, đa phần trong truyện “ai cũng là nhân vật tốt cả. Hầu như hướng tới việc dạy trẻ làm điều tốt, cốt truyện đơn giản. Kiểu con chó dắt con mèo đi chơi hái hoa bắt bướm rồi về.”
Độc giả Tuan Hoang thì chia sẻ rằng, “Con bé nhà mình năm nay 7 tuổi, khi đọc cho bé thì mình cảm nhận sự kết nối của bé với chuyện không được tốt lắm. Theo mọi người bộ sách này phù hợp cho trẻ tầm tuổi nào? […] Bé chủ yếu chú ý vào tranh và bảo là đẹp, còn về cảm xúc, cốt truyện thì thấy bé có sự kết nối rõ ràng. Không phấn khích, lo sợ khi cái ác thắng thế hay cũng không vui mừng khi cái thiện chiến thắng.”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, “Mình không tiếp xúc nhiều nên không rõ, nhưng việc bé thích vẽ và chú tâm vào hình vẽ hơn thì đó là cách bé cảm nhận thế giới. Vì hình ảnh cũng là một loại tư duy. Có thể bẩm sinh bé phát triển tư duy ấy trước, sau này dần dần có thể hình thành tư duy tuyến tính sau cũng không sao cả. Còn về việc thiện ác, mình nghĩ với những bạn phát triển tư duy hình ảnh sớm sẽ không phân thiện ác đâu, chỉ có phân xấu đẹp thôi. Mà khổ nỗi, William Joyce vẽ phản diện cũng đẹp.”
Độc giả Lily Phan bình luận, “Mình nghĩ cái này do người lớn áp đặt cho trẻ thôi. Còn trẻ nó thích 1 khía cạnh nào đó là được rồi. Cái góc nhìn của trẻ con nó khác, định nghĩa thiện ác cũng khác luôn. Lily không coi Pitch là ác, uất ức giùm cho Pitch vì Pitch thua.” Lily được nhắc tới trong bình luận này là dịch giả nhí 9 tuổi, người đã chuyển ngữ bộ ba cuốn Vệ thần của những tuổi thơ (Người cung trăng, Thần mộng mơ và Jack Frost).
Độc giả Tuan Hoang băn khoăn: “Tác giả xây dựng 1 thế giới các nhận vật thần tiên này. Liệu hiện tại chúng ta có thiếu các thế giới này không? Thế giới tác giả xây có gì đó đặc biệt hơn không?”
Dịch giả Lê Hải Anh, người dịch cuốn “Thỏ phục sinh & trứng chiến binh trong lòng đất” chia sẻ, “Em nghĩ đấy cũng là sự khác biệt giữa truyện thiếu nhi nước ngoài và các truyện trong nước. Kiểu không phải có nhân vật nào sinh ra đã ác hay sinh ra đã tốt. Ai cũng có câu chuyện riêng và trải qua những chuyện riêng. Black Pitch không phải tự dưng ác, ông ấy cũng từng là đại tướng quân lẫy lừng. Ông ấy cứu được nhiều người nhưng cũng có thứ ông ấy không cứu được, điều đó trở thành vết thương lòng. Điều này dần dần trở thành nỗi sợ lớn… Em nghĩ đó là vì sao ông ấy lãnh đạo những kẻ reo giắc nỗi sợ chứ không phải cái ác.”
Độc giả Tuan Hoang đồng tình: “Hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nhưng vấn đề có nằm ở Đông – Tây. Hay là nằm ở thời đại. Truyện cổ tích Tây giống hệt cổ tích ta mà.”
Phản hồi Tuan Hoang, dịch giả Lê Thúy Ái (người chuyển ngữ cuốn Sandman trong bộ truyện này mà Book Hunter sắp ra mắt) bình luận, “À cái này em xin ý kiến ạ. Truyện cổ tích vốn không dành cho trẻ em, cho nên khi đọc dù tây ta gì cũng cần phải chọn lọc đấy ạ.” Cũng theo chị bật mí thêm một chút nội dung cuốn Sandman sắp ra mắt này thì ở phần này “Pitch đáng thương nhiều hơn. Pitch và câu chuyện của Pitch đại diện cho những vấn đề khá “người lớn” đối với các bé. Nhưng tác giả diễn đạt nó theo cách dễ hiểu.” và “Điểm em nghĩ mọi người sẽ thích ở cuốn Sandman là nó nói rất nhiều đến mối quan hệ gia đình, giữa cha và con gái. Em có đi tìm hiểu một chút về tác giả sau khi đọc cuốn này, vì nó làm em có cảm giác là tác giả gửi gắm tâm tư của một người cha vào câu chuyện. Nó vẫn epic, nhưng trưởng thành hơn so với cuốn Thỏ Phục Sinh và Tiên Răng, kiểu như là Katherine gãy cái răng sữa cuối cùng ở tập Tiên Răng, sang đến tập này thì cô bé trở thành người lớn.”
Dịch giả Lê Hải Anh chia sẻ thêm, “Khi dịch cuốn Thỏ Phục sinh, ngay từ chương đầu, các bé trẻ đã nói câu “Tôi tin tưởng… Tôi tin tưởng…” khi các bé nghĩ đến việc Black Pitch quay trở lại. Em đã chú ý đến điều này. Ban đầu em nghĩ đây chỉ là câu nói trấn an thôi, nhưng qua các chương, từng nhân vật như ngay cả phù thủy Ombric cũng bị đặt vào tình huống sợ cái này cái kia. Ngay cả Thỏ Phục sinh có nỗi sợ về con người quên “trứng” (theo em là ẩn dụ của những điều tốt đẹp trên đời) và chỉ muốn sức mạnh của loài thỏ thui… Hoặc từ sách tranh Người cung trăng mất cha mẹ cũng vậy. Nhưng các nhân vật này không giống Pitch vì họ không để nỗi sợ lấn át, họ vẫn có niềm tin, một thứ sức mạnh có thể chữa lành họ và khiến họ hướng đến những điều tốt đẹp. Và từ đây em nhận thấy nỗi sợ có thể là nguồn cơn dẫn đến hủy diệt, vì sợ mất mát thêm, tổn thương thêm nên hủy diệt.”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, chị từng viết một bài báo dài về vấn đề mà anh Tuan Hoang đề cập đến cổ tích Đông – Tây và thời đại, có thể tóm tắt đơn giản ý chính về 3 thái độ với cái ác chuyển dịch qua thời đại như: “1/Phân biệt rõ ràng thiện – ác kiểu Trung cổ. Cái này mang tính định kiến vì ngày xưa họ coi những giá trị sống khác cộng đồng là Ác. Ví dụ như người lam lũ là thiện còn bọn phong kiến giàu có là ác, hay người thường là thiện còn phù thủy là ác. 2/Coi cái ác là những kẻ vì quyền lực cá nhân mà gây hại cho người khác. Cái này xuất hiện trong các truyện Epic thế kỷ 19-20, ví dụ như “Chúa Nhẫn” hay “Biên sử Narnia”. 3/Xu hướng đương đại: Ác hay Thiện là lựa chọn khi đối mặt với các khó khăn. Mà bộ Vệ Thần là điển hình. Gần đây các phim hoạt hình cũng khai thác nhiều khía cạnh này.”
Sau các chia sẻ của các dịch giả, độc giả Tuan Hoang bình luận: “Qua trao đổi này của mọi người, em có câu trả lời cho câu hỏi hồi nãy rằng: có cần mất công xây mới 1 thế giới các vị thần này không. Xây trên các hình tượng cũ thì cũng chỉ là sơn sửa, vôi ve, cùng lắm là cơi nới thêm chút đỉnh. Còn muốn “hiện đại” hẳn thì phải xây từ đầu.”
Dịch giả Lê Thúy Ái bình luận, “Bình thường truyện thiếu nhi sẽ diễn đạt là chiến tranh không tốt, chúng ta không nên chiến tranh với nhau. Nhưng William Joyce thì diễn đạt kiểu khác, ông ấy không đi sâu vào cuộc chiến đau thương, ông ấy khai thác vào người hùng – người hùng được gì và mất gì sau cuộc chiến.”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên diễn giải thêm: “Thực ra các hình mẫu nhân vật của truyện không phải xa lạ mà là các biểu tượng dân gian phương Tây mà trẻ con quen thuộc. Các tác giả epic hiện đại đều có xu hướng này, chỉ là họ chọn các hình mẫu và nền tảng văn hoá khác nhau thôi. Ví dụ như Tolkien chọn myth của Germain, C.S Lewis chọn myth của Hy Lạp và Kinh Thánh, còn các biểu tượng của Joyce có màu sắc pagan và phối trộn các niềm tin tâm linh khác nhau.
Ví dụ như Người Cung Trăng thì đại diện cho câu trong Phúc Âm “Ánh sáng trong bóng đêm”, ẩn dụ cho niềm hy vọng. Ngoài ra thì các tín ngưỡng pagan ở phương Tây đều coi mặt trăng là cội nguồn của phép thuật, mà phép thuật có thể nói là ẩn dụ cho những điều kỳ diệu. Hoặc Tiên Răng thì có hình ảnh của các fairy – một sinh vật có cánh trong văn hoá Celtic. Thực ra từ fairytale vốn là truyện kể liên quan đến thế giới ấy.
Sandman Thần Mộng Mơ cũng phát triển từ truyện cổ Grimm và Andersen. Có truyện thần ngủ ném cát vào người nào là người đó lăn ra ngủ. Không biết có ai nhớ không. Thực ra Joyce phát triển hành trình số phận của các nhân vật từ các hình mẫu ấy. Và gửi gắm vào đó triết lý về các phẩm hạnh của ông. Nên bộ sách này có nhiều cấp độ tiếp cận lắm. Đọc để giải trí hấp dẫn cũng được mà đọc đề chiêm nghiệm như sách triết học cũng rất okie. Có sao đâu, phóng tác cùng nó. Kiểu MiM vẫy chào Phi hành gia nhưng Thần Mộng Mơ đã xoá não phi hành gia vì lỡ tay ném cát vào mặt. Hoặc có thể chơi bài giống C.S Lewis, đó là chỉ trẻ thơ hoặc những ai có tâm hồn trẻ thơ nhìn thấy MiM, còn người lớn đầu óc nhạt nhẽo thì không thấy được.”
Độc giả Tuan Hoang chia sẻ, con gái của anh khi đọc về phần Người Cung Trăng thì bé có hỏi, vậy MiM có gặp chú cuội và chị hằng không. Đó cũng là một liên tưởng thú vị của trẻ thơ mà nếu người lớn để ý sẽ biết được mức độ cảm thụ và sự liên hệ của trẻ như thế nào.
Dịch giả Lê Thúy Ái bình luận, “Điều nữa em thấy thú vị ở bộ truyện là Kỷ Nguyên Vàng. Lên phim hoạt hình không có khai thác sâu vào giai đoạn này, nhưng trong truyện chữ và truyện tranh thì nó rất hoành tráng.”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên đồng tình: Đã Kỷ Nguyên Vàng lại còn lấy biểu tượng mặt trăng.
Và chị cũng gợi ý thêm: “Thực ra mỗi Vệ thần đại diện cho một nền văn hoá. Mọi người đoán xem mỗi vệ thần đại diện cho văn hoá gì?”
Sau những phỏng đoán của dịch giả Lê Thúy Ái: Nhìn qua trang phục thì Tiên Răng thì hơi hướm Ấn Độ? Anh Noel thì chắc là Slav. Nhà văn Hà Thủy Nguyên tiếp tục phân tích: Thỏ Phục Sinh mang văn hóa của thổ dân da đỏ, thế giới các Pooka toàn kiểu tượng đầu người ở Nam Mỹ, bộ 3 vệ thần đầu tiên liên đới đến Islam. Kỷ Nguyên Vàng và mặt trăng là 2 ý niệm liên quan đến Islam. Vua của Kỷ Nguyên Vàng thì là Sa Hoàng Mặt Trăng. Pitch thì rất Mỹ nhé, Đại tướng quân muốn cứu người nhưng bị hắc hoá. Kiểu nước Mỹ tham chiến thế chiến II với tinh thần cứu người nhưng sợ quá hoá rồ. Sử dụng bao thế lực đen tối, Toàn dùng trick của Hitler, Với điên rồ chế vũ khí, Gieo rắc nỗi sợ khắp nơi nữa. […] Trẻ con Indochina không có vệ thần cho mình.”
Các thành viên sôi nổi chia sẻ nhân vật yêu thích của mình trong bộ truyện. Dịch giả Lê Hải Anh thích nhân vật Thỏ Phục Sinh. Độc giả Linh Cắt và Nam Lê thích Jack Frost. Dịch giả Lê Thúy Ái thích nhân vật Thần Mộng Mơ. Độc giả Tuan Hoang thích Ánh Đêm, cũng chính là Jack Frost.
Điều thú vị là, nếu dịch giả của bộ sách là bé Lily 9 tuổi thích nhân vật Pitch (Vua Bóng Đêm) thì em bé 7 tuổi của anh Tuan Hoang lại thích MiM (Người Cung Trăng). Có thể thấy rằng, không chỉ người lớn, mà ở trong góc nhìn trẻ thơ cũng đã có một cách tiếp nhận khác nhau.
Dịch giả Lê Thúy Ái chia sẻ, “Sandman có nhiều phiên bản, nhưng hầu hết các tác giả thích chọn phiên bản hơi hắc ám, còn Andersen và Joyce chọn phiên bản tươi sáng.”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên phân tích thêm, “Phiên bản hắc ám là xây dựng từ thần thoại Hy Lạp, Hình mẫu từ Hipnos và mấy đứa con của Hipnos.Ví dụ như phim Sandman trên Netflix lấy hình mẫu từ Morpheus, con trai của Hipnos. Thực ra nó đến từ hai nhận thức về giấc ngủ và mơ. Kiểu hắc ám thì sẽ coi giấc mơ là phản ánh của hiện thực đen tối. Còn kiểu tươi sáng là kiểu coi giấc mơ như một lý tưởng mà con người cố đạt được. Nó đại diện cho 2 chủ nghĩa đối nghịch. Cái đó tương phản rõ trong phim hoạt hình đó. Pitch gieo rắc giấc mơ đen tối về điều tồi tệ, Bằng việc nuốt chửng Thần Mộng Mơ.”
Anh Tuan Hoang bình luận, “Khi ngủ là lúc ý thức tạm vắng mặt. Vậy cái khởi lên khi đó là thèm khát bản năng hay khát vọng cao cả thì tùy cách nhìn ha?” nhà văn Hà Thủy Nguyên phản hồi rằng, “Không hẳn là tùy cách nhìn, mà là tùy tâm niệm khao khát và điều hướng tới của đứa trẻ.”
Dịch giả Lê Thúy Ái chia sẻ, “Em hiểu trong tiểu thuyết thì Thần Mộng Mơ lắng nghe “wish” và đánh giá nó là tốt hay xấu, cậu ta sẽ sử dụng sức mạnh của mình để biến “wish” thành “dream” aka những giấc mơ đẹp, nó sẽ điều hướng cho người ngủ mơ. Kiểu cho họ thấy một viễn cảnh đẹp để tạo động lực, phấn đấu trong thực tế. Còn Pitch thì truyền nỗi sợ hãi vào giấc mơ để giam hãm linh hồn trong mộng cảnh đấy. Và sử dụng nỗi sợ trong mộng cảnh để nuôi ngược lại đám thuộc hạ. Cũng là trái ngược nhau nhưng nhấn mạnh vào cá nhân hơn, kiểu bạn muốn mơ đẹp hay mơ xấu hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn có khống chế được nỗi sợ hay không.”
Độc giả Lý Uyên bình luận: “Sao mà có mùi tu tập thế nhỉ.”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên dẫn giải thêm, “Nếu đọc kỹ thì mỗi Vệ Thần là 1 pháp tu, đại diện cho các phẩm hạnh khác nhau. Ví dụ như MiM – Người Cung Trăng khá gần với phép định và quán trong Thiền. Đối diện với bóng tối, không sợ hãi mà sử dụng những ký ức tốt đẹp & sự đánh thức các vệ thần cũng bằng cách truyền trao ánh sáng hơn là lời nói. Thỏ Phục Sinh là kiểu những người khắc kỷ, cái gì cũng thích nhưng luyện cách tiết chế bản thân. North kiểu vượt qua định mệnh và chuyển hoá nghiệp, xuất thân là tướng cướp và cướp bóc cùng toán cướp, nhưng buông đao thành ông già Noel, ở phần Tiên Răng có đoạn còn chuyển hoá cả ác tâm của đồng bọn cũ. Tiên Răng thì vượt qua đau khổ và mất mát bằng cách lưu giữ lại những ký ức đẹp đẽ và mang điều đó cho người khác, một kiểu chuyển hoá tổn thương. Thần Mộng Mơ thì hơi phức tạp, không lẽ nói Ngủ là pháp tu, mà đúng là như vậy, kiểu lựa chọn ý niệm tốt, và triệt bỏ các ác ý. Jack Frost thì kiểu tu qua phục vụ người khác và mang đến niềm vui cho người khác, chuẩn hình mẫu guardian nhất. Hành trình của Jack Frost hơi phức tạp, vì trải qua đau khổ, lãng quên, và lạc lõng, một kiểu loại bỏ cái tôi triệt để để vì người khác…”
Cuộc thảo luận say sưa, sôi nổi đến hơn 12 giờ đêm. Độc giả Lý Uyên bình luận, “Cuộc trò chuyện về các Vệ thần hôm nay đã lên đường đua xuyên ngày mới với cuốn “Cầm thư quán” xuyên đêm trung thu rồi ạ. Em giật mình thấy 0:11…”
Nhà văn Hà Thủy Nguyên cảm thán: tưởng đọc bộ này cho giải trí. Rồi hết nói chuyện luân lý, chính trị, văn hoá, tâm linh… May còn chưa khai thác khía cạnh phân tâm học.
Kỳ thực, mỗi tác phẩm đi vào kinh điển, dù tác phẩm đó dành cho độ tuổi nào đi nữa thì không thể phủ nhận các giá trị mà tác phẩm để lại. Các giá trị đó là tầng tầng lớp lớp sắp đặt cài cắm của tác giả với các trường liên tưởng khác nhau về văn hóa các vùng, tri thức chung của loài người. Với những tác phẩm như thế này, không chỉ đọc một lần, mà qua mỗi lần đọc khác nhau, người đọc sẽ lại thấy những điều thú vị mới mẻ.
Buổi trò chuyện kết thúc khi giờ đã điểm sang ngày mới được nửa tiếng đồng hồ. Và hướng tới số Read & Chat #7, nhân tuần lễ sôi nổi dành cho phụ nữ Việt Nam, dịch giả Lê Thúy Ái đề xuất trò chuyện về cuốn “Triết học cho con gái” – một cuốn sách hứa hẹn nhiều tầng ý nghĩa để giúp các cô gái hiểu mình hơn, và đặc biệt là dành cho bất cứ ai quan tâm nữ giới.
Người viết: Yến Ly
Tìm hiểu thêm:
Bạn đọc có thể theo dõi các chuỗi trò chuyện khác của Book Hunter thông qua các bài tường thuật tại đây.
Bộ sách “Những Vệ thần của tuổi thơ” thuộc Tủ sách Buồm Trăng, gồm 03 cuốn sách tranh và 05 cuốn tiểu thuyết, đó là:
- Combo 03 cuốn sách tranh Người Cung Trăng, Jack Frost, Thần Mộng Mơ
- Tiểu thuyết có tranh minh họa Thỏ Phục Sinh & Trứng chiến binh trong lòng đất
- Tiểu thuyết có tranh minh họa Toothiana – Nữ hoàng của binh đoàn Tiên Răng
- Tiểu thuyết có tranh minh họa Thần Mộng Mơ (sẽ ra mắt trong quý IV, năm 2022)
- Tiểu thuyết có tranh minh họa Nicholas St North (sẽ ra mắt trong quý IV, năm 2022)
- Tiểu thuyết có tranh minh họa Jack Frost (sẽ ra mắt trong quý IV, năm 2022)