Read &Chat #5: Cùng đọc và chia sẻ về “Đời nhẹ khôn kham”

Kết thúc buổi chia sẻ “Read & Chat #4”, thành viên Bùi Hồng Quân đã đề xuất cuốn sách cho buổi chia sẻ số 5 là “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera. Cuộc thảo luận “Cùng đọc và chia sẻ về Đời nhẹ khôn kham” do bạn Bùi Hồng Quân dẫn dắt, đã diễn ra trong nhóm chat “Book Hunter – Read & Chat” trên nền tảng chat nhóm của facebook, vào hồi 21h ngày 07/10/2022.

“Đời nhẹ khôn kham” là câu chuyện tình được đặt trong bối cảnh ở Praha những năm 60-70 xoay quanh bốn nhân vật, bốn số phận trêu đùa kiếp nhân sinh nhẹ bỗng mà khôn kham và tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc hành trình mang tên: Trở về vĩnh cửu. Tiểu thuyết đã mô tả đời sống của tầng lớp nghệ sỹ và trí thức của xã hội Czech đương thời, cùng với đó là gợi ra những vấn đề triết học căn cốt và sâu sắc.

Giống như những nhà văn khác, Milan Kundera cũng không ngoại lệ khi bên cạnh số đông fan (người hâm mộ) và yêu thích tác phẩm của ông thì vẫn có lượng anti-fan nhất định. Một vài thành viên trong nhóm chat bày tỏ rằng, trong số những tác phẩm của ông, ngoài cuốn “Đời nhẹ khôn kham” ra thì thật khó để họ thích những tác phẩm khác. Một vài thành viên khác thì thẳng thắn thừa nhận là họ không thích Milan Kundera cũng như văn chương của ông. Thật thú vị khi trong cùng một nhóm thảo luận mà đã có hai luồng ý kiến đối lập nhau về nhà văn và tác phẩm.

Mở đầu cuộc thảo luận, bạn Bùi Hồng Quân giới thiệu một thí nghiệm tưởng tượng (thought experiment) mà Kundera làm tiền đề cho tác phẩm, đó là Trở về vĩnh cửu (hay còn gọi là Vĩnh cửu luân hồi). Thí nghiệm này đề cập rằng, sẽ thế nào nếu vũ trụ của chúng ta lặp lại vô hạn, mọi hành động và trải nghiệm của chúng ta cũng sẽ lặp lại y hệt vô hạn lần? Và nếu nó đúng thì có nghĩa là hành động của chúng ta sẽ có sức “nặng”, đối lập với cái “nhẹ” trong đầu đề của tác phẩm. Với Hồng Quân thì, “nặng” thì gắn với bổn phận, trách nhiệm, quy luật, mỗi hành động đều quan trọng. Nhẹ thì nghĩa hoàn toàn tự do, hành động của ta không có trọng lượng, dù nó có đẹp đẽ cao siêu, thì nó cũng không có ý nghĩa gì cả, vũ trụ đơn giản là không quan tâm đến sự tồn tại của chúng ta.

Quân cũng chia sẻ, Kundera viết tác phẩm này để bàn về cái “nhẹ” của đời người, thông qua 4 nhân vật chính là Tereza, Tomas, Sabina và Franz.

Quân cũng trích dẫn một trích đoạn mà bản thân thích nhất như:

“Cô giống mẹ cô cả tính nết. Đôi lúc tôi có cảm tưởng cuộc đời cô chỉ là ỗi dài phần đời mẹ cô, giống như đường banh trái bi-da chỉ là cánh tay người chơi banh vươn dài.

Cuộc đời Tereza bắt đầu từ đâu và từ lúc nào?

Có lẽ nó bắt đầu từ khi ông ngoại cô, một thương gia sinh sống ở Praha, tán dương quá đáng về sắc đẹp cô con gái yêu quý của ông, tức là mẹ Tereza. Năm mẹ cô lên ba lên bốn gì đó, ông bảo mọi người rằng con gái ông đẹp như Thánh Mẫu trong tranh của Raphael. Cô gái bốn tuổi không bao giờ quên điều đó. Khi lớn lên đi học, cô không chịu lắng nghe lời giảng dạy của thầy cô trong lớp học mà cứ ngồi mơ mộng miên man về bức tranh nào của Raphael có hình Thánh Mẫu giống mình.

Rồi đến tuổi cập kê, tính chuyện dựng vợ gả chồng, bà mẹ Tereza có cả thảy chín người đàn ông theo đuổi. Họ quỳ dưới chân bà thành vòng tròn. Đứng giữa chín người đàn ông như nàng công chúa kiêu sa, bà không biết lựa chọn ai bây giờ: người thứ nhất điển trai nhất, người thứ hai khôn ngoan lanh lợi nhất, người thứ ba giàu có nhất, người thứ ta thể thao nhất, người thứ năm có gia đình sang cả đàng hoàng, người thứ sáu biết làm thơ, người thứ bảy đi đây đi đó rất nhiều, người thứ tám biết chơi vĩ cầm, người thứ chín tráng kiện nhất. Nhưng cả chín người quỳ mọp dưới chân bà như nhau, da đầu gối họ chai lì, dày cộm như nhau.

Lý do cuối cùng bà chọn người thứ chín chẳng phải vì gã là người tráng kiện nhất trong bọn mà chỉ vì gã cố tình tặng cho bà cái bào thai. Bà kêu khẽ vào tai gã “Hãy cẩn thận” trong lúc hai người ân ái, thế mà gã không chịu nghe lời bà. Bà mang thai và không tìm ra thầy thuốc nào chịu phá thai. Thế là Tereza ra đời. Bà con trong họ khắp nơi đổ về đứng bên nôi đứa bé sơ sinh nói chuyện con cái…”

Nhà văn Hà Thủy Nguyên đặt ra câu hỏi, “mọi người thấy sao khi giữa phần triết luận và tiểu thuyết trong tác phẩm này nó như thể không liên quan đến nhau?”

Bùi Hồng Quân đồng tình với điều này và cho rằng, nó không liên quan vì tác giả không có miêu tả về nội tâm nhân vật, ông bình về chính nhân vật của ông ấy thì đúng hơn. Nhân vật như là một bản thể hư cấu, để tác giả nêu tư tưởng triết của mình. “Kundera chiêm nghiệm về cái tính đồng dạng và tính độc nhất, cái đẹp và cái thô thiển của cơ thể phụ nữ thông qua hình ảnh mẹ của Tereza. Tereza đến với Tomas là để thoát khỏi mẹ. Ước ao Tomas cho cô cái độc nhất, nhưng chính Tomas cho cô lại quay về với mẹ.” Quân cũng cho rằng, nhẽ ra tác giả có thể cho nhân vật một số phận khác nhưng ông cố tình để như vậy, nhằm bình về khái niệm “vĩnh cửu luân hồi”, đó là điều bất khả, ví như một trích dẫn:

Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ rằng “Đời nhẹ khôn kham” không phải là cuốn sách mà chị thích. Nhưng những điều mà chị nhận thấy khi đọc tác phẩm, đó là cuộc đời của các nhân vật diễn ra vẫn một cách nhạt nhẽo và mọi triết lý để lý giải, mọi cân nhắc lựa chọn, dù thế nào nó cũng đi đến mức nhạt nhẽo ấy thôi. Nên các nhân vật không có tính cách, không có nội tâm. Cũng vì thế mà so với phần nói về các nhân vật thì chị lại thích phần triết luận hơn và chị đánh giá sự tương phản này chính là điều thú vị trong lối viết của tác giả.

Lý Uyên bình luận, có lẽ vì cảm giác không liên quan đấy khiến cho không ít độc giả không thích/ghét (anti-fan) Kundera chăng?

Nhắc tới Kundera, hẳn nhiên phải nhắc tới tính hậu hiện đại trong văn chương của ông, độc giả Lý Uyên bình luận.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên diễn giải thêm, “Mọi người hiểu bản chất của hậu hiện đại (HHD) đó là sự phân mảnh, không tập trung, không cấu trúc. Họ quan niệm rằng cuộc đời bản chất là phân mảnh, không đồng nhất. Sự đồng nhất thường có tính nhân tạo, mà các xu hướng nghệ thuật trước đây đi theo hướng này. Ví dụ như tiểu thuyết có nhân vật chính. Mà đời thực thì làm gì có nhân vật chính. Chỉ là ti tỉ các mẩu ghép lại với nhau. Nên các tác phẩm HHD có tính lắp ghép và không khẳng định. Như ở Đời nhẹ khôn kham thì thủ pháp HHD khá basic (đơn giản). MK là tác giả thời kỳ đầu của HHD. Nên cũng không thuần HHD lắm. Vẫn còn dấu vết của xu hướng “nhân tạo”, nên các nhân vật vẫn có mạch rõ ràng. Các triết luận vẫn còn tách bạch. Nhân vật vẫn là “trí thức”. Còn tầm HHD extreme (cao trào) sau này thì lanh tanh bành, mọi thứ phi cấu trúc. Thực ra quyển Đời nhẹ khôn kham nó hay vì nó ở bước chuyển ấy, Chứ nó sang hẳn HHD thì lại chán.”

Đối với Bùi Hồng Quân thì khái niệm hậu hiện đại trong văn chương và những điều mà nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ khá là mới mẻ. Quân cũng nhắc tới việc Kundera có nói thêm về tái trình hiện lịch sử dưới góc độ của tiểu thuyết ở phần phỏng vấn và đưa ra một trích đoạn trả lời phỏng vấn của Kundera khi được hỏi “Tiểu thuyết nói được gì đặc trưng về lịch sử? Hay nói các khác, đường lối khai thác lịch sử của ông như thế nào?”

Kundera đã trả lời rằng, với ông thì có vài ba nguyên tắc chính. Thứ nhất: Tất cả những sự biến lịch sử tôi khai thác hết sức dè sẻn. Với lịch sử tôi như người thiết kế sân khấu dựng bức phông trừu tượng từ đôi ba món vật không thể thiếu cho tiết kịch. Nguyên tắc thứ hai: Từ sự biến lịch sử, tôi chỉ ghi giữ lại những gì kết sinh cảnh huống hiện hữu cho các nhân vật của tôi. […] Nguyên tắc thứ ba: Công việc viết sử biên chép lịch sử của xã hội chứ không phải của con người. Đó là lý do vì sao những biến cố lịch sử đề cập trong tiểu thuyết tôi thường bị những nhà viết sử bỏ quên…

[…]

Nguyên tắc thứ tư mới là nguyên tắc đi xa nhất: Cảnh huống lịch sử không có nhưng phải tạo dựng một cảnh huống hiện sinh mới cho nhân vật trong tiểu thuyết, ngay chính Lịch sử cũng phải được hiểu và phân tích như một cảnh huống hiện hữu…”

Nhà văn Hà Thủy Nguyên bình luận: Lịch sử thời kỳ cổ đại đến tiền hiện đại là lịch sử của các nhân vật siêu việt, của những người cầm quyền. Lịch sử của hiện đại là ls của các xu hướng, phong trào, hệ tư tưởng. Còn Lịch sử của HHD là của các “cảnh huống” tức những sự kiện thường nhật mà con người là thân phận trong đó. Lịch sử  HHD không đau rên, không hào hùng, nó… nhạt. Và mọi thứ diễn ra, mọi xu hướng đến rồi đi. Đời thì vẫn thế. Từ tinh thần chủ đạo của HHD và hiện sinh đã là phản chiến. Vì kiểu… đời tôi thế thôi, chiến đấu làm gì, có nghĩa lý gì đâu.

Lý Uyên bình luận: “Có thể hình dung rằng, trước hậu hiện đại thì người ta sáng tác phân rõ chính tà. Nhưng cứ tác phẩm nào mà không phân rõ chính tà trắng đen nữa, thậm chí khá là nhá nhem nhập nhèm, vì ai cũng có tính tốt tính xấu, mọi thứ tương đối, vì cuộc đời là thế, thì người ta cũng dễ cho thành có yếu tố hậu hiện đại, không biết có dễ dãi quá không nhỉ chị Hà Thủy Nguyên?”

Nhà văn Hà Thủy Nguyên nhấn mạnh: Nhá nhem là hiện đại, còn Hậu hiện đại thì không có chính tà luôn để mà nhá nhem. Không chính tà, không đẹp xấu, chỉ có cái nọ cái kia khác nhau ghép lại diễn trình trước mắt. Và nghệ sĩ là người phản ánh sự diễn trình ấy để độc giả bước vào. Không cố điều hướng độc giả theo dòng tư tưởng nào cả.

Hồng Quân chia sẻ thêm, có một chữ trong tác phẩm hay được nhắc lại, ấy là Es muss sein, nghĩa là “Phải vậy thôi”, thú vị là ở nguồn gốc của nó:

 

Nhà văn Hà Thủy Nguyên bình luận, “cái không khí đời thường một cách “Phải vậy thôi” ấy nó thật là mệt. Khôn kham thật!” và “Phải vậy thôi” như một slogan của cuốn tiểu thuyết vậy!

Hồng Quân cũng chia sẻ thêm một đoạn trích mà với Quân, khi đọc tới đây đã có thể hình dung “đời nhẹ khôn kham” mà tác giả muốn nói tới là gì:

Khi diễn tả hoàn cảnh bi thiết trong đời sống, chúng ta thường hay vay mượn ẩn dụ ví von những gì nặng nề. Chúng ta nói đời sống bị những hệ lụy to lớn nhận chìm. Chúng ta hoặc gánh vác cái hệ lụy đó lên vai hoặc thất bại và ngạ quỵ, chúng ta vùng vẫy chống trả, có thể thắng nhưng cũng có thể thua. Còn Sabina – cái gì nhận chìm cô xuống? Không gì cả! Cô bỏ người đàn ông ra đi chỉ vì cô thích làm vậy. Người đàn ông có lên án cô không? Anh ta có tìm cách trả thù cô không? Không. Bi kịch của cô không phải là bi kịch về những điều nặng nề mà là bi kịch của những điều vô trọng lượng, những điều nhẹ như tơ. Rơi xuống đời cô không phải là hệ lụy mà là cái khinh phủ khôn kham của nhân sinh…”

Thông qua tác phẩm, Hồng Quân cũng nhắc lại rằng Kundera có nói về ẩn dụ là thứ nguy hiểm, khơi nguồn của tình yêu.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên đồng tình: khi “coi trọng”, tức khiến mọi thứ có màu sắc khác, thì cuộc đời có vẻ dễ sống, đáng sống hơn. Bi kịch thật sự là những kiểu phản ứng coi nhẹ. Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng cách dịch “metaphor” là “Ẩn dụ” có phần không đúng, mà “metaphor” ở đây nên hiểu là “expression”, khác với phép ẩn dụ trong thủ pháp văn chương [mà độc giả Việt Nam] vẫn thường biết. Kundera cũng chơi chữ khi dùng từ, ý chỉ kiểu nghệ thuật mà mang tính biểu tượng, có thể diễn giải, có thể kích thích tưởng tượng thì khiến cuộc đời có nhiều biến cố hơn.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên kết luận: Cuốn sách này đa chiều và nhiều metaphor dù tác giả cố không metaphor gì, vì thế mà độc giả vẫn thích nó.

Đời nhẹ khôn kham cũng như văn chương Milan Kundera nói chung, có nhiều người thích và rất hứng thú, quan tâm khi có cuộc trò chuyện nào nói về văn chương Kundera nhưng dường như quá khó để mọi người diễn đạt sự thích thú của bản thân thành lời, thành câu chữ. Giống như khi ta tiếp cận những tác phẩm, chỉ biết rằng ta thích tác phẩm đó, nhưng để nói rõ ra những điểm nào ta thích, thì quả thật không dễ.

Sau chuỗi đọc và chia sẻ 5 buổi của “Read & Chat”, các cuốn sách được thảo luận đều có vẻ khá “nặng đô”, vì thế mà các thành viên nhóm chat đã cùng đề xuất tới một câu chuyện nhẹ nhàng hơn để chia sẻ cho buổi Read & Chat #6, đó là bộ truyện Những Vệ thần của tuổi thơ của William Joyce – một bộ sách dành riêng cho trẻ em và cho những ai đã từng là trẻ em vẫn (muốn) giữ được tâm hồn trong trẻo về một thế giới đầy tưởng tượng diệu kỳ.

Mời bạn cùng tham gia Read & Chat #6 để cùng chia sẻ về câu chuyện cổ tích thời hiện đại này!

Người viết: Yến Ly

Tìm hiểu thêm:

  • Bài phỏng vấn “Milan Kundera – Tiếng cười và sự lãng quên của một quốc gia” của Philip Roth do nhà văn Hà Thủy Nguyên dịch tại đây. 
  • Đọc thêm các bài tường thuật khác về chuỗi thảo luận “Read & Chat” tại đây.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *