0
Ra mắt & Đặt trước “Thời và trị trong Lã thị Xuân Thu” – James D. Sellmann
Đi sâu vào những trang sử, ta thường bắt gặp những chuyên luận triết học đã hình thành nên nền văn minh cổ đại. Trong bức tranh khảm của văn hóa tư tưởng Trung Hoa, có một viên ngọc mang tên Lã thị Xuân Thu. Được viết từ thời Chiến Quốc, tác phẩm này không chỉ đơn thuần là một cuốn biên niên sử mà là sự tổng hợp đầy lôi cuốn của những ghi chép lịch sử, những suy tư đạo đức và những diễn ngôn triết học. Được chủ trì biên soạn bởi Lã Bất Vi, một chính khách xuất thân thương nhân đầy tham vọng, cuốn sách này vừa đóng vai trò như một bản hướng dẫn về quyền cai trị, vừa là sự khám phá về vũ trụ học, đạo đức, sự tương tác giữa quyền lực và trí tuệ, và nghệ thuật quản lý nhà nước.
Nhận thấy những thiếu sót về “thời” và sự “hợp thời” trong các nghiên cứu và thảo luận Lã thị Xuân Thu nói riêng và triết học cổ đại Trung Hoa nói chung, James D. Sellmann đã tập trung vào tầm quan trọng của khái niệm này trong chuyên luận Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu của mình. Cuốn sách là một nghiên cứu đương đại cho thấy ý nghĩa cốt lõi của Lã thị Xuân Thu gói gọn trong ý niệm “hợp thời”, một yếu tố để đảm bảo thắng lợi trong chiến trận và những mùa vụ bội thu, hai mặt quan trọng trong thuật cai trị xưa, để đạt được trật tự chính trị và xã hội và thu được những kết quả có lợi cho cuộc sống con người.
Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu đã chứng tỏ sức sống trường cửu của tác phẩm triết học Trung Hoa kinh điển cho đến nay vẫn còn có thể được vận dụng vào các vấn đề đương đại. Cuốn sách không chỉ là tài liệu cần thiết đối với những ai nghiên cứu triết học Trung Hoa mà còn là một tư liệu tham khảo có giá trị đối với những ai quan tâm đến nguyên lý quản trị và lãnh đạo.
Tìm hiểu thêm về Lã thị Xuân Thu:
THÔNG SỐ SÁCH:
Tên đầy đủ: THỜI VÀ TRỊ TRONG LÃ THỊ XUÂN THU
Tác giả: James D. Sellmann
Dịch giả: Lê Minh Tân
Lĩnh vực: Nhân học – Chính trị
Tủ sách: Nguyên lý lãnh đạo
Số trang: 310
Cỡ sách: 16x24cm
Tình trạng bìa: Bìa mềm
Lượt in: Lần đầu
Cấp phép: NXB Phụ Nữ Việt Nam
Ngày phát hành: 13/10/2023
GIÁ BÁN: 270.000 VNĐ
Đặt trước sách để nhận ưu đãi 20% và freeship
Nhận Đặt Trước tới hết 23h00 ngày 12/10/2023.
Đặc biệt, nhận ưu đãi 30% khi đặt mua combo “Thời và trị trong Lã thị Xuân Thu” + “Lã thị Xuân Thu” (bản dịch của Ngô Trần Trung Nghĩa, NXB Văn Học)
Sách được ship muộn nhất 5 ngày sau ngày phát hành.
Lưu ý: Chúng tôi chỉ ship sách tới những khách phản hồi xác nhận qua email hoặc số điện thoại. Trong trường hợp quý khách không phản hồi hoặc phản hồi muộn, mà chưa thanh toán, quá 5 ngày sau email hoặc cuộc gọi của chúng tôi, chúng tôi rất tiếc phải hủy suất Đặt Trước, quý khách có thể đặt mua sách với Book Hunter hoặc tại các kênh phân phối khác.
Để thực hiện dự án dịch tác phẩm Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu của James D. Sellmann, chúng tôi đã dành 1 năm làm việc (dịch, chỉnh sửa, hoàn thiện) và đầu tư khoản tiền ít nhất là 50 triệu (chưa tính chi phí thiết kế và quản lý), bao gồm:
– Bản quyền: 7 triệu
– Nhuận bút: 15 triệu
– Giấy phép: 7 triệu
– In: 20 triệu
Chúng tôi hi vọng rằng bạn sẵn lòng Đặt Trước cuốn sách để chúng tôi có đủ nguồn lực tiếp tục các dự án sách khác trong thời gian tới.
Nếu thuận tiện, bạn vui lòng thanh toán trước qua số tài khoản dưới đây, như một cách để giúp đỡ Book Hunter huy động đủ vốn in ấn.
Nội dung chính của THỜI VÀ TRỊ TRONG LÃ THỊ XUÂN THU - James D. Sellmann
Ý tưởng chính:
Trong lịch sử tư tưởng Trung Hoa, Lã thị Xuân Thu của Lã Bất Vi là cổ thư kinh điển đã truyền cảm hứng cho vị vua tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc để trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Trong Thời và Trị trong Lã thị Xuân Thu, một nghiên cứu đương đại về cổ thư Trung Hoa này, tác giả James D. Sellmann nhận thấy rằng khái niệm “hợp thời” khiến các triết lý đa dạng của tác phẩm trở nên mạch lạc. Ông thảo luận về cuộc đời và thời đại của tác giả Lã Bất Vi, cũng như cấu trúc của tác phẩm. Sellmann phân tích vai trò của bản chất con người, sự biện minh của nhà nước và tầm quan trọng của thời – thời của cá nhân, thời của lịch sử, thời của vũ trụ – trong Lã thị Xuân Thu. Quan điểm của thuyết công cụ hữu cơ nảy mầm từ các lý thuyết đa dạng của Lã thị Xuân Thu. Để kết luận, Sellmann xem xét ý nghĩa của các triết lý đồng bộ trong Lã thị Xuân Thu đối với các quan niệm đương thời về thời gian, bản chất con người, trật tự chính trị và đạo đức xã hội và môi trường.
James D. Sellmann là Giáo sư Triết học và Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Guam.
Mục lục:
Lời cảm ơn
Lưu ý về các quy tắc được áp dụng trong cuốn sách
Chương Một – Giới thiệu: khái quát và điểm nổi bật của Lã thị Xuân Thu
Lã Bất Vi và Lã thị Xuân Thu
Thời gian theo mùa (xuân thu) và bản chất của Lã thị Xuân Thu
Tác động của Lã thị Xuân Thu
Huyền thoại hóa lịch sử
Chương Hai – Các quan niệm thiết lập về chữ Tính trong Lã thị Xuân Thu: Dưỡng dục trong quá trình sống
Sắp xếp theo mùa trong các lý thuyết truyền thống về chữ Tính trong Lã thị Xuân Thu
Chương Ba – Trật tự xã hội xuất hiện
Nhân tính và trật tự xã hội: sự tương đồng
Khảo luận về các quan điểm công cụ và hữu cơ và tác động của nó đến Lã thị Xuân Thu
Các lý thuyết hữu cơ ẩn chứa trong một số tư tưởng Nho gia, Đạo gia và Nông gia
Thuyết công cụ theo quan điểm của Mặc Tử, Tuân Tử, Binh gia và Pháp gia
Quan niệm chiết trung trong thống nhất của Lã thị Xuân Thu về nguồn cố và vai trò của nhà nước: Góc nhìn công cụ hữu cơ
Chương Bốn – Hợp thời trong vũ trụ, lịch sử, đạo đức
Vũ trụ và Hợp thời
Thời vũ trong Đạo gia
Hợp thời trong các mối quan hệ đạo đức và liên cá nhân
Ưu tiên cho thời cơ
Chương Năm – Hợp thời vận dụng vào các vấn đề đương đại
Triết học xã hội và chính trị có phải là ràng buộc văn hoá?
Triết học đương đại và Lã thị Xuân Thu
Chữ thời, luận xuyên văn hoá
Tái tạo con người cá nhân
Diễn giải hiến pháp và phát triển lý thuyết khế ước hữu cơ
Đạo đức
Phụ lục một – Những quan niệm hiện tượng học và từ nguyên học về chữ thời
Phụ lục hai – Một nghiên cứu về Tính mệnh chi tình trong Lã thị Xuân Thu: Thành tựu của bản tính (tính) con người trong các mối quan hệ tự nhiên
(mệnh) của mình
Tài liệu tham khảo
“Hợp thời” (proper timing) hay “thời” (season) là vấn đề trung tâm của nhiều triết lý khác nhau trong Lã thị Xuân Thu, và quan niệm này đã bị đánh giá thấp hoặc bỏ qua trong các bài bình luận về Lã thị Xuân Thu ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Thuật cai trị có mặt ở rất nhiều thiên trong Lã thị Xuân Thu đều có một đặc điểm thống nhất là sự giả định rằng trật tự dựa trên hiểu biết có sẵn về đời sống con người trong bối cảnh chính trị xã hội và vũ trụ. Dù sự liên kết giữa chính sách đạo đức, chính trị và trật tự vũ trụ có thể rất rõ ràng nhưng trong triết học Tiên Tần và nhà Hán, hài hòa vũ trụ lại là ý niệm cốt lõi. Lã thị Xuân Thu là một trong những văn bản sớm nhất còn sót lại phát triển được “vũ trụ luận thế tục”.
Trích trang 16
Lã thị Xuân Thu hàm chứa nhiều quan niệm khác biệt về chữ tính, nhưng các tác giả của bộ sách lại không tìm cách kết hợp chúng thành một lý thuyết sâu sắc. Các thiên hỗn hợp trong Lã thị Xuân Thu thể hiện nhiều quan niệm truyền thống thời Tiên Tần về chữ tính, không chỉ là các cấu trúc bề sâu cho khoa học nhân văn mà còn là hàng loạt ví dụ về thuật xử thế và cách một nhà vua có thể đối nhân trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Những câu chuyện và chất liệu đa dạng trong Lã thị Xuân Thu làm sáng tỏ nhiều phương diện đa chiều của nhân tính và những tiềm năng to lớn mà hành vi con người sẽ chấp nhận. Đã xuất hiện quan niệm về nhân tính vượt ra ngoài sự cóp nhặt này. Những quan niệm đa dạng này về chữ tính có tính hệ thống ở chỗ chúng tiếp cận nhân tính không phải dưới góc độ là cái sẵn có mà là cái đạt được. Nhiều lời khuyên dành cho nhà cai trị trong Lã thị Xuân Thu hướng đến việc tu thân của quân vương trong nhiều lĩnh vực, nhất là việc duy trì trật tự chính trị xã hội.
Trích trang 59
Xu hướng xem các triết gia thời Tiên Tần chứa đựng một loại phẩm chất bẩm sinh càng trở nên rõ ràng khi các triết gia thời Tống và Minh “siêu hình hoá” chữ tính, vốn được hiểu ngược dòng thời gian về với truyền thống trước đó, nhất là về với Mạnh Tử. Người ta có lẽ muốn tranh luận rằng các nhà tư tưởng Nho gia và Mặc gia đã hiểu về hình thức sẵn có của bản tính con người vì truyền thống cúng tế tổ tiên ám chỉ đến một linh hồn hay tinh thần (tức thần) bền bỉ. Xa hơn nữa thì người ta cho rằng linh hồn hay tinh thần này là bản chất của bản tính con người. Những cách diễn giải này ủng hộ cho cách hiểu theo lối bình dân trong giai đoạn Tiên Tần rằng các vong linh là tâm điểm của lễ tục thờ cúng tổ tiên. Niềm tin vào vong linh lại là hiểu biết của giới bình dân về phong tục của hoàng gia và phong tục hiến tế của riêng họ dành cho tổ tiên đã khuất, nhất là tổ tiên của các vị vua. Tuy nhiên, hầu như không ai bàn gì về các vong linh trong văn chương kinh điển, và đó như là ví dụ từ thiên “Minh quỷ” trong sách Mặc Tử và cả Kinh Thi, nơi linh hồn được nhắc đến, nó đại diện cho quan điểm của tầng lớp bình dân.
Trích trang 75
Lý thuyết hữu cơ xem con người là động vật mang tính chính trị xã hội trong tự nhiên. Trong thần học, việc kết hợp mô hình hữu cơ mang tính triết học với huyền thoại sáng tạo siêu nhiên là điều phổ biến, như Aquinas và Burke. Với triết học Tiên Tần thì tốt nhất không nên như vậy. Từ quan điểm hữu cơ luận, trật tự và luật pháp chính trị xã hội chính là hậu quả của sự phát triển mang tính tự nhiên của văn hoá và phong tục. Ở phương Tây, lý thuyết hữu cơ được các nhà tư tưởng như Plato, Aristotle, Hume và Whitehead đề xướng. Cũng bởi ảnh hưởng của Plato và Aristotlea , lý thuyết hữu cơ thường sử dụng để thúc đẩy ý tưởng rằng nhà nước phải tuân theo một mẫu hình lý tưởng và thực hiện một tiềm năng có mục đích. Vì các lý thuyết bản chất và thực thể luận ấy không làm sáng tỏ được hiểu biết nào về tư tưởng thời Tiên Tần nên người ta mới suy nghĩ về thuyết hữu cơ về nhà nước và xã hội của Hume như một trật tự tự phát được phát triển nhờ vào thói quen của con người và sự đồng cảm khi xem xét các quan niệm thời Tiên Tần vốn mang tính hữu cơ tự nhiên về nhà nước . Xét đến lời biện minh mang tính hữu cơ về nhà nước trong bối cảnh thời Tiên Tần, tôi muốn tập hợp hình ảnh về một mô thức tự phát, thường mang tính thứ bậc về các quan hệ cụ thể, tức là, sự tương tác của các nguồn lực tạo nên xã hội trong một trường trải nghiệm được cấu trúc dựa trên thẩm mỹ và lễ tục. Quan niệm hữu cơ thời Tiên Tần về nhà nước không phải là một khái niệm mang tính mục đích luận.
Trích trang 115
Cách tiếp cận trong thiên Thị quân rõ ràng mang tính công cụ. Thời thượng cổ không hề có vua. Thiên này cho thấy các thị tộc khác nhau cũng không có vua. Chế độ quân chủ xuất hiện vì lợi ích mà tình trạng này mang lại cho dân chúng. Việc hình thành nhà nước thực hiện một chức năng công cụ; chức năng ở đây là việc nhà nước thoả mãn ham muốn tự nhiên của con người nhiều nhất, mang lại lợi ích lớn nhất. Cách lý giải chiết trung trong thống nhất của cách tiếp cận theo hướng công cụ luận về nguồn gốc và chức năng của nhà nước này gắn với một cơ cấu hữu cơ. Trước tiên, xã hội trong một hình thái sơ khai nào đó dường như mang tính tự nhiên cho con người. Hai là, xã hội mang lại nhiều lợi ích cho con người vì một cá nhân luôn yếu đuối khi đơn thương độc mã chống lại tự nhiên, nhưng một cộng đồng thì lại rất mạnh mẽ. Ba là, sức mạnh cộng đồng dựa trên việc chuẩn bị và lên kế hoạch. Do đó, theo thuyết công cụ, cộng đồng dựng lên một vị vua.
Trích trang 134
Cách mô tả về tính hợp thời của vũ trụ trong Lã thị Xuân Thu ít dẫn đến nhất hai chủ đề quan trọng là nội thời và ngoại thời. Kỳ thực, như ta đã thấy ở trên, sự phân biệt dành cho các mục đích được rút ra là bởi những hành động kịp thời từ bên ngoài phù hợp với thời điểm trước hết là chính sách của nhà nước đảm bảo cho công tác gieo trồng và thu hoạch diễn ra đúng mùa vụ; thứ hai là việc quần chúng hay nông dân phải được sử dụng hợp lý trong mùa; thứ ba là mùa vụ hay thời gian không phải lúc nào cũng khách quan mà nó phụ thuộc vào hoạt động nghi lễ của nhà vua. Hành động hợp lý từ bên ngoài của nông dân phải đợi đến sự khả tín của mùa vụ và việc cử hành nghi lễ mùa màng đúng lúc và thuận lợi của nhà vua. Nhà vua, người nắm giữ vị trí quan then chốt giữa trời (cùng với các mùa và thời tiết) và đất (cùng với hoạt động sản xuất và con người), phải cử hành nghi lễ, trên thực tế là phải theo cách thức phù hợp với môi trường bên ngoài. Đồng thời, hành động của nhà nước phải rõ ràng và tạo ra được tính nội thời, sản sinh ra một môi trường tổng thể, cả về mặt xã hội lẫn tự nhiên. Nhà vua không chỉ phải cử hành nghi lễ đúng mùa đúng vụ mà đến lượt mình, hành động của ông ta còn phải chi phối đến môi trường và người dân. Việc cử hành nghi lễ của nhà vua có tính nội thời phù hợp với chính nó, nhưng nó cũng có tầm ảnh hưởng nuôi dưỡng đến con người và tự nhiên.
Trích trang 192
Nếu vật lý học hiện đại cho rằng thời gian là thứ ngẫu nhiên phụ thuộc vào khối lượng và vận tốc thì Lã thị Xuân Thu lại có sự phê bình về mặt xã hội và chính trị, người ta có thể cho rằng “sự thật” hay “hiện thực” mà các nhà vật lý đề ra hẳn phải phụ thuộc và vị trí và thành tựu của họ. Việc tiến hành mang tính “lễ tục” các thí nghiệm và công thức thống kê chính là “ý nghĩa” khi đầu tư vào nó, và vị trí quan trọng của các nhà vật lý học tạo ra sự phê bình cho vật lý hiện đại nếu xét dưới góc độ chính trị. Trên quan điểm vũ trụ luận, ý kiến cho rằng thời là sự gắn kết của địa vị và thành tựu của con người có thể được mở rộng ra khi cho rằng thời được cấu thành bởi cả muôn thú và con người. Vật lý học hiện đại sẽ không đi xa như các quan điểm trong Lã thị Xuân Thu vốn luôn sẵn sàng gắn việc hình thành thời cơ cho hoạt động con người, nhưng như Lawrence W. Fagg đã chỉ ra rằng ít nhất một số nhà vật lý học sẵn sàng ủng hộ nó, tức gián tiếp cho rằng chúng ta đang tạo ra thời cơ. Chỉ trong một cảm thức rất hạn chế và đặc thù mà vật lý học hiện đại cũng sẵn sàng chấp nhận vai trò của chúng ta trong việc sáng tạo và duy trì việc khớp nối thời gian. Mặt khác, thuyết hiện tượng lại không nhìn nhận đầy đủ vai trò của môi trường bên ngoài. Học thuyết của Đạo Nguyên về “thời”, xem “thời điểm biến cố” hợp nhất các sự vụ mang tầm vũ trụ và sự vụ của con người cá nhân trong việc dựng thời, nhưng ông ta chủ yếu hướng đến mục đích tinh thần. Lã thị Xuân Thu khác với những cách tiếp cận này khi nhận thức sâu sắc về mối tương liên giữa con người, đặc biệt là vua chúa, với môi trường trong sự khớp nối của thời gian, kết hợp cả cái khách quan lẫn chủ quan mà không có chút tinh thần Phật giáo nào. Do đó Lã thị Xuân Thu mang đến một số góc nhìn đặc biệt liên quan đến hợp thời thông qua cái đó ta có thể tái tạo triết học về “thời gian” của mình.
Trích trang 228
Làm đúng việc nhưng sai thời điểm hay không tạo ra được thời điểm phù hợp sẽ là sai trái nếu xét trên quan điểm hợp thời đạo đức. Hợp thời là một lý thuyết đạo đức mở ra cơ hội mới và thay thế cho tương đối luận và hoàn cảnh luận, giúp giải quyết vấn đề xung đột trong các nguyên tắc của tuyệt đối luận. Tức là, nếu con người xem thời như một chuẩn mực trong hành động đạo đức, thì các nguyên tắc có thể được ưu tiên dành cho thời cơ. Chống lại tương đối luận văn hoá mù quáng và thiếu đường hướng để làm hết mình với tư cách một nhà hoàn cảnh học có thể xem hợp thời là một chỉ dẫn. Hợp thời, do quan điểm công bằng trong dấn thân hiện sinh ủng hộ, cho phép con người nhận thức rằng nâng cao lợi ích của người khác có tương quan với lợi ích của chính bản thân mình.
Trích trang 263