Giấc mơ Ghibli – Thành công và những mâu thuẫn của Anime Nhật Bản

Trích đoạn từ cuốn sách "HỒN ANIME - Hợp tác cùng sáng tạo và câu chuyện thành công của truyền thông Nhật Bản".

Hồn Anime: Hợp tác cùng sáng tạo và câu chuyện thành công của truyền thông Nhật Bản của Ian Condry là một tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về cách thức mà anime, một hình thức truyền thông và văn hóa đại chúng Nhật Bản, đã đạt được sự phổ biến toàn cầu. Condry phân tích chi tiết cách anime không chỉ vượt qua ranh giới quốc gia thông qua các chương trình truyền hình và phim điện ảnh, mà còn qua sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất và cộng đồng người hâm mộ nhiệt tình.

Cuốn sách khám phá tính sáng tạo hợp tác là nhân tố chính mang lại thành công cho anime, kết nối giữa những nhà sản xuất chính thức và các hoạt động phi chính thức của người hâm mộ. Condry cung cấp cái nhìn chi tiết vào mạng lưới hợp tác trong ngành và tác động của nó đến tương lai cá nhân của những người tham gia sản xuất anime.

Ngoài ra, sách còn đi sâu vào việc phân tích văn hóa fan otaku tại Nhật, và cách nó ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng. Với các chương bàn luận về sự phát triển của anime từ thời kỳ hậu chiến đến ngày nay, tác giả không chỉ đề cập đến những bộ anime nổi tiếng như Pokémon hay Spirited Away, mà còn khám phá những tác phẩm nghệ thuật được yêu thích bởi giới mộ điệu.

Tại sao Nhật Bản là cội nguồn của đa số phim hoạt hình truyền hình được phát sóng trên toàn thế giới? Những buổi đầu của ngành công nghiệp anime thời hậu chiến ở Nhật có thể cho ta biết điều gì về sự nổi lên của thành công? Để bắt đầu trả lời những câu hỏi này, tôi nhìn vào những tương tác phức tạp giữa các ảnh hưởng quốc nội và quốc tế rồi cân nhắc chi tiết hơn ý nghĩa của thành công đối với một hình thức truyền thông phụ thuộc vào những sự hợp lực liên phương tiện. Sự phát triển của ngành công nghiệp anime phụ thuộc vào những mạng sáng tạo, hợp tác đa dạng vận hành khắp các hình thức truyền thông. Để thấy được những mạng này nổi lên như thế nào, chúng ta ghé thăm những không gian sản xuất anime đương đại và xem xét chút lịch sử buổi đầu của các hãng anime trong những năm 1950 và 1960. Tôi giới thiệu các hướng tiếp cận khác nhau đối với sản xuất, xét sơ qua sự nhấn mạnh thời đầu của hãng Toei Animation lên phim dài, và những cách tân (một số người sẽ gọi là giới hạn) của bộ phim truyền hình Atom Cậu bé tay sắt do hãng Mushi Pro thực hiện. Chúng ta cũng xem xét một số ảnh hưởng của Disney trên tư cách một mô hình toàn cầu, và nhãn quan của một đạo diễn hoạt hình Mỹ gốc Hàn làm việc cho các hãng phim ở Seoul, Los Angeles, và Tokyo. Chương này khép lại với một cái nhìn vào “chủ nghĩa tư bản dân chủ” của ngành manga Nhật Bản, xem nó nói lên điều gì về thành công trong truyền thông xét tổng quát hơn. Nghĩ về anime như là một nền tảng tạo sinh cho sáng tạo cho phép chúng ta thấy được những hãng phim khác nhau nhìn nhận nền tảng này thế nào để họ thiết lập mô hình kinh doanh theo những cách cụ thể. Lựa chọn của các hãng phim không đồng bộ mà cũng chẳng hoàn toàn nhất quán.

Thêm nữa, thành công tại Nhật Bản không phải lúc nào cũng quy ra được thành công ở ngoại địa. Trên thực tế, loạt anime truyền hình dài tập nhất và nổi tiếng nhất ở Nhật, Sazae-san, thậm chí còn không được cấp phép chiếu ở Mỹ và cơ bản là các nhóm dịch của người hâm mộ đều bỏ qua nó. Noriko Hasegawa sáng tạo Sazae-san vào năm 1947 theo kiểu truyện bốn khung dọc; tác phẩm có cái nhìn hài hước vào một gia đình và chuyện nhà xoay quanh bà nội trợ Sazae, mà bộ truyện đặt tên theo đó (Lee 2000). Anime của nó bắt đầu phát sóng vào năm 1969 và đến nay vẫn còn tiếp diễn. Thậm chí trong năm 2007, bộ phim còn thu được tỉ lệ người xem hàng đầu trong số các bộ phim truyền hình hoạt họa, vươn đến con số hơn 21% hộ gia đình (Dentsu 2009: 96). So ra, tỉ lệ người xem của Thần tượng âm nhạc ở Mỹ đạt đỉnh là 29% cũng trong năm 2007 (Nielsen 2008), nhưng chương trình này không thể chiếm được lượng khán giả ổn định như Sazae-san. Cá nhân tôi bị ấn tượng trước quy mô rộng khắp của lượng người hâm mộ Sazae-san khi một người bạn Nhật làm công việc hỗ trợ quản lý phòng tập võ tổng hợp ở Tokyo và quanh năm giúp quảng bá những trận “đối kháng đỉnh cao” trong lồng sắt nói với tôi rằng anh thường xem phim này vào những tối Chủ nhật. Với anh, nó giống như một món ăn dễ chịu, và không chỉ mình anh nghĩ vậy. Một rapper người Nhật nghệ danh Kohei Japan đùa cợt trong một bài hát của anh ta, “Đến chừng Sazae-san hết, tôi lại thấy chớm buồn” (vì như vậy nghĩa là tối Chủ nhật sắp qua, ngày thứ Hai sắp đến). Thế nên ngay cả khi anime lan rộng ra trên quang cảnh toàn cầu, thì những ví dụ có sẵn trên bình diện quốc tế vẫn chỉ đại diện cho một phân khúc nhỏ của những anime được sản xuất trong nước mỗi năm. Nhật Bản tự hào có hằng hà sa số bộ phim truyền hình. Nhìn chung, hơn chín mươi bộ chiếu mỗi tuần, đa dạng từ chương trình thiếu nhi chiếu giờ vàng và sáng thứ Bảy cho đến những sô hài và rùng rợn nhắm đến người trưởng thành thường chiếu vào tối muộn (Dentsu 2009: 96). Tùy bạn nhìn đi đâu, ý nghĩa của anime có thể thay đổi đáng kể.

Điều này buộc ta chú ý một khía cạnh khác của nghiên cứu dân tộc chí – đó là, những thách thức của việc ứng phó với mâu thuẫn. Dân tộc chí tức là một hướng phân tích văn hóa bắt đầu bằng cách khắc họa thế giới trông như thế nào đối với những người dính dáng vào một phạm vi hoạt động nhất định hay một cộng đồng nào đó. Quyết tâm gắn bó với “góc nhìn của người bản địa” giờ đây bao hàm cả đông đảo những người cung cấp thông tin tiềm năng, từ những ai ở trên thang bậc cao trong xã hội (Hamabata 1990) cho đến những người vô gia cư ngủ qua đêm trong công viên (Gill 2001). Những nhà nhân học văn hóa nêu bật công việc điền dã quan sát-tham gia như là cơ sở để thiết lập những phát hiện mới, nhưng dân tộc chí thì còn hơn cả chỉ lấy tin từ mọi người. Trong điều kiện tốt nhất, dân tộc chí là một quá trình hợp tác làm nghiên cứu, ở phương pháp này những câu hỏi chúng tađặt ra sẽ được định hình bởi góc nhìn của những người làm việc trong thế giới của họ. Dân tộc chí do đó khuyến khích một nghị trình nghiên cứu bắt đầu từ quan điểm của những người tham gia chủ động rồi lần giở từ đấy để phát triển lên thành lý thuyết. Khi đặt các tiếng nói sát cạnh nhau, ta có thể nhận ra mẫu hình trong cách thức người ta quyết định ứng xử, và ta hình dung được phần nào cách họ nhìn nhận tầm kiểm soát của chính họ – hay, nói theo ngôn ngữ hàn lâm, là sự tự chủ cá nhân (agency) của họ giữa những cấu trúc bất bình đẳng. Ta cũng có thể quan sát mọi người trải nghiệm những câu thúc và cơ hội như thế nào. Không cần phải nói, câu chuyện mà người ta kể và góc nhìn mà họ đem lại cho những dự án lớn hơn thường mâu thuẫn nhau. Mặc cho các khác biệt (hay đôi khi là vì các khác biệt), làm thế nào đó mà những tác nhân khác nhau – những góc nhìn đua tranh nhau của họ và những phạm vi quyền lực cá nhân – lại hợp tác để sản xuất ra thế giới như chính nó ngày nay.

Sự phân cách giữa những góc nhìn có thể sinh ra một dạng “xích mích sáng tạo”, như cách gọi của nhà nhân học Anna Tsing trong mô tả dân tộc chí của bà về liên kết toàn cầu. Bà hướng sự chú ý về những “hiểu lầm có hệ thống” giữa các nhóm xã hội và các “vùng dự phần ngượng nghịu, nơi mà ngôn từ có nghĩa khác nhau qua đường phân giới cho dù người ta đồng ý nói” (2005: x). Ở khía cạnh này, dân tộc chí cho phép chúng ta tiếp cận những vấn đề về thị trường anime và quyền lực văn hóa từ đa dạng góc độ. Các giá trị để dẫn đường cho sản xuất là một trong số những gì xác định tiềm năng của anime. Ta phát hiện ra rằng không có một định nghĩa đơn nhất cho “anime”, và cuộc tranh luận xem thứ gì là quan trọng bị đứt gãy chính do những hiểu biết khác nhau về nguồn gốc sáng tạo, khao khát của khán giả, và những bối cảnh truyền thông rộng hơn trong đó ngành công nghiệp hoạt hình phát triển. Câu chuyện của anime xoay quanh những góc nhìn đua tranh với nhau xác định ý nghĩa của thành công.

Nhà sản xuất anime đã quen với việc tư duy về hoạt hình từ góc độ lao động, và từ góc độ chất lượng. Vào tháng 3 năm 2005, tôi phỏng vấn Toshio Suzuki, giám đốc sản xuất của hãng Ghibli, tại tòa nhà chính của hãng ở Koganei, ngoại ô Tokyo. Đằng sau ông là tủ kính trưng tượng vàng Oscar phim hoạt hình xuất sắc nhất từ Giải thưởng Viện Hàn lâm năm 2002 và một tượng Gấu Vàng (từ Liên hoan phim Berlin), cả hai đều dành cho Vùng đất linh hồn (đ.d. Hayao Miyazaki, 2001). Bộ phim là câu chuyện dàn dựng tuyệt đẹp về một cô bé bị mắc kẹt trong một nhà tắm công cộng thần kỳ thuộc về thế giới khác, ở đấy cô phải làm sáng tỏ bí ẩn để cứu cha mẹ. Bộ phim là tác phẩm thành công nhất của Miyazaki ở ngoại địa, và nó là ví dụ hoàn hảo cho một anime vừa được lòng giới phê bình vừa nổi bật trong dòng chủ lưu.

Thế nhưng khi tôi hỏi Suzuki ông nghĩ gì về thành công của anime, ông nhíu mày: “Anh muốn tôi ngồi đây kể cho anh nghe chuyện tươi sáng rạng ngời về ngành công nghiệp anime, hay anh muốn nghe tôi nói sự thật?” Ông mô tả những rắc rối nảy sinh từ công việc thuê ngoài ra Hàn Quốc và Philippines (đôi khi kết quả chỉ chắp vá), việc sản xuất quá tải (quá nhiều bộ phim làm chỉ với quá ít nhân tài ở Tokyo), và những rắc rối dai dẳng vì kinh phí thấp cùng những trở ngại mà đồng lương còm cõi gây cho ngay cả những diễn hoạt viên tận tâm tận lực. Ông kể thêm những mối bận tâm khác, bao gồm yêu cầu vô lý từ nhà tài trợ và thách thức khi thỏa thuận với những nhà phân phối ngoại địa. Hàng lô lốc lời than phiền từ ông khiến người ta phải gượm lại ý nghĩ rằng anime Nhật đại thể đáng gọi là thành công.

Hay, đúng hơn, có lẽ ta cần một định nghĩa tinh tế hơn về thành công để hiểu hơn những bài học của anime. Anime xuất hiện nhan nhản trên màn hình ti vi vòng quanh thế giới không có nghĩa là mỗi chương trình ở Nhật đều thành công. Trái lại, biên tập viên một tạp chí anime mạng thuộc Oricon, công ty hàng đầu trong việc theo dấu khán giả truyền thông ở Nhật, ước lượng rằng chỉ một trong bốn bộ có thể được tính là thành công. Ngay cả với hãng Ghibli, cảm giác thành công vẫn luôn bị kìm lại bởi sự bất định ở tương lai. Tình trạng bất định này ngự trị khắp các ngành truyền thông, và như vậy đồng nghĩa chúng ta có thể tích lũy chút hiểu biết cho mình qua việc xem xét cách mà những hãng phim khác nhau hình dung về những điều họ chưa biết.

Bản lưu Sự kiện thảo luận Tác phẩm “Hồn Anime” & nền tảng của công nghiệp văn hóa tại Nhật Bản

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *