Read & Chat #2: Từng cảnh giới Tiêu Dao trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử

Bạn đọc có thể nghe thêm buổi talk về Nam Hoa Kinh của nhà văn Hà Thủy Nguyên tổ chức online (2017) tại đây.

Từ buổi “Read & Chat #1” và những chia sẻ về chất tiêu dao, yêu tự do trong “Cầm Thư Quán” đã gợi ý cảm hứng chọn đầu sách cho buổi “Read & Chat #2” là chia sẻ về “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử. Cuộc thảo luận “Từng cảnh giới Tiêu Dao trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử” được nhà văn Hà Thủy Nguyên dẫn dắt, cùng những chia sẻ của các độc giả yêu thích và quan tâm cuốn sách này, đã diễn ra vào 21h ngày 16/9/2022.

          “Nam Hoa Kinh” – “cảm” có thể khác nhưng “chất” thì vẫn nguyên

          “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử (hay còn gọi là Trang Chu, sống thời Chiến Quốc) là 1 cuốn sách tư tưởng kinh điển của phái Đạo giáo. Cuốn sách là tập hợp các giai thoại, ngụ ngôn đầy triết lý nhân sinh, cách nhìn nhận và mối quan hệ giữa con người với vạn vật/tự nhiên, đề cao sự vô vi, hướng con người tới cảnh giới tiêu diêu tự tại. Đã có nhiều bản dịch tiếng Việt được truyền tay nhau nhưng có thể kể đến các bản dịch tiêu biểu của các dịch giả như: Bản dịch của Nhượng Tống, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê.

          Dẫn dắt cuộc trò chuyện, nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ: “Trong một buổi ngắn ngủi mà bàn về toàn bộ Nam Hoa Kinh thì e sẽ rất khó, vì bản phổ biến hiện nay có tất cả 32 chương. Tuy nhiên, các học giả sau khi nghiên cứu và phân tích thì nhận thấy rằng chỉ có phần Nội Thiên là có thể chắc chắn do Trang Tử viết, còn các phần khác thì lẫn lộn. Do đó ở đây, riêng phần của mình, mình sẽ đề cập đến nội dung ở Nội Thiên thôi. Còn ai hứng thú phần nào ở Ngoại Thiên và Tạp Thiên thì copy hoặc chụp ảnh vào đây, và chia sẻ kiến giải cá nhân nhé.” Nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng cho biết, dù “rất nhiều lần đọc đi đọc lại Trang Tử, nay mới nhận ra một ý mà ông luận rất hay, đó là mọi vật biện biệt, nên mới sinh ra “ái” để hợp vạn vật.” Và chị đã dẫn dắt cuộc thảo luận về “Nam Hoa Kinh” bằng bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Đọc xong “Nam Hoa Kinh”, bạn tự đúc rút ra được điều gì?

          Giống như bất kỳ pho sách với lượng tri thức khổng lồ đầy triết lý nào khác, “Nam Hoa Kinh” ở mỗi bản dịch hay mỗi người đọc đều có một cách cảm nhận và ấn tượng khác nhau. Tuy nhiên, dù bản dịch của ai hay là cách cảm nhận được diễn đạt thế nào, thì cái chất tư tưởng Trang Tử vẫn vẹn nguyên không đổi, đó là điều thú vị ở những cuốn sách mang giá trị xuyên thời gian như thế này.

          Độc giả Đặng Xuân Lương chia sẻ, đây là một trong những cuốn sách yêu thích của anh và nếu nói rằng điều mà anh rút ra nhờ cuốn sách này đó là anh cảm giác “thảnh thơi” hơn cũng như sống đời thảnh thơi hơn.

          Với Lý Uyên, điều đầu tiên mà bạn biết về “Nam Hoa Kinh” là hình ảnh chim bằng trong một trích đoạn tác phẩm văn học từ thời phổ thông. Hình ảnh đó được chú thích giải nghĩa rằng, chim bằng khi bay từ phương Bắc về Nam, thường mượn gió Tây để theo đà mà xuôi về phương Nam dễ hơn, nhân tiện mà tận hưởng cảnh đẹp trời Tây, không vội, không gấp gáp, xem chừng rất thuận theo tự nhiên, biết nương nhờ ngoại cảnh và tận hưởng ngoại cảnh, dù ngoại cảnh đó là khó khăn hay thử thách. Từ đó, độc giả này tìm kiếm thêm mới biết đó là điển cố lấy từ “Nam Hoa Kinh”. Sự ung dung và sảng khoái, tâm thế lạc quan tận hưởng thực tại dù đứng trước khó khăn thử thách cũng là một cách để độc giả này vận dụng vào cuộc sống. Cảm thấy sự tiêu dao chính là ở đó.

          Tôn Nữ Phương Linh chia sẻ, “Em thì nghĩ mỗi vật đều có tính chất riêng, người ta nên tôn trọng cái riêng đó. Như chim bằng có cái tiêu sái của chim bằng, nhưng chim cưu cũng có cái vui thú của chim cưu.”

          Dừng một phút, bạn đọc thử ngẫm xem, đối với bạn, tiêu dao là gì? Hẳn nhiên, mỗi người đều có một cách diễn đạt và nhận định riêng về tiêu dao, bởi mỗi người có một giới hạn tiêu chuẩn khác nhau, cũng như những trải nghiệm đời sống khác nhau.

          Với Phương Linh, “Tiêu dao là ở chỗ vui với cái của mình, cái mình có.” Còn với bạn Ai Le, “Cái gì đem lại cho mình thoải mái thì cái đấy là tiêu dao ???? Em nghĩ thế. Chim cưu cố làm chim bằng cũng mệt.”

          Độc giả Tuan Hoang cho rằng, “bản chất của tiêu dao là tự do. Tự do của cá nhân thì phụ thuộc vào đặc tính riêng của từng cá nhân.”

          Có một đoạn trích mà cùng lúc nhiều người nghĩ đến và đã chụp lại trang sách để chia sẻ đó là: “Có người tài trí để làm một chức quan, có người hạnh làm gương được cho một làng, có người đức đáng làm vua mà được cả nước phục, nhưng dù thuộc hạng nào thì cũng đều tự đắc như con chim cút kia vậy.”

          Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, “Trong chương Tiêu Dao du, Trang Tử gợi mở cho chúng ta hai cảnh giới khác nhau: cao – thấp, to – nhỏ. Và đưa ra một loạt tương phản. Thoạt tiên, ta rất dễ có cảm tưởng rằng chim bằng ung dung tự tại hơn chim cưu. Nhưng Trang Tử có đoạn luận thế này: Vả lại, nước không sâu thì không sức chở thuyền lớn. Đổ một chung nước nhỏ vô một cái hủng nhỏ trong nhà, lấy một cọng cỏ thả lên làm thuyền, thì thuyền tự nổi; nếu lại lấy cái chung ấy làm thuyền mà thả lên, thì thuyền phải trịt. Là tại sao? Tại nước không sâu mà thuyền thì lớn. Cũng như lớp gió không dầy thì không đủ sức chở nổi cánh lớn của chim Bằng. Bởi vậy, chim Bằng khi bay lên chín muôn dặm cao là cỡi lên lớp gió ở dưới nó. Chừng ấy, lưng vác trời xanh, không gì ngăn trở, nó bay thẳng qua Nam.” (bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Thế nên, để bay cao như chim Bằng cũng không dễ chút nào.

          Với Tuan Hoang, “chim cưu cũng biết “tri túc” dương với “tính” của nó.”

          Nhóm chat sôi nổi đồng tình rằng, dù là chim bằng hay chim cưu, đều có thú vui riêng, không phải cứ chim bằng là sang còn chim cưu là hèn. Điều quan trọng nhất để có thể tiêu dao như đạo của Trang Chu, đó là tự bản thân biết mình là chim bằng hay chim cưu, bởi dù là cưu mà cố sức để làm bằng thì sẽ đuối sớm, còn nếu là bằng mà sống cuộc đời như cưu thì cũng không thỏa mà rơi vào phẫn chí.

          Làm sao để biết “thế nào là mình”? Bạn là ai, điều gì làm bạn vui hay khó chịu, ưu nhược điểm của bạn là gì, giới hạn của bạn là ở đâu, bạn cần gì, bạn muốn gì, bạn phải làm gì, bạn nên làm gì… Có bao giờ bạn tự hỏi và tự trả lời mình những điều tương tự?

          Đạo vốn khách quan và tự nhiên như vốn có, không phụ thuộc định danh

          Bước sang phần Tề Vật Luận, nhà văn Hà Thủy Nguyên dẫn dắt bằng đoạn trích mở đầu phần này, đó là cuộc đối thoại của Tử Kỳ (Tử Cơ, trong bản dịch Nhượng Tống) với Tử Du về tiếng sáo: Nam Quách Tử Kỳ ngồi dựa ghế, ngửa mặt hà hơi, bơ phờ như người mất hồn. Nhan Thành Tử Du đứng hầu trước mặt, thấy vậy hỏi: “Sao mà hình hài có thể khiến được như cây khô, còn lòng thì có thể khiến được như tro lạnh? Nay người ngồi trên ghế có còn phải là người ngồi trên ghế trước đây nữa không?”

          […]  “Hơi thở của đại khối, gọi là gió. Nó không nổi lên thì thôi. Nó mà nổi lên thì muôn lỗ hổng gào thét lên, riêng ngươi chẳng nghe nó ào ào đó hay sao? Mấy chỗ sâu hõm của núi rừng, những bọng của cây to trăm vòng, như mũi, như miệng, như tai, như xà, như vành, như cối, như ao sâu, như vũng cạn… khi thì rập nhau la lối, nạt nộ, gầm thét, khi lại bỏ giọng rù rì, nỉ non, than thở. Tiếng trước xướng lên, tiếng sau họa lại. gió hiu hiu thì là tiểu hòa, gió vụt vụt thì là đại hòa. Đến khi gió lặng, thì các khiếu đều êm. Riêng ngươi không thấy cành lá còn rung động đó hay sao?”

          Độc giả Tuan Hoang cho rằng, “đoạn này là mọi người mải tranh luận về “hình ảnh của thế giới” được mang đến trong tâm trí họ mà quên rằng cái thế giới tự thân nó nằm ngoài kia.”

          Tề Vật Luận không dễ hình dung như phần Tiêu Dao Du, nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, “Đoạn này khá phức tạp với nhiều sắc thái, thôi thì mình đành dùng lối biện biệt để lý giải chút. Ở đây, hai nhân vật luận với nhau về “lại”, tiếng sáo. Cây sáo nó giống với vạn vật, có phần vật lý hữu hình, nhưng thứ tạo ra âm nhạc là tiếng gió luồn qua các lỗ trên cây sáo. Đó là Nhân Lại. Cây sáo do con người tạo ra mang tính mô phỏng tự nhiên. Vạn vật hữu hình cũng giống như cây sáo. Âm thanh của tự nhiên vang vọng khắp chốn do gió luồn qua các lỗ hốc, hõm… mà tạo nên. Đó chính là Địa Lại. Thiên Lại là ẩn dụ cho Đại Đạo, bao trùm tất thảy, kể cả lúc vang lên cũng như ngưng bặt, bao trùm cả động và tĩnh, cả hữu hình và vô hình.”

          Phương Linh cho rằng, “tiếng sáo ấy là ẩn dụ của Đạo. Đạo là vô hình, là cái nguyên sơ. Tự nó vẫn tồn tại giữa vũ trụ, nhưng tuỳ từng người “dụng” mà nó biến đổi theo. Và vì thế nó không còn là cái nguyên sơ ban đầu.”

          Độc giả Nguyễn Hải Lý bình luận, “Đạo này phải chăng là quy luật bất biến của tạo hoá? Thịnh suy bĩ thái, sinh lão bệnh tử… là quy luật bất biến từ ngàn đời nay. Em nghĩ đạo thì không thể biến đổi đc.”

          Đọc hiểu đoạn này, nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, “mình có chút phân biệt để tránh nhầm lẫn, đó là vô hình và siêu hình. Vô hình là một dạng không xác định được thể vật lý, nó là một khía cạnh khác của hữu hình. Còn Đạo, theo mình nó là thứ bao trùm lên tất cả, có thể gọi là dạng Siêu hình đi, chứa đựng cả vô hình và hữu hình. Nếu ta cho rằng Đạo chỉ ở thái cực vô hình, thì ta lại phủ định sự tồn tại của Đạo ở những thứ hữu hình mất rồi. Đoạn bàn về Thiên Lại, Trang Tử cũng không hề khẳng định rằng Đạo là chỉ ở thái cực vô hình. Ngay trong đoạn bàn về Thiên Lại, Trang Tử bàn tiếp về tính “hợp” để cấu thành nên vật.”

          “Thân như cây khô, lòng như tro lạnh”, nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng đó là một trạng thái nhập định. Vậy thực ra nó là trạng thái thế nào?

          Tuan Hoang cho rằng, đó là trạng thái mà cái “nhân tính chủ quan” bị mất/yếu đi. Trải nghiệm của Đặng Xuân Lương là: “Trạng thái của mình nó ko tro tàn lắm. Lúc đó cảm giác tự nhiên nhẹ bẫng, rồi người như lơ lửng còn đầu thì chẳng nghĩ ngợi gì, thấy lâng lâng.” Với Phương Linh, “đoạn thứ 2 này là nói về sự bình đẳng, như nhau của mọi vật. Ví như cơ thể người có 100 cái xương, 9 khiếu, 6 tạng thì cái nào cũng quan trọng như nhau, không có cái nào hơn cái nào.”

          Cũng trong Tề Vật Luận, nhà văn Hà Thủy Nguyên dẫn trích đoạn: “Lời, không phải như gió thổi: Lời phải có nói lên một cái gì. Nếu chỗ nói của nó mà chưa định, thì lời nói ấy quá đã có nói không, hay là chưa có nói gì cả? Lời nói chưa định ấy, khác nào tiếng chim con: chưa có biết biện biệt hay không biên biệt? Đạo, sao dựa vào chân hay ngụy; lời, sao dựa vào thị hay phi? Đạo, sao qua mà không còn; lời, sao còn mà chẳng nói được? Đạo ẩn trong tiểu thành; lời, ẩn nơi vinh hoa. Bởi vậy mới có cái phải, quấy của Nhu Mặc. Nhu Mặc thì lấy phải làm quấy, lấy quấy làm phải. (Nhưng) nếu muốn thấy được cái phải trong cái quấy, cái quấy trong cái phải, thì không gì bằng dùng đến ánh sáng (của Đạo). Vật, không vật nào là không phải “đó”; không vật nào là không phải “đây”. Lấy chỗ nhận thấy của người mà thấy, thì không thấy; lấy chỗ biết của mình mà biết, thì mới biết. Nên mới có nói rằng: “Đó”, do “đây” mà ra; “đây” nhân “đó” mà có. “Đó Đây”, ấy là thuốc của “phương sinh”. Nên mới có nói sống, nói chết, nói chết, nói sống, nói được, nói không được, nói không được, nói được. Nhân có phải, nhân có quấy; nhân có quấy, nhân có phải (mà cãi nhau). Thánh nhân thì không căn cứ vào phải quấy, mà căn cứ vào khiếu biết tự nhiên của mình để hiểu mọi vật…

          Phương Linh bình luận, “Em nghĩ kiểu ý tại ngôn ngoại, lời nói chỉ có thể diễn tả 1 vài khía cạnh của sự việc/vật chứ không thể nào nói hết được. 1 giới hạn của ngôn từ chăng?”

          Nhà văn Hà Thủy Nguyên diễn giải thêm, “Đoạn này cụ Cần dịch hơi tối nghĩa, nhưng đại loại là thế giới của lời ra tiếng vào thị phi hết sức rối loạn ????Người đời dễ nhầm lẫn giữa thứ mình biết nhờ nhận thức của người khác và thứ mình tự biết. Thánh nhân thì không nệ vào thị phi, mà cần dựa vào sự biết tự nhiên của bản thân để hiểu sự vật. Cũng không thể để sự biết của mình bị ảnh hưởng bởi sự định danh của người khác.”

          Đọc hiểu phần đoạn này, Tuan Hoang chia sẻ, “Đạo thì khách quan, thống nhất, ko tự mâu thuẫn. Nhưng con người thường nhân tính hóa, tự định danh, gán nghĩa, phân tích, phân chia.” Còn bạn Nguyễn Hải Lý thì bình luận, “khi mọi người đòi sự bình đẳng, tức là đã có sự bất bình đẳng rồi. Chỉ khi nào mọi người không biết đến khái niệm bình đẳng nữa, thì mới có sự bình đẳng.”

          Nhà văn Hà Thủy Nguyên diễn giải thêm, “Trang Tử cũng cho rằng bậc đạt Đạo thì lời hướng tới sự “hợp” chứ không phải là phân chia.”

          Và rằng, “Thực ra đoạn trên Trang Tử không bàn đến nhân nghĩa. Cả đoạn trên của Tề Vật Luận, ông nói về việc vạn vật bị định danh. Và người ta nhận thức sự vật qua định danh chứ không phải nhìn nhận đúng sự vật như nó là.”

          Độc giả Tuan Hoang cho rằng, “Nhận thức của con người là có hạn, ta có thể tiến gần tới Đạo nhưng ko bao giờ biết rõ hết về nó. Keyword có lẽ là “biết dừng chỗ mình không thể biết”. Có lẽ ở đây ông muốn xác lập cái thế giới quan, cái tâm thế khi tiếp cận với Đạo. Không nên đặt tiền đề tôi sẽ đạt/biết tới được cái Đạo cùng cực.”

          Cuộc thảo luận chỉ mới đi đến nội dung của Tề Vật Luận thôi mà đã tới nửa đêm. Không kể nội dung cả cuốn “Nam Hoa Kinh” mà các chương nội dung khác cũng chưa kịp bàn tới. Nhà văn Hà Thủy Nguyên kết thúc cuộc trò chuyện về “Nam Hoa Kinh” bằng một chia sẻ rằng: nhân bàn về biết và không biết, chị nhắc qua một chút về nội dung mà chị rất thích trong cuốn sách này là chương “Thu Thủy” (“Nước thu”, trong bản dịch Nhượng Tống), đại ý, “Muốn lấy chỗ cực tiểu của mình mà cần hiểu tận chỗ cực đại, là mê loạn, là ngu xuẩn.” Chị cũng nhấn mạnh, “Những luận giải của mình chỉ là góc nhìn của mình thôi, hi vọng gợi mở chút gì đó để các bạn đọc Nam Hoa Kinh bằng sự biết của mình chứ không phải qua định danh của cái khác.”

          Bạn Nguyễn Hải Lý chia sẻ thêm, dù chưa có cơ hội đọc “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử nhưng bạn đã đọc qua “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử và cuộc trò chuyện lần này đã gợi mở thêm cho bạn nhiều góc nhìn mới từ những chia sẻ của nhà văn Hà Thủy Nguyên. Hải Lý cảm thấy vui vì được biết thêm những chia sẻ khác, góc nhìn khác từ mọi người trong nhóm chat.

          Đối với bạn Phan Thanh Toàn cũng là một độc giả chưa đọc “Nam Hoa Kinh” mà chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về Triết học phương Đông, vì thế cuộc thảo luận này của nhóm chat đối với bạn như một màn review trước, và cũng như những gợi ý đọc cho cuốn sách mà bạn sắp tiếp cận.

          Lý Uyên bình luận, “Nhiều cuốn khác nói chung, nhất lại là cuốn này, tư tưởng và tri thức quá nhiều, với em, mỗi lần đọc sẽ là 1 trải nghiệm và cảm nhận khác.”

          Cuốn sách mà mọi người hẹn nhau sẽ thảo luận trong số Read & Chat #3“Siddhartha” của Hermann Hesse.

Tìm hiểu thêm

Buổi talk về Nam Hoa Kinh của nhà văn Hà Thủy Nguyên tổ chức online (2017):

https://www.youtube.com/watch?v=ZiEIm_hf4NY

Người viết: Yến Ly

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *