Nguồn gốc phát xít của Bertelsmann – ông trùm đứng sau Penguin Random House

Trích đoạn từ cuốn sách "BERTELSMANN – Ẩn mình trong trụ sở nhỏ bé nhưng vẫn là hoàng đế của vũ trụ truyền thông".

BERTELSMANN – Ẩn mình trong trụ sở nhỏ bé nhưng vẫn là hoàng đế của vũ trụ truyền thông khám phá một trong những tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới, Bertelsmann Group, cùng với quỹ Bertelsmann Stiftung. Bertelsmann không chỉ là tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp thông tin mà còn là một biểu tượng cho sức mạnh ảnh hưởng tiềm ẩn, được quản lý từ một thị trấn nhỏ ở Gutersloh, Đức.

Cuốn sách mô tả Bertelsmann như một mạng lưới phức tạp bao gồm con người, các thể chế, chiến lược thị trường, và lợi ích chính trị, ẩn mình sau một hình ảnh khiêm tốn. Tuy Bertelsmann giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông toàn cầu, thông tin về hoạt động bên trong trụ sở của nó lại không được biết đến rộng rãi. Tác phẩm này cung cấp cái nhìn sâu rộng về cách thức Bertelsmann đã tăng trưởng từ một doanh nghiệp vừa và nhỏ sau Thế chiến II thành một tập đoàn khổng lồ dưới sự lãnh đạo của Reinhard Mohn và sau này là gia đình Mohn. Qua đó, cuốn sách không chỉ là một bức tranh toàn cảnh về sự thành công của Bertelsmann mà còn là một phân tích sâu sắc về sức mạnh và ảnh hưởng của tập đoàn trong ngành công nghiệp truyền thông toàn cầu. Nó khám phá mối quan hệ giữa quyền lực tập đoàn, sở hữu truyền thông và các vấn đề chính trị, qua đó đưa ra cái nhìn mới về sự phát triển của thị trường truyền thông hiện đại.

Giống như phần lớn các công ty truyền thông của Đức, Bertelsmann cũng là một doanh nghiệp gia đình: Sau Thế chiến II và dưới sự lãnh đạo của Reinhard Mohn, nó phát triển từ một doanh nghiệp có quy mô tầm trung thành một tập đoàn lớn. Nhà Mohn vẫn giữ 19,1% cổ phần công ty và bà quả phụ Elizabeth Mohn cùng con trai bà là Christoph Mohn đều ở trong ban điều hành tập đoàn. Chương này khắc họa lịch sử kéo dài 185 năm của tập đoàn Bertelsmann, đồng thời tập trung vào vai trò của Bertelsmann trong thời kỳ Đức Quốc Xã và thời gian sau đó. 

Nhà xuất bản Bertelsmann được người thợ đóng sách kiêm thợ in Carl Bertelsmann lập ra vào năm 1835 ở thị trấn nhỏ Gutersloh (nằm ở tỉnh West-phalia của Phổ). Westphalia, với nhiều câu lạc bộ chính trị tự do, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nên cuộc Cách mạng Đức năm 1848/1849. Tuy nhiên, cư dân ở phía đông Westphalia, cùng các thị trấn của nó là Minden, Ravensberg và Gutersloh, vẫn kiên quyết đi theo đạo Tin lành bảo thủ. Chính nền tảng Cơ Đốc giáo bảo thủ này của tầng lớp tiểu tư sản đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ban đầu của nhà xuất bản sách non trẻ. Các tựa sách trong những năm đầu của Bertelsmann đều có liên quan đến gia đình, nhà thờ hoặc là các sách tuyển tập bài hát như Die kleine Missionsharfe[1] (1853). Ấn bản thứ 86 của tuyển tập này được xuất bản vào năm 1941. Khi đó, tổng lượng phát hành của nó đã đạt 2 triệu bản. Các tạp chí và báo do Bertelsmann phát hành còn có sức ảnh hưởng hơn cả mảng sách của họ. Chẳng hạn, thông qua tờ Volksblatt, Nhà xuất bản Bertelsmann đã đặt đặt mình lên vị trí đầu sóng ngọn gió trong cuộc phản cách mạng chính trị năm 1848. Đồng thời, tạp chí Evangelisches Monatsblatt für Westfalen thủ cựu của họ cũng sớm phát hành được 20.000 bản. Tạp chí duy trì đến năm 1929 (Friedlander và cộng sự, 2002a, trang 23).

Bertelsmann sản xuất các nội dung phổ thông và dân túy nhằm hướng đến những người theo đạo Tin Lành phản đối hiện đại hóa. Mặc dù điều này đóng vai trò quan trong đối với hình ảnh của chính nhà xuất bản, nhưng chìa khóa đưa đến thành công của họ lại nằm ở cơ sở hạ tầng phục vụ phân phối. Các cuốn sách mang màu sắc Cơ Đốc giáo ban đầu của Bertelsmann không nhắm vào những độc giả đơn lẻ trong các các hiệu sách. Chúng đều được bán cho những hiệp hội Cơ Đốc giáo, các nhóm thảo luận, nhà thờ, các nhóm kiên tín[2] , các lễ hội truyền giáo, các nhà tế bần, các trường học, các tổ chức giáo dục và các trường trung học tư do Carl Bertelsmann thành lập (tr. 24). Điều này có nghĩa là Bertelsmann tập trung vào các thị trường đại chúng và phân phối đại trà sản phẩm của mình một cách có hiệu quả từ rất sớm. 

Sự pha trộn giữa chủ nghĩa Đức và Cơ Đốc phái Phúc Âm của Bertelsmann đã định hình nên nhà xuất bản này trong hơn 100 năm. Khi Heinrich Bertelsmann qua đời vào năm 1887, dòng họ Bertelsmann cũng tuyệt diệt. Heinrich không có con trai, chỉ có một cô con gái tên là Friederike Bertelsmann. Cô kết hôn với Johannes Mohn, con trai một linh mục, người sau đó tiếp quản Nhà xuất bản Bertelsmann. Cho đến ngày nay, họ của Heinrich vẫn gắn liền với Bertelsmann. Vào giữa năm 2021, người phát ngôn của Bertelsmann là Liz Mohn đã trao lại chức vụ của mình cho con trai bà, Christoph Mohn. Vì vậy, tập đoàn Bertelsmann là sản nghiệp của thế hệ thứ 6 nhà Mohn (Jakobs, 2021). 

 

Bertelsmann trong thời kỳ Đức quốc xã

Vào ngày 10 tháng 7 năm 1998, Thomas Middelhoff, lúc đó là CEO của Bertelsmann, đã nhận được giải thưởng Vernon A. Walters danh giá từ Atlantic BridgeArmork Institute of the American Jewish Committee (Viện Armonk của Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ) tại New York. Trong bài phát biểu nhận giải của mình, ông nói: 

Tôi tự thấy mình may mắn khi được làm việc cho một công ty luôn ủng hộ tự do tôn giáo và chủng tộc. Trong suốt Thế chiến II, chúng tôi đã xuất bản những cuống sách bị Đế chế thứ ba cấm vì cho là “mang tính chống đối”. Sự hiện hữu liên tục của Bertelsmann là lời đe dọa đối với nỗ lực kiểm soát quyền tự do ngôn luận của Đức Quốc xã. 

(trong Bockelmann và Fischler, 2004, tr. 76)[3]

Quan điểm về việc Bertelsmann đem lại mối đe dọa cho Đức quốc xã thuyết phục đến nỗi khi Bertelsmann mua lại nhà xuất bản Random House của Hoa Kỳ chỉ vài tháng trước đó (nhà xuất bản này đã mua lại nhà xuất bản Do Thái nổi tiếng Schoken vào năm 1987), chi nhánh Hoa Kỳ của tổ chức Do Thái B’nai B’rith còn hoan nghênh thương vụ này vào tháng 7 năm 1998. Thậm chí, người ta còn tin rằng nhà xuất bản Bertelsmann từng bị quân phát xít đóng cửa. Tuy nhiên, lịch sử của Bertelsmann lại không vẻ vang đến thế (Schuler, 2004, tr. 137ff.).

Thực tế, câu chuyện về “sự kháng cự” cuối cùng này đã bị các học giả người Đức công khai chất vấn (Böckelmann và Fischler, 2004, tr. 71; Jewish News of Southern California, 1999). Điều này làm gia tăng sức ép dư luận đối với Bertelsmann ở Hoa Kỳ và công ty đã buộc phải thành lập một ủy ban sử gia độc lập nhằm điều tra vai trò của mình trong suốt thời kỳ Đức quốc xã. Kết quả của cuộc điều tra này là ấn phẩm hai tập có tên Bertelsman im Dritten Reich (Bertelsmann dưới thời Đế chế thứ ba). Mặc dù chứa đựng thông tin quý giá về lịch sử phức tạp của Đức quốc xã liên quan đến Bertelsmann, nhưng tác phẩm này cũng hạ thấp một số vấn đề mấu chốt về chính trị trong giai đoạn lịch sử đó (Friedlander và cộng sự, 2002a, 2002b)[4].

Dưới thời chủ tịch Heinrich Mohn, nhà xuất bản Bertelsmann trải qua giai đoạn củng cố, hiện đại hóa và phát triển quan trọng. Quãng thời gian 30 năm này bắt đầu bằng việc Heinrich Mohn đảm nhận công việc kinh doanh vào năm 1921 và kết thúc bằng việc con trai ông là Reinhard Mohn tiếp quản vào năm 1947. Những năm tháng Heinrich Mohn nắm quyền có liên quan mật thiết đến chủ nghĩa Quốc xã. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một chương của cuốn Bertelsmann im Dritten Reich, dài gần 40 trang, được dành riêng cho các cuốn sách bài Do Thái mà Bertelsmann từng xuất bản vào thời gian đó. Các tác giả của nghiên cứu này phân biệt bốn chủ đề bài Do Thái chính: (1) Nhiệm vụ của người Do Thái ở nước Đức, (2) chủng tộc và quốc tịch, (3) những tranh luận thần học về việc ai là dân “Aryan” và ai không phải là dân “Aryan”, (4) tác phẩm hư cấu bài Do Thái (Friedlander và cộng sự, 2002a, trang 297ff.). Trong thời gian từ năm 1932 đến năm 1944, một trong số các tác giả nổi bật của Bertelsmann là nhà thơ Đức quốc xã đồng thời cũng là một kẻ bài Do Thái cực đoan có tên Will Vesper. Ông ta có 13 tựa sách được in với số lượng lớn, và Heinrich Mohn đã dùng nỗ lực cá nhân để ký hợp đồng với ông ta. Vào năm 1933, Bertelsmann đã vinh danh Vesper bằng một quảng cáo toàn trang kèm chân dung của ông trên một tạp chí thương mại. Cùng năm đó, vào ngày 10 tháng 5, trong vụ đốt sách của Đức quốc xã (sự kiện mà Heinrich Mohn đã hoan nghênh bằng “những lời chúc mừng nồng nhiệt” [herzlichem Gluckwunsch]), Vesper đã chỉ trích những ảnh hưởng của người Do Thái đối với xã hội Đức: 

Chúng ta đang trong cuộc chiến […] với một cộng đồng vô liêm sỉ, trơ tráo, giết người vô cớ, đang đầu độc toàn diện và làm ô uế giới trí thức cũng như người châu Á. Và vì vậy chúng ta không thể làm được gì khác ngoại trừ chiến đấu để hủy diệt tinh thần của chúng, nếu không tinh thần của chúng ta sẽ bị hủy diệt, vì đồng loại của chúng hoặc của chúng ta ở Đức.

(tr. 319f.)[5]

Theo sự xét lại của Bertelsmann về lịch sử của hãng dưới thời Đức quốc xã, Heinrich Mohn không phải là thành viên của Đảng Quốc xã (nhưng chị gái Ursula của ông, một lãnh đạo ở nhà xuất bản, thì có). Tuy nhiên, ông ta vẫn là thành viên trong một số tổ chức của Đức quốc xã, như Reichsschrifttumskammer, cũng như các hiệp hội nghề nghiệp khác. Đồng thời Mohn đã ủng hộ cho nhiều hiệp hội của Đức quốc xã và Đảng Quốc xã thông qua các khoản quyên góp tài chính; ngoài ra, ông cũng là một “thành viên ủng hộ” (Forderndes Mitglied) của Schutzstaffel (SS), quân đoàn tinh nhuệ mặc đồng phục màu đen và tự nhận là “các chiến binh chính trị” của Đảng quốc xã (Friedlander và cộng sự, 2002b). Thế nhưng, cuối cùng thì câu hỏi về tư cách thành viên cá nhân của chủ nhà xuất bản này trong các tổ chức của Đức quốc xã lại không có ý nghĩa nhiều bằng chính sách xuất bản của ông ta. 

 

Doanh số lớn và lợi nhuận cao

Theo doanh số bán hàng, nhà xuất bản Bertelsmann có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Đức quốc xã: Công ty đạt doanh thu cao nhất với 8 triệu Reichsmark vào năm 1941, tức năm diễn ra cuộc chiến, và có số lượng nhân viên cao nhất vào năm 1939 (440 người) và năm 1940 (436 người) (tr. 566). Dấu hiệu rõ ràng nhất cho mối quan hệ cộng sinh giữa nhà xuất bản này với chính quyền Đức quốc xã là bộ sách đặc biệt của Bertelsmann dành cho lực lượng vũ trang (Wehrmacht). Trong số nhiều nhà xuất bản tại Đức đã cung cấp cho khoảng 18 triệu binh lính và thành viên của lực lượng Waffen-SS tài liệu giải trí và các ấn phẩm đọc khác trong suốt thời chiến, Bertelsmann đứng đầu với 19 triệu cuốn sách chỉ dành riêng cho nhóm độc giả này. Bertelsmann thậm chí còn vượt qua cả Eher-Verlag, nhà xuất bản của Đảng Quốc xã. Bất chấp mọi hoạt động của thị trường tự do, đối với Bertelsmann thì thỏa thuận này là phi vụ không có tính cạnh tranh, không có rủi ro và, có thể nói là chắc chắn thành công. Người ta có thể so sánh nó với nhà máy thuốc lá Reemtsma ở Hamburg, nơi nắm độc quyền cấp thuốc lá cho lực lượng Wehrmacht. Nội dung trong các cuốn sách dành cho lực lượng Wehrmacht của Bertelsmann ít nặng về chủ nghĩa quân phiệt và tư tưởng phát xít mà tập trung vào tính giải trí nhẹ nhàng: Dù các tác giả cổ điển cũng như các tác giả của Đức quốc xã như Will Vesper, Hans Grimm và Kurt Ziesel đều được xuất bản, nhưng phần lớn sách vẫn mang tính chất giải trí, hồi hộp và hài hước.

Ngày 1 tháng 5 năm 1933, Đức quốc xã cấm các công đoàn tự do trong nước và thay thế tất cả bằng Mặt trận Lao động Đức (DAF). Dưới biểu ngữ tư tưởng của chủ nghĩa phát xít Đức, hiệp hội này đã hợp nhất chủ sử dụng lao động và người lao động vào một cộng đồng lợi ích và dường như đã xóa bỏ những khác biệt giữa họ. Cách tiếp cận này nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ Bertelsmann. Nhà xuất bản Thiên Chúa giáo này từng có thời luôn xem trọng bầu không khí làm việc hòa hợp: Ban quản lý luôn quan tâm đến phúc lợi của nhân viên, các lễ kỷ niệm và ăn mừng của công ty luôn được hoan nghênh nhằm tôn vinh “Gia đình Bertelsmann”. Điều này vẫn đúng. Bên cạnh đó, mô hình chia sẻ lợi nhuận, mà sau năm 1945 có nhiều hình thức khác nhau, cũng vẫn là một đặc điểm nổi bật của tập đoàn Bertelsmann. Điều này có nghĩa là các nhân viên của Bertelsmann có thể mua cổ phiếu tiết kiệm thuế (hoặc hưởng lợi từ lợi nhuận của công ty theo những cách khác). Tập đoàn thanh toán số cổ phiếu này dưới dạng các khoản cho vay lãi suất thấp và do đó nhận được một dòng vốn lớn. Trong khi hình thức đồng sở hữu này chỉ áp dụng cho nhân viên của công ty, thì các nhân viên này (không giống những cổ đông truyền thống) lại không có quyền biểu quyết đối với các vấn đề của công ty (xem Chương 5). 

Sau năm 1945, được hỗ trợ từ các nguồn dự trữ tài chính và 550 tấn giấy từ thời Đức quốc xã, nhà xuất bản Bertelsmann đã có bước nhảy vọt thành công vào một kỷ nguyên được cho là mới (tr. 515). Tất nhiên, nhà xuất bản kỳ thực không phải khởi nghiệp lại từ đầu. Cuốn sách hư cấu đầu tiên của Bertelsmann xuất bản sau khi nước Đức được giải phóng là Der Trost Gottes. Predigten in schweren Zeiten (Sự an ủi của Chúa. Những bài giảng lúc khó khăn) của tác giả Paul Althaus. Ấn phẩm này ra mắt vào tháng 1 năm 1946 với 10.000 bản in, một con số lớn vào thời điểm đó. Thoạt nhìn, tiêu đề này có vẻ hợp thời khi xét đến thời kỳ hậu chiến thảm khốc ở Đức. Tuy nhiên, câu chuyện còn phức tạp hơn thế. Trong nhiều thập kỷ, Althaus là một trong số những tác giả thần học chủ chốt của nhà xuất bản Bertelsmann. Thế nhưng, trong giáo hội Tin Lành, ông ta đồng thời cũng là một kẻ bài Do Thái khét tiếng. Bài thuyết giáo đầu tiên trong cuốn sách phát hành năm 1946 của Althaus được thực hiện vào ngày 30 tháng 11 năm 1941 – một ngày sau khi Hamburg bị ném bom nặng nề – có nội dung như sau: “Gặp lúc khó khăn, chúng ta nên nghiêm khắc với bản thân và dũng cảm lên. Chúa Jesus không phải là vị cứu tinh của những kẻ đang sụt sùi muốn chạy trốn về mặt tinh thần trước ngoại cảnh khắc nghiệt ở thời đại này” (Althaus, 1946, tr. 13f.). Không lâu trước khi cuộc chiến kết thúc, vào tháng 4 năm 1945, Althaus viết rằng “linh hồn và văn hóa của dân tộc chúng ta ra đời cũng như lớn lên nhờ sự gặp gỡ giữa Chúa Jesus với tinh thần Đức” (tr. 229)[6]. Tương tự như Althaus, những cuốn sách hư cấu khác ra mắt từ năm 1946 đều không chỉ dừng lại ở việc khai thác kho tàng cũ thời Đức quốc xã.

“Nếu bạn không thể bơi ngược dòng thì tốt nhất nên xuôi theo dòng” – đúng với phương châm này, Heinrich Mohn, người từng có quan hệ thân thiết với Đức Quốc xã, đã nhanh chóng chấp nhận sự chiếm đóng của Hoa Kỳ. Là người cơ hội về mặt chính trị, vào năm 1946 ông đã cho in những đạo luật mới của chính phủ chiếm đóng Hoa Kỳ cũng như những cuốn sách giáo khoa mới được quân Đồng minh phê duyệt. Tổng lượng phát hành của các ấn phẩm này là 140.000 bản (Friedlander và cộng sự, 2002b, tr. 497).

 

Bertelsmann sau năm 1945

Sau năm 1945, thị trường của Bertelsmann phát triển song hành với sự bùng nổ kinh tế ở Cộng hòa Liên bang Đức (FRG), và Bertelsmann nhanh chóng trở thành một trong số các nhà xuất bản lớn nhất cả nước (Gottert, 2001, trang 17). Trong những năm 1960, công ty mở rộng các hoạt động sang các nước châu Âu khác, và vào thập niên 70 thì hướng đến thị trường Hoa Kỳ (ví dụ: bằng cách mua lại 51% cổ phần của Bantam Books). Càng ngày Bertelsmann càng phải đối mặt với các luật chống độc quyền. Chẳng hạn, năm 1977, Văn phòng Quản lý cạnh tranh Liên bang Đức (Federal Cartel Office – FCO) đã tiến hành điều tra Bertelsmann vì nhà xuất bản lên kế hoạch mua lại nhà xuất bản Wihelm Goldmann có trụ sở tại Munich. Khi đó, Bertelsmann đã là tập đoàn truyền thông lớn nhất nước Đức, sở hữu 80 công ty và doanh thu thường niên đạt 2,4 triệu Deutschmark vào năm 1975/1976 chỉ với chưa đến 22.000 nhân viên. Dù lo ngại về “nguồn tài chính” (finanziellen Ressourcen) của tập đoàn, nhưng Văn phòng Quản lý cạnh tranh Liên bang Đức cũng thông qua việc sáp nhập này chỉ sau một kiểm tra ngắn gọn (xem Verflechtungen, Zusammenschlüsse und Verbindungen von Verlagen, 1977)[7]. Vào những năm 1980, khi phát thanh truyền hình tư được đưa vào Cộng hòa Liên bang Đức, Bertelsmann đầu tư mạnh tay vào truyền hình thương mại, và ở thập niên 90, công ty đã trở thành tập đoàn truyền thông lớn thứ hai thế giới: Nó mở rộng các mối quan hệ kinh doanh đến Trung Âu và Đông Âu, có khoảng 350 công ty con trực thuộc và khoảng 45.000 nhân viên. Chỉ riêng trong giai đoạn 1990 – 1991, Bertelsmann đạt doanh số 14,5 tỷ Deutschmark, trong đó có 63% đến từ hoạt động kinh doanh bên ngoài nước Đức, chủ yếu là ở Hoa Kỳ (xem Becker, 2017, 1985a, 1985b; Böckelmann và Fischler, 2004; Becker và Bickel, 1992).

Mô hình câu lạc bộ sách của Bertelsmann có tên Lesering (vòng đọc) được lập ra vào năm 1950. Nó tồn tại đến năm 2014 và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển mới của công ty. Ở thời kỳ đỉnh cao của nó trong giai đoạn 1990 – 1991, câu lạc bộ Lesering có 7 triệu thành viên. Gunter Ehni và Frank Weissbach (1967) phát hiện ra rằng gần một nửa số sách của câu lạc bộ là tiểu thuyết giải trí (tr. 86). Tương tự, Michael Kollmannsberger (1995) nhận thấy Lesering chủ yếu quảng bá sách văn học giải trí nhẹ nhàng và các tựa sách ăn khách (tr. 132f).

Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 trên tạp chí Lesering-Illustrierte, ấn phẩm lưu hành nội bộ trong câu lạc bộ, các cuốn sách được quảng cáo đến độc giả với những khẩu hiệu như “kho báu từ giá sách của cha” (Schatze aus Vaters Bucherregal), “vật trang trí cho mọi giá sách” (Zierde jedes Bucherregals) và “tô điểm cho ngôi nhà đồng thời tạo ra sự khác biệt cho gia chủ” (Schmuck der Wohnung und zugleich eine Auszeichnung fur den Besitzer). Nhiều cuốn sách của Lesering còn được bọc da một phần và dát vàng rập nổi, khiến chúng trở thành “những biểu tượng địa vị giá trị” (wertvolle Statussymbole), thứ “không chỉ mang tính giải trí hoặc cung cấp kiến thức, mà đồng thời còn làm đẹp cho nhà cửa, làm người bạn tốt giúp cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú và làm món quà tặng lý tưởng”[8]. Nói cách khác, sách của Bertelsmann là phụ kiện cho những người muốn leo cao trên thang xã hội trong suốt thời kỳ phát triển kinh tế thần kỳ ở Đức vào thập niên 1950 – 1960. Việc đọc liên quan đến địa vị xã hội của một người chứ không xuất phát từ động cơ nội tại. Do đó, sự gia tăng số lượng người đăng ký tham gia câu lạc bộ Lesering của Bertelsmann tượng trưng cho sự phi chính trị hóa một cách tổng quát hơn đối với một bộ phận người dân, chứ không phải cho trạng thái chính trị hóa gia tăng của họ[9] .

 

Chú thích:

[1] “The Little Mission Harp” bao gồm tuyển tập bài hát dành cho những sự kiện tôn giáo hoặc các nhiệm vụ giảng đạo.

[2] Confirmation groups: các nhóm được tổ chức bởi nhà Thờ để hỗ trợ, giáo dục, và chuẩn bị cho các cá nhân trải qua các bí tích.

[3] Nguyên văn: “Ich schatze mich glucklich fur ein Unternehmen zu arbeiten, das sich schon immer fur die Freiheit der Religionen und Rassen eingesetzt hat. Wahrend des Zweiten Weltkriegs haben wir Bucher publiziert, die vom Dritten Reich als ‚subversiv‘ verboten wurden. Das Weiterbestehen von Bertelsmann war eine Bedrohung fur die Nazis bei ihrem Versuch, die Meinungsfreiheit unter ihre Kontrolle zu bringen.”

[4] Các tác giả khác đã đưa ra những lý thuyết nhằm đánh giá lại quá khứ liên quan đến Đức Quốc xã của Bertelsmann, đồng thời so sánh những đánh giá này với các chiến lược đánh giá lại những vết “đen” của các công ty khác (ví dụ như Booth và cộng sự, 2007).

[5] Nguyên văn: “Wir stehen im Krieg [.] gegenuber einer frechen, schamlosen, morderischen Gesellschaft wurzelloser, alles vergiftender und verseuchender Literaten und Asiaten. Und so bleibt uns gar nichts als Kampf bis zur Vernichtung ihres oder unseres Geistes, ihrer oder unserer Art in Deutschland.”

[6] Nguyên văn: “In harter Zeit sollen auch wir hart mit uns selbst und tapfer sein. Jesus Christus ist kein Heiland fur wehleidige Leute, die sich der Harte unserer Zeit innerlich entziehen mochten” and “Geist und Kultur unseres Vol- kes aus der Begegnung Jesu Christi mit dem germanischen Wesen geboren und gewachsen sind.”

[7]  Chưa bao giờ kể từ lúc được lập ra vào năm 1958, Văn phòng Quản lý cạnh tranh Liên bang Đức lại cấm bất kỳ cuộc sáp nhập lớn nào giúp gia tăng sự thâu tóm trong lĩnh vực truyền thông của người Đức. Từ năm 1977, luật chống độc quyền của Đức đã chuyển từ cấp độ quốc gia sang cấp độ châu Âu. Ở thời điểm viết cuốn sách này, các cơ quan quản lý cạnh tranh của EU đang hỗ trợ cho các tập đoàn truyền thông lớn của châu Âu cạnh tranh trên toàn cầu.

[8] Nguyên văn: “die nicht nur unterhalten oder Wissen vermitteln, sondern gleichzeitig das Zuhause verschönern, unser Leben als gute Freunde bereichern und ideale Geschenke sind.” 

[9] Nhiều nghiên cứu về Lesering của Bertelsmann nhầm lẫn việc mở rộng thị trường với quá trình dân chủ hóa. Những nghiên cứu này, do Bertelsmann ủy quyền, được thực hiện bởi các học giả (dân chủ xã hội) như Wolfgang Langenbucher và Peter Glotz trong những năm 1970 và 1980. Việc đề cập đến các nhà dân chủ xã hội ở đây rất quan trọng bởi vì, trong khoảng 20 năm, Bertelsmann đã tìm kiếm sự gần gũi về mặt chính trị với đảng này. Nhà nghiên cứu truyền thông Peter Glotz là giám đốc điều hành của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) từ năm 1981 đến năm 1987, và cựu bộ trưởng tài chính liên bang SPD Manfred Lahnstein đã làm việc trong ban điều hành và giám sát của Bertelsmann từ năm 1983 đến năm 2004. Với tình bạn cá nhân giữa Liz Mohn và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thuộc Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Tập đoàn Bertelsmann từ lâu đã xích lại gần hơn với đảng bảo thủ CDU. Các chính trị gia CDU quan trọng nhất có mối liên hệ với Tập đoàn Bertelsmann là Tim Arnold, Elmar Brok, Horst Teltschick và Klaus-Peter Siegloch.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Althaus, P. (1946). Der Trost Gottes. Predigten in schwerer Zeit. Gutersloh: Bertelsmann. 
  2. Becker, J. (1985a). Activities in foreign countries and new technologies of a transnational corporation: the example of Bertelsmann. Media, Culture and Society, Vol. 7 (3), 313–330. doi: 10.1177/016344385007003004. 
  3. Becker, J. (1985b). Ein multinationaler Informationskonzern angesichts neuer Technologien: Bertelsmann. In: P. H. Mettler (Ed.), Wohin expandieren Multinationale Konzerne? (pp. 24–41). Frankfurt: Haag and Herchen Verlag. 
  4. Becker, J. (2017). Bertelsmann SE and Co. In B. Birkinbine, R. Gomez, and J. Wasko (Eds.), Global Media Giants (pp. 144–162). New York: Routledge. 
  5. Becker, J., and Bickel, S. (1992). Datenbanken und Macht. Konfliktfelder und Handlungsräume. Opladen: Westdeutscher Verlag, p. 107 ff. 
  6. Bockelmann, F., and Fischler, H. (2004). Bertelsmann: Hinter der Fassade des Medienimperiums. Frankfurt: Eichborn.
  7. Booth, C., Clark, P., Delahaye, A., and Procter, S. (2007). Accounting for the dark side of corporate history: organizational culture perspectives and the Bertelsmann case. Critical Perspective on Accounting, Vol. 18 (6), 625–644. doi: 10.1016/j. cpa.2007.03.012. 
  8. Dumont, V. (2017). Charakteristika der Literatur- und Buchdiskurse in den Mitgliederzeitschriften der Buchergilde Gutenberg und des BertelsmannLeserings in den 1950er Jahren. GutenbergJahrbuch. Wiesbaden: Harrassowitz. 
  9. Ehni, G., and Weissbach, F. (1967). Buchgemeinschaften in Deutschland. Hamburg: Verlag fur Buchmarkt-Forschung. 
  10. Friedlander, S., Frei, N., Rendtorff, T., and Wittmann, R. (2002a). Bertelsmann im Dritten Reich (Vol. 1). Munchen: Bertelsmann. 
  11. Friedlander, S., Frei, N., Rendtorff, T., and Wittmann, R. (2002b). Bertelsmann 1921– 1951. Gesamtverzeichnis (Vol. 2). Munchen: Bertelsmann. 
  12. Gottert, J.M. (2001). Die Bertelsmann Methode: Die 10 Erfolgsgeheimnisse des vielseitigsten Medienunternehmens der Welt. Munchen: Redline.
  13. Jakobs, H.-J. (2021, June 11). Wachwechsel in Gutersloh: Liz Mohn ubergibt die Macht bei Bertelsmann an ihren Sohn. Handelsblatt. Retrieved from: https:// www.handelsblatt.com/unternehmen/ mittelstand/familienunternehmer/ medienkonzern-wachwechsel-ingueterslohliz-mohn-uebergibt-die-machtbei-bertelsmann-an-ihren-sohn/27278168. html [09/03/2022] 
  14. Jewish News of Southern California (1999, January 15). New owner Random House under scrutiny for wartime past. Retrieved from https://www.jweekly. com/1999/01/15/new-owner-of-randomhouse-under-scrutinyfor-wartime-past 
  15. Kollmannsberger, M. (1995). Buchgemeinschaften im deutschen Buchmarkt: Funktionen, Leistungen, Wechselwirkungen. Wiesbaden: Harrassowitz. 
  16. Schuler, T. (2004). Die Mohns: Vom Provinzbuchhändler zum Weltkonzern: Die Familie hinter Bertelsmann (Vol. 61572). Frankfurt/New York: Campus Verlag/ Verflechtungen, Zusammenschlusse und Verbindungen von Verlagen. Zusammenschluss von Goldmann- und Bertelsmann-Verlag (1977). German National Archive Koblenz. B_145_11958.

Bản lưu Sự kiện ra mắt bộ sách Global Media Giants - Các tập đoàn truyền thông chi phối thế giới thực

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *