16/12/2022

Ra mắt sách nghiên cứu CÁC HỆ THỐNG BẦU CỬ TRÊN THẾ GIỚI của nhóm chuyên gia chính trị hàng đầu thế giới

Trong một xã hội con người ngày càng ý thức quyền của mình hơn và nhận thức được sự ảnh hưởng của chính trị tới đời sống thường nhật, một hệ thống bầu cử tối ưu, tiết kiệm và thông minh là tối cần thiết, không phải chỉ với bộ máy chính quyền, mà còn với những người dân thường. Trong quá trình cải cách để hướng tới sự tối ưu, việc áp dụng một cách cứng nhắc các mô hình mà cần phải xem xét và tính toán đến rất nhiều tham số xã hội khác.

Cuốn sách “Các hệ thống bầu cử trên thế giới” được viết bởi các chuyên gia hàng đầu về cải cách hệ thống bầu cử trên thế giới, những người đã cố vấn và tham gia vào quá trình thiết kế bầu cử tại nhiều quốc gia phát triển, đang phát triển và kém phát triển, ghi chép lại các vấn đề bất cập và khó khăn để đảm bảo quá trình bầu cử diễn ra bình đẳng, công khai, hiệu quả. Qua những ghi chép của họ, các độc giả Việt Nam, những người quan tâm đến hệ thống bầu cử bao gồm: nhà hoạch định chính sách, chuyên gia cải cách hành chính, chuyên gia pháp luật, các nhà báo mảng chính trị xã hội, các nhà vận động chính sách & hoạt động xã hội, sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu, và hạn chế được các sai lầm, từ đó tiết kiệm được chi phí thử nghiệm vốn rất tốn kém của hoạt động bầu cử.

Cuốn sách thuộc series của Journal of Democracy, ấn bản chính thức của National Endowment for Democracy’s International Forum (NEDIF), chuyên nghiên cứu về quá trình dân chủ hóa trên thế giới. Tạp chí được xuất bản bởi Johns Hopkins University Press với tổng biên tập là giáo sư Larry Diamond (Stanford University) và Marc F. Plattner (National Endowment for Democracy).

Thông số sách

Tên đầy đủ: CÁC HỆ THỐNG BẦU CỬ TRÊN THẾ GIỚI

Tác giả: Nhiều tác giả, Larry Diamond & Marc F.Plattner đồng biên tập

Dịch giả: Nhóm dịch Book Hunter – Lê Duy Nam hiệu đính

Lĩnh vực: Chính trị

Tủ sách: Kiến Tạo

Số trang: 420 trang

Cỡ sách:  16X24cm

Tình trạng bìa: Mềm

Lượt in: Lần đầu

Cấp phép: NXB Đà Nẵng

Mã ISBN: 978-604-84-6763-0

Ngày phát hành: 20/11/2022

>>Click vào ảnh để đọc thử: 

Nội dung chính của CÁC HỆ THỐNG BẦU CỬ TRÊN THẾ GIỚI

Ý tưởng chính:

Trong quá trình thúc đẩy xã hội bình đẳng hơn, dân chủ hơn, hiệu quả hơn, bầu cử là lộ trình căn bản. Một hệ thống bầu cử được thiết kế tồi tệ, có thể gây ra chia rẽ nghị viện và tạo nên những bất đồng trong xã hội có thể dẫn đến bạo lực, trong khi đó, một hệ thống bầu cử mạnh mẽ có thể định hình bản chất của xã hội. Trong suốt cuốn sách, các tác giả hé lộ cho chúng ta thấy có rất nhiều cách để lấy ý kiến của cử tri và rất nhiều cách để tính số phiếu cũng như sắp xếp hệ thống. Các tác giả cũng cho ta thấy, những mục tiêu của một cuộc bầu cử thường xuyên mâu thuẫn với nhau và hiếm khi có thể bình đẳng, và đặc biệt sự bất bình đẳng cũng như thiếu minh bạch sẽ diễn ra ở các quốc gia mà người dân có trình độ dân trí thấp.

Cuốn sách được chia thành 3 phần: Phần 1 quan tâm đến sự đa dạng của hệ thống bầu cử trên thế giới cùng với ưu điểm và hạn chế của chúng; phần 2 tập trung chính xác hơn về điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống đầu phiếu đại diện tỉ lệ (proportional representation – PR); và phần thứ ba gồm một loạt các trường hợp nghiên cứu làm rõ kết quả của những hệ thống bầu cử khác nhau ở Nam Phi, Mĩ Latin, Israel, Nhật Bản, Đài Loan, Afganistan và Iraq.

Về nhóm tác giả & nhóm biên tập

Cuốn sách được các nhà khoa học chính trị xuất sắc nhất thế giới đã và đang giảng dạy từ nhiều trường đại học danh tiếng thực hiện trong suốt 16 năm bao gồm lấy dữ liệu, tổng hợp và phân tích. Các bài luận này đồng thời là bản đánh giá quá trình thiết kế bầu cử tại các nước đang trong quá trình chuyển đổi do Tạp chí Dân Chủ thực hiện.

Larry Jay Diamond (1951), đồng biên tập của cuốn sách là nhà xã hội học chính trị người Mỹ và học giả đương đại hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu dân chủ. Ông là thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, vốn là trung tâm chính của Đại học Stanford về nghiên cứu các vấn đề quốc tế. Tại Viện, ông giữ vai trò giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp quyền. Diamond đã từng là cố vấn cho nhiều tổ chức chính phủ và quốc tế, bao gồm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Ông cũng là đồng biên tập viên sáng lập Tạp chí Dân chủ của National Endowment for Democracy. Ông còn là điều phối viên của Dự án Dân chủ Iran của Viện Hoover, cùng với Abbas Milani và Michael McFaul.

Marc F. Plattner là thành viên của Hội đồng Quản trị National Endowment for Democracy từ 1984 đến năm 2020, với cương vị giám đốc chương trình tài trợ. Năm 1989, ông trở thành đồng sáng lập (cùng với Larry Diamond) của Tạp chí Dân chủ. Sau đó, ông là người điều hành Diễn đàn Quốc tế về Nghiên cứu Dân chủ và là Phó chủ tịch của National Endowment for Democracy về nghiên cứu và học tập.

Về nhóm dịch Book Hunter & hiệu đính Lê Duy Nam

“Các hệ thống bầu cử trên thế giới” là dự án dịch đầu tiên của Book Hunter, được thực hiện từ năm 2016, từ khi Book Hunter là một cộng đồng quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội. Book Hunter đã dịch đầy đủ cuốn sách ngay trong năm 2016, nhưng mỗi năm đều đọc và sửa lại các khái niệm và các ý mà trước đó chưa thực sự hiểu. Cuốn sách có nhiều khái niệm phức tạp, khó hiểu, nhiều đoạn diễn giải hàn lâm với cấu trúc phức tạp và trừu tượng, nên chọn cách dịch phù hợp để các độc giả Việt Nam có thể hiểu trở nên vô cùng khó khăn. Tuy vậy, đội ngũ tham gia vào dự án sách này đều thống nhất dịch sát với nguyên tác nhất có thể, chấp nhận những khái niệm phức tạp, và cố gắng sắp xếp trật tự câu phù hợp với não trạng của ngôn ngữ Việt.

Khi các dịch giả khác chính thức rời dự án từ năm 2017, trưởng nhóm dịch của Book Hunter – Lê Duy Nam (hiện là CEO của Book Hunter) vẫn duy trì quá trình chỉnh sửa liên tục và tìm cách đưa cuốn sách đến với độc giả Việt Nam. Ấn bản được xuất bản lần này đã trải qua hơn chục lần rà soát của người hiệu đính. Với vai trò là trưởng nhóm dịch của Book Hunter, anh Lê Duy Nam chịu trách nhiệm tổ chức, huấn luyện đội ngũ dịch thuật và đảm bảo chất lượng của các bản dịch. Anh đã tham gia hiệu đính & dịch nhiều cuốn sách liên quan đến triết học và chính trị, bao gồm: “Nghệ thuật và thợ thủ công” (Oscar Wilde, NXB Hội Nhà Văn 2019, NXB Đà Nẵng 2020), “Rumi tinh tuyệt” (Bản tiếng Anh của Coleman Barks, NXB Hội Nhà Văn 2019) “Chiến thắng của đô thị” (Edward Glaeser, NXB Hội Nhà Văn 2019 – 2022), “Nước Mỹ chuyện chưa kể” (Oliver Stone & Peter Kuznick, NXB Đà Nẵng, 2020), “Kinh tế học thiêng liêng” (Charles Eisenstein, NXB Đà Nẵng, 2020), “Bàn về Nền tảng Đạo đức” (A.Schopenhauer, NXB Đà Nẵng, 2022), “Các hệ thống bầu cử trên thế giới” (Larry Diamon & Marc F.Plattner, NXB Đà Nẵng, 2022), “Thuận theo hoàn cảnh” (Brian Levy, NXB Tri Thức, 2022).

Danh mục nội dung:

I-HỆ THỐNG BẦU CỬ VÀ THIẾT KẾ THỂ CHẾ

Chương I: Sơ lược về hệ thống bầu cử

Chương II: Toàn cảnh thế giới

Chương III: Đối mặt với những xã hội bị chia rẽ

Chương IV: Vấn đề về chia sẻ quyền lực

Chương V: Ảnh hưởng của thể chế liên bang

II-LIỆU HỆ THỐNG ĐẠI DIỆN TỶ LỆ CÓ PHẢI LÀ TỐT NHẤT?

Chương VI: Lựa chọn lập hiến cho các nước dân chủ mới

Chương VII: Cử đại diện tỉ lệ

Chương VIII: Hệ thống bầu cửu đại diện tỉ lệ và nghệ thuật quản lí nhà nước dân chủ

Chương IX: Xét lại bằng chứng

Chương X: Cụ thể mới quan trọng

III-QUỐC GIA VÀ KINH NGHIỆM KHU VỰC

Chương XI: Lập hiến tại Nam Phi

Chương XII: Bình luận – Bầu cử trong xã hội nông nghiệp

Chương XIII: Phản biện nhanh: Trường hợp tỉ lệ

Chương XIV: Cải cách bầu cử và sự ổn định ở Uruguay

Chương XV: Hạ giá trị phiếu bầu tại khu vực Nam Mỹ

Chương XVI: Tại sao dân chủ trực tiếp thất bại ở Israel

Chương XVII: Chính trị cải cách ở Nhật Bản và Đài Loan

Chương XVIII: Trường hợp thú vị của Afghanistan

Chương XIX: Năm bầu cử nguy hiểm của Iraq

Chính sách giá và phân phối

Giá niêm yết: 350.000

Chiết khấu phân phối: 25- 30%

Chương trình khuyến mại tối đa: 20% giá bìa

Khuyến nghị marketing dành cho đơn vị phân phối

Các nhóm khách hàng mục tiêu:

  • Chuyên viên nghiên cứu các vấn đề thể chế, cải cách hành chính, nội vụ các cấp từ trung ương tới cơ sở
  • Chuyên viên chịu trách nhiệm về chính trị tại các đại sứ quán
  • Chuyên viên nghiên cứu về dân chủ hóa thuộc các cơ quan An ninh, Ngoại giao
  • Giảng viên đại học và nghiên cứu sinh các chuyên ngành chính trị học, pháp luật, hành chính hiện đang học tập trong hoặc ngoài nước
  • Các nhà vận động chính sách
  • Các nhà hoạt động xã hội

Từ khóa quan trọng: Hệ thống bầu cử, cải cách thể chế, dân chủ hóa, cải cách dân chủ, bình đẳng xã hội, quyền công dân

Gợi ý Combo với các sách của Book Hunter:

  • Các hệ thống bầu cử trên thế giới + Nước Mỹ chuyện chưa kể => Hiểu về hệ thống chính trị Mỹ
  • Các hệ thống bầu cử trên thế giới + Thuận theo hoàn cảnh: Không có chìa khóa vạn năng cho phát triển + Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào => Cải cách từ trên xuống

Gợi ý Combo với các sách hiện đạng có trên thị trường:

  • Các hệ thống bầu cử trên thế giới + Tuyển tập bất bình đẳng (NXB Tri Thức)
  • Các hệ thống bầu cử trên thế giới + Lịch Sử Đảng Phái (Omega+, NXB Thế Giới)

Trích dẫn hoặc dữ liệu hay:

“Trong số nhiều yếu tố hình thành bản chất và tính khả thi của nền dân chủ trên khắp thế giới thì thiết kế hệ thống bầu cử duy trì được một sự chú ý đặc biệt của học giả và các nhà thực hành dân chủ. Hầu hết các điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển dân chủ đều thay đổi chậm rãi, và không hoàn toàn theo thiết kế. Có thể mất nhiều năm (tối thiểu là như vậy) để xây dựng nền văn hóa chính trị dân chủ, một xã hội dân sự chủ động và đa nguyên, và một cơ sở hạ tầng hành chính nhà nước hiệu quả. Hình thành một nền kinh tế phát triển tương đối, với một tầng lớp trung lưu đông đảo và mức độ bất bình đẳng vừa phải, là một thử thách đối với những quốc gia còn nghèo hiện nay, mà có lẽ phải mất cả vài thập kỷ mới đạt được.”

“Một bản thiết kế hệ thống bầu cử tồi có thể phân cực chính trị bầu cử hoặc có thể chia rẽ nghị viện nghiêm trọng tới mức không gì có thể được hoàn thành, không một quyết định nào có thể được đưa ra. Ở trường hợp khác, nó có thể vô tình cho phép các lực lượng chính trị cực đoan với những cam kết dân chủ còn mập mờ tiếp quyền. Ở chiều hướng khác, khi hệ thống bầu cử cố gắng né tránh đối mặt với sự chia rẽ bằng cách cưỡng ép tạo ra một đa số, nó có thể khiến những tập thể chính trị và xã hội quan trọng bị khai trừ hoặc thiếu tính đại diện, đánh đổi một vấn đề này để lấy một vấn đề khác có thể còn khó giải quyết hơn.”

“Thực tế là, mỗi hệ thống bầu cử đều chứa một loạt các định kiến khác nhau, có nghĩa là, người ta lựa chọn một trong số các hệ thống bầu cử, trên thực tế, chỉ là họ đang ưu ái một tập hợp những định kiến này so với tập hợp những định kiến khác mà thôi. Ưu ái hệ thống này hơn hệ thống kia chính là bạn đang lựa chọn chính sách. Do đó, người ta có thể nói về mục đích của hệ thống, mặc dù việc lựa chọn các định kiến không phải lúc nào cũng được làm một cách có ý thức. “

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *