Mổ Xẻ Cơ Chế Hoạt Động Của Cỗ Máy Thao Túng

Trích đoạn từ cuốn sách "Cỗ máy thao túng" của Sinan Aral

Bằng những ví dụ như trường hợp về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 hay đại dịch COVID-19, Sinan Aral, giáo sư quản lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã chỉ ra rằng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Instagram đã trở thành một “cỗ máy thao túng” khuếch đại, truyền bá thông tin sai lệch, thuyết âm mưu và nội dung độc hại, được sử dụng để thao túng dư luận. Trong cuốn sách, Aral cũng thảo luận về tác động kinh tế của mạng xã hội, lập luận rằng nó đã dẫn đến sự gia tăng của “những người có ảnh hưởng kỹ thuật số” và một kỷ nguyên tiếp thị mới ưu tiên nội dung thu hút sự chú ý hơn chất lượng hoặc độ chính xác. Ông cũng khám phá những cách mà mạng xã hội đã ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, trích dẫn các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội với tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và nghiện ngập gia tăng.

“Cỗ máy thao túng” là một cuốn sách kịp thời và quan trọng, cung cấp một phân tích sắc thái về những cách thức phức tạp mà mạng xã hội đang biến đổi xã hội của chúng ta. Những hiểu biết sâu sắc và đề xuất của Aral dựa trên nghiên cứu nghiêm ngặt và cung cấp một lộ trình có giá trị về cách chúng ta có thể thích ứng với những thách thức do mạng xã hội đặt ra đồng thời khai thác tiềm năng thay đổi tích cực của nó.

Cỗ máy Thao túng được tạo ra bởi bộ ba phát kiến công nghệ: thiết kế cùng sự nâng cấp của các mạng xã hội số, trí tuệ máy và điện thoại thông minh. Chúng đã cùng nhau định hình cách thức Cỗ máy Thao túng cấu trúc lại thế giới. Về cơ bản, các nền tảng mạng xã hội định hình luồng chảy thông tin trong xã hội. Trí tuệ máy dẫn đường cho sự phát triển của những nền tảng này thông qua các cơ chế đề xuất từ bạn bè và luồng chảy thông tin trên mạng nhờ vào các thuật toán của nguồn cấp tin tức (newsfeed). Điện thoại thông minh tạo ra một môi trường “lúc-nào-cũng-bật” để Cỗ máy Thao túng được hoạt động. Các phát kiến này học hỏi từ những dữ liệu đã có rồi lại nạp thêm dữ liệu siêu vi ở tốc độ từng giây một về các hành vi và quan điểm của chúng ta vào hệ thống trí tuệ máy, nhằm quyết định quyền truy cập thông tin của chúng ta, cũng như định hình các quan điểm và tư tưởng hiển thị tới chúng ta. Bộ ba mạng xã hội, trí tuệ máy và điện thoại thông minh đã thay đổi cách thức thông tin được sản xuất và khai thác, cách chúng ta bổ sung thông tin, cách chúng ta hành động, và do đó, cách Cỗ máy Thao túng làm biến đổi chúng ta (Hình 3.2).

Hình 3.2 Mức độ phổ cập của các nền tảng mạng xã hội được thống kê từ tháng 2 năm 2005 đến tháng 9 năm 2013. Tổng số và bình quân đầu người đăng ký sử dụng mạng di động toàn cầu được thống kê từ năm 2000 đến năm 2010. Tiến trình khai thác trí tuệ máy ghi nhận khoản tài trợ hàng trăm triệu đô la mỗi năm nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới từ năm 2006 đến năm 2016. Ngày ra mắt của Facebook, điện thoại iPhone và phần mềm trí tuệ nhân tạo AlphaGo[1] được hiển thị phía dưới dữ liệu thống kê tương ứng.

Nếu muốn hiểu về cỗ máy xử lý thông tin này, chúng ta phải tìm hiểu về ba thành phần cấu thành nên nó: nền móng (mạng xã hội số), yếu tố định hình các tương tác của chúng ta; quy trình (hay Vòng lặp Thao túng), dựa vào sự phối hợp giữa máy móc và trí thông minh con người để kiểm soát luồng chảy thông tin qua nền móng; và phương tiện (như điện thoại thông minh, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại), là thiết bị đầu vào/đầu ra chủ chốt mà qua đó chúng ta cung cấp và thu nạp thông tin từ Cỗ máy Thao túng (Hình 3.3). Mọi học thuyết hoặc phương pháp phân tích chúng tôi áp dụng để kiến giải, chẳng hạn như vì sao tin giả trên mạng lan truyền nhanh hơn tin thật, hay vì sao Cỗ máy Thao túng ở dạng thức hiện tại lại hủy hoại trí tuệ đám đông (tôi sẽ bàn luận thêm về vấn đề này ở các chương sau), đều yêu cầu một vốn hiểu biết cơ bản về ba thành phần trên.

 

Hình 3.3 Các thành phần cấu thành nên Cỗ máy Thao túng: nền móng (mạng xã hội số), quy trình (Vòng lặp Thao túng) và phương tiện (ngày nay là điện thoại thông minh).

Nằm ở trung tâm của Cỗ máy Thao túng, nền móng chính là toàn bộ mạng lưới – tập hợp các liên kết quy mô lớn không ngừng biến động nhằm kết nối chúng ta lại với nhau trên Facebook, Twitter, LinkedIn và các nền tảng khác. Nền móng của mạng lưới quyết định hình thái của Cỗ máy Thao túng, và giúp xây dựng cơ chế quyết định xem “ai biết gì ở đâu[2]”. Cấu trúc của các nền tảng được đấu nối vào Cỗ máy Thao túng giúp định hình cách thông tin lưu chuyển, do đó việc nắm vững cấu trúc này và cách nó biến đổi giúp chúng ta thấu hiểu hơn về cách vận hành của xã hội thực tế – từ sự gia tăng tình trạng phân cực chính trị đến căn nguyên của các phong trào xã hội, mức độ lan truyền của tin giả, hay sự lên ngôi của quảng cáo nhắm đối tượng[3].

Quy trình dẫn dắt tiến trình phát triển của mạng lưới và luồng thông tin chảy qua nó được tôi gọi là Vòng lặp Thao túng – sự kết hợp theo chu kỳ giữa máy móc và trí tuệ con người giúp định hình những mối quan tâm của chúng ta, cũng như cách thông tin và kiến thức được truyền đi khắp thế giới. Sự kết hợp này được hỗ trợ bởi các phát kiến về công nghệ trí tuệ máy và khả năng tiếp cận các dữ liệu về suy nghĩ, hành vi và quan điểm của con người ở quy mô dân số. Trí tuệ máy thu nhận suy nghĩ, hành vi và quan điểm của chúng ta, rồi sau đó nó tùy biến những nội dung chúng ta đọc được trên nguồn cấp tin tức của mình, những bức ảnh chúng ta thấy trên Instagram, những đồng nghiệp và ngày tháng được đề xuất cho chúng ta trên LinkedIn hay Tinder, cũng như những quảng cáo hiển thị bên cạnh các nội dung này.

Sau khi lĩnh hội những thông tin trên, chúng ta đưa ra các quyết định. Chúng ta nhấp vào một số liên kết hay hình ảnh nhất định, còn bỏ qua những liên kết và hình ảnh khác. Chúng ta bình luận và bấm thích một số bài đăng, còn bỏ qua những bài đăng khác. Chúng ta thậm chí thay đổi hành vi ngoại tuyến của mình, khi đang đứng tại điểm bỏ phiếu hoặc trung tâm mua sắm, sao cho tương thích với những gì được hiển thị đến chúng ta. Cỗ máy Thao túng quan sát các quyết định này và học hỏi xem chúng ta thích gì, có cảm tình với ai và suy nghĩ như thế nào, để các đề xuất sau này của nó sẽ được tinh chỉnh hòng trở nên thu hút hơn. Quá trình kết hợp giữa người và máy – Vòng lặp Thao túng – tác động đến chúng ta, và chúng ta cũng tác động lại nó. Nhưng những kết quả được tạo ra là có thật – sản phẩm được mua, phiếu bầu được bỏ vào hòm, còn người dân thì tụ tập tại các quảng trường trung tâm để biểu tình, và, đôi khi như tại Quảng trường Tahrir, để bày tỏ những phản ứng mãnh liệt[4].

Phương tiện là thiết bị đầu vào/đầu ra mà qua đó chúng ta tham gia vào Cỗ máy Thao túng. Ngày nay, phương tiện đó chủ yếu là điện thoại thông minh. Nhưng ngày mai, nó có thể là các loại tai nghe thực tế tăng cường (augmented reality[5]) hoặc thực tế ảo (virtual reality)[6] , kính áp tròng kỹ thuật số, sinh vật ảo, các thiết bị âm thanh trong nhà, hoặc một số tổ hợp thiết bị khác. Dù những thiết bị này có là gì đi chăng nữa thì các phương tiện trung gian vẫn đóng vai trò chủ chốt, do chúng thiết lập ngữ cảnh để từ đó Cỗ máy Thao túng học hỏi và tác động lên chúng ta.

Nhưng để thực sự hiểu thấu Cỗ máy Thao túng, chúng ta phải nắm bắt các nhân tố kinh tế, kỹ thuật, xã hội và luật pháp dẫn dắt tiến trình phát triển của nó. Đây là những đòn bẩy giúp chúng ta kiểm soát phương tiện truyền thông mạng xã hội. Vì vậy, trước khi đi sâu vào giải thích cách vận hành của ba bộ phận cấu thành nên Cỗ máy Thao túng, tôi thấy cần phải giới thiệu về bốn đòn bẩy của nó.



Chú thích:

[1] Phần mềm máy tính đầu tiên đánh bại một kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp, và được xem là kỳ thủ cờ vây mạnh nhất trong lịch sử.

[2] Nguyên văn: “who knows what and when”.

[3] Một hình thức quảng cáo hướng đến nhóm đối tượng có những đặc điểm nhất định dựa trên sản phẩm mà nhà quảng cáo đang quảng bá.

[4] Năm 2011, cuộc cách mạng Ai Cập và sự kiện từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak đều diễn ra tại Quảng trường Tahrir.

[5] Công nghệ cho phép những sự vật/hiện tượng mô phỏng theo dạng 3D xuất hiện trong môi trường thật, không gian thật qua màn hình máy tính hoặc điện thoại.

[6] Thuật ngữ chỉ một môi trường giả lập được con người tạo ra bằng các phần mềm chuyên dụng và được điều khiển bởi thiết bị thông minh.

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring #10: Cỗ máy thao túng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *