0
Read & Chat #4: Cùng đọc “Zorba – Con người hoan lạc”
Sau buổi “Read & Chat #3” cùng những chia sẻ xung quanh cuốn sách “Siddhartha” của Hermann Hesse, các thành viên nhóm chat đã chọn cuốn “Zorba – Con người hoan lạc”của Nikos Kazantzaki cho buổi trò chuyện số 4. Cuộc thảo luận Cùng đọc “Zorba – Con người hoan lạc” do nhà văn Hà Thủy Nguyên dẫn dắt với chia sẻ của các thành viên nhóm, đã diễn ra vào 21h ngày 30/9/2022.
“Zorba – Con người hoan lạc” là câu chuyện khái quát triết lý sống của riêng mình mà Nikos Kazantzaki viết dựa trên cuộc đời sống động của ông. Alexis Zorba, một người làm công bình thường, đã theo người kể chuyện đến khai thác than non trên đảo Crete (Hy Lạp). Tác phẩm xoay quanh cuộc sống tại đó, nơi hai người trở thành bạn thiết của nhau, và Zorba đã là nguồn cảm hứng của người kể chuyện. Tuy vậy, Zorba và người kể chuyện là một cặp tương phản thực sự. Và tất cả tác phẩm, thú vị thay, dùng chính cuộc đối thoại giữa họ để khắc họa nên một con người hoan lạc, với một thế giới đầy đủ tư tưởng, tôn giáo, triết lý, đam mê, tình yêu và tình dục.
Là người đề xuất đọc “Zorba – Con người hoan lạc” cho số Read & Chat #4, nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ lý do đề xuất của chị là bởi trong cuộc Read & Chat #3 nói về cuốn Siddhartha, dường như mọi người không thỏa mãn với chi tiết nam chính sau một thời gian dài đeo đuổi tu tập, bỗng nhận ra chân lý nằm ngay trong những tạo vật hiện hữu như là vẻ đẹp của viên đá… Và lúc đó, chị đã đùa rằng, cuốn “Zorba – Con người hoan lạc sẽ đánh bại cuốn Siddhartha”, nhưng thực ra đọc Zorba là một trải nghiệm khác.
Cũng theo nhà văn Hà Thủy Nguyên, từng có một cách khác dịch tên sách là “Zorba – Tay chơi Hy Lạp” và chị thích tên này hơn, thấy đúng chất hơn.
Nói về tên sách, độc giả Tran Tuan Anh cho rằng, từ “tay chơi” trong tiếng Việt có hàm nghĩa hơi khác, mang nghĩa hơi tầm thường nên anh vẫn thích cách dịch “Con người hoan lạc” hơn. Tuy nhiên, nhà văn Hà Thủy Nguyên phản biện rằng, Tự bản thân mình thấy không có gì tầm thường cả. Và các thú vui của Zorba cũng rất tầm thường, lão thích gì làm nấy, thích ăn thịt là ăn, thích tán gái thì tán tới khi thích bỏ thì bỏ và cả hứng lên là nhảy múa, chính Zorba cũng không tìm kiếm bất cứ cái gì thiêng liêng hết. Và Zorba xuất thân là một thợ mỏ, cả đời lão không đọc sách nào ngoài quyển “Những cuộc phiêu lưu của Sinbad”. Toàn bộ câu chuyện trong cuốn sách là cuộc đối thoại của hai nhân vật đối nghịch.
Tran Tuan Anh chia sẻ, trong truyện có chi tiết Zorba đến xin học đàn, kêu không có tiền mà chỉ thực sự muốn học abc, ở Việt Nam chưa thấy có dạng thầy kiểu đó.
Bạn đọc thân mến, bạn có đồng ý với anh Tran Tuan Anh không? Khi bạn thực tâm muốn học một thứ gì đó chỉ vì muốn học nhưng lại không có tiền hoặc không đủ tiền, liệu có cơ hội nào dành cho bạn? Liệu ở Việt Nam đã từng có hay có nơi nào tạo điều kiện học tập như thế hay chưa?
Không cần nghĩ nhiều chúng ta đều nhận thấy từ cổ chí kim, tình huống này không ít và cho đến bây giờ cũng thế. Trong lịch sử không ít người học chữ, học nghề chỉ vì muốn học rồi vì hoàn cảnh khó khăn và tưởng chừng không đạt ước mơ nhưng cuối cùng thì sao, họ đều trở nên thành danh. Bạn có thể tự kể ra một vài cái tên được không?
Còn hiện nay, tại Book Hunter, vẫn có những chính sách tương tự. Book Hunter đã chia sẻ file sách dạng ebook miễn phí cho cộng đồng người đọc trong đợt giãn cách vì dịch Covid-19 năm 2021 và Book Hunter vẫn nhận hướng dẫn những học viên học chỉ vì thực sự muốn học kể cả khi họ không đủ chi phí.
Quay lại với cuốn sách, nhà văn Hà Thủy Nguyên tiếp tục, Zorba – Tay chơi – Trần tục với Tôi – Học giả – Hướng thượng => cuộc gặp gỡ này bắt đầu một sự va chạm của hai thế giới quan hoàn toàn khác biệt, có lẽ không cần phải phân tích gì nhiều về sự va chạm này, bởi vì nó rất rõ ràng trong toàn bộ cuốn sách rồi. Cuốn sách này không có những tình huống gay cấn, mà nó là một chuỗi đối thoại về triết học. Một mặt là chủ nghĩa lý tưởng, một mặt còn lại là thế tục.
Nói về Zorba, nhà văn Hà Thủy Nguyên nhấn mạnh, cái chơi của lão không phải là thú vui giải trí. Ngay từ lần đầu gặp nhân vật Tôi, lão đã bày tỏ muốn học đàn đơn giản vì thích và phải theo đuổi bằng được thôi. Thú vị là khi nhân vật Tôi hỏi lão rằng có phải lão chơi để mua vui sau những bận bịu cuộc đời hay không thì bị lão chửi té tát. Bởi vì với lão, chơi đàn là phải toàn tâm toàn ý, nếu chơi đàn mà còn nghĩ tới vợ con, đói no… thì làm sao đàn hay được nữa.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên đặt ra câu hỏi, mọi người nghĩ sao về nhận định của nhân vật Tôi khi cho rằng nếu Zorba sống ở thời kỳ mà con người sống hồn nhiên hơn thì hẳn lão sẽ là một tù trưởng mạnh mẽ hoặc là một nhà thơ hát rong, chứ không phải là một tay thợ mỏ như thế này.
Lý Uyên bình luận, khi những tính cách đó, lối sống đó đã là bản chất rồi thì dù Zorba có là ai đi chăng nữa, sống ở thời nào đi nữa thì vẫn không bị ảnh hưởng hay thay đổi gì.
Liệu có ai dám chơi một cuộc chơi kiểu Zorba, ngày thành công cũng là ngày hết tiền?
Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng, Zorba là biểu tượng của hành động, và hành động thì thuận theo sự thúc đẩy của ham muốn, ít khi tuân theo lý trí.
Độc giả Tran Tuan Anh bình luận, nghe tới đây thì câu chuyện đã có nhiều mùi Thiền. Anh Lê Duy Nam đồng ý, Vui vẻ này là vui với mọi thứ, là vui thật, chứ không phải vui vẻ theo kiểu chỉ nói ngoài miệng rằng “hoan hỉ hoan hỉ” (mà thực tâm chưa chắc đã vui).
Quay về nhân vật Tôi, nhà văn Hà Thủy Nguyên tiếp tục, Tôi vừa say đắm Zorba trần tục, nhưng đêm vẫn trằn trọc mơ tưởng về đời sống của Đức Phật, dù vậy vẫn không dám sống theo.
Độc giả Lê Duy Nam thắc mắc, tại sao nhân vật Tôi lại đắm mình vào Đức Phật chứ không phải là Jesus hay là một thần tượng nào khác tương tự? Bạn đọc thân mến, bạn nghĩ sao về điều này?
Với nhà văn Hà Thủy Nguyên, lý do khiến Tôi đắm mình vào Đức Phật chứ không phải là ai khác chính là bởi… tác giả Nikos Kazantzakis, ông là một người đeo đuổi tự do và so với Thiên chúa giáo thì các tôn giáo Á Đông hướng đến tự do nhiều hơn.
Độc giả Đặng Xuân Lương cũng chia sẻ, khi đọc “Vườn đá tảng” của Nikos Kazantzakis, có thể nhận ra tác giả hâm mộ văn hóa Á Đông nên việc lựa chọn hình tượng Đức Phật trong câu chuyện này là điều dễ hiểu.
Bàn về nhân vật Tôi, nhà văn Hà Thủy Nguyên nói thêm, Tôi từ sớm đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời trong trang sách mà không tìm được cái gì. Nhưng anh ta đại diện cho hướng đến điều thiêng và hướng thượng. Khi đặt cạnh Zorba thì khá mờ nhạt. Và mọi người sẽ dừng ở Zorba, lấy Zorba làm tâm điểm. Thực ra, Tôi đã cho Zorba một đời sống khác với lối sống thiên về hành động vốn có của ông ta thời trẻ. Ông ta bắt đầu đặt câu hỏi về những vẫn đề siêu hình như tại sao chúng ta sinh ra, sinh ra để làm gì, và chết sẽ đi về đâu. Thiếu khía cạnh sống ấy, Zorba chỉ là một gã lang thang không hơn không kém. Nhưng Zorba, khi ở bên cạnh Tôi thì tình cờ lại trở thành một người bảo vệ, người dẫn đường vào thế giới trần tục cho Tôi…
Nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng nhấn mạnh, có một điểm đáng chú ý là cuối truyện, suốt một đời ăn chơi của Zorba thì tới phút cuối đời lão chỉ nhớ tới nhân vật Tôi. Đúng như lão nói, về già mới sống kiểu thánh được, việc nhớ về Tôi của Zorba thực ra là sự hướng về khía cạnh Thiêng khi mà phần trần tục rồi cũng đến ngày tiêu biến. Nhắc tới đây, không ít người liên hệ tới Osho.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng bày tỏ quan điểm, nếu gọi Zorba là đại diện cho chủ nghĩa hoan lạc là không đầy đủ. Vì tính hành động của Zorba mạnh hơn hoan lạc. Lão cũng không hướng đến cái vui và không đắm đuối trong khoái lạc nhất thời. Lão chỉ đơn giản là hành động theo thứ thúc đẩy lão hành động mà thôi. Khi hành động diễn ra, thì lý trí là nhân vật Tôi không ngăn cản mà chỉ quan sát và ghi nhận. Đó là một quá trình rất thú vị. Tính Thiền không nằm ở Tôi, không nằm ở Zorba mà nằm trong tương tác của hai người đó. Bao gồm 2 khía cạnh: Thực hiện hành động và Quan sát hành động.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, Alexis Zorba là nhân vật được xây dựng dựa trên một người thật, đó là George Zorbas (1865 – 1941), một người thợ mỏ Hy Lạp. Và rằng không rõ ông George Zorbas này giống Alexis Zorba trong truyện đến cỡ nào nhưng thời điểm ông G.Zorbas gặp N.K thì Zorbas đã là một tu sĩ rồi.
Để khép lại cuộc trò chuyện, nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ một trích đoạn mà chị thích nhất trong tác phẩm này, vì đoạn trích này phần nào đó mô tả đúng tâm trạng của chị mỗi khi chị sáng tác:
Tôi gấp sách rồi lại mở và cuối cùng ném xuống. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cả tập thơ này như thiếu máu, vô vị hoàn toàn không có chất người. Những chữ xanh xao nhợt nhạt, rỗng tuếch trong một khoảng chân không.
Một thứ nước cất trong veo không có chút vi khuẩn, nhưng cũng chẳng có chất dinh dưỡng nào. Không có sự sống.
Trong những tôn giáo đã mất đi tia lửa sáng tạo, các thánh thần rút cục trở nên chẳng hơn gì những mô-típ thơ hoặc trang trí để điểm tô cho sự cô đơn của con người và cho những bức tường. Một cái gì tương tự đã xảy đến với loại thơ này. Những hoài bão cháy bỏng của con tim, mang nặng tình đất và hạt giống, đã trở thành một trò chơi trí tuệ hoàn hảo, một kiến trúc thông minh, lâng lâng và rắm rối. Tôi lại giở cuốn sách và lại đọc lần nữa. Tại sao những bài thơ này đã chinh phục tôi trong ngần ấy năm?
Thơ thuần túy! Cuộc sống đã biến thành một trò chơi trong suốt, sáng ngời, thậm chí không vẩn một giọt máu.
Tố chất người vốn thô lỗ, cục mịch, vẩn đục – nó được tạo nên bởi tình yêu, nhục dục và một tiếng kêu khốn khổ. Hãy để nó thăng hoa thành một ý tưởng trừu tượng và trong lò lửa của tâm linh, qua những quá trình khác nhau của thuật giả kim, hãy để cho nó loãng đi và bốc thành hơi .
Tất cả những cái đó, trước kia từng mê hoặc tôi, sáng nay tỏ ra chỉ là trò nhào lộn trí tuệ và ngón bịp đã tinh chế mà thôi! Một nền văn minh, đến lúc tàn lụi, bao giờ cũng thế! Và nỗi khổ não của con người thường kết thúc như thế – bằng những ngón ảo thuật bậc thầy: thơ thuần túy, âm nhạc thuần túy, tư tưởng thuần túy. Con người cuối cùng – kẻ đã tự giải thoát khỏi mọi tín ngưỡng, mọi ảo tưởng và không còn chờ đợi hoặc sợ hãi gì – thấy cái tố chất được dùng để lặn ra mình bị quy giản thành tinh thần và cái tinh thần đó chẳng còn đất để cắm rễ và hút nhựa.
Con người cuối cùng đã tự trút rỗng mình: chẳng còn mầm hạt, chẳng còn phân bã, chẳng còn máu. Sau khi biến mọi thứ thành ngôn từ, mọi cụm từ thành trò tung hứng âm nhạc, con người cuối cùng còn đi xa hơn nữa: ngồi trên tột đỉnh cô đơn, hắn phân tích âm nhạc đó thành những phương trình toán học câm lặng.
Tôi chợt giật mình. “Đức Phật chính là con người cuối cùng đó!” tôi kêu lên. Đó là ý nghĩa bí ẩn và ghê gớm của Người. Đức Phật là cái linh hồn “thuần túy” đã tự trút rỗng mình. Bên trong Đức Phật là trống rỗng, Người chính là Trống Rỗng. Hãy trút rỗng thể xác, hãy trút rỗng tinh thần, hãy trút rỗng con tim!” Người kêu gọi: Người đặt chân tới đâu, ở đó nước ngừng trôi, cỏ không mọc nữa, trẻ con thôi không ra đời.
Mình phải huy động ngôn từ và khả năng chiêu hồn của chúng, tôi nghĩ thầm, cần viện đến nhưng tiết tấu yêu thuật; bao vây Đức Phật, yểm bùa Người để trục Người ra khỏi lòng mình mới được! Mình phải quăng tấm lưới hình ảnh để bắt Người và tự giải thoát!
Trên thực tế, viết Đức Phật tức là chấm dứt làm bài tập văn chương. Đó là cuộc vật lộn sinh tử chống lại một sức mạnh hủy diệt to lớn rình rập trong tôi, một cuộc đấu tay đôi với một Khước Từ lớn đang làm hao mòn tim tôi và sự cứu rỗi linh hồn tôi tùy thuộc vào cuộc đấu này.
Một cách sôi nổi và quả quyết, tôi vớ lấy tập bản thảo. Tôi đã phát hiện ra mục tiêu của mình, giờ đây tôi biết phải đánh vào đâu! Đức Phật là con người cuối cùng.
Chúng ta mới ở bước khởi đầu: chúng ta chưa ăn uống, cũng chưa yêu thương cho đủ mức; chúng ta chưa sống. Ông già yếu ớt hết hơi ấy đã đến với chúng ta quá sớm.
Chúng ta phải trục xuất ông ta càng mau càng tốt!
Tôi tự nhủ như vậy và tôi bắt đầu viết. Mà không, đây không phải là viết. Đấy là một cuộc chiến thực sự, một cuộc săn đuổi không thương xót, một cuộc vây hãm, một bùa chú để trục con quái vật ra khói nơi nó ẩn náu.
Thực tế, nghệ thuật là một cách niệm thần chú diệu kì.
***
Lý Uyên bình luận, “Chà, em thấy chuỗi đọc của nhóm mình rất là liên quan qua các cuốn sách, về một chuỗi chủ đề nối nhau đấy ạ: Cầm Thư Quán -> Nam Hoa Kinh -> Siddhartha -> Zorba – Con người hoan lạc. Và nếu so sánh “Siddhartha” với “Zorba – Con người hoan lạc” thì nhịp điệu của “Siddhartha” dễ gây buồn ngủ hơn và “Zorba…” đọc thỏa mãn hơn. Hi vọng xong “tour” này, em biết cách ăn chơi, hoan lạc hơn.”
Độc giả Bùi Hồng Quân chia sẻ rằng, dù cuộc trò chuyện này đang chia sẻ về “Zorba – Con người hoan lạc” nhưng Quân lại đang tự liên hệ tới cuốn “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera. Điều gì khiến Quân liên hệ như thế? Cuối cùng, Quân đã đề xuất buổi trò chuyện tiếp theo sẽ chia sẻ về “Đời nhẹ khôn kham”.
Theo “truyền thống” của nhóm chat, cuốn sách được đề xuất cho buổi đọc tiếp theo sẽ được chính người đề xuất dẫn dắt cuộc trò chuyện. Mời bạn cùng tham gia chia sẻ về “Đời nhẹ khôn kham” trong buổi Read & Chat #5 tại nhóm chat “Book Hunter – Read & Chat” nhé!
Người viết: Yến Ly
Tìm hiểu thêm:
Bạn có thể đọc thêm bài viết “Zorba Phật” – Con người mới, tôn giáo mới của nhà văn Hà Thủy Nguyên tại đây.