Mối quan hệ Truyền thông và Quyền lực quốc gia qua trường hợp Grupo Prisa

Trích đoạn từ cuốn sách "GRUPO PRISA - Truyền thông nâng cao dân trí và vì tiếng nói của người dân".

Grupo Prisa, được biết đến như một biểu tượng của tự do ngôn luận và dân chủ, đã khẳng định vị thế của mình không chỉ qua tờ báo El País mà còn qua nhiều tài sản truyền thông khác, đóng góp vào sự phát triển văn hóa và giáo dục, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội và chính trị. Điều đáng chú ý là sự phát triển và biến đổi của Grupo Prisa diễn ra đồng thời với quá trình chuyển đổi dân chủ ở Tây Ban Nha, từ sự kết thúc của chế độ Franco đến thời kỳ hiện đại, phản ánh một cách chân thực sự đa dạng và phức tạp của xã hội Tây Ban Nha.

GRUPO PRISA – Truyền thông nâng cao dân trí và vì tiếng nói của người dân  không chỉ là một bài học về lịch sử truyền thông và chính trị Tây Ban Nha mà còn là một phân tích sâu sắc về sự thâm nhập và ảnh hưởng của tài chính vào ngành truyền thông, cùng với những bài học về sự cần thiết của sự độc lập báo chí và trách nhiệm xã hội. Cuốn sách là một đóng góp quan trọng cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử truyền thông, sự phát triển của dân chủ, và tương lai của báo chí trong kỷ nguyên số.

Tây Ban Nha được biết đến là quốc gia có mức độ song hành cao giữa truyền thông và chính trị. Song hành chính trị, theo định nghĩa của Hallin và Mancini (2004), ý nói tới mối liên kết giữa các nhà hoạt động chính trị và người làm truyền thông, hoặc, chính xác hơn là mức độ mà truyền thông phản ảnh sự phân chia và đấu tranh chính trị. Ở các quốc gia phía nam châu Âu, sự song hành chính trị ở mức độ cao tạo ra một hệ thống truyền thông với rất nhiều xung đột – giống như trạng thái của các hệ thống chính trị trong khu vực từ trước đến nay – và được biến thành công cụ. Ở Tây Ban Nha, sự xung đột chính trị và công cụ hóa hệ thống truyền thông này trong một thời gian dài có nghĩa là các phương tiện truyền thông chính thống sẽ đi theo hình mẫu hai đảng của hệ thống chính trị, với nhiều cơ quan truyền thông chống lưng cho một trong hai đảng chính trị chính, theo đó thay nhau nắm quyền và tạo ra những trói buộc với chủ nghĩa bảo trợ mạnh mẽ (Fernández-Quijada và Arboledas, 2013). Điều này đã thay đổi vào năm 2014 khi một đảng chính trị mới nổi lên, thể hiện quan điểm chính trị cấp tiến hơn về cánh tả và cánh hữu so với hai đảng chính thống.

Diễn tiến mới này lần đầu tiên đã chia “đấu trường” chính trị Tây Ban Nha thành nhiều mảnh vỡ kể từ khi chế độ Franco sụp đổ năm 1975, kết thúc mối quan hệ lưỡng đảng và mang hệ thống chính trị tới gần hơn với thực tế xã hội đa dạng của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống truyền thông chưa thích nghi được với hiện thực đó vì chỉ có quan điểm của đảng cánh hữu mới được đưa vào các phương tiện truyền thông chính thống. Cuối năm 2017 là một ví dụ, quan điểm chính trị của công dân được đại diện bởi 31,3% thành viên Nghị viện Tây Ban Nha (những người đã bỏ phiếu cho cánh tả Podemos hoặc cho đảng ủng hộ độc lập Catalan) đã không được truyền thông chính thống Tây Ban Nha phản ánh. Bởi vậy, lý thuyết về song hành chính trị dường như bị sụp đổ trong suốt quá trình này.

Sự rối loạn và bất thường mà hệ thống truyền thông Tây Ban Nha phải trải qua từ khi khôi phục nền dân chủ là khởi đầu cần thiết cho bất kì lý giải nào về Grupo Prisa (Promotora de Informaciones S.A), tập đoàn truyền thông mà cuốn sách này muốn nhắc tới. Một thương hiệu hàng đầu trong việc khôi phục lại nền dân chủ tại Tây Ban Nha. Sự ra đời, thành công và sự suy tàn của nó cũng phản ảnh sát sao vòng đời của hệ thống truyền thông Tây Ban Nha – cũng như của cả quốc gia – sự phát triển và đấu tranh, bao gồm cả chính sách truyền thông và tự do hóa trong thị trường phát sóng. Chúng ta sẽ không thể giải mã được lịch sử của Prisa nếu bỏ qua tính đặc thù hay sự rối loạn của chính trị Tây Ban Nha thời điểm đó, ví dụ như âm mưu đảo chính vào năm 1981.

Do đó, El País, tài sản truyền thông đầu tiên và vẫn đang là tài sản truyền thông hiệu quả nhất của Prisa, là tòa soạn báo ủng hộ dân chủ đầu tiên vào thời điểm đó, thời điểm mà tất cả các tòa soạn khác đều đang chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Franco. Tuy nhiên, công ty được thành lập để ra mắt tòa báo đã và vẫn chưa thể tách hẳn khỏi di sản của nhà độc tài này. Tờ báo, mà nói rộng hơn có lẽ là cả tập đoàn, ngay từ khi ra đời đã bị áp đặt những tiêu chuẩn về báo chí độc lập và trách nhiệm dân chủ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng và đầy mạo hiểm của công ty là do mối liên kết khó cưỡng với sự đặc thù của sự tài chính hóa đang chiếm lĩnh trong nền kinh tế Tây Ban Nha, vốn đã được chứng minh là đặc biệt có hại cho sự độc lập báo chí và các giá trị dân chủ.

Vì lý do này mà lịch sử của Grupo Prisa phản ánh hoàn hảo đặc trưng của nền dân chủ được khôi phục tại Tây Ban Nha, điều mà ở các quốc gia phía nam châu Âu bị thiếu hụt trầm trọng bởi chế độ độc tài trong lịch sử cận đại. Lịch sử công ty của Prisa, cũng chính là lịch sử cận đại của Tây Ban Nha có muôn vàn thăng trầm, bao gồm cả những cấm đoán phi dân chủ, đảng phái chính trị và chủ nghĩa bảo trợ, tài chính phi lý, tranh giành quyền lực, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa tân tự do độc đoán.

 

Cơn bão Tân Tự do và trường hợp của Tây Ban Nha

Vào cuối thập kỉ 20, quyền lợi được ban cho các tổ chức truyền thông và hệ thống tập đoàn bị biến đổi do việc tài chính hóa từ chủ nghĩa tư bản, được thúc đẩy bởi những người theo chủ nghĩa Tân Tự do. Khi các công ty truyền thông bị thâu tóm bởi chủ nghĩa tư bản tài chính, cơ cấu sở hữu của họ trở nên tập trung hơn nữa vào một môi trường bất ổn và cạnh tranh cao hơn. Kết quả là, nội dung tin tức trở nên xa vời với các tiêu chí trách nhiệm xã hội. Vai trò điều tra và giám sát của nó từ đó cũng giảm đi một cách đáng kể.

Ở cấp độ toàn cầu, các công ty truyền thông kết hợp với hệ thống tài chính tạo ra muôn vàn khó khăn cho các ký giả để tiên liệu được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007- 2008, vốn bắt đầu từ Hoa Kỳ và sau đó lan rộng tới Châu Âu và phần còn lại của thế giới. Ở Tây Ban Nha, Grupo Prisa là ví dụ điển hình cho cơn bão hoàn hảo mà tài chính hóa tạo ra bằng việc thúc đẩy lợi ích tài chính vào các tập đoàn truyền thông, từ đó làm giảm năng lực của báo giới trong việc cảnh báo về sự yếu kém ngày càng tăng của một hệ thống kinh tế dựa vào tài chính hơn là vào đầu ra thực tế.

Tài chính hóa, sự thống trị ngày càng gia tăng của tài chính đối với kinh tế thực tiễn, đã làm tăng thêm các vấn đề của hệ thống truyền thông Phương Tây – chủ yếu là hàng hóa hóa và tập trung hóa – và kết quả của nó có thể thấy rõ trong hệ thống truyền thông Tây Ban Nha. Kể từ khi chế độ phát xít cũ kết thúc, hầu hết truyền thông chính thống ở Tây Ban Nha đều nằm trong tay bốn tập đoàn lớn của Tây Ban Nha: Grupo Prisa, Grupo Vocento, Grupo Planeta, và Telefónica. Hai công ty mẹ lớn của Italia, Grupo Mediaset và RCS MediaGroup cũng gia nhập vào lĩnh vực phát sóng và báo chí. Và hai tập nhỏ Catalan là Grupo Godó và Grupo Zeta, đã xuất bản hai tờ báo danh giá ở Barcelona. Tất cả những công ty này đều phải dựa vào mối liên kết bền chặt với các công ty và tập đoàn tài chính vững mạnh, không có ngoại lệ. Trong suốt quãng thời gian chúng tôi nghiên cứu Prisa để cho ra cuốn sách này, tất cả các công ty mẹ của truyền thông Tây Ban Nha đều đang gắn bó mật thiết với hệ thống ngân hàng thông qua việc sở hữu, đại điện ban điều hành và/hoặc nợ. Vì thế, một vài công ty mẹ của truyền thông Tây Ban Nha (như Prisa, Vocento, Mediaset, RCS) có các cổ đông từ những cơ sở ngân hàng hàng đầu tại Tây Ban Nha, ngân hàng quốc tế, và các quỹ phòng hộ[1] hoặc đầu tư.

[1] Hedge fund: là một loại quỹ đầu tư tư nhân sử dụng các chiến lược đầu tư phức tạp và đôi khi là rủi ro cao để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với các loại quỹ đầu tư truyền thống. Đây là các quỹ không bị giới hạn bởi nhiều quy định, cho phép chúng có thể đầu tư vào một loạt các tài sản và sử dụng các chiến thuật như đầu cơ, sử dụng đòn bẩy tài chính, và phái sinh.

Lấy ví dụ Grupo Prisa, có một quỹ phòng hộ tại Luân Đôn là cổ đông lớn từ năm 2016 tới năm 2020. Một vài giám đốc của các công ty mẹ cũng nằm trong ban điều hành của công ty khác được niêm yết trên IBEX 35 – chỉ số thị trường tài chính chính của Giao dịch Cổ phiếu Madrid trong thời kì đó. Ví dụ chủ tịch của Godó là giám đốc của Ngân hàng Caixa, Chủ tịch của Planeta là giám đốc của Banco Sabadell, và chủ tịch của Vocento cũng đồng thời làm giám đốc của một công ty xây dựng lớn tại Tây Ban Nha là Ferrovial. Mỗi công ty mẹ của các tổ chức truyền thông chính thống tại Tây Ban Nha đều có một khoản nợ tài chính gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của họ dù mức độ là ít hay nhiều. Trong trường hợp của Prisa, tác động của các khoản nợ dẫn đến những thay đổi trong ban điều hành công ty, những nhà điều hành độc lập cứ dần bị thay thế bởi sự hiện diện của các nhà đầu tư và cho vay tài chính.

Tất nhiên, như đã nói trước đó, mối liên hệ giữa truyền thông chính thống Tây Ban Nha với các nhà tài chính và kinh doanh cao cấp không phải là đặc điểm duy nhất của nó. Nguồn gốc của tập đoàn Prisa, Vocento, Planeta và Godó, rõ ràng nằm trong chế độ cũ, với các nhà sáng lập (hoặc con cháu của họ) giữ quyền kiểm soát cho đến cuối thập kỉ thứ hai của thế kỉ 21.

Trong trường hợp của Prisa, gia đình sáng lập vẫn giữ một khoản vốn góp vô cùng quan trọng trong việc sở hữu công ty từ năm 2020 – cho dù có thời điểm, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu giảm xuống còn 7,6%. Cũng cần nhớ rằng người sáng lập Jesus Polanco từng là một doanh nhân thành đạt, một tín đồ Công giáo, và người theo chủ nghĩ Falan dưới thời Franco (Cabrera, 2015). Ông ta đã thuê Juan Luis Cebrián làm tổng biên tập cho tờ El País vào cuối của thời kì độc tài (1975) vì ông này có “dòng dõi hoàn hảo” đối với những nhà cầm quyền theo chủ nghĩa Franco đang cố gắng chỉ đạo quá trình chuyển giao chính trị (Seoane và Sueiro, 2004: 53).

Với Grupo Vocento, một tập đoàn được tạo ra sau khi sáp nhập hai trăm tập đoàn truyền thông lớn nhỏ, mà cho đến tận năm 2020 người ta vẫn có thể tìm được gia đình sáng lập trong cấu trúc sở hữu. Người sáng lập tòa báo ABC, Torcuato Luca de Tena là một tín đồ Công giáo, ủng hộ quân chủ, nhà ái quốc Tây Ban Nha, người đã kết hợp lập trường chính trị của mình với quan điểm chính trị của tờ báo. ABC bị tích hợp vào thứ gọi là Prensa del Movimiento trong suốt thời độc tài Franco. Prensa del Movimiento là tập đoàn báo chí Tây Ban Nha duy nhất dưới thời của cựu độc tài Franco và dưới trướng của đảng duy nhất của chế độ này, Falange Española de las JONS (Juntas de Ofensiva Nacional-Sindicalista). Nhà sáng lập của ABC đã được trao tặng danh hiệu quý tộc do Đức vua Alfonso XIII (1886- 1941) ban tặng vào năm 1929 và Đức vua Juan Carlos I (1938-) vào năm 2003, bao gồm cả danh hiệu cao quý nhất lúc đó ở Tây Ban Nha (Grande de España).

Grupo Planeta thì vẫn nằm dưới quyền sở hữu của gia đình Lara. Nhà sáng lập của nó, José Manuel Lara Hernández (1914–2003), cũng nhận được danh hiệu quý tộc (Marqués de Pedroso), được trao bởi Nhà vua Tây Ban Nha, và tham gia Nội chiến Tây Ban Nha ở phe của Franco. Cuối chiến tranh, ông mới gia nhập Barcelona với chức vụ đội trưởng quân đoàn Tây Ban Nha và hoạt động tích cực trong cuộc trấn áp chính trị Catalonia. Lara Hernández trở thành thủ lĩnh của Vertical Union of Graphic Arts, đơn vị hợp pháp duy nhất, dưới sự chỉ huy của chế độ Franco trong thời độc tài (EL PAIS, 2003).

Grupo Godó dựa trên tờ báo có tuổi đời hàng thế kỷ La Vanguardia, mà tòa soạn này cũng nằm trong sự bao bọc của Prensa del Movimiento dưới thời Franco. Sự hỗ trợ mạnh mẽ và quảng đại của Javier Godó (1941-), chủ tập đoàn này, đối với nền quân chủ Tây Ban Nha, được mọi người biết đến. Giống như nhà sáng lập của Vocento, ông thuộc nhóm quý tộc của Tây Ban Nha với hai chức danh Count và Grande de España, cả hai đều được trao bởi vị vua tiền nhiệm là Juan Carlos I.

Telefónica là công ty viễn thông lớn nhất tại Tây Ban Nha, có sự hiện hiện xuất sắc tại Châu Mỹ Latin. Công ty được thành lập tại Madrid năm 1924 với tên là Compañía Telefónica Nacional de España (CTNE), với ITT là một trong số những cổ đông lớn nhất. Nó trở nên nổi tiếng vào năm 1945 dưới thời độc tài Franco. Việc tự do hóa thị trường viễn thông những năm 1990 dẫn đến việc công ty trở thành tư hữu hóa hoàn toàn. Telefónica mở ra truyền hình trả tiền ở Tây Ban Nha và Châu Mỹ Latin thông qua các thương hiệu Movistar+ và ở Brazil thì thông qua Vivo TV. Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này ở Chương 2, sự hiện diện của Telefónica trong thị trường truyền hình trả tiền ở Tây Ban Nha có quan hệ sâu sắc tới Prisa.

Mediaset Spa là tập đoàn đến từ Italy, hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, sản xuất các sản phẩm nghe nhìn, và Internet. Đặc biệt, công ty này còn nắm quyền kiểm soát kênh truyền hình tư nhân đầu tiên của Italy: Canale 5, Italia 1 và Rete 4. Tập đoàn liên kết với Silvio Berlusconi (1936-) và gia đình ông ta, cổ đông chính thông qua công ty mẹ Fininvest (công ty cũng nắm quyền kiểm soát của Mondadori, tập đoàn xuất bản quan trọng nhất của Italy). Ở Tây Ban Nha, Mediaset có tên thương mại là Mediaset España Comunicación, là một tập đoàn truyền thông được thành lập năm 1989, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và trình chiếu nội dung truyền hình. Hiện tại, công ty này đang vận hành các kênh truyền hình phát sóng miễn phí là Telecinco, Cuatro, Factoría de Ficción, Boing, Divinity, Energy, và Be Mad. Nó cũng sở hữu một vài công ty nhỏ nữa với danh nghĩa là một phần của tập đoàn kinh doanh, bao gồm cả thông tấn xã Atlas, công ty quản lý quảng cáo Publiespaña, và công ty sản xuất phim và nội dung nghe nhìn Telecinco Cinema. Năm 2019, Mediaset España và Mediaset Spa tuyên bố sát nhập thành MFE NV (Media For Europe).

Rizzoli-Corriere della Sera MediaGroup (RCS MediaGroup) là một công ty mẹ của Italia, chủ sở hữu của nhật báo và tạp chí, cũng như mảng phát sóng truyền hình và phát thanh. Nó cũng hoạt động trong lĩnh vực bán hàng phân phối quảng cáo. Các đầu báo của họ bao gồm: Corriere della Sera (xuất bản từ năm 1876) và La Gazzetta dello Sport ở Italy. Ở Tây Ban Nha, RCS MediaGroup có các tờ báo là El Mundo, Marca (thể thao), và Expansión (kinh doanh); các tạp chí gồm Yo Donna, Telva, Marca Motor, Actualidad Económica, Fuera de Serie, Diario Médico; mạng phát thanh có Radio Marca (thể thao); và có giấy phép cho hai kênh truyền hình phát sóng miễn phí (Veo TV).

Tất cả những điều này liên quan đến đến việc hiểu các giá trị bổ sung cho chủ nghĩa tư bản tài chính và chủ nghĩa Tân Tự do trong hệ thống truyền thông Tây Ban Nha. Bản thân mối liên hệ với chủ nghĩa tư bản tài chính không thể giải thích được những thiếu sót của các phương tiện truyền thông chính thống Tây Ban Nha trong thời kỳ này; tàn dư chính trị của chế độ cũ phải được xem xét. Cùng một mối liên kết đó được tìm thấy ở khắp nơi trong nền dân chủ tư bản tài chính. Tuy nhiên, mối liên hệ lịch sử giữa các nhóm truyền thông chính thống của Tây Ban Nha với chế độ cũ là một nét đặc trưng của hệ thống truyền thông Tây Ban Nha.

Chủ nghĩa tư bản Tây Ban Nha bị thao túng bởi một nhóm nhỏ hậu bối của chế độ đầu sỏ của nhà độc tài quân sự Franco trước đây. Trong hệ thống truyền thông, nợ tài chính đã ngăn cản các nhóm truyền thông mới nổi sau quá trình chuyển đổi dân chủ thoát khỏi mô hình này.

 

Grupo Prisa và kế hoạch thực hiện cuốn sách này

Hành vi và diễn tiến của tập đoàn Prisa kể từ ngày thành lập năm 1972 tới năm 2020 có lẽ sẽ minh họa rõ nét nhất về cách mà chủ nghĩa tân tự do và quá trình tài chính hóa thúc đẩy và gia tăng sự suy yếu của xã hội và trách nhiệm của tập đoàn – do đó làm suy yếu các giá trị dân chủ.

Thay vì có cho mình một lượng lớn cổ đông ngay từ khi thành lập và gây quỹ phòng hộ để kiểm soát các cổ phần lớn của các chủ đầu tư vào cuối thời kì nghiên cứu của cuốn sách này, thì tổ chức này lại chỉ nằm dưới quyền kiểm soát của duy nhất hai người trong suốt bốn thập kỉ tồn tại ban đầu: đầu tiên là dưới tay của Jasús Polanco, ông là cổ đông lớn cho tới khi qua đời vào năm 2007, và tiếp theo là dưới sự điều khiển của Juan Luis Cebrián cho tới năm 2018, người đã đẩy khoản nợ ngân hàng của tập đoàn lên mức không thể hoàn trả (thời điểm cao nhất lên tới hơn 5 tỷ euro) và vẫn đang tìm cách rời bỏ công ty với khoản bồi thường lên tới nhiều triệu.

Điều này cũng không phải là ngoại lệ. Đối với phần đông trong số các thế lực truyền thông của phương Tây, trở thành công ty niêm yết không có nghĩa rằng phải mất đi sự kiểm soát trực tiếp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nguồn vốn trong thị trường tư bản mang lại cho họ vô vàn những áp lực liên quan tới kết quả tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc nhanh chóng suy giảm trách nhiệm trong ngành báo chí nói chung, mà trong trường hợp của Grupo Prisa đã góp thêm phần vào sự thâm hụt của nền dân chủ Tây Ban Nha (theo Almiron 2010, 2018).

Cuốn sách này có tiền đề là chương “Grupo Prisa” do Luis A. Albornoz (2016) xuất bản trong cuốn Những gã Khổng lồ trong Truyền thông, được biên tập bởi Benjamin Birkinbine, Rodrigo García, và Janet Wasko, nhắm tới việc tóm tắt lại hiện thực phức tạp cho độc giả, những người có thể chưa quen biết, hoặc những người hoàn toàn không hề biết đến Grupo Prisa, trái ngược với lượng văn hóa phẩm quá lớn viết về tập đoàn này nhưng chỉ được xuất bản tại Tây Ban Nha. Vì vậy, mục đích chính của cuốn sách là muốn giới thiệu tới độc giả nói tiếng Anh một phần lịch sử ngắn gọn của một trong những “tượng đài” về đa phương tiện lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất tại khu vực nói tiếng Tây Ban Nha và có sự hiện diện quan trọng tại Châu Mỹ Latin. Thay vì suy tàn, ngày nay Grupo Prisa đã có thể tuyên bố dõng dạc rằng họ là “Tập đoàn truyền thông tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hàng đầu thế giới trong việc sáng tạo và phân phối nội dung trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin và tin tức, và giải trí. Các sản phẩm và dịch vụ của công ty này hiện đang có mặt tại 23 quốc gia, và sự hiện diện của công ty ở Brazil, Bồ Đào Nha, và trong cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang ngày càng tăng tại Hoa Kỳ, mở ra một thị trường toàn cầu với 700 triệu người.

Thông qua cuốn sách này, độc giả sẽ được tiếp cận với lịch sử của một cơ quan đầu não truyền thông trải qua hơn 40 năm phát triển giữa một cuộc khủng hoảng nghề và doanh nghiệp nghiêm trọng. Lịch sử bắt đầu sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco (1892-1975) và phát triển cùng lúc với sự khôi phục của nền dân chủ tại Tây Ban Nha, thời kì mà Grupo Prisa đi từ sự phát triển vượt trội về thương hiệu với sự hiện diện toàn cầu như là El País (tờ báo), Los 40 (đài âm nhạc) Santillana (nội dung giáo dục và dịch vụ) W Radio (đài phát thanh, Colombia) hoặc As (báo thể thao) tới một quá trình thoái vốn và thu hẹp doanh nghiệp đầy nhức nhối.

Vì mục đích này, và bên cạnh lịch sử của công ty, cuốn sách sẽ nhấn mạnh vào quá trình tập trung, toàn cầu hóa và tài chính hóa thực hiện bởi tập đoàn từ đầu thế kỉ này. Chương 1 là một hồ sơ lịch sử cùng một đoạn sử ký ngắn gọn về công ty. Trong chương này, những khoảnh khắc lịch sử tiêu biểu sẽ được làm nổi bật, được xem xét trong bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị ở nơi mà chúng diễn ra. Ở Chương 2, chúng tôi sẽ cung cấp hồ sơ tài chính của công ty. Chương này mang tới những chi tiết cụ thể về dữ liệu tài chính và phân chia thị trường, cơ cấu doanh nghiệp và tài sản, cũng như chiến lược và những sự phát triển mới. Ở Chương 3, hồ sơ kinh tế chính trị của Grupo Prisa sẽ được nêu rõ, bao gồm cả quyền sở hữu, sự phối hợp với chính quyền sở tại và những nỗ lực hành lang, ban quản trị và sự điều khiển tập trung, nhân công và những vấn đề về tiếp thị xã hội. Ở Chương 4, tiểu sử văn hóa của Prisa sẽ bàn về vũ trụ biểu tượng và hệ tư tưởng của công ty, sự đóng góp của nó vào các sản phẩm và dịch vụ phổ thông và góp phần gây dựng đời sống hằng ngày cho hàng triệu cư dân, và việc xuất khẩu và nhập khẩu văn hóa của nó. Cuốn sách kết thúc với một nhận xét tổng kết ngắn gọn về quyền lực và tầm quan trọng của công ty.

Tác giả của cuốn sách tin rằng, cuốn sách này sẽ vô cùng hữu ích với một lượng lớn người đọc, bao gồm cả nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông quốc tế, giao tiếp quốc tế, ngành công nghiệp truyền thông, hoặc kinh tế chính trị trong giao tiếp, cũng như những lĩnh vực khái niệm liên quan như kinh tế, xã hội, quan hệ quốc tế hoặc khoa học chính trị. Thêm nữa, nội dung tương đối ngắn và chuyên sâu của cuốn sách có thể sẽ mang lại những lợi ích cho sinh viên, cử nhân, giáo sư hoặc người lập chính sách, những ai có mối quan tâm tới sự phát triển của một trong những cơ quan đầu não truyền thông quan trọng nhất trong thế giới những người nói tiếng Tây Ban Nha. Do đó, cuốn sách có thể đóng vai trò là tài liệu bổ sung cho các khóa học tập trung vào ngành công nghiệp truyền thông và công nghệ thông tin nói riêng, và kinh tế, chính trị và nghiên cứu văn hóa nói chung.

 

Tài liệu tham khảo 

  1. Albornoz, L.A. (2016). “Grupo Prisa,” in Birkinbine, B., Gómez, R. and Wasko, J. (Eds.): Global Media Giants. New York: Routledge, tr. 206–225. 
  2. Almiron, N. (2010). Journalism in Crisis: Corporate Media and Financialization. Cresskill, NJ: Hampton Press. 
  3. ———. (2018). “ ‘Go and Get’em!’ Authoritarianism, Elitism và Media in the Catalan Crisis,” The Political Economy of Communication, 6(2): 39–73. 
  4. Cabrera, M. (2015). Jesús de Polanco. Barcelona: Galaxia Gutenberg.
  5. EL PAÍS (2003). “Muere el editor José Manuel Lara, fundador del imperio editorial Planeta,” El País, 12/05. 
  6. Fernández-Quijada, D. and Arboledas, L. (2013). “The Clientelistic Nature of Television Policies in Democratic Spain,” Mass Communication & Society, 16(2): 200–221. 
  7. Hallin, D. and Mancini, P. (2004). Comparing Media Systems: Three Models of Media and Politics. Cambridge, MA: Cambridge University Press. 
  8. Seoane, M.C. and Sueiro, S. (2004). Una historia de El País y del Grupo Prisa. Barcelona: Plaza y Janés.

Bản lưu Sự kiện ra mắt bộ sách Global Media Giants - Các tập đoàn truyền thông chi phối thế giới thực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *