0
Hai bước ngoặt
Trích đoạn từ cuốn sách "Công cụ cộng sinh" của Ivan Illich
Trong Công cụ cộng sinh, Illich lập luận rằng các xã hội hiện đại đã trở nên quá phụ thuộc vào các hệ thống thể chế và công nghệ hạn chế tự do cá nhân và cản trở sự phát triển thực sự của con người. Ông đặt ra thuật ngữ “cộng sinh” để mô tả một xã hội mà trong đó, các cá nhân có khả năng tương tác tự do và sáng tạo với nhau, cũng như với các công cụ và công nghệ của họ, để theo đuổi mục tiêu của riêng họ và phát huy hết tiềm năng của họ.
Illich chỉ trích “sự độc quyền triệt để” của các tổ chức chuyên nghiệp và hệ thống chuyên gia đã tước quyền của các cá nhân và tạo ra một nền văn hóa phụ thuộc. Ông lập luận rằng các tổ chức như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông vận tải nên được thiết kế lại để thúc đẩy sự vui vẻ, nơi mọi người có thể tham gia tích cực vào việc định hình cuộc sống và cộng đồng của chính họ.
-
-15%
Công cụ cộng sinh – Ivan Illich
135.000₫Original price was: 135.000₫.115.000₫Current price is: 115.000₫.
Năm 1913 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử y tế hiện đại. Vào khoảng năm đó, bệnh nhân có cơ hội 50-50 là sẽ được một sinh viên tốt nghiệp trường Y điều trị bằng một phương pháp đặc biệt hiệu quả (tất nhiên là nếu bệnh nhân đó bị một trong những bệnh quen thuộc được ngành Y lúc bấy giờ công nhận). Nhiều pháp sư và thầy thuốc chữa bằng thảo dược quen với các bệnh tật và phương thuốc bản địa, và được bệnh nhân tin tưởng thì cũng đã luôn có khả năng đạt được kết quả tương tự hoặc tốt hơn thế.
Từ đó, y học đã tiến đến việc định ra cái gì là bệnh tật và cách chữa trị chúng. Công chúng phương Tây bắt đầu biết đòi hỏi cách chữa trị có hiệu quả dựa trên các tiến bộ y khoa. Lần đầu tiên trong lịch sử, bác sĩ có thể đo đạc tính hiệu quả của mình trên các thước đo mà chính họ đặt ra. Sự tiến bộ này là do một quan điểm mới về nguồn gốc của một số tai họa cổ xưa; nước được lọc và tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh được hạ thấp; việc kiểm soát chuột cống có thể đánh bật bệnh dịch; khuẩn xoắn có thể được nhìn thấy bằng kính hiển vi và thuốc Salvarsan có thể diệt trừ chúng với nguy cơ gây độc cho bệnh nhân được xác định rõ theo thống kê; bệnh giang mai có thể tránh được, hoặc có thể được phát hiện và chữa trị bằng những phương pháp tương đối đơn giản; bệnh tiểu đường có thể được chẩn đoán và bệnh nhân có thể tự chữa bằng insulin để kéo dài tuổi thọ. Nghịch lý thay, công cụ càng trở nên đơn giản thì ngành y càng đòi độc quyền sử dụng chúng, bác sĩ càng được đào tạo lâu hơn trước khi được phép sử dụng loại công cụ đơn giản nhất một cách hợp pháp, và toàn bộ dân chúng càng cảm thấy phụ thuộc vào bác sĩ. Việc giữ vệ sinh từ một đức tính tốt đã biến thành thứ lễ nghi được chuyên nghiệp hóa và tôn thờ một ngành khoa học.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh được giảm xuống, các dạng nhiễm trùng phổ biến được ngăn chặn hoặc điều trị, một số hình thức can thiệp giải quyết khủng hoảng trở nên khá hiệu quả. Sự sụt giảm ngoạn mục trong tỷ lệ tử vong và bệnh tật là do những thay đổi trong vệ sinh, nông nghiệp, tiếp thị và thái độ chung đối với cuộc sống. Nhưng mặc dù những thay đổi này đôi khi là do các kĩ sư đã chú ý đến những phát hiện mới của y khoa, chúng hiếm khi có thể được cho là do sự can thiệp của các bác sĩ.
Một cách gián tiếp, sự công nghiệp hóa được hưởng lợi từ tính hiệu quả mới do y học mang lại; công nhân viên đi làm thường xuyên hơn, và cùng với đó là việc sự công nghiệp hóa đã tự nhận chính nó là nguyên nhân làm tăng hiệu quả công việc. Tính phá hoại của các công cụ mới đã được che dấu khỏi con mắt công chúng bằng các kỹ thuật mới trong việc cung cấp các phương pháp điều trị ngoạn mục cho những người trở thành nạn nhân của sự độc hại trong công nghiệp như tốc độ ô tô, căng thẳng trong công việc, và các chất độc trong môi trường.
Những tác dụng phụ của y học hiện đại đã trở nên hiển nhiên sau Thế chiến II, nhưng các bác sĩ cần thời gian để chẩn đoán các vi khuẩn kháng thuốc hoặc tổn thương di truyền do chụp X-quang tiền sản là các dịch bệnh mới. Tuyên bố của George Bernard Shaw trước đó một thế hệ vẫn có thể được coi là một bức tranh biếm họa, rằng các bác sĩ đã không còn là người chữa bệnh nữa mà nắm quyền kiểm soát toàn bộ cuộc sống của bệnh nhân. Chỉ vào giữa những năm 50, người ta mới thấy rõ rằng y học đã trải qua bước ngoặt thứ hai và chính nó đã tạo ra các loại bệnh tật mới.
Đứng đầu trong số các bệnh do điều trị (do bác sĩ gây ra) là việc các bác sĩ cho rằng mình đang cung cấp cho khách hàng thứ sức khỏe hàng đầu. Các nhà hoạch định xã hội và các bác sĩ trở thành nạn nhân đầu tiên của ngộ nhận này. Chẳng bao lâu sau, quan điểm lệch lạc này đã lan ra khắp xã hội như một bệnh dịch. Rồi sau đó, trong 15 năm qua, y học chuyên nghiệp đã trở thành một mối đe dọa lớn cho sức khỏe. Những số tiền khổng lồ đã được chi ra để ngăn chặn những thiệt hại khôn lường do các phương pháp điều trị y tế gây ra. Chi phí cho việc chữa bệnh bị lấn át bởi chi phí cho việc kéo dài cuộc đời bệnh tật; nhiều người sống sót nhiều tháng hơn với mạng sống treo trên ống truyền, bị giam trong phổi nhân tạo, hoặc bị dính vào máy chạy thận. Các bệnh tật mới thì được định ra và thể chế hóa; chi phí cho việc con người có thể sống sót trong các thành phố với các công việc độc hại thì tăng vọt. Sự độc quyền của y tế chuyên nghiệp đã ngày càng được mở rộng phạm vi trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người.
Việc không cho các bà mẹ, cô, dì và những người không chuyên khác chăm sóc người thân và bạn bè đang mang thai, ốm đau, bệnh tật hoặc sắp chết đã dẫn đến nhu cầu mới về dịch vụ y tế với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khả năng cung cấp của các cơ sở y tế. Khi giá trị của các dịch vụ tăng lên, thì người ta gần như không thể còn quan tâm chăm sóc người khác được nữa. Đồng thời, có thêm nhiều bệnh được xác định là cần phải được điều trị bằng cách tạo ra các chuyên môn hoặc các bán chuyên môn mới để giữ các công cụ trong quyền kiểm soát của hội đoàn.
Tại thời điểm của bước ngoặt thứ hai, việc duy trì cuộc sống bệnh tật của những người phải phụ thuộc vào y tế trong một môi trường không lành mạnh đã trở thành lĩnh vực kinh doanh chính của ngành y tế. Việc phòng ngừa và điều trị tốn kém ngày càng trở thành đặc quyền của những cá nhân mà vì sự tiêu thụ các dịch vụ y tế trước đây nên giờ đã thiết lập ra yêu sách để được hưởng tiếp. Khả năng tiếp cận các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viện uy tín và máy móc duy trì sự sống được ưu tiên cho những người sống ở các thành phố lớn, nơi chi phí phòng chống dịch bệnh cơ bản, xử lý nước và kiểm soát ô nhiễm vốn đã cao vô cùng. Nghịch lý là chi phí phòng ngừa theo bình quân càng cao thì chi phí điều trị theo đầu người càng tăng. Việc tiêu thụ sự phòng ngừa và điều trị tốn kém từ trước lại thiết lập ra nhu cầu đòi hỏi được chăm sóc quá mức nhiều hơn nữa về sau này. Cũng giống như hệ thống trường học hiện đại, việc chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện dựa trên nguyên tắc là những người đã có sẵn thì sẽ nhận được nhiều hơn nữa còn những người không có sẽ bị tước đi những gì ít ỏi mà họ có. Trong việc đi học thì điều này có nghĩa là những người tiêu dùng nhiều sự giáo dục sẽ nhận được trợ cấp sau tiến sĩ, trong khi những người bỏ học thì được biết rằng họ đã thất bại. Trong y học, nguyên tắc tương tự đảm bảo rằng khổ đau sẽ gia tăng với sự tăng cường chăm sóc y tế; người giàu sẽ được xử lý các bệnh do điều trị nhiều hơn, còn người nghèo thì chỉ còn cách phải chịu đựng các bệnh đó.
Sau bước ngoặt thứ hai này, những phụ phẩm vệ sinh không mong muốn của y tế bắt đầu ảnh hưởng đến toàn bộ dân chúng chứ không chỉ các cá nhân. Ở các nước giàu, y học bắt đầu kéo dài tuổi thọ của những người tuổi trung niên cho đến khi họ trở nên tàn tạ và cần thêm bác sĩ và các công cụ y tế ngày càng phức tạp. Còn ở các nước nghèo, nhờ có y học hiện đại, tỷ lệ trẻ em sống sót đến tuổi vị thành niên bắt đầu tăng, và nhiều phụ nữ sống sót sau nhiều thai kỳ hơn. Dân số tăng lên ngoài sức nuôi dưỡng của môi trường và văn hóa. Bác sĩ phương Tây lạm dụng thuốc để điều trị các bệnh mà dân bản địa đã học được cách sống chung. Kết quả là họ đã lai tạo ra các chủng bệnh mới mà các phương pháp điều trị hiện đại, khả năng miễn dịch tự nhiên và văn hóa truyền thống không thể đối phó được. Trên phạm vi toàn thế giới, nhưng đặc biệt là ở Hoa Kỳ, chăm sóc y tế tập trung vào việc chăn nuôi một đàn người chỉ thích hợp với cuộc sống thuần hóa trong một môi trường ngày càng tốn kém, nhân tạo, và được kiểm soát một cách khoa học hơn. Một trong những diễn giả chính tại Hội nghị AMA (American Medical Association – Hội Y tế Hoa Kỳ) năm 1970 đã khuyến khích các đồng nghiệp nhi khoa của mình nên coi từng đứa trẻ sơ sinh là một bệnh nhân cho đến khi có thể được chứng nhận là khỏe mạnh. Trẻ sinh ra ở bệnh viện, bú sữa công thức, được nhồi thuốc kháng sinh như thế sẽ phát triển thành những người trưởng thành có thể hít thở không khí, ăn thức ăn và sống sót trong sự vô hồn của một thành phố hiện đại, những người sẽ sinh ra và nuôi nấng gần như bằng mọi giá một thế hệ thậm chí còn phụ thuộc vào y tế nhiều hơn nữa.
Y học quan liêu lan tràn trên toàn thế giới. Năm 1968, trường Cao đẳng Y tế Thượng Hải đã phải kết luận rằng họ đã tham gia vào việc đào tạo “những người được gọi là bác sĩ hạng nhất … những người phớt lờ 5 triệu nông dân và chỉ phục vụ một thiểu số tại các thành phố. Họ tạo ra những chi phí lớn cho các xét nghiệm định kỳ… Kê đơn những lượng lớn kháng sinh không cần thiết… và trong trường hợp không có bệnh viện hoặc các cơ sở xét nghiệm thì họ chỉ còn có thể giải thích cơ chế bệnh cho những người mà họ không thể giúp gì thêm, và giải thích như thế cũng chẳng có ích gì”. Tại Trung Quốc, sự thừa nhận này đã dẫn đến một sự đảo ngược lớn về thể chế. Hiện nay, cũng vẫn trường cao đẳng trên đã báo cáo rằng một triệu nhân viên y tế đã đạt tới mức năng lực có thể chấp nhận được. Các nhân viên y tế này là những người dân thường và trong thời kỳ nông nhàn đã tham dự các khóa học ngắn hạn, bắt đầu với việc mổ lợn, sau đó đến việc thực hiện các xét nghiệm thông thường, tìm hiểu về các yếu tố trong vi khuẩn học, bệnh học, y học lâm sàng, vệ sinh và châm cứu, rồi tiếp tục học nghề với bác sĩ hoặc các đồng nghiệp đã được đào tạo trước đó. Những “bác sĩ chân đất” này vẫn ở lại nơi làm việc của mình nhưng thỉnh thoảng được gọi đi khi đồng nghiệp cần sự trợ giúp. Họ có trách nhiệm làm vệ sinh môi trường, giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, sơ cứu, chăm sóc y tế ban đầu, theo dõi sau ốm, cũng như hỗ trợ phụ khoa, ngừa thai và giáo dục về phá thai. Mười năm sau khi bước ngoặt thứ hai của y học phương Tây được thừa nhận, Trung Quốc dự định sẽ có một nhân viên y tế đầy đủ năng lực cho 100 dân. Trung Quốc đã chứng minh rằng sự đảo ngược đột ngột của một tổ chức lớn là điều có thể. Chưa rõ sự phi chuyên môn hóa này có thể được duy trì hay không, để chống lại ý thức hệ quá tự cao về sự tiến bộ vô hạn và áp lực từ các bác sĩ chuyên nghiệp bắt những người đồng nghiệp chân đất phải sát nhập thành những chuyên gia bán thời gian ở bậc thang dưới cùng trong một hệ thống y tế phân cấp.
Ở phương Tây trong những năm 60, sự không hài lòng với y học đã tăng tỷ lệ thuận với chi phí cho ngành này và đạt đến cường độ lớn nhất là ở Hoa Kỳ. Những người nước ngoài giàu có đổ xô đến các trung tâm y tế của Boston, Houston và Denver để tìm kiếm các phương pháp chữa trị kỳ lạ, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh của người nghèo Hoa Kỳ vẫn tương đương với tỷ lệ ở một số nước nhiệt đới tại châu Phi và châu Á. Giờ đây, chỉ những người rất giàu của Hoa Kỳ mới có thể chi trả cho điều mà mọi người dân ở các nước nghèo đều có được: sự chăm sóc cá nhân vào lúc hấp hối. Một người Mỹ hiện có thể tiêu vào 2 ngày chăm sóc lúc hấp hối hết một khoản tiền bằng với thu nhập trung bình hằng năm của người dân trên thế giới.
Tuy nhiên, thay vì vạch trần chứng rối loạn có tính hệ thống thì chỉ các triệu chứng của ngành y tế “ốm đau” mới được công khai ở Hoa Kỳ hiện nay. Những người phát ngôn cho tầng lớp nghèo thì phản đối các định kiến tư bản của tổ chức AMA và mức thu nhập của bác sĩ. Những người đứng đầu cộng đồng thì phản đối việc thiếu kiểm soát của cộng đồng đối với các hệ thống phân phối sự chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp hay chăm sóc người bệnh, họ tin rằng những người không chuyên trong các hội đồng của bệnh viện có thể sử dụng chuyên môn y tế. Những người phát ngôn da đen thì phản đối việc tập trung quỹ nghiên cứu cho các loại bệnh thường có xu hướng hay tấn công những quan chức da trắng, cao tuổi, thừa cân, và là người phê duyệt ngân quỹ. Họ đề nghị phải có nghiên cứu về bệnh hồng cầu hình liềm, loại bệnh chỉ tấn công người da đen. Các cử tri thông thường hy vọng rằng việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam sẽ giúp có thêm quỹ để tăng sản xuất y tế. Tuy nhiên, mối quan tâm chung về các triệu chứng bề nổi này làm phân tán sự chú ý khỏi sự bành trướng làn tràn của việc chăm sóc sức khỏe mang tính thể chế, vốn là căn nguyên của sự gia tăng chi phí, nhu cầu và sự suy giảm an sinh.
Cuộc khủng hoảng của y học nằm ở mức sâu hơn nhiều so những gì các triệu chứng của nó cho thấy và tương ứng với cuộc khủng hoảng hiện nay của tất cả các thể chế công nghiệp. Nó là kết quả của việc phát triển một tổ hợp chuyên nghiệp được xã hội ủng hộ và khuyến khích để cung cấp sức khỏe ngày càng “tốt hơn”, và đến từ việc khách hàng sẵn lòng làm những con chuột bạch trong thí nghiệm vô ích này. Người ta đã mất quyền tuyên bố mình bị bệnh; giờ đây xã hội chỉ chấp nhận tuyên bố về bệnh tật sau khi đã có xác nhận của các quan chức y tế.
Đối với lập luận này, không nhất thiết phải chấp nhận năm 1913 và 1955 là hai năm bước ngoặt để có thể hiểu rằng ngay từ đầu thế kỷ XX y tế đã bước vào một kỷ nguyên của sự xác minh khoa học đối với những kết quả mà nó mang lại. Và chính ngành y sau này đã trở thành một bằng chứng ngoại phạm cho những thiệt hại rõ ràng do y tế chuyên nghiệp gây ra. Ở bước ngoặt đầu tiên, những hiệu ứng đáng mong đợi từ các khám phá khoa học đã được đo lường và kiểm chứng một cách dễ dàng. Nguồn nước không mầm bệnh làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do tiêu chảy, aspirin làm giảm đau thấp khớp, và bệnh sốt rét có thể được kiểm soát bằng quinine. Một số phương pháp chữa trị truyền thống đã bị coi là lang băm, nhưng quan trọng hơn cả là việc sử dụng một số thói quen và công cụ đơn giản đã được lan truyền rộng rãi. Người ta bắt đầu hiểu mối quan hệ giữa sức khỏe và một chế độ ăn uống cân bằng, không khí trong lành, tập thể dục, nước lọc và xà phòng. Các thiết bị mới từ bàn chải đánh răng cho đến băng cứu thương và bao cao su đã trở nên phổ biến rộng rãi. Khó có thể nghi ngờ sự đóng góp tích cực của y học hiện đại đối với sức khỏe cá nhân trong đầu thế kỷ 20.
Nhưng sau đó y học bắt đầu tiếp cận bước ngoặt thứ hai. Mỗi năm ngành y lại báo cáo về một bước đột phá mới. Các bác sĩ trong các chuyên khoa mới đã phục hồi được chức năng cho một số cá nhân mắc bệnh hiếm gặp. Việc thực hành y tế trở thành sự tập trung vào hiệu quả công việc của nhân viên trong bệnh viện. Lòng tin vào các thần dược đã xóa sạch sự sáng sốt và kiến thức truyền thống về chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng thuốc một cách vô trách nhiệm đã lan từ bác sĩ ra dân chúng. Bước ngoặt thứ hai diễn ra khi tiện ích cận biên của sự chuyên nghiệp hóa bị giảm sút, ít nhất là trong biểu hiện về mặt an sinh thể chất của số lượng lớn người dân. Khi sự độc quyền của ngành y trở thành chỉ số về việc nhiều người phải chịu đựng nhiều hơn thì độ phi thỏa dụng cận biên[1] đã tăng lên, và lúc này bước ngoặt thứ hai đã được hoàn thành. Sau khi bước ngoặt thứ hai này kết thúc, ngành y vẫn tự nhận là luôn tiến bộ liên tục, sự tiến bộ đó được đo bằng những mốc mới mà các bác sĩ tự đặt ra cho bản thân rồi sau đó đạt được: những khám phá có thể dự đoán được và các chi phí. Ví dụ, một vài bệnh nhân đã sống sót lâu hơn nhờ cấy ghép các bộ phận khác nhau. Mặt khác, tổng chi phí xã hội do y học đòi hỏi không còn có thể được đo lường trong điều kiện thông thường nữa. Xã hội không thể có các tiêu chuẩn định lượng để tính tổng các giá trị tiêu cực của sự ảo tưởng, kiểm soát xã hội, đau khổ kéo dài, cô đơn, thoái hóa gen và sự thất vọng do việc điều trị y tế đem lại.
Các thể chế công nghiệp khác cũng đã trải qua hai bước ngoặt như vậy. Điều này chắc chắn đúng đối với các cơ quan xã hội lớn đã được tổ chức lại theo các tiêu chí khoa học trong 150 năm qua. Giáo dục, bưu điện, công tác xã hội, giao thông vận tải và thậm chí cả ngành kỹ thuật dân dụng cũng đã tuân theo quá trình tiến hóa này. Lúc đầu, kiến thức mới được áp dụng để giải quyết một vấn đề được nêu ra rõ ràng và các thước đo khoa học được áp dụng để mô tả hiệu quả mới. Nhưng ở thời điểm thứ hai, tiến bộ được cho thấy trong một thành tựu trước đó thì giờ đây lại được sử dụng làm lý do cho việc bóc lột toàn xã hội để phục vụ một giá trị được định ra và liên tục sửa đổi bởi một bộ phận trong xã hội, tức là bởi một trong số giới tinh hoa tự chứng nhận của nó.
Trong giao thông vận tải, đã mất gần một thế kỷ để đi từ kỷ nguyên các phương tiện cơ giới phục vụ con người sang kỷ nguyên mà xã hội đã bị thu giảm thành chỉ còn là nô lệ cho xe hơi. Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, bánh xe chạy bằng hơi nước đã trở nên hữu ích. Nền kinh tế mới trong giao thông vận tải đã cho phép nhiều người đi du lịch bằng đường sắt với tốc độ của một chuyến xe ngựa hoàng gia, và trong sự thoải mái mà ngay cả các vị vua thời trước cũng không dám mơ tới. Dần dần, cách di chuyển mà nhiều người mong muốn đã được gắn với và cuối cùng là đồng nhất với phương tiện tốc độ cao. Nhưng khi giao thông vận tải đã trải qua bước ngoặt thứ hai thì các phương tiện giao thông lại tạo ra nhiều khoảng cách hơn là giúp rút ngắn chúng; toàn xã hội đã tốn nhiều thời gian vào giao thông hơn là đã “tiết kiệm”.
Việc nhận ra sự tồn tại của hai bước ngoặt này là đã đủ để có được cái nhìn mới về cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay của chúng ta. Trong vòng một thập kỷ, một vài thể chế lớn đã cùng nhau trải qua bước ngoặt thứ hai của mình. Các trường học đang mất đi vị trí là công cụ hữu hiệu cho giáo dục; xe hơi đã không còn là công cụ hữu hiệu cho giao thông hàng loạt; và dây chuyền lắp ráp không còn là một phương thức sản xuất có thể chấp nhận được nữa.
Phản ứng đặc trưng của những năm 60 đối với sự thất vọng đang lớn dần là công nghệ và hành chính tiếp tục leo thang hơn nữa. Sự leo thang quyền lực mang tính tự diệt trở thành nghi thức cốt lõi được thực hành ở các quốc gia công nghiệp hóa cao độ. Trong bối cảnh này, cuộc chiến tranh Việt Nam vừa mang tính phơi bày, vừa mang tính che giấu. Nó làm cho nghi thức này hiển hiện rõ trước toàn thế giới trên sân khấu nhỏ hẹp của chiến tranh, nhưng nó cũng đánh lạc hướng sự chú ý khỏi việc chính nghi thức này đang được tái hiện tại nhiều phương diện được gọi là hòa bình. Cách cuộc chiến diễn ra chứng tỏ rằng một đội quân cộng sinh giới hạn trong tốc độ xe đạp sẽ được lợi từ sự leo thang về quyền lực vô danh của đối phương. Vậy nhưng nhiều người Mỹ cũng lập luận rằng các nguồn lực bị lãng phí vào cuộc chiến ở Viễn Đông có thể được sử dụng một cách hiệu quả để dập tắt sự nghèo đói tại quê nhà của họ. Những người khác thì nóng lòng muốn sử dụng món tiền 20 tỷ đô la mà cuộc chiến tiêu tốn hiện nay vào việc tăng hỗ trợ phát triển quốc tế từ mức rất thấp hiện nay là 2 tỷ. Họ không nắm được cơ cấu tổ chức cơ bản có chung giữa một cuộc chiến ôn hòa chống lại đói nghèo và một cuộc chiến đẫm máu chống lại sự bất đồng chính kiến. Cả hai đều khiến những thứ chúng định loại bỏ ngày càng leo thang.
Mặc dù bằng chứng cho thấy rằng nhiều hơn của cùng một thứ thì chỉ dẫn đến sự thất bại hoàn toàn mà thôi, nhưng chỉ có sự ngày càng nhiều hơn thì mới có vẻ là đáng giá trong một xã hội bị nhiễm chứng cuồng tăng trưởng. Lời khẩn cầu không chỉ là để có thêm bom và thêm cảnh sát, khám sức khỏe nhiều hơn và nhiều giáo viên hơn, mà còn để có thêm thông tin và thêm nghiên cứu. Tổng biên tập của tờ Bulletin of Atomic Scientists (Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử) tuyên bố rằng hầu hết các vấn đề hiện tại của chúng ta là kết quả của việc áp dụng sai các kiến thức mới có được gần đây, và ông ta kết luận rằng cách khắc phục duy nhất cho mớ hỗn độn mà những thông tin này tạo ra là phải có thêm nhiều thông tin hơn nữa. Và đã trở thành mốt khi nói rằng ở những nơi khoa học và kỹ thuật đã gây ra vấn đề thì chỉ có tăng thêm hiểu biết khoa học và công nghệ tân tiến mới có thể đưa chúng ta vượt qua khỏi những vấn đề đó mà thôi.
Thuốc chữa cho quản lý tồi là quản lý nhiều hơn. Thuốc chữa cho nghiên cứu chuyên ngành là nghiên cứu liên ngành tốn kém hơn, cũng như thuốc chữa cho các dòng sông bị ô nhiễm là thêm nhiều chất tẩy rửa không gây ô nhiễm nhưng tốn kém hơn. Việc tổng hợp các kho lưu trữ thông tin, việc tích trữ thêm kiến thức, nỗ lực để áp đảo các vấn đề hiện tại bằng cách cho ra nhiều khoa học hơn cuối cùng vẫn là nỗ lực để giải quyết khủng hoảng bằng sự leo thang.
Chú thích:
[1] “Marginal disutility”, đối nghĩa với từ “marginal utility” (tiện ích cận biên) ở câu trên – ND.