Lời khen thừa thãi không giúp trẻ học tốt

Trích đoạn từ cuốn sách "Học mọi lúc" của John Holt.

Trong “Học mọi lúc”, Holt khám phá ý tưởng rằng việc học không chỉ giới hạn trong môi trường giáo dục chính thức mà là một quá trình tự nhiên và liên tục diễn ra trong suốt cuộc đời. Holt thách thức quan niệm thông thường rằng việc học chỉ diễn ra trong các bức tường của lớp học và lập luận rằng trẻ em vốn tò mò và ham học hỏi. Theo Holt, học tập nên được xem như một quá trình tích cực và tự định hướng, trong đó các cá nhân theo đuổi kiến thức dựa trên sở thích và đam mê cá nhân của họ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép trẻ em tự do khám phá trí tò mò của bản thân và học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế, vui chơi và tương tác thực tế.

Holt cũng khám phá vai trò của phụ huynh và các nhà giáo dục trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Ông khuyến khích người lớn trở thành người hướng dẫn và hỗ trợ thay vì chỉ là người hướng dẫn, cung cấp nguồn lực và cơ hội cho trẻ em theo đuổi sở thích của mình và tham gia vào các trải nghiệm học tập có ý nghĩa. Holt ủng hộ một môi trường học tập thúc đẩy quyền tự chủ, tư duy phản biện, tính sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Xuyên suốt cuốn sách, Holt chia sẻ những giai thoại, quan sát và hiểu biết sâu sắc từ kinh nghiệm của chính ông với tư cách là một nhà giáo dục và những tương tác của ông với trẻ em. 

Đã có nhiều bài viết về tầm quan trọng của việc khuyến khích trẻ tự nhận thức bằng cách khen ngợi thật nhiều. Với tôi, lời khuyên này là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi dám chắc như thế vì buổi dạy đầu tiên cho một lớp tiểu học của tôi là ở một trường học đề cao việc khen trẻ thật nhiều. Khi ấy tôi dạy các em lớp Năm, và tất cả các em, trừ một số ít, hoàn toàn lệ thuộc vào sự công nhận liên tục của người lớn đến mức các em sợ sẽ không được nhìn nhận và sợ mắc sai lầm. Lối thực hành của ngôi trường đó – và từ đó tôi còn biết thêm nhiều trường khác cũng như vậy – cho kết quả hoàn toàn ngược lại với những gì được dự định ban đầu. Mỗi giáo viên ở ngôi trường này đều cố gắng nuôi dưỡng lòng tự trọng trong mỗi đứa trẻ, nhưng dù là vậy thì hàng loạt lời khen của giáo viên lại tác động rất xấu lên hầu hết các học sinh. Dù giàu có, có chỉ số I.Q. cao và rất được yêu quý, các em vẫn thiếu tự tin một cách đáng lo ngại. 

Từ lúc đó, tôi biết được nhiều người lớn làm việc với trẻ, ở trường học cũng như trong các môi trường khác, và tôi có thể nói rằng tầm 99% lời khen tôi nghe được đều có hại hơn là có lợi. Tôi nghĩ tới vô số thanh thiếu niên tôi từng biết, các em này căm ghét bản thân mình dù cả đời chỉ toàn nhận được lời khen. Các em nói: “Mọi người chỉ khen con để con làm việc mọi người muốn mà thôi!” Nhiều đứa trẻ vừa nghi ngờ lời khen vừa phụ thuộc vào lời khen, đây đúng thật là tình trạng hết sức tệ hại. 

Cái rắc rối mà bất kỳ động cơ bên ngoài nào mang lại, dù chúng tiêu cực (như sự đe doạ, trừng phạt, trách mắng) hay tích cực (các ngôi sao vàng, kẹo M&M’s, điểm số, bằng tiến sĩ, chìa khoá vàng Phi Beta Kappa[1]), là chúng đều chiếm chỗ hoặc áp đảo các động cơ bên trong. Trẻ sơ sinh không học để làm vừa lòng chúng ta, mà vì học là bản năng và bản tính muốn tìm hiểu thế giới của trẻ. Nếu chúng ta khen ngợi trẻ vì mọi việc các em làm, sau một thời gian các em sẽ bắt đầu học và làm mọi thứ chỉ để làm vừa lòng chúng ta, và rồi sau đó các em sẽ lo lắng khi không làm chúng ta vừa ý. Trẻ sẽ dần sợ làm sai vì có thể bị doạ phạt. 

Điều trẻ con cần và muốn từ chúng ta là sự quan tâm chu đáo. Trẻ em muốn chúng ta để ý đến các em và chú ý tới những gì các em làm, nghiêm túc với các em, tin tưởng và tôn trọng các em. Trẻ em muốn sự lịch sự và nhã nhặn, chứ không cần quá nhiều lời khen. 

 

Chú thích:

[1] Chìa khóa vàng Phi Beta Kappa là vật được trao cho những người được công nhận là thành viên của Hiệp hội Phi Beta Kappa, một trong những hiệp hội danh dự học thuật uy tín nhất của Mỹ. (HĐ)

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Cách trẻ em tiếp thu kiến thức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *