0
Read & Chat #1: VÉN MÀN MƯA TRONG TIỂU THUYẾT “CẦM THƯ QUÁN” CỦA HÀ THỦY NGUYÊN
“Read & Chat” là một hoạt động giao lưu, chia sẻ việc đọc sách giữa những người đọc với nhau do Book Hunter triển khai, thông qua hình thức “chat” nhóm trên facebook. Buổi trò chuyện đầu tiên (Read & Chat #1) đã được bắt đầu vào 21h ngày 09/9/2022 với cuốn “Cầm Thư Quán” của nhà văn Hà Thủy Nguyên. Cuộc trò chuyện đã diễn ra tự nhiên, gần gũi và sôi nổi, kéo dài từ 21h tới tận 00h ngày hôm sau, với sự tham gia của nhà văn Hà Thủy Nguyên, tác giả cuốn sách, cùng các bạn đọc yêu thích và quan tâm tiểu thuyết này.
“Cầm Thư Quán” là cuốn sách từng bị thu hồi
“Cầm Thư Quán” mượn bối cảnh lịch sử vào thời vua Lê Thánh Tông, cuốn tiểu thuyết viết về hai chị em mỹ nhân Ngọc Thư và Ngọc Cầm, sống ở Cầm Thư Quán, nơi luôn có sách, trà, rượu, thơ và đàn, giữa không gian đầy hương sen thơm và bảng lảng sương mù hồ Dâm Đàm. Cho đến một ngày, khi nhà vua du ngoạn cảnh hồ, có duyên gặp gỡ hai chị em, và ngài đã say đắm Ngọc Cầm, chỉ đợi ngày đón nàng vào cung phong làm Huyền phi. Nhưng mọi chuyện đột ngột rẽ hướng khi hai nam nhân khác xuất hiện, đó là một nhà sư và một thư sinh “tứ hải giang hồ”. Dù ở bên nhà vua là người đứng đầu thiên hạ nhưng Ngọc Cầm vẫn không thể dứt giấc mộng về biển lớn, nơi vẫy vùng của những cánh chim tiêu dao tự do và chốn tụ hội của cái đẹp ở đời…
Cuốn tiểu thuyết được viết vào dịp Trung thu năm 2005, đã từng được xuất bản lần đầu năm 2008 bởi Nhà xuất bản Phụ nữ nhưng ngay sau đó, cuốn sách bị thu hồi vì lý do nhạy cảm về hình tượng vua Lê Thánh Tông trong truyện. Mãi tới năm 2018, cuốn sách có cơ hội “tái xuất giang hồ” và đến tay bạn đọc với diện mạo mới do Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép.
Lê Thánh Tông là một hình tượng đầy tài năng và ưu tú trong lịch sử Việt Nam. Còn trong “Cầm Thư Quán”, Lê Thánh Tông là một nhân vật hiện ra khác nhau theo cảm nhận riêng của từng người đọc.
Bắt đầu mối quan tâm về nhân vật Lê Thánh Tông, bạn Ai Le bình luận: “Bình thường thì em chỉ cảm thấy Thánh Tông là hình mẫu không có nhiều chuyện để viết thành truyện được. Nhưng mà đọc cuốn Cầm Thư Quán kiểu Thánh Tông rất là quằn quại.”… “Em thấy là trong sử thì ổng khá đanh đá =))”
Độc giả Đặng Xuân Lương là người chia sẻ “không nói/viết thêm được gì sau khi đọc cuốn này”, “Mở máy viết vài dòng rồi lại xóa đi vì thấy thừa”, và thay vào đó, anh “review” sách bằng tranh tự vẽ về các nhân vật. Với chân dung Lê Thánh Tông, anh vẽ lại bằng góc nhìn từ dưới ngước lên để thể hiện vị thế của nhân vật còn nhân vật thì có ánh mắt đang liếc nhìn người xem, anh chia sẻ rằng, “Thánh Tông nhà tôi thì nguy hiểm hơn sử tả”.
Vài bức vẽ dưới đây là ấn tượng về các nhân vật Lê Thánh Tông, nhà sư và thư sinh của độc giả Đặng Xuân Lương sau khi đọc xong “Cầm Thư Quán”:
Bạn Hai Anh Le bình luận về nhân vật này rằng, “Như kiểu vỡ mộng ấy, trên tivi vs sách sử thì tô vẽ Lê Thánh Tông như soái ca. Cơ mà ông soái thật. Nhưng mờ ông ấy cũng có những phần rất tham vọng và vô tình.”
Bạn Tôn Nữ Phương Linh, một độc giả ở Huế thì có một cái nhìn bao quát hơn khi so sánh với những cuốn sách khác viết về các vị vua khác: “Có thể do em đọc về vua triều Nguyễn hơi nhiều, nên em thấy cũng bình thường, đúng kiểu quân vương. Một người tột cùng quyền lực, có trong tay cả thiên hạ thì cách họ nghĩ và họ làm đôi khi có chi đó rất ích kỷ và vô tình. Hồi đầu em đọc thì em không ưng lắm, nhưng sau thì em thấy cũng hợp lý. Không đến mức giải thiêng thần tượng như họ hay nói.”
Đối với độc giả Lê Trang thì Lê Thánh Tông trong truyện đã không làm thay đổi hình tượng Lê Thánh Tông trong lòng bạn suốt bao năm qua: “Lần đầu tiên đọc Cầm Thư Quán xong mình cảm thấy hình như Lê Thánh Tông này không giống với Lê Thánh Tông mà mình vẫn nghĩ. Nhưng một năm sau ngẫm lại mới thấy đây là bức họa cực kì chân xác về ngài. Cảm giác như những chữ “vua”, “ngài”, “chàng” vốn là danh từ bình thường nhưng vào ngữ cảnh cụ thể trong truyện thì lại rất có sắc thái. Chắc mình sẽ còn phải đọc lại Cầm Thư Quán nhiều lần. Lê Thánh Tông, minh quân tài tử của lòng mình.”
Sau khi mọi người nói hết cảm nhận của mình về Lê Thánh Tông, nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ: khi bắt đầu viết “Cầm Thư Quán”, ý định của chị là viết về triều đại vua Lê Thánh Tông, câu chuyện về một người không muốn làm vua, nhưng vì thời đại đưa đẩy, buộc phải tròn trách nhiệm của mình với nhà Lê, với muôn dân, với Đại Việt. Nhưng không hiểu sao khi ngồi viết, hình ảnh xuất hiện trong đầu tác giả lại là cảnh nhà vua đi tìm một cô gái để yêu đương nhưng không ngờ cô ấy là ma nữ, là một oan hồn trong cung cấm. Thế là có cảnh nhà vua yêu đương với cung nữ ở phần đầu câu chuyện với một tiếng đàn ma mị giữa đêm, một “tiếng đàn như chuỗi ngọc trai đứt rơi từng hạt nẩy trên nền đá hoa cương!”, và từ đó mới xuất hiện thêm nhân vật Ngọc Thư và Ngọc Cầm.
Một câu chuyện… “tự chọn” hướng rẽ
Khi chia sẻ trải nghiệm đọc cuốn sách này, các độc giả đều đồng tình rằng đây là một tác phẩm có lối hành văn đẹp, duy mỹ với tư tưởng truy cầu tự do và bất tận ở đời. Và đó cũng là điểm chung mà mọi người yêu thích ở “Cầm Thư Quán”.
Lý Uyên chia sẻ thêm rằng đã đọc cuốn sách này 3 lần và có những trải nghiệm khác nhau: Lần thứ nhất là năm 2018, bạn đọc xong cũng bị rơi vào “câm nín” vì không biết nói gì thêm, như cái bình rỗng nhưng ủ đầy hương thơm và không thể cho thêm bất cứ thứ gì vào. Hai năm sau đọc lại, bạn đã viết thành bài review chia sẻ với bạn bè, vẫn vẹn nguyên cảm xúc đẹp đẽ, sảng khoái, phiêu diêu tự do tự tại theo nhân vật trong truyện và thích thú trước một không gian đầy hương thơm. Và lần đọc gần nhất là cách đây vài tuần, bạn bỗng thấy nổi gai ớn lạnh, vì lúc này bạn không bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời các nhân vật nữa mà bạn cảm nhận sâu hơn về không gian Tây hồ, về kinh thành Thăng Long và cả về những truyền thuyết, hình ảnh liêu trai trong truyện. Độc giả này cho rằng, có lẽ bởi hiện tại bạn đang sống ở gần hồ Tây và chứng kiến những đổi thay mỗi ngày của hồ Tây cùng với việc liên hệ tới những trầm tích xưa cũ nên mới cảm thấy ớn lạnh đến thế.
Nam Le là một độc giả đặc biệt hơn cả, vì anh đọc cuốn sách lần đầu với vai trò là người dàn trang và soát lỗi bản thảo, thế nên anh cũng không có nhiều tưởng tượng trong lần đọc này. Tuy nhiên, khi nghe bạn Lý Uyên chia sẻ về cảm giác lạnh lẽo của cuốn sách, anh cũng đùa thêm, bởi nhân vật nữ chính là Ngọc Cầm là người luôn có thân nhiệt lạnh, là một nhân vật tiêu biểu cho hình tượng chim Bằng trong Nam Hoa Kinh, bay cao quá nên mang lại nhiều không khí lạnh chăng.
Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, cuốn tư tưởng đầu tiên chị đọc từ hồi lớp 8 là “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử với bản dịch của Nguyễn Tôn Nhan. Vì thế, “Cầm Thư Quán” chịu ảnh hưởng không ít từ tư tưởng của Trang Chu.
Chia sẻ này gợi chị nhớ đến lúc viết cuốn sách, kể cả khi đã để cho Ngọc Cầm yêu đương với nhà vua thì tác giả vẫn chưa có ý định gì cho hai nhân vật nhà sư và chàng thư sinh xuất hiện. Vì chị vốn định để Ngọc Cầm vào cung và tiếc nhớ cánh chim Bằng. Nhưng rồi lại thấy việc cung đấu với Ngọc Cầm quả thật rất mệt, thế nên lại chuyển hướng cho hai chị em nàng đắc ý tiêu dao thú chim Bằng. Mà ngờ đâu, thú chim Bằng hóa ra cũng chẳng vui vẻ gì, như Trang Chu đã nói, chim Bằng có điều đắc ý của chim Bằng, chim Sẻ cũng có thú vui của chim Sẻ, rút lại chỉ là góc nhìn.
Dù chị em Ngọc Cầm đã được tác giả cho thỏa chí tiêu dao nhưng bạn Tôn Nữ Phương Linh vẫn cảm thán: “Trải nghiệm như Ngọc Cầm cũng không hạnh phúc. Em thấy không ai hạnh phúc hết.”
Tới đây thì tác giả cười đáp, có mỗi nhà sư là vui thôi. Bởi gọi là nhà sư nhưng “nhân vật này chuyển pháp môn tu sang Tantra và ái dục là đỉnh cao của phá chấp trong trường phái này. Tu vi cao tới đâu mà vẫn vui vẻ bước vào ái dục không vướng bận là rất khó” … “là một giai đoạn để dứt mình khỏi vòng xoáy thông thường, sau đó thì phải dứt khỏi nó.”
Tác giả còn tiết lộ thêm, cuốn sách được viết ra trong giai đoạn mà chị gọi là “thất tình”. Đó là những thất vọng với nhân tình thế thái, là lúc cô gái tuổi đôi mươi đang rơi vào hoang mang vì thấy hình như mình không hợp lắm với chuyên ngành mà chị đang theo học, thất vọng với giới giai nhân tài tử, chuyện học đường và tình yêu không như ý, con đường sự nghiệp thì xa mờ… nên thấy chán. Và thú vị là khi bắt tay vào viết cuốn sách, liên tục có những bước rẽ “không nằm trong dự tính”. Cụ thể như bước rẽ về nhân vật Lê Thánh Tông trong “dàn ý” ban đầu được gợi cảm hứng từ những bài thơ của nhà vua mà tác giả đọc được. Một nhân vật rất chăm chỉ, rất khổ cực và nhiều chịu đựng nhưng cũng rất tự luyến, một hình mẫu “boss mẫn cán”. Thế nhưng khi Ngọc Thư và Ngọc Cầm xuất hiện, tác giả nhận ra cứ mỗi lần cố “chèo lái” cho nhân vật đi theo tuyến “dàn ý” ban đầu thì mạch viết thực sự không ổn. Kể cả khi tác giả đã dành vị trí nhân vật chính nhất cho Ngọc Thư nhưng cuối cùng Ngọc Cầm mới là điểm sáng của câu chuyện cũng là những bước rẽ có tác động bởi ngoại cảnh như bản cổ cầm “Ngư tiều vấn đáp” mà tác giả “không lường trước”.
Đây là chuyện thường xảy ra với các nhà văn nói riêng và giới sáng tạo nói chung. Có thể nói, quá trình sáng tác là một việc mà tác giả không thể kiểm soát hết những diễn biến và bước rẽ bất ngờ trong tác phẩm của mình.
Trên nền tảng chat nhóm của facebook, cuộc chia sẻ về những trải nghiệm đọc sách và viết sách của những người yêu thích đón nhận và tìm tòi tri thức tưởng như có thể bất tận đến không thời gian. Với cảm hứng từ “Cầm Thư Quán” và thú tiêu dao của chim Bằng, nhóm chat đã quyết định cuộc trò chuyện tiếp theo sẽ chia sẻ về “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử.