0
Người nghèo đô thị : biểu tượng và động lực cho sự phát triển – Edward Glaeser
Trích đoạn Chương 3, sách “Chiến thắng của đô thị” của Edward Glaeser.
Edward Glaeser là một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, chuyên nghiên cứu về kinh tế đô thị. Ông hiện là giáo sư tại Đại học Harvard và là giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đô thị Taubman. Công trình nghiên cứu của Glaeser tập trung vào cách các thành phố thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có cuốn sách “Chiến thắng của đô thị”, nơi ông lập luận rằng thành phố là nguồn gốc của sự thịnh vượng và sáng tạo. Các nghiên cứu của Glaeser không chỉ có ảnh hưởng lớn trong học thuật mà còn góp phần định hình chính sách đô thị trên toàn thế giới.
Hai nghìn năm trăm năm trước, Plato đã nhận thấy rằng “ở bất kỳ thành thị nào, dù nhỏ bé, trong thực tế cũng đều bị chia làm hai, một cho dân nghèo, và một cho người giàu.” Hầu hết mỗi thành phố ở các quốc gia đang phát triển đều có những nơi nghèo nàn, những khu ổ chuột. Ở một vài nơi, như Kolkata hay Lagos, sự nghèo đói có thể nhiều và cực đoan đến mức các nhà quan sát không thể không xem cả thành phố như địa ngục. Ngay cả tại các nước phát triển, thành thị cũng nghèo nàn chẳng kém. Ở Mỹ, tỷ lệ đói nghèo trong các khu đô thị là 17,7% và ngoại ô là 9,8%.
Sự phổ biến khủng khiếp của cảnh nghèo đói tại thành thị tựa hồ quy kết cho các thành phố là nơi bất bình đẳng và túng thiếu. Nhiều nhà phân tích đô thị nhìn thấy một cuộc khủng hoảng lớn trong vấn đề siêu đô thị, điều thường có nghĩa là số lượng rất lớn người nghèo đang sống ở Mumbai hay Mexico City. Có vẻ như đối với nhiều người thì hạn chế sự phát triển của các siêu đô thị, mà cư dân cũng như tình trạng bẩn thỉu của chúng đang gồng gánh hàng triệu mảnh đời khắc nghiệt, bế tắc này là điều sáng suốt. Tại các nước phát triển, nhiều sự bình đẳng có thể xuất hiện ở những vùng ngoại ô ấm cúng, đồng đều hơn là ở các vực thẳm đô thị đặc biệt ngăn giữa một tỷ phú ở Đại lộ số 5 với một đứa trẻ khu ổ chuột.
Tuy vậy, đoạn văn bản trên đây lại đầy rẫy những điều trái khoáy. Sự hiện diện của nghèo đói ở các thành phố từ Rio đến Rotterdam phản ánh sức mạnh thành thị chứ không phải tình trạng yếu kém. Các siêu đô thị không quá lớn. Việc hạn chế sự phát triển của chúng sẽ gây ra khó khăn đáng kể hơn là lợi ích, và phát triển đô thị là một phương án tuyệt vời để giảm đói nghèo nông thôn. Nhìn chung, thế giới trông có vẻ quân bình của vùng ngoại ô lại là một vấn đề xã hội trên nhiều khía cạnh, đặc biệt đối với những người không thể tạo ra được các giá trị cho nó, hơn là thế giới bất công nơi thành thị. Các thành phố tràn ngập dân nghèo không phải vì chúng làm cho người ta nghèo đi mà bởi chúng thu hút người nghèo tới với viễn cảnh cuộc đời tươi sáng hơn. Tỷ lệ nghèo đói của nhóm người mới đến các thành phố lớn cao hơn tỷ lệ nghèo đói của những cư dân lâu năm, điều này cho thấy rằng, theo thời gian, cơ hội của những người sống ở thành thị có thể được cải thiện một cách đáng kể. Các cư dân nghèo hơn đến thành phố từ những nơi khác không hề sai lầm hay điên rồ.
Họ tụ tập ở các khu vực thành thị vì thành phố mang đến những lợi ích mà họ không thể tìm thấy ở quê nhà. Vấn đề to lớn của các khu ổ chuột không phải là có quá nhiều người sinh sống trong một đô thị, mà là những cư dân đó thường bị mất sự nối kết với trung tâm kinh tế của thành phố. Số lượng lớn người nghèo ở thành thị đưa đến các thách thức buộc phải đối mặt, và đó là chủ đề của chương tiếp theo, nhưng tốt hơn hết hãy hy vọng vào một thế giới nơi các thành phố có thể đáp ứng được hàng triệu người dân nghèo ở nông thôn hơn là ước rằng những người dân di cư tiềm năng sẽ kết thúc những ngày của họ trong sự biệt lập nông nghiệp.
…
Những yếu tố nào thu hút người nghèo đến các khu đô thị? Trên hết, họ đến vì công việc. Mật độ đông đúc của thành thị khiến giao thương diễn ra; nó cho phép hình thành các thị trường. Thị trường quan trọng nhất thế giới là thị trường lao động, nơi mà ở đó một người có năng lực cho những người có tài chính thuê. Tuy nhiên, các thành phố còn đem đến nhiều hơn việc chỉ cho phép người lao động và nhà tư bản tương tác với nhau. Chúng thường có đến hàng ngàn công việc; một thành phố lớn là một danh mục đầu tư đa dạng của các chủ lao động. Nếu một chủ lao động trong thành phố phá sản, thì sẽ có một (hoặc hai hoặc mười) người khác thế chỗ. Nhiều chủ lao động như vậy có thể không đảm bảo chống lại được sự suy thoái toàn cầu của một cuộc đại khủng hoảng, thế nhưng nó chắc chắn xoa dịu được sự lên xuống thường lệ của thương trường. Thành phố một-công-ty như Hershey, Pennsylvania, phụ thuộc vào một chủ lao động duy nhất, và cuộc sống của các công nhân cũng phụ thuộc vào việc người chủ đó thành công hay thất bại. Còn ở New York hay Rio de Janeiro, nơi có quá nhiều các nhà máy công nghiệp khác nhau, thì không như vậy. Một nghiên cứu kinh điển được thực hiện bởi hai nhà kinh tế học đã chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp cao hơn gần 3% trong thời kỳ suy thoái ở thập niên 70 và 80 tại những nơi thiếu đi sự đa dạng của các chủ lao động. Sự muôn hình vạn trạng của các công việc thành thị cũng cho phép người ta nhận ra cái gì họ có thể và không thể làm tốt. Hàng thiên niên kỷ, phần lớn con người đều lao động quần quật trên các cánh đồng mà không màng đến việc họ có bất kỳ khả năng làm đất nào hay không. Ở thành phố, người ta có thể chuyển từ công ty này sang công ty khác, từ ngành này sang ngành khác. Khi nhảy việc, người ta sẽ hiểu ra mình thích làm gì và giỏi việc gì. Thế giới sẽ tổn thất đến thế nào nếu Thomas Edison hay Henry Ford bị ép phải dành cả ngày cho việc đồng áng như vậy?
…
Không có gì lạ khi nhận ra những vấn đề hết sức thực tế của các siêu đô thị nghèo và nghĩ rằng người dân nên quay trở lại với làng mạc của họ, nhưng các thành phố, không phải các trang trại, sẽ cứu lấy những quốc gia đang phát triển. Nhiều nước nghèo khốn khó vì đất kém chất – đó là một lý do giải thích vì sao những nước này lại nghèo – bởi vậy mà họ sẽ chẳng bao giờ có khả năng trở thành các nước dẫn đầu nền nông nghiệp thế giới. Những cải thiện trong khả năng sản xuất nông nghiệp điển hình bao gồm công nghệ mới, thứ có thể giảm bớt số người làm việc trên các cánh đồng. Chỉ riêng thực tế ấy cũng đủ thấy không có vẻ gì là việc canh tác tốt hơn sẽ đem đến sự thịnh vượng ở quy mô rộng lớn. Và những vùng nông thôn đang phát triển của các nước nghèo vốn ắt phải gặp khó khăn bởi vì chi phí cung cấp cơ sở hạ tầng giữa các khoảng cách lớn quá đắt đỏ. Những ngôi làng nông thôn nghèo nàn dường như có vẻ giống với một khung cửa sổ hướng về phía quá khứ xa xôi, nơi rất ít có sự thay đổi trong hàng thiên niên kỷ. Các thành phố là những cơn gió lốc không ngừng vận động, luôn luôn thay đổi, đưa đến vận may cho một vài người và đau khổ cho những người khác. Một thành phố có thể mang tới viên đạn, song nó cũng có thể đem lại cơ hội cho cuộc đời giàu có hơn, khỏe mạnh hơn, tươi sáng hơn – cái có thể đến từ việc kết nối với toàn bộ hành tinh. Cuộc sống trong một ngôi làng nông thôn có thể an toàn hơn cuộc sống trong một favela, nhưng nó là sự an toàn của cái nghèo đói không hồi kết cho các thế hệ. Hiện trạng ở những nơi nghèo nhất thế giới thật khủng khiếp, đó là lý do vì sao con tàu lượn thành thị đem đến quá nhiều điều, đặc biệt bởi các thành phố có thể trao truyền sự hiểu biết cho những quốc gia cần tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Dòng người di cư đổ xô về các thành phố chắc chắn gây sức ép lên cơ sở hạ tầng đô thị; đó là một trong những lý lẽ quen thuộc ngăn cản sự phát triển của các siêu đô thị. Tuy nhiên, trong khi một dòng người nhập cư mới làm xuống cấp chất lượng đường xá và nguồn nước của các thị dân lâu năm, thì đồng thời những người mới đến này cũng đi từ việc hầu như không có bất cứ cơ sở hạ tầng nào đến tận hưởng tất cả các lợi thế – cái có được từ sự tiếp cận với giao thông và các dịch vụ công tốt. Thật sai lầm khi gìn giữ chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị bằng cách ngăn người dân tận hưởng cơ sở hạ tầng đó. Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị để từ đó thêm nhiều người dân có thể hưởng lợi mới là hợp lẽ hơn – và mang lại lợi ích kinh tế hơn cho quốc gia nói chung.
Từ trước đến nay, các chính phủ đã tích cực hành động, thậm chí chẳng bao giờ đủ, để giải quyết vấn đề nghèo đói ở thành thị hơn là nghèo đói ở nông thôn. Điều này cũng diễn ra ở Brazil trong hơn một thế kỷ. Sau cùng, Rio là thủ đô cho đến năm 1960, và các favela vẫn kề bên những dinh thự thuộc về giới tinh hoa của đất nước. Từ đầu những năm 90, Brazil khởi động một chiến dịch y tế cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng y tế cho các favela ở Rio. Chính phủ bắt đầu với chiến dịch tiêm chủng và cuối cùng là đưa trường học cũng như một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến các favela. “Thành phố của Chúa” từng truyền cảm hứng cho một bộ phim điện ảnh về sự đói nghèo của Rio là sự cố gắng của chính phủ nhằm cải thiện chất lượng nơi ăn chốn ở cho các cư dân favela. Trị an là vấn đề nan giải hơn, nhưng chí ít thì tội phạm trong các favela được xem như một vấn đề quốc gia để được chính phủ giải quyết. Kết quả là một vài nguồn lực nhắm đến mục tiêu cải thiện cuộc sống của người nghèo ở thành thị, trong khi những người nghèo ở nông thôn, những người ít hiện diện hơn, ít được hướng đến hơn.
Kết quả mỉa mai đáp lại những nỗ lực cải thiện cuộc sống cho người nghèo ở Rio đó là vẫn có thêm nhiều người nghèo đổ về các favela, một nghịch lý cái nghèo thành thị trong thực tế. Nếu một chính phủ đáp ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho thành phố thay vì ở vùng quê, thì sau đó những dịch vụ này sẽ thu hút thêm nhiều người nghèo tìm đến các khu vực thành thị. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải thiện mức độ đói nghèo trong một thành phố đơn lẻ đều có thể phản tác dụng và làm gia tăng mức độ nghèo đói trong thành phố do thu hút thêm nhiều người nghèo.
…
Cũng giống như trong các favela ở Rio, mật độ dày đặc tại Đông Boston cho phép dân nghèo bán sức lao động của họ, cũng đồng thời cho phép vi khuẩn lây lan, và Patrick Kennedy qua đời vì bệnh dịch tả. Con trai của Kennedy, tuy vậy, cũng tên là Patrick, lại phát đạt. Anh ta bắt đầu làm việc trên bến tàu và dành đủ tiền để mua một quán rượu. Không lâu sau đó, anh ta sở hữu quán rượu thứ hai và rồi mở cái thứ ba, phục vụ ngày càng nhiều cho những người Boston giàu có hơn. Anh ta mở rộng việc kinh doanh của mình bằng việc nhập khẩu rượu whiskey.
Patrick Kennedy đi theo hình mẫu của vị thống đốc bang Massachusetts, Sam Adams, kết hợp rượu và chính trị. Ông được bầu vào cơ quan lập pháp Massachusetts lần đầu năm 1884 và đảm nhiệm một số nhiệm kỳ với chức vụ đại biểu rồi sau đó là thượng nghị sĩ bang. Năm 1888, đứa con trai của một người nhập cư nghèo khổ này đã thăng tiến đủ để phát biểu một bài diễn văn tại Đại hội Đảng Dân chủ. Sự phát đạt của Patrick Kennedy cho phép ông gửi cậu con trai thông minh của mình, Joseph, đến Harvard. Những mối quan hệ chính trị của Kennedy khiến việc con trai ông sẽ kết hôn với cô con gái xinh đẹp của thị trưởng thành phố Boston John F. “Honey Fitz” Fitzgerald là bình thường. Joe Kennedy bắt đầu làm việc cho chính phủ với vai trò nhân viên giám sát tài khoản ngân hàng, sau đó tiếp quản một ngân hàng mà cha của ông nắm đáng kể cổ phần. Ông kiếm được cả một gia tài ở phố Wall vào những năm 1920 bằng những cách có thể chấp nhận được. Một điều cũng rất quan trọng, ông ta ra ngoài kịp lúc và tìm được cách sinh lời, như đầu tư vào bất động sản và rượu Anh chẳng hạn. Những người con trai của ông, tất nhiên, đều đã tạo dựng nên triều đại chính trị vĩ đại của nước Mỹ.
Các thành phố có một sức hút lâu dài với dân nhập cư như Patrick Kennedy; tính đến năm 2008, 36% người dân New York là những người được sinh ra ở nước ngoài và 48% nói một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh ở nhà. Những con số tương tự trên toàn nước Mỹ nói chung là 13% và 20%. Giống như các thành phố có lợi cho người nhập cư, thì người nhập cư cũng có ích cho các thành phố. Boston nợ nhà Kennedy rất nhiều, cũng như New York nợ những tên tuổi khác, từ Andrew Carnegie đến Al Jolson tới Zubin Mehta. Thực vậy, như chúng ta đã biết, thì trong 118 năm tính từ 1891 tới 2009, có đến 12 năm Dàn nhạc giao hưởng New York phụ thuộc vào các nhạc trưởng người nước ngoài. Không cần phải nói, nhiều yếu tố dân túy của văn hóa New York, như bánh vòng, pizza và gà Cung Bảo, cũng đều là quà tặng của dân nhập cư.
…
Các thành phố không chỉ kết nối những người lao động thiếu vốn với những ông chủ giàu có; chúng còn đem đến rất nhiều cơ hội việc làm cho phép người nghèo (thực ra là cho tất cả mọi người) nhận ra những tài năng mà nếu không có đô thị thì có thể họ sẽ chẳng bao giờ biết là mình đang sở hữu. Nhà kinh tế học vĩ đại của Đại học Chicago, George Stigler, từng có lần viết rằng: “Trong một hệ thống thiếu hiểu biết, Enrico Fermi sẽ là một người làm vườn, còn von Neumann thành nhân viên thu ngân trong hiệu thuốc.” Viễn cảnh của Stigler về hai bộ não tinh vi nhất thế kỷ XX làm những công việc bế tắc như vậy thật đáng sợ. May mắn là cả hai người đều sinh trưởng trong những thành phố lớn và có nền tảng với nhiều đặc quyền, cũng như tài năng toán học và khoa học được phát hiện từ sớm. Tương tự như vậy, Boston đưa tài năng của Patrick Kennedy thăng hoa theo cách mà vùng nông thôn Ireland không thể làm được.